Tam quốc diễn nghĩa - Chương 012
HỒI 12
Đào Cung Tổ ba lần nhượng Từ Châu;
Tào Mạnh Đức một phen đánh Lã Bố.
Tào Tháo đang chạy luống cuống, may đâu phía nam có một toán
quân kéo đến. Nguyên là Hạ Hầu Đôn dẫn quân lại cứu, chẹn ngang đường đánh nhau
với Lã Bố. Đánh nhau đến xâm xẩm tối, một cơn mưa to như trút nước xuống, hai
bên đều dẫn quân về.
Tháo về đến trại, trọng thưởng Điển Vi, giao cho làm chức
Lĩnh quân đô úy
Lã Bố về trại, cùng Trần Cung bàn bạc, Cung nói:
- Ở trong thành Bộc Dương, có một nhà giàu, họ Điền, đầy tớ
hàng trăm nghìn người, có tiếng ở trong một quận này. Ta nên khiến nhà ấy mật
sai người đưa thư cho Tào Tháo nói rằng: “Lã Ôn Hầu tàn bạo bất nhân, lòng
người rất oán ghét; nay muốn đem quân sang Lê Dương, chỉ còn có Cao Thuận ở
trong thành, nên lập tức tiến ngay, ta xin làm nội ứng...” Nếu Tháo đến, dụ cho
vào trong thành, rồi bốn mặt phóng hỏa, ngoài đặt quân phục. Tháo tuy có tài
ngang trời dọc đất cũng không thoát được.
Lã Bố nghe theo, mật dụ họ Điền đưa thư cho Tào Tháo.
Tháo nhân lúc mới thua, còn đương lo lắng, chợt có người vào
báo họ Điền ở Bộc Dương sai người đưa mật thư đến.
Thư rằng:
“Lã Bố đã đi sang Lê Dương, trong thành bỏ không. Xin ngài
đến ngay, tôi nguyện làm nội ứng. Trên thành cắm lá cờ trắng, viết to một chữ “Nghĩa”
làm mật hiệu.”
Tào Tháo cả mừng nói rằng:
- Trời cho ta Bộc Dương rồi!
Bèn trọng thưởng cho người đưa thư, rồi lập tức thu xếp khởi
binh.
Lưu Hoa nói rằng:
- Lã Bố tuy vô mưu, nhưng có Trần Cung nhiều mẹo lắm. Tôi
chỉ sợ trong việc này có phần lừa dối, ta phải phòng trước. Minh Công muốn đi
thì nên chia quân ra làm ba đội. Hai đội phục ở ngoài thành để tiếp ứng, một
đội vào thành, như thế mới được.
Tháo nghe lời chia quân ra làm ba đội, đến thành Bộc Dương. Tháo
đi trước nghe ngóng, trông thấy trên mặt thành cờ cắm đặc cả, trên góc cửa Tây
có một lá cờ trắng và chữ “Nghĩa”, trong bụng đã mừng thầm.
Giờ Ngọ hôm ấy, hai tướng trong thành kéo quân ra đánh, tiền
quân là Hầu Thành, hậu quân là Cao Thuận.
Tào Tháo sai Điển Vi cưỡi ngựa xông ra, xông thẳng vào đánh
Hầu Thành. Thành địch không nổi, quay ngựa chạy vào. Vì đuổi sấn đến tận bên
cầu hào. Cao Thuận chống không được cũng lui binh vào trong thành.
Trong khi ấy có người trong thành, thừa cơ chạy ra ngoài, đến
ra mắt Tào Tháo nói là người họ Điền, đưa trình mật thư, trong thư hẹn rằng:
“Đêm nay, hồi canh một, trên thành khua chiêng làm hiệu thì
tướng quân tiến binh vào. Tôi làm nội ứng, dâng thành.”
Lý Điển can rằng:
- Chúa Công nên đứng ở ngoài thành, để chúng tôi vào.
Tháo nói to rằng:
- Ta không đi thì ai chịu xông lên trước?
Nói rồi tự lĩnh binh xông thẳng vào. Bấy giờ mới đầu canh
một, trăng chưa lên, chỉ nghe thấy trên cửa tây có tiếng tù và, rồi lại có
tiếng reo. Trên cửa lửa đốt sáng rực; cửa thành mở to; cầu treo bỏ xuống.
