Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2) - Phần 5 - Chương 01 - 02

PHẦN V - Chương – 1

Sau trận cãi nhau với vợ, Piotr lên đường
đi Petersburg. Ở trạm Torzok không có ngựa, hoặc giả người trạm trưởng
không muốn cấp ngựa cho chàng. Chàng đành phải nán đợi. Chàng giữ nguyên quần
áo, nằm dài trên chiếc đi-văng da sau chiếc bàn tròn, ghếch đôi chân to tướng
đi ủng lót nỉ lên bàn và bắt đầu suy nghĩ miên man.

-
Thưa ngài, có phải đem va li vào không ạ? Có cần dọn giường, pha trà không ạ? -
Người hầu phòng hỏi.

Piotr không đáp, vì bây giờ chàng chẳng nghe
thấy gì và chẳng trông thấy gì hết. Ở trạm trước, chàng đã bắt đầu suy nghĩ và
vẫn cứ suy đi nghĩ lại về một việc gì ấy. - việc ấy quan trọng đến nỗi chàng
chẳng buồn đề ý đến những điều xảy ra quanh mình. Không những chàng không hề
quan tâm đến vấn đề mình đến Petersburgsớm hay muộn, ở trạm này có chỗ
nghỉ hay không, mà hơn nữa so với những điều đang khiến chàng bắn khoăn suy
nghĩ thì có ở đây một vài giờ hay sẽ ở suốt đời cũng chẳng có gì quan trọng.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ
tại www.gacsach.com - Gác nhỏ cho người yêu
sách.]

Hai vợ chồng trạm trưởng, người hầu phòng, một
bà bán đồ thêu Torzok bước vào phòng để đợi chàng sai bảo. Piotr chẳng buồn
nhúc nhích, cứ để nguyên cặp chân trên bàn. Chàng nhìn họ qua đôi kính trắng,
không hiểu họ cần gì và tại sao tất cả những người này không cần phải giải
quyết những vấn đề đang bắt chàng bận tâm suy nghĩ mà cứ sống được như thường.
Chung quy cũng vẫn là những vấn đề đã luôn luôn khiến chàng suy nghĩ kể từ ngày
đi đấu súng ở Sokolniki về, và qua cái đêm trằn trọc mất ngủ đầu tiên; chỉ có
điều là bây giờ, trong cảnh đi đường cô độc, chàng vẫn cứ phải quay trở lại
những vấn đề ấy mà chàng không tài nào giải quyết được nhưng cũng không thể
thôi không không đặt ra cho mình được. Hình như cái đinh ốc chính trong đầu
chàng, cái đinh ốc trước đây vẫn giữ vững tất cả cuộc sống của chàng, nay đã
mòn đi. Cái đinh ốc này không vào sâu hơn nữa, nó không bật ra ngoài, mà lại cứ
quay tại chỗ, không khớp vào đâu cả, quay mãi ở một nấc, mà cũng không thể nào
làm cho nó ngừng quay được.

Người trạm trưởng bước vào, kính cẩn:

-
Xin đại nhân nán đợi lấy hai giờ đồng hồ ngắn ngủi nữa thôi, rồi sau đó thế nào
hắn cũng sẽ cung cấp ngựa trạm cho đại nhân.

