Tam quốc diễn nghĩa - Chương 057

HỒI 57

Cửa Sài Tang, Ngọa Long đến viếng tang;

Huyện Lỗi Dương, Phượng Sồ quản công việc.

Nói về Chu Du khí tức đầy ruột, ngã quay xuống ngựa, tả hữu
cấp cứu xuống thuyền. Lại có quân sĩ bẩm rằng:

- Huyền Đức, Khổng Minh đang ngồi trên đỉnh núi trước mặt
uống rượu vui cười.

Du càng tức lắm, nghiến răng lại, nói rằng:

- Người bảo ta không lấy được Tây Xuyên hay sao, ta thề sang
lấy cho mà xem!

Đang cơn tức giận, thì có tin báo em Tôn Quyền là Tôn Du đến.
Chu Du mời vào, thuật rõ đầu đuôi chuyện trước, Tôn Du nói:

- Tôi phụng mệnh anh tôi đến đây để giúp Đô Đốc.

Du thúc quân kéo đi đến Ba Khâu, bỗng lại có người báo mé
thượng lưu có Lưu Phong, Quan Bình chặn ngang sông. Chu Du càng tức nữa. Một
lát thấy Khổng Minh sai người đưa thư đến. Du mở ra xem, trong thư nói rằng:

“Quân sư Trung Lang tướng nhà Hán là Gia Cát Lượng đưa thư
này cho Đô Đốc nước Ngô là Công Cẩn được biết:

Tôi từ ngày chia tay với ngài ở Sài Tang đến giờ, vẫn còn
lưu luyến chưa quên, nay nghe thấy ngài muốn cất quân sang lấy Tây Xuyên, tôi
thiết nghĩ không nên. Ích Châu, dân thì mạnh, đất thì hiểm, Lưu Chương tuy rằng
hèn đớn, nhưng giữ cũng nổi. Nay muốn thành công mà bắt quân đi khó nhọc đi
đánh xa, vận tải hàng muôn dặm, tôi chắc dẫu đến Ngô Khởi, Tôn Vũ ngày xưa cũng
không sao làm nổi được.

Tào Tháo mới thua ở Xích Bích đâu đã phút chốc quên bẵng
việc báo thù? Nay ngài cất quân đi đánh phương xa, Tào Tháo thừa cơ đến đánh, thì
Giang Nam ra cám mất. Tôi không nỡ ngồi nhìn mà không báo trước, xin ngài soi
xét.”

Chu Du xem xong, thở dài một tiếng, gọi tả hữu đem bút mực
đến, viết một phong thư, sai người dâng lên Ngô Hầu. Rồi họp các tướng lại dặn
rằng:

- Ta không phải là không muốn hết lòng báo nước, nhưng số
mệnh ta đến đây là hết rồi. Các ông nên thờ Ngô Hầu cho thủy chung, để cùng
dựng lên nghiệp lớn!

Nói đoạn, ngất đi một lúc, rồi dần dần lại tỉnh, ngửa mặt
lên trời thở dài mà than rằng:

- Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng?

Du kêu luôn mấy tiếng rồi mất, thọ 36 tuổi.

Người sau có thơ than rằng:

Xích Bích anh hùng nổi tiếng a!

Phong lưu tuổi trẻ bậc tài hoa.

Thảnh thơi chén rượu từ lời bạn,

Thánh thót cung đàn tỏ ý xa.

Xích Bích dẹp tan muôn hổ báo,

Giang Nam riêng mở một sơn hà.

Ba Khâu mệnh bạc từ đây nhé,

Lệ ứa hai hàng ruột xót xa!

Các tướng đem thi hài Chu Du về quàn ở Ba Khâu, rồi sai
người mang thư về báo với Tôn Quyền. Quyền nghe tin Chu Du mất liền khóc vang
lên. Rồi mở thư ra xem, thì là thư tiến cử Lỗ Túc để thay mình. Đại ý trong thư
viết:

“Du tôi là kẻ bất tài, may được đội ơn đãi ngộ đặc biệt, ủy
thác cho những việc quan trọng, thống lĩnh quân mã, đâu dám không dốc hết sức
lực để đền đáp ơn dầy? Nhưng sống chết khôn lường, ngắn dài có số, ý chí chưa
đạt, thân thể đã tàn, uất hận kể sao xiết nỗi? Giờ đây, Tào Tháo ở phía Bắc, bờ
cõi chưa yên; Lưu Bị ở nhờ, khác gì nuôi hổ. Việc trong thiên hạ, chưa biết thế
nào? Chính lúc này là lúc kẻ làm bề tôi phải hi sinh vất vả, vua chúa phải lo
lắng gian lao. Lỗ Túc là người trung liệt, gặp việc không cẩu thả, có thể thay
tôi. “Con người lúc sắp chết thì lời nói thường đúng” nếu được lượng trên soi
xét tôi chết cũng không đến nỗi uổng!”

