Những người khốn khổ - PHẦN I - Quyển I - Chương 01 - 02 - 03

PHẦN THỨ NHẤT:

PHĂNG TIN (Fantine)

QUYỂN I: MỘT
CHÍNH NHÂN QUÂN TỬ

I

ÔNG MIRIEN[4]

[4] Những chú thích trong bản dịch này đều là của người
dịch, trừ một vài chú thích có ghi “của nguyên bản”.

Khi pháp luật và phong hóa còn đày đọa con người, còn dựng
nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo
chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự sa đọa của đàn
ông vì bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ
nhỏ vì tối tăm, chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở;
nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất, dốt nát và đói khổ
còn tồn tại thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích.

HÔTƠVIN - HAODƠ

NGÀY 1-1-1862

*****

Năm 1815, ông Sáclơ Frăngxoa Biêngvơnuy Mirien làm giám mục ở
Đinhơ. Đó là một ông lão chừng bảy mươi lăm tuổi, được cử về đây từ năm 1806.

Điều sau đây chẳng dính dáng tí gì đến nội dung câu chuyện
chúng tôi kể, nhưng nêu ra đây những tiếng đồn, những lời bàn tán về ông lúc
ông đến địa phận, có lẽ cũng không đến nỗi vô ích, dù chỉ là để cho mọi việc
được chính xác. Đúng hay sai, miệng thế thường chiếm trong cuộc đời, nhất là
trong vận mệnh người khác, cũng nhiều chỗ bằng công việc họ làm. Ông Myriel là
con một vị bồi thẩm ở tòa thượng thẩm Etxơ, dòng quý tộc văn thần. Người ta kể
rằng, ông thân sinh định dành cho ông thừa kế chức vụ của mình, nên đã kiếm vợ
cho ông rất sớm, từ lúc ông còn mười tám đôi mươi gì đấy, theo một thói tục khá
phổ biến trong các gia đình tư pháp. Sáclơ Mirien đã có vợ rồi đấy, nhưng theo
dư luận, vẫn làm cho người ta nói về mình khá nhiều. Ông ta tầm vóc hơi thấp
bé, nhưng dáng người cân đối lại phong nhã, duyên dáng, hóm hỉnh; cả quãng đời
thanh niên chỉ dành cho việc giao du và trò ong bướm. Cách mạng xảy đến, sự
biến dồn dập, các gia đình tư pháp bị tổn vong, xua đuổi, truy lùng, tản mát
mọi nơi. Ngay từ những ngày đầu Cách mạng, Sáclơ Mirien đã di cư sang Ý. Vợ ông
ta chết bên ấy vì một bệnh phổi mắc sẵn từ rất lâu. Hai vợ chồng không có con.
Sau đó cái gì xảy ra trong thân thế Mirien? Sự sụp đổ của xã hội cũ, sự sa sút
của chính gia đình mình, những cảnh tượng bi thảm năm 93,[5] có lẽ còn ghê sợ hơn đối với
những kẻ di cư, vì đã hoảng hốt mà ở xa thì nhìn cái gì cũng thành phóng đại,
tất cả những cái đó phải chăng đã gieo vào trí ông ta những ý nghĩ từ bỏ công
danh, mến đời ẩn dật? Có phải, giữa những cuộc vui chơi và những tình cảm choán
hết cuộc đời, bỗng dưng ông bị giáng một đòn thần bí, kinh khủng, ngón đòn có
khi chỉ vì đánh trúng tim nên quật đổ con người mà lâu nay các tai họa công
cộng đánh vào cuộc sống và tài sản không sao lay chuyển nổi? Không một ai có
thể trả lời được. Chỉ biết một điều là khi từ Ý trở về, ông ta đã là một cố
đạo.

[5] 1793: Năm cách mạng Pháp trấn áp kẻ thù dữ dội nhất
và xử tử cả vua Louis XVI. Cũng có những vụ trừng trị sai lầm nhất định.

Năm 1804, ông Mirien làm cha xứ ở Brinhôn. Ông đã già và sống
cuộc đời ẩn dật.

