Con Nhân Mã ở trong vườn - Phần 2 chương 1
MỘT NÔNG TRẠI NHỎ
TRONG NỘI ĐỊA
HẠT QUATRO IRMAOS,
TIỂU BANG RIO GRANDE
DO SUL
21
THÁNG 9, 1935 - 23 THÁNG 9,1947
Những
ký ức đầu tiên của ta, tất nhiên rồi, sẽ chẳng thể mô tả được bằng từ ngữ thông
thường. Chúng ban sơ, không thể lí giải được. Những con ấu trùng trong trái
cây, những con sâu còn đang oằn oại trong bùn. Những xúc cảm xa xôi, những nỗi
đau vô định. Những nhỡn ảnh hỗn mang: một bầu trời giông bão trên một biển cả
hung dữ; từ giữa những đám mây đen, một con ngựa có cánh đang đường bệ bay
xuống. Nó nhanh chóng bay qua đại dương và lục địa, bỏ lại sau những bãi biển
và thành phố, những khu rừng và núi non. Dần dần từng tí một nó giảm tốc độ, và
bây giờ thì nó lượn thành những vòng tròn rộng lớn, lông bờm nó bay như sóng
lượn.
Bên
dưới, tắm trong ánh trăng, là một túp nhà gỗ thôn dã đơn sơ, im ắng và biệt
lập. Từ những khuôn cửa sổ, ánh sáng yếu ớt vàng vọt từ trong nhà lọt ra ngoài
và lẫn vào sương mù. Cách đó một quãng ngắn là chuồng ngựa. Xa hơn nữa là một
đám rừng nhỏ, và sau đó là những cánh đồng rộng. Trong những đám cây rậm rạp,
những con thú nhỏ bay, chạy, nhẩy, bò, ẩn núp, săn đuổi và ăn thịt lẫn nhau.
Ríu rít, chí chóe, tru tréo.
Tiếng
kêu thét chói tai của một người đàn bà vang vọng qua khắp thung lũng. Mọi vật
bỗng nín lặng, không có gì chuyển động nữa. Con ngựa có cánh lượn trên không
trung, đôi cánh dang rộng. Một tiếng kêu thét nữa, rồi một tiếng nữa. Một chuỗi
các tiếng kêu, rồi lại im lặng. Con ngựa có cánh lượn vòng trên túp nhà một lần
nữa rồi biến dạng vào những đám mây, không một tiếng động.
Đó
chính là mẹ tôi đang kêu thét; bà đang sinh nở. Hai đứa con gái của bà và một
mụ đỡ già trong vùng đang ở bên bà. Bà đã đau đớn nhiều tiếng đồng hồ, nhưng
đứa bé vẫn chưa có dấu hiệu gì muốn ra. Bà đang kiệt sức; gần như ngất xỉu. Ta
không thể chịu nổi nữa, bà thì thào. Mụ đỡ và hai cô con gái nhìn nhau lo lắng.
Họ có nên gọi bác sỹ không? Nhưng bác sỹ ở cách đó hàng bốn chục cây số, liệu
có kịp không?
Trong
căn phòng kế bên là cha tôi và anh tôi. Cha tôi đi đi lại lại, còn anh tôi thì
ngồi trên giường, ngó trân trân lên bức tường trước mặt. Những tiếng kêu thét
ngày một nhiều hơn, nối đuôi nhau ngày một nhanh hơn, và giữa chúng là những
câu rủa xả bằng tiếng Yiddish [iii] khiến cha tôi phải rùng mình: Thằng tội đồ
kia! Nó mang chúng ta ra khỏi nhà và đem chúng ta đến chốn địa ngục này, đến
cái xó tận cùng của trái đất này! Ta đang chết đây, chính vì nó mà ta chết,
quân giết người! Ôi, lạy Chúa, con hư hoại mất rồi, hãy cứu vớt lấy con! Mụ đỡ
cố an ủi bà; thưa bà Rosa, xin bà đừng hoảng hốt, mọi việc đều ổn cả. Nhưng
giọng nói của mụ thật hốt hoảng. Dưới ánh sáng của ngọn đèn bão, mụ sững sờ ngó
cái bụng khổng lồ và cứng nhắc. Cái gì ở bên trong đó?