Tào Tháo tế ngựa lên trước, đi thẳng đến tận nha thự, trên
đường chẳng thấy một người nào cả. Tháo biết là mắc mưu, vội vàng quay ngựa trở
lại hô quân lui ra.
Lúc ấy trong chân nha có một tiếng pháo nổ, bốn cửa thành
lửa cháy rực trời; trống đánh vang lừng, người reo rầm rĩ, như sóng cồn bể reo.
Mé đông, Trương Liêu trổ ra; mé tây Tang Bá chạy lại; hai bên đánh dồn vào. Tháo
chạy ra cửa bắc lại Hách Manh, Tào Tính đánh cho một trận. Tháo chạy ra cửa nam,
lại bị Cao Thuận, Hậu Thành chặn đánh, may có Điển Vi trợn mắt nghiến răng, xông
vào đánh cứu. Cao Thuận, Hầu Thành phải chạy ra ngoài thành. Điển Vi đuổi ra
đến cầu treo, ngoảnh lại không thấy Tào Tháo.
Vi lại đánh vào trong thành, vào đến cửa gặp Lý Điển, Vi
hỏi:
- Chúa công đâu?
Điển nói:
- Ta cũng tìm không thấy.
Vi bảo Điển:
- Ngươi ra ngoài thúc quân ứng cứu, ta vào tìm chúa công.
Lý Điển đi ra. Điển Vi vào thành, tìm mãi không thấy, lại
đánh trở ra, ra khỏi bờ hào gặp Nhạc Tiến. Tiến hỏi:
- Chúa công đâu?
Vi nói:
- Tôi vào ra hai lần rồi, tìm chúa công mãi không thấy.
Tiến nói:
- Hai chúng ta phải cùng đánh vào để cứu chúa công.
Hai người cùng trở vào, đến bên thành, thì hỏa pháo trên
thành rơi xuống ngựa. Nhạc Tiến không sao vào được. Điển Vi xông pha khói lửa, lại
vào thành đi tìm Tào Tháo.
Tào Tháo nhìn thấy Điển Vi đánh đến tìm mình nhưng Tháo bị
bốn mặt quân mã chẹn lại chung quanh nên không ra được đường cửa nam, đành phải
chạy về cửa bắc, thế nào gặp ngay Lã Bố, nhưng trong bóng lửa nhấp nhoáng, Bố
không biết là ai.
Lã Bố cầm kích tế ngựa lại, Tháo lấy tay che mặt ra roi cứ
tế ngựa đi thẳng. Lã Bố ở đằng sau sấn ngựa lại, cầm ngọn kích gõ vào mũ Tào
Tháo hỏi rằng:
- Tào Tháo ở đâu?
Tháo trỏ tay nói rằng:
- Người cưỡi ngựa vàng ở đằng trước kia.
Bố tế ngựa đuổi người đằng trước, Tào Tháo quay ngựa lại
chạy ra cửa đông, may gặp ngay Điển Vi. Vi hộ vệ Tháo, mở một đường máu ra được
đến cửa thành.
Chung quanh thành lửa cháy ngùn ngụt, cỏ rác chồng chất khắp
cả, chỗ nào cũng có lửa.
Điển Vi cầm kích gạt lửa ra hai bên, tế ngựa xông vào khói
lửa ra trước. Tháo cũng theo sau ra được. Vừa đến cửa thành, có một cái xà cháy
trên nhà rơi vào chân sau ngựa của Tào Tháo, ngựa ngã gục xuống. Tháo lấy tay
đẩy cái xà ra, lửa bén vào cả cánh tay và đầu tóc. Điển Vi quay ngựa lại cứu. Vừa
may Hạ Hầu Uyên cũng ở đâu đến. Hai người cứu được Tháo dậy, xông qua lửa chạy
ra. Tháo cưỡi ngựa của Uyên, Vi đánh mở đường để chạy. Đánh nhau mãi đến sáng, Tháo
mới về được trại.
Các tướng vào lạy hỏi thăm. Tháo ngoảnh mặt lên cười nói
rằng:
- Ta lầm mắc phải kế thất phu, thề rằng thù này thế nào cũng
báo được.
Quách Gia nói:
- Có kế gì nên làm ngay!
Tháo nói:
- Nay nên nhân kế của nó mà làm kế của mình: Ta nói phao lên
rằng ta bị lửa cháy chết bỏng, Bố tất dẫn quân lại đánh. Ta phục binh ở trong
núi Mã Lăng, đợi nó đến nửa chừng, đổ ra mà đánh thì quyết bắt được Lã Bố.