Vào khoảng lễ đăng quang, ông phải lên Pari vì có chút việc
của nhà xứ, việc gì thì không ai nhớ nữa. Trong số những nhà quyền thế mà ông
đến nhờ vả cho con chiên của ông, có đức giáo chủ Phếch. Một hôm hoàng đế đến
thăm cậu, ông linh mục đức độ ấy đang đợi ở phòng khách nên gặp ngài lúc ngài
đi qua. Ngài thấy ông nhìn mình có vẻ tò mò, liền quay lại đột ngột hỏi:

- Lão nhân là ai mà nhìn ta kỹ thế?

Ông Mirien đáp:

- Tâu bệ hạ, bệ hạ nhìn một lão nhân,
còn hạ thần thì nhìn một vĩ nhân, bên nào cũng được lợi cả.

Ngay tối hôm ấy hoàng đế hỏi giáo chủ
tên vị cha xứ và sau đó ít lâu, ông Mirien rất ngạc nhiên được tin mình thăng
chức giám mục thành Đinhơ.

Chẳng ai biết thực hư trong những câu
chuyện người ta kháo nhau về đoạn đầu của cuộc đời ông. Có mấy nhà quen thuộc
gia đình ông hồi trước Cách mạng đâu! Thành ra ông cũng phải chịu cái số phận
chung của những người xa lạ mới đến ở một thành phố nhỏ có lắm kẻ rỗi mồm mà ít
người chịu khó suy nghĩ. Ông đành chịu vậy mặc dù ông làm giám mục và chính vì
ông làm giám mục. Thật ra, những chuyện xì xào về ông chỉ là những chuyện xì
xào, những tiếng đồn đại, những lời nói vào nói ra thôi, nghĩa là toàn những
chuyện ba láp cả, như cách nói mạnh mẽ của miền Nam.[6]

[6] Nguyên
văn: Palares: khẩu ngữ Pháp cổ, nghĩa từ nguyên là tặng vật linh tinh trao cho
một vua hoặc tù trưởng Châu Phi, nghĩa rộng là chuyện dông dài vô bổ. Hình như
danh từ này đã nhập tích vào miền Nam Việt Nam và trở thành: ba láp

Dù sao, chín năm trời ông làm giám mục ở Đinhơ, những chuyện
thóc mách người tỉnh nhỏ ưa đem ra bàn tán buổi đầu ấy dần dần rồi cũng bẵng đi
hết. Chẳng một ai dám nói, mà cũng chẳng một ai dám nhớ đến nữa.

Đến nhậm chức ông có đem theo một người em gái, cô Baptistin.
Cô kém ông anh mười tuổi, ở vậy không lấy chồng. Trong nhà độc một người ở,
trạc tuổi cô em, gọi là bà Magơloa. Trước kia bà là vú già của Cha xứ, nhưng
nay bà lại kiêm hai chức, vừa là hầu phòng của cô em, vừa là quản gia của đức
giám mục.

Cô Baptistin người cao lại lép, nước da xanh tái, nét mặt
hiền hậu. Cô thực là một người đáng trọng, vì hình như đàn bà có làm mẹ mới gọi
là đáng kính được. Cô không phải là người có nhan sắc, nhưng một đời tận tụy
làm việc thiện đã làm cho cô có một vẻ gì trong trắng và lúc về già được thêm
cái vẻ nhân hậu. Dáng người mảnh dẻ của thời con gái nay đã nhuốm vẻ thanh cao
trong sáng của bậc thiên thần. Cô không phải chỉ là một trinh nữ, cơ hồ cô là
một linh hồn. Người cô như một cái bóng. Chỉ một chút thể xác để biết là
phụ nữa thôi; một chút thể chất rạng chói hào quang. Hai con mắt to lúc nào
cũng nhìn xuống; một cái cớ cho linh hồn nán lại chốn trần tục.

Bà Magơloa là một bà già thấp bé, da trắng, béo tròn, lúc nào
cũng tất tả, cũng thở hổn hển, một phần vì hoạt động, một phần vì chứng hen.

