Hồng lâu mộng - Chương 111 - Phần 1
Chương 111: Hồi thứ một
trăm mười
Gả Uyên Ương theo chủ
lên chầu trời
Hầu chó lớn đem người về
cướp của
Phượng Thư nghe a hoàn
nhỏ nói, vừa sốt ruột vừa tức giận, lại đau lòng, bất giác thổ ra một cục máu
rồi mê man ngồi phệt xuống đất. Bình Nhi vội vàng tới đỡ và gọi người từ từ dìu
về phòng. Đặt nằm trên giường, rồi lập tức bảo Tiểu Hồng rót một chén nước đưa
lên miệng Phượng Thư.
Phượng Thư nhấp một
miếng nhưng vẫn nằm mê mệt. Thu Đồng qua nhìn một tí rồi đi ra. Bình Nhi cũng
không gọi lại.
Thấy Phong Nhi đứng một
bên. Bình Nhi liền nói:
- Mau mau đi báo tin cho
hai bà biết.
Phong Nhi liền đem việc
Phượng Thư thổ huyết không thể trông coi công việc, trình lại với Hình phu nhân
và Vương phu nhân. Hình phu nhân tưởng là Phượng Thư giả ốm để trốn tránh.
Trong bụng không tin lắm. Nhưng lúc ấy bà, con, đàn bà đều ở đấy nói ra không
tiện, nên chỉ nói:
- Bảo chị ta nghỉ thôi.
Mọi người cũng không nói
gì. Đêm ấy, cố nhiên là bà con bạn hữu qua lại không ngớt, may nhờ được mấy
người bà con trông nom hộ. Bọn người nhà thấy Phượng Thư không ở đấy, cũng có
người thừa cơ nghỉ trộm, làm bừa bãi lung tung, không ra sự thể gì cả.
Đến canh hai, sau khi
khách xa đã về, liền sửa soạn làm lễ từ linh. Bọn con cháu đàn bà ở trong màn
tang đều khóc. Uyên Ương khóc lóc mê đi. Mọi người vực chị ta dậy, xoa bóp một
hồi mới tỉnh. Chị ta cứ nói:
- Lâu nay cụ thương yêu
tôi, giờ tôi nhất định đi theo cụ.
Mọi người cho rằng người
ta đến lúc thương khóc quá, thì hay nói thế, nên cũng không để ý. Đến lúc làm
lễ từ linh, trên dưới cả thảy có hơn trăm người, chỉ thiếu Uyên Ương. Mọi người
vì đang rối rít nên cũng không hỏi đến. Đến lúc tất cả bọn Hổ Phách khóc tế,
không thấy Uyên Ương, cứ tưởng rằng chị ta khóc mệt quá, tạm nghỉ ở nơi nào đó,
nên cũng không nói gì. Làm lễ từ linh xong, Giả Chính ở ngoài gọi Giả Liễn hỏi:
- Việc đưa đám, và bàn
việc cắt người coi nhà.
Giả Liễn nói:
- Ở nhà thì cắt cháu Vân
trông nom, bất tất phải đưa đám; về người hầu thì cắt cả nhà Lâm Chí Hiếu ở lại
trông nom các việc dỡ rạp. Nhưng không biết ở trong thì cắt ai coi nhà?
Giả Chính nói:
- Nghe mẹ cháu nói vợ
cháu ốm không đi được, thì để nó ở nhà. Chị cả Trân lại nói vợ cháu đau nặng
lắm, phải bảo con Tư ở cùng, dẫn mấy người a hoàn và bà già trông nom ở nhà
trên mới được.
Giả Liễn nghe nói, nghĩ
bụng: “ Chị cả Trân và cô Tư không hòa hợp với nhau. nên xui giục không cho cô
ta đi. Nếu trên ấy mà để cô ta trông nom, thì cũng không ăn thua. Vợ mình lại
ốm, cũng khó mà trông coi được.
Giả Liễn nghĩ một lát
rồi nói:
- Tức là làm lễ đưa linh
cữu ra khỏi nhà. Chú hãy nghỉ một chút, để cháu vào bàn cho rõ ràng rồi sẽ thưa
lại.
