Trăm năm cô đơn - Chương 18 - Phần 1

Chương
18

Trong suốt một thời
gian dài Aurêlianô không ra khỏi phòng của Menkyađêt. Chú học thuộc lòng các
truyện cổ hoang đường trong cuốn sách đã rách rời, các bản tóm tắt những công
trình nghiên cứu của Hecman, một người bại liệt, các chỉ dẫn về khoa quỉ thẩn học,
các điểm mấu chất của loại đá giả kim, và cuốn Những lời sấm truyền… của
Nôstrađam và những nghiên cứu của ông về bệnh dịch hạch, bởi vậy, khi đến tuổi
trưởng thành chú không hề hiểu biết gì về thời đại mình, nhưng lại có những kiến
thức cơ bản của người thời Trung cổ. Lúc nào bước vào căn phòng đó, Santa
Sôphia đê la Piêđat cũng thấy chú vùi đầu vào sách vở. Cụ mang cho chú một tách
cà phê không đường vào buổi sáng và một đĩa cơm với vài lát chuối rán vào buổi
trưa, đó là món ăn duy nhất ở nhà này kể từ khi Aurêlianô Sêgunđô mất. Santa
Sôphia đê la Piêđat lo việc cắt tóc bắt chấy rận cho Aurêlianô, sửa quần áo cũ
trong những chiếc rương đã bị lãng quên cho chú mặc, khi thấy râu ria chú nhú
ra, cụ mang dao cạo và chổi bôi xà phòng của đại tá Aurêlianô Buênđya đến cho
chú. Chẳng ai trong số những người con của đại tá, kể cả Aurêlianô Hôsê, lại giống
ngài đến như Aurêlianô, nhất là ở đôi gò má cao và đường nét cương nghị có chút
vẻ tàn nhẫn của khoé miệng. Trước đây Ucsula tin rằng Aurêlianô Sêgunđô thường
nói một mình trong khi ngồi học ở trong phòng, bây giờ Santa Saphia đê la
Piêđat cũng nghĩ như vậy Thực ra, Aurêlianô nói chuyện với Menkyađêt. Sau cái
chết của hai anh em sinh đôi kia, vào một buổi trưa oi ả, qua sự phản chiếu của
cánh cửa sổ, Aurêlianô nhìn thấy ông già tang thương với cái mũ cánh quạ, như
đó là sự hiện hình cụ thể của một ký ức đã hình thành trong đầu óc chú từ rất
lâu trước khi chú ra đời. Trước đó Aurêlianô đã hoàn thành việc phân loại thứ
chữ cái viết trên các tấm da thuộc. Khi Menkyađêt hỏi Aurêlianô rằng chú đã biết
người ta ghi thứ ngôn ngữ nào trên đó chưa, chú trả lời không chút do dự:

- Tiếng Phạn.

Menkyađêt hé cho
Aurêlianô biết rằng mình chẳng còn nhiều dịp trở lại căn phòng này. Nhưng
Menkyađêt bình tâm đi đến cái chết vĩnh hằng, bởi vì Aurêlianô có thời gian để
học tiếng Phạn trong những năm tháng trước khi các tấm da thuộc kia tròn trăm
tuổi và người ta có thể đọc được chúng. Chính Menkyađêt đã chỉ cho Aurêlianô biết
rằng ở trên con đường chạy đến bờ sông, nơi ở thời kỳ Công ty chuối người ta
thường xem hậu vận và đoán mộng, trong cửa hàng sách của một nhà thông thái người
xứ Catalunha có cuốn Sánskrit Primer[35]
nếu Aurêlianô không mua vội thì chỉ sáu năm sau sẽ bị gián nhấm hết. Lần đầu
tiên trong rất nhiều năm tháng đã qua của đời mình, Santa Sôphia đê la Piêđat để
lộ một tình cảm, và đó là một tình cảm sững sờ, khi Aurêlianô đòi hỏi cụ mang về
cho chú cái cuốn sách nằm giữa tập Giêrudalem giải phóng[36]
tập thơ của Mintôn[37],
phía bên phải cùng thuộc hàng thứ hai của giá sách. Vì không biết chữ nên Santa
Sôphia đê la Piêđat học thuộc lòng những lời hướng dẫn đó và cụ chạy tiền bằng
cách đem bán một trong mười bảy con cá vàng còn lại ở xưởng kim hoàn mà chỉ có
cụ và Aurêlianô biết chúng đã được cất giấu ở chỗ nào trong đêm bọn lính lục
soát ngôi nhà.