[iii]
Yiddish là ngôn ngữ của các cộng đồng Do Thái sống ở Đông và Trung u. Nó là một
thứ ngôn ngữ Đức có pha trộn từ vựng Hebrew (tiếng Do Thái) và Slavic.
Cha
tôi ngồi xuống, vùi đầu vào hai lòng bàn tay. Vợ ông nói đúng, ông là người có
lỗi trong những gì xẩy ra ở đây. Tất cả những người Do Thái đi khai hoang ở
vùng này, những người đã từ nước Nga sang đây cùng với ông, đều đã về các thành
phố cả rồi - Santa Maria, Passo Fundo, Erechim, hoặc Porto Alegre. Cuộc cách
mạng năm 1923 đã xua đuổi những tàn dư cuối cùng của quá trình khai hoang thuộc
địa.
Cha
tôi đã nhất định ở lại. Tại sao vậy, Leon? mẹ tôi hỏi. Tại sao lại bướng bỉnh
như thế? Bởi vì Nam tước Hirsch [iv] đã đặt lòng tin của ngài vào chúng ta, ông
đáp. Ngài Nam tước không vô cớ đưa chúng ta từ châu u sang đây. Ngài muốn chúng
ta ở lại đây, khai khẩn đất đai, trồng trọt và gặt hái, để cho bọn dị giáo thấy
người Do Thái cũng hệt như tất cả mọi người.
[iv]
Một nhân vật có thật trong lịch sử: Nam tước Maurice de Hirsch (1831 - 1896),
một nhà công nghệ rát giàu có ở Pháp. Ông đó cùng với vợ là Clara Hirsch làm
rất nhiều việc từ thiện, đặc biệt là giúp đỡ người Do Thái ở khắp thế giới. Năm
1909, ông giúp Hiệp hội Khai hoang Do Thái mua 94.000 âycơ đất trong hạt Quatro
Irmaos để những người Do Thái ở Đông u có thể lánh nạn sang đó lập nghiệp. Gia
đình Tartanovsky trong truyện này chính là một trong những gia đình Do Thái ấy.
Một
người tốt, cái vị Nam tước ấy. Năm 1906, nước Nga đã thất bại trong cuộc chiến
tranh với Nhật Bản, và những người Do Thái nghèo, thợ may, thợ mộc, tiểu thương
sống trong những túp lều bẩn thỉu ở những làng mạc nhỏ, kinh hoàng trong nỗi đe
dọa của những trận pogroms [v].
[v]
Progrom là thế này: những người Côdắc say rượu tấn công ngôi làng, thúc những
con ngựa điên của họ xông thẳng vào người già và trẻ con, vung những lưỡi mã
tấu của họ vào mọi phía. Họ sẽ giết đám dân sống ở đó, cướp phá và đốt trụi
ngôi làng, rồi kéo nhau đi, để lại sau những tiếng gào thét than khóc còn vọng
mãi trong đêm tối.
(Pogrom
là thế này: những người Cossack say rượu tấn công ngôi làng, thúc những con
ngựa điên của họ xông thẳng vào người già và trẻ con, vung những lưỡi mã tấu
của họ vào mọi phía. Họ sẽ giết đám dân sống ở đó, cướp phá và đốt trụi ngôi
làng, rồi kéo nhau đi, để lại sau những tiếng gào thét than khóc còn vọng mãi
trong đêm tối đớn đau.)
Trong
dinh thự của Ngài ở Paris, Nam tước Hirsch thường giật mình thức giấc giữa đêm
thâu, hãi hùng tưởng như đang nghe thấy tiếng vó ngựa. Người vợ ngái ngủ của
Ngài sẽ bảo, có chuyện gì đâu, Hirsch, anh cứ yên trí ngủ đi, chỉ là một cơn ác
mộng thôi mà. Nhưng giấc ngủ không đến với Ngài Nam tước. Hình ảnh những con
ngựa ô dày xéo những tấm thân bất động không chịu biến đi. Hai triệu bảng, Ngài
thì thào một mình. Ta có thể giải quyết vấn đề này nếu có hai triệu bảng (Anh).
