Con Nhân Mã ở trong vườn - Phần 3 chương 1
NGÔI NHÀ TRONG KHU TERESOPOLIS
THÀNH PHỐ PORTO ALEGRE
1947
- 1953
Cha
mẹ và các chị tôi ở tạm một khách sạn rẻ tiền. Trong khi họ đi tìm một căn nhà,
Tôi phải ở trên xe ngựa, ẩn trong một khu rừng bên ngoài thành phố. Bernardo
dựng lều cạnh xe, giữ không cho bọn người tò mò đến gần, và nấu nướng thức ăn
cho cả hai anh em. Anh ấy vẫn lầm lì như mọi khi. Nhưng một đêm anh uống hết cả
một chai rượu vang và bắt đầu mở miệng. Anh nói đủ chuyện: anh ganh tị với tôi,
cục cưng của cả nhà; nỗi oán hận của anh đối với cha.
“Tao
muốn được cái đồng hồ Patek Philipppe của ông nội để lại. Nhưng ôi chao, không
đâu, ông ấy không thể cho tao cái đó. Thế mà con Deborah, nó chỉ vừa mở mồm đòi
cái vĩ cầm là được ngay lập tức—nó với mày. Với tao ấy à, không được cái gì
hết. Còn với chúng mày thì muốn gì được nấy.”
Anh
nói về những dự định của mình: “Tao muốn có thật nhiều tiền. Tao muốn đến hộp
đêm và chơi hai, ba con đàn bà trong cùng một đêm. Mày có tin là chưa bao giờ
tao được ngủ với đàn bà không hả Guedali?” Giọng anh đầy oán hận. “Tao đã mười
tám tuổi đầu mà ông già chưa bao giờ cho tao tiền đến nhà thổ cả.” Giọng anh
nhỏ dần thành một tiếng lầm bầm, rồi im hẳn. Rồi anh bắt đầu ngáy.
Tôi
sốc anh vào lều. Hôm sau anh không nhớ một tí gì hết và lại tiếp tục nhìn tôi
với vẻ kinh tởm.
***
Cha
mẹ tôi muốn một ngôi nhà trong một khu vực ra hẳn bên ngoài thành phố; chúng
tôi không thể sống ở Bon Fim, nơi toàn các gia đình Do Thái và ai cũng biết ai
rất rõ, cũng không thể ở trung tâm thành phố, hoặc khu Petropolis. Phải là một
nơi xa hẳn các đường xe buýt, một nơi nhiều chất nông thôn hơn là thành thị.
Họ
mua một ngôi nhà ở Teresopolis. Một ngôi nhà cổ, có những gian phòng rộng và
một khu vườn mênh mông đầy những cây to. Nằm trên đỉnh một quả đồi, đó là ngôi
nhà duy nhất trong vòng một phần tư dặm quanh đó. Bên rìa mảnh đất của chúng
tôi có một con lạch sâu chảy quanh ngôi nhà, tạo thành một vật cản tự nhiên đối
với sự xâm nhập của người lạ, và còn có cả một bức tường cao. Tôi sẽ được che
chắn khỏi những cặp mắt tò mò.
Người
chủ nhà trước, một nhà phân phối các đồ uống đóng chai, đã xây một cái nhà kho
rộng rãi ở phía sau. Ở đó, nơi ông ta đã từng chứa các thứ thùng và hộp, sẽ là
phòng ngủ của tôi. Một khi nó được dọn dẹp sạch sẽ và các bức tường được sơn
một mầu xanh lá cây nhạt, cái nhà kho cũ kĩ ấy sẽ trở thành rất ấm cúng. Nó dài
khoảng mười thước, đủ cho tôi phóng chân được một tí trước khi đụng đến bức
tường cuối phòng. Tuy nhiên, bề kia lại rất hẹp, không thể chạy ngang phòng
được. Hầu hết số tiền dành dụm được của cha tôi đã tiêu vào ngôi nhà đó. Còn
lại tí nào, ông bèn dồn vào mua một cửa hiệu bán rau quả ngay gần một trạm đỗ
tầu điện. Người đến mua cũng nhiều, chủ yếu vì có hai cô chị xinh đẹp của tôi
đứng sau quầy bán hàng. Mẹ tôi ở nhà, nấu nướng; còn Bernardo thì quyết định sẽ
tự đi làm riêng, bán những thứ lặt vặt theo một chương trình vay mượn trả dần
mặc dù cha tôi rất phản đối. Cha muốn anh ấy đứng làm thu ngân và giữ tiền cho
cửa hàng.