Tôn Quyền xem thư xong, khóc òa mà rằng:

- Công Cẩn có tài vương ta, chẳng may mất sớm thế này, ta
còn trông cậy vào ai? Nay để thư lại tiến cử Lỗ Túc, có đâu ta chẳng nghe lời!

Ngay hôm ấy phong Lỗ Túc làm đại đô đốc, thống lĩnh cả binh
mã, rồi sai người rước linh cữu của Chu Du về táng.

Lại nói Khổng Minh ở Kinh Châu, đêm xem thiên văn, thấy có
một ngôi tướng tinh rơi xuống đất, cười mà nói rằng:

- Chu Du chết rồi!

Đến sáng, nói chuyện với Huyền Đức, rồi sai người đi do thám,
quả nhiên như thế. Huyền Đức hỏi:

- Chu Du chết rồi, bên ấy bây giờ ra làm sao?

Khổng Minh đáp:

- Người thay Chu Du thống lĩnh binh quyền chắc là Lỗ Túc. Tôi
xem thiên văn thấy tướng tinh tụ ở phương đông; vậy xin sang Giang Nam một
chuyến mượn cớ viếng tang để tìm hiền sĩ về giúp chúa công.

Huyền Đức nói:

- Chỉ ngại các tướng sĩ Đông Ngô muốn hại tiên sinh!

Khổng Minh nói:

- Khi Chu Du còn sống, tôi còn chẳng ngại, nay hắn ta chết
rồi, còn lo gì nữa?

Nói đoạn, sai Triệu Tử Long dẫn năm trăm quân, đem đồ lễ
xuống thuyền, đến thẳng Ba Khâu viếng tang. Dọc đường, được tin Lỗ Túc đã lĩnh
chức đô đốc, linh cữu Chu Du đã đưa về Sài Tang, Khổng Minh bèn đi tắt sang đó.
Lỗ Túc ra nghênh tiếp tử tế. Bộ hạ của Chu Du đều muốn giết Khổng Minh, nhưng
thấy Triệu Văn đem gươm đi kèm không dám hạ thủ. Khổng Minh sai bày lễ vật
trước linh vị Chu Du, thân rót rượu, rồi quỳ xuống đọc một bài văn tế rằng:

Than ôi, Công Cẩn! Chẳng may trời hại!

Thọ yểu số trời, ai không ái ngại!

Rót chén rượu này lòng ta xót xa

Ông có khôn thiêng, chứng giám cho ta!

Viếng ông thuở nhỏ, chơi với Bá Phù

Trọng nghĩa khinh tài, nhường nhà cho nhau.

Thương ông trẻ trung, có ý cao xa,

Gây dựng nghiệp bá, riêng một sơn hà!

Khen ông sức khỏe, trấn giữ Ba Khâu,

Cảnh Thăng mất vía, Tôn Sách yên lòng.

Thương ông trai trẻ, sánh với Tiểu Kiều

Rể tôi nhà Hán, xứng đáng trăm điều.

Thương ông khí khái, ngăn việc hàng Tào.

Trước chưa chấp cánh, dần dần bay cao.

Thương ông khôn ngoan, Tưởng Cán đến dụ,

Chén rượu thảnh thơi, Tào man mắc mẹo

Thương ông có tài, văn võ kiêm toàn,

Hỏa công phá Tào, chuyển nguy thành an

Thương ông khi ấy, anh hùng ghê gớm.

Lệ tuôn hai hàng, thương ông mất sớm

Lòng thì trung nghĩa, hồn thì anh linh.

Mới ba chục tuổi, nghìn thu nêu danh!

Ruột ta rầu rĩ, thương ông tha thiết,

Trăm thảm nghìn sầu, kể sao cho xiết!

Trời mây mịt mù, ba quân xót xa,

Chủ thì sùi sụt, bạn thì lệ sa!

Lượng tôi bất tài, xin mẹo cầu mưu,

Giúp Ngô cống Tào, phò Hán yên Lưu.

Lập thế ỷ giốc, cứu giúp nhau cùng,

Kẻ mất người còn, xót ruột đau lòng!