Ngài
thấy cảnh người Do Thái Nga sống hạnh phúc tại những vùng đất xa xôi ở Nam Mỹ;
thấy những cánh đồng được cày cấy, những ngôi nhà khiêm tốn nhưng tiện nghi,
những trường dạy nghề nông. Ngài thấy trẻ con chơi đùa dưới bóng cây; thấy
những thanh ray sắt của công ty hỏa xa (mà Ngài có rất nhiều cổ phần trong đó)
tiến xa dần vào khu rừng nguyên khai.
Ngài
Nam tước đã rất tốt với chúng ta, cha tôi luôn miệng nhắc lại điều đó. Một
người giầu có như Ngài không việc gì phải lo lắng như thế cho người nghèo.
Nhưng không, Ngài đã không quên đồng bào Do Thái của mình. Giờ đây chúng ta
phải chịu khó làm việc để khỏi phụ lòng một con người thánh thiện và hào phóng
như Ngài.
Quả
thực cha mẹ tôi đã làm việc cật lực. Một cuộc sống không có đền đáp: phát quang
đất đai, trồng trọt mùa màng, chữa bệnh kí sinh cho gia súc, mang nước từ giếng
đi các nơi, nấu nướng. Họ sống trong niềm sợ hãi đối với đủ mọi thứ: hạn hán,
lụt lội, sương muối, mưa đá, dịch côn trùng. Cái gì cũng khó khăn, họ không có
tiền, và sống biệt lập với mọi người. Hàng xóm gần nhất của họ sống cách đấy
năm cây số.
Nhưng
con cái tôi sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, cha tôi tự an ủi. Chúng sẽ học, sẽ
được giáo dục tốt. Và một ngày nào đó chúng sẽ cảm ơn tôi vì những gì tôi đã
phải hy sinh. Vì chúng, và cũng vì Nam tước Hirsch.
Những
tiếng kêu thét chấm dứt. Một khoảng khắc im lặng, cha tôi ngẩng đầu lên, rồi có
tiếng khóc của đứa trẻ mới ra đời. Mặt ông rạng rỡ. Con trai rồi! Chắc chắn là
con trai rồi! Cứ nghe tiếng nó khóc thì biết!
Một
tiếng kêu thét, lần này là một tiếng rú kinh hoàng. Cha tôi nhảy dựng lên, đứng
lặng một giây không hiểu ra sao. Rồi ông chạy sang căn phòng bên cạnh.
Mụ
đỡ gặp ông ở cửa phòng, mặt mụ lấm lem những máu, hai mắt lồi hẳn ra ngoài: Ôi,
thưa ông Leon, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, tôi chưa bao giờ thấy có cái
gì như thế, không phải lỗi tại tôi! Tôi cam đoan với ông tôi đã làm tất cả mọi
thứ theo khuôn phép!
Cha
tôi nhìn quanh, chưa hiểu gì hết. Hai cô con gái đang chúi vào nhau trong một
góc phòng, thổn thức vì sợ hãi. Mẹ tôi nằm trên giường, mê man bất tỉnh. Có
chuyện gì ở đây thế này? Cha tôi hét ầm lên, rồi ông nhìn thấy tôi.
Tôi
đang nằm trên bàn. Một đứa bé hồng hào, khỏe mạnh, đang khóc và động đậy hai
bàn tay nhỏ xíu một đứa trẻ bình thường từ thắt lưng trở lên. Từ thắt lưng trở
xuống là lông ngựa. Những bàn chân của một con ngựa những bộ móng ngựa. Một cái
đuôi ngựa, vẫn còn đẫm nước ối. Từ thắt lưng trở xuống, tôi là một con ngựa.
Tôi là - và cha tôi thậm chí còn không biết có cái từ ấy trên đời - một con
nhân mã. Một con nhân mã.
Cha tôi đến gần
cái bàn.