Tối
đến là cả nhà lại quây quần. Nếu trời đẹp, chúng tôi sẽ ăn tối ngoài trời, dưới
dàn hồng leo, và tôi sẽ chạy quanh vườn được một lát. Thật là thích! Tôi thường
sung sướng lăn lộn trên thảm cỏ dầy đẫm sương, hít thở thật sâu làn không khí
mát mẻ của trời đêm. Ngồi trên những chiếc ghế mây, cha mẹ và hai chị nhìn tôi
âu yếm. Anh tôi, cứ vừa ăn xong là lầm bầm cái gì đó rồi ra khỏi nhà. (Khuya
lắm anh mới về, sặc mùi rượu và đầy những vết môi son trên tấm áo khoác diện
mầu trắng, khiến cha mẹ tôi lại phải rầy la một hồi.)
Rồi
chúng tôi nói chuyện. Cha tôi sẽ kể về những ngôi làng nước Nga, và về những
năm đầu tiên mới đến Brazil. Giọng ông luôn luôn thành kính mỗi khi nhắc đến
Nam Tước Hirsch thánh thiện. Các chị tôi nói đến các khách hàng ở cửa hiệu, đến
những buổi vũ hội mà họ đã được mời tham dự. Cả hai chị đều đã có nhiều người
dạm hỏi. Chọn cho cẩn thận vào, cha tôi thường nói, để xem rồi các con sẽ vác
về cho ta những loại con rể như thế nào. Chúng tôi cùng phá lên cười, rồi lại
im lặng.
Chúng
tôi sẽ im lặng, và rồi mẹ tôi bắt đầu hát. Mẹ có giọng hát thật hay, hơi run và
yếu một chút, nhưng khiến ai nghe cũng phải xúc động khi mẹ hát những giai điệu
Do Thái ngày xưa. Mắt tôi sẽ lại đẫm lệ. “Nào,” rồi cha tôi sẽ lên tiếng lúc
lấy chiếc đồng hồ to tướng có giây xích từ trong túi áo gi - lê ra, “đến giờ đi
ngủ rồi. Lại một ngày mai sắp đến, các con ơi.”
Suốt
ngày, tôi phải ở tịt trong phòng mình—thậm chí cha tôi cấm tôi không được ra
đến ngoài hiên nữa kia—và tôi không có việc gì để làm hết. Tôi chỉ còn biết đọc
sách. Dần dần, phòng tôi chất đầy sách. Tôi đọc đủ thứ, từ những truyện của
Moneiro Lobato [xviii] đến kinh Talmud. Từ năm 1947 đến 1953, tôi đọc tiểu
thuyết, thơ, triết học, lịch sử, khoa học—đủ mọi thứ. Nói đến sách thì cha mẹ
tôi không tiết kiệm. “Cứ đọc đi, con trai ạ, cứ đọc đi,” mẹ tôi nói, “Những gì
mà con học được vào người, sẽ không có ai lấy đi được của con. Tật nguyền không
thành vấn đề, điều quan trọng là con phải tự giáo dục lấy mình.” Được cha mẹ
khuyến khích, tôi theo học các chương trình hàm thụ gửi thư: kiểm toán, soạn
thảo văn bản luật pháp, vẽ kỹ thuật, điện tử, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức.
