Tam quốc diễn nghĩa - Chương 060 - Phần 1
HỒI 60
Trương Vĩnh Niên hỏi vặn Dương Thu;
Bàng Sĩ Nguyên bàn lấy Tây Thục.
Người hiến kế đó là quan biệt giá Trương Tùng, tự là Vĩnh
Niên, hình thù xấu xí, tráng vồ, đầu nhọn, mũi tẹt, răng vẩu, mình lùn không
đầy năm thước, tiếng nói oang oang như chuông:
Lưu Chương hỏi:
- Biệt Biệt có mưu kế gì cao giải được nạn Trương Lỗ?
Tùng thưa:
- Tôi nghe Tào Tháo ở Hứa Đô đánh dẹp Trung Nguyên, Lã Bố và
hai anh em họ Viên đều bị diệt. Vừa đây, Tháo lại phá được Mã Siêu, thiên hạ
không ai địch nổi. Chúa công nên sắm sửa đồ tiến công, tôi xin đem sang Hứa đô,
bàn với Tào Tháo cất quân đến đánh Hán Trung để phá Trương Lỗ. Như thế, Lỗ giữ
nhà chưa xong, còn đâu dám nhìn đến Tây Xuyên nữa.
Lưu Chương mừng rỡ, thu xếp vàng ngọc gấm vóc, sai ngay
Trương Tùng đi sứ. Tùng bí mật mang theo một bức địa đồ Tây Thục cùng vài đầy
tớ lên đường. Có người báo tin về Kinh Châu, Khổng Minh liền sai người sang Hứa
Đô dò la tin tức.
Lại nói Trương Tùng tới Hứa Đô, vào nhà khách tạm nghỉ. Hàng
ngày Tùng vào tướng phủ chầu chực xin ra mắt Tào Tháo. Tào Tháo từ khi đánh
được Mã Siêu sinh ra kiêu ngạo, tự đắc, ngày đêm yến tiệc, ít ra đến ngoài. Chính
sự triều đình đều do tướng phủ quyết định cả. Trương Tùng phải chờ đợi tới ba
hôm, lại phải đút lót cho lính canh mới được dẫn vào ra mắt.
Tháo ngồi trên thềm. Tùng cúi lạy chào. Tháo hỏi rằng:
- Chủ ngươi mấy năm nay không nộp cống, là cớ làm sao?
Tùng đáp:
- Vì đường sá xa xôi, giặc cướp ngăn trở, không thể sang
được.
Tháo mắng rằng:
- Ta đã quét sạch cả Trung Nguyên, còn trộm giặc nào nữa?
Tùng nói:
- Mặt nam còn có Tôn Quyền, mặt bắc còn có Trương Lỗ, mặt
tây còn có Lưu Bị, mỗi người ít nhất cũng được mười vạn quân, sao đã gọi là
thái bình được?
Tháo trông thấy Trương Tùng xấu xí, có ý hơi ghét, lại thấy
ăn nói lỗ mãng, liền vung tay áo đứng dậy, đi vào nhà sau.
Tả hữu trách Trương Tùng rằng:
- Ngươi đi sứ, sao không biết giữ lễ phép, dám nói xúc phạm
thế? May thừa tướng thấy người ở xa lại đây, không nỡ bắt tội, ngươi nên trở về
cho mau.
Tùng cười, nói:
- Trong nước Thục ta, không có ai biết xiểm nịnh!
Bỗng một người ở dưới thềm quát lên rằng:
- Ngươi bảo nước Thục không có người xiểm nịnh, thế ở Trung
Nguyên có kẻ xiểm nịnh à?
Tùng trông người ấy, mày nhỏ mắt xinh, mặt mũi sáng sủa. Hỏi
ra thì là con quan thái úy Dương Bưu, tên là Dương Tu, tự là Đức Tổ, hiện đang
làm quan chủ bạ ở phủ thừa tướng. Người ấy học rộng, biện bác giỏi, thông minh
hơn người. Tùng biết Tu có tài mồm mép, muốn hỏi vặn cho tịt đi. Bấy giờ thấy
Trương Tùng ăn nói có vẻ châm chọc, Dương Tu bèn mời Trương Tùng ra ngoài phòng
sách ngồi chơi, rồi hỏi rằng:
- Từ Thục đến đây xa xôi lắm, ông đi thế có vất vả không?
Tùng đáp:
- Phụng mệnh của chủ, dẫu xông pha vào nơi nước sôi lửa bỏng
cũng không dám từ.
