Trăm năm cô đơn - Chương 05 - Phần 1
Chương
5
Một ngày chủ nhật
tháng Ba, Aurêlianô Buênđya và Rêmêđiôt Môscôtê làm lễ thành hôn trước bàn thờ
Chúa do cha Nicanô Râyna sai dựng ngay trong phòng khách nhà Buênđya. Đó là cả
một thời kỳ rộn rã đến cao độ kéo lài bốn tuần liền trong nhà Môscôtê, là vì cô
bé Rêmêđiôt đến nổi dậy thì trước khi từ bỏ những thói quen của tuổi thơ. Đã được
mẹ chỉ bảo cho những thay đổi đột biến của tuổi dậy thì, thế mà vào một buổi
chiều tháng hai cô bỗng hoảng hốt kêu oang lên chìa cho đám chị em mình đang ngồi
thêu xem chiếc líp vấy bẩn một thứ nước nhơn nhớt màu sôcôla. Ngày cưới được ấn
định sau đó một tháng. Hầu như người ta không có đủ thời gian để dạy cô bé tự rửa
ráy, tự mặc lấy quần áo, tự hiểu lấy những công việc thiết yếu của cuộc sống
gia đình. Người ta cho cô đái vào những hòn gạch nung nóng để trị bệnh đái dầm.
Vất vả lắm mới thuyết phục nổi để cô hiểu tính bất khả xâm phạm của buồng kín,
bởi vì Rêmêđiôt vừa rất hoảng sợ đồng thời lại rất hào hứng trước những lời chỉ
dẫn đến mức cô cứ muốn mọi người nói về đêm tân hôn với tất cả tình tiết của
nó. Đó là một cố gắng hết sức, song trong ngày được chọn làm ngày cưới, cô bé tỏ
ra thạo đời y hệt như bất cứ bà chị nào của mình.
Ông Apôlina Môscôtê
khoác tay con gái dẫn đi trên những con đường làng trang hoàng hoa lá, dậy vang
tiếng pháo nổ và tiếng hạc mừng vui. Cô bé vẫy tay chào và nhoẻn miệng cười cám
ơn những ai từ cửa sổ nhà mình chúc cô may mắn và hạnh phúc.
Aurêlianô, mặc bộ
complê dạ màu đen, đi đôi ủng màu cánh dán có dính cựa thúc ngựa, đôi ủng mà ít
năm sau này đứng trước đội hành hình chàng vẫn mang, da nhợt nhạt xanh tái và cổ
họng như nghẹn lại khi đón cô dâu ngay ở cửa và đưa nàng đến trước bàn thờ
Chúa. Cô bé cư xử hết sức tự nhiên, hết sức đúng mực đến độ không để mất sự hài
hoà ngay cả khi Aurêlianô, vào lúc đeo nhẫn cho vợ, đã để rơi chiếc nhẫn. Trong
không khí ồn ào những tiếng thì thầm bàn tán và trong phút đầu tiên khi các vị
khách mời còn bỡ ngỡ, cô dâu vẫn giương cao bàn tay mang chiếc tất để hở ngón
và vẫn chìa nguyên ngón đeo nhẫn đợi cho tới khi chú rể lấy chân đi ủng chặn đứng
chiếc nhẫn khỏi lăn ra cửa và nhặt lấy nó, mặt đỏ bừng trở về trước bàn thờ. Mẹ
và các chị cô khổ sở lo lắng chỉ sợ con bé thất thố, dù chỉ là một cử chỉ nhỏ
thôi trong lúc tiến hành lễ cưới, và đến khi buổi lễ kết thúc, chính họ là người
đã chạy đến, bất chấp quan khách đông đủ, bế cô lên tặng cho những chiếc hôn nồng
nàn. Kể từ ngày đó, cô đã tỏ rõ là người có ý thức phục tùng, ý nhị, điềm tĩnh
trước những tình huống mâu thuẫn trong gia đình. Chính cô là người mở đầu tiệc
cưới và là người xắn lấy miếng bánh cưới ngon nhất, đặt nó vào cái đĩa có để sẵn
chiếc nĩa, mang đến cho Hôsê Accađiô Buênđya. Bị trói vào thân cây dẻ, ngồi
khom lưng trên chiếc ghế gỗ trong túp lều lá cọ, ông già to béo, da bệch bạc vì
mưa nắng mỉm một nụ cười lơ đãng mang vẻ biết ơn và tay cầm lấy miếng bánh ăn,
miệng ngâm nga một bài nhã ca khó hiểu. Người duy nhất không hạnh phúc trong
đám cưới linh đình kéo dài tới sáng sớm ngày thứ hai là Rêbêca Buênđya. Ngày
vui của cô đã không thành. Theo sự thỏa thuận của Ucsula, hôn lễ của cô cũng sẽ
được tổ chức cùng ngày với hôn lễ của Aurêlianô, nhưng ngày thứ sáu Piêtrô
Crêspi đã nhận được lá thư báo tin mẹ anh sắp chết. Đám cưới của họ bị đình lại.
