Quá khứ là miền đất lạ - Phần II - Chương 16 - 17 - 18
Mười sáu
Chúng tôi
hẹn nhau vào tám giờ tối ở vườn hoa quảng trường Cesare Battisti, đối diện với
bưu điện trung tâm và với khoa Luật. Trường tôi.
Tôi đến
muộn vài phút, đã thấy Francesco ở đó rồi.
Cậu ấy
giới thiệu tôi với kẻ đó.
Tên hắn
là Piero. Hắn cao trung bình, cỡ người trung bình và khuôn mặt bình thường. Tầm
ba lăm tuổi, hoặc có thể hơn một chút. Nếu không vì mái tóc thì ngoại hình hắn
có vẻ khá tầm thường. Mái tóc dài, màu vàng không tự nhiên, buộc túm lại thành
đuôi ngựa bằng một dây chun màu hồng nhố nhăng. Hắn đeo một cái túi da đen
phồng tướng không hiểu sao mang một vẻ gì đó rất không đàng hoàng.
Piero sẽ
đưa tôi đến chỗ luật sư Gino - hắn biết ông ta sống ở đâu - và sẽ giúp tôi thuyết
phục ông ta trả tiền. Sớm và không lằng nhằng gì cả. Lằng nhằng cũng chả ích
gì.
Trước khi
đi Francesco mời bọn tôi một cốc khai vị ở quán cà phê bưu điện. Cái quán mà
cho đến năm ngoái tôi vẫn có thói quen dừng chân sau giờ học, sau những buổi
hội thảo hay mỗi lần thi xong.
Vừa nhấm
nháp ngụm rượu prosecco lạnh buốt và cắn hạt óc chó tôi vừa thấy trong đầu mình
tái hiện những hình ảnh của cuộc sống trước đây, và một cảm giác không thực
trỗi lên trong tôi. Tựa như những chuyện này, và nhất là cái việc cụ thể này,
không phải là đang xảy ra với tôi. Và cùng lúc ấy là cái cảm giác ngay cả cuộc
sống trước đây cũng không phải là của tôi. Tôi chìm trong hai cái cảm giác vừa
trống rỗng vừa âm ỉ dai dẳng. Vừa sắc bén vừa mù quáng.
Ra khỏi
quán cà phê Francesco chào chúng tôi, tất nhiên là cậu không đi cùng được. Cậu
ấy bắt tay Piero và vỗ mạnh lên vai tôi. Vẻ hài lòng.
Chúng tôi
đi đến khu tòa án, một khu vực ban ngày trông bệ rạc còn ban đêm thì nguy hiểm.
Piero chỉ cho tôi cửa ra vào của một khu nhà ba tầng tồi tàn và nói với tôi
bằng cái giọng đặc thổ ngữ rằng lão kia sống ở đấy. Thế là chúng tôi ngồi trên
cốp một chiếc xe đậu bên kia đường và chờ.
Piero làm
y tá ở bệnh viện đa khoa, nhưng hắn chỉ đi làm khi nào thích, hắn kể vậy. Tức
là hầu như không đi. Có một đồng nghiệp khác ghi thẻ công cho hắn còn ông
trưởng khoa thì không nói động gì đến. Đổi lại, nếu có việc gì cần, như kiểu
tìm lại một cái ô tô bị lấy trộm hay chuyện kiểu kiểu thế thì hắn sẽ là người
đứng ra giải quyết hết.
Hắn nói
chuyện với giọng nhát gừng, trộn lẫn thổ ngữ. Và rít thuốc. Loại Cartier, mà cứ
đến nửa điếu là hắn dập tắt bằng cách dùng ngón trỏ và ngón giữa tay phải
nghiền nát cả giấy quấn lẫn thuốc.
Nửa tiếng
sau, luật sư Gino xuất hiện. Ông ta vẫn ăn mặc y như đêm hôm nọ. Cũng cái sơ mi
ấy, cũng cái quần kiểu dáng ngày xưa. Ông ta vừa đi vừa hút thuốc.
Chúng tôi
băng ngang qua đường và chặn ông ta lại khi ông ta chuẩn bị đến cửa.
