Rừng chưa thay lá - Chương 17
Chương 17
Đang loay hoay xếp các tấm thiệp
vung vãi trên quầy cho ngay ngắn lại, Thiên Di bỗng nghe có tiếng gọi mình thật
ấm. Ngước lên, cô thảng thốt khi thấy Cần:
– Trời ơi! Ở đâu... ra vậy?
Không trả lời cô, Cần nói:
– Lâu lắm rồi mới gặp Di.
Cô cũng xúc động:
– Phải. Lâu lắm rồi. Không ngờ anh
tìm ra chỗ này khi không có địa chỉ.
Cần mỉm cười:
– Chỉ là tình cờ. Nói thật, khi
thấy Di, tôi vẫn chưa tin mình may mắn đến thế. Thành phố quá đông, tìm ra Di
là điều tôi chỉ dám mơ thôi.
Kéo cái ghế nhựa thấp ra, Di bảo:
– Ngồi đỡ nhé.
– Có sao đâu. Tôi sẵn sàng ngồi đây
phụ Di bán hết những thứ này.
Di nheo nheo mắt:
– Mỏi lưng lắm đó.
Cả hai bỗng im lặng. Cần quan sát
quầy báo của Di với vẻ tò mò. Anh đọc tên những loại báo, tạp chí, sách văn
học, sách giáo khoa, tập vở, bút viết rồi cả thiệp Noel treo lủng lẳng.
– Đúng là quầy tổng hợp y như Di đã
viết trong thư. Nhưng trông vui mắt hơn tôi tưởng tượng nhiều.
Cần hạ giọng, xót xa:
– Chắc là cực lắm. Suốt ngày ngồi
một chỗ.
Thiên Di nhếch môi:
– Quen rồi. Hôm nào ở nhà lại buồn.
Dù sao bán sách báo vẫn nhàn hạ hơn bán những thứ khác. Lúc ế ẩm mình vẫn nhâm
nhi chúng được. Anh vào Sài Gòn chơi à?
– Không. Tôi đưa chú Út vào chữa
bệnh. Ở đây có rất nhiều bác sĩ giỏi.
Nghe nhắc đến Thoại tự nhiên Thiên
Di ớn ớn. Cô dè dặt:
– Chú ấy dạo này thế nào?
Cần có vẻ phấn khởi:
– Đã đỡ hơn rất nhiều, hầu như
không còn lên cơn nữa và biết nhận ra người quen.
Thiên Di tủm tỉm:
– Anh Thế đổi tính rồi hay sao mà
chịu cho anh đưa chú Thoại đi chữa bệnh?
Đưa tay vuốt bìa một cuốn sách, Cần
ậm ừ:
– Ừ. Ảnh đã thay đổi sau một lần
chết hụt.
Thiên Di tò mò:
– Ảnh bệnh à?
– Không phải. Ảnh bị chú Thoại đâm.
Thiên Di tròn mắt:
– Trời đất! Có chuyện đó nữa sao?
Cần chép miệng:
– Từ ngày Di bỏ đi tới giờ, vùng
đất ấy đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện rồi.
Thiên Di ngập ngừng:
– Tôi thật sự không biết chuyện gì
đã xảy ra nơi đó.
– Di không thư từ với dì Thủy hay
chú Trác sao?
– Không. Ngoài anh ra, tôi không
liên lạc với ai hết.
Cần trầm ngâm:
– Những bức thư của Di gởi về
trường đại học và về nhà, tôi vẫn giữ rất kỹ. Tiếc một điều là Di không cho địa
chỉ, nên tôi không thể hồi âm để ít ra cũng biết được tại sao Di bỏ đi trong
lặng lẽ.
Thiên Di thản nhiên:
– Có gì đâu. Tôi muốn về lại nơi
mình từng sống. Ở đây, tôi thấy yên ổn hơn ở trại Thùy Dương.
– Nhưng đâu cần vội đến mức không
kịp từ giã bạn bè. Thật ra, Di vẫn chưa thật lòng với tôi.