Tu hỏi:
- Phong thổ trong Thục thế nào?
Tùng đáp:
- Thục là quận, ở phía tây, xưa gọi là Ích Châu. Sông có Cẩm
Giang là hiểm, núi có Kiếm Các là cao, chung quanh hai trăm tám thôi đường, ngang
dọc hơn ba dặm đất. Làng mạc liên tiếp với nhau, chợ búa không quãng nào vắng, ruộng
nhiều đất tốt, không lo gì nước lụt nắng to, nước giàu dân no, tiếng đàn sáo
rộn ràng, vui vẻ. Thổ sản sinh ra, chứa cao tày núi, quả thực thiên hạ không
đâu bằng.
Tu hỏi:
- Người ở xứ đó thế nào?
Tùng đáp:
- Văn thì có Tương Như là giỏi, võ thì có Phục Ba là tài, chữa
thuốc không ai hơn Trọng Cảnh, xem bói mấy kẻ sánh Quân Bình? Còn những người
tam giáo, cửu lưu, ai ai cũng giỏi giang cả, không sao kể xiết!
Tu hỏi:
- Thủ hạ của Lưu Quý Ngọc được mấy người như ông?
Tùng đáp:
- Những người văn võ toàn tài, trí dũng xuất chúng, cùng là
sẽ kẻ sĩ trung nghĩa khảng khái, kể có hàng trăm, chớ như tôi là kẻ tầm thường,
có thể lấy xe mà chở, lấy đấu mà đong, biết đâu mà tính cho xuể.
Tu hỏi:
- Hiện nay ông đang làm chức gì?
Tùng đáp:
- Lạm sung vào chức biệt giá, còn sợ không nổi việc. Dám hỏi
ngài làm quan gì ở trong triều?
Tu đáp:
- Tôi hiện nay đang làm chủ bạ phủ thừa tướng.
Tùng nói:
- Nghe ngài là dòng dõi trâm anh, sao không làm quan với
triều đình, để giúp thiên tử, mà phải làm một kẻ nha lại ở phủ thừa tướng làm
vậy?
Tu nghe nói, thẹn đỏ mặt, nhưng cũng gượng đáp rằng:
- Tôi tuy làm một chức nhỏ, nhưng thừa tướng giao cho coi
việc sổ sách tiền lương, cũng là việc quan trọng. Vả lại được gần thừa tướng, sớm
tối ngài còn dạy bảo cho nhiều điều có ích. Cho nên tôi vui lòng nhận.
Tùng cười nói:
- Tôi nghe Tào thừa tướng, văn thì không hiểu đạo Khổng, Mạnh,
võ thì không tường mẹo Tôn, Ngô, chỉ vậy sức mạnh mà được lên cao, có tài gì mà
dạy bảo được ngài?
Tu nói:
- Ông ở ngoài cõi xa, biết đâu được tài thừa tướng? Tôi thử
đưa ông xem cái này thì biết.
Liền gọi đầy tớ mở tủ lây một quyển sách đưa cho Trương Tùng
xem. Tùng thấy quyển sách ấy ngoài đề bốn chữ: “Mạnh Đức tân thư”, mở ra xem
hết một lượt, cả thảy mười ba thiên, toàn là phép cốt yếu về việc dùng binh.
Tùng xem xong hỏi:
- Ông bảo quyển sách này là của ai làm ra?
Tu đáp:
- Đó là của thừa tướng tham khảo cổ kim phỏng theo mười ba
thiên của Tôn Võ Tử mà làm ra. Ông khinh thừa tướng không có tài, thử hỏi quyển
sách này đã đáng truyền cho đời sau chưa?
Tùng cười ầm lên mà nói rằng:
- Sách này, trẻ con nước Thục tôi đứa nào cũng thuộc lòng cả,
sao gọi là “Tân thư”? Đó là người vô danh thời chiến Chiến Quốc làm ra, thừa
tướng đánh cắp làm của mình, chỉ lừa dối được ông thôi!
Tu nói:
- Sách này của thừa tướng còn cất kín một chỗ, tuy làm xong
nhưng chưa truyền ra đến ngoài, sao dám bảo trẻ con nước ông cũng thuộc lòng?
Tùng nói:
- Nếu ông không tin, tôi xin đọc cho ông nghe!
Tùng nói xong, đọc thuộc làu từ đầu đến cuối, không sai một
chữ. Tu giật mình, nói:
- Ông mới đưa mắt nhìn qua đã nhớ được cả, thực là bậc kì
tài trong thiên hạ.
