Quá khứ là miền đất lạ - Phần II - Chương 21 - 22 - 23
Hai mươi mốt
Tôi không nhớ mình đọc ở đâu rằng ban ngày bọn ma trốn mất. Kể ra thì đấy cũng chẳng phải một ý tưởng đặc biệt độc đáo hay sâu sắc. Nhưng đúng thật. Sáng ra tôi hoàn toàn khỏe khoắn. Mặc dù chỉ ngủ khoảng một giờ. Mặc dù tôi đã mơ những cơn ác mộng. Mặc dù các con đường tôi đi dạo đêm qua đầy ma.
Mọi chuyện lại trở nên đơn giản khi tôi lái chiếc BMW phóng tới trăm tám mươi cây số một giờ. Tôi không còn tin vào những ý nghĩa mà tối hôm qua tôi đã vận vào chuyến đi. Không chỉ thế, tôi còn thấy khó chịu khi nghĩ đến những dự định tốt đẹp ấy. Tôi không muốn nghĩ nữa, lúc khác tôi sẽ nghĩ. Ngày hôm ấy tuyệt đẹp mà lại không nóng quá, chúng tôi đi trong tiếng nhạc muốn làm nổ tung cả xe và mọi thứ đều có vẻ khả thi. Tôi không chỉ vui, tôi còn phấn khích. Tôi nhạy bén hơn hẳn, như thể các giác quan đều mạnh lên. Tất cả đều dễ dàng, đơn giản. Có gì đó thật nguyên sơ khi nhìn thấy màu sắc đậm hơn, nghe các bài hát mà tôi vốn biết rõ như thể nghe lần đầu tiên, khi chạm vào vô lăng, vào cần số, khi đạp vào chân phanh.
Vào khoảng mười giờ chúng tôi dừng chân ở một trạm dịch vụ, có lẽ ở mạn Abruzzo, hoặc cũng có thể đã sang vùng Marche rồi. Chúng tôi gọi cappuccino và một lát bánh kem chanh. Tôi thật sự không hiểu tại sao cái chi tiết ấy lại in sâu trong ký ức mình đến thế. Tôi còn nhớ rõ cử chỉ mình nhón lấy các mẩu vụn bánh rớt lại trên đĩa bằng hai ngón tay. Tôi nhớ vỏ bánh dai thế nào và vị kem trộn lẫn với vị cappuccino.
Trước khi lại lên đường tôi gọi cho bố mẹ, nhưng tâm trạng thì không còn như buổi tối hôm trước nữa. Tránh gọi được thì tôi đã tránh rồi, vì nói chuyện với bố mẹ lúc này sẽ bứt mất của tôi cảm giác nhẹ nhõm hiện có. Sẽ nhắc tôi nhớ là tôi từng có, hoặc là phải có trách nhiệm. Sẽ khiến tôi phải suy nghĩ. Điều mà đúng là tôi đang không có ý định làm một chút nào. Nhưng rõ ràng là tôi phải gọi thôi. Tôi không thể biến đi không để lại dấu vết gì.
Và chuyện xảy ra đúng như tôi nghĩ. Thậm chí còn tệ hơn. Tôi đi Tây Ban Nha à? Cứ đi mà không báo gì trước là thế nào? Mà đi xe ai? Lúc ấy tôi mới nhớ ra bố mẹ không biết tôi có xe, thế là tôi tuôn ra một loạt những lời nói dối không ra đâu vào đâu khiến bố mẹ hiểu ngay là tôi nói dối, nhưng lại không hiểu nổi sự thật là thế nào. Và tôi lại một lần nữa tức giận vì tôi biết mình có lỗi và mình thật ngu ngốc. Một lần nữa tôi bật ra những điều khó chịu. Và kết thúc tệ, rất tệ: cả hai bên đều dập máy không cả chào tạm biệt nữa.
Giồng như cánh cửa sập. Đóng ụp xuống.
“Ai thèm nghĩ làm chó gì?” tôi vừa nói vừa nhìn chằm chằm vào cái máy điện thoại đang nhè thẻ của tôi ra. Tôi nhìn bà béo đứng gần đấy một cách tức tối và coi thường, bà ta đang chờ đến lượt mình gọi điện và rõ ràng đã nghe thấy hết. Bà ta sợ hãi không dám nhìn tôi nữa, còn tôi thì cảm thấy một sự thích thú độc ác. “Ai thèm nghĩ làm chó gì?” tôi lại tự bảo mình trong lúc quay trở lại xe.
