Anh em nhà Karamazov - Phần 2 - Chương 6

Chương 6: Tại sao trên đời lại có một người như thế!

Dmitri Fedorovich là một thanh niên
hai mươi tám tuổi, người tầm thước có khuôn mặt dễ coi, nhưng dường như già hơn
tuổi. Thân hình chàng cơ bắp nở nang, có thể đoán được chàng có thể lực hơn người,
nhưng mặt chàng có một vẻ gì bệnh hoạn. Mặt hốc hác, má hõm, nước da vàng ệch. Mắt
ốc nhồi khá to thẫm màu, có cái nhìn rõ ràng là bướng bỉnh, nhưng hơi vu vơ. Ngay
cả khi chàng xúc động và nói năng cáu kỉnh, ánh mắt dường như cũng không ăn nhập
với nội tâm, mà biểu lộ một cái gì khác đôi khi hoàn toàn không phù hợp với lúc
đó. “Khó mà biết được anh ta đang nghĩ gì.” - những người đã nói chuyện với chàng
đôi khi nhận xét như vậy. Có khi người ta nhìn thấy trong mắt chàng một vẻ gì đăm
chiêu và buồn bực nhưng bỗng nhiên người ta sửng sốt vì tiếng cười bất ngờ chứng
tỏ chàng đang có những ý nghĩ vui vẻ và tinh nghịch đúng vào lúc mắt chàng lộ vẻ
buồn bực như vậy. Tuy nhiên, mặt chàng lúc này hơi có vẻ đau ốm thì cũng dễ thôi:
mọi người đều biết hoặc nghe nói về cuộc sống “chơi bời” sóng gió mà chàng dấn mình
vào trong thời gian gần đây, cũng như ai nấy đều biết chàng hết sức bực tức do những
cuộc cãi cọ với bố về chuyện tranh chấp tiền nong. Trong thành phố đã lan truyền
mấy chuyện tiếu lâm về việc này. Của đáng tội, anh chàng vốn bẳn tính, một “đầu
óc tản mạn và lệch lạc” như viên thẩm phán hòa giải Xemion Ivanovich Katsannikov
của chúng tôi đã nhận xét trong một cuộc họp. Chàng vào, ăn mặc bảnh bao không chê
vào đâu được, áo ngoài cài cúc, đi găng tay đen, hai tay cầm chiếc mũ cao thành.
Là một quân nhân mới xuất ngũ, chàng để ria còn râu cằm cạo nhẵn. Tóc màu hạt dẻ
sẫm cắt ngắn và hai bên tóc mai chải lật về phía trước. Chàng bước những bước dài
cả quyết, kiểu con nhà binh. Chàng dừng lại giây lát ở ngưỡng cửa, đưa mắt nhìn
tất cả mọi người rồi tiến thắng đến trước trưởng lão vì đoán ra Cha là chủ ở đây.
Chàng rạp mình chào và xin ban phước. Trưởng lão đứng dậy ban phước, Dmitri kính
cẩn hôn tay Cha và thốt lên, giọng xúc động lạ thường gần như cáu kỉnh.

- Xin rộng lòng thứ lỗi cho tôi đã
để các vị phải chờ lâu như thế. Nhưng mặc dù tôi hỏi đi hỏi lại là mấy giờ, tên
gia nhân Xmerdiakov mà ba tôi sai đi đã hai lần trả lời hết sức quả quyết rằng thời
gian đã định là một giờ. Bây giờ tôi mới biết rằng…

- Ông đừng ngại, - trưởng lão ngát
lời - không sao, chậm một chút không có gì ghê gớm…

- Rất đỗi cảm ơn Cha, lòng tốt của
Cha quả đúng như con mong đợi.

Nói xong mấy lời gọn lỏn ấy, Dmitri
Fedorovich cúi chào lần nữa, rồi đột ngột quay về phía “ba” mình, rạp mình chào
cũng kính cẩn như thế. Rõ ràng là chàng đã nghĩ kĩ từ trước về cái chào ấy với tấm
lòng chân thành, chàng cho rằng mình có bổn phận bày tỏ sự tôn kính và thiện ý.
Fedor Pavlovich này bị bất ngờ, nhưng lập tức ứng biến theo cách riêng của ông ta:
đáp lại cái chào của con, ông ta bật dậy khỏi ghế và chào lại con cũng cung kính
như thế. Mặt ông bỗng trở nên trịnh trọng và oai nghiêm, nhưng vì thế lại có vẻ
hết sức độc ác. Dmitri Fedorovich lẳng lặng cúi chào tất cả mọi người có mặt trong
phòng, rồi sải mấy bước dài và cả quyết đi về phía cửa sổ, ngồi xuống chiếc ghế
duy nhất còn lại cách chỗ Cha Paixi không xa, và nhoài hẳn người về phía trước,
sẵn sàng nghe người ta bàn tiếp câu chuyện bỏ dở.