Khi ông Mirien đến nhậm chức, người ta đã đón rước ông về
dinh giám mục với mọi nghi lễ long trọng đúng quy chế nhà vua ban hành. Quy chế
này xếp ông liền ngay sau chức thiếu tướng. Ông thị trưởng và ông chánh án đến
thăm ông đầu tiên; phần ông, trước hết ông cũng đến thăm ông thiếu tướng và ông
tỉnh trưởng.

Xếp đặt xong xuôi, ai nấy chờ xem ông giám mục tỉnh nhà bắt
tay vào việc.

II

ÔNG MIRIEN THÀNH ĐỨC CHA BIÊNGVƠNUY[7]

[7] Biêngvơnuy (Bienvenu) là tên đệm của ông Mirien nhưng
cũng có nghĩa là “người được mong đợi”

Dinh giám mục thành Đinhơ ở sát ngay nhà thương. Đó là một
tòa biệt thự to lớn và lịch sự, xây toàn bằng đá từ đầu thế kỷ trước. Người xây
dựng nó là đức cha Hăngri Puygiê, tiến sĩ thần học trường đại học Pari, viện
trưởng tu viện Ximo, từ năm 1712 làm giám mục thành Đinhơ. Tòa biệt thự này quả
là một lâu đài lãnh chúa. Chỗ nào cũng uy nghi, nhà riêng của giám mục, phòng
khách, phòng ngủ, sân chơi rộng rãi với những lối dạo có vòm cuốn, theo kiểu
Phơlorăngxơ thời xưa, vườn thênh thang đầy những cổ thụ. Phòng ăn cao rộng, đẹp
đẽ, ở ngay tầng dưới, trông ra vườn. Ở đấy ngày 29 tháng 7 năm 1714, đức cha Hăngri
Puygiê đã thết tiệc trọng thể các đức cha Sáclơ Bruyla đơ Giangli, tổng giám
mục - hoàng thân ở Ămbroong, Ăngtoan đơ Mêgrinhi, tu sĩ dòng thánh Frăngsơ,
giám mục ở Grát, Philip đơ Văngđôm, Pháp quốc lễ thần, viện trưởng tu viện
Thánh Ônôrê đơ Lôranh, Frăngxoa đơ Béctông đơ Griông, giám mục - nam tước ở
Văngxơ, Xêda đơ Xabrăng đơ Forcankiê, giám mục - thống đốc ở Glăngđơve và Giăng
Xôanen, linh mục giảng viện, giảng sư bình thời của nhà vua, giám mục - thống
đốc ở Xơnê. Gian phòng bày chân dung bảy nhân vật cao quí‎ ấy, còn cái
ngày đáng ghi nhớ, ngày 29 tháng 7 năm 1714, thì được khắc bằng chữ
vàng trên một cái bàn cẩm thạch trắng.

Nhà thương là một ngôi nhà thấp, chật hẹp có độc một tầng gác
với một mảnh vườn nhỏ.

Vừa đến Đinhơ được ba hôm, đức giám mục sang thăm nhà thương.
Thăm xong, ông cho mời viên giám đốc đến nhà riêng.

- Ông giám đốc bệnh viện, lúc này ông có bao nhiêu bệnh nhân?

- Bẩm có hai mươi sáu người.

- Đúng, tôi cũng đã đếm.

- Giường họ nằm kê sát nhau quá, - viên giám đốc nói tiếp.

- Tôi cũng đã nhận thấy vậy.

- Phòng dưỡng bệnh chỉ là những buồng con, không khí tù hãm.

- Tôi cũng thấy hình như thế.

- Lại còn cái vườn nhỏ quá, không đủ chỗ cho những người mới
hồi phục ra chơi khi trời nắng ấm.

- Tôi cũng nghĩ vậy.

- Vào hồi có dịch, như năm nay vừa có dịch thương hàn, năm
kia có dịch sốt phát ban, người đến chữa có lúc hàng trăm, chúng tôi chẳng còn
biết xoay xở ra sao.

- Tôi cũng đã lo có điều như vậy.