Những chuyện xảy ra sau đó rất lộn xộn. Điều cuối cùng tôi nhớ được về chuyến xe ấy là miếng bánh chanh và tách cappuccino. Chúng tôi gần như đi một mạch xuyên qua nước Ý và miền Nam nước Pháp, thay nhau lái. Trước khi đi chúng tôi bảo mình có thể thích làm gì thì làm. Dừng chân khi nào chúng tôi muốn, có thể là chỗ nào đấy bên bờ biển dọc đường, nghỉ lại một hai ngày. Nói cách khác là đi từ tốn, vì chúng tôi đi nghỉ mà. Nhưng đến khi lên đường thì điều ấy trở thành vô nghĩa. Francesco bảo cậu ấy có người quen ở Valencia.
Và Valencia trở thành đích đến của chúng tôi. Chúng tôi phải đi đến đấy, thế thôi. Thế là đây, tuần tự hết mặt trời chói chang đến hoàng hôn ráng đỏ lan khắp vũ trụ, rồi bóng tối nửa tiếng chợp mắt ở một trạm phục vụ ngang đường với cửa kính mở toang. Tay lái xe tải tụt xuống từ cabin để ra đái sau bụi cây, sau đó ợ to rồi lại lên xe ngủ. Thuốc lá, bánh mì kẹp, cà phê rồi lại thuốc lá, cappuccino, tắm trong trạm nghỉ, các trạm kiểm tra biên giới, những tấm biển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Ánh sáng, tranh tối tranh sáng, bóng đêm, rồi lại ánh sáng và cái cảm giác cấp bách thúc đẩy chúng tôi đi. Âm nhạc. Springsteen, Dire Straits, Neil Young. Rồi mấy băng nhạc của Francesco với những thứ kim khí bạo lực. Một kiểu âm thanh nhức tai thôi miên. Càng đi chúng tôi càng ít nói chuyện, như thể đang cố tập trung vào một nhiệm vụ phải hoàn thành. Chỉ có điều tôi không hiểu cái nhiệm vụ ấy là gì.
Tôi không nhớ tí gì về những điều mình nghĩ, hay tôi có nghĩ gì không. Tôi cũng không nhớ Francesco đã nói những gì. Chúng tôi cứ thế đi, càng lúc càng mệt mỏi, nhưng không thể dừng lại.
Chúng tôi đến Valencia chỉ khoảng một ngày sau khi khởi hành, lấy phòng trong một khách sạn trông rất không thực rồi lăn ra ngủ mà không thèm thay quần áo.
Bên ngoài không khí đang rực nóng.
Hai mươi
hai
Tầm bảy
giờ tối tôi tỉnh dậy, người ướt sũng mồ hôi. Francesco đã dậy rồi, tôi nghe
thấy tiếng nước xối vọng ra từ nhà tắm. Căn phòng khách sạn này thật nhố nhăng.
Giấy dán tường in hình đầu ngựa, hai ga phủ giường khác nhau, một cái ti vi đen
trắng khổng lồ kiểu những năm sáu mươi. Tôi nằm yên ngắm nó đến vài phút, vẫn
còn mụ mị vì cơn mệt và vì cảm giác lạ lùng. Tôi ngửi thấy một mùi kỳ lạ, hôi
nhưng lại quen quen. Phải mất một lúc tôi mới hiểu chính tôi tỏa ra mùi ấy. Tôi
không thích nhận ra là mình đang bốc mùi, thế nên Francesco vừa đi ra là tôi đã
lấy cái khăn quấn quanh người đi vào nhà tắm.
Sau khi
cả hai đã phần nào lấy lại được vẻ ngoài bình thường, chúng tôi ra khỏi khách
sạn lúc khoảng tám giờ.
Francesco
gọi điện cho bạn mình, tôi nghe cậu ấy nói một thứ tiếng lẫn lộn giữa tiếng Ý,
tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Tôi hiểu là một tay Nicola nào đấy hiện không
có ở Valencia nhưng sẽ quay về trong vài ngày nữa. Francesco có vẻ không ngạc
nhiên gì, cậu ấy bảo sẽ gọi lại. Giọng cậu ấy nghe hơi là lạ.