Đầu tiên
nhìn thấy tôi, ông ta đang định cười, nhưng rồi ông ta trông thấy Piero. Nụ
cười đông lại trên môi ông ta.
“Chào
luật sư. Mình đi uống cà phê đi?” Piero bảo.
“Tôi phải
về nhà. Đi làm cả ngày rồi.”
Piero đến
gần đặt tay lên vai ông ta. “Mình đi uống cà phê đi,” hắn nhắc lại. Vẫn với cái
giọng nhát gừng ấy. Không chút ám chỉ, thậm chí không có tí đe dọa nào. Luật sư
Gino không phản đối gì nữa, cũng không cố chống cự. Trông ông như kẻ đã chịu
chấp nhận.
Chúng tôi
quặt qua góc phố, im lặng rảo bước đến hết khu phố rồi lại rẽ tiếp, đến một con
phố cụt nhỏ xíu. Không cửa hàng, quán xá gì.
“Luật sư,
có chuyện gì với tấm séc của ông thế?”
Chúng tôi
dừng chân trước một cánh cổng gỉ sét, đóng chặt, cạnh một cây đèn đường tắt
ngóm. Piero vẫn nói bằng cái giọng ấy, hầu như không thấy hắn lên giọng khi
hỏi. Luật sư Gino đang định bảo gì đấy thì tôi thấy cánh tay Piero vung lên
trong bóng tối. Cánh tay không phải giữ túi. Cánh tay vung lên thành một hình
vòng cung chớp nhoáng đập thẳng vào mặt ông già bằng tuổi bố tôi ấy.
Cái tát
mạnh đến mức tôi thấy đầu Gino ngoẹo đi và cái cổ vươn dài hẳn ra vì lực đánh
vào. Giống như những cảnh quay chậm trong đấm bốc, khi một bên tung cú đấm vào
cằm làm đầu đối thủ rung lên không kiểm soát nổi, từ bên này sang bên kia trước
khi đổ vật xuống sàn với cặp mắt trợn ngược lên.
Lúc ấy
tôi mới nhận ra luật sư Gino chải vắt tóc lên để che chỗ hói. Trước đấy tôi
không để ý nhưng cú bạt tai đã làm một lọn tóc dài của ông ta văng ra, lộ mảng
đầu hói ở giữa, còn lọn tóc thì rũ từ trán xuống đến gần mũi.
Tôi
choáng váng vì một cảm giác gần như sợ hãi. Nhưng lại rất khác. Đó là sự pha
trộn giữa sợ hãi và xấu hổ với một cảm giác hoan hỉ độc ác, vô tâm không thể
thú nhận nổi. Cái cảm giác khi ta có được quyền lực gần như tuyệt đối trước một
kẻ khác.
Tôi không
biết phải làm gì. Cằm Gino run lên, như một đứa trẻ đang sắp bật khóc nhưng
gắng sức tuyệt vọng cố nín. Chùm tóc đu đưa yếu ớt trông như một bộ phận giả
gắn vào ông ta.
Tôi cảm
thấy có gì đó vọt lên trong mình, chạy xuyên người tôi không thể kiểm soát nổi,
như một con sóng giận dữ chạy trong đường ống hẹp.
Cuối cùng
tôi cũng lao vào đánh ông ta.
Tôi cũng
giáng cho ông ta một cái tát, không mạnh bằng của Piero nhưng dù sao cũng rất
mạnh, vào cùng một bên má.
Tôi tát
để ông ta thôi run lẩy bẩy như thế. Tôi tát vì thấy căm ghét ông ta. Và vì giận
dữ. Kiểu cơn giận vẫn chiếm lấy ta khi ta đối mặt với sự yếu đuối, sự hèn nhát
của ai đó và nhận ra - hoặc sợ phải nhận ra - sự yếu đuối, hèn nhát của chính
mình. Khi ta đối mặt với sự suy sụp của người khác và cố đánh tan nỗi sợ hãi
rằng trước sau rồi ta cũng sẽ suy sụp y như thế.
Tôi tát
ông ta, và trong mắt Gino lóe lên một ánh ngỡ ngàng, rồi tắt lịm ngay, nhường
chỗ cho cảm giác chịu đựng, cái vẻ mặt của một người chấp nhận là mình đáng bị
đánh như thế.
