Quá khứ là miền đất lạ - Phần III - Chương 04 - 05 - 06
Bốn
Một buổi sáng một hạ sĩ thuộc đội chống ma túy vừa quay lại Bari sau ba tháng chuyển đổi tạm thời ở Calabria nhìn thấy bức vẽ trên bàn Pellegrini.
“Tôi biết tay này. Một buổi tối năm ngoái tôi thấy hắn, trong một sòng bạc mà chúng tôi đột nhập vào để bám theo nhóm buôn lậu ở Madonnella. Hắn chơi poker. Và hắn thua, thua tệ mạt luôn, nhưng lại bình tĩnh như thể người khác thua chứ không phải hắn. Tôi ấn tượng vì vẻ mặt của hắn. Cái đôi mắt ấy. Chờ đã, tôi nhớ là đến một lúc chắc hắn đoán ra bọn tôi là ai. Theo cái cách hắn nhìn bọn tôi. Có tôi, có cả Popolizio ở bên Altamura mà sau này chuyển đi rồi; cả hai bọn tôi đều có cảm giác ấy, thế nên chúng tôi bỏ đi rồi phải đến mấy tối sau nữa mới quay lại sòng bạc ấy. Nhưng hắn không còn ở đấy nữa.”
Anh ta ngừng lời rồi cầm bản photo bức vẽ lên. Anh ta im lặng quan sát một lúc.
“Đúng là hắn, tôi gần như chắc chắn là hắn.”
Rồi quay lại nhìn Pellegrini.
“Bức này khá thật. Ai vẽ đấy?”
Họ vào sòng bạc khi những tay chơi đang cố gạt các quân bài và phỉnh khỏi mặt bàn. Họ lờ đi không để ý. Chiti quay sang tay hạ sĩ đội chống ma túy.
“Ai là quản lý?”
Tay hạ sĩ hất đầu chỉ một gã đàn ông khoảng năm mươi tuổi, đầu hói, da sẫm màu đang tiến về phía họ.
“Này, cái quái gì...”
Câu nói bị cái tát cắt ngang. Nhanh gọn, mạnh mẽ; gần như điềm tĩnh. Một cách để tiết kiệm thời gian.
“Quân cảnh đây. Chúng ta cần nói chuyện với nhau. Ông xử sự cho tử tế rồi chúng tôi sẽ đi mà không viết biên bản gì về những trò diễn ra ở cái ổ này. Có chỗ nào để nói chuyện riêng được năm phút không?”
Gã hói nhìn mặt bọn họ, nhìn người này, rồi người kia, rồi những người khác. Gã không nói gì mà chỉ ra hiệu đi theo mình.
Bọn họ đi vào một văn phòng tởm lợm, mùi thuốc lá ở đây còn hôi hơn cả trong phòng chơi. Gã hói nhìn họ với vẻ dò hỏi. Tay hạ sĩ đưa bức vẽ nhận dạng ra trước mặt, hỏi gã đã nhìn thấy tên này bao giờ chưa, và liệu mà suy nghĩ kỹ khi trả lời.
Gã nghĩ kỹ, rồi trả lời là có, gã đã từng nhìn thấy, và gã biết tên này.
Từ lúc ấy mọi việc diễn biến nhanh hẳn. Rất nhanh.
Chỉ trong vài ngày họ đã nhận dạng xong hắn. Theo phòng nhân khẩu thì hắn sống với bà mẹ góa. Nhưng không ai nhìn thấy hắn ở địa chỉ nhà ấy cả. Họ thử bấm chuông nhiều lần, nhưng không bao giờ có ai trả lời.
Thế là họ thử hỏi những người hàng xóm từ tòa nhà đi ra. Bà Carducci à? Bà ấy vừa mất hai mươi hôm trước. Thế tức là giấy chứng tử chưa kịp đưa về phòng nhân khẩu, Chiti nghĩ. Thế cậu thanh niên thì sao? Ý các ông hỏi Francesco hả? Sau khi mẹ chết không thấy cậu ấy đâu nữa. Không ai biết tin gì cả. Có lẽ cậu ấy đã đi đến thành phố khác, ở với người họ hàng nào đấy. Không, họ không biết ai cả, chỉ là đoán vậy thôi, họ thậm chí chẳng biết cậu ấy có còn họ hàng ở thành phố nào khác không. Nói thật ra thì họ chẳng biết gì cả. Cả cậu ấy lẫn bà mẹ đều không mau miệng gì, tóm lại là không có tin tức gì. Đến lúc ấy thì lại là Cardinale có ý kiến.