Sau một giờ nhận thư, Piêtrô Crêspi đi ra tỉnh ngay và trên đường đi anh không
gặp mẹ mình, người cũng đang trên đường đến làng Macônđô cho kịp đêm thứ bảy và
trong đám cưới của Aurêlianô đã hát một bài hát buồn do chính bà sáng tác với mục
đích dành riêng cho đám cưới của con trai mình.
Piêtrô Crêspi trở lại
vào lúc nửa đêm ngày chủ nhật để quét dọn mẩu tàn thuốc lá của tiệc vui sau khi
anh đã phi như gió làm cho năm chú ngựa phải ngã gục ở dọc đường, cố về cho kịp
giờ làm đám cưới của mình. Kẻ viết thư ấy sẽ không bao giờ bị phát giác. Bị
Ucsula rày la, Amaranta khóc lóc thảm thiết thề sống thề chết trước bàn thờ
Chúa vẫn chưa được những người thợ mộc dọn đi.
Cha xứ Nicanô Râyna -
người được đông Apôlina Môscôtê đưa về đây để làm lễ cưới - là
một người nhẫn nại trong công việc quá ư tẻ nhạt và nhàm chán của mình. Cha có
nước da đến là buồn thảm cứ dán chặt lấy xương, có cái bụng ỏng tròn vo, mang
dáng vẻ hiền quá hoả đần của một vị thần già. Cha định sẽ trở về giáo khu của
mình ngay sau khi làm xong lễ cưới nhưng cha lấy làm ngạc nhiên trước vẻ thô kệch
quá ư quê mùa của dân chúng Macônđô vốn sinh sôi nẩy nở đến là đông đúc, sống
mù quáng tuân theo luật tự nhiên, không chịu làm lễ rửa tội cho con cái cũng
như không đặt tên thánh cho các ngày lễ.
Vì nghĩ rằng mảnh đất
này cần hạt giống của Thượng đế hơn bất kỳ nơi nào, cha bèn quyết định ở lại
thêm một tuần lễ nữa để giáo hoá làng này thành một làng của Chúa, để làm lễ cưới
cho những đôi trai gái chung sống theo sở thích và làm lễ rửa tội cho những người
ốm sắp tắt thở. Nhưng không một ai nghe cha. Họ trả lời đức cha rằng trong nhiều
năm ròng họ sống không có sự chăn dắt của cha xứ, rằng họ tự mình giải quyết một
cách trực tiếp với Thượng đế những vướng mắc của linh hồn và họ đã hoàn toàn bỏ
thói xấu gây tội ác. Mệt mỏi vì phải thuyết giảng ở vùng hoang mạc, cha Nicanô
quyết định sẽ xây dựng một nhà thờ lớn nhất thế giới, có những bức tượng to bằng
người thực, trên tường khảm những tấm kính nhiều màu. Một nhà thờ lớn như thế sẽ
làm cho dân bổn đạo ở tận thành Rôm cũng phải đến để thờ khiến Chúa được hiển
vinh ngay tại trung tâm của xứ vô đạo này. Cha đi khắp làng với chiếc đĩa đồng
trên tay để quyên góp. Dân chúng cho rất nhiều nhưng cha lại muốn nhiều hơn, bởi
vì nhà thờ cần có một quả chuông mà tiếng vang của nó có thể khiến cho xác những
người chết đuối phải nổi lên trên mặt nước. Cha cầu xin quá sức đến nỗi khản cả
tiếng. Xương hóc cha mỏi dừ như có kiến bò bên trong. Một ngày thứ bảy nọ, vì
không xin được gì, ngay cả hoa quả hoặc thức ăn để sẵn ở cửa, cha đâm sợ hãi vì
thất vọng. Cha làm vội một bàn thờ Chúa ở ngay giữa quảng trường và ngày chủ nhật,
tay rung chuông như trong thời kỳ bệnh mất ngủ hoành hành, cha đi khắp làng để
cổ động mọi người tới dự buổi lễ mixa quê mùa. Rất nhiều người vì tò mò đã đến.
