Tam quốc diễn nghĩa - Chương 015 - Phần 1
HỒI 15
Thái Sử Từ ham đả Tiểu Bá Vương;
Tôn Bá Phù hăng đánh Nghiêm Bạch Hổ.
Cuối hồi trước, đang nói chuyện Trương Phi rút gươm ra sắp
tự vẫn, Lưu Bị trông thấy vội vàng bước lên giật lấy gươm, vứt xuống đất rồi
nói:
- Xưa có câu rằng “Anh em như chân tay; vợ con như áo mặc”. Áo
rách còn dễ may; chân tay gãy, chắp sao được? Ba anh em ta kết nghĩa với nhau ở
vườn đào, đã thề cùng sống chết với nhau. Nay dù mất thành trì vợ con nữa, sao
nỡ để anh em nửa đường chết đi cho đành. Phương chi thành trì không phải của ta;
vợ con ta bị hãm ở trong thành, nhưng ta chắc Lã Bố không nỡ giết, cũng còn
nghĩ kế cứu được. Hiền đệ nhầm một lúc, việc gì đã đến nỗi quyên sinh?
Lưu Bị nói xong rỏ nước mắt khóc. Quan, Trương cũng khóc cả.
Viên Thuật biết rằng Lã Bố đã cướp Từ Châu, sai người đến
nói với Bố rằng: Hễ Bố cùng giúp đánh Lưu Bị sẽ đưa cho năm vạn hộc lương, năm
trăm ngựa, một vạn lạng vừa vàng vừa bạc, một nghìn tấm vóc nhiễu.
Bố ưng ý lắm, sai ngay Cao Thuận dẫn năm vạn quân đến đánh
mé sau Lưu Bị.
Lưu nghe tin ấy, nhân khi mưa dầm rút quân bỏ Vu Thai chạy, muốn
về lấy Quảng Lăng.
Khi Cao Thuận đến nơi, Lưu Bị đã đi rồi. Thuận vào ra mắt Kỷ
Linh, đòi những đồ Viên Thuật đã hứa cho. Linh nói:
- Ông cứ về. Để tôi vào nói với chúa công tôi.
Thuận từ giã Kỷ Linh, về thuật lại với Lã Bố. Bố còn đang hồ
nghi, chợt có thư của Viên Thuật đưa đến, trong thư nói rằng:
“Cao Thuận tuy có đến giúp, nhưng Lưu Bị chưa trừ được. Đợi
khi nào bắt được Lưu Bị, bấy giờ tôi sẽ đưa các đồ đã hứa cho ngài.”
Bố giận lắm, cho Viên Thuật là đồ thất tín, muốn kéo quân
sang đánh, Trần Cung can rằng:
- Không nên! Viên Thuật giữ Thọ Xuân, binh nhiều lương rộng.
Chớ nên khinh địch. Không bằng mời Lưu Bị lại về đóng quân ở Tiểu Bái để làm
vây cánh cho ta. Về sau sai Lưu Bị làm tiên phong, trước đánh Viên Thuật sau
đánh Viên Thiệu rồi có thể tung hoành thiên hạ được.
Bố nghe lời, sai người đem thư đi mời Lưu Bị.
Bấy giờ Lưu Bị đã kéo quân về đông lấy đất Quảng Lăng, bị
Viên Thuật vào cướp trại, quân lính hao hụt quá nửa, gặp sứ của Lã Bố đến, đưa
thư mời về Tiểu Bái. Lưu Bị mừng lắm. Quan, Trương nói:
- Lã Bố là đứa vong ân bội nghĩa, không nên tin.
Lưu Bị nói:
- Nó lấy bụng tử tế đãi ta, việc gì phải nghi?