- Bẩm Đức Cha, cũng đành thôi, chứ biết làm thế nào - viên
giám đốc nói.

Hai người nói chuyện ở ngay chỗ phòng ăn rộng lớn dưới nhà.
Ông giám mục trầm ngâm một lúc rồi quay phắt lại hỏi viên giám đốc.

- Này, ông thử tính xem riêng phòng này kê được bao nhiêu
giường.

Viên giám đốc sửng sốt kêu lên:

- Phòng ăn của Đức Cha!

Ông giám mục nhìn quanh nhà, như ước lượng, rồi lẩm bẩm:

- Dễ kê được đến vài chục giường! - Rồi ông ta nói to: Này,
ông giám đốc, tôi nói điều này: theo tôi thì có lẽ có sự nhầm lẫn gì đây. Các
ông đến hăm sáu người, mà xếp vào năm sáu căn buồng con. Còn chúng tôi ở đây có
ba người mà chiếm cả một ngôi nhà có thể chứa sáu chục. Đúng là người ta nhầm.
Các ông đã chiếm nhà tôi còn tôi thì lại ở nhà các ông. Xin ông trả lại nhà cho
tôi. Nhà của các ông là ở bên này đây.

Ngay hôm sau, hai mươi sáu bệnh nhân nghèo được sang ở dinh
giám mục và ông giám mục dọn đến ở bên nhà thương.

Ông Mirien chẳng có của cải gì. Cha mẹ ông đã bị phá sản
trong thời kỳ cách mạng. Bà em có món thực lợi chung thân mỗi năm hưởng năm
trăm phơrăng tiền lời đủ cho bà chi dùng riêng về phần mình. Lương đồng niên
giám mục được mười lăm nghìn phơrăng. Ngay hôm dọn sang ở bên nhà thương, ông
quy định một cách cố định việc chi dùng số tiền ấy.

Chúng tôi chép lại dưới đây sổ chi tiêu đó, do chính tay ông
viết lấy:

Bản ghi những khoản chi tiêu trong nhà:

- Cấp cho chủng viện 1.500 phơrăng

- Hội giảng đạo 100

- Cấp cho nhà tu dòng Laza ở Môngđiđiê 100

- Trường tu sĩ hội truyền giáo nước ngoài ở Pari 200

- Hội đức Thánh Thần 150

- Cơ sở giáo hội ở Đất thánh 100

- Nhà dục anh 300

- Cấp riêng cho nhà dục anh ở Aclơ 50

- Công cuộc cải thiện nhà lao 400

- Công cuộc ủy lạo và phóng thích tù nhân 500

- Để phóng thích những gia trưởng bị tù vì nợ 1.000

- Phụ cấp các thầy giáo ít lương trong địa phận 2.000

- Cấp cho kho lúa nghĩa thương vùng Thượng Anpơ 100

- Cấp cho các trường con gái nghèo của Hội từ thiện ở Đinhơ,
Manôxcơ và Xixtơrông 1.500

- Cấp cho kẻ khó 6.000

- Khoản chi tiêu cho riêng mình 1.000

TỔNG CỘNG 15.000 phơrăng

Suốt thời gian ở Đinhơ ông không hề thay đổi một khỏan nào
trong bản dự toán đó. Thế mà ông bảo là đã dự toán các khoản chi tiêu trong nhà
rồi đấy.

Cách sử dụng đồng tiền như vậy được cô em tuyệt đối tuân
theo. Đối với người đàn bà đức hạnh, ông giám mục vừa là bậc anh, vừa là Đức
Cha. Trong gia đình ông là người bạn, theo phép nhà thờ ông là bậc bề trên. Ông
nói thì cô cúi đầu nghe. Ông làm thì cô em hưởng ứng. Chỉ có người đầy tớ già,
bà Magơloa, là có kêu ca chút ít. Vì, như ta đã thấy, ông giám mục chỉ giữ lại
cho mình có một nghìn phơrăng, cộng với số tiền dưỡng lão của bà cô Baptistin,
vị chi là một nghìn rười phơrăng một năm, mà cả ba người ăn tiêu đều phải trông
vào đấy cả.