Một số người khác vì nhớ nhung. Số khác đến dự lễ mixa để khỏi bị Thượng đế coi
cái lập trường trung gian của mình như một sự chống đối cá nhân. Vậy là vào lúc
tám giờ sáng, có đến một nửa làng đã tụ tập ở quảng trường xem cha xứ Nicanô với
giọng khản vì cầu xin, đang tụng kinh Phúc âm. Đến cuối buổi lễ, khi những người
dự lễ bắt đầu tản mác ra về, cha giương cao hai tay lên ra hiệu để mọi người
chú ý nghe:
- Hãy khoan! Hãy khoan! - Cha nói. - Giờ đây
chúng ta sẽ xem một bằng chứng không thể tranh cãi được về sức mạnh vô biên của
Thượng đế.
Chú bé ban nãy giúp
cha cử hành lễ mixa, lúc này mang đến hầu cha một tách sôcôla đặc nghi ngút
khói và cha đã uống liền một hơi không nghỉ. Sau đó cha rút chiếc mùi soa dắt
trong ống tay áo thụng ra lau mồm, dang rộng hai cánh tay, nhắm nghiền mắt lại.
Vậy là cha xứ Nicanô liền tự nâng bổng mình lên cách mặt đất mười hai xăngtimét.
Đó là một thủ đoạn dễ chấp nhận.
Trong vài ngày cha đi
khắp mọi nhà để nhắc lại thử nghiệm việc tự nâng bổng mình khỏi mặt đất nhờ sức
kích thích thần kinh của sôcôla. Trong lúc ấy, chú bé hầu lễ đã quyên được rất
nhiều tiền đựng trong túi tải đến mức không đầy một tháng đã tiến hành khởi
công việc xây dựng nhà thờ. Không một ai nghi ngờ cội gốc linh thiêng của sự chứng
minh ấy, ngoại trừ Hôsê Accađiô Buênđya, người không hề cử động đã quan sát đám
đông lộn xộn vây quanh gốc cây dẻ vào một buổi sáng để một lần nữa xem cha tự
nâng mình khỏi mặt đất. Hầu như ông chỉ hơi duỗi chân trên ghế và nhún vai khi
cha xứ Nicanô bắt đầu tự nâng mình khỏi mặt đất cùng với chiếc ghế cha ngồi.
- Hoc est
simplicisimum - Hôsê Accađiô Buênđya nói -hom iste statum quartum materiae
invenit[18]
Cha xứ Nicanô giơ tay
lên và lập tức bốn chân ghế cùng hạ xuống đứng trên mặt đất.
- Nego -
ông nói. - Faclum hoc existentiam Dei probat sinh dubio[19].
[18] Tiếng latinh, nghĩa:
Điều đó thật là đơn giản. Con người là con vật bốn chân tạo ra vật chất.
[19] Tiếng latinh, nghĩa:
Tôi phản đối. Sự hiện tồn của Thường đế có hay không còn phải được chứng minh
đã.
Do đó người ta biết rằng
thứ ngôn ngữ quỉ ám khó hiểu ấy của Hôsê Accađiô Buênđya là tiếng Latinh. Cha xứ
Nicanô liền tranh thủ dịp may mình là người duy nhất có thể giao dịch được với
Hôsê Accađiô Buênđya để nhồi nhét đức tin Kitô giáo vào bộ não đã loạn trí của
ông. Buổi chiều nào cũng vậy, cha xứ ngồi bên cây dẻ mà lải nhải thuyết giáo bằng
tiếng Latinh nhưng Hôsê Accađiô Buênđya khoái chí không thừa nhận những con đường
mòn cũ rích cũng như sự thay màu của sôcôla và đòi xem một bức ảnh Thượng đế,
coi đó như là một bằng chứng cuối cùng. Thế là cha xứ Nicanô mang đến cho ông
những huy hiệu và những bức ảnh và ngay cả tấm phục chế một tấm dạ thêu ảnh
thánh Vêrônica, nhưng Hôsê Accađiô không thừa nhận mà coi chúng là đồ thủ công
mỹ nghệ không có cơ sở khoa học. Ông rất ương bướng, tới mức cha xứ Nicanô buộc
phải từ bỏ ý định biến ông thành một tín đồ đạo Thiên Chúa. Nhưng về phương diện
tình cảm giữa người với nhau cha vẫn thường xuyên tới thăm ông. Song lúc ấy,
Hôsê Accađiô Buênđya lại là người nắm thế chủ động tấn công và định bẻ gẫy niềm
tin của cha cố bằng những suy tính của người duy lí. Có lúc cha xứ Nicanô mang
tới gốc cây dẻ một bàn cờ có đủ số quân để mời ông chơi cờ đam[20].