Ba anh em lại kéo quân về Từ Châu. Lã Bố sợ Lưu Bị còn nghi
hoặc, trước hết sai người đưa trả lại gia quyến. Cam phu nhân và Mi phu nhân về
gặp Lưu Bị, kể hết sự tình, nói rằng Lã Bố thường sai người giữ cửa nhà, cấm
không cho ai được vào, lại thường thường sai thị thiếp đưa đồ ăn, thức dùng đến,
không bao giờ phải thiếu thốn. Lưu Bị mới bảo Quan, Trương rằng:
- Ta đã biết Lã Bố tất không hại gia quyến ta!
Lưu Bị vào thành để tạ Lã Bố. Trương Phi không chịu theo vào,
đem hai chị về Tiểu Bái trước.
Lưu Bị vào ra mắt lạy tạ Lã Bố. Bố nói:
- Tôi không phải muốn cướp thành. Bởi vì Trương Phi ở đây, hay
say rượu giết người, tôi e xảy ra chuyện bất trắc, nên tôi lại giữ hộ đấy thôi!
Lưu Bị nói:
- Tôi vẫn muốn nhường anh đã lâu.
Bố giả dạng nhường lại cho Lưu Bị. Lưu Bị nhất quyết không
chịu, về đóng ở Tiểu Bái.
Quan, Trương trong bụng không bằng lòng.
Lưu Bị nói:
- Nhún mình yên phận, để đợi thời; không thể cưỡng lại số
mệnh được!
Lã Bố thường thường sai người đưa lương ăn và vải lụa đến. Từ
bây giờ hai bên lại hòa thuận với nhau.
Trong khi ấy thì Viên Thuật ở Thọ Xuân mở tiệc yến to, hội
tướng sĩ lại ăn uống. Chợt có người báo rằng:
- Tôn Sách đi đánh thái thú Lư Giang là Lục Khang, thắng lợi
trở về.
Thuật gọi Sách đến. Sách lạy ở dưới thềm. Thuật hỏi han
chuyện trò xong rồi cho Sách ngồi dự tiệc.
Nguyên Tôn Sách từ khi bố mất, về ở Giang Nam kính người
hiền, tôn kẻ sĩ, sau nhân Đào Khiêm cùng với cậu Sách, là thái thú Đang Dương
tên là Ngô Cảnh không hòa với nhau, Sách mới đem mẹ và gia thuộc về Khúc A, mình
thì sang ở với Viên Thuật.
Thuật yêu Sách lắm, thường vẫn than rằng:
- Giá ta có được đứa con như Tôn Lang, chết cũng không ân
hận gì nữa.
Thuật cho Sách làm hoài nghĩa hiệu úy, sai đem binh sang
đánh Tổ Lang ở Kinh Huyện.
Sách đánh được.
Thuật thấy Sách giỏi, lại sai sang đánh Lục Khang, cũng đánh
được. Bấy giờ trở về.
Sách vào ăn tiệc. Khi tiệc đã tan, Sách về trại, nghĩ trong
tiệc Thuật đã đãi mình khi ngạo bỉ một chút, trong bụng buồn bực, bèn lẩn đi
bách bộ dưới bóng trăng ngoài sân. Nhớ đến sự ngày xưa, cha là Tôn Kiên thì anh
hùng như thế mà minh thì lưu lạc thế này, bất giác hu hu cất tiếng khóc. Chợt
có người ở ngoài đến cười to lên hỏi rằng:
- Bá Phù sao thế? Khi Tôn Công còn, việc gì cũng dùng dùng
đến ta, nay anh có việc gì không quyết, sao chẳng hỏi ta mà lại khóc thế?
Sách trông xem ai, thì là Chu Trị, tên chữ là Quân Lý người
ở Đan Dương; nguyên là tùng sự của Tôn Kiên ngày xưa.
Sách gạt nước mắt mời ngồi nói rằng:
- Tôi khóc là vì tôi giận tôi không nối được chí bố tôi ngày
xưa.