Nicola là
một người bạn cũ, Francesco giải thích cho tôi như thế sau khi gác máy. Quê
Bari nhưng sống ở Tây Ban Nha tới giờ cũng hơn hai năm rồi, đi liên tục từ chỗ
này sang chỗ khác, làm nhiều thứ việc. Câu chuyện chỉ đến thế. Tôi
không quan tâm lắm đến Nicola. Tôi đang tỉnh táo, tôi thấy khỏe khoắn, tôi đói
và chúng tôi đang ở Tây Ban Nha.
Sau khi
ăn uống - tất nhiên là món cơm paella Valencia đi kèm rất nhiều bia - chúng tôi
bắt đầu dạo quanh thành phố.
Chúng tôi
lượn lờ qua mấy quán bar, quán nào cũng mở cửa và đông nghịt. Cuối cùng chúng
tôi đến một khu vườn với bàn ghế bày trong bóng tối chập choạng và một cái chòi
lớn ở giữa. Có rất nhiều người ngồi ở các bàn, hay đứng, thậm chí ngồi bệt dưới
đất. Mùi thuốc lá Hasit tràn ngập không gian. Chúng tôi tìm thấy một bàn trống
và ngồi xuống. Khác với lúc đi, giờ đây cả hai đều tranh nhau nói, nói rất
nhiều. Chúng tôi đang phấn khích. Chúng tôi nhảy xổ vào nhau mà nói, không cần
nghe đứa kia nói gì. Một dòng ồ ạt những lời về sự tự do của chúng tôi, về cách
sống nổi loạn, thoát ra khỏi các nguyên tắc đạo đức giả. Về chuyện tìm kiếm ý
nghĩa sự việc dưới lớp sơn cũ rích của các tục lệ.
Cả một
dòng thác những điều linh tinh.
Em phục
vụ chào ola khi tới bàn chúng tôi, nhưng chỉ một thoáng sau
khi nghe chúng tôi nói chuyện em bèn chuyển sang tiếng Ý.
Em này
quê ở Florence, chính xác là ở vùng Pontassieve, tên là Angelica. Em không đẹp
nhưng có khuôn mặt dễ mến. Angelica chăm chăm nhìn Francesco. Em hỏi chúng tôi
quê ở đâu, bảo em ấy đã từng đến Bari nhưng chỉ đi ngang qua trên đường đi Hy
Lạp, và ở đấy người ta dặn phải cẩn thận với bọn giật đồ. Em ghi món chúng tôi
gọi, vẫn chăm chăm nhìn Francesco, rồi hứa sẽ quay lại ngay.
“Cậu thấy
thế nào?” Francesco hỏi.
“Xinh
đấy. Dễ thương. Em này không đẹp nhưng có cái gì đó. Mà em ấy tia cậu đấy.”
Cậu gật
đầu ý bảo tất nhiên cậu ấy nhận ra thế rồi.
“Bọn mình
kết bạn với em ấy, chờ em ấy hết ca rồi đi về cùng. Như thế mình sẽ có người
quen ở Valencia này cho đến khi Nicola quay về.”
“Có khi
nhờ em ấy chỉ cho khách sạn nào đỡ hơn cái ổ chuột mình đang ở,” tôi bảo nhưng
Francesco không trả lời. Rõ ràng khách sạn như thế với cậu ấy là được. Angelica
quay lại với hai cốc cocktail Caipirinha của chúng tôi.
“Sao em
lại sang Tây Ban Nha làm việc thế này?” Francesco hỏi.
Trước khi
trả lời em nhìn quanh một lát. Có vẻ không bàn nào có khách cần gọi gì.
“Cả năm
liền em chẳng qua được môn nào ở trường. Em học ngoại ngữ nhưng mà gặp phải mấy
chuyện. Thế nên em nghĩ thôi sang Tây Ban Nha một thời gian, để luyện thêm
tiếng Tây Ban Nha và để xem xem em muốn làm cái gì. Thế các anh thì sao?”
“Anh
chuẩn bị tốt nghiệp khoa Triết, còn Giorgio bạn anh đây thì khoa Luật. Tháng
Bảy bọn anh thi xong nên quyết định đi nghỉ một hai tuần ở Tây Ban Nha. Thế là
bọn anh tới đây. Quán này mở cửa đến mấy giờ?” Cậu nói dối trơn tru như không.