Tránh câu trách móc của Cần, Di dài
giọng:
– Kể chuyện ở đó cho tôi nghe đi.
Nhìn Di khá lâu, Cần từ tốn hỏi:
– Di muốn nghe chuyện gì? Chuyện
của ai?
Khoanh tay trước ngực cô nói:
– Tôi muốn nghe tất cả những gì anh
biết.
Cần lắc đầu, cười:
– Tham lam quá. Nhưng tôi thừa
thông minh để hiểu ý Di. Tôi sẽ kể những gì Di quan tâm.
Đứng dậy bán cho khách tờ Mực Tím,
Di nheo nheo mắt:
– Anh biết tôi quan tâm cái gì sao?
– Dĩ nhiên. Dù gì cũng bạn bè mà.
Thiên Di ra vẻ bí mật:
– Vậy thì trông hàng cho tôi đi!
Dứt lời, cô đi băng qua đường. Cần
trìu mến nhìn theo dáng nhỏ nhắn của Di rồi châm thuốc hút.
Tính ra từ khi Di rời trang trại
Thùy Dương cho tới nay đã nhiều tháng rồi. Suốt khoảng thời gian đó, cô gởi cho
anh ba lá thư, mỗi lá cách nhau vài tháng. Đó là những lá thư ngắn, lời lẽ chân
tình khiến Cần xúc động. Qua thư, anh biết Di đã ổn định cuộc sống với việc làm
chủ một quầy sách báo nhỏ. Cô còn cho biết sẽ không bao giờ trở lại trại Thùy
Dương. Dù Di không nói ra, Cần vẫn thừa hiểu cô vì Trác. Và anh đã nhức nhối
khôn nguôi khi nghĩ đến hai người.
Thiên Di trở lại với một cái khay
trên tay. Đặt khay lên bàn nhỏ, cô ríu rít:
– Nước mía, bánh paté-chaud. Không
phải là đặc sản, nhưng tôi chắc anh sẽ không chê.
Cần đỡ ly nước mía to như vại bia:
– Đương nhiên là không dám chê rồi.
Nhìn Thiên Di nhấp nhỏm ngóng
chuyện, Cần vờ vịt:
– Tôi nên ăn bánh trước hay kể
chuyện trước đây nhỉ? Chắc nên kể chuyện trước quá. Mà sẽ bắt đầu từ ai đây? Có
lẽ nên từ ông chú Út của tôi cho dễ vậy.
Tằng hắng giọng, Cần nói:
– Sau khi Di đi rồi, tôi không còn
bạn nên rất ít về nhà. Nhiều lúc nghĩ mà thương chú Út bị anh Thế đối xử tàn
tệ, nhưng về nhà, tôi chẳng đủ bản lãnh để thay đổi cách sống vô trách nhiệm
của ba mẹ. Qua lời kể của một người quen là tay chân của anh Thế, tôi được biết
anh ấy đang dạy chú Út nhiều trò khác thường mà chỉ nghe kể thôi, tôi đã không
an tâm.
Di tò mò:
– Chú Thoại bị tâm thần, anh Thế
còn bày trò gì nhỉ?
Cần hạ giọng:
– Ảnh dạy chú Út sử dụng dao.
Di sửng sốt:
– Để làm chi, khi chú ấy không làm
chủ được mình?
– Đó cũng là thắc mắc của tôi khi
nghe kể mà không được giải thích. Nói thế, nhưng tôi vẫn đoán được mục đích của
ảnh. Từ Đà Lạt tôi tức tốc về nhà, và thấy đúng là anh Thế đang kiên nhẫn dạy
chú Út đâm trúng vào tim một hình nộm có cách ăn mặc giống y một người mà chúng
ta đều quen.
Thiên Di cảm thấy tim đập mạnh:
– Ai vậy?
– Di thử đoán xem.
Cô liếm môi:
– Không lẽ là... là Trác?
Cần thẫn thờ gật đầu:
– Đúng là chú Trác. Thật tôi không
ngờ anh Thế ác như vậy. Ảnh muốn dùng chú Út để khử đối thủ trong làm ăn của
mình. Tôi với ảnh đã cãi nhau, thậm chí đánh nhau vì vấn đề này.