Người sau có thơ khen rằng:
Hình dung thật cổ quái,
Diện mạo lại thanh cao.
Tài nói như nước chảy,
Mắt liếc tựa ánh sao.
Can đảm nhất Tây Thục.
Văn chương bậc anh hào.
Cổ kim bao sử sách,
Xem qua đã thuộc làu.
Khi Tùng định ra về, Tu nói:
- Ông hãy nghỉ tạm nơi quán xá, để tôi bẩm với thừa tướng, cho
ông được vào chầu thiên tử.
Tùng tạm ra ngoài. Tu vào nói với Tào Tháo rằng:
- Vừa rồi, sao thừa tướng khinh rẻ Trương Tùng làm vậy?
Tháo nói:
- Nói năng không khiêm tốn, nên ta coi thường đó thôi!
Tu nói:
- Thừa tướng còn dung nạp được Nễ Hành, há lại hẹp với
Trương Tùng.
Tháo nói:
- Nễ Hành văn chương lừng lẫy đời nay, ta không nỡ giết đi, chớ
Tùng có tài năng gì?
Tu nói:
- Chưa cần nhắc đến tài biện luận như nước chảy của hắn vội,
lúc nãy, tôi có đưa quyển “Tân thư” của thừa tướng soạn cho hắn xem, hắn đọc
qua một lượt là thuộc lòng. Thật là tay học rộng nhớ dai, trên đời hiếm có. Hắn
nói sách ấy là của người đời Chiến Quốc làm ra, trẻ con đất Thục cũng nhớ cả.
Tháo nói:
- Hay là người đời xưa cũng hợp ý ta chăng?
Lập tức sai xé vụn quyển sách ấy và đem đốt đi.
Tu nói:
- Người ấy nên cho vào chầu thiên tử, để cho y được biết uy
nghi của thiên triều.
Tháo nói:
- Ngày mai điểm binh ở giáo trường, ngươi nên đưa hắn đến đó,
cho biết lực lượng hùng hậu của ta, để hắn về nói truyền đi rằng ta nay mai lấy
Giang Nam xong, thì lấy đến Xuyên.
Tu vâng lời, hôm sau cùng với Trương Tùng đến giáo trường
phía tây. Tháo điểm năm vạn quân hộ vệ tinh nhuệ, quả nhiên áo mũ rực rỡ, chiêng
trống vang trời, gươm giáo sáng quắc. Bốn mặt tám phương, cơ nào đội ấy, tinh
kì phấp phới, người ngựa hăng hái, Tùng chỉ liếc mắt trông qua. Một lúc lâu, Tháo
gọi Tùng đến, chỉ tay hỏi:
- Nước Thục nhà ngươi đã từng được thấy quân mã hùng dũng
thế này chưa?
Tùng đáp:
- Nước Thục tôi chỉ cốt lấy nhân nghĩa trị người, chớ không
thấy binh đao như thế bao giờ.
Tháo tái mặt lại, nhìn Trương Tùng, Tùng chẳng sợ hãi chút
nào. Dương Tu luôn luôn đưa mắt lườm Trương Tùng.
Tháo bảo Tùng rằng:
- Ta coi đồ chuột chết trong thiên hạ như cỏ rác cả thôi. Quân
ta đến đâu, dẹp phải tan, đánh phải vỡ, thuận với ta thì sống, trái với ta thì
chết, ngươi có biết không?
Tùng nói:
- Thừa tướng đưa quân đến đâu, đánh là thắng, lấy là được. Tùng
này đều đã biết. Xưa dẹp Lã Bố ở Mộc Dương, đánh Trương Tú ở Uyển Thành, trận
Xích Bích gặp Chu Du, đường Hoa Dung gặp Quan Vũ, cắt râu quẳng áo ở Đồng Quan,
cướp thuyền đánh tên ở Vị Thủy. Đó điều là thiên hạ vô địch cả!
Tháo nổi giận đùng đùng nói:
- Thằng hủ nho kia! Sao dám vạch những chỗ xấu của ta?
Liền quát võ sĩ lôi ra chém. Dương Tu can rằng:
- Tội trương Tùng tuy đáng chém, nhưng tự nước Thục vào cống,
nếu chém đi, tôi e mất lòng những người ở xa.
Tháo vẫn còn tức. Tuân Úc cũng can. Tháo mới tha cho tội
chết, nhưng sai tả hữu đánh tới tấp đuổi ra.