[35] Tiếng Anh, "Giáo trình cơ sở về tiếng
Phạn.

[36] Tập anh hùng ca gồm 20 chương của Torcualô
Tatsô (1575-?)

[37] Mintôn (1608-1674) nhà thơ và nhà viết kịch
người Anh. Một trong những tác phẩm nối tiếng của ông là tập anh hùng ca mang nội
dung tôn giáo Thiên đường đã mất, viết về sự ra đời và sự suy vong của nhân loại.
Ông bị mù từ năm 1652. Tác phẩm trên được ông đọc để vợ và các con gái ghi chép
lại.

Aurêlianô tiến bộ
trong việc học tiếng Phạn, trong khi đó Menkyađêt ngày một thưa nhạt và xa vời,
lẫn dần vào ánh sáng ban trưa rực rỡ. Lần cuối cùng Aurêlianô cảm thấy cụ là
lúc Menkyađêt dường như chỉ còn là một cái bóng không thể nhìn thấy đang lầm rầm
“Ta đã chết vì bị siết trên những cồn cát ở bờ biển Singapore”. Căn phòng lúc
đó bỗng trở nên thiếu sức đề kháng trước sự tấn công của bụi bặm và nóng bức, của
mọt và kiến, của mối và gián, những con vật từng biến kiến thức trong sách vở
và các tấm da thuộc kia thành bụi.

Trong nhà không thiếu
thức ăn, Aurêlianô Sêgunđô chết hôm trước thì hôm sau một trong những người bạn
của ông từng đem tới chiếc vòng hoa với dòng chữ bất kính kia đã trả cho
Phecnanđa một khoản tiền mà ông ta nợ chồng bà. Cũng từ hôm ấy một người làm
nghề chuyển hàng cứ vào ngày thứ tư lại mang tới một làn thức ăn đủ cho cả một
tuần lễ. Chẳng bao giờ có ai biết rằng những thức ăn đó là do Pêtra Côtêt gửi tới
với ý nghĩ: bằng cách tỏ lòng thương hại kéo dài, bà sẽ làm khổ nhục người đã từng
làm mình khổ nhục. Nhưng sự thù hằn đã tan biến nhanh hơn cả chính Pêtra Côtêt
tưởng, và khi ấy bà vẫn tiếp tục gửi thực phẩm tới vì kiêu hãnh, và sau đó vì cảm
thương. Có những lần khi Pêtra Côtêt không muốn đi bán vé xổ số nữa và dân
chúng cũng đã mất hứng thú với trò cờ bạc ấy, bà đã nhịn để nhường thức ăn cho
Phecnanđa, và Pêtra Côtêt luôn luôn thực hiện trách nhiệm gửi thực phẩm chừng
nào Phecnanđa chưa qua đời.