Thiên Di tròn mắt không tin:
– Anh dám đánh... cậu Mười Ba à?
Cần ngượng ngập thú nhận:
– Lúc đó tôi tức quá, nên đâu biết
sợ là gì. Lần đầu tiên trong đời, tôi thật sự đánh lộn và khốn nỗi không phải
đánh người ngoài mà là đánh anh họ mình. Tôi đánh hăng đến mức anh Thế thua.
Giận mất khôn, ảnh mở xích cho chú Út và ra lệnh cho chú đâm tôi.
Thiên Di bóp mạnh ly nước mía:
– Anh ấy nỡ làm vậy sao?
Cần buồn bã:
– Tôi cũng không ngờ. Khi thấy chú
Út lăm lăm con dao trong tay, tôi nghĩ mình chết chắc. Ai dè...
Thiên Di ồ lên:
– A! Vậy là chú Út đâm anh Thế, chớ
không đâm anh.
Cần bừng ly nước mía uống một hơi
rồi kể tiếp:
– Anh Thế đứng gần chú Út nên khi
chú ấy ra tay, ảnh không tránh kịp. Cũng may vết thương chưa thấu tim.
Thiên Di băn khoăn:
– Nhưng sao chú Thoại không đâm
anh.
Cần bùi ngùi:
– Hồi chưa bệnh, chú Út rất thương
tôi, tới giờ vẫn thế. Lúc tôi và Thế đánh nhau, chú Út la hét rất ghê. Có lẽ
anh Thế nghĩ chú Út là phe ta nên mới mở xích cho chú ấy hòng tìm đồng minh.
Chú Út điên, nhưng vẫn biết phải quấy. Tội nghiệp! Khi đâm anh Thế rồi, chú vứt
dao, ôm mặt khóc hu hu như con nít.
– Sau đó thì sao?
– Vợ chồng bác tôi tức tốc đưa chú
Út trở lại bệnh viện Đà Lạt. Nhưng chú Trác đã tìm được bác sĩ giỏi ở Sài Gòn,
nên đề nghị tôi đưa chú Út vào với hy vọng sẽ chữa hết bệnh.
Nghe nhắc tới Trác, mặt Thiên Di
bỗng tái xanh. Cô xoay xoay cái ly trên bàn, giọng lạc hẳn đi:
– Trác dạo này thế nào? Có khỏe
không?
Cần thở hắt ra:
– Chú ấy toàn gặp chuyện xui xẻo.
Di nhỏm người lên:
– Sao cơ? Ảnh gặp chuyện gì?
Cần nói:
– Năm nay hạn, cà phê của trang
trại nào cũng chết khô vì thiếu nước, riêng trang trại Thùy Dương còn bị cháy,
thiệt hại khá nặng. Chú Trác cứu người nên bị phỏng, phải nằm viện cả tháng.
Thiên Di vuốt mặt, thẫn thờ:
– Trời ơi! Trác bị có nặng không?
– Phải đưa ra Đà Lạt, tôi có đến
thăm vài lần. Trông chú ấy đau đớn, tôi chịu không nổi. Mọi việc ở trang trại,
dì Thủy đảm trách, nên ở bệnh viện chỉ có mỗi bà Hai lo cho chú ấy.
– Còn Phi Phụng đâu?
Nhún vai, Cần nói:
– Phụng đâu còn dính dáng gì với
chú Trác nữa.
Nhìn vẻ sửng sốt của Di, Cần hỏi:
– Bộ Di không biết gì thật sao?
Thiên Di lắc đầu, giọng nghẹn lại:
– Khi trở về Sài Gòn, tôi đã hứa
với dì Thủy phải quên trang trại Thùy Dương. Và tôi đã cố gắng làm như vậy.
Cần xót xa:
– Tại vì chú Trác à?
Di gật đầu thú nhận:
– Tôi đã yêu bằng cả trái tim,
nhưng Trác lại đùa. Tôi còn ở lại làm chi nữa.
Cần ngập ngừng:
– Theo tôi, chú Trác không đùa đâu.