Than ôi, Công Cẩn! Dã biệt nhau rồi!

Thôi nói chi nữa, thế là xong đời!

Hồn có khôn thiêng, soi thấy can tâm

Từ nay thiên hạ, ai kẻ tri âm?

Than ôi! Thương thay! Phục duy thượng hưởng!

Khổng Minh tế xong, gục xuống đất khóc, nước mắt giàn giụa
như suối, đau đớn vô cùng. Các tướng bảo nhau:

- Người ta nói Khổng Minh không hòa với Công Cẩn, nay xem
tình thương xót thế này, mới biết họ toàn nói nhảm cả!

Lỗ Túc thấy Khổng Minh thương khóc, cũng ứa nước mắt, nghĩ:

- Khổng Minh vẫn là người tử tế, chỉ vì Công Cẩn hẹp hòi, tự
rước lấy cái chết đó thôi!

Người sau có thơ rằng:

Nam Dương Ngọc Long ngủ chưa dậy,

Tướng tinh lại hạ xuống Thư thành

Trời sinh trót đã sinh Công Cẩn

Trần thế sao còn nảy Khổng Minh?

Lỗ Túc đặt tiệc khoản đãi Khổng Minh. Tiệc xong, Khổng Minh
từ biệt ra về, vừa sắp xuống thuyền, bỗng có một người đội mũ áo đạo sĩ, một
tay nắm lấy Khổng Minh cười ha hả, nói:

- Ngươi đã làm Chu Du tức mà chết, lại còn đến viếng tang, rõ
ràng coi thường Đông Ngô không còn ai nữa chăng?

Khổng Minh vội trông lại xem ai, thì là Phượng Sồ tiên sinh
Bàng Thống. Khổng Minh cũng cười lớn dắt tay nhau lên thuyền nói chuyện.

Khổng Minh đưa một phong thư cho Bàng Thống và dặn:

- Tôi chắc Tôn Quyền không trọng dụng được ông, nếu có điều
gì không như ý, xin hãy sang Kinh Châu giúp Lưu Huyền Đức với tôi. Huyền Đức là
người khoan nhân trung hậu, tất không phụ cái học của ông.

Thống nhận lời, rồi từ biệt Khổng Minh.

Lại nói, Lỗ Túc đưa linh cữu Chu Du về đến Vu Hồ, Tôn Quyền
ra đón, khóc tế trước linh vị, rồi sai hậu táng tại quê làng. Du có hai trai
một gái, con trưởng tên Tuần, con thứ tên Dân, Quyền đều giúp đỡ rất chu đáo.

Lỗ Túc nói:

- Tôi tài nhỏ trí mọn, Công Cẩn tiến cử nhầm, quả thật không
xứng đáng với chức vụ. Tôi xin cử một người giúp chúa công. Người này, trên
thông thiên văn, dưới tường địa lí, mưu lược chẳng kém gì Quản, Nhạc, kế sách
ngang với Tôn, Ngô. Trước đây Công Cẩn nhờ mẹo người ấy cũng nhiều, mà Khổng
Minh cũng chịu là giỏi hiện người ấy đang ở Giang Nam, sao chúa công không
trọng dụng?

Quyền nghe nói mừng lắm, liền hỏi họ tên là gì?

Túc thưa:

- Người ấy ở Tương Dương, họ Bàng tên Thống, tự là Sĩ Nguyên,
đạo hiệu Phượng Sồ tiên sinh.

Quyền mừng lắm, nói:

- Ta nghe tiếng người này đã lâu, nay có ở đây, nên cho mời
lại chơi ngay.

Lỗ Túc mời Bàng Thống đến ra mắt Tôn Quyền. Thống đến thi lễ
xong, Quyền trông thấy Bàng Thống lông mày rậm, mũi lõ, mặt đen, râu ngắn, hình
dung cổ quái, có ý không bằng lòng, mới hỏi rằng:

- Bình sinh ông học môn gì là chính?

Thống thưa:

- Không câu nệ gì cả, cứ tùy cơ mà ứng biến.

Quyền hỏi:

- Tài học của ông, so với Công Cẩn thế nào?

Thống cười đáp:

- Tôi học khác Công Cẩn nhiều.

Quyền xưa nay ưa nhất Chu Du, thấy Thống coi thường Du, càng
tỏ vẻ không bằng lòng, bảo Thống rằng:

- Ông hãy về, khi nào cần đến, sẽ cho người mời.

Thống thở dài một tiếng, rồi trở ra.

Lỗ Túc hỏi:

- Chúa công sao không dùng Bàng Sĩ Nguyên?