Ðối với Santa Sôphia
đê la Piêđat, việc giảm số người trong nhà có lẽ cho cụ một sự nghỉ ngơi mà cụ
được quyền hưởng sau hơn nửa thế kỷ làm việc. Không bao giờ người ta nghe thấy
một tiếng thở than của người đàn bà kín đáo và khó hiểu ấy, người đã gieo vào
gia đình này những mầm mống thần thánh của Rêmêđiôt - Người đẹp và sự trịnh trọng
bí ẩn của Hôsê Accađiô Sêgunđô, người đã dành cả cuộc đời cô đơn và thẳm lặng của
mình vào việc nuôi nấng lũ trẻ mà chúng không nhớ rõ bằng mình là con hay cháu
của cụ. Cụ chăm sóc Aurêlianô như thể chú ra đời từ sự mang nặng đẻ đau của
mình, và chính cụ cụng không biết rằng mình là cố của chú nữa. Phải ở trong một
gia đình như vậy mới có thể nghĩ được rằng Santa Sôphia đê la Piêđat thường ngủ
trên một tấm thảm dệt bằng lá cọ trải trên nền nhà kho chứa ngũ cốc, giữa tiếng
ếch nhái kêu đêm, và cụ cũng không kể với ai rằng có một đêm cụ đã thức dậy bởi
một cảm giác hãi hùng là có ai đó đang nhìn mình trong bóng tối, thì ra đó là một
con rắn độc trườn trên bụng cụ. Santa Sôphia đê la Piêđat biết rằng nếu thuở
trước cụ kể với Ucsula chuyện đó thì thế nào Ucsula cũng bắt cụ phải ngủ trên
giường của mình, nhưng ở thời buổi này chẳng ai để ý đến điều gì nếu cụ không
kêu lên ở ngoài hành lang, bởi vì công việc chân tay ở lò bánh, những nỗi hãi
hùng về chiến tranh, việc nhăn sóc con cháu khiến cho người ta không còn thời
gian để nghĩ đến hạnh phúc của người khác nữa. Chỉ có Pêtra Côtêt, người mà
Santa Sôphia đê la Piêđat chưa từng biết mặt, là nhớ đến cụ thôi. Sắm cho cụ một
đôi giày đẹp và một bộ lễ phục, đó là món nợ mà Pêtra Côtêt vẫn chưa trả được
ngay cả trong những ngày tháng tuyệt vời với khoản tiền do các cuộc xổ số đưa lại.
Thuở mới đặt chân đốn nhà này Phecnanđa có nhiều lý do để tin rằng Santa Sôphia
đê la Piêđat là một người làm đày tớ suốt đời, và nếu có một vài lần Phecnanđa
nghe nói đó là mẹ chồng mình thì đó cũng là điều rất khó tin, đến mức bà phải mất
rất nhiều thời gian mới biết rằng quả đúng như vậy, nhưng chẳng bao lâu bà lại
quên đi. Santa Sôphia đê la Piêđat không bao giờ thấy khó chịu với cái vị trí
thấp kém đó. Ngược lại, cụ cảm thấy thích thú với việc đi hết từ xó xỉnh này đến
xó xỉnh khác, không kêu ca một lời, luôn chân luôn tay sắp xếp và dọn dẹp lại
ngôi nhà rộng thênh thang nơi mình đã sống từ khi còn trẻ, và riêng trong thời
kỳ còn Công ty chuối ngôi nhà ấy giống một trại lính hơn là một cư xá. Nhưng
khi Ucsula qua đời, tính cấn thận đến mức khắc nghiệt và khả năng làm việc phi
thường của Santa Sôphia đê la Piêđat cũng bắt đầu suy giảm. Không phải chỉ vì cụ
đã tuổi cao sức kiệt, mà còn vì ngôi nhà đã nhanh chóng rơi vào tình trạng ọp ẹp.
Một lớp rêu non xanh rờn phủ các bức tường. Khi ngoài vườn không còn chỗ đất
nào trống, các loại cỏ dại liền đội vỡ nền xi măng ở hành lang như thể đội vỡ một
tấm kính, và từ các kẽ nứt đã mọc lên chính những bông hoa nhỏ màu vàng mà trước
đó đến gần một thế kỷ Ucsula từng nhìn thấy trong chiếc cốc đựng hàm răng giả của
Menkyađêt. Chẳng có thời giờ và cũng chẳng có cách gì ngăn chặn những cuộc tấn
công tàn bạo đó của thiên nhiên, suốt ngày Santa Sôphia đê la Piêđat xua đuổi
những con thằn lằn đã chui vào phòng hồi đêm.