Thế mà lần nào có một cha xứ ở dưới làng lên, ông giám mục
cũng cứ giữ lại thết cơm. Được như thế là nhờ ở tính tiết kiệm nghiêm khắc của
bà Magơloa và cách quản lý khéo léo của cô Baptistin.

Một hôm, bấy giờ ông đã làm giám mục ở Đinhơ được ba tháng,
ông bảo:

- Như thế này thì ta cũng túng lắm nhỉ!

Bà Magơloa kêu lên:

- Làm gì mà không túng! Đức Cha quên cả không xin lĩnh món
tiền nhà nước cấp cho tòa giám mục làm tiền xe trong thành phố và tiền lộ phí
kinh lý trong hạt. Đó là lệ của các giám mục ngày trước.

- Thế à! Bà nói phải đấy.

Và ông làm giấy đòi khoản tiền đó.

Ít lâu sau, hội đồng hàng tỉnh lưu ý đến đơn của tòa giám
mục, bỏ phiếu chuẩn cấp cho ông món tiền hàng năm ba ngàn phơrăng theo khoản:
Chi cho đức giám mục về tiền xe ngựa và trạm phí, lộ phí kinh lý trong hạt.

Việc này làm cho bọn tư sản trong tỉnh kêu ầm cả lên. Các vị
nguyên lão nghị viện trước kia có chân ở Viện Ngũ bách[8] và tán thành cuộc đảo chính
ngày 18 tháng Sa mù, lại được hưởng một thái ấp lớn ở vùng Đinhơ, viết cho
thượng thư bộ lễ, ông Bigô đơ Prêamơnơ, một bức thư mật giọng bực tức.

[8] Viện ngũ bách: viện dân biểu gồm 500 người thời Cách
mạng tư sản dân quyền Pháp, bị Napoléon giải tán năm 1799; Cuộc đảo chính 18
Brumaire của Napoléon 1799 thiết lập thể chế Tổng đài – Consulat mà y là Tổng
đài đệ nhất, chuẩn bị cho nền Đế chế I.

Xin trích nguyên văn một đoạn:

“…Tiền xe? Làm gì phải cần đến tiền xe ở một tỉnh chưa đến
bốn nghìn dân? Lại tiền trạm phí và lộ phí kinh lý nữa? Đi kinh lý làm gì đã
chứ? Mà đi xe trạm thế nào được trong xứ núi non này? Đường xá làm gì có. Chỉ
có đi ngựa thôi. Đến như cái cầu trên sông Đuyrăng ở Satô Acnu cũng còn khó
khăn mới cho nổi chiếc xe bò đi qua. Cái bọn cha cố đều như thế cả. Tham lam và
keo bẩn. Lão này lúc mới đến cũng làm ra vẻ chân tu lắm, nay thì cũng y như bọn
khác. Cũng đòi xe với kiệu! Cũng đòi xa hoa như các giám mục thời trước. Gớm
cho bọn tu hú này! Thưa bá tước, bao giờ hoàng đế trừ xong cho dân ta cái nạn
bọn áo dài đen này thì mọi sự mới được ổn thỏa. Đả đảo giáo hoàng![9] Về
phần tôi, tôi chỉ biết có hoàng đế…”

[9] Khi ấy triều đình đang có xích mích với tòa thánh
La–mã

Việc ấy trái lại, làm bà Magơloa mừng rơn. Bà ta thì thào với
cô Baptistin: “Có thế chứ! Đức cha chỉ quen nghĩ đến người khác, nhưng rồi cũng
phải nhớ đến mình chứ. Các khoản làm phúc đã có đủ cả rồi. Ba nghìn phơrăng này
là ba nghìn của chúng ta đây”.

Ngay tối hôm ấy, ông giám mục đưa cho bà em tờ kê sau đây:

Chi tiêu về xe ngựa và lộ phí kinh lý trong hạt:

- Cấp cho nhà thương để nấu xúp thịt cho bệnh nhân 1.500
phơrăng

- Cấp cho hội dục anh ở Etxơ 250

- Hội dục anh Đraguynhăng 250

- Nhà nuôi trẻ bỏ rơi 500

- Nhà nuôi trẻ mồ côi 500

TỔNG CỘNG 3.000 phơrăng

Đó là ngân sách của ông Mirien.