Quyền đáp:

- Hắn là một cuồng sĩ, dùng làm quái gì!

Túc nói:

- Trong trận Xích Bích, hắn dâng kế liên hoàn, lập được công
đầu, chắc hẳn chúa công cũng đã biết?

Quyền nói:

- Hồi đó, ý Tào Tháo muốn ghép thuyền lại chứ vị tất đã là
công hắn, ta nhất định không dùng.

Túc trở ra nói với Bàng Thống:

- Không phải là tôi không tiến cử ông, nhưng chủ tôi chưa
nghe, xin ông hãy cố nén lòng chờ đợi.

Thống cúi đầu thở dài, chẳng nói năng gì.

Túc hỏi:

- Hay là ông không muốn ở đây nữa chăng?

Thống không đáp. Túc nói:

- Ông có tài giúp chúa yên dân, đi đâu mà chẳng đắt? Nhưng
ông muốn đi xứ nào, nên nói thật cho tôi biết.

Thống nói:

- Tôi muốn sang với Tào Tháo.

Túc nói:

- Chớ nên! Ông mà sang với Tào Tháo, khác nào ném hạt châu
quý vào xó tối. Ông nên sang Kinh Châu theo Huyền Đức, tất nhiên được trọng
dụng.

Thống nói:

- Tôi cũng nghĩ thế, vừa rồi là câu nói đùa thôi.

Túc nói:

- Tôi xin tiến cử ông với Huyền Đức, ông sẽ giúp làm cho Tôn,
Lưu hai nhà không đánh lẫn nhau, cùng chung sức phá Tào.

Thống nói:

- Đó là ý chí của tôi từ trước đến nay vậy!

Liền cầm thư của Túc, sang thẳng Kinh Châu ra mắt Huyền Đức.

Bấy giờ Khổng Minh đi kinh lí bốn quận chưa về. Nha lại vào
bảo có danh sĩ ở Giang Nam là Bàng Thống đến. Huyền Đức từng nghe tiếng Thống
đã lâu, liền sai mời vào. Thống thấy Huyền Đức chỉ vái dài một cái chứ không
lạy. Huyền Đức thấy Thống xấu xí, cũng tỏ vẻ không vui, liền hỏi:

- Ông từ xa đến đây, khí vất vả lắm nhỉ?

Thống chưa đưa thư của Khổng Minh và Lỗ Túc vội, chỉ đáp
rằng:

- Nghe tiếng ngài yêu người hiền, trong kẻ sĩ, nên tôi cũng
đến yết kiến.

Huyền Đức nói:

- Hai miền Kinh, Sở vừa tạm sắp xếp yên ổn, chưa có chức gì
khuyết. Về phía đông bắc cách đây một trăm ba mươi dặm, có huyện Lỗi Dương
khuyết một chức tri huyện, ông hãy làm tạm vậy, sau này cần đến sẽ xin trọng
dụng.

Bàng Thống nghĩ Huyền Đức đãi mình sao bạc bẽo thế, muốn trổ
tài ra cho biết, nhưng vì Khổng Minh không có mặt ở đây, nên phải gượng vâng
lời, từ biệt trở ra.

Thống đến huyện Lỗi Dương, không nghĩ gì đến việc cai trị, chỉ
uống rượu say khướt suốt ngày. Bao nhiêu việc tiền lương, kiện cáo, xếp cả một
xó.

Có người báo với Huyền Đức, Huyền Đức giận, nói:

- Đồ hủ nho, sao dám làm rối loạn pháp luật của ta?

Lập tức gọi Trương Phi lại dặn:

- Hãy đem tùy tùng đến các huyện miền Nam Kinh Châu tuần sát,
nếu thấy kẻ nào không công minh, không tuân giữ pháp luật thì cứ việc trị tội.

Lại sai Tôn Càn đi kèm, để có điều gì khó khăn thì giúp đỡ.

Phi lĩnh mệnh cùng Tôn Càn đến thẳng huyện Lỗi Dương. Nha
lại và nhân dân đều ra nghênh tiếp, chỉ một mình quan huyện là không thấy mặt
đâu cả.

Phi hỏi:

- Quan huyện đâu?

Nha lại bẩm:

- Từ khi quan huyện Bàng về nhận chức tới giờ, đã hơn ba
tháng, chẳng hỏi han gì việc trong huyện cả, ngày nào cũng chỉ uống rượu từ
sáng đến tối, lúc nào cũng say li bì. Hiện bây giờ cũng còn đương say nằm một
chỗ, chưa đứng dậy được.

