Những bí quyết giao tiếp tốt - Chương 02

CHƯƠNG II. KHỞI ĐẦU CÂU CHUYỆN

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÒ CHUYỆN VỚI NGƯỜI LẠ?

Vượt
qua sự e dè.

• Khởi đầu như thế nào?

• Những câu hỏi cần tránh.

• Nguyên tắc đầu tiên trong giao tiếp.

• Những điều cấm kỵ khác.

Dù bạn có trò chuyện ở bất kỳ tình huống nào đi nữa, việc trước tiên bạn
cần làm là tạo nên một không khí sôi nổi, thoải mái. Hầu hết chúng ta thường có
tính hay e dè, bối rối. Tin tôi đi, tôi biết điều này rõ lắm. Khi nói chuyện
với người lạ, hay lần đầu nói trước công chúng thì ít nhiều gì ta cũng cảm
thấy… run run.

Làm sao hết run đây? Cách hay nhất là bạn cứ nghĩ rằng cái người đối diện
ấy, họ cũng… run như mình thôi. Chẳng phải đã có câu châm ngôn: “Run như nói
chuyện với người lạ” đó sao? Chúng ta đều là người trần mắt thịt cả. Vì thế cho
dù bạn có đang nói chuyện với một vị giáo sư đại học lẫy lừng danh tiếng, hay
một phi hành gia từng bay trong vũ trụ, hay thống đốc điều hành cả địa phương
của bạn, thì cũng không lấy thế làm sợ sệt.

Đại đa số chúng ta khi oe oe khóc chào đời thì đều có mức khởi điểm như
nhau. Có nghĩa là chúng
ta phần đông được sinh ra trong những gia đình trung lưu bình thường, thậm chí
còn rất nghèo. Hiếm ai may mắn mới sinh ra đã có của cải và quyền lực, trừ khi
bạn là một Kenedy hay một Rockerfeller, hay là một bậc vương tôn công tử nào
đó. Tôi, bạn, chúng ta đã phải làm
việc ngoài giờ để có tiền học đại học, rồi phải làm ngày làm đêm để thăng tiến
trong công việc. Đôi lúc bạn tiếp
xúc với người giàu có và nổi tiếng, thì việc của bạn lúc ấy không phải là đứng
đó để run hay hồi hộp. Bạn cần phải tự tin để nói, để chứng tỏ và khẳng định
mình. Đó là một cơ hội của bạn đấy!

Tôi vẫn còn nhớ vào cuối những năm 1960, khi tôi đang phụ trách chương
trình trò chuyện trên radio mỗi tối ở đài WIOD. Một lần, chúng tôi hợp tác với tờ báo Miam
Herald 
thực hiện chương trình phỏng vấn
anh chiến sĩ không quân xuất sắc sống tại Miami (xin được phép giấu tên theo ý
muốn của anh). Cuộc phỏng vấn này đối với tôi cứ như là có một không hai vậy!

Như thường lệ, chương trình được truyền thanh trực tiếp từ 23 đến 24 giờ
đêm. Vị khách mời của chúng ta đến sớm hơn những 30 phút. Anh nhìn cảnh chúng
tôi hối hả chuẩn bị, cảnh các phóng viên hết sửa ống kính rồi loay hoay giấy
bút… Tôi để ý thấy hình như anh hơi ngơ ngác. Tôi đến bắt tay anh ta
và, ôi trời, bàn tay ấy ướt sũng mồ hôi. Hai tiếng “Xin chào” được thốt lên lập bập và nhỏ xíu. Anh ấy đang quá run và hồi hộp. Thật khó tin đây chính
là người đã từng bắn rơi cả thảy bảy chiếc máy bay phát xít Đức trong thế chiến
khốc liệt!

Sau năm phút dành cho bản tin thế giới, tôi bắt đầu chương trình lúc 11:05
với đôi lời giới thiệu về những phi công xuất sắc. Và tôi hỏi vị khách của
chúng ta câu hỏi đầu tiên:

- “Chào anh, xin anh cho biết lý
do vì sao anh đã tình nguyện trở thành một phi công?”