Giả Chính gật đầu, Giả
Liễn liền vào nhà trong. Không ngờ lúc đó Uyên Ương khóc một trận. rồi nghĩ
bụng: “Mình suốt đời theo hầu cụ bà, thân mình cũng chưa biết sau này ra sao.
Giờ đây ông Cả tuy không ở nhà, nhưng cách ăn tiền của bà Cả như thế, mình cũng
lấy làm gai mắt quá. Ông Hai là người không nhìn đến công việc, rồi sau này
chẳng khác thời loạn ai nấy cũng sẽ xưng vương xưng tướng cả. Chúng mình lại không
bị họ hành hạ hay sao. Rồi đứa thì lấy làm lẽ mọn, đứa thì gả cho bọn hầu trai.
Mình thật không thể nào chịu được sự đày đọa ấy, chi bằng chết đi cho rảnh!
Nhưng giờ đây biết chết bằng cách nào? Uyên Ương vừa nghĩ vừa chạy vào gian
trong nhà Giả mẫu. Vừa bước qua cửa thì thấy bóng đèn ảm đạm thấp thoáng có một
người con gái tay cầm cái dây lưng, bộ dạng hình như muốn thắt cổ. Uyên Ương
cũng không sợ, nghĩ bụng: “ Người ấy là ai! Cũng đồng bụng với ta mà lại đi
trước ta vào con đường ấy rồi “ Cô ta liền hỏi:
- Chị là ai? Hai chúng
mình cũng đồng một lòng, muốn chết thì ta cùng chết một chỗ.
Người ấy không nói gì.
Uyên Ương chạy đến xem thì không phải là người ả hoàn trong nhà này. Nhìn kỹ,
cảm thấy khí lạnh rởn người, bỗng chốc không thấy đâu nữa.
Uyên Ương ngơ ngác một
hồi, lui ra ngồi trên mép giường, nghĩ kỹ một lúc, rồi nói:
- Thôi? Phải rồi! Chị ấy
là mợ cả Dung bên phủ Đông đấy! Mợ ấy chết rồi, sao lại đến đây? Nhất định là
đến gọi ta đây. Nhưng tại sao chị ta lại thắt cổ?
Uyên ương nghĩ một lát,
lại lẩm bẩm một mình:
- Chắc là mợ ấy bày vẽ
cho ta cách chết đấy.
Uyên Ương nghĩ như thế,
thấy hơi lạnh thấu vào xương, liền đứng dậy vừa khóc vừa mở hộp trang sức, lấy
cái nắm tóc đã cắt từ năm xưa giấu vào trong người rồi cởi dây lưng ra, theo
đúng chỗ Tần thị đứng vừa rồi mà chị ta lại khóc lóc một hồi nữa. Khi nghe bên
ngoài khách đã tan rồi. Sợ có người nên vội vàng đóng cửa lại, rồi đặt một cái
ghế đứng lên trên *****g vòng dây lưng thắt vào cổ.
Sau đó lấy chân đẩy cho
cái ghế đổ lăn. Thương thay? Thế là chị tắt thở. Hồn thiêng thoát ra ngoài xác
thịt! Đang lúc hồn phách của Uyên Ương chưa thiếp đi đâu. thì thấp thoáng trông
thấy Tần thị ở đằng trước. Chị ta vội vàng theo lại. và nói:
- Mợ cả Dung ơi, chờ tôi
với.
Người kia nói:
- Tôi chẳng phải là mợ cả
Dung nào cả, mà là em gái nàng tiên Cảnh Ảo. Tên là Khả Khanh đây.
- Chị rõ ràng là mợ cả
Dung. Sao lại nói không phải?
- Việc này cũng có duyên
cớ, để tôi nói với chị sẽ rõ. Nguyên trong cung Cảnh Ảo.Tôi vốn đứng đầu trong
lớp chung tình, trông coi duyên nợ gió trăng. Khi xuống trần gian, phải làm
người tình nhân thứ nhất, để đưa bọn con gái si tình mau mau về ty tình. Vì thế
tôi phải treo mình trên xà nhà thắt cổ. Nhưng tôi hiểu rõ tình đời thoát ra bể
ái, về với trời tình; nên tuy si tình trong Thái hư ảo cảnh, không có người
trông coi. Nay nàng tiên Cảnh Ảo đã lấy chị xung vào, thay tôi trông coi ty ấy.
