Anh em nhà Karamazov - Phần 7 - Chương 2
Chương 2: Có một phút như thế
Cha Paixi cố nhiên đã không lầm khi nói quyết rằng “chú bé dễ thương” của Cha
sẽ trở lại, thậm chí có lẽ Cha đã hiểu (dù không hoàn toàn nhưng vẫn cứ là sáng
suốt) tâm trạng thực của Aliosa. Tuy nhiên, tôi xin thành thật thú nhận rằng bây
giờ chính tôi cũng rất khó lòng truyền đạt rõ ràng ý nghĩa đích thực của khoảnh
khắc lạ lùng và mập mờ đó trong đời của nhân vật còn quá trẻ trung ấy mà tôi rất
đỗi yêu mến. Đáp lại câu hỏi đau buồn của Cha Paixi nêu ra với Aliosa: “Hay con
ngả theo những người kém đức tin,” - cố nhiên tôi có thể thay Aliosa trả lời dứt
khoát: “Không, anh ấy không ngả theo những người kém đức tin.” Hơn nữa, còn ngược
hẳn lại là khác: tất cả sự bối rối của anh chính là bởi anh đã tin nhiều. Nhưng
đúng là có bối rối, điều ấy đã xảy ra, và rất đỗi đau khổ, đến nỗi sau này, mãi
sau này, Aliosa vẫn coi cái ngày đau buồn ấy là một ngày nặng nề nhất và tai ác
nhất trong đời mình. Nếu người ta hỏi thẳng: “Chẳng lẽ anh ta buồn lo như thế chỉ
là vì thi hài trưởng lão đáng lẽ phải lập tức bộc lộ phép lạ chữa bệnh thì lại sớm
có mùi hay sao?” thì tôi sẽ trả lời ngay không ngần ngừ: “Vâng, quả là như thế.”
Tôi chỉ yêu cầu bạn đọc đừng vội chê cười quá đáng tấm lòng trong trắng của chàng
trai ấy của tôi. Bản thân tôi chẳng những không có ý định xin tha thứ cho anh ta,
hay thay anh ta mà xin lỗi, hay bào chữa cho lòng tin chất phác của anh ta, viện
cớ anh ta tuổi trẻ non nớt chẳng hạn, hay viện cớ anh ta chẳng tấn tới gì lắm trong
việc học hành trước đây, v.v… nhưng thậm chí tôi sẽ làm ngược lại và tuyên bố dứt
khoát rằng tôi thành thực kính trọng bản chất trái tim anh ta. Chắc chắn là một
thanh niên khác dè dặt tiếp nhận những xúc động tình cảm, biết cách yêu không nồng
cháy, mà chỉ yêu một cách đầm ấm, đầu óc tuy đúng đắn, nhưng so với tuổi thì quá
chín chắn (vì vậy là rẻ tiền), một thanh niên như thế, tôi xin nói với các bạn là
sẽ tránh được tình cảm đã xảy ra với chàng trai của tôi, nhưng trong một số trường
hợp, quả thực là để mình bị lôi cuốn vào cuộc đam mê tuy là cuồng dại, nhưng do
tình yêu lớn lao thôi thúc thì còn đáng trọng hơn là không đam mê gì hết! Nhất là
trong thời tuổi trẻ bởi vì một thanh niên luôn luôn chín chắn thì chẳng hay ho gì
và là thứ đồ rẻ tiền - ý kiến của tôi là như vậy! Một số người chuộng lẽ phải có
lẽ sẽ kêu lên: “Nhưng không phải thanh niên nào cũng có thể tin vào một thành kiến
như vậy, và chàng trai của ông chẳng có quyền gì bắt mọi người phải theo anh cả.”
Tôi sẽ trả lời như sau: Vâng, chàng trai của tôi tin, tin một cách thiêng liêng,
không gì lay chuyển nổi nhưng tôi vẫn không xin tha thứ cho anh ta.