Quách Gia nói:
- Thực là một kế hay.
Liền sai quân sĩ phát tang, để trở phao tin đi rằng Tào Tháo
đã chết.
Có người đến Bộc Dương báo với Lã Bố rằng:
- Tháo bị lửa cháy bỏng cả chân tay, về đến trại thì chết.
Lã Bố lập tức điểm quân mã, kéo đến núi Lã Lăng. Quân đi gần
đến trại Tào, một tiếng trống nổi, phục binh bốn mặt ồ ra. Lã Bố cố đánh, một
sống một chết, mới thoát được, tổn hại mất nhiều quân mã, chạy về Bộc Dương giữ
vững không dám ra nữa.
Năm nay có một thứ sâu, gọi là sâu hoàng ăn hại lúa má. Ở
vùng Quan Đông (Trường An), mỗi hộc thóc giá năm mươi quan. Dân chúng đói quá
phải ăn thịt lẫn nhau. Tào Tháo nhân hết lương, dẫn quân về đóng ở Nhân Thành. Lã
Bố cùng đem quân về đóng ở Sơn Dương. Vì vậy hai bên cùng tạm bãi binh.
Bấy giờ Đào Khiêm ở Từ Châu đã sáu mươi ba tuổi, chợt bị
bệnh, bệnh mỗi ngày một nặng, bèn mời My Chúc, Trần Đăng đến bàn việc. Chúc
nói:
- Quân Tào Tháo bỏ Từ Châu đi, cũng chỉ vì Lã Bố cướp Duyện
Châu mà thôi. Năm nay nó bãi binh cũng là vì mất mùa. Chắc rằng sang xuân thế
nào nó cũng đến. Phủ quân đã hai lần nhường chức cho Lưu Huyền Đức, bấy giờ phủ
quân còn khỏe cho nên Huyền Đức nhất định không chịu nhận. Nay bệnh phủ quân đã
nặng, nên lại cho mời Huyền Đức sang mà nhường chức một lần nữa, lần này Huyền
Đức chắc không từ chối.
Khiêm mừng lắm, sai ngay người đi mời Lưu Bị lại bàn việc
quân.
Lưu Bị đem Quan Vũ, Trương Phi và vài mươi tên kị mã đến Từ
Châu. Đào Khiêm cho mời vào chỗ nằm. Lưu Bị hỏi thăm xong, Khiêm nói:
- Tôi mời ông đến đây không phải có việc gì đâu, chỉ có một
việc: Tôi bây giờ bệnh đã nguy rồi, không biết sớm tối chết lúc nào. Vậy xin
minh công thương lấy thành trì nhà Hán, nhận lấy bài ấn Từ Châu này, thì tôi
xin chết mới nhắm được mắt.
Lưu Bị hỏi:
- Ông có hai con, sao không truyền cho, lại gọi tôi?
Khiêm nói:
- Tôi có hai thằng con, thằng lớn tên Thương, thằng bé tên
Ung, hai đứa cùng hèn kém lắm, không sao kham nổi được việc nước. Tôi một mai
nhắm mắt lại, cũng trăm nhờ minh công dạy bảo chúng nó, không nên cho chúng nó
coi đến việc châu.
Lưu Bị nói:
- Một mình tôi đảm đương sao nổi việc to lớn ấy!
Khiêm thưa:
- Tôi xin cử một người để giúp ông, người ở Bắc Hải, họ Tôn,
tên Càn, tự là Công Hựu. Ông nên dùng người ấy làm tùng sự.
Khiêm lại gọi My Chúc bảo rằng:
- Lưu Công là hào kiệt đời nay, ngươi nên thờ cho khéo nhé!
Huyền Đức vẫn còn từ chối...
Lúc ấy Đào Khiêm lấy tay trỏ vào bụng rồi tắt thở.
Các quan làm lễ điếu viếng xong rồi, liền đem bài ấn giao
cho Lưu Bị, Lưu nhất định không nhận.
Hôm sau cả dân châu kéo vào đầy phủ, van khóc nói rằng:
- Lưu sứ quân bằng không không chịu nhận việc quận này thì
dân chúng tôi không sao sống yên được.