Cha tôi, người
khai hoang Leon Tartakhôngwsky. Một người đàn ông cứng rắn, chai sạn, đã từng
thấy nhiều chuyện trong đời, những chuyện khủng khiếp. Một lần có người nông
dân bị đâm bằng dao găm trong một cuộc cãi lộn và cha tôi đã nhét hết cả ruột
gan vào lại trong bụng cho anh ta. Một lần khác, ông thấy một con bọ cạp trong
chiếc ủng của mình và đã dùng bàn tay trần giết chết nó. Lại một lần khác, ông
đã cho hẳn tay vào tận tử cung của một con bò cái để lôi ra con bê bị ngược
thai. Nhưng cái mà ông nhìn thấy lần này là kinh khủng hơn cả. Ông co rúm
người, phải dựa vào tường cho khỏi ngã. Ông nắm tay đưa lên miệng cắn, không,
ông không được kêu thét lên như thế. Tiếng thét của ông sẽ làm vỡ hết các cửa
sổ của căn nhà, sẽ vang xa qua hết các cánh đồng, đến tận những triền núi Serra
do Mar, đến tận đại dương, đến tận cửa trời.
Ông không thể kêu
thét, nhưng ông có thể nức nở. Những tiếng nức nở bóp gãy cả thân thể to lớn
của ông. Một con người khốn khổ. Một gia đình khốn khổ.
Khi cú sốc ban
đầu đã qua đi, mụ đỡ lại làm chủ được tình hình. Mụ cắt dây nhau, bọc tôi vào
một tấm khăn tắm - cái to nhất trong nhà - rồi đặt tôi vào nôi. Đến đó thì mụ
gặp nỗi khó khăn đầu tiên: tôi to con quá. Những bàn chân của tôi - nghĩa là
những cái móng ngựa của tôi - cứ thò ra khỏi nôi. Mụ đỡ tìm được một cái thùng
gỗ, lấy chăn lót vào đó (Mụ có nghĩ đến rơm không hả mụ đỡ? Nói thật đi, mụ có
thoáng nghĩ đến rơm rạ không nào?) rồi đặt tôi vào. Trong những ngày sau đó
người đàn bà can đảm ấy lo hết mọi việc trong nhà: lau chùi, giặt rũ, nấu
nướng, lại còn đem thức ăn đến cho từng người nữa. Mụ ép họ phải ăn và giữ sức.
Họ đã bị một cú sốc nghiêm trọng, những người Do Thái tội nghiệp, và họ cần
phải hồi phục.
Quan trọng hơn
cả, mụ chăm sóc tôi, con nhân mã. Mụ cho tôi bú bình, vì mẹ tôi chỉ khóc và
không thể chịu đựng nổi khi nhìn thấy tôi, nói gì đến việc cho tôi bú. Mụ tắm
táp cho tôi và giữ tôi sạch sẽ - không dễ dàng gì, vì phân tôi là thứ phân ngựa
có mùi thối rất khẳn. Rồi mụ hiểu ra rằng tôi cần các thứ rau cỏ xanh, thế là
mụ băm nhỏ lá bắp cải rồi trộn vào với sữa cho tôi.
(Đã nhiều lần,
nhiều năm sau này mụ đỡ đã thú nhận, mụ đã toan lấy gối đè cho tôi chết ngạt.
Có thế mới chấm dứt được tai họa đau đớn này cho gia đình. Mà mụ đã từng làm
rồi. Đã có lần mụ bóp chết một đứa hài nhi chỉ có một mắt và không có chân tay
gì, mụ bóp cái cổ mảnh dẻ của nó cho đến khi con mắt duy nhất ấy đờ đẫn kéo
màng vào cái chết.)
Thằng bé thực
chẳng đến nỗi xấu trai chút nào, mụ thở dài, mỗi lần đặt tôi vào thùng cho tôi
ngủ. Nét nó được lắm, tóc và mắt đều nâu rất xinh. Nhưng từ thắt lưng trở xuống
thì... thật là khủng khiếp! Mụ đã từng nghe chuyện quái vật, những con vật nửa
gà nửa chuột, hoặc nửa lợn nửa bò; hoặc nửa chim nửa rắn; những con cừu năm
chân, rồi người sói [vi]; mụ biết những thứ đó đều có thật cả, nhưng chưa khi
nào tưởng đến việc sẽ có ngày phải chăm nuôi một con như thế. Ngủ đi con, mụ
thì thầm. Gì thì gì, mụ ưa tôi thật, một người đàn bà cay đắng vì đã mất cả bốn
đứa con cho thần chết.