Tùng ra nhà khách, thu xếp đồ đạc, ngay đêm ấy ra khỏi thành
về Xuyên. Tùng tự nghĩ:
- Ta định đem các châu quận Tây Xuyên dâng cho Tào Tháo, không
ngờ hắn khinh người như vậy! Trước khi đi, ta trót nói khoác trước mặt Lưu
Chương, nay lại tiu nghỉu về không, chắc bị người đất Thục chê cười. Ta biết
Lưu Huyền Đức ở Kinh Châu nhân nghĩa lừng lẫy, chi bằng về qua lối đó, xem thử
ông ta thế nào, rồi sẽ liệu!
Nghĩ lại, liền cưỡi ngựa dẫn bộ hạ đi thẳng đến địa giới
Kinh Châu. Vừa tới hạt Ảnh Châu, thấy có một toán quân mã chừng năm trăm người,
một tướng đi đầu ăn mặc nhã nhặn, dừng ngựa lại hỏi:
- Có phải là quan biệt giá họ Trương đó không?
Tùng đáp:
- Phải.
Tướng đó vội vàng xuống ngựa, nói:
- Tôi là Triệu Vân, ở đây đợi ngài đã lâu.
Tùng cũng xuống ngựa, hỏi:
- Tướng quân có phải là Triệu Tử Long ở Thường Sơn không?
Vân nói:
- Chính phải. Tôi phụng mệnh chúa công Lưu Huyền Đức vì thấy
đại phu đi đường vất vả ra đây hiến dâng cơm rượu.
Nói xong, sai quân sĩ quỳ xuống dâng cơm rượu, Vân mời mọc
Trương Tùng rất tử tế. Tùng tự nghĩ:
- Người ta đồn Huyền Đức rộng lượng yêu khách, nay quả nhiên
như thế.
Liền cùng với Triệu Vân uống vài chén rượu, rồi lên ngựa
cùng đi.
Tới địa đầu Kinh Châu thì trời đã tối, Vân mời Tùng vào nghỉ
ở quán trọ. Vào đến nơi, đã thấy hơn một trăm người đứng chực ngoài cửa đánh
trống đón tiếp; một tướng lại trước ngựa vái chào, nói:
- Vì đại phu đi qua sứ này, tôi và Quan Vũ phụng mệnh anh
tôi, ra lau quét nơi quán xá để ngài nghỉ chân.
Tùng xuống ngựa, cùng với Vân Trường, Triệu Vân vào nhà
khách ngồi chơi. Một lát, cơm rượu dọn ra, hai người ân cần mời mọc, đến khuya
tiệc tan. Tùng ngủ lại một đêm ở đấy.
Hôm sau, ăn điểm tâm xong, Tùng lên ngựa đi được vài dặm, lại
gặp một toán quân mã, thì là Huyền Đức dẫn cả Phục Long, Phượng Sồ đi đón. Trông
thấy Trương Tùng từ đàng xa, mấy người đã xuống ngựa đứng chực rồi. Tùng cũng
vội vàng xuống ngựa chào hỏi. Huyền Đức nói:
- Lâu nay thấy nghe nói tiếng lớn của đại phu, như sấm rót
vào mang tai, giận vì non sông cách trở, không nghe được lời dạy bảo, nay nghe
ngài về Thục nên ra đây nghênh tiếp. Nếu ngài có bụng chiếu cố, xin tạm đến
Châu tôi, nghỉ ngơi ít lâu, để được thỏa lòng mong ước, thì hân hạnh quá!
Tùng mừng lắm, lên ngựa sóng cương đi vào thành. Đến phủ
đường, hai bên chia ngôi chủ khách ngồi chơi. Huyền Đức mở tiệc khoản đãi. Trong
tiệc Huyền Đức chỉ nói những chuyện đâu đâu, chớ không hề đả động đến việc Tây
Xuyên. Trương Tùng mới nói gợi lên rằng:
- Hoàng thúc coi giữ Kinh Châu mới có được mấy quận?
Khổng Minh đáp:
- Kinh Châu này mượn tạm của Đông Ngô, thường Đông Ngô vẫn
sai người đến đòi. Vì chủ tôi là rể Đông Ngô cho nên còn tạm yên thân ở đây
thôi.
Tùng nói:
- Đông Ngô chiếm giữ sáu quận, tám mươi mốt châu, dân mạnh
nước giàu, còn chưa vừa ý sao?