Quan, Trương hai người cùng khuyên hai ba lần, Lưu Bị mới
chịu quyền lĩnh công việc Từ Châu; dùng Tôn Càn, My Chúc làm phụ tá; Trần Đăng
làm mạc quan; đem hết quân mã ở Tiểu Bái vào thành, treo bảng khuyên dân yên
nghiệp, rồi sắm sửa việc tang, Lưu Bị và quan quân lớn nhỏ, đều để trở. Tế lễ
linh đình xong, an táng Đào Khiêm trên bãi cao ở bên sông Hoàng Hà, rồi đem từ
di biểu của Đào Khiêm dâng lên triều đình.
Tào Tháo ở Nhân Thành, được tin Đào Khiêm đã chết và Lưu Bị
lĩnh chức mục Từ Châu, giận lắm nói rằng:
- Thù ta chưa báo xong! Lưu Bị nửa mũi tên không tốn, ngồi
yên mà được Từ Châu. Phen này ta quyết trước giết Lưu Bị, sau vằm thây Đào
Khiêm để rửa oán cho thân phụ ta!
Lập tức truyền lệnh cất quân sang đánh Từ Châu. Tuân Úc lên
can rằng:
- Xưa nay Cao Tổ giữ ở quan Trung, vua Quang Vũ giữ ở Hà Nội,
đều là được sâu rễ bền gốc; tiến lên thì đánh được giặc, lui về thì giữ được
thành, cho nên tuy có lúc nguy khốn, nhưng về sau cũng vẫn làm nổi được nghiệp
lớn. Minh công lúc đầu vốn khởi sự ở Duyện Châu, mà đất Hà, đất Tế lại là đất
hiểm trong thiên hạ và cũng là Quan Trung, Hà Nội ngày xưa. Nay nhược bằng minh
công sang lấy Từ Châu, để binh ở đây thì Lã Bố lại thừa cơ đến cướp, thế là bỏ
mất Duyện Châu. Nếu Từ Châu lại không lấy được, minh công sẽ đi đâu? Nay Đào
Khiêm tuy chết, nhưng đã có Lưu Bị giữ. Dân Từ Châu đã quy phục Lưu Bị lắm, tất
nhiên cố sức giúp Lưu Bị. Minh công bỏ Duyện Châu để sang lấy Từ Châu, thì khác
nào bỏ cái lớn mà đi tìm cái nhỏ, bỏ chỗ gốc đi tìm chỗ ngọn, đem sự yên mà đổi
lấy sự nguy. Xin minh công phải nghĩ cho chín đã!
Tháo nói:
- Năm nay mất mùa, thiếu lương ăn, quân sĩ cứ đóng ở đây
cũng không xong.
Tuân Úc nói:
- Không bằng ta kéo sang mặt đông, lấy đất Trần cho quân
sang ăn ở đó. Vả lại dư đảng Khăn Vàng là Hà Nghi, Hoàng Thiệu ở Nhữ Nam và
Vĩnh Xuyên, cướp bóc châu quận, vàng lụa, lương thực có nhiều. Những giặc cỏ ấy
phá dễ như chơi. Phá chúng nó, lấy lương thực để nuôi quân sĩ, như thế triều
đình cũng mừng, dân gian cũng hả. Chính là một việc làm thuận lòng trời đó!
Tháo mừng lắm, liền cho Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân ở lại giữ Nhân
Thành, mình thì đem quân sang lấy đất Trần, Nhữ Nam và Dĩnh Xuyên.
Đám dư đảng Khăn Vàng là Hà Nghi và Hoàng Thiệu thấy quân
Tào Tháo kéo đến, đem binh ra đánh. Hai bên giáp trận nhau ở núi Dương Sơn.
Quân giặc tuy nhiều nhưng toàn là những đồ lăng nhăng, hỗn
độn không thành đội ngũ.
Tháo sai lấy cung mạnh, nỏ cứng bắn sang. Điển Vi cưỡi ngựa
ra. Hà Nghi sai phó nguyên soái ra đánh, đánh nhau chưa được ba hiệp, bị Vi đâm
chết lăn xuống dưới ngựa. Tào Tháo thừa thế dẫn quân sấn qua núi Dương Sơn đóng
trại.
Hôm sau Hoàng Thiệu tự dẫn quân lại. Bày trận xong sai một
tướng đi bộ ra, đầu đội khăn vàng, mình mặc áo xanh, tay cầm côn sắt, thét to
lên rằng:
- Ta là Tiệt Thiên Dạ sao Hà Man, ai dám ra đây đấu với ta
nào?