Tôi tìm ra được tên của người đã soạn ra vở Cavalleria Rusticana [xix], và sung
sướng phát hiện ra cái ẩn dụ đầy triết lý của Buridan mô tả sự liên hợp của các
điều kiện trong một tam đoạn luận [xx], rằng: một cây cầu có số phận phải để
cho những con lừa chạy qua nó. (Con lừa: chữ này không làm phiền gì tôi; thậm
chí tôi còn thích thú những con lừa trong ngụ ngôn. Nhưng chữ ngựa thì khác.
Hai tai tôi sẽ đỏ ửng lên mỗi khi đọc thấy nó trong văn bản. Còn nếu gặp phải
một cái tranh minh họa thì còn tệ nữa.)
[xviii] Một nhà văn Brazil chuyên viết chuyện cho trẻ em
(ND)
[xix]
Tên một vở ca kịch (opera) của Pietro Mascagni, viết năm 1890.
[xx]
Tam đoạn luận (syllogism) là một hình thức lí luận theo logic trong đó có một
tiên đề chính chứa đựng điều kiện vị ngữ của kết luận, một tiên đề phụ chứa
đựng điều kiện chủ ngữ của kết luận, và chung cho cả hai tiên đề này là một
điều kiện sẽ bị loại trừ khỏi kết luận. Hình thức điển hình của một tam đoạn
luận là: “Tất cả A là C; tất cả B là A; cho nên tất cả B là C.” Aristotle là
người đưa ra lý thuyết Tam đoạn luận, nhưng hơn 2000 năm sau, vào đầu thế kỷ 14
của thời kỳ Trung Cổ , triết gia người Pháp Jean Buridan đã phát triển Tam đoạn
luận trong ngữ cảnh của logic hậu quả và khiến cho lý thuyết này trở thành
thông dụng hơn. (ND)
Tôi
học sử dụng các bảng lôgarit. Tôi làm các bài tập ngôn ngữ. Đầu đề là: Hãy đặt
một câu với từ “hoàng hôn”; tôi viết Khi hoàng hôn buông xuống là lúc con nhân
mã khốn khổ qua đời. Đã có một thời việc học tập đã trở thành một thói xấu cô
quạnh của tôi như vậy đấy.
Dãy
những tấm bằng chứng nhận được đóng khung cứ kéo dài mãi ra trên tường, cho đến
một hôm người đưa thư thắc mắc hỏi cha tôi xem Guedali là ai, khiến cho cha
phát hoảng. Thế là tôi quyết định ngưng các khóa học hàm thụ. Nhưng không ngừng
việc đọc sách của mình.
Trong
những cuốn sách, tôi bắt đầu tìm kiếm giải đáp cho những thắc mắc vẫn thường
trực trong lòng. Tôi ngấu nghiến hết tập sách này đến tập sách khác, đọc cho
đến tận khuya (khi Bernardo về tôi vẫn còn thức, và chỉ đứng dậy khi bầy gà
trống trong khu Teresopolis bắt đầu đua nhau gáy sáng.) Mắt tôi lướt trên các
trang sách một cách nôn nả. Tôi thường bỏ qua hàng đoạn sách không có ý nghĩa
gì; nhưng những chữ như đuôi, phi nước đại, và nhất là chữ nhân mã lúc nào cũng
khiến tôi nín thở, và sẽ phải đọc đi đọc lại những đoạn ấy. Không thấy gì cả.
Cái cội nguồn bí hiểm của chàng trai Guedali không được lí giải ở đâu hết.
Thất
vọng với các văn bản đương đại, tôi bèn đi ngược thời gian. Tôi quay sang
nghiên cứu lịch sử của người Do Thái.
