Quá khứ là miền đất lạ - Phần III - Chương 11 - 12 - 13 - 14 (Hết)

Mười một

Mấy tay
quân cảnh bắt đầu đánh tôi trên xe, trong lúc đưa về đồn. Tôi ngồi ở ghế sau,
tay còng sau lưng, giữa hai tay khác đầy mùi thuốc lá và mồ hôi. Chiếc xe vừa
chạy vừa nháy đèn trong thành phố, không thèm đi chậm ở ngã tư, còn hai tay kia
thì đấm và thúc gối vào tôi; vào đầu, vào bụng. Một cách bình tĩnh, có phương
pháp. Bọn họ bảo đấy mới chỉ là khai vị thôi, khi nào về đến đồn họ mới đập nát
đít tôi ra. Tôi chỉ im lặng chịu đòn mà không nói gì ngoại trừ mấy tiếng rên
thỉnh thoảng bật ra. Lạ thật. Tôi nghe tiếng những cú đấm. Những cú giáng vào
bụng nghe ù ì và yếu ớt. Những cú nắm tay và cùi chỏ thúc vào đầu thì nghe như
tiếng cốc cốc được khuếch âm.

Tôi không
nói gì vì tôi nghĩ có nói họ cũng không tin. Tôi sợ, sợ khủng khiếp.

Khi về
đến đồn họ làm đúng như đã nói, mang tôi vào một căn phòng gần như trống rỗng.
Chỉ có một cái bàn và vài cái ghế. Cửa sổ lắp chấn song. Một tấm gương

Vô nghĩa.
Họ cho tôi ngồi lên một cái ghế có bánh xe cũ, tay tôi vẫn còng sau lưng.

Rồi họ
đạp tôi nát đít như đã hứa.

Họ đánh
tôi bằng tay, bằng chân, bằng quyển danh bạ. Những trang vàng gập đôi lại, đánh
vào sau tai; họ đánh bằng cái gậy trắng đỏ vẫn dùng để điều khiển giao thông.

Thỉnh
thoảng một tay đi ra và tay khác vào. Nhớ lại tôi nghĩ có lẽ họ luân phiên nhau
đều đặn vào đánh tôi. Hầu như tất cả đều mặc thường phục, nhưng có cả người mặc
quân phục. Một trong những tay mặc quân phục đánh tôi bằng dây đeo súng, phần
kim loại cứa vào tôi.

Bọn họ
bảo muốn tốt thì liệu mà khai hết. Ý họ là tất cả các vụ hiếp dâm trước, với
tất cả các nạn nhân khác. Tôi muốn tốt thì khai ra, còn nếu không khai họ sẽ
đánh cho chết rồi ghi là tôi đã chống lại không chịu để bị bắt. Một tay bảo sẽ
nhét phễu vào mồm tôi rồi tống nước muối vào. Lúc ấy thì chắc chắn là tôi sẽ
thích nói ngay.

Tôi bật
khóc, và ăn một cú đấm cực mạnh vào một bên đầu.

“Đồ bẩn
thỉu,” những tiếng ấy vọng đến tai tôi qua màn sương mờ nước mắt, máu và sợ hãi
bao bọc xung quanh, ngay trước khi tôi ngất đi.

Tôi không
nhớ những việc xảy ra sau khi tôi hồi tỉnh lại. Họ không đánh tôi nữa, hoặc chỉ
giáng thêm cho mấy cú bạt tai. Một trong những tay đi kèm tôi trên xe bảo sẽ để
mấy tên tội phạm khác trong tù lo cho tôi. Mấy chỗ ấy không chuộng bọn tội phạm
hiếp dâm đâu. Đúng lúc đó tôi chợt nghĩ đến bố mẹ, đến chị tôi. Tôi tự hỏi họ
sẽ cảm thấy như thế nào nếu biết tôi phải vào tù và cái suy nghĩ ấy khiến tôi
buồn không dứt.