Thế là
tôi mở mồm, để không nghĩ đến việc tôi vừa làm. Và chuyện tôi đang làm. Tôi nói
cốt để dìm đi cái nụ cười ác độc mà tôi cảm thấy đang lấp ló rất gần trên môi
mình. Nụ cười thỏa mãn vì những thứ mà tôi làm được. Và cũng để bảo vệ ông ta
nữa. Để không cho Piero đánh ông ta tiếp. Tôi muốn tìm cách nắm lấy tình thế.
“Sao ông
lại ép chúng tôi phải làm thế này với ông hả?”
Tôi ép
mặt mình tỏ thái độ thất vọng nhưng cũng sẵn sàng thông cảm. Như thể chúng tôi
quen biết đã lâu và ông ta đã phản lại lòng tin của tôi. Nhưng tôi vẫn sẵn sàng
tha lỗi, chỉ cần nói cho tôi cách nào thôi.
Gino vén
lại chùm tóc về chỗ cũ bằng cái vẻ tự trọng bệnh hoạn. Ông ta cố lấy lại chút
tư cách, vì chúng tôi đã nói hết rồi và giờ đến lượt ông ta trả lời.
“Nhưng mà
tôi không có chỗ tiền ấy. Tôi cũng muốn trả cậu, nhưng bây giờ chưa có tiền.
Tôi gặp phải vài chuyện. Rồi tôi sẽ cố để kiếm chỗ đấy, nhưng bây giờ tôi không
có.”
Lố bịch
thay, tôi chỉ chực bảo: được rồi, không. Xin lỗi vì tát ông như thế, nhưng làm
ăn là làm ăn, khi nào ông có tiền chúng ta sẽ gặp nhau ngay. Rồi đi khỏi đây,
biến ngay.
Nhưng
Piero đã xen vào, hắn ta vẫn không nói gì cho đến lúc ấy. Tôi nghĩ chắc hắn
sửng sốt vì không lường trước hành động của tôi và vì mọi chuyện xoay chuyển
theo cách ấy.
Hắn bảo
không việc gì phải nhiều chuyện quá như thế. Bây giờ ông ta sẽ phải ký cho
chúng tôi vài hối phiếu, mười, cùng lắm là mười hai tờ. Tất nhiên chúng tôi sẽ
cộng thêm cả tiền lãi và tiền phí vì mấy thứ rắc rối và trì hoãn này. Chúng tôi
- hắn bảo chúng tôi - sẽ đổi chỗ hối phiếu ấy thành tiền mặt ở
ngân hàng và ông ta liệu mà thanh toán cho tử tế, đúng hạn. Hắn chẳng thèm đổi
giọng lấy một lần, kể cả khi nói nếu có bất cứ hối phiếu nào không được trả thì
hắn sẽ quay lại. Và sẽ bẻ gẫy một cánh tay của ông ta.
Luật sư
Gino quay qua nhìn tôi. Có lẽ ông ta không thể tin được một người như tôi lại
dính vào những trò này. Tôi quay đi, nghiêm nghị gật đầu. Tôi phải giữ tròn
vai. Như một cách nói: tôi không thích trò này, rõ là thế rồi nhưng nếu ông xử
sự không ra gì thì chuyện đành phải thế thôi. Đừng có ép chúng tôi phải xuống
tay.
Xét về
mặt chuyên môn thì tôi đang thực hiện một vụ tống tiền.
Những từ
ấy dù không muốn vẫn vang lên trong đầu tôi. Tôi nghe thấy chúng, và cùng lúc
nhìn thấy chúng được viết lên rõ ràng, như in trên một tập tài liệu. Hay một
biên bản.
Chúng tôi
đứng im như thế một lúc.
“Đi uống
cà phê thôi nào,” cuối cùng Piero bảo. “Ngồi xuống cái bàn nào để còn điền hối
phiếu, rồi ai về nhà nấy.”
Luật sư
Gino yếu ớt thử cưỡng lại một lần nữa. “Nhưng hối phiếu thì giờ này kiếm đâu
ra? Các quầy đóng cửa hết rồi.”