Sự xuất hiện của Dmitri Fedorovich
chiếm mất không quá hai phút, và cuộc chuyện trò không thể không tiếp tục. Nhưng
lần này Petr Alecxandrovich không thấy cần thiết phải trả lời câu hỏi dai dẳng và
gần như cáu kỉnh của Cha Paixi.

- Tôi xin phép gác bỏ đề tài này,
- ông nói với giọng khinh khỉnh của người thượng lưu. - Vả chăng đây là một đề tài
rắc rối.

- Đấy kìa, Ivan Fedorovich đang cười
chúng ta đấy, chắc hẳn anh ấy có chuyện gì thú vị muốn nói.

- Chẳng có gì đặc biệt, ngoài một
nhận xét nhỏ! - Ivan Fedorovich trả lời liền. - Nói chung, chủ nghĩa tự do châu
Âu và ngay cả thói tài tử phóng túng của người Nga chúng ta đã từ lâu vẫn hay trộn
lẫn những kết quả cuối cùng của chủ nghĩa xã hội và những kết quả cuối cùng của
Kito giáo. Cái kết luận kì quái ấy cố nhiên là một nét đặc trưng. Thế nhưng không
phải chỉ có những người theo chủ nghĩa tự do và những kẻ có đầu óc tài tử mới lẫn
lộn chủ nghĩa xã hội với Kito giáo, mà trong nhiều trường hợp cả sen đầm cũng vậy,
tất nhiên đây là nói sen đầm nước ngoài. Cái giai thoại Paris mà bác vừa kể khá
tiêu biểu đấy, bác Petr Alecxandrovich ạ.

- Nói chúng tôi xin phép quý vị gác
bỏ đề tài ấy. - Petr Alecxandrovich nhắc lại. - Thưa quý vị, thay vào đó tôi xin
kể một giai thoại khác, rất lí thú và rất tiêu biểu về chính Ivan Fedorovich. Cách
đây không quá năm ngày, trong một cuộc họp mặt tại thành phố này mà phụ nữ chiếm
phần lớn, nhân lúc tranh luận anh ấy đã tuyên bố rằng trên trái đất này tuyệt nhiên
không có cái gì khiến người ta phải yêu đồng loại, không có cái luật tự nhiên nào
bảo người ta phải yêu nhân loại, nếu như cho đến nay vẫn có tình yêu trên trái đất
thì không phải là do luật tự nhiên, mà chỉ là vì người ta tin ở linh hồn bất diệt
của mình, Ivan Fedorovich khi ấy đã mở ngoặc nói thêm rằng tất cả luật tự nhiên
ở đó, thành thử nếu tiêu hủy trong con người lòng tin ở linh hồn bất diệt thì chẳng
phải tình yêu, mà mọi sinh lực để tiếp tục cuộc sống trần thế sẽ cạn kiệt. Hơn nữa,
khi ấy sẽ không còn cái gì là vô đạo đức, mọi việc đều được phép làm, ngay cả án
giết người. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cuối cùng anh ấy còn kết luận rằng đối với
mỗi con người cá biệt như chúng ta đây chẳng hạn, nếu không tin có Thượng đế cũng
như không tin mình có linh hồn bất diệt thì luật đạo đức của thiên nhiên ắt phải
lập tức biến thành cái đối lập hoàn toàn với luật đạo đức tôn giáo trước đây và
con người chẳng những phải được phép ích kỉ đến độ tàn ác mà sự ích kỉ đó còn được
thừa nhận là lối thoát cần thiết, hợp lí nhất và gần như là cao quý nhất của con
người. Cứ theo cái ý kiến ngược đời như thế, thưa quý vị, có thể kết luận về tất
cả những gì còn lại mà Ivan Fedorovich đáng mến, con người kì quặc và ưa sự ngược
đời, thấy là nên công bố và có lẽ vẫn còn có ý định công bố ra.

- Xin cho hỏi. - Dmitri Fedorovich
đột nhiên kêu lên, - nếu tôi nghe không lầm: “Sự gian ác chẳng những được phép làm,
mà còn được thừa nhận là lối thoát hết sức cần thiết và thông minh nhất cho bất
cứ người vô thần nào.” Phải thế không ạ?