Trương Phi giận lắm, muốn bắt ngay để hỏi tội. Tôn Càn can
rằng:

- Bằng Thống là người cao minh, chưa nên vội vã. Hãy vào
huyện hỏi xem làm sao, nếu không phải, sẽ trị tội cũng chưa muộn.

Phi nghe lời, vào huyện, ngồi nghiêm chỉnh giữa công đường, sai
đòi quan huyện đến hỏi. Bàng Thống bấy giờ mới ra, áo mũ xộc xệch, chân bước
chệnh choạng, miệng còn sặc những hơi rượu.

Phi giận nói:

- Anh ta tưởng ngươi là người khá, cho làm tri huyện, sao
ngươi dám bỏ hết cả việc quan?

Thống cười, nói:

- Tướng quân bảo tôi bỏ những việc gì?

Phi nói:

- Ngươi đến Huyện hơn ba tháng nay, cả ngày chỉ mê man chè
rượu, có coi đâu đến chính sự mà chả bỏ?

Thống đáp:

- Cái thứ huyện nhỏ này được mấy nỗi công việc, có gì mà
phải coi xét? Tướng quân hãy ngồi thư lại một lát, tôi xin giải quyết đâu đấy
ngay cho mà xem!

Lập tức sai nha lại đem hết công việc bỏ đọng trong ba tháng
đến để phân xử. Nha lại tíu tít ôm cả một tập văn án ra. Những người kiện cáo
đứng vòng quanh cả dưới thềm.

Thống mở văn án ra xem, tay thì viết, miệng thì phê phán, tai
thì nghe người thưa bẩm, phải trái phân minh, không sai một sợi tơ sợi tóc nào.
Nhân dân đều cúi đầu bái phục. Chưa đầy nửa buổi, bao nhiêu giấy má phê xong
hết, không xót việc gì. Thống quẳng bút xuống đất, nói:

- Bỏ bê việc gì nào? Tào Tháo, Tôn Quyền ta còn chẳng coi
vào đâu, huống chi một cái huyện ranh này, việc gì mà phải bận lòng!

Phi giật mình, đứng ngay dậy, xin lỗi, nói:

- Tiên sinh thật là bậc cao tài, tiểu tử có mắt mà không
biết. Vậy xin hết sức tiến cử tiên sinh với anh tôi.

Thống bây giờ mới đưa thư của Lỗ Túc ra. Phi hỏi:

- Sao lúc mới đến ra mắt anh tôi, tiên sinh không đưa ngay
thư này ra?

Thống nói:

- Nếu đưa ngay thì chẳng hóa ra tôi chỉ nhờ cái thư ấy để
cầu cạnh ư?

Phi ngoảnh lại bảo Tôn Càn rằng:

- Giá không có ông, suýt nữa bỏ mất một vị đại hiền!

Liền từ biệt Bàng Thống trở về Kinh Châu, thuật lại tài của
Bàng Thống. Huyền Đức thất kinh, nói:

- Khinh đãi đại hiền, quả thực là lỗi tại ta!

Phi lại trình thư của Lỗ Túc, Huyền Đức mở ra xem, trong thư
đại ý nói:

“Tài của Bàng Sĩ Nguyên không phải để làm tri huyện; phải
dùng vào chức trị trung biệt giá thì mới vùng vẫy được. Nếu dùng người mà cứ
nhìn mặt mũi xấu hay đẹp, e phụ mất tài học vấn của người ta, mà để người khác
dùng mất, thật đáng tiếc lắm!”

Huyền Đức xem xong, còn đang hối hận, sực có tin báo Khổng
Minh đã về. Huyền Đức ra tiếp vào. Khổng Minh hỏi ngay rằng:

- Bàng quân sư mấy hôm nay có mạnh khỏe không?

Huyền Đức nói rằng:

- Vừa rồi làm tri huyện Lỗi Dương, hay rượu bỏ cả việc.

Khổng Minh cười, nói:

- Sĩ Nguyên không phải là tài tầm thường, ông ấy học giỏi
gấp mười tôi, tôi đã có thư tiến ông ấy, chúa công đã xem chưa?

Huyền Đức nói:

- Nếu không có em tôi nói thì suýt nữa thiệt mất một vị đại
hiền.

Lập tức sai ngay Trương Phi ra huyện Lỗi Dương mời Bàng
Thống về. Thống về đến nơi, Huyền Đức xuống thềm xin lỗi. Lúc này Thống mới đưa
thư của Khổng Minh ra.