[vi]
Nguyên văn: werewolf - một quái vật rất hay gặp trong các truyền thuyết phương
Tây, là người, nhưng trong những đêm sáng trăng lại biến thành chó sói.
Các chị tôi khóc
suốt. Anh tôi, vốn lúc nào cũng im lặng và lạ lùng, lại càng lặng lẽ và lạ lùng
hơn. Còn cha tôi, ông có việc phải làm, cho nên ông lao vào việc. Ông khai
quang đất đai, đốn dọn cỏ lác. Trong khi chặt cây bằng dìu, tấn công đất bằng
cuốc, ông dần dần lấy lại được tự chủ. Ông đã có thể suy nghĩ mà không bị rơi
vào những tầng sâu thẳm của tuyệt vọng. Trong đau đớn, ông tìm kiếm những lời
giải đáp, đặt ra những giả thuyết.
Cha tôi không
phải là người có những suy tưởng sâu sắc. Mặc dù xuất thân trong một gia tộc
toàn những thầy cả [vii] và những người thông thái, ông lại là một người rất
hạn chế. Ngay khi còn ở làng tại nước Nga, chỉ vì những sai lầm nghiêm trọng
trong cách giải nghĩa kinh Talmud [viii] mà ông đã phải chọn công việc đồng áng
làm nghề nghiệp. Thượng Đế không ban cho ta một cái đầu thông thái, ông luôn
nói vậy. Tuy thế, ông biết tin tưởng ở cái cảm thức bản năng lành mạnh của
mình; ông biết cách lí giải những phản ứng của riêng mình, ví dụ như tại sao
lông trên hai cánh tay ông lại dựng đứng hết cả lên, tại sao tim ông đập loạn
xạ, tại sao mặt ông lại nóng bừng. Những thứ đó đều có thông điệp của nó cả.
Đôi khi ông có cảm tưởng rằng Thượng Đế đang nói với ông từ bên trong, từ một
chỗ ở quãng giữa rốn và đỉnh trên của dạ dày. Ông đang tìm kiếm một thứ gì đó
chắc chắn như vậy. Ông muốn biết sự thật, cho dù nó có buồn thảm đến thế nào
cũng mặc.
[vii]
Rabbi (đọc là ra - bai) là trưởng quan tôn giáo trong một nhà nguyện (đền thờ)
Do Thái, đồng thời cũng được coi là thủ lĩnh tinh thần của cộng đồng đó. Khi
dịch Kinh Thánh, ông Phan Khôi dịch chữ này thành "thầy cả tế lễ".
Tôi thường dùng chữ "thầy cả", và có vẻ đó thực sự là ý nghĩa của chữ
này trong cách xưng hô của người Do Thái với Rabbi của mình.
[viii]
Tiếng Hebrew (Do Thái), Talmud có nghĩa là "răn dậy, hướng dẫn, chỉ
bảo". Kinh Talmud là tập hợp các luật lệ và truyền thống của người Do
Thái, viết thành hai tập là Mishna và Gemara. Hiện có hai bản Talmud, một bản
có từ năm 400 và viết ở đất Palestine, một bản khác, quan trọng hơn và lớn hơn,
có từ năm 500 và được viết ở đất Babylone.
Tại sao chuyện
này lại xảy ra với ông? Tại sao? Tại sao ông lại bị chọn để hứng chịu chuyện
này mà lại không phải là một tên Cossack Nga? Tại sao lại là ông, mà không phải
là một người nông dân hoặc trại chủ nào khác trong vùng? Ông đã phạm tội gì
vậy? Ông đã làm điều gì sai trái đến nỗi Thượng Đế phải trừng phạt ông như thế?
Có tự kiểm điểm kiểu gì đi nữa, ông cũng vẫn không thể xác định được mình có
tội gì. Chắc chắn là không có những tội lỗi nghiêm trọng. Lầm lỡ lặt vặt thì
còn có thể. Đã có lần ông vắt sữa một con bò cái trong ngày Sabbath [ix], ngày
nghỉ linh thiêng, nhưng là vì con bò tức sữa quá, ông không thể để mặc nó đau
đớn. Mà ông có uống sữa ấy đâu, ông đổ hết đi kia mà. Tội lỗi ư? Làm gì có.