- Đúng thế - Cha Paixi nói.

- Tôi sẽ ghi nhớ.

Nói đoạn, Dmitri Fedorovich im bặt
ngay, cũng đột ngột như khi chàng xen vào câu chuyện. Mọi người tò mò nhìn chàng.

- Có thực ông tin chắc trong khi con
người không còn tin có linh hồn bất diệt thì hậu quả ắt là như thế không? - Trưởng
lão bỗng hỏi Ivan Fedorovich.

- Vâng tôi khẳng định điều đó. Không
có đức hạnh nếu không có sự bất diệt của linh hồn.

- Nếu ông tin như thế thì ông thật
hạnh phúc hoặc là rất bất hạnh!

- Tại sao lại bất hạnh? - Ivan Fedorovich
mỉm cười.

- Bởi vì nhiều phần chắc là ông không
tin linh hồn ông là bất diệt, mà cũng không tin những gì ông viết về giáo hội và
vấn đề giáo hội.

- Có lẽ Cha có lí!… Nhưng dẫu sao
không hẳn là tôi nói đùa… - Ivan Fedorovich bỗng thú nhận, và sự thú nhận lạ lùng
ấy lập tức khiến chàng đỏ mặt.

- Không hẳn là ông đùa, đúng vậy.
Ý nghĩ ấy vẫn chưa nhất quyết trong tâm tư ông, vì vậy ông bị giày vò. Nhưng kẻ
bị hành hạ đôi khi thích tiêu khiển bằng sự thất vọng của mình, hoặc giả cũng do
thất vọng. Hiện giờ do thất vọng mà ông tiêu khiển bằng các bài báo, những cuộc
tranh luận phù phiếm, nhưng chính ông không tin phép biện chứng của mình và đau
lòng tự cười mình. Ở ông vấn đề đó chưa được giải quyết đấy là nỗi đau xót lớn của
ông, vì nó khẩn thiết đòi phải được giải quyết.

- Thế liệu nó có thể được giải quyết
trong tâm tư tôi không?

- Giải quyết theo hướng khẳng định
ấy à? - Ivan Fedorovich tiếp tục nêu ra câu hỏi lạ lùng đồng thời nhìn trưởng lão,
miệng vẫn mỉm cười khó hiểu.

- Nếu không thể giải quyết theo hướng
khẳng định thì không bao giờ có thể giải quyết hướng phủ định, chính ông, biết tính
chất ấy của trái tim ông, tất cả sự giày vò của nó là vì thế. Nhưng ông hãy cảm
ơn đấng Tạo Hóa đã cho ông một trái tim cao cả có khả năng đau khổ vì nỗi day dứt
như thế, có khả năng “suy ngẫm và tìm kiếm những việc trên Trời - vì chỗ ở của chúng
ta là ở trên Trời”. Cầu Chúa cho trái tim ông tìm được cách giải quyết ngay trên
cõi thế gian này và Chúa ban phước lành cho con đường ông đi!

Trưởng lão giơ tay lên, toan ngồi
tại chỗ làm dấu thánh giá cho Ivan Fedorovich. Nhưng chàng bỗng đứng dậy, tới trước
Cha, nhận phước Cha ban cho, rồi hôn tay Cha và lẳng lặng trở về chỗ. Nom chàng
kiên quyết và nghiêm trang. Hành động ấy cũng như toàn bộ cuộc nói chuyện trước
đó với trưởng lão, cuộc nói chuyện bất ngờ do Ivan Fedorovich mà ra, có tính chất
bí ẩn và thậm chí có phần trịnh trọng khiến cho mọi người đều sửng sốt đến nỗi tất
cả đều im lặng một lát, còn mặt Aliosa lộ vẻ gần như sợ hãi. Nhưng Miuxov bỗng nhún
vai và đúng lúc ấy Fedor Pavlovich bật dậy khỏi ghế.

- Kính thưa trưởng lão thần thánh
và tối thiêng liêng! - ông ta trỏ Ivan và kêu lên. - Đây là con trai con, máu mủ
ruột thịt của con, phần máu thịt yêu quý nhất của con! Đây là đứa con đáng trọng
nhất của con, có thể nói là Carl Mor, còn anh con trai này vừa vào ban nãy, mà con
muốn nhờ Cha giúp con để trị nó, là tên Franx Mor đại bất kính, - cả hai đều là
nhân vật trong “Lũ kẻ cướp của Siller”, còn bản thân con trong trưởng hợp này, con
là Regierender Graf Von Mor!(1) Xin Cha hãy phân xử và cứu vớt chúng
con! Chúng con không chỉ cần những lời cầu nguyện của Cha, mà cần cả lời tiên tri
của Cha.