Tôi tự nhủ mình chẳng quan tâm gì đến chuyện ấy. Tôi đang vui và không có gì
khiến tôi phải bận tâm hết.
Angelica
lại nhìn quanh và thấy ở bàn đối diện bên kia vườn có người đang ra hiệu gọi,
em nói nhanh.
“Cũng
tùy. Hai giờ sáng, hoặc ba giờ. Tùy từng đêm. Khi nào vẫn còn khách thì quán
vẫn mở.” Em ngừng lời một lúc như đang suy nghĩ điều sắp nói. Rồi vội vã bảo. “Nghe
này, em phải chạy đây. Nếu các anh không vội thì chờ em, lâu nhất là một tiếng
nữa thôi, rồi đưa em về nhà nhé. Chỉ cách đây mười lăm phút đi bộ. Như thế nói
chuyện thoải mái hơn, em sẽ chỉ cho bọn anh mấy chỗ ở Valencia và quanh quanh
đây.”
Bọn anh
không vội gì cả, Francesco bảo thế, chắc chắn là muốn ngồi chờ em rồi. Thế là
em quay lại làm việc còn chúng tôi ngồi lại bàn. Tôi thấy thật tuyệt. Trời ấm
dịu, người tôi như được cuộn trong thứ cảm giác lười biếng ngọt ngào không
cưỡng lại được. Không còn thời gian, không trách nhiệm, bản thân tôi như cũng
đã tan biến mất. Một phần có lẽ vì chất cồn - mấy chai bia lúc trước, rượu mạnh
tôi đang uống - và một phần nữa vì không khí kỳ lạ của cái khu ngoại ô này.
Chúng tôi
ra về cùng Angelica sau một tiếng rưỡi đồng hồ và ba cốc Caipirinha nữa. Tôi
vốn trụ tốt với rượu nên dù có phần mụ mị và phấn khích nhưng tôi vẫn tỉnh táo.
Tôi để ý thấy Angelica đã thay quần áo, xõa mái tóc dài màu đồng đỏ của em
xuống. Em còn trang điểm thêm nữa.
Chúng tôi
làm thêm vài ly rum trong một quán bar sắp đóng cửa. Chủ quán là bạn của
Angelica, uống cùng chúng tôi và không nhận tiền bọn tôi trả.
Rồi chúng
tôi lại đi dạo tiếp. Angelica và Francesco giờ đã quay sang chỉ nói chuyện với
nhau, tôi bị loại ra ngoài. Tất nhiên rồi. Thế nên tôi quyết định đi lùi lại
phía sau vài bước.
Tôi nhìn
ngó xung quanh, và chắc là cười lơ đãng. Đã hơn ba giờ sáng nhưng đường phố vẫn
đông người. Không chỉ các nhóm thanh niên, bọn say, lũ dị hợm, mà còn có cả
những ông già mặc sơ mi trắng cộc tay với cổ áo trông chẳng ra làm sao, những
gia đình với đầy đủ trẻ con, ông bà, chó. Chúng tôi còn đi ngang qua cả hai bà
xơ, ăn mặc nghiêm chỉnh, vừa dạo bước vừa sôi nổi chuyện trò. Tôi ngắm họ rất
lâu trong khi họ đi xa dần. Ghi nhớ họ trong óc mình - tôi nghĩ rất rõ ràng như
thế - để sáng hôm sau, hay thậm chí mười năm sau nữa tôi không tự hỏi có phải
mình chỉ nằm mơ thấy họ thôi không.
Tất cả
đều lạ lùng, không thực, đầy cảm giác say sưa và một nỗi thương nhớ bâng quơ.
Chúng tôi
đến dưới nhà Angelica và em hỏi bọn tôi có muốn lên uống cái gì không. Nhưng ý
em là: em muốn Francesco lên. Tôi nói dối rằng mình đã mệt và say lắm rồi.
Nhưng chưa đến mức không hiểu đời, tôi thầm nhủ. Thế là Francesco và Angelica
biến mất sau cánh cửa gỗ bẩn thỉu sau khi em hôn lên má chào tôi một cái.