Trị nói:
- Sao không tới với Viên Công Lộ, mượn binh kéo sang Giang
Đông mượn tiếng là đi cứu Ngô Cảnh, nhưng sự thực là để mưu đồ nghiệp lớn, sao
lại cứ chịu mãi ở dưới người ta?
Hai người đang bàn nhau, chợt lại có một người nữa ở đâu
chạy vào nói rằng:
- Các ông bàn nhau việc gì tôi đã biết rồi, nay tôi có trăm
quân lính tráng, xin giúp Bá Phù một tay.
Sách nhìn xem ai thì là mưu sĩ của Viên Thuật tên là Lã Phạm,
tên chữ là Tử Hoành, người ở Nhữ Dương. Sách mừng lắm, mời cùng ngồi nói chuyện.
Lã Phạm nói:
- Tôi chỉ lo Viên Thuật không cho mượn quân.
Sách nói:
- Tôi có một vật báu để làm tin. Vật ấy là truyền quốc ngọc tỉ
của cha tôi để lại cho.
Phạm nói:
- Công Lộ thèm được ngọc ấy đã lâu.
Hôm sau Sách vào ra mắt Viên Thuật, khóc nói rằng:
- Thù cha tôi chưa báo được, ngày nay cậu tôi là Ngô Cảnh
lại bị thứ sử Dương Châu là Lưu Do bức bách. Mẹ già và vợ con ở cả Khúc A, e
rằng sẽ bị hại. Vậy tôi xin mượn tướng quân vài nghìn hùng binh để sang sông
cứu nạn, và để thăm nhà. Sợ minh công không tin, tôi xin đem ngọc tỉ của cha
tôi để lại, để làm tin.
Thuật thấy ngọc tỉ vồ ngay lấy xem, mừng lắm nói rằng:
- Ta không phải cầu chi ngọc tỉ của ngươi, nhưng hãy tạm để
đây, ta cho mượn ba nghìn binh, năm trăm ngựa, khi nào bình định rồi phải về
ngay. Vả ngươi nay chức nhỏ ngồi thấp khó giữ được quyền lớn, ta cất cho người
lên làm triết sung hiệu úy, điển khấu tướng quân.
Ngay ngày hôm ấy cho lĩnh quân đi.
Sách lạy tạ rồi dẫn quân mã, đem cả Chu Trì, Lã Phạm và
tướng cũ của cha là Trình Phổ, Hoàng Cái, Hán Đương, chọn ngày khởi binh.
Đi đến Lịch Dương, gặp một toán quân, có một người đi trước,
dáng điệu phong Lưu Bị, nghi dung đẹp đẽ, trông thấy Tôn Sách, nhảy xuống ngựa
vái một cái.
Sách nhìn xem ai, thì là Chu Du, tự là Công Cẩn, người ở Thư
Thành, quận Lư Giang.
Vốn khi Tôn Kiên đánh Đổng Trác, Du đem gia quyến về ở Thư
Thành. Du với Sách hai người cùng một tuổi, chơi với nhau rất thân, kết làm anh
em. Sách hơn Du có vài tháng, Du thờ làm anh.
Chú Chu Du là Chu Thượng làm Thái thú ở Đan Dương. Bữa ấy Du
sang thăm chú, đi đến đấy gặp Tôn Sách.
Sách mừng lắm, đem sự tình kể với Du. Du nói:
- Tôn xin hết sức khuyển mã, để cùng anh mưu toan nghiệp lớn.
Sách nói:
- Ta nay được Du, việc lớn tất phải xong.
Rồi bảo Chu Trị, Lã Phạm cùng đến gặp Chu Du.
Du bảo Sách rằng:
- Anh nay muốn làm việc to, có biết Giang Đông có hai họ
Trương không?
Sách hỏi:
- Ai vậy?
Du nói:
- Một người ở Bành Thành, tên là Trương Chiêu, tự là Tử Bố; một
người ở Quảng Lăng, tên là Trương Hoành, tự là Tử Cương. Hai người ấy đều có
tài ngang trời dọc đất; nhân tránh loạn đến ở đấy, sao anh không đón mời hai
người ấy.