“Tôi có
mang theo rồi đây, ông không phải lo.” Piero vừa nói vừa chạm tay vào cái túi
căng phồng mờ ám của hắn. Chuyên nghiệp không còn gì để nói.
Chúng tôi
đến một quán bar, ngồi vào bàn phía bên trong, gần sát góc. Tôi cảm thấy đầu
quay tít, một cơn buồn nôn mơ hồ. Khi cà phê được bưng ra tôi không uống nổi
nữa. Piero lôi gói thuốc Cartier ra mời chúng tôi. Gino cảm ơn rồi từ chối, bảo
ông ta thích hút thuốc của mình hơn. Piero lại cất cái giọng đều đều bảo ông
cầm lấy một điếu, và thế là Gino đành chịu. Tôi cũng làm theo, nhưng chỉ châm
thuốc lên rồi kệ cho nó tự cháy hết.
Luật sư
Gino ký các hối phiếu, mười, hay có lẽ là mười hai tờ. Ông ta vừa viết vừa cúi
gằm đầu xuống, còn tôi nhìn những mảnh giấy ấy cùng bàn tay đang tạo ra những
nét chữ sang trọng và đáng thương. Ánh mắt của tôi dính chặt vào bàn tay nhợt
nhạt ấy, vào cái bút bi chỉ đáng giá hai xu, vào bề mặt xanh nhợt của cái bàn
rẻ tiền đang ngồi.
Khi mọi
chuyện đã xong, tôi đứng dậy, cầm các tờ hối phiếu, cuộn lại nhét vào túi quần.
Rồi tôi đứng đờ ra đấy không biết phải làm gì, nói gì nữa. Đầu tôi chỉ nghĩ ra
mấy câu ngớ ngẩn kiểu như: Cảm ơn, hẹn gặp lại ông nhé. Hoặc là: Hy vọng lần
tới gặp lại ông trong hoàn cảnh đỡ hơn thế này. Hoặc nữa: Tôi xin lỗi, nhưng
làm ăn là làm ăn và nợ thì phải trả. Trong tất cả những câu ấy tôi đều xưng hô
ông tôi lịch sự. Như tôi sẽ làm nếu chúng tôi gặp nhau trong một hoàn cảnh
khác. Tôi và cái người đàn ông bằng tuổi bố mình.
Tôi đang
định giơ tay bắt tay ông ta, tỏ ra hòa khí một cách hèn nhát thì bạn đồng hành
của tôi xen vào. Đồng phạm của tôi.
“Đi thôi.”
Giọng hắn có cái vẻ sốt ruột của kẻ cho rằng bọn nghiệp dư thì đừng bao giờ nên
thử làm chuyện của dân chuyên nghiệp. Hoặc có thể chỉ là tôi tưởng tượng ra cái
giọng ấy, còn hắn chỉ đơn giản là xong việc và muốn về. Tôi do dự thêm một lát,
rồi quay đi hướng về phía lối ra. Mà không nói một lời.
Khi ra
đến cửa tôi quay lại. Ở cuối quán bar Gino vẫn đang ngồi yên ở cái chỗ chúng
tôi đã bỏ ông ta lại. Một tay ôm đầu, khuỷu tay chống lên bàn, cánh tay còn lại
buông thõng bên người. Trông ông ta như đang mơ hồ quan tâm ngắm thứ gì đấy.
Nhưng ở
cái hướng mắt ông ta đang nhìn chỉ có bức tường lở loét.
Mười bảy
Đêm hôm
ấy bốn mươi giọt thuốc giảm đau không có tác dụng. Cơn đau đầu giảm bớt, nhưng
vẫn như một cái bóng đè nặng đến ù tai lên vùng mắt và trán. Cái cảm giác anh
biết rõ là bất kỳ lúc nào cũng có thể biến thành một cơn đau giật từng nhịp
không thể chịu đựng nổi. “Trung úy, tôi vào được không?”
“Vào đi
Cardinale.” Anh ra hiệu bảo cậu ta ngồi xuống, cầm bao thuốc đưa ra một điếu
mời - cùng lúc nghĩ thầm với cơn đau đe dọa thế này thì mình đừng nên hút.
Cardinale lịch sự từ chối.
“Cảm ơn
trung úy nhưng tôi cai thuốc rồi.”