Tôi phải
mất hơn một tiếng mới tìm lại được khách sạn. Trong thời gian ấy tôi đảo qua
thêm một hai quán bar nữa và uống thêm một hai ly rum nữa. Khi nằm xuống sau
khi đã tè một bãi tưởng như không bao giờ dứt, tôi cảm thấy như giường đang tự
quay. Hay có thể là căn phòng đang quay còn giường thì đứng im. Tôi nghĩ đến
Galileo. Chính ông là người khám phá ra điều ấy trong khoa học hiện đại. Hay là
Newton nhỉ. Ôi, tất cả mấy cái thứ ấy mệt quá đi, nhưng mà tôi phải nhớ
ra. Chó chết, tôi uống rượu giỏi lắm mà, tất cả đều bảo thế. Tất cả là ai cơ?
Mà sao tôi lại phải nhớ ra cơ chứ?
Rồi đột
nhiên mọi thứ biến mất.
Hai mươi
ba
Âm thanh
của một vụ va chạm mạnh từ bên ngoài vọng vào đã đánh thức tôi dậy. Tôi ra khỏi
giường và đến gần cửa sổ. Mồm tôi như thể bị xi măng gắn chặt lại, tôi cố lẩm
bẩm vài từ để thử xem mọi thứ còn hoạt động tốt không. Rồi tôi vén mành nhìn
ra.
Xe tải
đâm nhau. Hai người đàn ông đang chuẩn bị xông vào nhau, khoa chân múa tay,
dịch chuyển người hết trụ lên chân phải rồi lại sang chân trái. Trên vỉa hè một
nhóm đông người xem đang theo dõi cảnh ấy. Cả hai tay đang gây sự với nhau đều
to cao, mặc cùng một loại áo cotton sẫm màu phủ lên đôi vai u và cái bụng bự.
Cả hai di chuyển và khua khoắng gần như thành nhịp, tựa hồ đang cùng múa. Toàn
bộ cảnh tượng ấy có vẻ ăn khớp với nhau một cách rất điên rồ, một kiểu cân đối
mà tôi không dịch ra được.
Rồi tôi
nhận ra hai chiếc xe tải giống y hệt nhau. Cùng một kiểu, cùng một màu - trắng
và tím hoa cà - cùng dòng chữ viết trên thân xe. Hai ông lái xe đều là nhân
viên của cùng một hãng vận chuyển, và hai cây thịt đều mặc áo của công ty. Đến
đó thì tôi mất hứng nên quay lưng đi vào trong.
Francesco
vẫn chưa quay về nên tôi quyết định cứ tà tà. Tắm rửa, mặc quần áo, xuống ăn
sáng, hút điếu thuốc. Đã hơn chín giờ và nếu làm tất cả những việc đó thì tôi
có thể giết thời gian đến ít nhất mười giờ. Đến lúc ấy mà Francesco vẫn chưa về
thì tôi sẽ nghĩ xem mình nên làm cái gì.
Cậu ấy
không xuất hiện, thế là tôi bắt đầu thấy bứt rứt. Cơn phấn khích tối hôm trước
đã tan, giờ đây ngồi trong phòng ăn sáng của cái khách sạn tồi tàn này, cảm
giác lo lắng dâng lên trong tôi, cộng thêm cái gì đó gần như một cơn hoảng
loạn. Trong vài phút, tôi thậm chí còn nghĩ đến việc đóng gói đồ đạc rồi chạy
trốn, một mình.
Rồi khi
lấy lại được chút ít tự chủ, tôi hỏi xin bảo vệ khách sạn một tấm bản đồ
Valencia, để lại cho Francesco một mảnh giấy nhắn rồi ra ngoài.
Trời rất
nóng. Thành phố buổi sáng nắng rát ấy khác hẳn cái chốn siêu thực và quyến rũ
nhẹ nhàng nơi tôi lang thang đêm qua. Các cửa hàng chưa cái nào mở cửa, trên
đường chỉ có vài người qua lại, với những khuôn mặt mệt lử vì nóng quá. Vẻ tồi
tàn và rã đám bao trùm.
Khi ra
khỏi khách sạn, Valencia khiến tôi liên tưởng tới buổi sáng sau khi làm tình cả
đêm với một phụ nữ đẹp nhưng không còn trẻ nữa, bạn nhìn lại cô ấy. Đêm qua cô
ấy diện quần áo đẹp, trang điểm kỹ và thơm phức. Nhưng giờ đây khi vừa ngủ dậy,
mắt cô ấy ngái ngủ, tóc cô ấy hơi xõa xượi, cô ấy đi lại quanh nhà mặc một cái
áo cũ. Lúc đó bạn chỉ muốn mình đang ở nơi nào khác. Và có lẽ cô ấy cũng muốn
bạn đang ở nơi nào khác.