[ix]
Trong tín ngưỡng Do Thái, ngày thứ bẩy trong tuần là ngày Sabbath, trong ngày
đó, người ta chỉ hoàn toàn làm việc tín ngưỡng và nghỉ ngơi, không được làm bất
kì việc gì có tính chất vụ lợi. Cả đạo Cơ Đốc và đạo Hồi cũng có ngày Sabbath
của mình. Sabbath rơi vào ngày thứ Bẩy (Chủ Nhật là ngày đầu tiên của tuần lễ).
Sabbatic Year là năm thứ bẩy trong mỗi chu kỳ 7 năm, trong năm đó, người Do
Thái không cầy cấy ruộng đất, để mặc cho đất nghỉ. Trong các trường đại học
phương Tây, cứ bẩy năm một lần, các giáo sư được có hẳn một năm không dậy học,
chỉ làm việc nghiên cứu riêng của mình, và năm đó cũng gọi là Sabbatic Year.
(ND)
Trong khi ông tin
chắc là mình vô tội, một nỗi nghi ngờ lại nổi lên: liệu con nhân mã ấy có phải
là con ông?
(Nhân mã. Một
ngày nào đó tôi sẽ giảng cho ông ý nghĩa của từ này. Hiện nay thì ông không
được rành về các truyền thuyết và cổ tích cho lắm.)
Nhưng ngay lập
tức ông lại thấy đau nhói vì ân hận. Làm sao ông có thể có ý nghĩ đó? Rosa
tuyệt đối chung thủy với ông mà. Mà thậm chí có không phải như vậy thì ai, loại
đàn ông nào có thể khiến cho nàng đẻ ra một đứa con kì lạ như thế? Trong vùng
quả thật có những hạng lạ lùng, những con người sầu thảm, tối tăm, cha căng chú
kiết, trộm cướp, thậm chí có cả người Indian. Nhưng ông chưa bao giờ thấy ai có
chân móng ngựa.
Trong vùng cũng
có nhiều ngựa, thậm chí cả ngựa hoang, những con vật bất kham mà đôi khi những
tiếng hý của chúng vẳng đến tận tai ông từ rất xa. Nhưng có lẽ nào... lại là
một con ngựa! Ông biết là có những hạng đàn bà bệnh hoạn có thể giao hoan với
đủ loại súc vật, thậm chí cả với ngựa. Nhưng... Rosa của ông không phải là
người như thế. Nàng là một người đàn bà giản dị và phúc hậu, chỉ biết sống cho
chồng cho con. Một người làm việc không biết mệt mỏi, một nội trợ tuyệt vời. Và
chung thủy, rất chung thủy. Có hơi dễ cáu bẳn, đôi khi hơi khe khắt, nhưng thật
lòng tử tế, sáng suốt. Và rất chân thật với ông.
Tội nghiệp mẹ
tôi. Giờ đây bà nằm bất động trên giường, mắt mở to, và không thiết gì nữa. Mụ
đỡ và hai cô con gái mang súp đến cho bà, những bát nước súp đặc và bổ. Bà
không phản ứng gì, không nói năng gì, không chịu ăn uống gì. Họ cố lấy thìa cạy
răng bà, nhưng bà không chịu, bướng bỉnh cắn chặt hai hàm răng. Dù sao, một vài
giọt súp, một vài vụn trứng, một chút vụn thịt gà vẫn lọt được vào miệng bà,
được bà nuốt một cách vô ý thức. Rõ ràng là nhờ vậy mà bà còn sống.
Còn sống, nhưng
im lặng. Sự im lặng của bà là lời buộc tội chồng: Leon, tại anh tất cả. Anh đã
đưa tôi đến cái xó tận cùng này của trái đất, nơi không có một bóng người, chỉ
toàn thú vật. Con trai tôi ra đời như thế là vì tôi đã nhìn quá nhiều ngựa. (Bà
có thể kể các ví dụ khác: đàn bà hay cười với khỉ sẽ đẻ con có lông; đàn bà hay
nhìn mèo thì con đẻ ra sẽ kêu meo meo trong nhiều tháng trời.) Hoặc giả bà sẽ
nghi ngờ lí lịch gia đình: anh có rất nhiều họ hàng ốm đau dị tật, ông bác anh sinh
ra đã sứt môi, người anh họ cả hai bàn tay đều có sáu ngón, rồi bà chị mắc
chứng tiểu đường. Tóm lại, là tại anh cả! Bà có thể kêu lên như thế. Nhưng bà
không kêu. Bà không có sức để kêu.