Hẳn
là hắn nói dối và chỉ tìm cách bòn thêm tiền hành khách: "Hắn làm như vậy
là tốt hay xấu? - Piotr tự hỏi. - Riêng đối với ta thì tốt, nhưng đối với một
hành khách khác thì xấu, còn đối với bản thân hắn thì lại là tất yếu, vì hắn
không có gì ăn: hắn có bảo là một sĩ quan đã đánh hắn vì chuyện này. Mà sở dĩ
viên sĩ quan kia đánh hắn là vì đang cần đi gấp. Còn ta, ta đã bắn Dolokhov bởi
vì ta cảm thấy mình bị sỉ nhục. Louis XVI đã bị giết bởi vì người ta
cho rằng ông ta phạm tội, rồi một năm sau, người ta lại giết kẻ đã giết ông ta,
cũng lại vì một lý do đó. Cái gì là xấu? Cái gì là tốt?
Nên yêu cái
gì, nên ghét cái gì? Sống để làm gì, và ta là cái gì? Cuộc sống là gì? Cái
chết là gì?
Sức mạnh nào chi phối tất cả?" - Chàng tự hỏi. Và
trong số những câu hỏi này không có lấy được một câu nào có lời giải đáp: nếu
không phải là lời giải đáp sau đây, một lời giải đáp phi lý, hoàn toàn không
trả lời vào câu hỏi: "Người sẽ chết và tất cả sẽ hết. Người sẽ chết và
người sẽ biết tất cả hoặc người sẽ không còn phải hỏi han gì nữa". Nhưng
cái chết cũng là một điều đáng sợ. Bà bán hàng ở Torzok lanh lảnh cất tiếng
chào mời, đặc biệt mời mua những đôi giày da dê. "Ta hiện có mấy trăm rúp
mà ta chẳng dùng làm gì, còn cái bà mặc áo khoác lách kia thì lại đang đứng
nhìn ta một cách rụt rè - Piotr suy nghĩ. - Vả chăng bà ta cần tiền đế làm gì
mới được chứ? Tiền có đem lại cho bà ta thêm một mảy may hạnh phúc nào đâu, có
làm cho tâm hồn bà ta yên tĩnh thêm một chút nào đâu? Ở trên thế gian này có
cái gì có thể làm cho ta và bà ấy bớt lệ thuộc vào tội ác, vào cái chết hay
không? Cái chết sẽ là chấm dút tất cả và nhất định sẽ đến, hôm nay hay ngày mai
cũng thế thôi, bởi vì so với vĩnh viễn thì cuộc đời cũng chỉ là một khoảnh
khắc". Và chàng lại tìm cách vặn cái đinh ốc kia, cái đinh ốc đang quay
tít mà chẳng khớp vào đâu cả mãi mãi vẫn cứ quay ở một nấc.

Người đày tớ đưa cho chàng một quyển tiểu
thuyết băng thư của bà Xuza đã rọc một nửa. Chàng bắt đầu theo dõi trong quyển
truyện những nỗi đau khổ và cuộc dấu tranh để theo đức hạnh của một cô Amélie
de Mansfeld (1) nào đó. Chàng tự hỏi: "Tại sao nàng lại phải cố cưỡng lại
người quyến rũ mình một khi nàng yêu người ấy? Thượng đế không thể đặt vào lòng
nàng những khao khát trái với ý muốn của Người. Người vợ trước đây của ta không
hề cưỡng lại dục vọng và có lẽ nó làm như thế là phải. Người ta chẳng phát hiện
được gì mà cũng chẳng nghĩ thêm được điều gì cả. - Piotr nói một mình. - Chúng
ta chỉ biết một điều là chúng ta không biết gì hết. Đó là trình độ trí tuệ cao
nhất của nhân loại".

(1)
Amélie de Mansfeld (1803) là tiểu thuyết của bà Cotin chứ không phải của bà Xuza.
- Ở đây tác giả nhớ lầm.

Chàng cảm thấy trong lòng chàng và chung quanh
chàng tất cả đều hỗn loạn, vô nghĩa và đáng ghét. Nhưng ngay trong sự chán ghét
đối với mọi vật chung quanh, chàng vẫn thấy có một khoái cảm riêng có sức khích
động.

-
Xin đại nhân làm ơn ngồi nhích tí chút để dành chỗ cho vị này. - Người trạm
trưởng bước vào giới thiệu với chàng một người hành khách khác, cũng phải dừng
lại đây vì thiếu ngựa. Người khách này là ông già người thấp, vai rộng, nước da
vàng võ, mặt nhăn nheo, có đôi lông mày bạc trắng nhô ra trên đôi mắt sáng màu
xám nhờ nhờ.