- “Tôi… không biết”

- “Hả?... À, chắc anh thích lái máy bay lắm nhỉ?”

- “Vâng.”

- “Vậy anh có biết vì sao anh
thích lái máy bay không?”

- … “Không.”

Sau đó tôi hỏi anh ta thêm một loạt câu hỏi nữa, nhưng tình hình vẫn không
khả quan hơn tí nào. Anh chàng cứ hết
“vâng”, “không”, rồi lại “tôi không biết”. Giá mà bạn có thể hiểu được hoàn
cảnh của tôi lúc đó! Tôi lo sốt vó. Tôi chẳng còn biết hỏi cái gì nữa. Tôi liếc
nhìn đồng hồ…11:07. Chúng tôi còn những 50 phút nữa! Và, thay vì trò chuyện rôm
rả như dự kiến thì chúng tôi lại… im lặng nhìn nhau. Tôi cười méo xẹo, còn
chàng phi công thì vẫn chủ trương “im lặng là vàng”. Tất cả mọi người bên ngoài
đều có cùng một suy nghĩ: Họ đang làm gì vậy kìa? Có điều gì không ổn? Và những
người nghe đài trên khắp Miami sắp sửa tắt radio đến nơi.

Tôi hít thở thật sâu cố lấy bình tĩnh rồi tự động viên mình: “Larry King,
Larry King, hỏi tiếp, hỏi tiếp đi. Cố
lên nào Larry!” Và tôi chợt nghĩ ra một ý. Tôi hỏi anh ta: “Giả sử ngay bây giờ
có năm chiếc máy bay quân thù trước mặt chúng ta và ở dưới kia tôi có
một chiếc máy bay, anh có dám leo lên không?”

- “Vâng, dám chứ!”

- “Anh không sợ à?”

- “Không hề!”

- “Thế tại sao nãy giờ anh căng
thẳng quá vậy?”

- “Bởi vì tôi không biết ai đang
lắng nghe!”

Tôi thở phào: “Ra là anh sợ những điều mà anh không biết”.

Chúng tôi chuyển sang đề tài về nỗi sợ hãi. Thật kỳ diệu! Sự căng thẳng của anh ấy biến đi đâu
mất. Khác hẳn với lúc đầu, anh ấy
hào hứng kể về những nỗi sợ kinh hoàng của mình. Nào là lúc bé tí thì sợ con
mèo, rồi thì khi lớn lên lại sợ… cái nhìn của cô bạn gái! Tôi quay trở lại câu hỏi về việc lái máy bay. Không hề gì. Anh ấy như được tiếp thêm nhiệt huyết,
nói một cách hăng say và đầy phấn khởi: “Tôi lao vào không gian toàn mây là
mây. Tôi lượn sang bên trái. Tôi rẽ cánh sang phải. Mặt trời chiếu những tia
nắng chói loáng đẹp vô cùng, phủ tràn trên mặt kính. Chỉ có mây, có gió, có mặt
trời, có tôi và chiếc máy bay của tôi…”

Bạn thử tưởng tượng tôi há hốc miệng như thế nào! Anh ta nói hay quá! Cứ
như làm thơ vậy. Đồng hồ gõ 12
tiếng. Vẫn say sưa nói. Tối đó chúng
tôi buộc phải kéo dài chương trình thêm 15 phút nữa. Quả là thành công ngoài sự
mong đợi.

Anh phi công xuất sắc trong thế chiến thứ hai đó bỗng chốc trở thành người
khách nói chuyện “thơ” nhất. Đơn giản vì anh đã vượt qua sự căng thẳng ban đầu,
và càng lúc càng tự tin hơn khi đã quen với khẩu điệu của mình. Lúc đầu chúng tôi nói về quá khứ, anh
không biết rồi tôi sẽ hỏi anh cái gì. Anh
cũng không biết cuộc phỏng vấn sẽ đi tới đâu, vì thế anh ấy sợ.