[20] Cờ vua
Hôsê Accađiô Buênđya
không chơi, bởi chưa bao giờ ông có thể hiểu được ý nghĩa của một cuộc thi đấu
trong đó hai đối thủ đã thoả thuận với nhau về những nguyên tắc. Cha xứ Nicanô,
người chưa từng thấy ai chơi cờ theo lối ấy, cũng không trở lại đánh cờ đam.
Càng ngày cha xứ càng thán phục trí thông minh của Hôsê Accađiô Buênđya. Cha đã
hỏi ông làm sao ông lại có thể bị trói chặt vào gốc cây thế.
- Hoc est
simplicisimum, - ông trả lời - là vì tôi bị điên rồ mà.
Từ đó trở đi, chăm lo
cho đức tin của mình, cha xứ không đến thăm ông nữa, quyết chí khởi công ngay
việc xây dựng nhà thờ. Rêbêca cảm thấy hy vọng của mình đang sống lại. Tương
lai của cô phụ thuộc vào việc hoàn thành công việc này. Cô nghĩ như vậy là vì kể
từ ngày chủ nhật nọ cha xứ Nicanô ăn cơm trưa ở nhà này và cả nhà quây quần ngồi
quanh bàn ăn nói chuyện về những nghi lễ trang nghiêm và huy hoàng trong các hoạt
động tôn giáo khi nhà thờ được xây xong. “Người gặp may nhất ở đây là chị Rêbêca.”
Amaranta nói. Và vì thấy Rêbêca không hiểu mình muốn nói gì, cô giải thích với
một nụ cười ngây thơ:
- A, chả là vì lễ
thành hôn của chị sẽ trùng với ngày khánh thành nhà thờ mà lị.
Rêbêca vội vã chặn
trước bất kỳ lời bình phẩm nào về chuyện này. Theo tiến độ xây dựng thì nhà thờ
sẽ không thể hoàn thành trước mười năm. Cha Nicanô không đồng ý vì cha cho rằng
với sự hảo tâm mới nảy sinh hiện nay của những con chiên trung thành cho phép
cha sẽ làm những con tinh lạc quan hơn. Trước thái độ hờn dỗi thầm lặng của
Rêbêca, người đã phải bỏ dở bữa ăn, Ucsula tán thành ý nghĩ của Amaranta, và bà
đã góp một phần của cải đáng kể để đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng công trình.
Cha Nicanô cho rằng với một sự đóng góp nữa như sự đóng góp này, ngôi nhà sẽ được
xây xong trước ba năm.
Từ lúc đó trở đi,
Rêbêca không thèm nói chuyện với Amaranta mà lòng tự nhủ rằng thái độ khiêu
khích của Amaranta không phải là quá ngây thơ như cô tưởng. “Đó là điều ít
nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.” Amaranta cãi lại Rêbêca trong cuộc đấu khẩu ác
liệt đã xảy ra đêm ấy. “Như vậy, trong ba năm tới đây, tôi chưa cần phải giết
chị”. Rêbêca chấp nhận lời thách thức ấy.
Khi Piêtrô Crêspi biết
được lễ thành hôn của mình lại bị hoãn, anh lâm vào tình trạng thất vọng. Trái
lại Rêbêca đã chứng tỏ lòng chung thuỷ của mình. “Chúng mình sẽ trốn đi khi nào
anh quyết định xong.” Cô nói. Tuy nhiên, Piêtrô Crêspi không phải là người
thích mạo hiểm. Anh đã thiếu tính cách sôi nổi của người yêu, lại còn quá câu nệ
coi lời hứa như là một kho báu không thể nào phung phí được. Vậy là Rêbêca vận
dụng những thủ đoạn mạnh bạo hơn. Một ngọn gió kỳ lạ thổi tắt phụt ngọn đèn
trong phòng khách và Ucsula bắt gặp quả tang hai người đang hôn nhau trong bóng
tối. Piêtrô Crêspi vụng về giải thích cho bà về sự kém phẩm chất của những cây
nến hiện đại thắp nhựa đường và giúp bà đặt ở phòng khách một hệ thống đèn thắp
sáng chắc chắn hơn. Nhưng lần khác, đèn lại bị đổ nhầm dầu hoặc bị tụt bấc.