Piotr bỏ chân ở trên bàn xuống, đứng dậy và
đến nằm trên cái giường mà người ta đã dọn cho chàng, chốc chốc lại đưa mắt
liếc nhìn người mới đến. Người này, vẻ mặt cau có và mỏi mệt, mắt không nhìn
chàng, đang cởi áo ngoài một cách khó nhọc với sự giúp đỡ của người đầy tớ. Khi
chỉ còn cái áo tu-lúp đã cũ, bên ngoài phủ lụa Nam kinh, phủ lên cặp chân xương
xẩu đi ủng da, người khách ngồi xuống đi-văng, dựa cái đầu to tướng với đôi
thái dương rộng, tóc cắt ngắn, vào lưng đi-văng, và đưa mắt nhìn Bezukhov. Vẻ
khắc khổ, thông minh và sâu sắc trong cái nhìn này khiến Piotr chú ý. Chàng
muốn nói chuyện với người khách, và đã toan hỏi ông ta về cuộc hành trình, thì
ông già đã nhắm mắt và khoanh hai bàn tay nhăn nheo lại. Piotr nhận thấy trên
một ngón tay ông ta có đeo một chiếc nhẫn bằng gang to tướng khắc hình sọ
Adam(2). Ông ta ngồi yên không biết là đang nghĩ ngợi hay đang trầm tư mặc
tưởng về một điều gì. Người đày tớ cũng là một ông già nhỏ nhắn, mặ vàng và
nhăn nheo, râu ria chẳng thấy, chắc không phải vì ông ta cạo mà vì ông ta vốn
không râu. Người đày tớ già nhanh nhẹn mở cái hộp đựng đồ đi đường lấy đồ trà
ra sắp lên bàn và mang lên một chiếc xamova nước xôi sùng sục. Khi mọi việc đã
xong xuôi đâu vào đấy, người hành khách mở mắt, lại gần bàn rót cho mình một
cốc nước trà, rót một cốc nữa cho ông già thấp bé không râu kia rồi đưa cho ông
ta. Piotr bắt đầu bứt rứt, cảm thấy cần nói chuyện và thậm chí nhất định phải
nói chuyện với người khách kia. Người đày tớ uống xong đem cốc đặt úp trên đĩa trà(3)
với miếng đường đã gặm dở, và hỏi xem ông chủ có cần gì không.

(2) Hình sọ người có hai cái xương chéo nhau ở
dưới.

(3)
Nông dân Nga thường úp chén lại để tỏ ràng mình không uống nữa. Người Nga khi
uống trà thường không bỏ đường vào chén.

-
Không, không cần gì hết, ông đưa cho tôi quyển sách. - Người khách nói. - Người
đày tớ đem quyển sách lại. Piotr thấy hình như đó là một quyển sách tôn giáo.
Người khách bắt đầu đọc say sưa. Piotr nhìn ông ta. Đột nhiên người khách đọc
sách một bên đánh dấu trang sách, nhắm mắt lại rồi lại dựa vào lưng ghế, ngồi
với tư thế như lúc nãy. Piotr vẫn cứ nhìn ông ta. Chàng chưa kịp ngoảnh mặt đi
thì ông gì đã lại mở mắt ra và cái nhìn cương nghị và nghiêm khắc cua ông ta đã
dán chặt vào chàng.

Piotr cảm thấy khó chịu muốn tránh cái nhìn
ấy, nhưng đôi mắt sáng quắc kia vẫn cứ thu hút chàng không sao cưỡng lại được.

Phần V

Chương - 2 -

- Tôi được hân hạnh hầu chuyện bá tước
Bezukhov thì phải? - Người khách nói thong thả giọng sang sảng.