Tào Hồng quát to một tiếng, phi mình từ trên ngựa nhảy xuống
đất, vác dao đi bộ ra.
Hai người ở trước trận đánh nhau ba bốn mươi hiệp chưa phân
thắng bại, Hồng giả cách thua chạy. Hà Man sấn vào, Hồng dùng kế đa đao, quay
mình lại chém trúng Hà Man; Hồng lại bồi thêm một nhát nữa, Hà Man chết.
Lý Điển thấy thế phi ngựa thẳng vào trận giặc. Tướng giặc
Hoàng Thiệu chưa kịp đề phòng, bị Điển bắt sống.
Quân Tào đánh giết quân giặc, cướp được vô số tiền bạc, lương
thực.
Còn Hà Nghi thế cô, dẫn vài trăm quân kị chạy về thung lũng
Cát Pha.
Lúc đang đi đường, chợt gặp một toán quân ở trong núi kéo ra,
một tráng sĩ đứng đầu, mình cao tám thước, lưng to mười chét tay, cầm thanh đao
lớn ra chẹn đường. Nghi vác dao đánh, chỉ mới được một hiệp, đã bị tráng sĩ ấy
bắt sống. Quân sĩ luống cuống đều xuống ngựa chịu trói. Tráng sĩ xua cả vào
thung lũng Cát Pha.
Điển Vi truy kích Hà Nghi tới Cát Pha, thì có một tráng sĩ
dẫn quân ra chặn lại. Vi hỏi:
- Mày cũng là giặc Khăn Vàng à?
Tráng sĩ đáp:
- Lũ Khăn Vàng có vài trăm kị mã, ta đã bắt nhốt cả trong
thung lũng này.
Vi hỏi:
- Sao không đem ra nộp?
Tráng sĩ nói:
- Hễ mày địch được với thanh đao trong tay này thì ta đem
chúng nó ra nộp.
Vi giận lắm, vác đôi kích lại đánh. Hai người đánh nhau từ
giờ Thìn đến giờ Ngọ, không ai thua không ai được, hai bên cùng tạm nghỉ. Được
một lát tráng sĩ lại ra thách đánh. Điển Vi cũng ra, đánh nhau đến mãi chiều
tối. Hai ngựa cùng mỏi, hai người lại phải tạm nghỉ lần nữa. Quân thủ hạ Điển
Vi chạy về báo với Tào Tháo.
Tháo thất kinh, vội vàng dẫn các tướng lại xem.
Hôm sau tráng sĩ lại ra thách đánh nhau.
Tháo trông thấy người ấy uy phong lẫm liệt, trong bụng mừng
thầm, dặn Điển Vi rằng:
- Nay ngươi hãy giả cách thua đi!
Vi vâng lời ra đánh, được ba mươi hiệp. Vi giả cách thua
chạy về trận, tráng sĩ sấn đến, trong cửa trận cung nỏ bắn ra tua tủa. Tráng sĩ
phải quay trở về.
Tháo kíp dẫn quân lùi năm dặm, mật sai người đào sẵn một hầm
hố, phục sẵn câu thủ.
Hôm sau lại sai Điển Vi dẫn hơn trăm quân kị ra.
Tráng sĩ cười mà nói rằng:
- Tướng đã thua, sao lại còn dám đến đánh?
Nói rồi liền phóng ngựa ra đánh.
Điển Vi đánh được vài hiệp lại quay ngựa chạy. Tráng sĩ cố
sức đuổi theo, không ngờ cả người lẫn ngựa cùng sa xuống hố cả, bị quân phục ra
trói lại đem về nộp Tào Tháo.