Tôi tin
là mấy tay cảnh sát đang chính thức hóa chuyện bắt giữ tôi; viết biên bản, và
tóm lại là tất cả những thứ giấy tờ người ta vẫn làm trong những trường hợp thế
này. Tôi đã nhắc đi nhắc lại giữa những cú đấm là tôi không biết gì về những vụ
hiếp dâm kia. Thậm chí họ còn chẳng thèm hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra tối nay.
Họ đã bắt quả tang tôi tại trận. Không cần phải có lời thú tội nữa.

Cửa lại
mở ra và tôi nghĩ lại có người vào cho mình thêm mấy cú vào mặt. Nhưng đấy lại
là một người mặc áo vét, thắt cà vạt. Anh ta ra hiệu cho hai tay vẫn đang ở
trong phòng, họ đi ra còn anh ta ở lại.

Anh ta trẻ,
trông như một cậu thanh niên, mắt sáng màu. Anh ta có giọng miền Bắc, vẻ ngoài
bình thường nhưng sạch sẽ. Giọng nói tử tế.

Đầu tiên
anh ta cởi còng tay cho tôi, và tôi cảm nhận được vai mình đang bị đau, đúng
chỗ khớp.

“Anh có
hút thuốc không?” anh ta vừa nói vừa chìa cho tôi một bao Merit. Tôi nhìn vào
mặt anh ta xem anh ta có nói thật không. Rồi gật đầu ra hiệu có. Nhưng tôi
không tài nào lấy được điếu thuốc. Tay tôi run quá. Thế là anh ta cầm bao
thuốc, rút ra một điếu đặt vào mồm tôi. Rồi châm thuốc, chờ tôi rít ba bốn hơi
trước khi nói tiếp.

“Cô gái
ổn rồi. Các bác sĩ ở chỗ cấp cứu đã lo cho cô ấy. Bây giờ cô ấy đang ở đây và
chúng tôi vừa lấy lời khai xong về chuyện vừa xảy ra.” Anh ta ngừng lời và nhìn
tôi nhưng tôi không nói gì, thế nên anh ta lại tiếp.

“Cô ấy
ngồi ở phòng bên kia. Đang nhìn thấy anh đấy.” Anh ta hất đầu đưa mắt chỉ về
phía tấm gương. Tôi ngoái đầu lại nhìn; rồi lại quay ra phía anh ta. Tôi không
hiểu gì cả.

“Ai ở
phòng bên kia cũng có thể thấy người trong phòng này, nhưng lại không bị nhìn
thấy.”

Như ở
trong phim. Mấy từ ấy như thể được viết ra trong đầu tôi. Chuyện này càng ngày
càng hay xảy ra với tôi.

“Cô ấy
bảo cậu không tham gia việc hiếp dâm. Bảo là cậu bảo vệ cô ấy.”

Tôi ghé
mặt mình vào gần anh ta như để nhìn rõ hơn và chắc chắn là mình hiểu đúng. Tôi
cảm thấy cằm mình đang rung lên không kiểm soát được, nhưng tôi không khóc.

Bây giờ
nghĩ lại thì thấy lạ, nhưng quả thật từ lúc bị bắt trong tiền sảnh ấy cho đến
khi cái anh mặc vét thắt cà vạt vào phòng, tôi không mảy may nghĩ có cách gì
thoát được chuyện này. Tôi không mảy may nghĩ cô gái ấy lại có thể bênh vực
tôi.

Có lẽ chỉ
bây giờ tôi mới tự giải thích được chuyện đó. Lúc ấy thì không thể. Nhận thức
của tôi về chính mình trong toàn bộ những việc xảy ra đã dừng lại ở cái lúc
Francesco rủ tôi cùng đi hại một cô gái. Cái giây phút cậu ta tôn sùng bạo lực
nguyên thủy và tất cả những điều kia. Nỗi hổ thẹn của tôi vì, lại một lần nữa,
đã không thể nói không với cậu ta, để cậu ta lôi theo. Cảm giác tội lỗi của tôi
lớn quá, và dường như ai cũng thấy được. Và cô gái cũng thấy, thấy đầu tiên.