Các bạn ạ, tuy ở trên tôi đã tuyên bố (có lẽ là quá hấp tấp) rằng tôi sẽ không
thanh minh, không xin lỗi và bào chữa cho nhân vật của tôi, nhưng tôi thấy vẫn cần
làm sáng tỏ một điều để độc giả tiếp tục hiểu câu chuyện của tôi. Tôi xin nói thế
này: đây không phải là chuyện chờ mong phép lạ. Không phải là việc nôn nóng chờ
mong phép lạ một cách nông nổi. Aliosa cần phép lạ không phải đế giành phần thắng
cho những niềm tin nào đó của mình, không phải để cho một định kiến nào đó có sẵn
từ trước mau mau thắng một định kiến khác, không, hoàn toàn không: trong toàn bộ
sự việc này trước hết, ở vị trí hàng đầu là một gương mặt hiện lên trước mắt anh,
chỉ là một gương mặt - gương mặt trưởng lão yêu quý của anh, gương mặt của bậc công
chính mà anh tôn thờ đến độ. Đúng là hồi ấy và suốt một năm trước, tất cả tình yêu
ẩn sâu trong trái tim non trẻ và trắng trong của anh đối với “mọi người và mọi sự”
có lúc chỉ tập trung vào một người, - có lẽ như vậy là không đúng lắm - ít ra là
trong những lúc tình cảm bồng bột nhất, tất cả tình yêu của anh tập trung vào vị
trưởng lão yêu dấu nay đã qua đời.
Thực ra, suốt một thời gian dài, đối với anh con người đó là lí tưởng tuyệt
đối, mọi sinh lực tuổi trẻ của anh không thể không khao khát chỉ hướng về lí tưởng
đó, thậm chí có những lúc anh quên hết cả “mọi người và mọi sự”. (Sau này anh nhớ
lại rằng trong ngày đau buồn ấy, anh quên bẵng cả anh Dmitri thế mà hôm trước anh
hết sức lo âu và buồn nhớ anh: anh cũng quên mang cho bố Iliusetrka hai trăm rúp,
thế mà hôm trước anh hăm hở định thực hiện ngay việc đó.) Nhưng vẫn không phải là
anh cần phép lạ, mà chỉ là cần “công lí tối cao”, nhưng theo niềm tin của anh thì
công lí ấy đã bị phá hoại, do đó trái tim anh bị giáng một đòn tàn bạo và bất ngờ.
Nhưng cớ gì trong sự mong đợi của Aliosa, bản thân tiến trình sự việc lại khiến
cho công lí ấy mang hình thức phép lạ mà người ta trong chờ thể hiện ra ngay ở thi
hài đấng giáo đạo mà anh tôn thờ? Nhưng mọi người trong tu viện đều nghĩ như thế
và mong chờ điều đó, kể cả những người mà Aliosa khâm phục trí tuệ của họ, như Cha
Paixi chẳng hạn, còn Aliosa không gợn chút hoài nghi, cũng chung niềm mơ ước với
tất cả mọi người. Hơn nữa điều đó đã bắt rễ trong tim anh qua cả một năm sống trong
tu viện, và trái tim anh đã có thói quen chờ mong như thế. Nhưng anh khao khát công
lí, công lí chứ không phải chỉ là phép lạ! Thế những người mà anh hi vọng sẽ phải
được tôn cao hơn ai hết trên cả cõi thế gian này thì đáng lẽ được vinh hiển xứng
đáng, lại bị lật nhào và chịu nhục. Vì lẽ gì? Ai phán xét? Ai có thể phán xét như
thế? - Đấy là những câu hỏi giày vò trái tim non trẻ trong trắng của anh. Anh không
thể không cảm thấy bị xúc phạm, thậm chí tức giận trong lòng khi thấy bậc công chính
nhất trong những người công chính phải chịu sự nhạo báng chua cay hằn học của đám
đông nông nổi và thấp kém hơn đấng ấy quá nhiều như vậy. Ừ thì không có phép lạ
gì đi nữa, ừ thì chẳng có gì huyền nhiệm và điều người ta mong đợi chẳng thể hiện
ra ngay tức thời, sao lại nhục nhã như thế, sao lại bốc mùi sớm như thế, “đi trước
cả sự diễn biến tự nhiên”, như những thầy tu ác độc đã nói? Sao lại có và sao họ
lại tin rằng họ có quyền làm như thế? Đấng tối cao ở đâu và ngón tay Ngài ở đâu?