Tháo vội vàng xuống trướng, mắng đuổi quân sĩ, tự cởi trói
cho tráng sĩ, sai người lấy áo mặc cho, mời ngồi tử tế, rồi hỏi tên họ làng mạc
ở đâu, tráng sĩ nói:
- Tôi là người ở Tiêu Huyện, nước Tiêu, họ Hứa tên Chử, tự
là Trọng Khang. Nguyên trước gặp buổi loạn lạc, tụ cả tôn tộc vài trăm người, đắp
một cái lũy ở trong thung lũng này để chống cự. Một bữa có giặc đến, tôi sai
người nhà lấy đá vụn để sẵn, rồi tôi cầm đá ném ra, chẳng sai hòn nào. Giặc
thấy vậy phải chịu lui. Lại một hôm nữa giặc đến, trong thung lũng tôi không có
lương, phải hòa với giặc, xin đem trâu cày đổi cho nó, để lấy gạo. Lúc gạo giặc
đã đưa đến rồi, giặc dắt trâu ra ngoài cửa thung lũng thì trâu đều chạy ngược
trở lại, tôi lấy tay nắm lấy hai đuôi trâu kéo lại đi giật lùi được hơn một
trăm bước. Giặc thấy thế đều thất kinh, không dám lấy trâu nữa. Bởi thế tôi mới
giữ được ở đây yên ổn, không việc gì.
Tháo nói:
- Ta biết ngươi đã lâu. Nay ngươi có chịu hàng không?
Chử nói:
- Bụng tôi muốn thế đã lâu rồi.
Chử về dẫn cả họ hàng vài trăm người ra hàng Tào Tháo. Tháo
cho làm đô úy, thưởng rất hậu rồi đem Hà Nghi, Hoàng Thiệu ra chém.
Nhữ Nam, Dĩnh Xuyên, từ ấy đều bình định cả.
Tháo rút quân về.
Tào Nhân, Hạ Hầu Đôn ra tiếp kiến, nói rằng:
- Mấy hôm nay quân đi do thám về báo rằng: ở Duyện Châu quân
sĩ Tiết Lan, Lý Phong ra ngoài đi ăn cướp, thành bỏ trống không, chúa công đem
quân vừa thắng trận trở về mà đánh, chỉ một trận là hạ được thành.
Tháo liền đem quân đi đường tắt đến Duyện Châu.
Tiết Lan, Lý Phong không ngờ có quân đến, chưa kịp phòng bị,
nhưng cũng phải đem quân ra ngoài thành để đánh.
Hứa Chử nói:
- Tôi xin bắt hai đứa này để làm lễ ra mắt.
Tháo mừng sai Chử ra trận, Lý Phong vác họa kích lại đánh. Hai
ngựa giao nhau mới được hai hiệp, Chử chém Phong chết lăn xuống dưới ngựa.
Tiết Lan vội vàng chạy về. Lý Điển chẹn ngang bên cầu. Lan
không dám vào thành, dẫn quân kéo về Cự Giã, đang đi gặp ngay Lã Kiên tế ngựa
lại đuổi bắn một phát tên. Lan chết ngã quay xuống đất. Quân Tiết Lan, Lý Phong
vỡ tan cả. Tháo lấy lại được Duyện Châu.
Trình Dục xin tiến binh lấy lại nốt Bộc Dương.
Tháo sai Hứa Chử, Điển Vi làm tiên phong; Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu
Uyên làm tả quân; Lý Điển, Nhạc Tiến làm hữu quân; Tào Tháo tự lĩnh trung quân;
Vu Cấm, Lã Kiền làm hậu quân.
Quân Tào đến Bộc Dương, Lã Bố muốn ra đánh, Trần Cung can
rằng:
- Không nên đánh vội. Đợi các tướng đến đây đủ cả, rồi hãy
hay.
Bố nói:
- Ta có sợ ai!
Không nghe lời Trần Cung, Bố cứ đem quân ra trận, cầm ngang
ngọn kích thét mắng.
Hứa Chử ra địch, hai bên đánh nhau hai mươi hiệp chưa bên
nào được thua. Tháo nói:
- Một người không thắng nổi Lã Bố được.
Nói rồi sai Điển Vi ra giúp Hứa Chử đánh Lã Bố.
Hai tướng giáp lại đánh, bên tả thì Đôn, Uyên, bên hữu thì
Điển, Tiến, cùng kéo ra, sáu tướng quây quần lại đánh một mình Lã Bố. Bố chống
đỡ không xuể, phải quay ngựa chạy về thành.
Họ Điển ở trên thành thấy Bố thua chạy về, kíp sai người ra
kéo cầu lên.
Bố gọi to:
- Mở cửa!
Điển nói:
- Ta đã hàng Tào tướng quân rồi!
Bố chửi to một hồi rồi đem quân sang Định Đào.
Trần Cung vội vàng bảo vệ vợ con Lã Bố mở cửa đông chạy ra
ngoài thành.
