Rừng chưa thay lá - Chương 06
Chương 6
Vừa bước ra khỏi bưu điện. Thiên Di
đã nghe có người gọi mình. Quay lại, cô thấy Cần.
Anh chàng cười rất tươi:
- Khoẻ không Di? Lâu quá mới gặp
lại.
Di cũng mỉm cười:
- Đúng là lâu, lâu đến mức tôi quên
hẳn đã từ quen một người tên Cần.
Cần xịu mặt:
- Vậy thì buồn năm phút rồi.
- Chỉ năm phút thôi sao?
- Đúng vậy. Thời gian còn lại để
dành vui tái ngộ chớ. Tôi mời Di uống cà phê. Đừng từ chối nghe.
Thiên Di gật đầu sau vài giây suy
nghĩ:
- Cũng được. Từ khi rời Sài Gòn tới
giờ, tôi chưa được vào quán. Không biết cà phê ở đây khác cà phê Sài Gòn thế
nào.
Cần phấn khởi hẳn lên:
- Cứ vào quán sẽ biết ngay mà.
Thấy Di bước đến bên chiếc Citi,
Cân có vẻ ngạc nhiên:
- Di đi xe này à?
- Không lẽ đi bộ từ trại Thùy Dương
ra tới thị trấn?
Cần lịch sự:
- Quán gần đây. Để tôi dẫn xe cho.
Thiên Di xốc cái túi xách, lững
thững đi kế Cần.
Anh hỏi:
- Di đi gởi thư cho gia đình à?
Di ậm ừ gật đầu. Đúng ra, cô tới
bưu điện để gởi tiền về nhà, nhưng chẳng lẽ nói thế với Cần. Cô không muốn thổ
lộ với ai về gia cảnh của mình hết.
Vào quán, Cần gọi hai tách cà phê,
trong lúc Di mông lung nhìn ra cửa. Thị trấn nhỏ như một khu phố ở phường cô
nơi thành phố, nhưng được cái đông vui, sầm uất. Từ ngày cậu Trác thay đổi đến
nay, Thiên Di đã được sử dụng chiếc Citi ra thị trấn nhiều lần để mua tập vở,
bút, phấn cho học trò. Nhiều người ở đây đã biết cô là cô giáo của trang trại
Thùy Dương và đối xử với cô khá trân trọng.
Giọng Cần chợt vang lên:
- Tôi vẫn hay ra suối mỗi khi về
nhà, nhưng không gặp Di. Bạn đã bỏ thú lang thang rồi à?
Thiên Di nhún vai:
- Không phải bỏ, mà không dám lang
thang nữa. Có lệnh cấm đấy.
Mắt Cần nheo nheo:
- Ông Trác cấm hả? Lần ấy số ổng
vẫn còn lớn. Nếu không, đâu còn sống để cấm đoán người khác.
- Anh cũng biết chuyện ông Trác bị
té xe sao?
- Chuyện đó, ở Đà Lạt người ta cũng
còn biết nữa kìa. Nhà giàu đứt tay mà. Nhưng lần sau nếu có, ổng sẽ không may
mắn vậy đâu.
Thiên Di ngạc nhiên:
- Anh nói vậy là ngụ ý gì?
Bưng tách cà phê bốc khói lên, Cần
ung dung trả lời:
- Tôi muốn nói "ai gieo gió,
người đó sẽ gặt bão".
Thiên Di ngập ngừng đoán:
- Anh muốn ám chỉ cậu Trác phá rừng
làm rẫy trồng cà phê nhiều quá khiến heo rừng không có chỗ ở...
Cần bật cười:
- Cái gì mà có cả heo gà ở đây nữa?
Thiên Di liếm môi:
- Thì hôm đó, ông Trác tránh con
heo rừng chạy bậy nên mới té.
- Thì ra người ta cũng nói với Di
như vậy.
- Bộ không đúng sao?