Một buổi sáng cụ
trông thấy những con kiến đỏ rời bỏ những chỗ xi măng đã bị đào thủng, bò qua
vườn, leo lên những bờ thành của thang gác, nơi có những cây thu hải đường đã
úa màu đất, và vào đến tận chỗ trong cùng của ngôi nhà. Thoạt đầu cụ dùng chổi,
sau đó dùng thuốc sâu và cuối cùng dùng vôi để giết lũ kiến ấy, nhưng ngày hôm
sau chúng lại xuất hiện ở đúng chỗ cũ, thường xuyên qua lại, bền bỉ và bất khả
chiến thắng. Lúc đó, vì đang viết thư cho các con mình nên Phecnanđa không hay
biết gì về cuộc tấn công không thể ngăn chặn ấy của đám cỏ dại và lũ sâu bọ
đang phá hoại. Một mình Santa Sôphia đê la Piêđat tiếp tục chiến đấu, chống chọi
với cỏ dại để không không thể tràn vào nhà bếp, xua những bối mạng nhện sinh
sôi nảy nở rất nhanh ở trên tường và miết xát lũ mọt. Nhưng khi thấy căn phòng
của Menkyađêt cũng bị mạng nhện chăng và bụi phủ, thì Santa Sôphia đê la Piêđat
bèn mỗi ngày quét dọn ba lần và khi thấy rằng, bất chấp sự dọn dẹp cần mẫn của
mình, căn phòng vẫn bị đe doạ bởi những đống gạch ngói đổ vỡ và bầu không khí
hôi hám mà chỉ có đại tá Aurêlianô Buênđya và viên sĩ quan trẻ xưa kia tiên
đoán được thì cụ hiểu rằng mình đã thất bại. Lúc ấy Santa Sôphia đê la Piêđat mặc
bộ lễ phục ngày chủ nhật đã sờn, đi đôi giày cũ của Ucsula và một đôi tất sợi
bông mà Amaranta Ucsula đã tặng mình, rồi gói hai hoặc ba bộ quần áo còn lại
thành một bọc.

- Ta chịu rồi. - Cụ bảo
Aurêlianô. - Cái nhà này thật là quá rộng, và cái thân còm này không thể nào
kham nổi việc thu dọn cho nó tươm tất được.

Aurêlianô hỏi Santa
Sôphia đê la Piêđat định đi đâu thì cụ trả lời bằng một cử chỉ mập mờ như thể
chẳng hề có một chút ý thức nào về số phận của mình. Tuy vậy, cụ cũng cố xác định
rằng sẽ sống những ngày cuối của đời mình với một bà em họ ở Riôacha. Ðiều ấy
cũng không lấy gì làm chắc. Vì từ khi các vị thân sinh của Santa Sôphia đê la
Piêđat qua đời, cụ không có quan hệ với ai trong làng, không hề có thư từ hoặc
lời nhắn hẹn, và cũng chẳng ai nghe thấy cụ nói về một người họ hàng nào cả.
Aurêlianô đưa cho Santa Sôphia đê la Piêđat mười bốn con cá vàng, bởi vì cụ đã
quyết ra đi khi trong túi chỉ còn một pêxô và hai mươi lăm xu. Qua cửa sổ,
Aurêlianô nhìn thấy Santa Sôphia đê la Piêđat, với tấm thân còng vì tuổi tác,
lê bước qua vườn mang theo một gói nhỏ quắn áo, và nhìn thấy cụ thò tay vào lỗ
cửa để cài then lại sau khi đã ra khỏi nhà. Từ ấy không ai hay biết gì về cụ nữa.