Nhưng khi chúng tôi nói chuyện về hiện tại thì không có gì khiến anh ấy
thấy căng thẳng nữa. Anh tha hồ nói về cảm nghĩ, hành động của mình trước những
việc đang diễn ra một cách tự tin và đầy phong độ. Khi thấy được điều đó, ngay
lập tức tôi có thể lái câu chuyện về quá khứ.

Và như vậy, bạn đã biết cách để “phá vỡ tảng băng” trong lần đầu trò chuyện
rồi chứ? Làm thế nào nhỉ? Rất đơn giản, hãy tạo nên một không khí thoải mái và
thân thiện nhất. Chớ nên e dè và căng thẳng quá. Bạn cứ “tự nhiên như không” và
thoải mái nói lên những suy tư của bạn. Nên khôn khéo linh động chọn đề tài
thích hợp nhất. Còn nữa, “Hãy nói với người ta về chính họ và họ sẽ lắng nghe
lại bạn hàng giờ” – đây chính là lời khuyên quý giá của cựu thủ tướng nước Anh
Benjamin Disraeli.

KHỞI ĐẦU CÂU CHUYỆN

Bạn đang dự một bữa tiệc, hôm nay là ngày đầu tiên bạn đi làm, bạn đang nói
chuyện với người hàng xóm mới… Có hàng trăm tình huống giao tiếp khác nhau, và
cũng có hàng trăm cách để khởi đầu câu chuyện.

Khi Thế vận hội mùa đông năm 1994 đang diễn ra, đi đâu người ta cũng xôn
xao bàn tán về cặp vận động viên Tonya Harding-Nancy Kerrigan. Rồi thì đề tài
dễ dàng và nóng hổi nhất là chuyện thời tiết (đặc biệt là khi bạn chẳng biết gì
về người đối diện). Lũ lụt ở miền Tây, băng tuyết lở ở miền Đông, rồi động đất,
hạn hán, cháy rừng… Nếu không thích nói về thiên tai đang diễn ra trên thế giới
thì bạn có thể khơi mào ngay hiện tại. Chẳng hạn như là: “Trời hôm nay đẹp quá
nhỉ? Anh có dự định đi đâu không?” Chỉ cần một chút linh hoạt thì bạn sẽ thấy
có rất nhiều cách bắt chuyện.Tôi nghĩ việc này không khó, cái khó là sau đó bạn
duy trì cuộc nói chuyện đó ra sao kìa.

Bạn biết cựu phó tổng thống Al Gore chứ? Một gương mặt “sắt thép” thường
thấy trên ti vi, một người hay bị phê bình là quá ư nghiêm khắc. Nhưng tôi nghĩ
không hẳn như vậy. Một Al Gore trong chính trị khác với một Al Gore ở đời
thường. Tôi đã từng thấy
ông vui vẻ và sôi nổi như thế nào khi nói về cái thời còn đi học ở Saint Albans
(Washington), lúc cha ông còn là thượng nghị sĩ củaTennessee. Và hãy thử hỏi về những người con của ông xem, bạn sẽ
thấy vị phó tổng thống này có một trái tim ấm áp và nhân hậu.

Như vậy, chọn đề tài để nói là một điều rất quan trọng. Khi trò chuyện với
vua chúa hay với bất cứ ai cũng vậy, bạn nên nhớ đề tài nói của bạn sẽ quyết
định không khí cuộc trò chuyện đó. Đây chính là sự khôn khéo và nhạy bén của
bạn.