“Thưa trung úy, hay ta thử vào trong nhà.”
“Vào thế nào hả Cardinale? Sẽ không một công tố viên nào cho chúng ta lệnh khám nhà đâu. Giờ này trong tay ta vẫn chưa có gì. Không có một tí gì luôn. Chỉ toàn phỏng đoán và phỏng đoán. Nhỡ đâu cái tay này không liên quan gì đến chuyện kia cả. Tôi biết nói gì với bên công tố?”
“Thật ra thì tôi không nghĩ đến lệnh khám nhà...”
“Thế cậu nghĩ đến chuyện gì? Mang cái xà beng đến phá cửa rồi lẻn vào à? Thế nhỡ có người hàng xóm nào nhìn thấy gọi cho 113 rồi chúng ta bị bên cảnh sát tóm thì sao?”
Cardinale không nói gì. Pellegrini thì có vẻ đang ngắm mũi giày của mình. Martinelly thì đứng yên, mắt nhìn xa xăm. Trung úy nhìn bọn họ, từng người một, với vẻ mặt của người cuối cùng cũng hiểu ra chuyện gì đang xảy ra xung quanh mình.
“Ra là thế. Các anh định đột nhập trái phép. Các anh định phá cửa...”
“Không cần phải phá cửa đâu,” Cardinale bảo. “Tôi có một chùm chìa khóa vạn năng lấy được của một thằng chuyên trộm các căn hộ.” Rồi cậu ta nói tiếp như để biện minh, “Bọn tôi bắt hắn vì ít nhất mười vụ, trước khi anh đến Bari này, bây giờ chắc hắn vẫn đang ở trong tù.”
“Cậu đang bảo tôi cậu lấy một chùm chìa khóa vạn năng, rõ ràng là không ghi vào biên bản tịch thu - tức là cậu đã ăn cắp mấy cái chìa ấy - để dùng cho mục đích cá nhân.”
Cardinale mím môi không nói gì.
Chiti định nói thêm gì đó, nhưng rồi nghĩ lại. Anh lấy một điếu thuốc, châm rồi hút hết. Ba người còn lại chờ đợi, cả văn phòng đứng lặng. Cuối cùng anh cũng dập thuốc, hít một hơi thật sâu và mệt mỏi, rồi tựa má phải vào nắm đấm tay, khuỷu tay đặt trên mặt bàn. Anh lại lần lượt nhìn từng người một.
“Giải thích cho tôi biết chính xác các anh muốn làm thế nào nào.”
Năm
Một hôm
tôi gặp chị mình.
Tôi đang đi
lang thang như thường lệ ở mấy con phố trung tâm, ngắm nghía tủ kính bày hàng
của những cửa hiệu đắt đỏ nơi tôi mua đồ cho mình trong mấy tháng vừa rồi.
Tôi đang
bâng quơ nghĩ mình sẽ phải mua sắm chuẩn bị cho mùa thu và mùa đông đang tới
gần, nhưng toàn bộ cái quá trình vào các cửa hàng, hỏi ý kiến mấy cô bán hàng,
thử quần áo, chọn lựa, có vẻ như là một việc quá phức tạp và vất vả với tôi.
Khi gặp
Alessandra tôi không nhận ra chị ấy, hay đơn giản là tôi không nhìn thấy chị.
Chính chị là người dừng lại trước mặt tôi, gần như chặn tôi lại trên đường.
“Giorgio?”
Nghe giọng chị thốt lên thì chắc phải có cái gì khác nữa ngoài chuyện tôi không
nhìn thấy hoặc không nhận ra chị. Có lẽ là do cái chị đã nhìn thấy - hoặc không
nhìn thấy - trong mắt tôi.
“Alessandra.”