Piotr im lặng, đưa mắt nhìn người khách qua
cặp kính trắng có ý dò hỏi. Người khách nói tiếp:

-
Tôi có nghe nói đến ngài và điều bất hạnh mà ngài đã gặp. - Ông ta nhấn mạnh
chữ "bất hạnh", dường như có ý nói: Đúng là bất hạnh rồi, ông muốn
gọi nó như thế nào là tuỳ ông, nhưng tôi biết rằng việc xảy ra ở Moskva là một
điều bất hạnh. - Thưa ngài, tôi rất thông cảm với ngài về việc ấy.

Piotr đỏ bừng mặt, vội vàng bỏ chân xuống, cúi
nhìn về phía ông già, miệng mỉm cười bẽn lẽn, gượng gạo.

-
Tôi nhắc đến việc ấy không phải vì tính tôi tò mò, mà vì có những lý do quan
trọng hơn. - Ông ta im lặng một lát, mắt vẫn không rời khỏi Piotr và ngồi xích
ra để một chỗ trống trên đi-văng ngụ ý muốn mời Piotr lại ngồi bên cạnh, Piotr
thấy chẳng thích nói chuyện với ông già này chút nào, nhưng vẫn bất giác chiều
theo ý ông ta đến ngồi bên cạnh.

-
Ngài đang đau khổ - Ông già nói tiếp. - Ngài còn trẻ, tôi thì đã già. Tôi muốn
hết lòng giúp đỡ ngài.

Piotr mỉm cười gượng gạo, nói:

-
Ồ cảm ơn ông… Cảm ơn ông lắm. Xin ông cho biết ông từ đâu qua đây?

Mặt
người khách không có vé gì dịu dàng, thậm chí lại còn khắc khổ và lạnh lùng nữa
là khác, những lời nói và vẻ mặt của người mới quen biết đối với Piotr vẫn có
một sức hấp dẫn mãnh liệt.

-
Nhưng nếu vì một lý lẽ gì, ngài không thích nói chuyện với tôi thì xin ngài cứ
nói thật cho. - Và ông ta đột nhiên mỉm cười, nụ cười âu yếm của một người cha.

-
Ồ hoàn toàn không phải thế, trái lại, tôi rất vui mừng được làm quen với ông. -
Piotr nói và liếc mắt nhìn lại bàn tay của người mới quen một lần nữa. Chàng
nhìn kỹ chiếc nhẫn; trên mặt nhẫn có chạm một hình sọ Adam. Đó là dấu hiệu của
hội Tam điểm(1). Piotr hỏi:

-
Ông cho phép tôi hỏi: ông là hội viên hội Tam điểm phải không ạ?

(1)
Một hội kín có tính chất vừa tôn giáo vừa chính trị. Cũng gọi là "Hội thợ
nề tự do".

-
Vâng, tôi thuộc hiệp hội những người thợ nghề tự do. - Người khách nói, mắt mỗi
lúc một nhìn sâu hơn, chăm chú hơn vào mắt Piotr. Nhân danh tôi, cũng như nhân
danh họ, tôi xin ngài vui lòng đón lấy bàn tay thân ái của một người anh em.

-
Tôi e… - Piotr cười nói, phân vân giữa niềm tin cậy và nhân cách của người hội
viên Tam điểm đã gây nên trong lòng chàng, và một ý chế nhạo mà xưa nay chàng
vẫn quen có đối với những tín ngưỡng của các hội viên Tam điểm. - Tôi e rằng
tôi khó lòng hiểu được biết nói thế nào đây, tôi e rằng quan niệm của tôi về
thế giới quá trái ngược với quan niệm của các ông cho nên chúng ta khó lòng có
thể hiểu nhau được.

-
Tôi có biết quan niệm của ông. - Người "Thợ nề tự do" nói. - Cái lối
quan niệm mà ông vừa nhắc đến, cái lối quan niệm mà ông cho là kết quả của công
trình suy nghĩ của mình, chính là lối quan niệm của phần đông, và cũng là kết
quả tất nhiên của tính kiêu ngạo, của thói lười biếng và tình trạng ngu dốt.
Ông thứ lỗi cho, nếu tôi không biết rõ như vậy thì tôi đã không nói với ông.
Quan niệm của ông là một sai lầm thảm hại.