Khi tham dự một bữa tiệc thì lại có vô vàn tình huống, vô vàn đề tài để
nói. Trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ sáu mươi của tôi (bữa tiệc mà mấy người
bạn tôi đã gọi là “Kỷ niệm lần thứ năm mươi cái ngày Larry King tròn mười
tuổi!”), chúng tôi đã cùng nhau ôn lại những tháng ngày thơ ấu dấu yêu ở
Brooklyn. Đang bồi hồi với những câu chuyện nhớ về quê hương không sao kể xiết,
chợt nhìn thấy ánh đèn sáng rực rỡ từ tòa Nhà Trắng bên kia (bữa
tiệc này chúng tôi đã tổ chức ở tòa nhà lịch sử Decatur), thì lúc đó đột nhiên câu chuyện lại hướng
về… Nhà Trắng, rồi thì chuyện quốc gia, chuyện quốc tế… Và sau đó? Một
cuộc bùng nổ đề tài. Cho tới giờ tôi
cũng không nhớ hết hôm đó chúng tôi đã bình luận bao nhiêu sự kiện. Đến nỗi mà không vị khách nào muốn ra về còn hẹn nhau
năm tới “kỷ niệm một năm ngày Larry King tròn… sáu mươi tuổi!!!”

Nếu bạn tới chơi nhà ai đó
thì hãy quan sát những vật trưng bày, những đồ kỷ niệm, sau đó thì… Alê, cười
tươi như hoa với chủ nhà, và bắt đầu câu chuyện. Tôi chắc chắn rằng người ta sẽ
vui vẻ khi nói về nó. Giả dụ như trên tường có treo một tấm hình chụp gia chủ
đang đứng ở Quảng Trường Đỏ chẳng hạn, hãy hỏi về chuyến đi Nga của họ. Hãy hỏi
thử xem lẵng hoa ai cắm mà đẹp thế… Những
đồ vật tuy vô tri vô giác song rất có ý nghĩa với cuộc trò chuyện của bạn.

TẬP CÁCH NÓI SAO CHO VĂN VẺ

Bạn có từng đặt những câu hỏi như thế này chưa:

• “Trời nóng quá phải
không?”

 “Chắc sẽ có
khủng hoảng kinh tế nữa quá nhỉ?”

• “Bạn có nghĩ là
nhóm nhạc Redskins năm nay lại thất bại te tua nữa không?”

Tôi nghĩ cách hỏi này không có gì là sai cả. Nhưng nếu bạn hỏi ai đó một
cách ngắn gọn và đơn giản là “Có hay không?” như vậy thì, rất có thể câu trả
lời mà bạn nhận được cũng đơn giản và ngắn gọn là “Không” hay “Có”. Thật đáng
tiếc! Điều này chấm hết đề tài của bạn, và có thể chấm hết luôn cuộc trò
chuyện.

Tại sao bạn không tập hỏi một cách văn vẻ và sâu sắc hơn? Cuộc trò chuyện
của bạn có thể sẽ thú vị hơn nhiều đấy. Chẳng hạn như là:

“Mùa hè năm nay còn oi bức hơn năm ngoái. Nhiệt độ trái đất thì ngày một tăng hơn. Nguy thật!
Bạn có nghĩ rằng chúng ta cũng cần có trách nhiệm về điều này không?”

“Thị trường chứng khoán năm nay dao động thất thường quá. Ai mà không thích
nghĩ rằng nền kinh tế quốc gia vững như bàn thạch, nhưng xem chừng cái bàn
thạch ấy giờ đây cũng đang lung lay. Theo anh liệu khủng hoảng kinh tế có xảy
ra không?”

“Khi mới tới Washington thì ngay lập tức, tớ đã trở thành một fan của nhóm
Redskin rồi. Nhưng sao dạo này họ chơi tệ thế không biết! Thậm chí còn thua
nhóm Cowboys non choẹt nữa là! Theo cậu thì năm nay Redskins có thay đổi gì
không? Chả lẽ lại thất bại nữa à?”

Cũng cùng một đề tài nhưng với cách hỏi sau thì người khách của bạn buộc
phải suy tư nhiều hơn, câu trả lời của họ sẽ không đơn giản là “Không” hay
“Có”. Cuộc trò chuyện có thú vị hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự khéo léo
của bạn.