Người
Do Thái, một dân tộc đã có nhiều nghìn năm lịch sử. Họ là con cháu của Abraham;
chính vì vậy đã có một tác giả nói rằng thành ngữ “bộ ngực Abraham” có nghĩa là
thiên đường. (Hình ảnh mà tôi mường tượng là một ông già khổng lồ lơ lửng giữa
các vì tinh tú với bộ râu trắng rất dài, tấm áo choàng của ông cụ phanh ra, để
lộ hai núm vú mênh mang, và ở giữa hai núm vú ấy chen chúc hàng ngàn hàng triệu
các sinh vật nhỏ bé trong suốt, chính là những linh hồn người. Còn nhân mã thì
sao? Có nhân mã trong bộ ngực ấy của Abraham không nhỉ?) Abraham tí nữa thì
hiến sinh cả con trai của mình là Issac. Issac có hai con trai là Esau (một anh
chàng vô dụng) và Jacob. Jacob thì vì có cuộc chiến đấu với một thiên sứ của
Thượng Đế mà trở thành Israel. Người Do Thái bị bắt làm nô lệ ở Ai - cập. Được
Moses dẫn đường, họ bỏ trốn, vượt qua Hồng Hải và đi lang thang trong xa mạc.
(Thế còn nhân mã thì sao?) Tôi mường tượng ra những con người ấy, những người
Do Thái, một đám đông nhung nhúc chậm chạp chuyển động qua hoang mạc Sinai. Nhờ
có sức mạnh tưởng tượng, tôi có thể thấy rõ được chi tiết của hai con người
trong đám đông ấy: một người cha và một con trai, hoặc có thể là hai anh em
trai. Một người, mặt mũi bụi bặm, môi khô nứt nẻ, đi đàng trước, mắt dõi nhìn
về phía chân trời; còn người kia, một bàn tay đặt trên vai người thứ nhất, bước
theo với đôi vai thõng thượt và cái đầu cúi gục. Những bàn chân của cả hai đều
buộc dép thô, từng bước ngập trong cát. Tôi nheo mắt thêm tí nữa, và hình ảnh
hai người ấy chập làm một. Cố gắng thêm một chút và tôi có thể biến họ thành
một thứ có bốn chân—nhưng kết quả cuối cùng là một con lừa, một con ngựa gầy
còm, hoặc hiếm lạ nhất thì cũng chỉ thành một con lạc đà. Chứ một con nhân mã
thì không.
Tôi
sẽ lại thử một lần nữa, lần này thì bắt đầu bằng con ngựa mà tôi đã hóa phép
dựng nên đó: tôi sẽ cố tạo ra những ngón tay tí xíu, rồi đến cả bàn tay và cánh
tay, mọc từ hai hố mắt ra. Tôi sẽ cố làm cho cái sọ ngựa kia nứt toác ra làm
hai và để lộ một cái đầu trẻ con, xé rách cái cần cổ ngựa để thấy được phần
thân của một đứa trẻ mà tôi nghĩ rằng đang nằm bên trong. Tóm lại, tôi đã cố
gắng hủy diệt hình ảnh cổ xưa của con ngựa và bố cục lại cho nó thành ra—dù chỉ
là ở dạng đường viền—một con nhân mã còn non. Nhưng kết quả chẳng ra sao hết.
Ngựa, ngay cả những con ngựa trong kinh thánh, vẫn cứ là ngựa; không thể biến
chúng thành nhân mã.
Thôi
được rồi, thì có dân Do Thái trong hoang mạc, có Moses nhận được Pháp Điển,
đúng như những câu chuyện của cha tôi kể. Rồi thì việc phá hủy, cũng bởi tay
Moses, những tấm bảng đá có khắc Pháp Điển ấy, chỉ vì ngài đã quá giận dữ trước
sự thờ ơ, ngu dại và tham lam của đám Dân Được Chọn. Rồi thì việc phá hủy Con
Bê Vàng. [xxi]
Rồi
đến lúc tới được đất Canaan. Việc chiếm giữ đất đai. Những viên Phán Quan,
những Vua, những Tiên Tri. (Còn bọn nhân mã ở đâu?) Vụ sập đổ của ngôi đền thờ
đầu tiên, rồi đến ngôi đền thứ hai, đến việc phát tán dân cư đi khắp nơi, việc
bị người Công Giáo giết hại, việc bị người Cossack giết hại. (Còn bọn nhân mã
thì sao?) Rồi thì Nam tước Hirsch, châu Mỹ, Brazil, Quatro Irmaos. Còn bọn nhân
mã thì sao mới được chứ? Trong suốt lịch sử Do Thái, không ai nói đến chúng;
không một tác giả nào mà tôi đã nôn nả tra cứu. Có một nhóm dân được ghi nhận,
đó là một vị Nga Hoàng sống ở miền Nam nước Nga đã cải đạo thành người Do Thái
vào khoảng cuối thiên niên kỷ Công Giáo thứ nhất. Cha mẹ tôi, vốn từ vùng ấy mà
ra, có thể là hậu duệ của giòng Nga Hoàng này, nhưng các Nga Hoàng ấy có phải
là nhân mã không? Đến chi tiết ấy là không có gì hết, im lặng hoàn toàn.