Sách sai người đem đồ lễ đến mời Trương Chiêu, Trương Hoành.
Hai người đều từ chối không đến. Sách phải thân đến tận nơi, cùng hai người nói
chuyện. Sách rất lấy làm bằng lòng cố mời đi mời lại mãi, hai người mới chịu
vâng lời. Sách cho Trương Chiêu làm trưởng sử, kiêm chức phủ quân trung lang
tướng; Trương Hoành làm tham mưu, chánh nghị hiệu úy.
Cùng nhau bàn mưu sang đánh Lưu Do.
Lưu Do, tự là Chính Lễ, người ở Mâu Bình quận Đông Lai, cũng
là Tôn thân nhà Hán, châu quan thái úy Lưu Sủng, em quan thứ sử Duyện Châu Lưu
Đại. Trước làm thứ sử Dương Châu, đóng ở Thọ Xuân, sau bị Viên Thuật đuổi sang
Giang Đông, cho nên đến Khúc A ở.
Bấy giờ Lưu Do nghe thấy quân Tôn Sách đến, vội vàng họp các
tướng để bàn.
Bộ tướng là Trương Anh nói:
- Tôi xin lĩnh một cánh quân, đóng đồn Ngưu Chử, quân giặc
dẫu có trăm vạn cùng không dám đến gần.
Nói chưa dứt lời, dưới trướng, có một người kêu to lên rằng:
- Tôi xin làm tiền bộ tiên phong!
Các tướng nhìn xem ai, thì la Thái Sử Từ, người ở Đông Lai.
Từ, tự khi giải được vây Bắc Hải cho Khổng Dung, sang với
Lưu Do. Do giữ lại ở dưới trướng.
Do bảo:
- Ngươi còn ít tuổi, chưa nên làm đại tướng, hãy nên ở tả
hữu ta để nghe mệnh lệnh.
Từ không bằng lòng lui ra.
Trương Anh lĩnh quân đến Ngưu Chử, chứa mười vạn hộc lương ở
Lầu Các.
Tôn Sách dẫn quân đến. Trương Anh ra địch.
Hai bên hội quân ở trên bãi sông Ngưu Chử.
Trương Anh ra ngựa chửi mắng, Hoàng Cái ra đánh nhau với
Trương Anh, chưa được vài hiệp, bỗng thấy trong quân Trương Anh bối rối, rồi
thấy nói: “Trong trại có người phóng hỏa.”
Anh vội rút quân về. Tôn Sách thừa thế đánh dấn, Trương Anh
thế cùng phải bỏ Ngưu Chử chạy trốn vào trong núi sâu.
Người phóng hỏa ở trong trại nguyên là hai viên kiện tướng. Một
là Tưởng Khâm, tự là Công Địch, người ở Thọ Xuân xứ Cửu Giang, một là Chu Thái,
tự là Ấu Bình, người ở Hạ Sái xứ Cửu Giang. Hai người gặp phải thời loạn, tụ
quân trong sông Dương Tử, cướp bóc kiếm ăn; vốn nghe tiếng Tôn Sách là người
hào kiệt ở Giang Đông, hay cầu người hiền, vời kẻ sĩ, cho nên dẫn đồ đảng hơn
ba trăm người đến theo. Sách mừng lắm, dùng làm tướng tiền hiệu úy, thu được cả
tiền lương khí giới ở Ngưu Chử, lại thêm được hơn bốn nghìn quân hàng, liền
tiến binh lên đóng ở Thần Đình.
Trương Anh thua trở về vào ra mắt Lưu Do. Do giận muốn đem
chém, lại có các mưu sĩ là Trích Dung và Tiết Lễ can mãi mới tha, sai Trương
Anh đem quân đóng ở thành Linh Lăng để chống giặc. Do tự lĩnh quân ra mé nam
núi Thần Đình cắm trại.