NGUYÊN TẮC ĐẦU TIÊN: HÃY LẮNG NGHE

Bạn biết không, tôi đã tự nghiệm ra điều này: Tôi chẳng bao giờ học được
cái gì khi tôi đang nói. Mỗi sáng thức dậy tôi đều tự nhủ rằng nói hay chưa đủ
mà còn phải biết lắng nghe. Bởi khi lắng nghe tôi sẽ học hỏi được rất nhiều.

Khổ nỗi, người ta dường như không mặn mà gì với việc chú ý lắng nghe cho
lắm! Ví dụ như khi bạn nói với gia đình hay bạn bè rằng máy bay của bạn sẽ cất
cánh lúc tám giờ, thì cứ y như rằng, trước khi chia tay họ lại ngơ ngác: “Máy
bay cất cánh lúc mấy giờ thế nhỉ?”. Và không hiểu nổi sao người ta cứ thích hỏi
lại chúng ta câu này: “Chết thật, ban nãy anh nói cái gì thế?”.

Bạn nên nhớ rằng sự chăm chú lắng nghe sẽ giúp bạn có thể phản ứng lại tức
thì những gì người khác nói. Sau đó thì có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến riêng
của bạn, đặt câu hỏi về vấn đề đó. Những câu hỏi càng hay thì càng góp phần
sinh động câu chuyện. Làm được việc này cũng có nghĩa là bạn đã thành công bước
đầu trong giao tiếp.

Vấn đề là ở chỗ, nếu bạn không lắng nghe người ta nói thì người ta cũng đâu
có nghe bạn nói. Đó chính là tính
công bằng trong giao tiếp: Một sự tương tác hai chiều. Hãy bày tỏ sự quan tâm
của bạn và bạn sẽ thấy được sự quan tâm nơi người khác.

Khi xem những cuộc phỏng vấn của Barbara Walters tôi thường thấy thất vọng.
Vì dường như cô ấy chỉ thích hỏi, hỏi và hỏi. Tôi nghĩ sẽ hay hơn nếu Barbara
đặt vấn đề và sau đó dành nhiều thời gian hơn cho những câu trả lời của các vị
khách. Cô ấy cần phân tích, nhận xét, phản hồi lại ý kiến của họ một cách sâu
sắc và khoa học. Muốn làm được
điều này, không còn cách nào khác hơn là phải biết lắng nghe.

Tôi rất vui khi một lần tình cờ đọc tạp chí Time và thấy Ted Koppel nhận xét thế này: “Larry biết cách lắng
nghe các vị khách mời. Ông quan tâm đến những gì họ nói, điều mà rất ít người
phỏng vấn nào làm được”. Thậm chí
khi được gọi là một “Cái đầu biết nói”, tôi vẫn nghĩ rằng tôi đã thành công
trước hết là nhờ biết lắng nghe.

Khi thực hiện một chương trình phỏng vấn trên đài, tất nhiên tôi phải chuẩn
bị trước một “cẩm nang” để hỏi. Nhưng thường thì chỉ một lát sau là “cẩm nang
này bị xếp xó”, bởi chỉ cần nghe thấy một điều gì đó thú vị trong câu trả lời
của họ là tôi lại đẩy câu chuyện sang một khía cạnh khác.

Như trong chương trình trò chuyện với cựu phó tổng thống Dan Quayle năm
1992, chúng tôi bàn về luật hạn chế việc phá thai – một trong những vấn đề nóng
bỏng lúc bấy giờ. Quayle dí dỏm ví von rằng đối với một cô nữ sinh thì việc phá thai dĩ nhiên là nghiêm trọng hơn nhiều so với việc nghỉ
học không phép. Rằng ở trường học của cô con gái ông, nhà trường sẽ châm chước
bỏ qua nếu phụ huynh không viết đơn xin phép cho con họ được nghỉ học một ngày,
chớ còn vấn đề phá thai thì… người ta sẽ nhảy nhổm cả lên! Đến đây, tôi đột
nhiên muốn biết quan điểm riêng của Quayle về vấn đề xã hội này. Vì thế tôi
buột miệng hỏi rằng ông sẽ xử trí như thế nào nếu như cô con gái rượu của ông
nói rằng cô ấy sắp phải đi phá thai? Quayle trả lời ông sẽ chấp nhận bất cứ
quyết định nào của con gái.