Huyền Đức xem thư đại ý dặn khi nào Bàng Sĩ Nguyên đến, thì
nên trọng dụng ngay lập tức. Huyền Đức mừng, nói:

- Ngày trước Tư Mã Đức Tháo có nói là “Phục Long và Phượng
Sồ, trong hai người mà được một người thì đủ yên được thiên hạ.” Nay ta được cả
hai, tất nhiên gây lại được cơ đồ nhà Hán.

Lập tức cử Bàng Thống làm phó quân sư trung lương tướng, cùng
với Khổng Minh bàn tính mưu kế huấn luyện quân sĩ, chuẩn bị đi đánh dẹp.

Có người báo về Hứa Xương rằng:

- Lưu Bị có Gia Cát Lượng, Bàng Thống làm mưu sĩ, chiêu binh
tập mã, chứa cỏ tích lương, kết liên với Đông Ngô, nay mai tất kéo quân đánh
miền Bắc.

Tháo được tin, liền họp cả mưu sĩ lại bàn việc đánh miền Nam.
Tuân Du thưa:

- Chu Du mới chết ta nên đánh Tôn Quyền trước, rồi sẽ đánh Lưu
Bị.

Tháo nói:

- Nếu ta đi đánh nơi xa, chỉ lo Mã Đằng thừa cơ đánh úp Hứa
Xương. Khi đánh ở Xích Bích đã có tin đồn quân Tây Lương đến cướp, nay phải
phòng bị mới được.

Du lại thưa:

- Cứ như ý tôi, thì nên đưa tờ chiếu phong thêm cho Mã Đằng
làm chinh nam tướng quân, sai sang đánh Tôn Quyền, dụ hắn vào Hứa Đô mà trừ
trước ngay đi, thì mới yên tâm xuống đánh miền Nam được.

Tháo mừng lắm, sai ngay người mang chiếu đến Tây Lương triệu
Mã Đằng về.

Mã Đằng tự là Thọ Thành, dòng dõi tướng quân Phục Ba Mã Viện
khi xưa. Cha tên là Túc, thời vua Hoàn Đế làm chức tri huyện ở Lan Can, quận
Thiên Thủy, sau mất quan, lưu lạc sang Lũng Tây, ở lẫn với người Khương, lấy vợ
người Khương, sinh ra Mã Đằng. Đằng mình cao tám thước, tướng mạo hùng dũng, tính
nết hiền hậu, ai cũng kính trọng. Cuối đời vua Linh Đế, quân Khương là phản, Đằng
mộ dẫn quân phá tan được. Trong khoảng giữa đời Sơ Bình, Đằng được phong làm
chinh tây tướng quân. Đằng cùng với trấn tây tướng quân Hàn Toại kết làm anh em.

Hôm ấy Đằng phụng chiếu mệnh liền bàn với con là Mã Siêu
rằng:

- Ta từ khi cùng Đổng Thừa vâng mật chiếu đến nay, hẹn với Huyền
Đức cùng đánh giặc. Chẳng may Đổng Thừa mất rồi, mà Huyền Đức, ta lại ở xó Tây
Lương hẻo lánh này, chưa có thể hợp sức được với Huyền Đức. Nay nghe Huyền Đức
mới lấy Kinh Châu, ta đang muốn mở chí khí xưa, không ngờ Tào Tháo lại triệu ta,
thì nên nghĩ làm sao?

Mã Siêu thưa:

- Tháo vâng mệnh thiên tử để triệu cha, nếu không đi, hắn
tất trách cha là người chống lệnh. Nên nhân dịp này, vào ngay kinh đô rồi liệu
kế mà giết phăng nó đi, thì chí của cha xưa mới nổi lên được.

Cháu gọi Mã Đằng bằng chú là Mã Đại thì can rằng:

- Bụng Tào Tháo hiểm độc lắm, nếu chú vào đó, sợ bị hắn mưu
hại mất.

Siêu nói:

- Con xin đem hết cả quân Tây Lương, theo cha đánh vào Hứa
Đô để trừ hại cho thiên hạ, có gì chẳng được?

Đằng nói:

- Con nên thống lĩnh quân Khương, giữ gìn lấy Tây Lương cho
cha, còn em con là Mã Hưu, Mã Thiết và cháu là Mã Đại thì theo cả cha đến Hứa
Xương. Tào Tháo thấy con ở Tây Lương, lại có Hàn Toại giúp đỡ, tất nhiên không
dám hại cha đâu!