Cần gật gù:
- Ở Đà Lạt, tôi cũng nghe bạn bè
đồn thế.
Thiên Di thắc mắc:
- Sao bạn bè anh lại biết ông Trác?
- Vì chị của bạn tôi là vợ sắp cưới
của ông ta mà.
- Cậu Trác có nhiều vợ sắp cưới
lắm. Chẳng hiểu chị của bạn anh tên gì?
Cần nói:
- Chị ấy tên Phi Phụng. Hoa khôi
của tỉnh Lâm Đồng đấy.
Thiên Di chép miệng:
- Vậy mà tôi không được biết. Tiếc
thật! Chắc bạn anh cũng là trang sắc nước hương?
Cần xoa cằm:
- Có lẽ vậy, nhưng tôi không chú ý.
Với tôi, sự sâu sắc của tâm hồn có ý nghĩa hơn.
Thiên Di hóm hỉnh:
- Đây cũng là cách tự đề cao mình.
Còn sự thật thế nào? Khó nói quá.
Cần gãi đầu:
- Di khéo châm biếm lắm.
Bưng tách cà phê lên uống một ngụm,
Di lãng đi:
- Cà phê ngon thật.
Cần nói:
- Nhưng uống trong khung cảnh này
không hay lắm. Ở Đà Lạt, bọn sinh viên chúng tôi thích ngồi dạng quán có nhạc
tự chọn, không khí những nơi đó lãng mạn, ấm cúng hơn nơi đây. Nếu có dịp tới
đó, tôi nghĩ Di sẽ rất thích.
Thiên Di nhìn cà phê sóng sánh
trong tách:
- Cũng chưa hẳn, vì tôi đâu phải
sinh viên.
Mắt Cần ranh mãnh:
- Tôi quên. Yêu cầu của cô giáo
chắc hẳn cao hơn dân sinh viên rồi.
Thiên Di cắn môi:
- Anh cũng khéo châm biếm lắm.
Cần mỉm cười:
- Đùa cho vui tí mà. Nào! Bây giờ
Di nói về mình đi chớ.
- Tôi có gì đâu để nói.
Cần chống tay dưới cầm:
- Sao lại không có? Tôi đang thắc
mắc một cô gái Sài Gòn như Di sao lại lên non ở ẩn? Đừng nói rằng tại cha mẹ ép
duyên nên mới trốn, cũng đừng kể là tại thất tình nên chán đời tìm tới nơi vắng
để tịnh tâm nha.
Thiên Di liếc Cần bằng ánh mắt sắc
lẻm:
- Bộ tôi giống những người như anh
vừa nói lắm à? Giỏi tưởng tượng như vậy, sao không làm nhà văn nhỉ?
Cần chép miệng:
- Giỏi tượng tượng dễ thành người
điên hơn nhà văn. Vì nhà văn phải phản ảnh hiện thực, còn người điên thì....
Chậc! Di thấy ông chú của tôi rồi đó. Lúc nào ổng cũng tạo cho mình một thế
giới tưởng tượng, rồi hồn nhiên sống với thế giới ấy, bất cần biết cái thế giới
thật đang trôi nổi ra sao.
Thiên Di chợt rùng mình:
- Có đúng là chú anh chỉ sống trong
thế giới ảo do ổng tưởng tượng không? Sao hôm đó, tôi có cảm giác ổng chỉ hơi
bất thường một chút? Nếu đã mất hết lý trí, dễ gì ổng nghe lời anh để trở về
nhà?
Cần nói:
- Một ngày có hai mươi bốn tiếng,
chú tôi tỉnh chừng vài ba tiếng. Thời gian còn lại chìm trong cõi mơ hồ. May mà
hôm đó chú ấy chịu nghe lời tôi. Nếu như ổng trở chứng, bốn năm người can không
nổi.
Thiên Di kêu lên:
- Vậy sao anh nói chú anh điên
hiền, chưa đánh ai bao giờ?