Câu trả lời của Quayle lập tức khiến tất cả chúng tôi… dựng đứng cả lên!
Trời ạ, đây là một người trợ lực đầy bảo thủ của tổng thống Bush, một phát ngôn
của đảng Cộng Hòa – vốn dĩ rất dị ứng với vấn đề xã hội này, và dĩ nhiên là
luôn luôn phản đối! Thế mà ông ấy nói sẽ đồng ý nếu con gái cưng muốn đi phá
thai!?

Nào bây giờ thì hãy trở lại “Những phương pháp vàng” của chúng ta. Bạn đã
thấy việc lắng nghe quan trọng như thế nào rồi chứ? Tôi đã không cứng nhắc chỉ
hỏi theo một “cẩm nang” soạn sẵn. Tôi
đã biết chú ý lắng nghe những gì Quayle nói, chộp được một điểm đắt, và thế là
có được một câu trả lời đắt.

Việc tương tự xảy ra khi Ross Perot quá bộ đến chương trình của tôi vào
ngày 20/02/1992. Perrot phủ nhận việc ông ta quan tâm đến kỳ tranh cử tổng
thống. Nhưng tôi để ý nghe thấy dường như lời phủ nhận này chả quyết liệt chi
cả. Thế là gần cuối chương trình, khi tôi nói lấp lửng về vấn đề này thì đùng
một cái, Perrot nói rằng ông ta sẽ ra tranh cử tổng thống nếu được bỏ phiếu
trên khắp 50 bang.

Tất cả những điều thú vị đó diễn ra không chỉ nhờ những gì tôi nói, mà nhờ
vào việc tôi biết lắng nghe. Tôi đã lắng nghe!

Jim Bishop, nhà văn, nhà báo nổi tiếng, vốn là người New York nhưng từng
định cư rất lâu tại Miami. Một lần nọ Jim tâm sự với tôi rằng anh rất bực mình
khi một số người gặp ai cũng hỏi “Khỏe không?” cho có lệ rồi chẳng thèm chú ý
nghe câu trả lời. Jim kể anh đã từng thử nghiệm với một anh chàng đi đâu cũng
“Khỏe không?” kiểu này.

Một buổi sáng đẹp trời, như thường lệ, vừa nhác thấy Jim là anh chàng hồ
hởi: “Jim, khỏe không?”

“Tôi mắc bệnh ung thư” – Jim nói.

“Tuyệt! À Jim này…”

Câu chuyện trên nghe có vẻ khó tin nhưng đó hoàn toàn là sự thật. May mà
Bishop không bị ung thư thật, nếu không thì vô tình chàng trai kia đã phạm phải
một sai lầm đến tàn nhẫn.

Dale Carnegie viết cuốn sách nhan đề “Tạo ấn tượng và gây thiện cảm” có tới
15 triệu bản được tiêu thụ. Trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh: “Hãy hỏi những
điều mà người ta thích trả lời. Tức là bạn hãy để người ta nói về bản thân và
thành tựu của họ. Nên nhớ con người thường có cái tính trời phú là luôn thích
nói về những vấn đề của mình hơn là của người khác! Một cái răng sâu của bạn
thì dĩ nhiên làm bạn đau đớn, nhức nhối hơn nhiều so với một nạn đói kém bên xứ
người. Một trận động đất
ở Châu Phi đối với bạn cũng đâu có khủng khiếp bằng cái mụn nhọt ở cổ, đúng
không nào? Hãy nghĩ về điều này khi bạn trò chuyện với ai đó”.