Giờ tôi đã hiểu tại sao Trác không đám cưới với Phi Phụng rồi.
Mặt Di đang xanh lại càng xanh hơn,
cô lắp bắp:
– Không có đám cưới nghĩa là sao?
Chính tôi đã nhận được thiệp mời do dì Thủy gởi mà.
Cần đáp:
– Nhưng hôn lễ đâu hề tiến hành. Nếu
không vì Di, tại sao chú Trác làm thế?
Nhớ tới hình ảnh Phi Phụng và Trác
hôn nhau mê mải, Thiên Di cắn môi. Cô lắc đầu:
– Không phải vì tôi. Lúc đó tôi đã
đi rồi mà.
Cần trầm giọng:
– Hiện tại chú Trác vẫn một mình,
Di nên trở về trại Thùy Dương với chú ấy. Đó là lời khuyên chân tình nhất của
một người bạn.
Thiên Di nhìn Cần, lạ lùng. So với
cách đây một năm, anh có vẻ chững chạc hẳn ra. Nhưng anh ngụ ý gì khi khuyên
Thiên Di như thế?
Cần lại nói tiếp:
– Chú Trác là người khá có tiếng
tăm, nên không thể làm một việc thiếu suy nghĩ. Tôi nghĩ hơn ai hết, Trác hiểu
rõ thế nào là dư luận. Vậy tại sao chú lại hủy bỏ đám cưới với Phi Phụng? Nếu
không phải vì một tình yêu mãnh liệt hơn thứ tình Trác đang có với Phi Phụng ra
thì là cái gì? Sau quyết định ấy, Trác đã thu hình lại trước miệng lưỡi người
đời, chịu tiếng thị phi của xã hội, nhưng lòng vẫn ngời lên hy vọng ngày nào đó
sẽ gặp lại em. Chú ấy tin rằng, sớm muộn gì thì dì Thủy cũng sẽ nói ra nơi em
đang ở.
Thiên Di gượng gạo:
– Anh làm như anh là Trác không
bằng.
– Tôi chỉ kể lại những lời chú Trác
tâm sự khi chúng tôi gặp nhau.
Di im lặng. Một lát sau cô hỏi:
– Phi Phụng bây giờ thế nào?
Nhún vai, Cần trả lời:
– Nghe Phi Nga khoe, Phụng đang làm
thủ tục đi Canada với ông chồng Việt kiều rất giàu.
Di buộc miệng:
– Chị ấy chuyển hệ nhanh đến thế
sao?
Cần nhướng mắt:
– Biết sao hơn, khi chị Phụng là
hoa khôi đâu thể bị mang tiếng lâu được. Bởi vậy Phi Phụng phải lấy chồng giàu
càng nhanh càng tốt. Chị ấy muốn chú Trác phải ân hận vì đã bỏ chị ấy. Đàn bà
như Phi Phụng cũng độc thật.
Thiên Di nhíu mày:
– Sao anh lại nói vậy?
Cần hạ thấp giọng:
– Tôi nghe người ta đồn là Phi
Phụng mướn người đốt cà phê của chú Trác để trả thù.
Thiên Di thảng thốt:
– Thật không đó?
– Chậc! Tôi đâu phải người nhiều
chuyện. Di không tin thì thôi.
– Tôi tin anh. Nhưng Trác biết
không?
Cần nói:
– Tôi chẳng hiểu nữa.
– Vậy anh nghe tin đồn ấy từ ai?
– Từ đám công nhân của anh Thế. Họ
không bịa chuyện đâu. Họ còn biết kẻ gây ra vụ cháy là một gã nghiện xì ke cần
tiền để chích. Sau vụ cháy, hắn đã biến mất.
Thiên Di bứt rứt:
– Tôi không tin chị Phi Phụng nhẫn
tâm như vậy.
Cần hơi mỉa mai:
– Tại Di thánh thiện quá.
Thiên Di xụ mặt:
– Anh chọc quê tôi à?
– Đâu có. Nhưng Di nghĩ sao về
những lời tôi nói? Di sẽ trở về trại Thùy Dương chứ?