Cần ậm ừ:
- Đúng là tôi chưa thấy ổng đánh
ai.
- Không thấy đâu có nghĩa là không
có. Gia đình anh để ổng lang thang, trước sau gì cũng xảy ra chuyện.
- Trước đây, chú ấy ở trong bịnh
viện tâm thần. Bác sĩ vừa cho xuất viện vì đã có biểu hiện phục hồi. Di đừng
lo, không xảy ra chuyện gì đâu.
Thiên Di tò mò:
- Tại sao vợ ông bỏ đi vào đêm tân
hôn vậy?
Cần tránh né:
- Chuyện dài dòng, liên quan tới
nhiều người, tôi không tiện kể, dù ở vùng này ai cũng biết vì sao chú tôi điên.
Di vẫn chưa chịu thôi, cô dò dẫm:
- Vợ chú ấy chắc đẹp lắm?
Cần nhếch môi:
- Không là hoa khôi như Phi Phụng,
nhưng đủ để làm điên đảo ông chú bất hạnh của tôi.
Thiên Di bưng tách cà phê lên. Nhìn
ra đường, cô chợt thấy Thế. Anh ta bang bang vào quán và tiến tới bàn cô đang
ngồi, giọng vừa ngạc nhiên vừa ganh tỵ:
- Chú mày đang ở đây à? Thật bất
ngờ.
Cần liền giới thiệu:
- Thiên Di, bạn của em. Anh Thế,
anh tôi đấy.
Thiên Di chưa kịp nói tiếng nào,
Thế đã ào ào trách:
- Lần trước anh mời uống cà phê, em
từ chối. Giờ thì sao? Định khiến anh em anh bất hoà à Thiên Di?
Cần ngơ ngác:
- Anh biết Thiên Di hả?
Hất mặt lên, Thế vênh váo:
- Đương nhiên. Anh là người đầu
tiên ở vùng này quen cô giáo Di mà.
Thấy Cần có vẻ cụt hứng, Di vội
giải thích:
- Ngày đầu tới đây, anh Thế đã cho
tôi đi nhờ xe.
Thế hỏi:
- Sao? Hôm nay Di đi nhờ nữa không?
- Cảm ơn. Tôi có xe rồi.
Nhìn chiếc Citi dựng trước quán,
Thế gật gù:
- Tay Trác cũng biết chiêu hiền đãi
sĩ dữ chớ. Nhưng nếu Di đồng ý về làm cô giáo cho trang trại của gia đình tôi
thì bảo đảm chúng tôi sẽ lo cho Di đầy đủ hơn nữa.
Cần nhỏ nhẹ:
- Anh nói vậy chỉ làm Di khó xử.
Thế thản nhiên:
- Có gì mà khó xử? Tay Trác ấy đâu
tốt lành gì. Nếu Thiên Di không cứu hắn, chưa chắc hắn cấp xe cho cô ấy đi. Bộ
mặt thật của hắn, chẳng lẽ mày không biết?
Im lặng, Cần xoay tách cà phê trong
tay. Thái độ bứt rứt của anh khiến Di bất nhẫn. Cô cũng im lặng. Thế cười cười:
- Hai người cứ tự nhiên. Tôi không
làm kỳ đà nữa đâu.
Quay sang Cần, Thế nói:
- Xe đậu ở cây xăng. Một tiếng nữa
tao về đó. Nếu lo tán gẫu mà quên thì ráng cuốc bộ nha.
Đợi Thế ra khỏi quán, Cần liền bảo:
- Xin lỗi Di vì những lời hơi quá
đáng của anh Thế.
Thiên Di trầm giọng:
- Mỗi người tự chịu trách nhiệm với
lời nói của mình. Anh Thế rất ý thức những gì ảnh nói. Sao anh lại xin lỗi tôi
chớ? Điều tôi thắc mắc là sao ảnh lại rất ác cảm với cậu Trác? Dường như giữa
hai người đã từng xích mích?