Sau khi biết rằng
Santa Sôphia đê la Piêđat đã bỏ chạy, Phecnanđa nói lảm nhảm suốt một ngày ròng
trong khi xem lại từng chiếc rương một, từng chiếc tủ một để yên tâm rằng cụ đã
không lấy một thứ gì mang đi. Lần đẩu tiên trong đời Phecnanđa nhóm bếp và bà bị
bỏng tay, rồi bà phải nhờ Aurêlianô bày cho cách thức pha cà phê. Từ đó về sau,
chính Aurêlianô là người làm việc bếp núc. Khi Phecnanđa thức dậy thì thức ăn
đã được Aurêlianô chuẩn bị sẵn và ủ trong tro nóng, bà chỉ cần ra khỏi phòng ngủ
mang về ăn trên một chiếc bàn phủ khăn bằng vải gai, bên trên có đặt những cây
đèn nến; khi ăn, bà ngồi trên chiếc ghế trong cùng của mười lăm chiếc ghế trống.
Trong khung cảnh đó Aurêlianô và Phecnanđa không chia sẻ với nhau nỗi cô đơn,
mà ai lo việc người nấy. Họ quét dọn phòng mình; trong khi mạng nhện giăng trên
các khóm hồng, phủ trên xà nhà và dệt trên các bức tường. Ðó là thời kỳ
Phecnanđa có ấn tượng rằng ngôi nhà này đầy ma quái. Chẳng thế mà các đồ vật,
nhất là những thứ hàng ngày thường dùng, luôn luôn tự nó thay đổi vị trí.
Phecnanđa mất thời gian tìm kiếm chiếc kéo mà bà cứ đinh ninh rằng mình để trên
giường, và sau khi lục lọi khắp nơi lại thấy nó trong chiếc tủ ở nhà bếp, nơi
bà tin rằng đã bốn ngày rồi mình không đặt chân đến. Ðột nhiên trong tủ đựng
các bộ đồ ăn không còn lấy một chiếc đĩa, thế rồi lại thấy sáu chiếc trên bàn
thờ và ba chiếc ở chậu rửa bát. Khi Phecnanđa ngồi viết lại càng thấy các đồ vật
di chuyển bất ngờ hơn. Lọ mực đặt ở bên phải sau lại thấy ở bên trái, bàn thấm
giấy biến mất và hai ngày sau bà lại thấy nằm ở dưới gối, những trang viết cho
Hôsê Accađiô lẫn với những trang viết cho Amaranta Ucsula, và bà luôn luôn băn
khoăn là đã bỏ thư nọ vào bì kia như nhiều lần từng xảy ra trên thực tế. Có lần
bà mất bút. Mười lăm ngày sau người đưa thư mang trả lại. Ông ta thấy ở trong
túi của mình và đã đi khắp các nhà hỏi xem ai có cây bút đó. Thoạt đầu,
Phecnanđa tin rằng những chuyện đó là do các thầy thuốc không thể nhìn thấy gây
ra, giống như việc mất những chiếc vòng treo tử cung dạo trước, và bà bắt đầu
viết một bức thư cầu xin họ để cho mình yên, nhưng rồi bà phải ngừng lại để làm
một việc khác, và khi trở về phòng chẳng những bà không thấy lá thư bắt đầu viết
ấy đâu, mà ngay cả mục đích của việc viết thư là gì bà cũng quên nốt. Có một dạo
bà nghĩ là tại Aurêlianô. Bà theo dõi Aurêlianô, đặt các đồ vật ở lối đi với ý
định sẽ bắt quả tang khi chú đang mang chúng từ chỗ nọ bỏ vào chỗ kia, nhưng
ngay sau đó bà lại yên trí rằng Aurêlianô không ra khỏi phòng của Menkyađêt nếu
không cần đến nhà bếp hoặc nhà vệ sinh, và chú còn không phải là người thích
đùa nữa. Thế rồi cuối cùng Phecnanđa tin rằng đó là sự quấy nhiễu của ma quái
và bà chọn cách đối phó là để vật nào cần sử dụng vào đúng chỗ ấy thật chắc chắn.
Bà buộc chiếc kéo vào đầu giường bằng một sợi dây dài, buộc ống bút và bàn thấm
giấy vào chân bàn; dùng keo gắn lọ mực vào mặt bàn, ở phía bên phải chỗ bà thường
ngồi viết. Nhưng rồi chẳng phải mọi chuyện êm đẹp ngay, bởi vì vừa ngồi may được
một lúc lại không thể lôi cái kéo ra chỗ cần phải cắt, vì sợi dây buộc ngắn quá
như thể ma quỉ đã cắt bớt đi. Sợi dây buộc ống bút cũng vậy và đến cả cánh tay
Phecnanđa cũng ngắn đi, vì vừa ngồi viết một lúc bà đã không với tới lọ mực nữa
rồi. Cả Amaranta Ucsula ở Bruxen và Hôsê Accađiô ở Rôm, cả hai chẳng bao giờ biết
những điều bất hạnh này. Phecnanđa viết cho các con ràng bà sống hạnh phúc, và
quả có thế thực, chính là vì bà thấy mình thoát khỏi mọi sự ràng buộc, như thể
một lần nữa cuộc đời đang kéo bà về thế giới của cha mẹ mình, ở đó bà sẽ không
phải khổ sở về những chuyện hàng ngày bởi vì chúng đã được giải quyết ngay
trong tưởng tượng. Việc trao đổi thư từ với con cái làm cho Phecnanđa quên mất
khái niệm về thời gian, nhất là từ khi Santa Sôphia đê la Piêđat bỏ đi. Trước
kia bà có thói quen tính ngày, tính tháng và tính năm xem còn bao lâu nữa thì
các con bà trở về theo dự định. Nhưng khi hết lần này đến lần khác họ báo thay
đổi thời hạn thì bà thấy ngày tháng lẫn lộn, và thời gian dường như không trôi
đi. Lẽ ra phải sốt ruột lắm thì bà lại thấy hài lòng với sự chậm trễ. Phecnanđa
không nóng lòng với chuyện nhiều năm sau khi Hôsê Accađiô thông báo với bà rằng
sắp làm lễ tuyên thệ tu hành suốt đời, rồi sau đó lại nói rằng anh ta đang chờ
kết thúc chương trình thần học cao cấp để học về ngoại giao, bởi vì bà nghĩ
ràng có biết bao khó khăn trắc trở trên chiếc thang ốc rất dài dẫn đến chiếc ghế
của Thánh Piôtr[38].
Ngược lại, bà xốn xang bởi những tin tức mà đối với người khác chẳng có nghĩa
gì, ví dụ như chuyện con trai bà đã nhìn thấy Giáo hoàng. Bà củng sung sướng
như vậy khi Amaranta Ucsula cho biết rằng chương trình học của cô sẽ kéo dài
thêm, vì cô được xếp loại ưu nên được ưu đãi, đó là điều cha cô không nghĩ đến
trong khi tính toán.