Còn những khoản thu bất thường của tòa giám mục như hủy đăng
ký kết hôn, miễn trừ, rửa tội tạm, giảng kinh, công nhận nhà thờ, nhà nguyện,
cưới xin… thì cần làm phúc cho kẻ nghèo bao nhiêu ông ráo riết thu của người
giàu bấy nhiêu.

Sau một thời gian ngắn, tiền quyên cúng đem đến rất nhiều.
Người có, kẻ túng đều đến gõ cửa nhà ông: người này đến xin tiền mà kẻ kia vừa
đem lễ. Thành ra chưa đầy một năm, ông giám mục hóa ra người thủ quỹ chung của
các nhà hảo tâm và phát ngân viên của những người cùng khốn. Tính những món
tiền qua tay ông thật là nhiều. Vậy mà cách sống của ông vẫn không hề thay đổi,
không hề có thêm một khoản gì ngoài những tối cần thiết.

Hơn thế nữa, cũng vì trong xã hội, ở dưới có nhiều cảnh khốn
cùng mà ở trên thì ít có lòng bác ái, nên có thể nói thường tiền cúng chưa kịp
vào đã phải phát ra; như gió vào nhà trống, tiền ông có thu vào mà chẳng bao
giờ còn sót một đồng dính tay. Thành thử ông phải dốc túi ra.

Theo tục lệ, trên giấy má, thư từ, các vị giám mục thường nêu
tên thánh của mình. Nhân đó, những đám dân nghèo trong xứ, vì lòng kính mộ tự
nhiên, đã chọn trong các tên và họ của ông, một tên theo họ là có ý nghĩa và
chỉ gọi ông là Đức Cha Biêngvơnuy. Chúng tôi bắt chước họ gọi ông như thế khi
cần. Thực ra cách xưng hô ấy làm ông vừa ý. - Tôi thích cái tên ấy, ông nói.
Chữ Biêngvơnuy làm cho chữ Đức Cha bớt cách biệt.

Chúng tôi không dám cho bức chân dung mô tả đây là thực,
chúng tôi chỉ xin nói là nó giống.

III

GIÁM MỤC GIỎI THÌ ĐỊA PHẬN KHÓ

Ông giám mục không phải vì đã đem tiền xe cộ ra làm phúc cả
mà ít đi kinh lý. Cái xứ Đinhơ này quả là một địa phận vất vả. Đồng bằng thì
ít, núi non thì nhiều, đường sắt hầu như không có, trên kia đã thấy rồi; lại
đến ba mươi hai xứ, bốn mươi mốt họ và hai trăm tám mươi lăm chi. Đi thăm hết
thẩy bấy nhiêu là cả một vấn đề. Ông giám mục vượt qua được tất cả. Gần thì ông
đi bộ, đường đồng bằng thì ông đi xe bò, leo núi thì ông ngồi ghế cho la thồ.
Hai bà già theo ông cho có bạn. Chuyến đi nào đối với các bà quá khó nhọc thì
ông đi một mình.

Một hôm, ông đi lừa đến Xơnê, một thành phố xưa kia có tòa
giám mục. Dạo ấy, túi tiền hầu như rỗng không, ông không thể đi lại cách nào
khác. Viên thị trưởng ra đón ông ở cửa tòa giám mục và nhìn ông từ trên mình
lừa bước xuống, ra vẻ khó chịu. Có mấy tên nhà giàu cười khúc khich chung
quanh. - “Thưa ông thị trưởng và cả các ngài tư sản nữa, tôi hiểu vì sao các
ông bực bội rồi. Các ông cho là một thầy tu quèn phải hợm mình lắm mới cưỡi lừa
như đức Chúa Giêsu trước kia! Thưa thật với các ông, tôi không hề có ý kiêu
căng mà chỉ vì cần thiết quá”.