“Ừ nhỉ,
cậu bảo tôi rồi mà. Thế cậu định nói chuyện gì với tôi?”
“Tôi có
đọc lại ghi chép về tất cả các vụ của... cái thằng điên mà chúng ta đang truy
tìm.”
Chiti bỏ
điếu thuốc chưa châm ra khỏi môi. Anh vươn người một cách vô thức về phía cậu
trung sĩ.
“Thế sao?”
“Thưa
trung úy, tôi nghĩ điều quan trọng nhất không phải là nơi xảy ra các vụ xâm hại
ấy. Mà theo tôi điều quan trọng nhất là ở nơi mà các nạn nhân đi từ đó đến.”
“Ý cậu là
gì?”
“Các cô
gái đều từ câu lạc bộ đêm, quán rượu hay sàn nhảy đi về. Hai cô làm việc ở đó,
còn bốn cô kia, kể cả cái cô bị cách đây hai ngày thì đều là khách qua chơi.”
Khách qua
chơi. Lại có cái từ ấy nữa à? Chiti tự hỏi.
“Sao cậu
biết các cô ấy đều từ những chỗ chơi đêm ra.”
“Ghi
trong biên bản mà trung úy.”
Đúng quá
rồi. Điều ấy ghi trong biên bản nhưng anh lại không để ý. Anh đã đọc đi đọc lại
chúng, mong tìm thấy điểm chung trong cách hành động, hay trong miêu tả sơ sài
gần như không có gì đặc biệt về tên hiếp dâm. Anh đã không để ý đến những sự
việc trước đó. Chiti cảm thấy một thoáng ghen tị với người cảnh sát kia, cậu ta
đã tỏ ra thông minh hơn anh.
“Cậu nói
tiếp đi.”
“Tôi tin
rằng thủ phạm cũng đến những chỗ ấy. Hắn quan sát xung quanh và chọn ra nạn
nhân, có thể là trong số các cô gái không có bạn trai đi kèm - tôi cũng không
biết nữa, kiểu như một nhóm con gái đi với nhau. Rồi khi cô ta về hắn đi theo
và... giở trò.”
“Thế
những cô làm việc ở đấy thì sao?”
“Cũng thế
thôi thưa trung úy. Hắn đến quán bar, có lẽ tầm muộn, để mắt đến cô phục vụ
hoặc cô đứng sau quầy. Hắn ngồi đấy uống và chờ. Đến giờ quán đóng cửa thì hắn
ra, đi theo cô gái xem cô ấy có ai đưa về không, nếu không có thì hắn tóm...”
“... Có
thể là một cô làm ở quán hắn đã đến nhiều lần, để chọn nạn nhân, tìm hiểu các
thói quen của cô ấy. Phải rồi. Phải rồi.”
Đoạn
Chiti châm thuốc, kệ thây cơn đau đầu đe dọa. Anh ngồi im giây lát, chìm trong
ý tưởng ấy, cảm giác khâm phục Cardinale trộn lẫn với nỗi ganh tị vì chính anh
không nghĩ ra điều ấy, không đủ sức tìm tòi hết các điểm khả thi. Một cơn phấn
khích nhẹ nhàng tăng dần lên trong anh: họ đã lần ra đầu mối, hay ít nhất là
một giả thuyết có giá trị cuối cùng cũng hiện ra từ đường chân trời mù mịt của
vụ điều tra này.
“Các cô
gái có nói rõ họ từ quán nào về không?”
“Vài cô
nói còn vài cô thì không. Phải hỏi lại tất cả đã. Thử xem họ có để ý ai tối hôm
ấy hoặc những tối trước đó không. Một người đàn ông nào đi một mình, hay đại
loại thế.”
“Phải
rồi. Chắc chắn là phải hỏi lại tất cả. Bắt đầu luôn từ nạn nhân cuối cùng. Và
hỏi cả mấy cô bạn nữa. Cô ấy bảo tối hôm kia cả nhóm có bốn cô. Chúng ta sẽ gọi
cả bốn lên ngay lập tức. Bọn họ vẫn chưa kịp quên mấy đâu.”
Anh dụi
tắt điếu thuốc mới chỉ hút được một nửa.