Sao Ngài lại giấu ngón tay của Ngài đi “vào lúc cần thiết” (Aliosa nghĩ như vậy),
như thể Ngài tự ý muốn phục tùng quy luật tự nhiên mù quáng, câm lặng và tàn nhẫn.
Vì thế tim Aliosa rỉ máu, và cố nhiên, như tôi đã nói, nguyên nhân trước hết
ở đây là vì con người mà anh yêu quý nhất trần đời bị “ô nhục”, bị “ô danh”. Cứ
cho rằng sự oán thán đó của chàng trai của tôi là nông nổi và vô lí đi, nhưng tôi
nhắc lại lần thứ ba (và tôi xin đồng ý trước rằng như thế cũng là nông nổi): tôi
lấy làm vui sướng rằng chàng trai của tôi không phải lẽ lắm trong lúc như thế này,
nhưng với một người không đần thì thế nào rồi cũng có lúc lẽ phải đến với người
đó, nhưng nếu vào một giây lát phi thường như thế mà tình yêu vẫn không nảy sinh
trong trái tim chàng trai trẻ thì bao giờ nó sẽ đến? Tuy nhiên, trong trường hợp
này, tôi không muốn lờ đi một hiện tượng hơi lạ lùng, tuy là chỉ thoáng qua, nhưng
đã bộc lộ ra trong trí óc Aliosa vào cái phút ác hại làm anh rối loạn. Điều mới
mẻ thoáng hiện ấy là: cảm giác dằn vặt vì bây giờ Aliosa không ngừng nhớ tới cuộc
nói chuyện hôm qua với anh Ivan. Chính là bây giờ. Ồ, không phải là trong số những
niềm tin nền tảng, tự phát, nếu có thể nói như vậy, trong tâm hồn anh đã có cái
gì lung lay. Anh yêu Chúa Trời của mình và có niềm tin bất di bất dịch vào Chúa,
tuy bất ngờ anh đã oán thán Chúa.
Nhưng, nhớ tới cuộc nói chuyện hôm qua với anh Ivan, một cảm tưởng mơ hồ nhưng
đau khổ và tai ác bây giờ lại động đậy trong tâm hồn anh và mỗi lúc càng trôi nổi
lên bề mặt. Khi trời đã tối hẳn, Rakitin đi qua vạt rừng thông từ tu xá đến tu viện
bỗng thấy Aliosa nằm dưới gốc cây, úp mặt xuống đất và không động đậy, như đang
nằm ngủ.
- Anh ở đây ư, Alecxei? Chẳng lẽ anh… - Anh ta thốt lên, ngạc nhiên, nhưng không
nói hết câu, mà ngừng lại. Anh ta muốn nói: “Anh mà cũng đến nỗi như thế ư?” Aliosa
không nhìn anh ta, nhưng qua một cử động của anh, Rakitin đoán ra ngay rằng Aliosa
nghe thấy và hiểu anh ta.
- Anh làm sao thế chứ? - Anh ta tiếp tục ngạc nhiên, nhưng trên mặt anh ta sự
ngạc nhiên đã bắt đầu nhường chỗ cho nụ cười mỗi lúc một rõ nét giễu cợt. - Này,
tôi tìm anh đã hơn hai tiếng rồi đấy. Tự dưng anh biến mất. Anh làm gì ở đây vậy?
Có chuyện gì không hay xảy đến với anh vậy? Ngẩng lên nhìn tôi một tí nào…
Aliosa ngẩng đầu lên, ngồi dậy, tựa lưng vào cái cây. Anh không khóc, nhưng
vẻ mặt đau khổ, còn ánh mắt giận dữ. Nhưng anh không nhìn Rakitin, mà nhìn đi chỗ
khác.
- Này, mặt anh nom khác hẳn. Không còn mảy may cái vẻ nhu mì trứ danh trước
kia của anh. Anh giận ai phải không? Họ trêu chọc anh ư?
- Thôi đi! - Aliosa đột nhiên thốt lên, vẫn không nhìn Rakitin và xua tay mệt
mỏi.