Siêu nói:

- Nếu cha có đi, thì chớ nên coi thường mà vào Hứa Đô vội. Hãy
xem động tĩnh làm sao rồi tùy cơ ứng biến mới được.

Đằng nói:

- Cha sẽ liệu khu xử, không phải lo lắm.

Thế rồi, Mã Đằng dẫn năm nghìn quân Tây Lương, sai Mã Hưu, Mã
Thiết làm tiên phong, Mã Đại đi sau tiếp ứng, từ từ kéo sang Hứa Xương. Còn
cách kinh đô hai chục dặm, Đằng đóng quân lại, không vào vội.

Tháo nghe tin Mã Đằng đã đến, bèn gọi quan thị lang là Hoàng
Khuê dặn rằng:

- Mã Đằng sắp sửa sang đánh phương Nam, ta cho ngươi làm
hành quân tham mưu. Ngươi nên đến trại Mã Đằng trước mà khao quân, và bảo hắn
rằng: Tây Lương xa xôi, chuyển vận lương thảo khó khăn, nên không thể nhiều
quân mã được. Bởi thế, ta cử thêm đại binh, hiệp sức cùng đi. Ngày mai bảo hắn
vào thành ra mắt thiên tử, rồi ta giao lương thảo nhân thể.

Khuê lĩnh mệnh, ra gặp Mã Đằng. Đằng đặt tiệc khoản đãi. Rượu
say, Khuê nói rằng:

- Cha tôi là Hoành Uyển, chết về mạng Lý thôi, Quách Dĩ; tôi
vẫn căm tức chưa nguôi, không ngờ lại gặp phải tên giặc dối vua thế này!

Đằng nói:

- Ai là giặc dối vua?

Khuê nói:

- Tào Tháo chớ ai nữa, ông không biết hay sau mà còn phải
hỏi?

Đằng sợ là người của Tào Tháo sai người thử mình, vội vàng
ngăn lại rằng:

- Tai vách mặt rừng, ông chớ nên nói xằng!

Khuê gắt lên rằng:

- Thế ông quên mất tờ chiếu trong tay áo rồi à?

Đằng thấy nói vậy, biết là Khuê thật lòng, mới đem việc kín
ra nói với Khuê.

Khuê nói:

- Tháo muốn triệu ông vào thành chầu vua, không phải có bụng
tử tế gì đâu, nên chớ nên vào! Ngày mai nên dẫn quân đến dưới thành, đợi khi
nào Tào Tháo ra điểm quân, sẽ thừa dịp giết đi, thì việc lớn chắc xong.

Hai người bàn định đâu đó, Hoàng Khuê từ biệt trở về, trong
dáng hãy còn tức giận. Vợ hỏi hai ba lần, Khuê nhất định không nói. Không ngờ
vợ lẽ Khuê là Lý Xuân Hương, vốn phải lòng Miêu Trạch, em vợ cả Khuê. Trạch
đang muốn lấy Xuân Hương nhưng chưa nghĩ được kế gì. Mụ này thấy chồng có dáng
giận, liền nói với Trạch:

- Hôm nay, Hoàng Thị Lang đi bàn việc quân trở về, có vẻ tức
bực lắm, không hiểu vì lẽ gì?

Trạch nói:

- Nàng nên nói thử rằng: “Người ta ai cũng bảo Lưu Huyền Đức
là người nhân đức, Tào Tháo là người gian hùng, là ý làm sao?” Xem hắn nói thế
nào?

Đêm hôm ấy, Hoàng Khuê đến buồng Xuân Hương, mụ liền buông
lời khêu gợi. Khuê nhân lúc này còn say rượu, nói tuột rằng:

- Nàng là đàn bà, còn biết kẻ tà người chính, huống chi là
ta? Ta muốn giết chết ngay thằng Tào Tháo đi mới hả dạ!

Mụ hỏi:

- Muốn giết thì làm kế gì?

Khuê đáp:

- Ta đã hẹn với Mã Đằng, ngày mai đến dưới thành thừa cơ
giết ngay nó tại chỗ điểm binh.

Mụ đem chuyện nói với Miêu Trạch. Trạch lập tức đến báo với Tào
Tháo. Tháo gọi ngay Tào Hồng, Hứa Chữ, Từ Hoảng, Hạ Hầu Uyển, dặn dò mẹo mực. Các
tướng vâng lệnh chuẩn bị đâu đấy. Tháo lại sai bắt cả nhà Hoàng Khuê giam lại.