Chuyện
tôi lao vào đánh nhau để bảo vệ cô ấy, trong một trạng thái lẫn lộn giữa sợ
hãi, xấu hổ và ham muốn phá tan tành hết ấy chẳng có nghĩa gì hết. Tôi đã bị
đóng đinh vào tội lỗi của mình. Vào tất cả những lỗi lầm, và chính vì thế tôi
đã không hề cố thử xin xỏ gì với mấy tay cảnh sát đánh tôi. Tôi tự thấy mình có
tội, như thể đúng là tôi đã hãm hại cô ấy.

“Sao anh
không nói chuyện ấy với chúng tôi?”

Tôi nhắm
mắt lại, yếu ớt nhún vai. Một cử chỉ trẻ con. Tôi bắt đầu cảm nhận được cơn đau
từ trận đòn, và tôi thấy mệt mỏi đến chết đi được.

Anh ta
bảo anh ta xin lỗi về chuyện đã xảy ra, rồi hỏi tôi có muốn được đưa đến bệnh
viện chăm sóc không. Tôi bảo không, anh ta không nài ép thêm. Thậm chí còn có
vẻ nhẹ cả người. Như thế sẽ không có bản khai, không phải giải thích gì với các
bác sĩ, hoặc có lẽ với viên thẩm phán nào đó, về chuyện tại sao tôi lại ăn đòn
như thế.

“Anh có
muốn khai để lập biên bản không? Trong lúc chờ anh có thể báo cho gia đình mình
nếu muốn.” Tôi bảo về chuyện báo cho gia đình thì không cần phải lo. Được, tôi
có thể khai để lập biên bản. Tôi hút điếu nữa được không? Tất nhiên là được,
không chỉ thế mà chúng tôi còn có thể làm một tách cà phê với nhau trước khi
lập biên bản. Như những người bạn cũ.

Một lúc
sau cà phê được mang tới, đựng trong phích cùng mấy cái cốc nhựa, một bao thuốc
dành riêng cho tôi và cả một túi đá để chườm. Giờ thì mọi chuyện trở nên siêu
thực. Tất cả chúng tôi uống cà phê cùng nhau. Tôi, hai trong số mấy tay cảnh
sát vừa giã tôi tơi bời - còn bây giờ lại đối xử với tôi thân mật như bạn bè -
và cái anh mặc vét thắt cà vạt được mọi người gọi là trung úy. Một tình huống
có vẻ điên rồ, nhưng lúc ấy lại rất tự nhiên.

Với cái
túi chườm đá áp vào gò má bên trái, tôi kể lại chuyện đã xảy ra. Anh trung úy
đọc cho một ông béo lúc nãy đã cho tôi một đống những cú đấm vào xương sườn.
Bây giờ ông ta đang nhanh nhẹn đánh máy, lướt hai ngón tay trên bàn phím của
cái máy chữ cũ kỹ. Hai ngón tay béo mập nhưng nhanh nhẹn.

Tôi nói
rất nhiều, chỉ muốn được đi càng sớm càng tốt và biến mất khỏi mọi chuyện. Tôi
nói một phần sự thật, trộn với những thứ khác. Tôi kể bọn tôi đã nốc nhiều bia
quá và lang thang say khướt như thế. Vừa nói tôi vừa nghĩ nếu bọn họ tiến hành
xét nghiệm thì sẽ lòi ra không chỉ có bia, cái thứ kia vẫn còn đang lượn lờ
trong máu tôi, và tôi hài lòng vì mình đã từ chối được đưa vào viện chăm sóc.
Chúng tôi nhìn thấy cô gái ấy đi một mình, Francesco rủ tôi trêu cô ấy; giả vờ
là bọn tôi định hãm hiếp rồi đến khi cô ấy tưởng là thật thì sẽ nói cho cô ấy
biết bọn tôi chỉ định đùa rồi biến luôn. Tôi lại bảo tại bọn tôi uống nhiều bia
quá và vì thế tôi đã ngu ngốc chấp nhận chuyện ấy. Nhưng rồi tôi nhận ra mọi
chuyện trở nên nghiêm trọng hơn nhiều.