Piotr khẽ nhếch mép mỉm cười:

-
Tôi cũng có thể nói hệt như vậy và cũng có thể cho là chính ông đang sai lầm.

-
Tôi không bao giờ dám nói rằng mình biết được chân lý, - Người hội viên Tam
điểm nói, lời lẽ minh xác và rắn rỏi của ông ta mỗi lúc một lôi cuốn Piotr mạnh
mẽ hơn. - Không ai có thể một mình đạt tới chân lý. Chỉ có cách xây từng viên
đá một, với sự góp sức của mọi người, qua hàng triệu thế hệ, từ thời thuỷ tổ
Adam cho đến ngày naỳ mới có thể dựng lên ngôi đền xứng đáng để phụng thờ
Thượng đế vĩ đại, Người Tam điểm nói đoạn nhắm mắt lại.

-
Tôi phải thú thực với ông rằng tôi không tin… không tin Thượng đế. - Piotr nói
một cách khó nhọc và có ý hối tiếc, cảm thấy mình thế nào cũng phải nói hết sự
thực ra.

Người
Tam điểm chăm chú nhìn Piotr mỉm cười như một người giàu có, trong tay có bạc
triệu, đang mỉm cười với một người nghèo khi người này nói với ông ta rằng mình
đang thiếu năm rúp và chỉ cần số tiền đó cũng đủ đem lại hạnh phúc cho mình.
Người Tam điểm nói:

-
Phải, ông không biết Thượng đế. Ông không thể biết Người được ông không biết
Người cho nên ông mới đau khổ như vậy.

-
Phải, phải, tôi rất khổ - Piotr xác nhận. - Nhưng tôi không biết làm thế nào
bây giờ?

-
Thưa ông, ông không biết Người cho nên ông rất khổ. Ông không biết Người, thế
nhưng chình Người đang ở đây. Người đang ở trong tôi, trong những lời nói của
tôi. Người ở trong lòng, cả trong những báng bổ mà ông vừa nói ra. - người Tam
điểm nói, giọng run run và nghiêm nghị.

Ông
cụ im bặt và thở dài, có vẻ như đang cố trấn tĩnh.

-
Nếu Người không tồn tại, - Ông nhẹ nhàng nói tiếp. - Thì tôi và ông đã chẳng
nói đến Người, ông ạ. Chúng ta vừa nói về cái gì, về ai? Anh phủ nhận ai? - Ông
ta nói, giọng bỗng trang nghiêm và oai vệ hẳn lên. Nếu Người không tồn tại thì
ai đặt ra Người chứ? Tại sao anh có ý nghĩ rằng có sự tồn tại của một đấng
không thể hiểu được như vậy? Tại sao anh và cả thiên hạ đều cho rằng một đấng
không thể hiểu được, một dấng vạn năng, vĩnh viễn và vô hạn về tất cả mọi mặt?
- Ông ta dừng lại và im lặng hồi lâu.

Piotr
không thể và cũng không muốn phá vỡ sự im lặng ấy.