Hôm sau, Mã Đằng dẫn quân Tây Lương đến cửa thành, trông ra
trước mặt, thấy một lớp cờ đỏ, toàn là cờ hiệu thừa tướng, Mã Đằng tưởng là Tào
Tháo ra điểm quân, tế ngựa lại gần xem sao. Bỗng nhiên một tiếng pháo nổ, rồi ở
trong đám cờ đỏ, cung tên bắn ra như mưa. Lại có một tướng xông ra, là Tào Hồng.
Mã Đằng vội vàng quay ngựa chạy về, thì hai bên tiếng reo ầm ầm nổi dậy, bên tả
có Hứa Chử, bên hữu có Hạ Hầu Uyên, mé sau có Từ Hoảng đuổi đến, cắt đôi quân
mã Tây Lương, vây chặt ba cha con Mã Đằng vào giữa.

Mã Đằng thấy thế nguy cấp, liều chết khua đao xông xáo chém
giết. Mã Thiết bị tên bắn chết, còn Mã Hưu theo sát Mã Đằng, xông bên nọ, xáo
bên kia, không sao ra được; hai bố con cùng bị thương nặng, ngựa lại bị tên bắn
ngã gục, bởi thế bị bắt sống cả.

Tháo sai trói điệu bố con Mã Đằng và Hoàng Khuê đem vào hỏi.
Khuê kêu là vô tội.

Tháo gọi Miêu Trạch ra làm chứng. Mã Đằng trách mắng Hoàng
Khuê rằng:

- Đồ hủ nho kia! Vì mày mà lỡ việc của ta. Ta không giết
được giặc để trừ hại cho nước là do lòng trời!

Tháo sai lôi cả ra, Mã Đằng chửi mắng không dứt lời. Rồi Mã
Đằng cùng Mã Khuê và Hoàng Khuê đều bị hại.

Đời sau có bài thơ than Mã Đằng rằng:

Cha con cùng tử tiết,

Trung trinh nổi tiếng nhà.

Lo nước, thân chi quản,

Trung vua, chết cũng là!

Máu thề, lời còn đó,

Tờ nghĩa, việc chưa xa.

Tây Lương dòng dõi tướng.

Không hổ tiếng Phục Ba!

Miêu Trạch xin với Tào Tháo rằng:

- Chúng tôi không muốn lấy thưởng gì cả, chỉ xin cho lấy
nàng Xuân Hương làm vợ.

Tháo cười nói:

- Mày vì một con đàn bà mà làm hại mất cả một nhà chồng chị,
để quân bất nghĩa này sống làm gì?

Liền sai lôi cả Miêu Trạch, Xuân Hương và cả nhà Hoàng Khuê
ra chợ chém đầu. Thiên hạ ai cũng cám cảnh cho hai đứa ấy.

Có thơ than rằng:

Vì chút tình riêng hại kẻ trung.

Vì tình riêng chưa thỏa, máu ròng ròng...

Gian hùng cũng chẳng ưa quân bạc,

Mưu tiểu nhân kia luống uổng công!

Tào Tháo sai chiêu an đám quân mã Tây Lương vào phủ dụ rằng:

- Cha con Mã Đằng làm phản, không liên can đến chúng bay, không
phải sợ hãi chi cả!

Tháo lại truyền cho các tướng phải giữ chắc các cửa ải, không
được cho Mã Đại chạy thoát.

Hãy nói Mã Đại dẫn một nghìn quân đi sau, quân sĩ trốn về
báo tin. Đại giật mình, bỏ cả quân mã, ăn mặc giả làm lái buôn, đi cả ngày đêm
trốn về Tây Lương.

Tào Tháo diệt xong bọn Mã Đằng rồi, mới quyết ý sang đánh
mặt Nam. Chợt được tin báo rằng Lưu Bị luyện tập quân mã, sắm sửa khí giới, định
lấy Tây Xuyên. Tháo thất kinh, nói:

- Nếu để cho Lưu Bị lấy được Tây Xuyên, thì vây cánh y to
mất. Dùng kế gì để trừ đi bây giờ?

Tháo chưa dứt lời, dưới thềm một người tiến ra thưa rằng:

- Tôi có một mẹo này làm cho Tôn Quyền, Lưu Bị không nhìn
ngó được nhau mà Giang Nam, Tây Xuyên về cả tay thừa tướng.

Đó là:

Hào kiệt Tây Lương vừa phải nạn,

Anh hùng nam quốc lại thêm lo.

Chưa biết người dâng kế là ai, xem đến hồi sau sẽ hiểu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3