Cho nên sai tôi đi dẫn chị đến đây.
- Tôi là người rất vô
tình. Tại sao lại cho tôi là người có tình?
- Chị còn chưa biết.
Người đời đều cho việc dâm dục là tình, vì thế mà gây ra chuyện thương phong
bại tục, lại còn tự cho là trăng gió đa tình. Không quan hệ gì. Họ không hiểu
mừng, giận, buồn, vui chưa lộ ra thì đó là tính. Mà lúc đã lộ ra rồi. thì đó là
tình. Đến như tình của tôi và chị, chính là cái tình chưa lộ ra. Cái tình như
bông hoa còn đang nụ. Nếu chờ phát tiết ra rồi, thì cái tình ấy không phải là
chân tình nữa.
Hồn của Uyên ương gật
đầu hiểu ý. Nên theo Tần Khả Khanh mà đi, ở trong nầy Hổ Phách dự lễ từ linh
xong, nghe Hình phu nhân và Vương phu nhân cắt người coi nhà. Chị ta định đi
hỏi Uyên Ương xem ngày mai ngồi xe ra sao, liền vào nhà Giả mẫu tìm khắp nơi
không thấy, lại tìm nốt gian bên trong. Vừa đến nơi, thấy cửa khép lại, chị ta
ghé nhìn qua khe cửa thấy bóng đèn le lói mờ mờ tỏ tỏ, trong bụng khiếp sợ, và
cũng không nghe trong nhà có tiếng tăm gì, liền chạy trở ra và nói:
- Con ranh chạy đi đâu
rồi?
Vừa lúc đó thì gặp Trân
Châu. Hổ Phách liền hỏi:
- Chị có thấy chị Uyên
Ương không?
- Tôi cũng đang tìm chị
ấy. Các bà đang chờ chị chuyện đấy. Chắc lại ngủ ở gian nhà trong chứ gì.
- Tôi đã nhìn trong nhà
không có, đèn thì không ai cắt hoa, tối lờ mờ đáng sợ. Tôi không vào. Bây giờ
chúng mình cùng đi vào xem sao?
Bọn Hổ Phách vào đặng
cắt hoa đèn thì Trân Châu nói:
- Ai đem cái ghế chân
vứt ở đây, tí nữa làm tôi vướng ngã?
Nói xong, ngước mắt nhìn
lên, bỗng chị thét to một tiếng:
- Ôi trời!
Rồi ngã ngửa ra sau, đè
lên người Hổ Phách. Hổ Phách cũng trông thấy, liền gào to lên, hai chân mềm
nhũn không đi được nữa. Người bên ngoài nghe thấy, liền chạy vào xem. Mọi người
kêu ầm lên, rồi báo cho Hình phu nhân và Vương phu nhân
biết. Vương phu nhân và
Bảo Thoa nghe nói, đều khóc lóc tới xem. Hình phu nhân nói:
- Tôi không ngờ Uyên
Ương có chí khí như thế? Mau mau cho người đi trình ông lớn.
Bảo Ngọc nghe được tin
ấy, khiếp quá, hai mắt trợn ngược lên. Bọn Tập Nhân vội vàng đỡ lấy và nói:
- Cậu muốn khóc thì cứ
khóc, đừng có nín hơi.
Bảo Ngọc cố liều khóc oà
lên. Anh ta nghĩ bụng:
- Chị Uyên ương. Người
như thế mà lại chết một cách lạ nhỉ? Thật là khí thiêng trong trời đất, chỉ vun
đúc riêng vào những người con gái! Chị ta như thế là chết đúng chỗ rồi đấy. Bọn
mình rốt cuộc chỉ là những đồ dơ *****c, trong số con cháu bà, ai mà theo kịp
chị ta?”.
Nghĩ đến đó, anh ta lại
đâm ra vui mừng. Lúc đó Bảo Thoa nghe Bảo Ngọc khóc ầm lên, liền đi ra. Khi đến
nơi thì thấy anh ta lại cười.
Bọn Tập Nhân hoảng sợ
nói:
- Nguy to? Cậu lại muốn
điên rồi!