“Giỏi lắm
Cardinale, khá lắm. Chúng ta triệu tập mấy cô luôn hôm nay đi. Đầu tiên là
Caterina họ gì gì đó và từ cô ta lấy thông tin để gọi các cô bạn kia. Khá lắm.”
Chết
tiệt, khá thật ấy chứ. Anh vừa tự nhắc lại với mình vừa châm thêm một điếu
thuốc mới, khi cậu trung sĩ đã ra khỏi phòng.
Cơn đau
đầu đã qua đi.
Mười tám
Caterina
họ gì gì ấy không nhớ thêm được điều nào khác về buổi tối hôm đó. Cô không nhận
ra điều gì khác thường ở quán bar cả. Phải, chỗ ấy cô ấy và các bạn hay đến.
Không, họ không nhận thấy có gì lạ những tối trước đó, tuần trước đó cũng
không. Không, cô không biết trước đó mình có từng bị đi theo không.
Hai cô
bạn khác cũng nói y như thế.
Với cô
thứ tư tình hình có vẻ cũng chẳng hơn gì. Xinh xắn, ngực to và có vẻ tinh quái,
nhưng không phải dạng cực kỳ thông minh. Cardinale và Pellegrini ở cùng với
Chiti trong phòng thẩm vấn lúc ấy đang ngấu nghiến cô ta bằng mắt.
“Thưa
cô...”
“Rossella.”
“À phải
rồi, Rossella. Cô làm ơn nhắc lại tên tuổi và các thông tin về mình được không?”
Rossella
nói, rồi lần thứ tư trong ngày, Chiti bảo cô nhắc lại chuyện xảy ra tối hôm ấy.
Caterina và Daniela về trước vì hôm sau hai cô có giờ học. Cô và Cristina nán
lại một chút vừa uống vừa nói chuyện tiếp.
“Được rồi
Rossella. Bây giờ tôi muốn cô tập trung vào những việc xảy ra trước đó. Ý tôi
là trước khi hai cô bạn kia ra về. Cô có để ý thấy ai lạ trong quán không? Một
người đàn ông nào đấy đi một mình, có vẻ... khác biệt hay thế nào đấy? Hoặc ai
đó cô đã từng nhìn thấy ở quán một tối nào trước đây.”
Rossella
lắc đầu, và chực nói ra mồm điều ấy. Không, không có ai lạ cả. Và như thế là
một ý tưởng nữa lại tan thành mây khói và bọn họ sẽ quay lại điểm xuất phát.
Nhưng rồi cô gái bỗng dừng, không lắc đầu nữa và có vẻ tập trung, như thể vừa
nghĩ ra điều gì.
“Có một
anh đến... nhưng mà không thể là anh ta được.”
“Ý cô là
gì? Ai đến?”
“Chúng
tôi vừa ngồi được một lát thì cái anh đấy... đi vào ngồi ở quầy. Mười phút thôi
rồi lại đi. Nhưng không thể là anh ta được.”
“Tại sao?
Sao lại không thể là anh ta được?”
Rossella
nhìn thẳng vào mắt anh, lại lắc đầu. Sau đó là một thoáng yên lặng.
“Anh ấy
đẹp trai. Anh ấy không thể nào lại đi hiếp dâm được. Người như thế muốn cô nào
mà chả được. Anh ta không thể đi theo Caterina...”
Không đời
nào có chuyện một tay đẹp trai như thế lại đi theo cưỡng đoạt một cô gái như
Caterina. Chắc cô gái muốn nói điều gì kiểu như thế, nhưng Giorgio đã ngắt lời
cô.
“Cô đã
nhìn thấy anh ta trước đó bao giờ chưa?”
“Chưa,
chắc chắn là chưa. Nếu đã từng gặp thì thể nào tôi cũng nhận ra. Nhưng tôi nhắc
lại là...”
“Thế nếu
gặp lại anh ta cô có nhận ra không?”
Chắc chắn
là cô nhận ra. Nghe giọng cô người ta có thể thấy rõ cô không chỉ nhận ra mà
còn sẵn sàng được làm quen với anh chàng ấy.