NÓI BẰNG “CỬA SỔ CỦA TÂM HỒN”

Không phải ngẫu nhiên người ta bảo đôi mắt chúng ta là “Cửa sổ của tâm
hồn”. Một ánh nhìn đôi khi cũng chạm tới trái tim… như chơi! Bởi thế, bạn ạ,
đừng bao giờ lãng phí quên đi cái “cửa sổ” này khi đang trò chuyện. Hãy tập cho
đôi mắt của bạn biết nói! – đó là phương pháp mà tôi luôn tâm niệm để thành
công.

Không phải chỉ khi bắt đầu và kết thúc câu chuyện, mà trong suốt thời gian
nghe và nói, bạn nên tập thể hiện cảm xúc, mối liên hệ của mình qua đôi mắt. Một đôi mắt có hồn sẽ giúp bạn có sức
lôi cuốn hơn rất nhiều, dù giao tiếp ở bất cứ nơi đâu, bất cứ tình huống nào và
nói chuyện với bất cứ ai đi chăng nữa. Tôi luôn nhìn người đối diện đang trò chuyện một cách thật tự nhiên để
thể hiện sự quan tâm đến họ.

Vấn đề mấu chốt kế tiếp là, như tôi đã đề cập, bạn phải chăm chú lắng nghe.
Lắng nghe bằng đôi tai và thể hiện sự quan tâm bằng đôi mắt. Cũng cần nhớ rằng
mặc dù việc nhìn người khác rất quan trọng, nhưng đừng vì thế mà nhìn họ trừng
trừng như muốn ăn tươi nuốt sống người ta nhé! Điều này rất khiếm nhã. Ai đó
nhìn bạn như thế bạn có khó chịu không? Suy bụng ta ra bụng người mà thôi.

Thỉnh thoảng trong khi nói bạn có thể rời mắt khỏi người đối diện, nhưng
đừng đưa mắt lên không trung một cách lơ đễnh như thể bạn chẳng màng nhìn gì
cả. Nếu bạn đang ở
một buổi tiệc thì đừng đưa mắt láo liên ra xung quanh như đang muốn tìm một ai
đó quan trọng hơn để nói chuyện thay vì người ngồi cạnh bạn.

Lời khuyên của tôi về vấn đề này là: Hãy để tâm tới việc sử dụng ngôn ngữ
đôi mắt của bạn thay vì chỉ biết nói và nói huyên thuyên nhưng vô cảm.

NGÔN NGỮ ĐIỆU BỘ

Tại các phiên tòa xử án, bồi thẩm đoàn luôn chú ý kỹ đến những cử chỉ, điệu
bộ của bị cáo. Edward Bennett Williams, một trong những luật sư tài danh nhất
nước Mỹ có lần nói với tôi rằng ông rất quan trọng ngôn ngữ điệu bộ (Body
language). Cộng sự của Edward là Louis Nizer còn đưa ra một quan điểm rằng ông
quan sát những cử chỉ tay chân, điệu bộ của bị cáo rồi liên hệ với bản chất vụ
việc để có thể tìm ra những điểm chung nào đó mang giá trị tham khảo bổ sung
vào hồ sơ.

Với tôi, ngôn ngữ điệu bộ cũng giống ngôn ngữ nói vậy. Nó là một hình thức
giao tiếp đàm thoại hết sức tự nhiên. Vì tự nhiên, nên nó có thể trở thành một
phương pháp cực kỳ hiệu quả. Nhưng hãy thận trọng, nếu ngôn ngữ cơ thể xuất
phát từ sự giả tạo hay sao chép gượng gạo thì nó sẽ không có tác dụng. Thậm chí
điều này rất tệ hại khi người khác trông bạn thật buồn cười và lố lăng. Dù
không phải là kẻ xấu nhưng sự giả tạo sẽ biến bạn trở thành một người không
thành thật trong mắt người khác. Bạn sẽ chẳng ưa gì tôi nếu tôi bắt chước giọng
nói và dáng vẻ của ngài Laurence Oliver đáng kính, đúng không? Và nếu một sớm
mai thức dậy, tôi muốn bắt chước cách nói chuyện giống các diễn viên kịch
Shakespeare, chắc hẳn tôi sẽ bị cười nhạo cho xem. Do vậy, tôi phải luôn tự hỏi
rằng cử chỉ, điệu bộ của tôi khi trò chuyện có là đặc trưng của riêng tôi hay không.
Cho dù không hoàn hảo đi nữa thì nó cũng chính là ngôn ngữ của tôi. Và tôi tự
hào về nó!