Họ hỏi
tôi về mối quan hệ bạn bè với Francesco, hỏi tôi có biết gì về các vụ hiếp dâm
khác không. Bọn tôi không phải bạn, là người quen thì đúng hơn, tôi bảo họ.
Chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau, vài lần để cùng chơi poker.

Tôi không
biết sao tôi lại nói với họ về poker - không có lý do nào cả. Nhưng trong lúc
họ ghi biên bản, đột nhiên tôi nghĩ ra họ sẽ hỏi cung cả Francesco nữa. Mà có
khi họ làm rồi cũng nên. Tôi nghĩ không khéo cậu ta sẽ khai tuốt. Trong giây
lát một cơn hoảng loạn mù quáng không kiềm chế được chiếm lấy tôi.

Tôi có
biết gì về những vụ hiếp dâm khác không ư?

Không,
tôi không biết gì cả. Nếu như phải nói điều mình nghĩ thì tôi thấy rất khó có
thể có chuyện cậu ấy là thủ phạm của tất cả những vụ hiếp dâm đó - tôi nói dối,
hy vọng Francesco đọc được điều ấy trong biên bản và thấy là tôi cố gắng giúp
cậu ta, và sẽ không đổ tội gì cho tôi cả. Họ hỏi tôi vì sao tôi lại kết luận
như thế, tôi bảo vì theo những gì tôi biết về Francesco thì tôi thấy cậu ấy
cũng chỉ là một người bình thường thôi.

Tôi đã
nói đúng như thế: một người bình thường. Không phải loại có những hành động
kiểu ấy.

Họ lại
nhẹ nhàng bảo tôi - giờ thì tất cả đều nhẹ nhàng - là bỏ những ý kiến riêng của
tôi đi. Họ không ghi lại điều đó.

Họ lại
quay ra hỏi tôi về chuyện xảy ra tối đó. Tôi có nhớ chính xác những từ
Francesco nói trong khi đánh cô gái không? Tôi ngần ngừ. Không, tôi xin lỗi
nhưng mà tôi không nhớ. Lúc đấy tôi bối rối quá.

Không
đúng. Tôi nhớ rất rõ những điều Francesco nói với cô gái. Tôi nhớ rất rõ cái
giọng nói ấy, và những từ cậu ta nói.

Anh trung
úy bảo tôi đọc lại bản khai báo. Tôi cầm lấy tờ giấy, nhìn những từ ngữ trượt
xuống trước mắt tôi - toàn những dòng, đoạn, nét cong, dấu - nhưng không tài
nào hiểu được. Cuối cùng tôi gật đầu, như thể tôi đã đọc thật. Tôi ký tên bằng
bút bi.

“Tôi sẽ
đưa anh về nhà,” anh ta nói, rồi thêm vào sau khi ngập ngừng rất nhanh. “Tôi
xin lỗi vì chuyện đã xảy ra.” Lúc nãy anh ta đã bảo thế rồi, và trông anh ta có
vẻ chân thật.

Tôi khua
tay bâng quơ như muốn nói: không sao đâu, những chuyện như thế đều có thể xảy
ra. Một cử chỉ anh em chẳng hợp cảnh tí nào.