Chiti đề
nghị cô gái miêu tả đối tượng trước và ghi lại - cao khoảng một mét tám, mắt
sáng màu, tóc sẫm - rồi mới đưa cô xem album ảnh của tất cả các tên tội phạm có
tiền án tương tự họ đã chuẩn bị từ trước. Mặc dù anh không tin cái tay đẹp trai
như Alain Delon ấy lại nằm trong số những gã điên đó.
Quả đúng
là anh chàng không nằm trong số đó. Cô gái lật nhanh các bức ảnh với vẻ ghê tởm
ra mặt trước một tập hợp những gương mặt đáng ghê sợ, những đường nét méo mó do
bản chất, do những thú tính bên trong, hay chỉ đơn giản là do những cú đòn
chúng lãnh trước khi bị dựng lên chụp ảnh và cho vào danh sách. Sau khi khép
cuốn album lại cô đẩy nó ra xa với một cử chỉ cương quyết và không thích thú
gì, rồi lắc đầu. Chiti ngồi yên vài giây rồi phá tan sự im lặng.
“Nghe này
Rossella, cô bảo cô nhớ rõ mặt anh ta. Thế cô có thể tả cho họa sĩ của chúng
tôi để xem thử chúng ta có dựng được một chân dung nhận dạng không?”
“Được ạ.
Nhưng không thể nào...”
“Tôi
hiểu. Ý cô là một người như thế khó có thể là đối tượng mà chúng ta truy tìm.
Rất có thể cô đúng, nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là không được quyền bỏ qua bất
cứ khả năng nào.”
Vừa nói
Chiti vừa nghĩ đến một chuyện khác. Anh cảm thấy phấn khích kỳ lạ, và nếu phải
diễn tả cảm xúc ấy ra thành lời thì anh sẽ nói: có thể là hắn, có thể
là hắn; tôi không biết tại sao nhưng giả thiết này trùng hợp hoàn hảo với điều
gì đó; tôi không biết điều gì, nhưng mà trùng khớp. Một cách hoàn hảo.
“Pellegrini,
anh làm ơn gọi giúp họa sĩ... cái cậu hạ sĩ có ria mép tên là gì ấy nhỉ?”
“Cậu ấy
tên là Nitti, thưa trung úy. Nhưng cậu ấy không có ở đây.”
“Không có
ở đây là thế nào? Cậu ấy đi đâu?”
“Nghỉ ốm
thưa trung úy. Cậu ấy bị tai nạn xe máy gãy tay, lại đúng cánh tay dùng để viết
và vẽ.”
Dừng lời.
Im lặng.
“Có lẽ ta
có thể hỏi bên cảnh sát xem họ có cho mượn một họa sĩ bên họ được không. Bên
đấy có ít nhất hai người và chắc chắn là...”
“Anh bảo
sao cơ? Chúng ta gọi bên cảnh sát bảo họ là: cho bọn tôi một họa sĩ để giúp
giải quyết vụ tên điên hiếp dâm ở lối vào các tòa nhà, thế là bọn họ sẽ đồng ý
ngay, sẵn sàng thôi mấy bạn quân cảnh, chuyên gia của chúng tôi đây. Miễn phí
nhé. Rồi chúng tôi sẽ đi và tất nhiên sẽ không có ý định thọc mũi vào cuộc điều
tra của các bạn đâu. Ý anh là họ sẽ trả lời như thế sao?”
Pellegrini
nhún vai và liếm môi. Như muốn nói: thì cũng chỉ là một ý kiến thôi, đằng nào
chúng ta cũng lâm vào ngõ cụt có lối thoát nào đâu.
Nhưng
Chiti đang nghĩ đến việc khác. Có lẽ hơi điên rồ một chút. Hoặc có thể là
không.
Một điều
mà anh không dễ nói ra khi đội của mình đang tụ họp trong phòng.
Vì sao cơ
chứ? Anh tự hỏi. Vì anh hơi xấu hổ khi phải nói trước mặt cấp dưới là mình biết
vẽ và anh sẽ thử vẽ chân dung cái tên hiếp dâm ấy.
Thế nên
anh không nói gì, mà làm luôn.
“Cardinale,
làm ơn đi lấy cho tôi mấy tờ giấy trắng, một cái bút chì và tẩy.”