Vả lại, ông là
chồng bà. Bà đã chưa bao giờ bị một người đàn ông nào khác hấp dẫn, cũng chưa
bao giờ tơ tưởng một ai khác. Ông thân sinh bà bảo: Con sẽ lấy con trai nhà
Tartakhôngwsky, nó là một thằng bé tốt lành. Và thế là số phận của bà được định
đoạt. Bà là ai mà dám cãi lại kia chứ? Thực tế là việc chọn chàng trai trẻ Leon
cũng không phật ý bà. Chàng là một trong những thanh niên đẹp trai nhất trong
làng, khỏe mạnh và vui vẻ. Bà là người may mắn.
Họ lấy nhau. Lúc
đầu cũng không tốt lắm... trong chuyện chăn gối, là nói vậy. Chàng vụng về và
hơi thô bạo; chàng làm nàng đau. Nhưng chẳng mấy chốc nàng đã quen với chàng,
và thực sự sung sướng trong chuyện chăn gối vợ chồng. Mọi thứ đều tốt đẹp—cho
đến cái đêm ấy, khi họ bừng tỉnh vì tiếng vó ngựa và tiếng hò hét man rợ của
bọn Cossack. Họ chạy chốn vào khu rừng gần sông và ẩn náu ở đó, run bắn lên vì
sợ và lạnh, chỉ biết nhìn về phía ảnh lửa đang đốt cháy rụi cả ngôi làng. Sáng
hôm sau, họ quay về giữa những thây người bị băm vằm ngổn ngang khắp con phố
chính và những đống đổ nát của những căn nhà đã bị đốt cháy vẫn còn nghi ngút khói.
Chúng ta hãy rời khỏi nơi này, Leon nói, giọng nghiêm nghị. Anh không thiết gì
đến mảnh đất bị nguyền rủa này nữa.
Rosa không muốn
rời nước Nga. Pogrom hay không pogrom, bà vẫn thích ngôi làng ấy. Đó là nơi
thân thuộc của bà. Nhưng Leon đã quyết chí ra đi. Khi những sứ giả của Nam tước
Hirsch đến địa phương mình, ông là người đầu tiên tình nguyện đi mở thuộc địa
Do Thái ở Nam Mỹ! Rosa hãi hùng tưởng tượng những con người dã man trần truồng,
hổ báo và rắn rết khổng lồ. Bà thà chịu đựng bọn Cossack! Nhưng chồng bà không
muốn bàn cãi gì hết. Gói ghém đồ đoàng đi, ông ra lệnh. Bụng mang dạ chửa và
hổn hển vì mệt mỏi, bà làm theo lời ông. Họ xuống tầu từ Odessa, một con tầu
chở hàng.
(Nhiều năm sau bà
vẫn kinh hoàng khi nhớ lại chuyến đi ấy: hết lạnh đến nóng, nóng đến ngạt thở;
những cơn buồn nôn; mùi những bãi nôn cùng với mùi mồ hôi; sàn tầu đông nghẹt
hàng trăm người Do Thái, đàn ông đội mũ bêrê, đàn bà đội khăn che đầu, trẻ con
không bao giờ ngớt khóc.)
Mẹ tôi đến Porto
Alegre vừa ốm vừa sốt. Nhưng cuộc hành trình của bà chưa kết thúc. Họ phải đi
vào tận vùng đất sâu trong nội địa, đầu tiên bằng tầu hỏa, rồi sang đến những
toa xe ngựa kéo trên một con đường mòn cắt ngang những khu rừng rậm, để đến khu
vực thuộc địa. Một đại diện của Ngài Nam tước chờ họ ở đó. Mỗi gia đình được
nhận một khoảnh đất — khoảnh của cha tôi là xa nhất — một căn nhà, dụng cụ, và
gia súc.