Trong các chuyến kinh lý, ông tỏ ra rộng lượng và hiền hòa, chuyện
trò nhiều hơn là thuyết pháp. Ông không bao giờ đặt một đức tốt nào vào một chỗ
mà không ai với tới được. Ông cũng chẳng bao giờ phải tìm ra những lý lẽ và
những hình mẫu cho lời nói của mình. Nói chuyện với dân xứ này, ông nêu gương
dân xứ bên cạnh. Ở những tổng mà người ta hẹp lòng đối với kẻ túng bấn, ông
nói: - “Hãy xem người Briăngxông. Họ cho người nghèo, đàn bà góa, trẻ mồ côi
quyền được cắt cỏ ở các đồng cỏ của họ trước mọi người khác ba ngày. Nhà cửa có
bị đổ nát thì họ cất giùm lại cho, không lấy tiền. Vì thế, xứ ấy là một xứ được
Chúa ban ân. Suốt một thế kỷ, một trăm năm nay, không hề có lấy một kẻ giết
người”.

Ở những làng chỉ biết có đồng tiền và hạt thóc, ông nói: -
“Hãy xem người Ămbroong. Vào ngày mùa, người nào có con trai tại ngũ, con gái
bận công việc nhà nước ở trên tỉnh, mà lại đau ốm hoặc gặp khó khăn, thì cha xứ
đem ra nói với con chiên vào lúc giảng kinh. Thế là, chủ nhật, xem lễ xong, hết
thảy dân làng, đàn ông, đàn bà, trẻ con kéo đến ruộng con người đáng thương nọ,
gặt hái hộ và mang cả thóc lẫn rơm rạ về tận nhà”. - Gặp những gia đình chia rẽ
vì chuyện tiền bạc và gia tài, ông bảo: - “Hãy trông dân vùng núi Đơvơnuy, một
vùng hoang dại đến nỗi năm mươi năm không nghe họa mi hót một lần. Thế mà, bố
chết, con trai liền đi tứ phương tìm kế sinh nhai, còn của cải thì nhường lại
cho con gái để con gái dễ kiếm chồng”. - Ở các tổng ưa kiện tụng, có nhiều tá
điền suy sụp vì chạy theo các thứ đơn từ, ông nói: - “Hãy xem nông dân thung
lũng Quâyra, họ rất thuần hậu. Họ có ba nghìn người ở đó. Trời! Cứ như một nước
cộng hòa nho nhỏ. Họ chằng hề biết đến thẩm phán, mõ tòa là gì. Mọi việc, xã
trưởng làm tất. Ông phân bổ thuế khóa từng nhà theo lương tâm mình, giải quyết
không các vụ tranh chấp, chia hộ gia tài không lấy công, xử án không lấy án phí
và mọi người nghe theo vì ông ta là một người công minh sống giữa những con
người chất phác”. Đến những làng không thấy có thầy học, ông cũng kể đến dân
vùng Quâyra: - “Bà con có biết họ làm như thế nào không? Thường một xóm mươi
lăm nóc nhà thì không nuôi nổi một thầy học, cho nên họ có những thầy giáo do
cả xứ đài thọ, các thầy giáo đó đi hết xóm này đến xóm nọ, một tuần nơi này,
mươi ngày nơi kia, đến đâu dạy đó. Các ông giáo hay đến các phiên chợ, tôi gặp
họ ở đấy. Thấy họ dắt bút lông ngỗng trên băng mũ thì nhận ra ngay. Ai chỉ dạy
đọc thì một lông, ai dạy đọc dạy tính thì hai lông, ai dạy đọc dạy tính dạy cả
Latinh nữa thì ba lông. Những vị đó là những nhà đại thông thái. Còn dốt nát
thì xấu hổ biết bao nhiêu! Bà con ta nên làm như người Quâyra”.

Ông nói chuyện như vậy, nghiêm túc và chân tình, thiếu ví dụ
sống thì dùng ngụ ngôn, đi thẳng vào đích, ít lời mà nhiều hình ảnh: đó là lối
hùng biện của Chúa Giêsu, đầy tin tưởng và sức thuyết phục.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3