- Ồ bọn ta là như thế đấy! Cũng la hét hệt như những người trần tục khác! Vậy
mà dự vào hàng thiên thần đấy. Này, Aliosa, anh làm tôi ngạc nhiên, anh nên biết
điều đó, nói thực đấy. Đã lâu ở đây tôi không hề ngạc nhiên gì hết. Bởi vì tôi vẫn
cho anh là người có học mà…
Cuối cùng Aliosa nhìn anh ta, nhưng hơi có vẻ lơ đãng, dường như vẫn chưa hiểu
tí gì.
- Chẳng lẽ chỉ vì thi hài ông già của anh bốc mùi ư? Lẽ nào anh thực bụng tin
rằng ông già sẽ làm phép lạ? - Rakitin kêu lên, lại chuyển sang sự ngạc nhiên hết
sức thành thật.
- Tôi đã tin, vẫn tin và sẽ còn tin, anh còn muốn gì nữa? - Aliosa la lên một
cách cáu kỉnh.
- Không muốn gì hết, bạn thân yêu ạ. Quái quỷ, điều đó thì bây giờ ngay đến
đứa học trò mười ba tuổi cũng không tin. Thế nhưng, đồ quỷ… Thế là bây giờ anh tức
giận Chúa Trời của anh, anh nổi loạn: anh không được thăng bậc, ngày lễ anh không
được tặng huân chương! Rõ chán với anh!
Aliosa nheo mắt nhìn Rakitin hồi lâu và mắt anh bỗng lóe lên… nhưng không phải
là căm tức Rakitin.
- Tôi không nổi loạn chống lại Chúa Trời của tôi, tôi “chỉ không chấp nhận thế
giới này” của Chúa. - Aliosa bỗng mỉm cười gượng gạo.
- Không chấp nhận thế giỏi này là thế nào? - Rakitin hơi băn khoăn về câu trả
lời của Aliosa, - nói vớ vẩn gì thế?
Aliosa không đáp.
- Thôi chuyện tầm phào đủ rồi, bây giờ vào việc thiết thực: hôm nay anh ăn chưa?
- Tôi không nhớ… hình như ăn rồi.
- Anh cần bồi bổ sức khỏe, mặt anh nom thế kia kìa. Nhìn anh mà thương hại.
Đêm vừa rồi anh không ngủ, tôi nghe nói có cuộc chầu lễ gì đó. Rồi tiếp đến vụ náo
động ấy… Chắc là anh mới chỉ ăn một mẩu bánh thánh. Trong nồi tôi có xúc xích dây,
khi ở thành phố về tôi mang theo để phòng xa, nhưng xúc xích thì anh lại không…
- Đưa xúc xích đây.
- A ha! Thì ra anh thế đấy! Như vậy là hoàn toàn nổi loạn, dựng chiến lũy chống
đối! Hà, người anh em ạ, việc này không nên coi thường. Đến tôi đi… Lúc này tôi
muốn làm một hớp vodka, mệt chết đi được. Chắc anh không dám uống… hay anh sẽ uống?
- Đưa cả vodka ra.
- Ái chà chà! Kì lạ đấy, người anh em ạ! - Rakitin ngớ ra nhìn. - Gì thì gì,
xúc xích hay vodka thì cũng là táo bạo cả, tốt thôi, không thể bỏ lỡ dịp, ta đi
thôi.
Aliosa lẳng lặng đứng lên đi theo Rakitin.
- Anh Vanetrka nhà anh mà thấy thế này thì hẳn là ngạc nhiên lắm! Mà này, anh
Ivan Fedorovich nhà anh sáng nay đi Moskva, anh biết không?
- Biết! - Aliosa nói bằng giọng thờ ơ và bỗng nhiên hình ảnh anh Dmitri thoáng
qua trong óc anh, nhưng chỉ thoáng qua thôi, và tuy anh có nhớ đến một điều gì,
một việc gì cấp bách không thể hoãn lại một phút, một bổn phận, một trách nhiệm
gì ghê gớm, nhưng sự nhớ lại đó không gây cho anh một cảm tưởng nào, không thấu
động đến trái tim anh, nó lập tức bay biến và bị quên đi. Mãi về sau, Aliosa vẫn
nhớ lại chuyện ấy.