[38] Thánh Piôtr là vị thánh tông đồ số một của
Chúa Giêsu. Sinh khoảng năm thứ 10 trước Công nguyên và mất khoảng năm 67 sau
Công nguyên, dưới triều đại Nerô. Trên khu đất mai táng ông người ta đã xây dựng
thánh đường Vaticăng. Ngày lễ. 29 tháng 6.

Ba năm đã trôi qua kể
từ khi Santa Sôphia đê la Piêđat mang về cho Aurêlianô cuốn sách ngữ pháp tới
khi chú dịch được trang đầu tiên. Việc làm của chú chẳng phải vô ích, nhưng
cũng mới chỉ là bước đầu trên con đường dài như chẳng thể nào lường hết, bởi vì
văn bản bằng tiếng Tây Ban Nha chẳng có ý nghĩa gì: đó chỉ là những bài thơ được
mã hoá, Aurêlianô không còn các phương tiện để tạo cơ sở cho mình đi sâu vào
các bài thơ đó, nhưng vì Menkyađêt đã từng nói với chú rằng ở cửa hàng sách của
nhà thông thái xứ Catalunha có những cuốn sách sẽ giúp chú hiểu hết các tấm da
thuộc nên chú quyết định xin phép Phecnanđa đi kiếm những cuốn sách đó. Trong
căn phòng đầy gạch ngói đổ vỡ - mà sự gia tăng của những mảnh gạch ngói này sẽ
dẫn đến cái kết cục là làm đổ căn phòng - Aurêlianô suy nghĩ tìm kiếm cách
trình bày thích đáng yêu cầu của mình, chú dự đoán khung cảnh và cơ hội thích hợp,
nhưng khi thấy Phecnanđa lấy thức ăn ủ trong tro nóng - cơ hội duy nhất để nói
với bà - thì những lời yêu cầu đã chuẩn bị rất kỹ càng bị ứ lại trong cổ, không
thể nói thành lời. Ðó là lần duy nhất mà Aurêlianô theo dõi Phecnanđa. Chú lắng
nghe tiếng chân Phecnanđa đi lại trong phòng ngủ. Chú nghe thấy tiếng bà bước
ra cửa để nhận thư của con cái và gửi người đưa thư những lá thư bà viết cho họ;
đến rất khuya chú còn nghe thấy tiếng bút dằn mạnh trên mặt giấy trước khi nghe
thấy tiếng tắt đèn và tiếng cầu kinh lầm rầm trong bóng tối. Cho đến tận lúc ấy
Aurêlianô mới ngủ và chú tin rằng ngày mai cơ hội mình mong mỏi sẽ đến.
Aurêlianô có ảo tưởng rằng điều yêu cầu của mình sẽ không bị chối từ, nên một
buổi sáng chú đã cắt đi mái tóc dài chấm vai, cạo đi bộ râu tua tủa, mặc chiếc
quần chẽn và chiếc áo có cổ giả mà chẳng biết là đã được thừa hưởng của ai, rồi
chú đến nhà bếp chờ Phecnanđa đi ăn. Nhưng không đến người đàn bà ngày ngày vẫn
sống ở đây, người đàn bà đầu ngẩng cao, người đàn bà đi lại rắn rỏi ấy, mà chỉ
đến một bà lão đẹp tuyệt vời mặc chiếc áo khoác lông điêu thử màu vàng, đội chiếc
miện bằng bìa cứng mạ vàng và có dáng vẻ yếu đuối của một người thường khóc thầm.
Thực ra, từ khi thấy bộ trang phục hoa hậu đã bị gián nhấm ở trong rương của