-
Người tồn tại, nhưng muốn hiểu Người thì khó lắm. - Người hội viên Tam điểm nói
tiếp, không nhìn vào mặt Piotr mà lại nhìn, thẳng về phía trước; vì trong lòng
đang xúc động, nên hai bàn tay già nua không thể nào để yên được, cứ lật đi lật
lại các trang sách. - Nếu đây là một con người mà ông chưa tin là có tồn tại,
thì tôi sẽ dắt tay người ấy đến trước mặt ông và chỉ cho ông thấy. Nhưng con
người trần tục hèn kém như tôi thì làm sao có thể chỉ rõ tất cả cái toàn năng,
cái vĩnh viễn, cái hoàn thiện của Người cho một kẻ đui mù hay một kẻ cứ nhắm
nghiền mắt lại để đừng nhìn thấy Người, đừng hiểu Người và để đừng nhìn thấy,
đừng hiểu tất cả sự hèn hạ và xấu xa của bản thân mình? - Ông ta im lặng một
lát. - Anh là ai? Anh là cái gì? Anh tưởng mình là một người sáng suốt bởi vì
anh dám thốt ra những lời báng bổ như thế, - Người hội viên Tam điểm nói tiếp
với một nụ cười khinh bỉ, - Anh còn ngu ngốc, còn dại dột hơn đứa trẻ chơi với
những bộ phận tinh vi của chiếc đồng hồ, rồi lại không hiểu cái đồng hồ kia
dùng để làm gì cho nên dám cả gan nói rằng mình không tin là có thợ đã làm ra
nó. Hiểu Người rất khó. Đã bao thế kỷ nay, từ thuỷ tổ chúng ta là Adam cho đến
ngày nay, chúng ta đã phí bao tâm lực để nhận thức về Người, mà vẫn còn cách xa
mục đích vô cùng; nhưng việc chúng ta không hiểu biết được Người thì chứng tỏ
chúng ta yếu đuối và Người vĩ đại biết chừng nào.

Piotr lòng hồi hộp, hai mắt sáng long lanh
nhìn vào mắt người hội viên Tam điểm, lắng nghe ông ta nói, không ngắt lời,
không hỏi, thành tâm tin vào những điều mà người lạ mặt này đang nói với chàng.
Phải chăng chàng tin vì cách suy luận hợp lý trong lời nói của người Tam điểm,
hay chàng tin như trẻ con vẫn thường tin vì giọng nói chân thành, quả quyết,
cái giọng run run, thỉnh thoảng gần như ngắc ngứ ấy, hay là tin vì nhìn thấy
cặp mắt già nua và sáng ngời kia đã bao năm nhìn cuộc sống với niềm tin tưởng
này, hay là tin vì thấy cái vẻ điềm tĩnh, kiên quyết và biết rõ nhiệm vụ của
mình toát ra từ tất cả con người ông cụ, nó khiến chàng đặc biệt kinh ngạc khi
so sánh với tâm trạng sống buông xuôi và tuyệt vọng của mình. Nhưng dù thế nào
đi nữa, chàng vẫn muốn tin với tất cả tâm hồn mình, và chàng tin thật sự, chàng
vui mừng cảm thấy lòng mình yên tĩnh lại, thấy mình đang hồi sinh và quay trở
về với cuộc sống. Người Tam điểm nói:

-
Không thể hiểu được Người bằng lý trí, chỉ có thể hiểu được Người qua cuộc
sống.

-
Tôi không hiểu, - Piotr nói và sợ hãi cảm thấy nỗi ngờ vực nổi dậy trong lòng.
Chàng sợ ông ta lý luận mơ hồ và lỏng lẻo, chàng sợ mình không tin ông ta.
Chàng nhắc lại. - Tôi không hiểu tại sao lý trí con người lại không thể đạt đến
sự hiểu biết mà ông nói.

Người Tam điểm mỉm cười, nụ cười dịu dàng của
một người cha, và nói:

-
Trí tuệ tối cao và chân lý cũng như chất nước tinh khiết nhất, mà chúng ta muốn
hấp thụ vào người. Tôi có thể hứng thứ nước tinh khiết kia vào cái bình dơ bẩn
của tôi rồi phê phán về sự tinh khiết của nó không? Chỉ có cách làm cho bản
thân tôi trong sạch, tôi mới có thể làm nước hứng được trong sạch tới một mức
độ nào đó.

-
Phải rồi, phải rồi, đúng như thế. - Piotr vui vẻ nói.