[xxi]
Đoạn này nhắc đến những sự kiện nổi bật trong lịch sử người Do Thái như đã được
ghi lại trong Kinh Cựu Ước. Người Do Thái tự cho mình là dân tộc được Thượng Đế
chọn ra để gánh vác những trách nhiệm đặc biệt, nên mới có cái tên “Dân Được
Chọn”. (ND)
Tôi
nghiên cứu thần thoại học và lập tức thấy có nhân mã. Con cháu của Ixion và
Nephele, chúng sống trên các vùng núi Thessaly và Arcadia. Chúng đã định bắt cóc
Didymeia vào đúng ngày đám cưới của cô với Pirithous, vua của người Lapith và
là con trai của Ixion; chúng đánh nhau dữ dội với người Lapith.
Nhưng
sách nói rằng không có nhân mã thật. Chỉ là những đám mây hình thù giống như
thế, những bộ tộc man di trông giống như thế lúc cưỡi ngựa, còn thì không có
nhân mã thật.
Lòng
đầy thất vọng, tôi nhìn hình vẽ con nhân mã trong cuốn sách của mình. Người họa
sỹ đã mô tả một con vật tàn bạo, râu ria và lông lá, với cặp mắt dữ tợn. Tôi
đâu có thế. Tôi chẳng dính gì đến Ixion, Nephele, Thessaly, Arcadia. Những đám
mây ư? Phải, tôi thích mây trời, mặc dù tôi sợ những hình hài ẩn náu trong
những đám mây ấy. Nhưng chỉ là mây thôi ư? Tôi phải tìm cái gì cụ thể hơn mới
đúng.
Tôi
đọc Marx [xxii] và vỡ ra rằng đấu tranh giai cấp là một hằng số của lịch sử.
Nhưng tôi chẳng thấy nhân mã có vai trò gì trong đó. Tôi đứng về phía những kẻ
nô lệ và chống lại vương quyền, tôi về phe với vô sản để chống lại tư bản.
Nhưng thế rồi sao? Tôi phải làm gì? Đá bọn phản động bằng cặp móng ngựa của
mình chăng?
[xxii]
Karl (Heirich) Marx (1818 - 1883) - nhà kinh tế học, triết gia và xã hội học
người Đức, được coi là người lập ra nền tảng của chủ nghĩa cộng sản hiện đại.
(ND)
Tôi
đọc Freud [xxiii]. Sự tồn tại của vô thức, cơ chế tự bảo vệ, tính mâu thuẫn của
các xúc cảm, tất cả trở nên rất rõ ràng với tôi. Tôi hoàn toàn hiểu được tình
trạng nhân tính bị phân chia. Nhưng còn móng ngựa thì sao? Và cái đuôi nữa?
Chúng ở đâu ra?
[xxiii]
Sigmund Freud (1856 - 1939) - nhà tâm thần học người Áo, sáng lập ra ngành phân
tâm học. (ND)
Về
văn chương hư cấu, tôi đọc các chuyện ngắn của Sholem Aleichem. Tôi trở thành
quen thuộc với các nhân vật kì quặc trong các ngôi làng Do Thái ở nước Nga.