Chống tay dưới trán, Di thở dài:
– Tất cả đã qua rồi. Tôi muốn được
bình yên.
Cần xa xôi:
– Nhìn mặt hồ phẳng lặng, đâu ai
nghĩ dưới lòng hồ đang dấy lên những đợt sóng ngầm. Tôi chúc phúc cho sự bình
yên của Di vậy. Giờ tôi phải đi.
Thiên Di như choàng tỉnh:
– Vội vậy sao?
– Tôi còn nhiều việc phải làm lắm.
Hôm khác sẽ ghé thăm Di.
Đứng dậy tiễn Cần, cô ngập ngừng:
– Đừng kể với Trác là đã gặp tôi
nhé!
Cần lơ lửng:
– Tôi sẽ cố nhớ lời dặn này, dù
biết đó không phải là lời thật lòng.
Đưa tay chào Di, Cần nhảy tót lên
chiếc xe ôm với phong cách y như dân Sài Gòn. Cần đã đi xa lắm rồi, nhưng những
gì anh nói đã vang trong đầu cô từng tiếng, từng tiếng một.
Mọi chuyện ở trại Thùy Dương đã
diễn ra khác hẳn với suy đoán của Di. Vậy mà dì Thủy vẫn lặng thinh, dù biết cô
và Trác đều đau khổ. Nhất là Trác, anh đang gặp khó khăn, đang cần an ủi bởi
một người thật lòng yêu thương anh.
Dì Thủy đúng là có trái tim bằng đá
nên mới dửng dưng như thế. Chưa bao giờ cô muốn bay về trại Thùy Dương như lúc
này. Cô nhớ Trác đến cuồng điên, vậy mà vừa rồi cô lại dặn Cần đừng cho Trác
biết đã gặp cô.
Di đúng là giả dối. Mà dối để làm
chi cơ chứ? Liệu tâm trí cô sẽ bình yên như cô muốn được không?
Chắc chắn là không rồi. Nhưng cô sẽ
làm gì đây? Một thời gian đã nhọc nhằn trôi qua. Di mới quen với nếp nghĩ không
có Trác suốt cuộc đời mình thì bây giờ thói quen mong manh ấy bị phá vỡ bởi
những thông tin Cần mang đến.
Di biết cô sẽ không sống bình yên
nếu không gặp được Trác. Việc này Di phải chủ động, chớ đâu thể chờ đợi, cơ hội
sẽ qua, biết đâu chừng người ta sẽ ân hận vì sự dè dặt quá đáng của mình. Di và
Trác đâu bị ràng buộc bởi ai nữa. Tại sao cô còn tự dối mình để suy nghĩ, để
chần chừ trong khi Trác vẫn chờ cô trở lại chứ?
Loay hoay xếp mọi thứ theo quán
tính, Thiên Di cố tập trung để ghi sổ những sách báo mới đem về, nhưng ghi lộn
lung tung. Vứt cây viết xuống mặt quầy, Di quyết định bước qua phòng điện thoại
công cộng kế bên. Cô phải gặp Trác mới được.
Tay run run bấm những con số thuộc
nằm lòng, cô hồi hộp chờ đợi nghe những lời thân quen của Trác. Nhưng giọng dì
Thủy vang lên khiến Di giật bắn người. Cô ấp úng:
– Dạ... Thiên Di đây ạ.
Bà Thủy có vẻ hốt hoảng:
– Nhà xảy ra chuyện hả? Mẹ mày làm
sao?
– Dạ không. Không có chuyện gì cả.
Bà gắt:
– Vậy gọi điện làm chi cho tao mất
cả hồn?
Thiên Di liếm môi:
– Dì và... mọi người khỏe không?
Lâu quá, con muốn hỏi thăm vậy mà.
Giọng bà Thủy dịu lại:
– Ở đây vẫn bình thường. Biệt thự
Thùy Dương có bà chủ mới, trường học cũng có thầy giáo mới. Cuộc sống vẫn tiếp
nối ngày qua ngày. Con đã hứa với dì là cắt đứt mọi liên lạc với nơi này. Lâu
nay, con đã làm tốt, sao bỗng dưng lại gọi điện hỏi thăm vậy? Lỡ người nhấc máy
là Phi Phụng thì phải phiền không.