- Anh Vanetrka nhà anh có lần đã bảo tôi là “phường giá áo túi cơm, bất tài
và tự do chủ nghĩa”. Anh cũng có lần không nén được và tỏ cho tôi hiểu rằng tôi
là kẻ “bất lương”… Cũng được đi! Bây giờ tôi sẽ xem tài năng và sự chính trực của
anh như thế nào (Rakitin thì thầm và thốt lên câu này, chỉ nói riêng với mình).
Hừ, nghe đây! - Anh ta lại nói to. - Ta bỏ qua tu viện đi, đi đường mòn về thẳng
thành phố. Hừm. Tôi có việc phải ghé qua nhà bà Khokhlakova. Anh tưởng tượng xem:
tôi đã viết cho bà ấy về tất cả những chuyện đã xảy ra, bà ấy tức khắc viết cho
tôi một lá thư ngắn, bằng bút chì (cái bà này rất thích viết những lá thư ngắn),
rằng bà ta “không thể nào ngờ được một vị trưởng lão đáng kính như Cha Zoxima lại
có hành vi như thế!” Bà ta viết thế đấy: “hành vi”! Bà ta cũng tức giận. Ôi chao,
tất cả các người! Ấy khoan! - Bất thần anh ta lại quát lên, ngừng lời, đặt tay lên
vai Aliosa, ngăn anh lại.
- Này Aliosa, - anh ta nhìn vào mắt Aliosa nói với vẻ dò xét, một ý nghĩ mới
mẻ bất ngờ choán hết tâm trí anh ta, anh ta hớn hở hẳn lên, tuy bề ngoài anh ta
cười cợt, nhưng rõ ông anh ta không dám nói ra ý nghĩ mới mẻ bất ngờ ấy, đến nỗi
anh ta vẫn chưa thề tin vào cái trạng thái kì lạ và bất ngờ của Aliosa mà anh ta
nhìn thấy bây giờ. - Aliosa, anh có biết bây giờ ta đi đâu hay hơn cả không? - Cuối
cùng anh ta nói, giọng rụt rè có ý thăm dò.
- Đi đâu cũng được… tùy ý anh.
- Ta đến Grusenka, được không? Anh đi chứ? - Cuối cùng Rakitin nói, trong lòng
vẫn run vì phấp phỏng chờ đợi.
- Thì đến Grusenka. - Aliosa lập tức điềm tĩnh trả lời, điều đó thật bất ngờ
đối với Rakitin, sự ưng thuận mau chóng và bình tĩnh như thể khiến anh ta suýt nhảy
về phía sau.
- Chà!… Thế chứ! - Anh ta suýt kêu lên vì ngạc nhiên, nhưng đột nhiên, anh ta
khoác chặt tay Aliosa, lôi Aliosa đi thật nhanh trên con đường mòn, vẫn hãi rằng
quyết tâm của bạn sẽ tan biến.
Hai người lẳng lặng đi, Rakitin thậm chí không dám lên tiếng.
- Cô ấy sẽ vui mừng biết mấy, vui mừng lắm… - Anh ta lẩm bẩm, rồi lại im bặt.
Nhưng anh ta lôi Aliosa đến Grusenka không phải để làm vui lòng nàng. Anh ta là
con người nghiêm túc và không bao giờ làm một việc gì mà không nhằm mục đích có
lợi cho mình. Bây giờ anh ta nhắm hai mục đích cùng một lúc: thứ nhất là để trả
thù tức là nhìn thấy “sự ô nhục của bậc công chính”, “sự sa ngã” có thể xảy ra của
Aliosa, việc anh “từ ông thánh biến thành kẻ tội lỗi”, điều mà mới nghĩ đến anh
ta đã cảm thấy khoái trá, hai là anh ta có một mục đích vật chất rất có lợi cho
anh ta, dưới đây tôi sẽ nói đến.
“Vậy là đã có được một phút như thế.” - Anh ta vui vẻ nghĩ thầm trong bụng một
cách hiểm độc, - “vì vậy ta phải chộp ngày lấy dịp này, vì nó rất thích hợp cho
chúng ta.”