Nhân vật Tevia, một người đưa sữa, có một con ngựa—nhưng về nhân mã thì Sholem
Aleichem không nói một tí gì cả.
Một
đêm đã rất khuya, các con chữ cứ quay tròn trước mắt tôi và cuốn sách cứ chực
tuột khỏi tay tôi, nhưng tôi chưa thực sự buồn ngủ, chưa hẳn thế. Tôi đang cố
định thần giữa một cơn rối trí đang thống trị đầu óc mình; những tên tuổi, ngày
tháng, địa danh cứ trộn lẫn với nhau, và tôi không thể kịp biết xem ai đang nói
gì và tại làm sao nữa. Freud trao đổi ý tưởng với Marx, Nam tước Hirsch thì
thuyết giảng cho Sholem Aleichem. "Nam tước Hirsch này, tại sao ông lại hỗ
trợ tài chính cho tôi?" Marx hỏi, có vẻ rất thắc mắc. Nam tước Hirsch đáp:
"Ai mà biết được sẽ có chuyện gì trong tương lai. Tôi không thể cứ ngồi
yên mà hy vọng các lực lượng thị trường sẽ thương mình mãi được; nhờ của chúng
mà tôi đã giàu, nhưng có khi cũng vì chúng mà phá sản được. Tôi phải đa dạng
hoá những đầu tư của mình, và chủ nghĩa xã hội có vẻ là một lựa chọn hợp lý đối
với tôi." Từ Nam tước Hirsch, Freud học được cách tính tiền các bệnh nhân
của mình; trước đó ông đã coi tiền chỉ là một biểu tượng, một cái gì đó trong
số các toà tháp nhà thờ Gothic. Marx khinh miệt các truyện ngắn của Sholem
Aleichem, loại chúng vào hạng thuốc phiện của nhân dân, nhưng đó chỉ là bề
ngoài. Thật sự thì ông rất khâm phục văn chương hư cấu, và bí mật ngồi hàng
nhiều buổi liền trong Bảo tàng Anh, ngắm nhìn nhóm tượng cẩm thạch Hy Lạp lấy
từ đền thờ Parthenon [xxiv] về để tìm hứng khởi cho những câu chuyện ngoa ngôn
của mình (về những con nhân mã chăng?) "Do Thái giáo là gánh nặng trĩu của
cuộc đời ta," Nam tước Hirsch than thở. Ông ta đang nghĩ đến chuyện mua
Bức tường than khóc [xxv] của người Thổ đang thống trị đất Palestine lúc bấy
giờ. Ông sẽ cho dỡ nó ra và mang sang Brazil, từng hòn đá một, đến tận thị trấn
Quatro Irmaos nhỏ bé xa xôi. Cũng ở chỗ ấy, ông sẽ cho làm một vườn thú chứa
đầy những con vật trong Kinh Thánh, như lạc đà chẳng hạn (Còn nhân mã thì sao?)
Sholem Aleichem thì đang tính viết một vở nhạc kịch hài có các nhân vật là
chính ông ta, Freud, Nam tước Hirsch, và Marx. Ông sẽ xây dựng cốt truyện dựa
trên một truyện ngắn của Marx có nhan đề là "Người Do Thái bị nhốt trong
lồng của Nga hoàng." Một câu chuyện ấn tượng: vừa gù, vừa mù, vừa câm (Nga
hoàng đã ra lệnh cắt lưỡi anh ta,) anh chàng Do Thái ngủ gà ngủ gật trong cái
lồng của mình suốt ngày này sang ngày khác, chẳng thèm động đến thức ăn người
ta mang cho mình. Thế mà rồi vừa nghe thấy một làn sóng biến động đang tràn qua
đám dân chúng ngoài đường phố, anh ta đứng phắt ngay dậy, hít ngửi không khí,
mặt đầy vẻ đau khổ. Rồi anh ta nắm lấy những chấn song của chiếc lồng và lắc dữ
dội, vật mình vật mẩy như một kẻ bị quỷ ám. Nga hoàng biết đã đến lúc ra lệnh
cho quân Côdắc đi làm một trận pogrom. Trên lưng những con ngựa đen, bọn vô lại
xông vào các làng Do Thái, chém giết, cướp bóc, đốt phá. Ai có thể đánh lại
được chúng? Những con nhân mã chăng? Nhưng bọn nhân mã ở đâu trong những đêm
pogrom ấy? Chúng ở đâu?