Thiên Di hơi hẫng khi nghe những
lời của bà Thủy. Cô sựng lại hết mấy giây mới bật giọng tức tối:
– Làm gì có Phi Phụng ở đó.
– Hừ! Không ở đây thì cô ta ở đâu?
Lấy chồng phải theo chồng chứ.
Thiên Di gào lên:
– Dì còn dối con tới bao giờ đây?
Đưa tay chặn ngang ngực, Di lắp
bắp:
– Con... con... vừa... gặp Phi
Phụng ở Sài Gòn. Cô ta đang làm thủ tục đi Canada với ông chồng Việt kiều giàu
sụ. Phụng và cậu Trác đã không còn gì lâu rồi, sao dì không cho con hay?
Bà Thủy nói thật nhanh:
– Chuyện đó không liên quan tới
con. Cậu Trác bỏ Phụng và sẽ cưới người khác, nhưng người ấy không thể là con
được.
Di gào lên:
– Tại sao?
– Dì không muốn.
Thiên Di mím môi:
– Nếu thế thì dì nhẫn tâm quá. Con
nhất định sẽ gặp lại anh ấy, mặc cho dì ngăn cấm.
Bà Thủy gằn từng tiếng:
– Gặp lại Trác, con càng đau khổ
hơn. Cậu ấy bị phỏng lửa. Bây giờ là một phế nhân, tay chân què quặt, mặt mũi
biến hình suốt ngày thu mình vào xó, Trác sẽ không gặp con đâu.
Tựa hẳn người vào phòng điện thoại,
Di thấy xây xẩm mặt mày trước điều bất ngờ này. Lúc cô còn gượng đứng được, bà
Thủy đã nói tiếp:
– Dì đã cho Trác địa chỉ. Nếu muốn
gặp con, cậu ấy đã liên lạc rồi. Tốt nhất, con hãy quên như đã từng quên. Hiện
tại có một y tá đang săn sóc Trác. Sắp tới, hai người sẽ cưới đấy. Chẳng lẽ con
lại muốn xen vào làm kẻ thứ ba nữa? Dì từng bảo cậu Trác hay thay đổi, không
thủy chung. Bộ con quên rồi à? Nếu yêu cậu ấy, suốt đời con sẽ khổ, sẽ khổ đấy.
Thiên Di nhắm mắt lại, tai ù đi. Cô
nghe bà Thủy hỏi thăm ba mẹ mình, hỏi thăm việc buôn bán, và hỏi nhiều thứ khác
nữa, nhưng Di không còn sức trả lời, cô cứ ậm ừ mãi với nước mắt giàn giụa.
Gác máy, trả tiền điện thoại, Di
thẫn thờ trở về quầy sách. Cô ôm hận khi tự chuốc khổ vào thân. Giá như đừng
gặp Cần, đừng nghe Cần nói, và giá như Di đừng ngốc nghếch gọi điện về trại
Thùy Dương, có lẽ cô không nát lòng như bây giờ.
Nhưng tại sao Cần lại giấu cô Trác
bị tàn phế nhỉ? Anh sợ cô không chịu nổi sự thật này à? Hay anh muốn thử thách
tình yêu của Di đối với sự tàn tật của Trác? Nhưng dù thế nào, Thiên Di cũng
không thể quên anh như đã từng quên được, vì cô vẫn còn quá yêu anh. Sớm hay
muộn, cô cũng sẽ trở lại trại Thùy Dương. Di sẵn sàng chấp nhận khổ sở vì Trác
cơ mà.
Bỗng nhiên, cô thấy tâm hồn đang
nặng trĩu của mình chợt nhẹ nhõm với quyết định vừa rồi. Có thể mọi vật ở trại
Thùy Dương đều đã thay đổi, nhưng Di vẫn phải đến đó, dù đến để nhìn thấy Trác
đã là của người khác.