Một lúc
sau tôi lại có mặt trên cái xe đã chở tôi đến đây vài tiếng trước, khi tay bị
còng. Chúng tôi lướt qua những con đường không một bóng người trong khi bóng
đêm đang mất dần cái màu u ám nhưng sắc nét của nó. Tôi lại ngồi ghế sau, nhưng
lần này chỉ có một mình. Đằng trước một thanh niên trạc tuổi tôi lái xe, còn
cái ông to béo đã đánh máy bản khai báo của tôi ngồi ghế bên cạnh. Lái xe gọi
ông ta là chuẩn úy. Hai người nói với nhau mấy chuyện vớ vẩn thường ngày.

Chỉ vài
phút sau đã đến nhà tôi. Khi xe dừng ông chuẩn úy bảo tôi có thể đi. Tôi tựa
người vào cửa khó nhọc đứng lên, cảm nhận tất cả sự đau đớn từ trận đòn. Trong
khi tôi đang định đi thì ông ta lại thò ra khỏi cửa kính xe.

“Ê này,
đừng thù oán gì nhé!” rồi vươn tay về phía tôi.

Trong
giây lát, mọi thứ ngưng lại một cách lạ lùng. Ông chuẩn úy với cánh tay vươn ra
và khuôn mặt béo tốt đang mỉm cười thân thiện. Tôi dừng ở đó, giữa vỉa hè và
đường, với cái túi đá chườm sắp tan hết và một bên má sưng phồng.

Tôi gật
đầu cầm lấy tay ông ta. Bàn tay mềm, tôi buông nó ra ngay như thể vừa cầm phải
một con gì trơn nhẫy, hay một trong những thứ đồ chơi mà bọn trẻ vẫn dùng để
bày trò dịp lễ hội hóa trang.

Rồi tôi
quay người đi về phía cửa trong khi bọn họ mất hút vào những tia sáng đầu tiên,
lỏng và ma quái, của buổi sáng tháng Mười một ấy.

Mười hai

Chiti
ngồi trên chiếc ghế bành quen thuộc. Chiếc ghế của những cơn mất ngủ và những
cơn đau đầu. Chiếc ghế của những khi tỉnh giấc từ một giấc mơ, hay từ một cơn ác
mộng; dưới sức nặng oặt èo của một ngày mới lại sắp bắt đầu. Chiếc ghế có cơn
điên đang nằm đấy chờ anh, dưới dạng con chó của dòng họ Baskerville mắt đỏ
ngầu mà nhiều năm trước anh đã xem trong một bộ phim, khi còn là một đứa trẻ.

Sáng hôm
đó thì khác.

Những nốt
nhạc của bản Polonaise số sáu - Eroica - trôi đi như dòng chất
lỏng trong căn hộ im ắng, mang trong nó cảm giác về một sự nhẹ nhàng, mới lạ
chưa hề biết đến. Lần này thì âm thanh không nhỏ nữa. Những căn phòng, chân
phương giống hệt như những căn phòng trống rỗng đáng sợ của tuổi thơ anh, giờ
đây ngập trong sóng nhạc và như đang sống dậy. Tựa như những hồn ma tốt bụng
chợt thức giấc mà đứng lên xem có chuyện gì đang xảy ra.

Đêm đang
sắp tàn, hình ảnh của những gì xảy ra đêm ấy chạy ngang qua mắt anh, như thể
chỉ là những việc đã xảy ra với ai khác. Xa xôi, lạ lẫm.

Anh lôi
từ trong túi ra bức vẽ nhàu nhĩ bẩn thỉu anh giữ mấy tháng nay. Bóng ma mà họ
săn đuổi suốt quãng thời gian ấy.

Anh nhìn
mà không nhận ra hắn. Anh nghĩ lạ thật, nó không gây cho anh cảm xúc gì. Không
một tí gì, anh không thấy gì hết. Chỉ là những đường nét kết nối với nhau, tách
ra, đậm lên, hợp vào, rồi biến mất trong cái bức vẽ giờ đã trở nên vô hồn ấy,
trong gương mặt xa vắng và không quen thuộc ấy.

Anh xé
bức vẽ một lần, hai, ba rồi bốn lần cho đến khi những mẩu giấy trở nên bé tí
không thể xé vụn thêm ra nữa.