Tôn Sách đóng ở phía Bắc núi ấy.
Hôm sau Sách gọi người ở đấy hỏi rằng:
- Ở gần đây có miến nào thờ vua Hán Quang Vũ chăng?
Người ấy thưa:
- Có miếu ở trên đỉnh núi.
Sách nói:
- Đêm ta chiêm bao thấy vua Quang Vũ gọi ta vào tương kiến. Ta
định lên miếu ấy cầu.
Trưởng sử là Trương Chiêu can rằng:
- Không nên đi! Mé nam núi này có trại Lưu Bị Do. Ngộ nó có
phục binh làm thế nào?
Sách nói:
- Ta đã có thần thánh phù hộ, việc chi còn phải sợ?
Nói xong liền mặc áo giáp, cầm giáo lên ngựa, rồi đem bọn
Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Dương, Tưởng Khâm và Chu Thái cả thảy mười ba người
cùng cưỡi ngựa lên núi. Đến miếu xuống ngựa, vào thắp hương lễ bái, Sách quỳ
xuống khấn rằng:
- Tôi là Tôn Sách. Xin nguyện rằng nếu lập được nghiệp lớn ở
đất Giang Đông, khôi phục lại được cơ đồ của cha tôi ngày xưa, xin sửa sang lại
đình miếu bốn mùa lễ bái.
Sách khấn vái xong đi ra miếu, lên ngựa ngoảnh lại bảo các
tướng:
- Ta muốn qua bên kia núi, dòm xem dinh trại Lưu Do đóng ra
làm sao?
Các tướng ai cũng ngăn:
- Không nên!
Sách không nghe, cứ việc đi. Các tướng cũng phải đi theo. Đến
phía Nam núi, đứng trên trông xuống rừng rú và trại Lưu Do đóng. Có quân canh
đường, chạy về báo với Lưu Do. Do nói:
- Đây hẳn là mẹo Tôn Sách đến dử mình đây, không nên ra đánh.
Thái Sử Từ nhả lên nói rằng:
- Lúc này không bắt Tôn Sách thì còn đợi đến lúc nào?
Nói xong không đợi lệnh Lưu Do, tự mặc ngay áo giáp, lên
ngựa cầm giáo ra ngoài trại, hô lên:
- Ai có gan thì theo ta!
Các tướng không ai nhúc nhích. Chỉ có một tiểu tướng bước ra
nói:
- Thái Sử Từ thế mới gọi là tướng giỏi. Ta nên đi giúp một
tay.
Nói rồi lên ngựa đi theo Thái Sử Từ. Các tướng đều tủm tỉm
cười.
Tôn Sách ngắm xem độ nửa giờ mới quay ngựa trở về. Vừa đi
qua được đỉnh núi nghe thấy đằng sau có người thét:
- Tôn Sách đừng chạy nữa!
Sách ngoảnh lại thấy hai tướng cưỡi ngựa chạy đến. Sách gạt
mười hai tướng ra, một mình cầm ngang ngọn giáo, cưỡi ngựa đứng đợi ở dưới núi.
Thái Sử Từ hỏi to:
- Người nào là Tôn Sách?
Sách hỏi:
- Mày là thằng nào?
Từ đáp:
- Ta là Thái Sử Từ ở Đông Lai, ta lại đây chỉ cốt để bắt Tôn
Sách.
Sách cười nói:
- Đây! Tôn Sách đây! Cho cả hai thằng chúng bay lại đánh một
mình ta, ta không sợ. Nếu ta sợ, sao gọi là Tôn Bá Phù?
Từ nói:
- Tất cả chúng mày đều đến, ta cũng không sợ.