Ngay khi gọi tên chị, tôi nhận ra mình đã không gọi cái tên ấy từ một khoảng
thời gian lâu không tính nổi là bao nhiêu nữa, mất hút trong chiều sâu và những
bí ẩn của thời thơ ấu.
Chị già
hơn khá nhiều so với tuổi hai bảy của mình. Gương mặt già quá sớm; chị có những
vết nhăn nhỏ ở khóe miệng, quanh mắt, trên trán. Nhìn gần gương mặt chị, tôi
nhận ra chị còn có cả mấy sợi tóc bạc mỏng manh, gần thái dương.
“Giorgio,
em đi đứng kiểu gì đấy? Trông như thằng nghiện thế.”
Bao lâu
rồi tôi không gặp chị nhỉ? Tôi không nhớ nổi nữa; lần cuối chị về mà có cả tôi
ở nhà là bao giờ không biết. Có phải là sau khi tôi bắt đầu cuộc đời mới không
nhỉ. Chắc không phải, tôi gặp chị lần cuối chắc là trước khi bắt đầu chơi với
Francesco. Nghĩa là phải hơn mười tháng rồi. Phải rồi, vào dịp Giáng sinh chị
về nhà, sau đó tôi không gặp chị nữa. Lạ thật, tôi tự nhủ, chị ấy như bước ra
từ quá khứ. Bước ra từ cuộc đời trước khi tôi biết Francesco. Cái cuộc đời ấy
có vẻ rất xa, mà đúng là xa thật. Tôi cũng không biết mình nhung nhớ nó hay là
như thế nào. Cuộc đời ấy... xa quá rồi.
“Chị khỏe
không...?” Tôi chực nhắc lại tên chị, nhưng rồi tự nhiên thấy ngượng nên bỏ dở
câu hỏi như thế, với những dấu chấm lửng lơ, và chấm hỏi.
“Chị
khỏe. Thế còn em?”
Lạ làm
sao, cái cuộc gặp gỡ ấy. Như hai người quen bình thường. Mà chị em tôi cũng chỉ
là như thế với nhau, không có gì hơn. Chị khỏe không? Thế còn em? À khỏe, thế ở
nhà thế nào? Nhà nào? Nhà em hay nhà chị? Nhà nào?
Lạ lùng
thay, tôi bỗng muốn nói chuyện với chị. Trước đây chưa từng có chuyện ấy. Nhưng
bây giờ tôi cô độc quá. Trôi dạt lang thang. Đến mức ý nghĩ mình có một người
chị cũng có vẻ lạ lẫm. Thế là tôi hỏi chị có muốn đi uống cà phê không. Chị
nhìn tôi với vẻ mặt không thể phân loại được. Không hẳn là sửng sốt, một vẻ gì
đó giống với sửng sốt, nhưng hơi khác. Hơi buồn. Rồi chị bảo có, chị cũng muốn
đi uống cà phê.
Chúng tôi
im lặng đi bộ qua mấy dãy nhà đến một hàng bánh ngọt truyền thống nổi tiếng, đồ
đạc toàn bằng gỗ, chắc chắn và đầy những mùi thơm cổ xưa, ngon lành. Dạo này quán
ấy hầu như lúc nào cũng vắng, và phòng trà trông như thể dừng lại lơ lửng ở một
thời điểm không định được nào đó trong quá khứ.
“Có thật
là em không chịu học nữa không, Giorgio?”
Tôi bất
động. Làm sao chị lại biết tôi không học nữa? Rõ ràng bố mẹ tôi đã nói với chị.
Nhưng thế nghĩa là bố mẹ tôi và chị có nói chuyện với nhau. Và nói chuyện về
tôi. Hai việc không thể tưởng tượng nổi.
“Đúng đấy
chị ạ.”
“Sao lại
thế?”
“Mẹ nói
với chị à?”
“Cả hai
đều nói với chị.”
Hai chúng
tôi ngồi xuống một cái bàn. Tất cả các bàn đều trống, trừ một cái ở góc bên kia
có hai bà già, chừng bảy mươi tuổi, tóc nhuộm xanh, hút thuốc đầu lọc và có một
đống túi đồ của các cửa hàng quần áo vây quanh.