Rồi anh
ra vứt những vụn giấy ấy vào thùng rác.

Quay lại
chiếc ghế bành, anh thoáng nghĩ tội nghiệp cho cậu thanh niên kia. Không liên
quan gì mà lại phải lĩnh một đống đòn. Thật tình.

Rồi ý
nghĩ đấy tan đi mất. Xa xôi, lạ lẫm.

Anh nghĩ
mình không mệt, không đau đầu. Rằng anh hài lòng với những gì đến với mình
trong đời, có lẽ là trừ cái tuổi thơ xa xôi kia với những hình ảnh, âm thanh,
những thớ thịt và mùi mẽ được dệt vừa bằng ký ức, vừa bằng trí tưởng tượng, vừa
bằng các giấc mơ.

Rồi một ý
nghĩ đau đớn, dai dẳng và tuyệt đẹp chiếm lấy anh.

Trong cơn
choáng váng ấy anh chợt nghĩ ra bây giờ mình đã tự do. Tự do làm nhiều thứ. Tự
do để ra đi. Nếu như anh muốn.

Và tự do
để ở lại nữa. Nếu anh muốn.

Tự do.

Ngoài kia
ngày mới lại bắt đầu, ngay trên mặt biển trước đồn quân cảnh.

Mười ba

Francesco
không kết tội tôi. Cậu ấy không nói gì về tôi. Không nói gì cả. Cậu chọn sử
dụng cho mình cái quyền không trả lời bất cứ câu hỏi nào.

Bốn tháng
sau cái đêm ấy, cậu bị đưa ra xét xử, tội danh là tất cả các vụ hiếp dâm đó.

Tuy nhiên
không có bất cứ nạn nhân nào nhận ra được cậu. Một cô bảo có thể
cậu ấy, còn một cô khác bảo cô có cảm giác nhận ra giọng nói.

Khi chủ
tọa phiên tòa hỏi cô có khẳng định chắc chắn không thì cô trả lời là không, cô
không dám chắc. “Tôi cảm tưởng là giọng của tên ấy,” cô vừa nhắc
lại vừa xoắn hai tay vào nhau như cố tống khứ những bóng ma.

Những nạn
nhân khác không nhận định được gì về giọng nói, gương mặt, vẻ ngoài của tên
hiếp dâm.

Tên ấy, dù hắn là ai đi nữa, đã rất cẩn
thận không để bị nhìn thấy mặt.

Tóm lại
là lời kết tội các vụ hiếp dâm, trừ vụ cuối cùng, đều chỉ dựa trên việc phương
thức hành động trong các vụ giống hệt nhau.

Công tố
viên cố gắng bù đắp việc thiếu bằng chứng vững chắc dựa vào tư vấn của một nhà
tội phạm học và một nhà tâm lý học. Cả hai chuyên gia tư vấn đều được đặt hai
câu hỏi. Thứ nhất là liệu bị cáo có khả năng nhận thức và hành động tự nguyện
không. Thứ hai là liệu dạng tâm lý của bị cáo có trùng khớp với dạng tội phạm
hiếp dâm hàng loạt hay không.

Hai giáo
sư đã có bản báo cáo dài với kết luận như sau:

Bị cáo
có chỉ số thông minh đặc biệt nổi trội so với trung bình (135-140), với những
khả năng đặc biệt về thông minh không gian; có chiều hướng hưng trầm cảm; có
biểu hiện bệnh rối loạn nhân cách chống xã hội và bệnh tự yêu mình thái quá. Có
khuynh hướng nói dối và lừa đảo có hệ thống, thiên mạnh về chiều hướng thao
túng trong các mối quan hệ. Theo DSM III (Diagnostic and Statistical Manual of
Mental Disorder, tức Cẩm nang lâm sàng và thống kê về rối loạn tâm thần) những
cá nhân bị rối loạn nhân cách chống xã hội sẽ gặp khó khăn trong việc tuân thủ
các quy tắc xã hội và cư xử hợp pháp. Những người như vậy có thể lặp đi lặp lại
những hành vi phạm pháp, đồng thời không quan tâm đến mong muốn, quyền lợi và
tình cảm của người khác. Những người này còn thường xuyên thao túng để kiếm lợi
hoặc thỏa mãn nhu cầu bản thân. Liên tục nói dối, đóng vai khác với mình, đội
lốt, giả mạo, chơi lừa bịp. Rối loạn chống đối xã hội, hay còn gọi là bệnh thái
phản xã hội hay bệnh thái nhân cách, không dẫn đến việc làm mất hoặc làm giảm
khả năng nhận thức hay ý thức tự nguyện làm điều gì. Cụ thể trong trường hợp
này, bị cáo dù chịu ảnh hưởng của bệnh rối loạn nhân cách nhưng chắc chắn vẫn
có khả năng nhận thức cũng như khả năng tự nguyện hành động.

Miêu
tả tâm lý nói trên phù hợp với tính cách của dạng tội phạm hàng loạt dưới dạng
bạo hành hoặc lừa đảo vật chất hoặc tình dục. Trường hợp nghiêm trọng hơn nữa
là các vụ giết người hàng loạt.

Khi tuyên
án, tòa cho rằng chỉ kết luận này thôi thì không đủ. Dĩ nhiên là tòa đúng. Nói
ai đấy có tính cách phù hợp với tội phạm hiếp dâm hàng loạt là một chuyện, quy
cho người ta tội hiếp dâm hàng loạt lại là chuyện khác. Nhất là khi thiếu chứng
cứ và việc kết tội chỉ dựa vào phỏng đoán: Phỏng đoán có lý, phỏng đoán hợp lý
nhưng vẫn chỉ là phỏng đoán. Những lời phỏng đoán dù nghe có lý đến đâu chăng
nữa thì cũng không giúp được gì nhiều trong việc kết án.

Thế nên
Francesco chỉ bị kết tội âm mưu hiếp dâm với A.C.

Dĩ nhiên
tôi phải ra làm chứng. Buổi tối hôm trước tôi không thể ngủ được, và đến lúc
nhân viên tòa án gọi đến tên tôi, tôi đã suýt phát nôn.

Tôi vào
phòng xử án và đi hết cái quãng từ lối vào đến chỗ dành cho nhân chứng, mặt cúi
gằm xuống đất. Tôi trả lời các câu hỏi của công tố viên, của luật sư, của thẩm
phán trong lúc chỉ nhìn chằm chằm vào một điểm trước mặt mình trên bức tường
màu xám. Tôi nói một cách máy móc, quay lưng lại chỗ vành móng ngựa nơi đang
nhốt Francesco bên trong. Tôi đã không nhìn về phía ấy lấy một giây.

Khi đi
ra, tôi nôn vào cái bồn ngay trước bức tượng nữ thần công lý. Rồi tôi lảo đảo
chạy khỏi đấy. Vài người thoáng nhìn tôi, nhưng không thèm để ý gì nhiều.

Francesco
lĩnh án tù bốn năm, án này được giữ nguyên ở phiên tòa phúc thẩm và giám đốc
thẩm. Tôi không biết cậu ở trong tù bao lâu, ra tù khi nào, sau đó đi đâu. Tôi
cho là cậu không ở lại Bari, nhưng tôi nghĩ thế chỉ vì tôi không còn nhìn thấy
cậu nữa.

Tôi cũng
không nghe được tin gì về cậu.

Tôi vật
vờ trong nhiều tháng. Tôi không nhớ gì về những tháng ấy, ngoại trừ những cơn
buồn nôn và những lúc tỉnh giấc thảng thốt buổi sáng sớm, khi ngoài trời vẫn
tối đen.