Chú thích

(1)Regierender Graf Von
Mor (tiếng Đức) nghĩa là: bá tước fon Mor quyền uy.

- Ông đừng nói năng kiểu dở điên dở
dại và đừng có xúc phạm người nhà ông. - Trưởng lão trả lời bằng giọng suy kiệt.

Cha mệt mỏi trông thấy, càng về sau
càng đuối hơn, mất sức rõ rệt.

- Một trò hài kịch vô sỉ mà tôi linh
cảm thấy ngay khi đến đây. - Dmitri Fedorovich phẫn nộ kêu lên, thậm chí đứng phắt
dậy. - Trình Cha, xin Cha thứ lỗi, - chàng nói với trưởng lão, - con là kẻ ít học,
thậm chí con không biết tôn xưng Cha thế nào, nhưng người ta đánh lừa Cha, và Cha
quá tốt nên mới cho chúng con hội họp ở nhà Cha. Ba con chỉ cần gây chuyện tai tiếng,
còn để làm gì thì đấy là mưu tính của ông. Ông ấy bao giờ cũng có tính toán. Nhưng
hình như bây giờ con biết ông ấy nhằm mục đích gì rồi…

- Tất cả đều buộc tội, tất cả bọn
họ! - Đến lượt Fedor Pavlovich kêu lên. - Cả Piotr Alecxandrovich kia cũng thế.
Ông buộc tội tôi, Petr Alecxandrovich, ông buộc tội tôi! - ông ta bỗng quay về phía
Miuxov, tuy Miuxov không hề có ý ngắt lời ông ta. - Họ buộc tội tôi giấu tiền của
các con tôi và lấy hết sạch trơn của chúng, nhưng xin hỏi, phải chăng không có tòa
án? Ở đấy người ta sẽ tính toán, Dmitri Fedorovich ạ, căn cứ vào chính những giấy
biên nhận, thư từ và giao kèo của anh, thế là sẽ rõ ngay anh có bao nhiêu, tiêu
hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu thôi mà! Vì sao Petr Alecxandrovich tránh lên tiếng?
Dmitri Fedorovich đâu có phải là người dưng nước lã đối với ông ấy. Là bởi vì mọi
người đều quy tội cho tôi, còn thằng Dmitri Fedorovich thì rút cục nó thiếu nợ tôi,
không phải là ít, mà đến mấy nghìn rúp, tôi có đủ mọi giấy tờ chứng minh điều đó!
Cả thành phố điên đảo ầm ĩ lên vì nhũng cuộc ăn chơi của nó đấy thôi! Còn ở nơi
trước kia nó tại ngũ, nó phung phí tới một vài ngàn đồng để quyến rũ con gái nhà
tử tế. Ta biết chuyện ấy, Dmitri Fedorovich ạ, biết cả những chi tiết hết sức bí
mật, và ta sẽ chứng minh… Thưa đức cha chí thánh chí thiện, chẳng biết Cha có tin
không: hắn đã say mê một cô gái hết sức cao quý, con nhà tử tế có gia tư, con gái
vị chỉ huy trước kia của hắn, một đại tá dũng cảm có công lao được thưởng huân chương
“Anna với hai thanh gươm”(2); tai hại cho cô gái là hắn đã cầu hôn, bây
giờ nàng hiện ở đây, mồ côi, nàng là vợ chưa cưới của hắn, vậy mà ngay trước mắt
nàng, hắn vẫn lui tới với một ả có tiếng quyến rũ đàn ông ở vùng ta đây. Bất kể
rằng cô ả có thể nói là kết hôn theo luật với một người đáng trọng, nhưng tính tình
độc lập, một pháo đài bất khả xàm phạm đối với tất cả mọi người, dù sao cô ả cũng
là vợ hợp pháp, cô ả là người đức hạnh mà, dạ vâng, cô ả là người đức hạnh! Vậy
mà Dmitri Fedorovich muốn mở cửa pháo đài ấy bằng chiếc chìa khóa vàng, vì thế bây
giờ nó xấc láo với tôi nó muốn bòn tiền của tôi, nhưng đến nay nó đã phung phí hàng
nghìn đồng cho con yêu phụ đó, cho nên nó không ngớt vay tiền, mà vay ai, các vị
có tưởng tượng được không? Nói ra hay thôi, Mitia?