Phân
tâm học, duy vật biện chứng, chẳng là cái gì hết; luật cung cầu, cũng chẳng là
gì hết, chẳng là gì hết; văn chương hư cấu, cũng chẳng là gì hết. Hình như
chẳng có gì áp dụng được vào trường hợp của tôi. Tôi là một con nhân mã, một
con nhân mã không phương cứu chữa. Và không một lời giải thích nào khả dĩ.
[xxiv]
Nguyên văn là Elgin Marbles – tên gọi một nhóm tượng bằng cẩm thạch, tương
truyền là do nhà điêu khắc vĩ đại Phidias chỉ đạo thực hiện trong thế kỷ 5 cho
đền thờ Parthenon ở Athen (Hy Lạp). Sau này, vị Bá tước thứ 7 của giòng họ
Elgin là Thomas Bruce (1766 - 1841) của nước Anh đã ra lệnh chở hết những tượng
này về trưng bày trong nhà Bảo tàng Anh tại Luân - đôn, vì vậy mà những tượng
ấy được gọi là Elgin Marbles (Cẩm thạch Elgin). (ND)
[xxv] Wailing Wall - một bức tường ở
Jerusalem, nới người Do Thái tụ tập để cầu nguyện và than khóc trong những dịp
nhất định. Còn gọi là Western Wall (Bức tường phía Tây) vì tương truyền nó
chính là bức tường phía Tây của đền thờ Herod, đã bị quân La Mã phá hủy vào năm
70
"May
mà chúng ta sống ở Brazil", cha tôi thường nói sau khi Chiến tranh Thế
giới lần thứ hai chấm dứt. "Ở châu u chúng nó giết chết hàng triệu người
Do Thái."
Cha
kể cho chúng tôi nghe về những cuộc thí nghiệm mà bọn bác sỹ Quốc xã Đức làm
trên sinh mạng của các tù nhân.
Chúng
cắt lấy đầu họ và làm teo lại, tương tự như cách làm của những người Indian
thuộc bộ tộc Jivaro chuyên săn đầu người mà sau này tôi mới biết nhờ đọc sách.
Chúng cưa cắt tay chân họ. Chúng làm những gán ghép lạ lùng, lấy thân trên đàn
ông ghép với thân dưới đàn bà, hoặc với phần thân và chi sau của một con dê.
May mà những cuộc giải phẫu man rợ đó đều gây tử vong cho đối tượng thí nghiệm,
thà chết như những con người chứ không chịu phải sống như những quái vật. (Nghe
đến đây mắt tôi thường đẫm lệ và cha tôi thì chỉ nghĩ rằng tôi bị xúc động vì
những sự hãi hùng mà bọn Đức Quốc xã gây ra mà thôi.)
Năm
1948 Israel tuyên bố trở thành một quốc gia. Cha tôi mở một chai rượu vang,
chai ngon nhất trong kho, và chúng tôi cùng uống mừng sự kiện đó. Chúng tôi
quây quần quanh chiếc máy thu thanh, theo dõi tin tức chiến sự ở Trung Đông.
Cha tôi rất phấn khích vì cái quốc gia mới đó : Israel, ông giải thích, sẽ là
đất sống cho người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới đổ về, Do Thái trắng từ
Châu u, Do Thái đen từ Châu Phi, Do Thái từ Ấn Độ, đó là chưa kể đến người
Bedouin với những con lạc đà của họ - đủ các loại người lạ lùng, Guedali ạ.