Rồi tôi
học lại dù không có lý do nào cụ thể. Như một cỗ máy tự động. Tròn hai năm sau
cái đêm ấy tôi tốt nghiệp. Lễ tốt nghiệp chỉ có bố mẹ tôi, chị tôi và một bà dì
đến. Chúng tôi không tổ chức liên hoan gì. Không còn người bạn nào để mời cả.

Sau đấy
tôi lại học tiếp, vẫn như một cỗ máy tự động. Tôi thi vào làm thẩm phán và đỗ.

Bây giờ
tôi làm công tố viên. Tôi cống hiến cho việc bỏ tù những người vi phạm pháp
luật. Như bọn tống tiền, bọn cờ bạc, lừa đảo, buôn lậu ma túy.

Điều đấy
làm tôi đôi khi hổ thẹn.

Đôi khi
tôi nghĩ sẽ có điều gì đó - hoặc ai đó - sẽ từ quá khứ hiện ra lôi tôi về. Để
bắt tôi trả nợ.

Đôi khi
tôi mơ. Giấc mơ lần nào cũng thế.

Tôi ở
trên cái bãi biển ấy, ở Tây Ban Nha. Cũng vào ban mai như thế, và cũng như hồi
đó, tôi có cảm giác cái giây phút đẹp đẽ, tuổi trẻ mạnh mẽ và bất khả chiến bại
này rồi sẽ bị phá hủy. Tôi chỉ có một mình, ngắm biển và chờ đợi. Rồi cậu bạn
Francesco của tôi đến, tôi biết dù không nhìn rõ mặt cậu ấy. Chúng tôi xuống
bơi. Khi bơi ra ngoài tôi bỗng nhận ra cậu ấy đã biến mất. Đúng lúc đó tôi nhớ
ra hôm ấy là ngày tôi phải bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Tôi không làm được mất
rồi vì đang ở tận Tây Ban Nha. Trời đầy mây đen nên nếu mặt trời có mọc tôi
cũng không nhìn thấy nốt. Thế là tôi ở lại giữa biển trong khi những con sóng
cao dần lên, với cảm giác mọi thứ sắp đến hồi kết không thể cưỡng lại, và một
nỗi nhớ thương vô tận.

Mười bốn

Antonia
kể với tôi cô ấy là nhà tâm lý học, làm việc trong một trung tâm chuyên hỗ trợ
các nạn nhân bị bạo hành.

Mỗi người
cố tống khứ những bóng ma theo cách mình có thể, tôi tự nhủ. Có những người
thành công hơn người khác.

Cô bảo đã
nghĩ đến chuyện tìm tôi rất nhiều lần. Cô giải thích ấy là vì cô chưa bao giờ
cảm ơn tôi cả.

Cảm ơn.
Cái từ ấy như được viết trong đầu tôi. Lạ thật. Chuyện này lâu lắm rồi không
xảy ra nữa.

Cảm ơn
không chỉ vì đã cứu cô khỏi bị bạo hành đêm ấy.

Mà cảm ơn
còn vì phẩm giá.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ
tại www.gacsach.com - gác nhỏ
cho người yêu sách.]

Tôi cúi
thấp đầu và nghĩ điều đó có đúng đâu. Tôi muốn nói cho cô biết tôi đã rất hèn.
Tôi là một thằng hèn. Tôi đã luôn sợ hãi, tôi nghĩ. Và tôi sẽ luôn sợ hãi.

Rồi tôi
nhìn gương mặt cô và rùng mình rất dữ. Rồi tôi hiểu cô ấy có lý, theo một cách
kỳ quặc nào đấy cô ấy có lý.

Thế nên
tôi không nói gì. Cô cũng im lặng. Nhưng không bỏ đi. Tôi nghĩ tôi cũng muốn
cảm ơn cô, nhưng không nói được.

Thế là
chúng tôi ngồi im trong quán.

Trong một
sự im lặng lơ lửng, ngoài trời thì đang lạnh.

Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Mai –
Fuju – thao1, Mint
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng
)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3