Aurêlianô Sêgunđô, Phecnanđa đã mặc nó nhiều lần. Nếu có ai đó thấy bà đứng trước
gương làm đáng với cử chỉ có vẻ đài các đế vương chắc hẳn sẽ cho rằng bà bị
điên. Nhưng không phải thế. Phecnanđa chỉ biến bộ áo hoa hậu ấy thành một cái
máy nhớ mà thôi. lần đầu tiên mặc nó vào người, Phecnanđa đã không tránh khỏi cảm
giác ứ nghẹn trong tim và mắt bà đẫm lệ, vì lúc ấy Phecnanđa như cảm thấy mùi
xi trên đôi ủng của một quân nhân đã đến tận nhà tìm mình để cho mình làm hoa hậu,
và tâm hồn bà trở nên trong suốt với sự tiếc nuối những giấc mơ đã qua. Bà cảm
thấy mình đã già yếu và cằn cỗi lắm rồi, đã khác xa biết bao nhiêu với
Phecnanđa của những giờ phút đẹp đẽ nhất trong đời, đến mức bà cũng nhớ tiếc cả
những giờ phút mà bà coi là tồi tệ nhất, và chỉ khi đó Phecnanđa mới thấy rằng
những chùm hoa kinh giới ở ngoài hành lang và hơi nước bốc lên từ những khóm hồng
vào lúc chiều về, thậm chí cả bản chất hung dữ của những kẻ đến từ nơi xa lạ,
là cần thiết biết bao đối với mình. Trái tim nguội lạnh của bà, từng chống đỡ vững
vàng với những miếng đòn rất chính xác của đời sống thường ngày, giờ đây bị rạn
vỡ bởi cuộc tấn công đầu tiên của nỗi hoài nhớ. Cảm giác đau buồn đã trở thành
một nhu cầu của bà, nó tăng lên theo năm tháng và dần dần trở thành một thói xấu.
Bà làm cho mình trở thành một người nhân từ trong nỗi cô đơn. Nhưng buổi sớm ấy
khi bà vào bếp và thấy tách cà phê mà chàng trai trẻ gầy gò, xanh xao và có ánh
mắt mơ màng kia pha cho mình, thì bà cảm thấy như bị một cái gì đó rất kỳ quặc
đập vào mình. Chẳng những Phecnanđa đã không cho phép Aurêlianô đi, mà từ đó bà
còn cất kỹ chìa khoá nhà trong chiếc túi đựng những chiếc vòng treo tử cung
không dùng đến. Sự cẩn thận ấy là vô ích, bởi vì nếu như Aurêlianô muốn thì chú
có thể ra đi rồi lại trở về mà bà không thể nhìn thấy. Nhưng sự giam hãm lâu
ngày, sự mơ hồ về thế giới bên ngoài và thói quen phục tùng đã làm khô héo những
mầm mống bướng bỉnh trong Aurêlianô. Thế là chú trở về phòng mình, xem đi xem lại
những tấm da thuộc và đến tận đêm khuya vẫn nghe tiếng khóc sụt sùi của
Phecnanđa ở phòng ngủ của bà. Một buổi sáng, như thường lệ, Aurêlianô đi nhóm bếp,
chú thấy trong đống tro lạnh vẫn còn nguyên những thức ăn để cho Phecnanđa từ
hôm trước. Aurêlianô vội ngó vào phòng và thấy Phecnanđa nằm trên giường, đắp
chiếc áo khoác lông điêu thử, bà đẹp hơn bao giờ hết, và da bà trắng như ngà. Bốn
tháng sau đó, khi Hôsê Accađiô trở về thì đã thấy bà bất động.