-
Trí tuệ tối cao không phải chỉ xây dựng trên lý trí mà thôi, nó không phải xây
dựng trên những khoa học trần thế như vật lý học, sử học, hóa học, v.v… là
những ngành nhận thức lý tính. Trí tuệ tối cao là duy nhất, trí tuệ tối cao chỉ
có một khoa học, cái khoa học của toàn cục, cái khoa học cắt nghĩa tất cả vũ
trụ và địa vị của con người trong vũ trụ. Muốn tự mình hấp thụ được cái khoa
học ấy thì nhất thiết phải làm cho lòng mình trong sạch và đôỉ mới, cho nên
trước khi biết cần phải tin và tu sửa mình. Và chính để đạt mục đích ấy nên
trong tâm hồn chúng ta mới có cái ánh sáng thiêng liêng mà chúng ta gọi là
lương tâm.

-
Phải rồi, phải rồi. - Piotr tán thành.

-
Ta hãy dùng con mắt tinh thần nhìn vào nội tâm của ta và thử hỏi xem ta có bằng
lòng mình không. Bấy lâu đi theo lý trí đơn thuần, ta đã đạt được những gì?
Mình là người thế nào? Thưa ông, ông còn trẻ, ông giàu có, ông thông minh, ông
có học thức. Với tất cả những thứ quý báu ấy mà Thượng đế đã ban cho ông, ông
đã làm gì? Ông có thỏa mãn về bản thân ông và về cuộc sống của ông không?

-
Không, tôi căm ghét cuộc sống của tôi. - Piotr cau mày đáp.

-
Mình đã căm ghét nó, thì hãy thay đổi nó đi, hãy làm cho mình trong sạch thì
mình càng có được sự thông tuệ. Thưa ông, ông hãy nhìn cuộc sống của ông mà
xem. Ông đã sống nó như thế nào? Toàn là những cuộc truy hoan cuồng đãng, những
cảnh truỵ lạc, ông nhận ở xã hội đủ mọi thứ nhưng không trả lại cho nó một tý
gì. Ông đã được giàu có. Ông đã dùng của cải của ông như thế nào? Ông đã làm gì
cho đồng loại? Ông có nghĩ đến hàng vạn nô lệ của ông, ông có giúp đỡ họ về vật
chất và tinh thần hay không? Không, ông đã lợi dụng sức lao động của họ để sống
một cuộc đời phóng đãng. Đấy ông đã làm như thế đấy. Ông có chọn một công việc
cố thể giúp ích cho đồng loại của mình không? Không, ông sống một cuộc đời nhàn
rỗi. Rồi ông lấy vợ, thưa ông, ông đã đảm đương lấy trách nhiệm dìu dắt của một
người thiếu phụ, thế rồi ông đã làm gì? Thưa ông, ông không giúp đỡ cho người
ta tìm thấy con đường đi đến chân lý; trái lại ông đã đẩy người ta vào vực thẳm
của dối trá và bất hạnh. Một người đã làm nhục ông và ông giết người ta, thế
rồi ông bảo rằng ông không biết đến Thượng đế và ông căm ghét cuộc sống của
ông. Thưa ông, điều đó chẳng có gì là lạ hết.

Nói
đoạn, người Tam điểm tựa hồ như đã mệt vì phải nói một hơi dài, lại tựa khuỷu
tay vào lưng đi-văng và nhắm mắt lại. Piotr nhìn khuôn mặt khắc khổ, im lìm, già
nua, gần như chết cứng ấy, và mấp máy đôi môi nhưng không nói lên thành tiếng.
Chàng muốn nói: Phải, đó là một cuộc sống đê tiện, nhàn rỗi, truỵ lạc; nhưng
chàng vẫn không dám phá vỡ sự yên lặng.

Người
Tam điểm ho lên mấy tiếng khàn khàn, tiếng ho của những người già cả, và gòi
người đầy tớ:

-
Thế nào? đã có ngựa chưa? - Ông ta hỏi, mắt không nhìn Piotr.

-
Họ đã đưa ngựa trạm đến, - Người đầy tớ đáp. - Ngài không nghỉ à?

-
Không, bảo thắng ngựa đi.