(2) Từ 1866, trên huân chương thánh Anna, cũng như các huân chương chiến
công khác, có hình hai gươm gươm bắt chéo.

- Im mồm đi! - Dmitri Fedorovich quát
lên. - Hãy để tôi ra khỏi đây đã, chứ trước mặt tôi ông chớ có cả gan bôi nhọ một
người con gái cao quý nhất… Chỉ riêng một điều ông dám hé răng nói đến nàng cũng
là làm nhục nàng rồi… Tôi không cho phép!

Chàng ngạt thở.

- Mitia, Mitia! - Fedor Pavlovich
la lên một cách nóng nảy, cố rặn cho ra nước mắt. - Lời chúc phúc của bố, mày không
coi vào đâu à? Nếu tao nguyền rủa thì sẽ ra sao?

- Thật là trơ trẽn và dối trá! - Dmitri
Fedorovich gầm lên.

- Nó đối xử với bố nó như thế đấy,
với bố nó! Thế thì với người khác còn ra thế nào? Thưa các vị, các vị tưởng tượng
xem: Ở đây có một người nghèo, nhưng đáng kính, một đại úy giải ngũ, ông ta gặp
chuyện rủi ro phải rời khỏi quân ngũ, chứ không phải vì bị kỉ luật, không phải ra
tòa, danh dự ông vẫn nguyên vẹn, ông ta phải gánh vác một gia đình đông người. Vậy
mà ba tuần trước ở quán rượu, Dmitri Fedorovich của chúng ta túm râu ông ta lôi
xềnh xệch ra đường và đánh ông ta ở ngoài đường trước mắt cả bàn dân thiên hạ, tất
cả chỉ vì ông ta là người được tôi kín đáo nhờ lo liệu cho tôi một việc.

- Dối trá tuốt! Bề ngoài là sự thật,
bên trong là dối trá! - Dmitri Fedorovich giận run cả người lên. - Ba ơi! Tôi không
bào chữa cho hành động của tôi, vâng, tôi thú nhận trước tất cả mọi người: tôi đối
xử dã man như thú vật với ông đại úy ấy và bây giờ tôi lấy làm tiếc, tôi tự khinh
mình về cơn giận dã man ấy, nhưng ông đại úy ấy của ba, người được ba ủy nhiệm đã
đến gặp chính người đàn bà mà ba gọi là kẻ quyến rũ đàn ông và nhân danh ba đề nghị
nàng lấy những kì phiếu của tôi hiện nằm trong tay ba, rồi phát đơn kiện để tôi
bị tù vì những kì phiếu đó, nếu như tôi cứ nằng nặc đòi ba thanh toán tài sản cho
tôi. Bây giờ ba trách tôi mê người đàn bà ấy, trong khi chính ba bày cách cho nàng
đưa tôi vào bẫy! Nàng kể lại không úp mở, chính nàng đã kể với tôi để chế nhạo ba!
Ba muốn bỏ tù tôi chỉ vì ba ghen với tôi về nàng, bởi vì chính ba bắt đầu bám người
đàn bà ấy, chuyện đó tôi cũng biết hết, và nàng cười ba, nghe đây, chính là để chế
nhạo ba mà nàng kể lại. Thưa các Cha, con người này là như thế đấy, cái ông bố trách
mắng đứa con trai phóng đãng! Các vị chứng kiến sự việc này, xin thứ lỗi cho sự
giận dữ của tôi, nhưng tôi đã cảm thấy trước rằng ông già quỷ quyệt này mời tất
cả các vị đến đây để gây nên một vụ đấu khẩu tai tiếng. Tôi đến đây để tha thứ,
nếu như ba tôi đưa tay ra cho tôi, tôi đến để tha thứ và xin tha thứ! Nhưng bởi
vì lúc này đây ông ấy không chỉ lăng nhục tôi, mà lăng nhục cả cô gái vô cùng cao
quý mà thậm chí tôi không dám tùy tiện nói tên ra vì tôn kính nàng, nên tôi quyết
công khai phơi ra tất cả trò chơi của ông ấy, tuy ông ấy là bố tôi…

Chàng không nói tiếp nữa. Mắt chàng
quắc lên, chàng thở hồng hộc. Nhưng mọi người có mặt trong phòng đều lo lẳng.