Không thể thấy ai giống
mẹ hơn Hôsê Accađiô. Anh chàng mặc một bộ lễ phục bằng lụa màu đen, chiếc áo cổ
tròn và cứng, và thắt một dải lụa mềm thay cà vạt. Ðó là một chàng trai xanh
xao, suy nhược, ánh mắt mệt mỏi và khoé miệng yếu đuối. Mái tóc đen, bóng và mượt,
được phân đôi bởi một đường ngôi thẳng tắp và trắng bệch chạy giữa đầu, giống
như tóc của các thánh mà người ta thường thấy qua tranh tượng. Bóng mờ của bộ
râu đã được cạo trên khuôn mặt như được làm bằng nến là dấu hiệu của người đã
trưởng thành. Ðôi tay trắng nhợt với những đường gân xanh, những ngón tay như
những con giun, trên ngón trỏ ở bàn tay trái có một chiếc nhẫn to bằng vàng gắn
mặt đá quý. Khi mở cổng cho Hôsê Accađiô, Aurêlianô chẳng cần đoán xem là ai
cũng biết rằng đây là người từ xa đến. Khi Hôsê Accađiô vào, ngôi nhà ngào ngạt
mùi nước hoa mà Ucsula đã rảy lên đầu khi anh chàng còn nhỏ để bà cụ trong cảnh
mịt mù có thể nhận ra thằng chút. Không thể hiểu được vì sao mà sau rất nhiều
năm đi xa, Hôsê Accađiô vẫn là một chú bé già trước tuổi, buồn và cô đơn ghê gớm.
Hôsê Accađiô đến thẳng phòng của mẹ anh, ở đó Aurêlianô đã làm theo cách của
Menkyađêt: cho thuỷ ngân bốc hơi bốn tháng trong cái ống của cụ tổ sáu đời, để
giữ gìn thi thể. Hôsê Accađiô không hỏi một điều gì. Anh chàng hôn lên trán tử
thi, rồi lấy từ dưới váy ra một chiếc túi nhỏ trong có ba chiếc vòng treo tử
cung chưa dùng và chiếc khoá hòm quần áo Anh ta làm tất cả những việc đó một
cách dứt khoát, khác hẳn với sự mềm yếu của mình. Hôsê Accađiô lấy từ hòm quần
áo ra một chiếc hộp nhỏ có nạm gia huy và trong chiếc hộp ngào ngạt hương gỗ trắc
bá ấy, anh ta thấy một bức thư rất dài, ở đó Phecnanđa như rút ruột rút gan kể
biết bao nhiêu sự thật mà bà đã giấu kín. Anh chàng đứng đọc lá thư ấy một cách
đầy khao khát nhưng không hề băn khoăn, đến trang thứ ba thì dừng lại nhìn
Aurêlianô với vẻ hơi hờ hững.

- Vậy ra, - Hôsê Accađiô
nói với giọng sắc ngọt như dao cạo, - Mày là một đứa con hoang.

- Cháu là Aurêlianô
Buênđya mà!

- Cút về phòng của
mày đi - Hôsê Accađiô nói.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3