Ngôn ngữ điệu bộ là như thế. Bạn có thể rút ra cho mình một kinh nghiệm
giao tiếp qua cử chỉ một cách tự nhiên nhất. Hãy biến chúng thành của bạn! Hãy
nói từ trái tim bạn một cách trung thực nhất. Nếu muốn học hỏi những điều hay
từ người khác thì hãy tham khảo và ứng dụng một phần nhỏ nào đó thôi. Đừng biến
bạn trở thành bản sao của họ.

NÓI NHỮNG ĐIỀU CẤM KỴ

Ngày nay, từ cấm kỵ (taboo) đã vơi bớt nặng nề vì càng ngày chúng ta càng
cởi mở hơn với những tư duy, quan điểm mới. Trên màn ảnh, truyền hình hay sách
vở, có nhiều điều cấm kỵ đã cất cánh bay đi bởi chúng không còn hợp thời. Thập
kỷ 90 khác với 50 hay 60, thế kỷ 21 thông thoáng hơn thế kỷ 20. Những giá trị từ
quá khứ không phải là sai, đơn giản là nó không còn phù hợp nữa ở thời kỳ mới,
thế thôi. Trong phim “Cuốn theo chiều gió”, Clark Gable vai Rhett Buttler nói
với Vivien Leigh vai Scarlett O’Hara rằng: “Tiểu thư ơi, thật ra tôi có chửi
rủa ai đâu”. Đến ngày nay thì cuộc trao đổi của họ quả đã trở nên bình thường
rồi đấy.

Nhưng có những đề tài bạn nên tránh đi. Ví dụ về chính trị và tôn giáo.
Hoặc những điều mang tính rất riêng tư và tế nhị. Cho dù cuộc trò chuyện có
thông thoáng cởi mở đến đâu, bạn không thể đụng ai cũng hỏi tọc mạch rằng:
“Lương anh bao nhiêu?” Hoặc mới vừa quen một cô gái mà bạn lại cắc cớ hỏi: “Cô
nghĩ như thế nào về chuyện phá thai?”. Chắc chắn người đối diện sẽ nhìn lại bạn
bằng một “đôi mắt hình viên đạn”.

Bạn phải tự đánh giá rằng mối quan hệ của bạn thân thiết ở mức độ nào, sau
đó mới có thể phá vỡ những điều cấm kỵ khi nói chuyện. Với một người bạn chí thân thì dĩ nhiên chúng ta có
thể bàn về chuyện lương bổng. Trong
một nhóm bạn lâu năm thì cũng có thể thẳng thắn và thành thật làm sáng tỏ những
vấn đề “gai góc” riêng tư như việc quan hệ giới tính chẳng hạn. Nhưng nói
chung, hãy hết sức thận trọng. Đừng dại dột gây nên không khí căng thẳng hay
ngượng ngùng vì những điều cấm kỵ mà bạn đề cập không đúng chỗ, đúng đối tượng.

Phải biết tìm hiểu và đánh giá về người đối diện: Họ có thể hiểu vấn đề đó
không, họ có quan tâm đến sự kiện này không… để khơi mào đề tài nói cho phù hợp
chứ không bị “lạc quẻ”. Bởi ngày nay, chìa khóa thành công trong cuộc nói
chuyện là sự thích hợp (relevance).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3