Tôi đi
quanh các phố với một quyết tâm kỳ lạ. Ngày càng qua thì cái nóng càng tăng, và
càng nóng tôi lại càng rảo bước nhanh hơn. Không đi về đâu cả, tôi không có cái
đích nào, tôi không quen thành phố này và tóm lại tôi chẳng biết mình đang đi
đâu.
Đi ngang
qua một khu nhà đổ nát, tôi đến công viên lớn. Một bà cụ già không chờ tôi hỏi
đã giải thích rằng chúng tôi đang đứng trên một lòng sông cạn, sông Turia. Con
sông này nhiều năm trước đã bị đổi hướng và người ta đã xây công viên trên lòng
sông cũ.
Đó là một
hồi ức lạ lùng, không một âm thanh, cái ngày nắng kinh hồn ấy ở Valencia. Chỉ
toàn hình ảnh giống như trong một bộ phim câm, những hình ảnh màu sắc rực rỡ.
Tôi đi bộ
hàng giờ, đôi khi dừng chân để ăn tabas hay uống bia trong quán bar có bàn đặt
ngoài trời, với những ô che cũ kỹ bợt màu, rồi lại đi tiếp khá lâu, tìm khách
sạn. Đến lúc tìm ra tôi sẵn lòng chấp nhận sự tồi tàn của nó miễn là đổi lấy tí
điều hòa. Cái máy điều hòa ấy kêu ầm ĩ nhưng dù sao cũng hoạt động, trong khi
bên ngoài những hơn bốn mươi độ.
Khi tôi
hỏi xin chìa khóa, nhân viên trực bảo caballero[4] kia đã về rồi, đang ở trên phòng. Tôi cảm
thấy nhẹ cả người.
[4] Tiếng Tây Ban Nha trong nguyên bản, nghĩa là “quý ông”.
Tôi gõ
cửa phòng, rồi lại gõ thêm lần nữa, đến lần thứ ba mới thấy tiếng Francesco trả
lời gì đấy tôi không hiểu, một lúc sau cậu mở cửa cho tôi, trên người chỉ có
độc cái quần lót và một áo phông đen.
Cậu quay
lại ngồi trên giường không nói năng gì, yên lặng như thế đến vài phút, mắt hơi
khép lại như thể đang ngắm cái gì đấy trên sàn. Rồi cậu từ từ hồi lại, với cái
vẻ của một người vừa bị nhồi trong khoang chở hành lý hai ngày liền. Cuối cùng
cậu lắc lắc đầu rồi ngước lên nhìn tôi.
“Thế nào?”
tôi hỏi.
“Đĩ ra
phết đấy, cái cô em Angelica bé nhỏ ấy. Cô nàng làm những trò như cưỡi ngựa
xiếc. Có lẽ mấy ngày tới cậu cũng phải thử một vòng.”
Tôi có
một cảm giác khó chịu mơ hồ khi nghe mấy lời ấy của Francesco, nhưng cậu không
để cho tôi có thời gian hiểu ra cảm giác ấy là gì. Cậu bảo tối nay chúng tôi sẽ
qua đón Angelica lúc cuối giờ làm việc rồi đi thẳng biển, phía Nam. Chúng tôi
sẽ đến nơi lúc bình minh, lúc đẹp nhất. Rồi sẽ tắm biển khi bãi biển còn chưa
có ai, rồi đến chơi với mấy người bạn của Angelica, mấy người ấy có nhà nghỉ và
một quán ăn, đến lúc đó bọn tôi sẽ quyết xem có nán lại ngủ hay không vì hôm
sau là ngày Angelica được nghỉ làm.
Tôi thích
cái chương trình ấy, vả lại Francesco cũng có hỏi ý kiến tôi đâu. Cậu ấy chỉ
đang thông báo cho tôi các quyết định của mình. Như lệ thường.
“Tối nay
nhớ mang theo cỗ bài nhé.”
Đó là
điều cuối cùng cậu ấy bảo trước khi nằm lên giường, xoay vai lại phía tôi và
sẵn sàng ngủ lại.
Tôi không
yêu cầu giải thích gì.