Tháo lấy được Bộc Dương, tha cho họ Điển các lỗi khi trước.
Lưu Hoa bàn với Tào Tháo rằng:
- Lã Bố là một con hổ dữ. Nay nó đang cùng khốn không nên
khoan dung cho nó một chút nào.
Tháo bèn sai Hoa giữ Bộc Dương, tự mình dẫn quân đến Định
Đào. Bấy giờ Lã Bố cùng Trương Mạc, Trương Siêu ở trong thành, còn Cao Thuận, Trương
Liêu, Tang Bá, Hầu Thành, đi tuần để kiếm lương chưa về.
Quân Tào Tháo đến Định Đào, đợi mấy ngày Lã Bố không chịu ra
đánh, bèn rút quân lại bốn mươi dặm hạ trại. Nhân bấy giờ lúa mạch ở Tế Quận đã
chín, Tháo sai quân ra gặt về để ăn.
Quân đi thám về báo với Lã Bố. Bố đem quân lại, đi đến gần
trại Tào Tháo, trông về phía tả thấy rừng rậm um tùm, sợ có quân phục lại phải
trở về.
Tháo biết quân Bố quay trở về, bảo với chư tướng rằng:
- Lã Bố nghi trong rừng có quân phục. Ta nên cắm rõ nhiều
tịnh li kì để đánh lừa nó. Mé tây trại có một dải đường đê không có nước, ta
nên đem tinh binh ra phục ở đó. Ngày mai Lã Bố tất đến đốt rừng, quân phục trở
ra đánh tập hậu chắc bắt được Lã Bố.
Tháo nói xong sai làm ngay. Trong trại Tháo chỉ để độ năm
mươi người đánh trống và bắt bọn trai gái bắt được ở dân thôn hò reo, còn bao
nhiêu tinh binh phục cả ở sau đê.
Quả nhiên Lã Bố nghi trong rừng có quân phục, hấp tấp về kể
chuyện với Trần Cung. Cung nói:
- Tào Tháo có nhiều quỷ kế, không nên khinh chiến đâu
Bố nói:
- Ta dùng mẹo hỏa công, chắc phá được quân phục.
Liền sai Trần Cung, Cao Thuận giữ thành rồi hôm sau kéo đại
quân vào rừng đánh giặc. Đi xa xa đã trông thấy trong rừng có cờ, kéo quân đi sấn
lên, bốn mặt sai phóng hỏa. Rừng cháy ngùn ngụt, nhưng chẳng thấy người nào; muốn
kéo quân về trại Tào Tháo, thì nghe thấy tiếng trống đánh rầm rĩ cả lên. Trong
bụng Lã Bố còn đương nghi nghi hoặc hoặc, thì chợt ở sau trại có toán quân kéo
ra. Bố tế ngựa sấn lại. Bỗng nghe thấy một tiếng pháo nổ, rồi quân phục ở sau
đê trổ ra.
Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Hứa Chử, Điển Vi, Lý Điển, Nhạc
Tiến, tế ngựa kéo ồ cả ra.
Lã Bố liệu không địch nổi, vội vàng chạy trốn. Tướng Bố là
Thành Liêm bị Nhạc Tiến bắn một mũi tên chết. Quân Bố ba phần chết mất hai.
Quân thua có đứa chạy được về báo với Trần Cung. Cung nói:
- Thành trống không, khó giữ, chi bằng hãy bỏ chạy.
Liền cùng với Cao Thuận đưa vợ con Lã Bố bỏ Định Đào mà đi.
Quân Tào Tháo thừa thắng đánh bừa vào thành, đánh đến đâu
được đến đấy, dễ như chẻ tre.
Trương Siêu tự vẫn chết. Trương Mạc chạy sang với Viên Thuật.
Một sứ Sơn Đông về tay Tào Tháo cả.
Tháo phủ dụ dân chúng sửa sang thành quách lại.
Lã Bố đang khi chạy trốn, gặp ngay các tướng đi kiếm lương
đã về. Trần Cung cũng vừa tìm đến nơi.
Bố nói:
- Quân ta dù ít, còn đủ phá được Tào Tháo.
Liền lại kéo quân trở lại.
Thế thực là:
Được thua, thua được là thường,
Quay binh đánh lại ai lường được đâu!
Chưa biết Lã Bố phen này được thua thế nào, xem hồi sau mới
tỏ.