Bàng Thống nói:
- Chủ tôi là hoàng thúc nhà Hán, thì lại cậy sức mạnh chiếm
hết châu nọ châu kia, người biết nghĩ thực là không bằng lòng.
Huyền Đức nói:
- Hai ông chớ nên nói thế, ta có tài đức gì mà dám mong ước
cao xa vậy?
Tùng nói:
- Ngài là tôn thân nhà Hán, nhân nghĩa lừng lẫy bốn biển. Đừng
nói gì chiếm cứ châu quận, ngay việc thay thế chính thống, lên ngôi hoàng đế, cũng
chưa phải là quá đáng.
Huyền Đức chắp tay tạ ơn, nói:
- Ông dạy quá lời, tôi đâu dám nhận!
Tiệc tan rồi, Huyền Đức mời Trương Tùng ở lại ba hôm, ngày
nào cũng ăn yến uống rượu, tịnh không nói động gì đến việc Tây Xuyên cả.
Tùng từ tạ trở về, Huyền Đức tiễn ra ngoài mười dặm tràng
đình, lại mở tiệc làm lễ tiễn hành. Huyền Đức rót chén rượu mời Tùng và nói:
- Đa tạ đại phu có lòng quý mến, ở lại chơi trò chuyện ba
ngày, hôm nay chia tay nhau không biết bao giờ lại được nghe lời dạy bảo?
Nói xong, rơm rớm nước mắt. Trương Tùng tự nghĩ:
- Huyền Đức nhân từ, yêu kính kẻ sĩ như vậy, ta sao nỡ bỏ?
Chi bằng khuyên ông ta lấy Xuyên thì hơn!
Rồi Tùng nói:
- Tôi cũng muốn sớm tối theo hầu hoàng thúc, nhưng chưa có
dịp đó thôi. Tôi coi đất Kinh Châu này, mé đông có Tôn Quyền như hổ nhe nanh, mé
bắc có Tào Tháo như kình há miệng, không phải là chỗ ở lâu được.
Huyền Đức nói:
- Tôi cũng biết như thế, nhưng chưa có chốn yên thân.
Tùng nói:
- Ích Châu hiểm trở, đồng ruộng phì nhiêu ngàn dặm, dân đông
nước giàu, những bậc thông minh tài cán lâu nay thường mộ tiếng hoàng thúc. Nếu
cất quân Kinh Tương kéo vào phía tây, thì nghiệp bá có thể làm nên, mà nhà Hán
mới dựng lại được.
Huyền Đức nói:
- Tôi đâu dám mong như thế! Lưu Ích Châu cũng là tôn thân
nhà Hán, ân đức tưới khắp đất Thục đã lâu, người khác khó lòng lay chuyển được.
Tùng nói:
- Tôi không là kẻ bán chúa cầu vinh, nay gặp ngài đây, không
thể không bày tỏ nỗi lòng: Lưu Quý Ngọc tuy được Ích Châu, nhưng tính tình nhu
nhược, không biết dùng kẻ hiền tài. Vả lại, Trương Lỗ ở phía bắc thường muốn
xâm lấn, lòng người chia li, chỉ mong được chúa giỏi. Tùng đi chuyến này là
định đem đất dâng cho Tào Tháo, không ngờ tên nghịch tặc tự phụ gian hùng, khinh
rẻ hiền sĩ, nên định đến đây gặp ngài. Ngài nên lấy Tây Xuyên trước để làm cơ
sở, sau sẽ lấy Hán Trung, thu phục Trung Nguyên, phù tá thiên triều, ghi tên sử
sách, công lao to lớn vô cùng. Nếu quả thật ngài có ý lấy Tây Xuyên, tôi xin
hết sức giúp đỡ làm nội ứng. Chưa biết ý ngài thế nào?
Huyền Đức nói:
- Đa tạ lòng tốt của ông. Nhưng Lưu Quý Ngọc là đồng tông
với tôi, nếu đem quân đến đánh, e thiên hạ chê cười.
Tùng nói:
- Đại trượng phu ở đời, nên gắng sức lập lấy cơ nghiệp, cầm
roi đi trước người ta. Nếu mình không lấy thì người khác sẽ lấy, hối lại làm
sao cho kịp!
Huyền Đức nói:
- Tôi nghe đường Thục gập ghềnh, sông núi trùng trùng điệp
điệp, xe không đi lọt bánh, ngựa không chạy sóng đôi, nếu muốn lấy thì nên dùng
kế gì cho được?