“Bố mẹ
nói với chị lúc nào?”
“Chuyện
ấy thì quan trọng gì? Nhưng em bị làm sao thế? Em đang làm cái trò gì à?”
Tôi đang
làm trò gì à?
Phải,
cách diễn đạt ấy tổng hợp đấy, hơi đơn giản hóa một chút nhưng cũng đủ hiệu quả
để định nghĩa về điều mà tôi làm mấy tháng nay.
Tôi không
nói gì, nhưng nghĩ chính xác như thế, từng từ một.
“Không,
không. Giai đoạn này... thật ra là em không...” Rồi tôi nghĩ tôi không thích
nói dối tí nào. Mà ngược lại tôi muốn kể hết với chị. Nhưng chuyện ấy thì không
thể, thế là tôi lại ngồi im như thóc.
“Nhưng
kiểu gì thì chị cũng thấy chuyện em thôi học cái thứ ấy là phải thôi. Hồi em
đăng ký học luật chị đã thấy lạ. Hồi bé em bảo em muốn làm nhà văn. Em viết
truyện trong những quyển vở hồi cấp một. Chị chưa đọc bao giờ nhưng mọi người
đều bảo là em giỏi lắm.”
Nghĩa là,
chị tôi có để ý rằng tôi, hồi còn bé, có viết lách. Những câu chuyện ấy,
trên vở học cấp một. Tôi luôn nghĩ là mình hoàn toàn vô hình trong mắt chị, vậy
mà bây giờ tôi lại phát hiện ra chị biết vài điều về tôi. Điều này thật không
tin được. Tôi thấy mình sắp khóc, và thế là tôi phải cho tay lên mặt với cử chỉ
của người lo lắng nhưng dù sao vẫn đang kiểm soát được mọi chuyện. Tôi ra hiệu
gọi cậu phục vụ. Cậu ta đến gần và chúng tôi gọi hai tách cà phê.
“Chị có
hút thuốc không?” tôi vừa hỏi vừa lấy bao thuốc của mình.
“Không.
Chị cai rồi.”
“Trước
chị hút bao nhiêu ấy nhỉ? Khá nhiều phải không?”
“Hai bao.
Có khi còn hơn. Chưa kể những thứ khác mà chị đâm đầu vào. Chuyện vốn thế mà.”
Tôi nhìn
chị để khỏi phải hỏi cái điều tôi đang ngờ tôi chị là vực thành tiếng. Chị tôi
đã đâm đầu vào cái gì thế? Tôi hiểu có đúng không?
Phải, tôi
hiểu đúng. Tôi hiểu đúng quá ấy chứ. Chị tôi đã từng nghiện heroin - thỉnh
thoảng lại lấn sang những thứ chất gây hưng phấn khác - trong năm năm trời. Tôi
đã không hề hay biết gì.
“Từ khi
nào... làm thế nào mà chị cai được?”
“Thuốc lá,
hay cái thứ chết tiệt kia?” Đôi môi chị chỉ chớm nhếch lên. Như cái bóng của
một nụ cười, nửa cay đắng, nửa giễu cợt. Tất nhiên là tôi muốn biết chị ấy cai
được từ khi nào, và làm thế nào cai được. Không. Thực tế ra tôi tò mò nhất là
chị đã bắt đầu từ bao giờ, và như thế nào.
Chị kể
cho tôi một câu chuyện mà cho đến giờ phút ấy tôi mới chỉ biết một phần. Những
tháng năm trải qua ở London, ở Bologna và những nơi khác nữa. Cú nạo thai, trộm
cắp, đổi chác để kiếm tiền mua thuốc, cuộc đời chị với tay ấy -
chị chưa bao giờ nói tên anh ta ra cả, còn tôi thì không nhớ và cũng không hỏi
chị - cộng đồng chị đã sống cùng, và chặng đường sau này. Đó không hề là thiên
đường trên hạ giới. Khác hẳn là đằng khác. Chị kể cho tôi nghe về cuộc sống vất
vả và tầm thường của chị hiện nay. Chị kể cho tôi cái cảm giác thất bại, và
trống rỗng. Về chuyện trong những lúc tồi tệ nhất, chị đã nghĩ đến việc chích
một liều. Một lần thôi, cốt để qua cái lúc ấy. Nhưng chị biết rõ đó sẽ không
phải lần duy nhất, và bằng cách này cách khác chị cứ thế đi tiếp. Chị nói cho
tôi chị làm thế nào đề đi tiếp; những mánh khóe để đi tiếp; về bè bạn - không
nhiều lắm; về công việc. Về những điều khác với điều chị tưởng tượng trước đấy.