Cần lặng lẽ gật đầu.
Bất chợt, mắt anh hướng ra đường.
Di tò mò nhìn theo và thấy Trác. Cậu chủ của Di đang đi cùng hai cô gái ăn mặc
sang trọng, và họ đang bước vào quán.
Cần chép miệng:
- Thị trấn này nhỏ còn hơn bàn tay.
Ngồi một chỗ, không đi đâu cũng gặp người quen.
Thiên Di cũng bất ngờ khi đụng mặt
cậu chủ trong lúc đang ngồi với Cần. Không thể né được ánh mắt có phần ngạc
nhiên lẫn soi mói của Trác, cô đành khẽ gật đầu chào.
Trác chỉ hơi nhếch môi đáp lễ rồi
thản nhiên kéo ghế cho hai cô gái đi cùng.
Dường như một trong hai cô gái ấy
biết Cần. Cô ta nghiêng người, giơ tay chào anh. Cần cũng chào lại với một chút
bối rối.
Thiên Di thì thầm:
- Chị em hoa khôi Phi Phụng phải
không?
Cần ậm ừ:
- Hôm nay nhà Di có khách rồi.
Di nhún vai:
- Nhà của ông chủ tôi thì đúng hơn.
Sao ổng đưa khách về mà không nói trước để mọi người chuẩn bị kìa? Thế nào tôi
cũng được nghe dì Thuỷ cằn nhằn.
Cần bỗng nói:
- Dì của Di có uy lắm đó.
- Uy gì chớ? Bất quá cũng là ngừơi
làm công cho chủ như tôi thôi. Bộ anh biết dì ấy à?
Cần bỗng đổi đề tài:
- Di vẫn chưa nói vì sao Di bỏ phố
về rừng đấy.
Thiên Di im lặng. Một lát sau, cô
nói:
- Tôi đang cần gấp một công việc,
nhưng ở thành phố không tìm ra. Cậu chủ Trác cần người, lại trả lương cao. Vậy
là được rồi. Ở thành phố mà không tiền thì khổ gấp mấy trăm lần ở rừng nhưng
túi rủng rỉnh.
Cần nhẹ nhàng:
- Ở xó xỉnh này, người ta lại không
biết làm gì cho vơi cái túi rủng rỉnh ấy.
Thiên Di gật gù:
- Tôi hiểu ý anh. Nhưng khi cuộc
sống vật chất còn khó khăn quá, ít ai nghĩ tới cuộc sống tinh thần lắm. Ở khu
trại của công nhân, cậu Trác có trang bị một tivi. Mỗi tối, sau khi cơm nước
xong, mọi người tụ họp lại coi phim, vậy là đủ.
- Chả lẽ Di cũng như họ? Chẳng có
yêu cầu gì cho bản thân?
Thiên Di ngập ngừng:
- Tôi có nhiều yêu cầu và nhu cầu
lắm chớ. Nhưng tôi cũng rất thực tế khi mỗi tháng phải gởi về gia đình đến chín
mươi phần trăm lương của mình. Chính vì thực tế khắc nghiệt này mà nhu cầu của
tôi dần dà bị triệt tiêu.
Cần có vẻ ray rứt:
- Thời buổi này ít có người biết
nghĩ, biết sống vì gia đình như Di lắm.
Di im lặng. Đó là gánh nặng chớ đâu
phải điều cô chờ để được nghe khen. Cô dịu dàng chuyển đề tài:
- Anh Thế là anh thứ mấy của anh
vậy?
Cần đáp:
- Ảnh là con bác Hai tôi. Ba tôi
thứ tư.
- Còn ông chú?
- Chú Thoại là út. Gia đình nội tôi
có ba người con trai. Chú Thoại được cưng nhất và được kỳ vọng nhiều nhất vì
chú ấy học rất giỏi. Chỉ tiếc rằng số phận của chú Thoại bị thảm quá.