Trừ trưởng lão, tất cả bồn chồn đứng
lên. Các giáo sĩ nom nghiêm nghị, nhưng họ chờ xem ý trưởng lão. Trưởng lão vẫn
ngồi, mặt tái mét nhưng không phải vì xúc động mà vì ốm yếu. Một nụ cười van vỉ
hiện rõ trên môi Cha, thỉnh thoáng Cha giơ tay lên như muốn ngăn chặn những kẻ đang
nổi cơn điên, và cố nhiên chỉ một cử chỉ của Cha cũng đủ để chấm dứt màn kịch này;
nhưng Cha dường như vẫn như đợi điều gì và chăm chú nhìn, dường như muốn hiểu rõ
điều gì, dường như có điều gì vẫn chưa rõ lắm. Cuối cùng Petr Alecxandrovich Miuxov
dứt khoát cảm thấy mình bẽ mặt và bị làm nhục.

- Tất cả chúng ta đều có lỗi về cái
chuyện nhục nhã vừa xảy ra! - ông nói một cách sôi nổi. - Nhưng khi đến đây tôi
vẫn không cảm thấy trước điều đó, tuy tôi biết tôi giao thiệp với ai… Việc đó phải
chấm dứt ngay tức khắc! Trình Cha, xin Cha tin rằng tôi không biết đích xác mọi
chi tiết vừa được phanh phui, ở đây tôi muốn tin, và mãi bây giờ lần đầu tiên tôi
mới biết… Bố ghen với con về một ả đĩ thõa, và chính mình âm mưu với ả để đưa con
vào tù… Tôi bị ép đưa đến đây nhập bọn với những kẻ như thế. Tôi bị lừa, tôi tuyên
bố với tất cả các vị rằng tôi bị lừa không kém gì những người khác…

- Dmitri Fedorovich! - Fedor Pavlovich
bỗng gào lên, giọng lạc hẳn đi. - Nếu như anh không phải là con trai tôi thì ngay
lúc này tôi sẽ đòi anh… đấu súng. Cách ba bước… Qua chiếc mùi xoa, qua chiếc mùi
xoa! - ông ta giậm hai chân bành bạch, dứt lời.

Những người già dối trá suốt đời đóng
kịch vẫn có những phút nhập vai đến mức họ thực sự run lên và khóc vì xúc động,
mặc dù ngay lúc ấy, hay chỉ một giây sau, họ đã có thể tự nhủ: “Ta dối trá mà, lão
già trơ trẽn, ngay cả lúc này ta vẫn đóng trò thôi mà, mặc dù tất cả cơn giận “thiêng
liêng” và phút giận dữ thiêng liêng của ta.”

- Tôi cứ tướng… Tôi cứ tưởng rằng.
- Chàng nói khẽ và dè dặt. - Tôi về quê với người vợ chưa cưới, thiên thần của tâm
hồn tôi, để chăm sóc cha già, vậy mà tôi chỉ thấy một kẻ dâm đãng, hám gái, một
tên hề hết sức đê tiện!

- Đấu súng! - Lão già lại gào lên,
thở hổn hển và cứ mỗi lời lại phun nước miếng ra. - Còn ông Petr Alecxandrovich
Miuxov, thưa tiên sinh, tiên sinh nên biết rằng có lẽ trong cả dòng họ của ngài
chưa bao giờ có người phụ nữ nào cao quý hơn và chính trực hơn, ông nghe đây, chính
trực hơn người phụ nữ mà ông dám cả gan gọi là “đồ súc sinh” nọ. Còn anh, Dmitri
Fedorovich, anh đã đánh đổi vợ chưa cưới của anh lấy “con súc sinh” đó, vậy là chính
anh xét anh rằng vợ chưa cưới của anh không bén gót cô ta, cái đồ súc sinh ấy là
thế đấy!

- Xấu hổ! - Cha Ioxif buột thốt lên.

- Xấu hổ và nhục nhã! - Kalganov từ
đầu đến giờ vẫn im lặng bỗng kêu lên bằng cái giọng thiếu niên run run vì xúc động
của mình, mặt đỏ bừng.

- Sao lại có con người như thế ở trên
đời này cơ chứ! - Dmitri Fedorovich gầm lên bằng giọng khàn, tức giận gần như điên
cuồng, phướn cao hẳn hai vai lên đến nỗi nom như gù. - Ồ không, tôi xin hỏi, liệu
còn có thể để cho ông ta làm ô danh trái đất này nữa không. - Chàng vừa giơ tay
trỏ ông già vừa đưa mắt nhìn tất cả mọi người, nói một cách chậm rãi và đều đều.