Piotr
đứng lên, đầu cúi gầm đi đi lại lại trong phòng, chốc chốc lại liếc mắt nhìn
người Tam điểm. Chàng thầm nghĩ: "Lẽ nào ông ta ra đi và bỏ ta lại một
mình, không nói cho ta biết tất cả những điều ông ta cần phải nói, cũng không
hề hứa hẹn giúp đỡ ta? Ừ phải, ta chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, ta đã sống một
cuộc đời truỵ lạc đáng khinh, nhưng ta có ưa thích gì nó đâu, ta có muốn thế
đâu. - Piotr suy nghĩ. - Người này biết được chân lý, - Piotr muốn nói với
người Tam điểm nhưng lại không dám. Người khách sắp xếp hành lý với đôi bàn tay
già nua mà thành thạo cài lại cúc áo da lông, rồi quay sang nói với Bezukhov,
giọng lãnh đạm và khách khí:

-
Ngài làm ơn cho biết bây giờ ngài đi đâu?

-
Tôi ư? Tôi đi Petersburg. - Piotr đáp, giọng ngập ngừng như giọng trẻ con. - Cảm
ơn ông. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nhưng xin ông đừng nghĩ rằng tôi xấu xa
đến thế. Tôi tha thiết mong trở thành con người như ông muốn, nhưng xưa nay
chưa bao giờ tôi được ai giúp đỡ… Vả chăng, tất cả đều là lỗi của tôi trước
tiên. Xin ông hãy giúp tôi, giáo dục tôi và may ra tôi sẽ… - Piotr không thể
nói thêm nữa, chàng khịt mũi mấy cái rồi lại quay đi.

Người Tam điểm im lặng một hồi lâu, có vẻ như
đang suy tính điều gì.

-
Chỉ có Thượng đế mới có thể giúp đỡ được, nhưng Hội của chúng tôi sẽ giúp ông
trong phạm vi nó có thế làm được. Ông đến Petersburg, vậy ông hãy đưa cái này
cho bá tước Villarxki (ông ta rút ví lấy một tờ giấy lớn gấp tư lại và viết lên
đấy mấy chữ). Ông cho phép tôi khuyên ông một câu. Khi về đến thủ đô, trong
những ngày đầu, ông hãy rút vào cảnh cô độc, tự phản tỉnh và đừng đi theo con
đường cũ nữa. Bây giờ xin chúc ông lên đường bình an. - Ông ta kết luận khi
thấy người đầy tớ bước vào. - và chúc ông thành công.

Căn
cứ vào quyển sổ của trạm trưởng, Piotr biết rằng người khách là Ioxif
Alekxeyevich Bazdeyev là một người Tam điểm và một người Martimx(2) nổi tiếng
vào bậc nhất ngay từ thời Novikov(3).

(2) Người Maninixt: Người Tam điểm theo lý
thuyết của Claude Saint Martiniste. Trong những người Tam điểm Nga có nhiều
người Martiniste.

(3)
Novikov (1744 - 1818): Một nhà giáo dục Nga xuất sắc ở thế kỷ 18, hội viên Hội
Tam điểm.

Ông
ta đi đã được một hồi lâu mà Piotr vẫn không đi ngủ, cũng không bảo đem ngựa
đến, cứ đi đi lại lại trong gian phòng của nhà trạm, trầm ngâm suy nghĩ đến cái
dĩ vãng hư hỏng của mình, và với tâm trạng say sưa của một người vừa tái sinh,
chàng hình dung cái tương lai hạnh phúc, lương thiện, hoàn hảo của mình mà
chàng cảm thấy rất dễ thực hiện. Chàng có cảm tưởng rằng sở dĩ trước kia chàng
hư hỏng chỉ là vì chàng đã ngẫu nhiên quên mất rằng làm con người có đạo đức
thì sung sướng biết chừng nào. Trong lòng chàng chẳng còn dấu vết gì của những
điều hoài nghi trước đây.

Chàng tin chắc rằng con người có thể thương
yêu nhau, liên kết với nhau để giúp đỡ nhau trên con đường đạo đức, và chàng
hình dung hội Tam điểm là như vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3