Cần im lặng xoay tách cà phê trong
tay. Một lát sau, anh nói lảng sang chuyện khác:
- Tôi được nghỉ học một tuần. Nếu
mỗi ngày mỗi gặp Di thì còn gì bằng.
Di mỉm cười:
- Tiếc là tôi lại không được nghỉ
dạy ngày nào.
- Di không thể ra suối chơi sao?
Cô lắc đầu:
- Đã bảo là bị cấm rồi mà.
Cần xìu mặt xuống thất vọng:
- Vậy mỗi buổi chiều Di làm gì?
- Đoc sách. Nhà của ông Trác có cả
một phòng sách to, đọc cả đời chưa chắc hết.
Cần hạ giọng:
- Tôi biết. Phòng sách của chú
Thoại cũng không nhỏ. Tiếc rằng chú ấy không còn thú đam mê ấy nữa. Ngày xưa,
nhóm bạn của chú vẫn hay trao đổi sách cho nhau mà.
Thiên Di chớp mi:
- Anh biết hết những người bạn của
chú mìmh không?
- Không.
Nhìn đồng hồ, cô nói:
- Tôi phải về trước cậu Trác. Nếu
không, thế nào cũng bị dì Thuỷ nhằn.
Cần vội vàng hỏi:
- Di nhất định không ra suối à?
Thiên Di gật đầu chắc nịch:
- Nhất định.
- Nếu thế, tôi sẽ ghé trường đó.
- Ấy! Đừng có ghé.
- Vậy làm sao gặp được Di?
- Chậc! Thì anh cứ đến trang trại
Thùy Dương. Chỗ ấy với anh đâu lạ lẫm gì.
Cần ngần ngừ:
- Lâu lắm rồi tôi không tới đó.
Chắc gì ông Trác hoan nghênh khi tôi xuất hiện?
Di bật cười:
- Quan tâm tới ổng làm chi, khi anh
là bạn tôi chớ không phải là cháu của bạn ổng nữa.
Cần hạ giọng:
- Di không sợ dì Thuỷ la sao?
Thiên Di có vẻ tự tin:
- Tôi lớn rồi. Vả lại, bạn bè tới
chơi đàng hoàng, sao dì Thuỷ la chớ?
Nhìn Cần, Di gặng:
- Anh đưa ra nhiều lý do vậy để làm
gì? Nếu ngại thì thôi, đừng ước mỗi ngày mỗi gặp tôi.
Vừa nói, cô vừa đứng dậy thật
nhanh. Cần vội vã theo sau:
- Giận à?
Tra chìa khoá vào xe, Di lắc đầu:
- Đâu có. Tôi thích nói thẳng. Đừng
buồn nghen! Hy vọng sớm gặp lại. Nếu không, tôi sẽ quên có một người quen tên
Cần.
Liếc vào quán, Di thấy Trác và hai
chị em cô hoa khôi vẫn đang say sưa trò chuyện. Khởi động xe, cô nghiêng đầu
với Cần rồi phóng đi.
Về tới nhà, Di đụng ngay dáng vẻ
tất bật của dì Thuỷ. Đang chỉ huy mọi người sửa sang nhà cửa, nhưng vừa thấy
Di, dì đã hét:
- Vào đây dì nhờ tí con nhóc. Mày
đi đâu suốt buổi vậy?
Di kêu lên ấm ức:
- Hồi sáng, con đã nói với dì ra
bưu điện rồi mà.
Bà Thuỷ lừ mắt:
- Mày gởi bạc tỷ về nhà cũng đâu có
lâu dữ vậy?
Di gãi đầu rồi lãng đi:
- Định nhờ con chuyện gì vậy?
Bà Thuỷ cao giọng:
- Cắm cho mỗi phòng trong nhà này
một bình hoa. Con khéo tay và rất yêu hoa lá, đừng nói là không làm được nghe.