Tất cả mọi điều, gần như tất cả.
Chị bảo
bây giờ chị lại thèm có một đứa con. Giá mà gặp được một người đàn ông xứng
đáng.
Toàn là
chị nói. Tôi nghe chị mà thấy thương yêu chị đến sững sờ.
“Em không
đâm đầu vào mấy trò vớ vẩn như chị đấy chứ, Giorgio?” Chị vươn bàn tay trái qua
bàn chạm vào một bên tay tôi.
“Giorgio?”
Tôi nhận
ra. Tôi nhìn chằm chằm vào bàn tay chị đã chạm vào, như thể trên đó in lại dấu
ấn của sự đụng chạm ấy. Lạ thật.
“Không,
không. Chị đừng lo. Chỉ là một giai đoạn tồi tệ thôi. Ý tưởng hơi lộn xộn, đại
loại thế. Chuyện vẫn xảy ra ấy mà, em cho là thế. Phải rồi, nếu chị nói chuyện
với bố mẹ thì bảo bố mẹ như thế nhé. Tức là bảo bố mẹ chị đã nói chuyện với em,
mọi chuyện đều ổn, nhưng đừng bảo là em bảo chị nói với bố mẹ. Hiện tại em và
bố mẹ không nói chuyện nhiều lắm, nhưng em rất buồn nhìn bố mẹ như thế. Chị làm
ơn nói thế vì em nhé?”
Chị gật
đầu, và mỉm cười nữa. Trông chị có vẻ nhẹ nhõm hơn. Rồi chị nhìn đồng hồ và
nhăn mặt theo kiểu: quỷ tha ma bắt, muộn quá rồi. Khi nói chuyện ta chẳng để ý
thời gian trôi qua thế nào nữa. Bây giờ chị phải đi thật rồi. Chị không nói
những từ ấy, nhưng ý là thế.
Chị đi
vòng qua bàn và trước khi tôi kịp đứng dậy chị đã hôn lên má tôi.
“Chào
Giorgio. Chị mừng là đã nói chuyện được với em.”
Rồi chị
quay ra vội vã đi. Tôi chỉ còn lại một mình trong phòng trà. Hai bà già tóc
xanh hút thuốc đầu lọc đã về được một lúc.
Im lặng,
một sự yên tĩnh dường như không có thực.
Sáu
Họ bấm
chuông. Một lần. Hai lần. Lần thứ ba bấm khá lâu.
Không có
ai trả lời cả.
Thế là
Cardinale cầm chùm chìa khóa loay hoay ở cái ổ và chưa đến một phút cánh cửa
chính đã mở ra. Martinelli và Pellegrini ngồi lại dưới xe. Chiti đã bảo đến
lượt anh vào. Không có ai phản đối cả.
Họ leo
cầu thang lên đến tầng ba, đọc cái tên ghi trên tấm biển, rồi lại bấm chuông.
Một lần.
Hai lần. Lần thứ ba bấm khá lâu.
Không có
ai trả lời cả.
Thế là
Cardinale sau khi đã xỏ tay vào găng lại bắt đầu xử lý ổ khóa. Có tiếng o o của
cái máy gì đấy. Chiti nghe thấy cả tiếng thở và nhịp tim của chính mình. Anh cố
nghĩ xem mình sẽ nói gì nếu cánh cửa đầu hành lang mở và ai đó ló mặt ra. Anh
không nghĩ ra phải trả lời thế nào nên thôi không nghĩ nữa. Anh tập trung nghe
tiếng o o, tiếng tim đập và hơi thở của mình.