- Các vị nghe thấy chứ, thưa các đấng
tu hành, các vị nghe thấy thằng con giết bố nói gì chứ. - Fedor Pavlovich sừng sộ
với Cha Ioxif. - Câu trả lời cho tiếng “xấu hổ” của Cha đó! Có gì là xấu hổ nào?
“Cái đồ súc sinh” đó, “ả đĩ thoã” đó có lẽ còn thánh thiện hơn chính các ngài giáo
sĩ đang tu hành để cứu rỗi linh hồn! Có lẽ thời trẻ nàng đã sa ngã, do hoàn cánh
xô đẩy(3), nhưng nàng “đã yêu nhiều”. Mà Chúa Kito tha thứ cho người
đàn bà đã yêu nhiều…

(3)Theo Phúc âm Luca, Chúa Kito phán về người đàn bà xấu nết “Tội lỗi người đàn bà
này nhiều lắm, nhưng đã được tha hết, vì nàng đã yêu nhiều."

- Chúa Kito không tha thứ cho thứ
tình yêu như thế… - Cha Ioxif hiền lành buột thốt lên, không kiên nhẫn nổi nữa.

- Không, tha thứ cho tình yêu như
thế, cho chính tình yêu ấy, thưa các đấng tu hành, cho tình yêu ấy! Các vị ở đây
ăn bắp cải để cứu rỗi linh hồn và tưởng mình là bậc công chính! Các vị ăn cá bống,
mỗi ngày một con cá bống và tính chuyện mua Chúa Trời bằng cá bống!

- Không thể chịu nổi, không thể nào
chịu nổi! - Tiếng nói rộn lên từ khắp các phía trong phòng.

Nhưng toàn bộ màn kịch đã đi đến chỗ
bậy bạ chợt chấm dứt hết sức bất ngờ. Trưởng lão đột nhiên đứng dậy. Aliosa sợ hãi
đến mức gần như rối trí, sợ cho thầy và cho mọi người, nhưng anh ta đã kịp đỡ tay
thầy. Trưởng lão bước về phía Dmitri Fedorovich, và khi tới sát gần chàng, Cha quỳ
xuống trước mặt chàng. Aliosa tưởng Cha ngã vì đuối sức, nhưng không phải. Quỳ xuống,
đoạn, trưởng lão rạp mình dưới chân Dmitri Fedorovich, đấy là cái cúi lạy toàn thân
rành rẽ, có ý thức, thậm chí trán Cha chạm đất. Aliosa sửng sốt đến nỗi không kịp
đỡ Cha khi Cha đứng dậy. Một nụ cười yếu ớt thoáng hiện trên môi Cha.

- Xin thứ lỗi! Xin thứ lỗi về tất
cả mọi điều! - Cha vừa nói vừa cúi chào tứ phía từ tạ khách.

Dmitri Fedorovich đứng ngây ra một
lúc như trời trồng: người ta sụp lạy dưới chân chàng, thế là thế nào? Cuối cùng
chàng bỗng kêu lên “Trời ơi!” và hai tay bưng mặt đâm bổ ra khỏi phòng. Khách cũng
ồ ạt ra theo hết, họ bối rối đến nỗi quên cả cáo biệt và chào chủ nhà. Chỉ có mấy
giáo sĩ lại đến để trưởng lão ban phước.

- Sao Cha lại sụp lạy dưới chân nó
thế, một thứ ngụ ý gì không? - Fedor Pavlovich thử gợi chuyện, không hiểu sao ông
ta đã trở nên thuần tính, tuy nhiên ông ta chỉ nói trống không, không dám nói riêng
với ai cả. Lúc ấy tất cả bọn họ đã ra ngoài bức tường bao quanh tu xá.

- Tôi không chịu trách nhiệm về nhà
điên và những kẻ điên. - Miuxov hằm hằm đáp lại tức thời, - nhưng tôi sẽ không dính
dáng gì với ông nữa, không bao giờ nữa, ông hãy tin như thế, Fedor Pavlovich ạ.
Ông thầy tu ban nãy đâu nhỉ?

Nhưng “ông thầy tu ấy”, tức là người
hồi nãy đã mời họ đến dùng bữa với Cha viện trưởng, không để họ phải chờ đợi. Ông
ta lập tức đón khách ngay khi họ vừa xuống bậc thềm nhà trưởng lão như thể ông ta
vẫn chờ họ suốt thời gian ấy.

- Thưa Cha, nhờ Cha trình lại với
Cha viện những là tôi hết lòng tôn kính Ngài và xin Ngài thứ lỗi cho Miuxov này:
do những điều bất ngờ không lường trước được đã xảy ra, tôi không thể đến dự bữa
ăn trưa nay, dù đó là một vinh dự mà tôi hết lòng mong muốn. Petr Alecxandrovich
nói với ông thầy tu bằng giọng cáu kỉnh.