Ucsula lại bắt quả tang Rêbêca ngồi trên đùi người yêu. Thế là bà không thèm
nghe bất cứ một lời thanh minh nào nữa. Bà giao cho cô gái Anhđiêng trông coi cửa
hàng bánh kẹo và chính bà ngồi ở ghế xích đu giám sát các buổi chuyện trò của
đôi tình nhân, quyết không chịu thua những thủ đoạn cũ rích mà bà vốn quen hồi
còn xuân trẻ.
“Khốn thân mẹ quá!”
Rêbêca nói với tất cả sự hờn giận có pha chút hài hước lúc nhìn Ucsula đang
ngáp dài trong không khí căng thẳng của buổi đến chơi. “Khi mẹ chết có lẽ mẹ sẽ
ra đi trên chiếc ghế xích đu này mất”. Sau ba tháng sống trong tình yêu bị theo
dõi khắt khe, nản lòng trước sự chậm trễ trong công việc xây dựng mà ngày nào
anh cũng đến thăm, Piêtrô Crêspi bằng lòng góp cho cha Nicanô số tiền cha cần để
hoàn thành việc xây cất nhà thờ. Amaranta vẫn không thối chí. Trong lúc ngồi
nói chuyện với đám chị em vẫn thường đến nhà vào các buổi chiều để thêu hoặc
đan ở ngoài hành lang, cô cố tìm những mưu mẹo mới. Một thiếu sót đã làm hỏng mất
mưu mẹo mà cô cho là có hiệu lực hơn cả. Ấy là việc sẽ lấy trộm những viên băng
phiến mà Rêbêca để ở bộ quần áo cô dâu trước khi cất nó vào rương trong phòng
ngủ. Amaranta sẽ làm khi nào chỉ còn không đầy hai tháng việc xây cất nhà thờ kết
thúc. Nhưng Rêbêca rất nôn nóng trước việc ngày cưới của mình ngày một đến gần
cho nên cô muốn chuẩn bị quần áo cô dâu sớm hơn cả dự định của Amaranta. Vào
lúc mở chiếc rương, rồi mở tờ giấy gói, sau cùng mở tấm lụa bọc ngoài, cô gặp bộ
quần áo cưới sa tanh, một đầu khăn voan, chiếc mũ miện gài hoa cam, tất cả đều
bị gián nhấm thành bụi. Mặc dù cô chắc chắn rằng mình đã để vào gói quần áo hai
gói băng phiến bọc trong mùi soa, nhưng vì nỗi bất hạnh xem ra hoàn toàn ngẫu
nhiên nên cô không dám đổ lỗi cho Amaranta. Chưa đầy một tháng sẽ đến ngày cưới
nhưng không sao, vì cô có Amparô Môscôtê nhận may quần áo cô dâu chỉ trong vòng
một tuần là xong. Một buổi trưa trời mưa, Amparô khoác áo tơi bước vào nhà để
thử lần cuối bộ quẩn áo cô dâu cho Rêbêca, Amaranta cảm thấy tức tối đến muốn
chết được. Cô lạc cả giọng, và một dòng mồ hôi lạnh buốt chảy dọc theo sống
lưng cô. Đã nhiều tháng nay cô sống trong phấp phỏng mong đợi cái giờ ấy. Bởi
vì nếu không mưu tính thành công một trở ngại quyết định ngõ hầu cản trở đám cưới
của Rêbêca, thì chắc chắn rằng, trong phút cuối cùng khi mà tất cả mọi thủ đoạn
nghĩ ra được đều thất bại, cô sẽ có đủ dũng cảm để đầu độc Rêbêca. Buổi chiều ấy
trong lúc Rêbêca chết ngốt vì nóng do phải mặc chiếc áo sa tanh may thử mà
Amparô đang bình tĩnh dùng kim ghim lại cho vừa với cơ thể người mặc, thì
Amaranta đã vài lần nhầm lẫn những mũi móc và đâm cả kim vào ngón tay mình.
Nhưng với nỗi lạnh lùng đáng sợ cô đã quyết định ngày đầu độc Rêbêca sẽ là ngày
thứ sáu gần kề ngày cưới và cách thức đầu độc sẽ là một giọt nha phiến hoà
trong cà phê.