Cậu trung
sĩ nhìn anh không đáp, chỉ nheo mắt nhăn trán. Kiểu một người đang tự hỏi không
biết mình có nghe nhầm không. Đúng là kiểu ấy.
“Sao vậy?
Cậu có đi không thế?”
Cậu ta
như sực tỉnh và đi ra, rồi quay lại sau vài phút với giấy, bút chì, tẩy và gọt
bút chì.
“Bây giờ
mọi người làm ơn rời phòng để tôi ở lại với cô đây.”
Anh chỉ
nói thế, không thêm gì nữa; để khỏi phải giải thích. Cả hai người kia đi ra
không nói một lời và cũng không hề nhìn nhau.
Anh và cô
gái ở đó ít nhất cả tiếng. Khi Pellegrini và Cardinale quay lại thì trên bàn có
một bức chân dung.
Pellegrini
không nhịn được thốt lên, “Anh vẽ bức này đấy à, trung úy?”
Chiti
không nói gì, chỉ ngồi yên lặng khá lâu, ánh mắt lướt từ bức họa đến gương mặt
hai cấp dưới, rồi đến cô gái.
“Cô
Rossella bảo trông giống với đối tượng cô nhìn thấy hai đêm trước ở quán...”
Cô gái
nhìn xung quanh, định nói gì đấy nhưng rồi chỉ gật đầu. Cô có vẻ lúng túng. Lại
thêm vài giây im lặng nữa, một sự im lặng không thoải mái kỳ lạ.
Rồi Chiti
cảm ơn cô gái vì đã dành chút thời gian và bảo cô ký vào biên bản rồi có thể về
nhà; nếu vẫn còn cần cô giúp thì họ sẽ lại gọi. Đích thân anh tiễn cô đi qua
hành lang, xuống cầu thang của đội đến tận lối ra.
Khi anh
quay lại phòng mình, hai người kia đang đứng trước bàn. Cả hai im bặt khi anh
tới.
“Thế nào?”
Im lặng.
Y như lúc trước.
“Thế nào?
Tôi cho rằng chúng ta có chuyện để xử lý rồi đấy.”
Vẫn im
lặng. Cả hai chỉ lặng lẽ gật đầu.
Chiti
định hỏi có vấn đề gì. Vì rõ ràng là có chuyện gì đấy. Nhưng không hiểu sao anh
nén lại và bảo hai người đi photo bức chân dung. Khi bọn họ quay lại anh nói họ
sẽ phải đưa bức chân dung ấy cho tất cả các cô gái xem, cần hỏi lại bọn họ về
sự việc đã xảy ra, xem họ ở quán nào về vào tối hôm bị hại, xác minh xem họ có
đến những chỗ ấy các tối khác không, trừ trường hợp mấy cô làm ở đấy. Anh nói
tất cả những điều ấy rất nhanh, trong lòng chỉ mong được ở lại một mình càng
sớm càng tốt.
“Khi nào
thì chúng ta bắt đầu thưa trung úy?”
“Từ mười
phút trước. Cảm ơn, xong rồi.”
Rồi anh
phẩy tay, ra hiệu bảo họ có thể đi. Kém lịch sự hơn bình thường, hay đúng hơn
là cực kỳ bất lịch sự. Cả hai đứng nghiêm, chào rồi đi ra. Còn anh vẫn ở đấy,
ngồi yên sau bàn.
Thế là
cuối cùng cũng được ở một mình, với bức vẽ. Cuối cùng thì cũng được thoải mái
ngắm nó.
Anh ngắm
nó rất lâu, càng ngắm càng thấy một sự căng thẳng dâng lên trong từng khối cơ.
Những
người trong đội của anh đã nhìn thấy điều gì? Và bản thân anh thì thấy gì?
Gương mặt
của một tên tội phạm tâm thần không tên tuổi, hay thứ gì đó giống một bức chân
dung tự họa đến phát sợ? Càng nhìn tờ giấy anh càng cảm thấy như mình đang đứng
trước một tấm gương kinh hoàng làm bằng giấy.
Cuối cùng
thì sự căng thẳng trở nên không thể chịu đựng nổi.
Anh thô
bạo vò tờ giấy nhét vào túi rồi chạy trốn khỏi văn phòng.