Dì không muốn bà chủ tương lai của nhà này chê mình.
Định nói "dì khéo lo những
chuyện đâu đâu", Thiên Di đã kịp mím môi vì biết nói thế là chọc để nghe
mắng.
Cô trầm giọng:
- Chuyện này con làm được, nhưng
hoa ở đâu, bình ở đâu? Bày biện nhiều như thế, nhắm cậu Trác có đồng ý không?
Con sợ bị rầy oan lắm.
Bà Thuỷ cau có:
- Cậu Trác bây giờ khác trước rồi.
Cậu ấy muốn ngôi nhà phải đẹp, phải sáng sủa, sang trọng cho xứng với cô vợ hoa
khôi của mình. Thôi. Lo làm việc đi.
Thiên Di bước xuống bếp. Cô loá mắt
trước một đống hoa to cắm trong sô ngay sàn nước. Người ta đã đem về đủ thứ hoa
và để sẵn một hàng bình đủ kiểu. Di khẽ lắc đầu. Cô tính toán rồi bắt đầu công
việc.
Trước tiên, cô tìm những bình nhỏ
đặt vào một hoăc hai nụ hồng với vài cọng lá măng rồi mang lên những phòng dành
cho khách. Phòng nào cũng được thay hết màn cửa, drap giường mới. Đặt thêm bình
hoa lên bàn cạnh những tờ tạp chí, căn phòng bỗng trở nên ấm cúng hẳn lên.
Tình yêu làm người ta thay đổi. Cậu
chủ Trác thay đổi tính tình vì yêu hay vì nguyên nhân nào khác nhỉ?
Nhớ lại gương mặt đẹp nhưng vô hồn
của Phi Phụng, lòng Thiên Di bỗng dâng lên chút ác cảm, nếu không muốn nói là
ghét. Đúng là cô ghét và không biết tại sao.
Nhún vai dằn sự đố kỵ xuống. Di
tiếp tục công việc. Dù không cố ý lắng nghe, Di vẫn không bỏ sót những lời
nhiều chuyện của đám phụ nữ lo phần ẩm thực trong bếp.
Họ đang khen cậu Trác, ca ngợi nhan
sắc của Phi Phụng, dù chưa ai thấy cô ta lần nào. Cũng qua những người này, Di
mới biết cậu Trác và Phi Phụng vừa quen nhau được năm, bảy tháng gì đó. Họ ủng
hộ chủ trương "cưới vợ phải cưới liền tay" của cậu chủ. Còn Di, cô có
lý do gì để không ủng hộ cơ chứ?
Khệ nệ bê bình hoa to và nhiều hoa nhất
lên phòng khách, Di thở phào khi đã hoàn thành công việc. Vừa định rút về phòng
riêng, cô đã nghe ngoài sân có tiếng xe ngừng rồi tiếng nhiều người lao xao.
Khách quý của cậu chủ đã về tới nhà. Dì Thuỷ xum xoe chào đón làm Di thấy khó
chịu.
Thì ra, ngoài hai chị em Phi Phụng,
cậu chủ còn mời nhiều khách khác nữa. Phen này cho dì Thuỷ mệt xỉu. Nhìn những
người đó bước xuống xe. Di chợt buồn buồn khi nhớ tới phận mình. Cũng trẻ trung
như họ, nhưng cô chưa bao giờ được vui chơi như vậy.
Bất giác, Thiên Di quay lưng đi. Cô
biết cái thế giới hào nhoáng kia không phải của mình. Vì vậy, ngay từ bây giờ,
cô nên về phòng thì hơn.
Ngang qua phòng sách, Di ghé vào
lấy vài quyển sách cũ ở tầng cuối cùng của cái kệ cao. Suốt thời gian có khách,
ngoài lúc lên lớp ra, Di sẽ rút vào cõi riêng đầy ắp những câu cú, con chữ của
mình.