Cho đến
lúc anh nghe thấy tiếng cách của ổ khóa. Lúc cả hai vào trong nhà, anh tự hỏi
không biết mình vừa đứng trước cánh cửa ấy bao lâu - ba mươi giây? Hay mười
phút?
Bên trong
tối om, im ắng và có mùi mốc.
Trong cái
bóng tối mịt mùng đặc quánh ấy, chẳng hiểu sao đột nhiên gương mặt mẹ anh hiện
ra. Tức là gương mặt mà anh nghĩ là của mẹ, vì anh cũng không nhớ trông bà thế
nào nữa. Không nhớ rõ. Mỗi lần cố gắng nhớ lại bà anh đều thất bại, mà anh thì
vốn giỏi nhớ các hình ảnh. Gương mặt bà cứ lẩn thoát, đôi khi biến thành những
con quái vật mà anh phải tống khứ đi ngay lập tức.
Cardinale
tìm thấy công tắc điện.
Ngôi nhà
rất ngăn nắp. Một kiểu ngăn nắp tỉ mỉ, ám ảnh và vô hồn. Đúng thế. Anh dừng một
lát cố nghĩ xem căn nhà sẽ như thế nào khi có người sống ở đây.
Ấy là giả
như nó đã từng có người sinh sống.
Rồi anh
sực tỉnh, đi đôi găng cao su vào tay rồi bắt đầu tìm. Tìm cái gì đấy.
Lớp bụi
nhiều ngày đã tụ lại, không ghi dấu vân tay hay dấu vết nào có thể nhìn thấy
được. Ngôi nhà này chắc không có ai ở từ ít nhất là một tháng nay. Tức là
khoảng từ khi bà mẹ chết. Rõ ràng hắn ta đã đi ngay sau đó. Hoặc ngay trước đó,
Chiti nghĩ mà không có lý do cụ thể nào.
Họ nhanh
chóng đi ra phía căn phòng của hắn. Những chỗ khác của ngôi nhà không có gì hay
nữa cả. Đồ đạc cũ, báo cũ, thiết bị cũ. Tất cả đều ngăn nắp một cách thành
kính, và bệnh hoạn.
Thứ đầu
tiên đập vào mắt họ là tấm áp phích Jim Morrison. Gắn lệch trên tường, gương
mặt đang nhìn với đôi mắt xa xăm.
Rồi các
cuốn truyện tranh Tex, có đến hàng trăm cuốn, anh nhận ra tên và bìa những tập
anh đã đọc khi còn bé.
Họ lục
lọi trong ngăn kéo, gầm giường, các giá kệ. Không có gì lạ hay đáng ngờ, ngoài
tất cả những bộ bài kia. Anh tự hỏi chúng có nghĩa gì, có liên quan gì đến vụ
điều tra không, với bạo lực và tất cả những thứ còn lại. Anh thực sự mong rằng
hắn và những quân bài của hắn có dính đến những vụ hãm hiếp, rằng tên tội phạm
thật không phải đang bình yên ẩn náu ở đâu đấy, hả hê mong ngóng nghĩ đến vụ
hiếp dâm tiếp theo và cách hắn qua mặt tất cả cảnh sát lẫn quân cảnh trên cõi
đời này.
“Trung úy
xem cái này đi.”
Cardinale
cầm trong tay một mảnh giấy đánh máy cả hai mặt.
Hợp đồng thuê
nhà.
Có một
địa chỉ trên mảnh giấy ấy.
Mười phút
sau họ đã ngồi trên xe. Tất cả quay lại đồn mà không nói lời nào suốt dọc
đường. Chiti ngồi cạnh Pellegrini đang yên lặng lái xe, hai người ngồi sau cũng
im lặng. Chiếc xe lướt đi trên những con đường bị những hàng xe đậu phi cả hai
bánh trước lên hè làm cho trông xấu hẳn đi, và lần đầu tiên Chiti nghĩ có lẽ họ
sắp bắt được hắn.
Suy nghĩ
ấy không hình thành rõ ràng, cũng không phải một suy luận.
Anh chỉ
nghĩ họ sắp bắt được hắn, đơn giản thế thôi.