Nói xong thúc ngựa múa kích vào đánh Tôn Sách. Sách vác giáo
địch lại. Hai ngựa giao nhau, đánh được hơn năm mươi hiệp, được thua chưa phân,
lũ Trình Phổ đứng ngoài khen thầm rằng giỏi. Từ thấy Sách đánh giáo không hở
miếng nào. Giả cách thua chạy để dử cho Tôn Sách đuổi ra xa. Từ không đi đường
cũ lên núi, lại rẽ về sau núi mà chạy, Sách vừa đuổi vừa thét to:
- Chạy không phải là hảo hán!
Từ trong bụng nghĩ thầm:
- Nó có mười hai người đi theo, ta chỉ trọi một mình. Vì dù
bắt được nó, cũng bị chúng cướp mất. Phải dử cho nó đi một đường nữa, để cho
chúng không biết đường nào mà tìm, bấy giờ ta sẽ ra tay.
Bởi thế vừa đánh vừa lùi. Sách cũng cứ đuổi, đuổi nhau mãi
đến chỗ bằng phẳng, bấy giờ Từ mới quay lại đánh. Đánh nhau được hơn năm mươi
hiệp nữa, Sách phóng ngọn giáo lại. Từ tránh ngay được, lại trở tay bắt được
giáo. Từ lại phóng giáo lại. Sách cũng tránh được và giơ tay bắt lấy giáo, rồi
nắm chặt lấy. Từ chạy lại giằng kích, hai người kéo co nhau rồi, cùng nhảy cả
xuống ngựa. Để ngựa chạy đi đâu không biết nữa.
Lôi kéo nhau chán rồi hai người cùng buông cả giáo ra, túm
lấy nhau mà đánh. Hai bên, bên nào áo chiến cũng tan nát. Sách nhanh tay vớ
được cái kích gài ở lưng Từ; Từ giật ngay được mũ đâu mâu của Sách. Sách cầm
kích đâm Từ, Từ lấy mũ che đỡ.
Giữa lúc ấy có tiếng reo ầm ầm kéo đến, quân tiếp ứng của
Lưu Do, ước hơn nghìn người.
Sách đã làm nguy, may đâu bọn Trình Phổ mười hai tướng cưỡi
ngựa cũng vừa tìm được đến.
Hai người bấy giờ mới buông nhau ra.
Từ lên một con ngựa khác, lại cầm lấy giáo trở về.
Ngựa của Tôn Sách, Trình Phổ bắt được, Sách cũng nhặt lấy
kích rồi lên ngựa.
Một nghìn quân Lưu Do cùng mười hai tướng Tôn Sách hai bên
đánh nhau. Đánh lần quanh mãi đến tận dưới núi Thần Đình.
Bấy giờ lại thấy tiếng reo, Chu Du kéo quân đến. Lưu Do lại
dẫn đại quân xuống núi. Khi ấy trời đã vàng vàng rồi, tự dưng nổi cơn mưa gió, hai
bên cùng thu quân về.
Hôm sau, Tôn Sách dẫn quân đến trước trại Lưu Do. Do cũng
đem quân ra đón.
Khi hai bên bầy trận rồi, Tôn Sách lấy cái kích nhỏ rút được
của Từ hôm trước, đem buộc ở đầu giáo, cầm ra giễu ở trước trận, rồi sai quân
hô to lên rằng:
- Giá Thái Sử Từ không chạy mau chân thì đã bị kích này đâm
chết.
Từ cũng đem mũ đâu mâu của Sách ra trước trận, sai quân hô
lên rằng:
- Đầu Tôn Sách đã ở đây rồi!
Hai bên nhạo báng lẫn nhau, reo ầm cả lên. Bên cậy khỏe, bên
khoe tài. Thái Sử Từ phóng ngựa ra định cùng Tôn Sách quyết phân thắng bại.
Sách sắp sửa ra. Trình Phổ nói:
- Chúa công lọ là phải khó nhọc. Tôi xin ra bắt nó.
Trình Phổ ra trận. Từ nói:
- Mà không đáng địch với ta. Về gọi Tôn Sách ra đây!