Một trở ngại lớn nhất,
rất tàn bạo và cũng rất bất ngờ đã ập đến buộc đám cưới phải hoãn một lần nữa
và không biết hoãn đến bao giờ. Chỉ còn một tuần nữa thì đến ngày cưới bỗng
nhiên vào lúc nửa đêm Rêmêđiôt thức dậy miệng nôn trôn tháo, người ướt sũng những
thứ từ trong bụng thải ra còn nóng hôi hổi, và sau ba ngày thì chết vì nhiễm độc
bởi chính thứ máu mình và trong bụng mang cái bào thai sinh đôi. Amaranta tự
mình dằn vặt lương tâm. Cô đã quá nhiệt tâm cầu xin Thượng đế một cái gì khủng
khiếp sẽ xảy ra để mình khỏi phải đầu độc Rêbêca và do đó cô cảm thấy mình có tội
trước cái chết của Rêmêđiôt. Đó không phải là cái trở ngại mà cô cầu mong.
Rêmêđiôt đã mang về nhà này một luồng gió mới đầy vui vẻ. Cô cùng chồng chuyển
ra ở trong phòng ngay cạnh xưởng kim hoàn và cô đã lấy tất cả búp bê và đồ chơi
tuổi ấu thơ trang trí phòng ở và sức sống tươi trẻ của cô tràn ra ngoài bốn bức
tường để như một luồng gió mát thổi qua hành lang bày những chậu thu hải đường.
Ngay từ lúc thức dậy cô đã hát. Cô là người duy nhất trong nhà đã dám can ngăn
những cuộc đấu khẩu giữa Rêbêca và Amaranta. Cô đã gánh vác nhiệm vụ săn sóc cụ
Hôsê Accađiô Buênđya. Cô mang cơm cho ông bố chồng, tận tình có mặt hầu hạ lúc
cụ ỉa đái tắm rửa cho cụ bằng xà phòng và bã cọ, giữ sạch bộ râu, mái tóc khỏi
sự hành hạ của chấy rận, bảo vê tất túp lều lá cọ và tu bổ nó vào thời kỳ mưa
bão. Ở những tháng cuối cùng của đời mình, cô đã giao tiếp được với cụ qua những
câu latinh đơn giản. Khi đứa con trai của Aurêlianô với Pila Tecnêra ra đời, được
mang về nhà và được làm lễ đặt tên là Aurêlianô Hôsê, thì Rêmêđiôt quyết định
công nhận chú nhóc là đứa con đầu lòng của mình. Tình cảm người mẹ của cô khiến
Ucsula rất đỗi ngạc nhiên. Về phần mình, Aurêlianô gặp ở cô lời biện minh tối cần
thiết cho cuộc đời mình. Anh làm việc cả ngày trong xưởng và Rêmêđiôt mang đến
cho anh một tách cà phê không pha đường vào giữa buổi sáng. Đêm nào cũng vậy, bọn
họ đến thăm vợ chồng Môscôtê. Aurêlianô mê mải đánh đôminô với bố vợ trong lúc
đó Rêmêđiôt nói chuyện vui với các bà chị và đàm đạo với mẹ về những vấn đề của
người lớn. Mối quan hệ chặt chẽ với gia đình Buênđya đã củng cố thêm quyền lực
của đông Apôlina Môscôtê ở trong làng. Trong những chuyến lên
tỉnh thường xuyên, ngài đã xin được chính phủ cho mở một trường học do Accađiô,
người kế thừa được nhiệt tình sư phạm của ông nội, chăm nom. Bằng biện pháp
thuyết phục, ngài đã vận động được phần lớn các ngôi nhà trong làng quét vôi
màu xanh để đón mừng lễ kí niệm ngày Quốc khánh. Để đáp lại những đề nghị của
cha Nicanô, ngài đã quyết định chuyển tiệm ăn của bác Catarinô sang một con đường
biệt lập và cho đóng cửa một số tụ điểm rộn rã đã mọc lên ở ngay trung tâm
làng. Một lần lên tỉnh về ngài đã dắt theo sáu lính cảnh sát có súng ống. Đó là
những người ngài trao cho nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Thế nhưng, không một ai nhắc
ngài nhớ lại lời ngài đã hứa với Hôsê Accađiô Buênđya là sẽ không sử dụng cảnh
sát vũ trang ở trong làng.