- Cái điều không lường trước được
ấy chính là tôi đấy! - Fedor Pavlovich tiếp lời ngay. - Này Cha ạ, ấy là vì Petr
Alecxandrovich không muốn ngồi lại cùng với tôi, chứ không thì ông ấy đã đến ngay.
Ông cứ đến đi. Petr Alecxandrovich ạ, cứ đến thăm Cha viện trưởng đi, và chúc ông
ăn ngon miệng! Ông ạ, chính tôi sẽ tháo lui, chứ không phải ông. Tôi về nhà, về
nhà, ăn ở nhà: chứ ở đây thì tôi cảm thấy không thể nuốt trôi được. Ông Petr Alecxandrovich,
người bà con rất chi là đáng mến của tôi ạ!

- Tôi chưa bao giờ là người bà con
của ông cả. Ông là một kẻ hèn hạ!

- Tôi cố ý nói như vậy để chọc cho ông nổi khùng, bởi vì ông vẫn lẩn tránh mối
quan hệ họ hàng, tuy dù sao ông vẫn là chỗ bà con với tôi, cho dù ông có mưu mô
thế nào đi nữa thì tôi cũng sẽ chứng minh điều đó theo lịch giáo hội(4),
Ivan Fedorovich, rồi ba sẽ cho ngựa đến đón con đúng lúc, con cũng ở lại đi, nếu
con muốn. Còn ông Petr Alecxandrovich ạ, phép lịch sự buộc ông bây giờ phải đến
Cha viện trưởng, phải xin lỗi về những chuyện tôi với ông đã gây ra ở đây…

(4) Lịch giáo hội: lịch về các
thánh và các ngày lễ Kito giáo theo thứ tự thời gian cho cả 12 tháng trong năm.

- Có thật là ông về không? Không nói dối chứ!

- Petr Alecxandrovich, tôi đâu dám như thế sau những chuyện vừa xảy ra! Tôi
đã đi quá trớn, xin các ông thứ lỗi, tôi đã đi quá trớn! Ngoài ra tôi bàng hoàng!
Và xấu hồ nữa! Thưa các vị con người ta người dù có trái tim như của Alecxandr Maxeđoan,
người thì có trái tim như tim con chó Fidelca. Tim tôi như tim con chó Fidelca.
Tôi đâm ra nhút nhát! Đã giở trò lếu láo như thế mà lại còn vác mặt đến ăn, thưởng
thức các món nước sốt của tu viện ư? Xấu hổ lắm, tôi chịu thôi, xin lỗi!

“Có quỷ biết được lão, lão là chúa hay đánh lừa.” - Miuxov dừng lại phân vân,
băn khoăn nhìn theo lão hề đang ra xa. Lão già quay mặt lại, thấy Petr Alecxandrovich
đang nhìn theo, lão đưa tay gửi ông cái hôn.

- Anh đến Cha viện trưởng chứ? - Miuxov hỏi Ivan Fedorovich bằng giọng nhát
gừng.

- Sao lại không nhỉ? Thêm nữa Cha viện trưởng đã mời riêng cháu từ hôm qua kia.

- Khổ thật, thực quả tôi cảm thấy gần như nhất thiết phải có mặt trong bữa ăn
chết tiệt này, - Miuxov nói vẫn với giọng cáu kỉnh, cay đắng, thậm chí không để
đến ông thầy tu đang nghe. - Ít nhất là để xin lỗi vì cái việc không hay chúng ta
đã gây ra ở đây và nói rõ rằng không phải chúng ta… Anh thấy thế nào?

- Vâng, nên nói rõ ràng không phải chúng ta. Được cái ba cháu không có mặt trong
bữa ăn. - Ivan Fedorovich đáp.

- Lại còn có mặt ba cháu nữa thì vừa! Bữa ăn chết mệt ấy!

Tuy nhiên mọi người đều đến dự. Ông thầy tu lẳng lặng nghe họ nói với nhau.
Lúc đi qua khoảnh rừng, ông chỉ lưu ý rằng Cha viện trưởng chờ đã lâu và đã trễ
đến hơn nữa giờ. Không ai trả lời. Miuxov căm ghét nhìn Ivan Fedorovich.

“Vậy mà hắn đến ăn như không có chuyện gì xảy ra! - ông nghĩ. - Cái trán bằng
đồng và lương tâm nhà Karamazov.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3