Bảo Thoa nói:
- Không can gì đâu. Cậu
ấy đang nghĩ gì đấy thôi.
Bảo Ngọc nghe nói, càng
thích thú với lời nói của BảoThoa, nghĩ bụng: “Rốt cuộc chỉ có chị ta là hiểu
bụng mình, người khác làm gì mà biết”. Bảo Ngọc đang nghĩ ngợi lan man thì bọn
Giả Chính vào. Giả Chính đau xót than thở:
- Con bé giỏi quá! Thật
không uổng mẹ thương yêu nó lâu nay.
Rồi ông ta bảo Giả Liễn
- Đi ra bảo người mua
quan tài và nhập liệm ngay trong đêm nay, ngày mai cùng đưa theo và đặt ở sau
quan tài của bà để cho trọn tấm lòng của nó.
Giả Liễn vâng lời đi ra.
Ở trong này, ông sai
người đem xác Uyên ương xuống và đặt vào nhà trong.
Bình Nhi nghe xong, liền
đi qua cùng tất cả bọn Tập Nhân và Oanh Nhi khóc lóc rất là thảm thiết. Trong
bọn đó riêng có Tứ Quyên cũng nghĩ đến số phận của mình, chưa biết sau nầy ra
sao cả. Giận mình không biết theo cô Lâm mà đi, để
trọn ơn nghĩa tớ thầy,
lại cũng được nơi chết xứng đáng. Giờ đây ở trong nhà Bảo Ngọc cũng là ở sướng.
Tuy rằng Bảo Ngọc vẫn thân mật dịu dàng, nhưng rốt cuộc cũng chẳng ra sao. Do
đó chị ta lại càng khóc lóc thảm thiết.
Vương phu nhân lập tức
cho người gọi chị dâu Uyên Ương vào, bảo chị ta trông coi việc nhập liệm. Lại
bàn với Hình phu nhân, trích trong số tiền của Giả mẫu. cho chị ta một trăm
lạng bạc và nói:
- Chờ lúc rảnh sẽ đem
tất cả đồ đạc của Uyên Ương cho nhà chị ta hết.
Chị dâu Uyên Ương khấu
đầu đi ra, lòng vui mừng, nói:
- Thật cô nhà mình là
người có chí khí, có phúc phận, đã được tiếng tốt, lại được tống táng tử tế!
Một bà già đứng bên cạnh
nói:
- Thôi đi chị! Bây giờ
chị đem cô em bán đi một trăm lạng bạc thì vui mừng như thế. Chứ nếu năm nọ mà
gả cho ông Cả chưa biết chị được bao nhiêu bạc. Chắc chị lại càng đắc ý hơn nữa
đấy.
Câu nói ấy chạm vào lòng
chị ta. Chị ta đỏ mặt bỏ đi nơi khác.
Vừa ra đến cửa thứ hai,
thì thấy Lâm Chí Hiếu dẫn người khiêng quan tài vào. Chị ta đành phải theo vào
giúp việc nhập liệm và giả vờ gào khóc mấy tiếng.
Giả Chính nghĩ Uyên ương
chết vì Giả mẫu, nên thắp ba tuần hương. Vái một vái và nói:
- Chị ta là người chết
theo cụ, không thể xem như ả hoàn, bọn bậc dưới chúng bay đều nên làm lễ.
Bảo Ngọc nghe nói, mừng
không kể xiết. Liền chạy lại kính cẩn khấu đầu mấy cái.
Giả Liễn nghĩ chị ta
ngày thường tử tế. Cũng định tới làm lễ, nhưng Hình phu nhân nói:
- Một vị làm lễ là được
rồi, đừng làm quá phận. Nó không đương nổi, thì lại không được siêu sinh.
Giả Liễn nghe nói không
tiện tới làm lễ nữa. Bảo Thoa nghe vậy trong lòng áy náy liền nói:
- Đối với chị ấy, tôi
đáng lẽ không nên làm lễ, nhưng bà qua đời, chúng ta đều có duyên nợ chưa dứt
ra được, nên không dám làm càn. Chị ấy thay chúng ta làm tròn đạo hiếu; chúng
ta cũng nên nhờ chị ấy thay chúng ta hầu hạ bà trên trời. Đó cũng là để tỏ hết
chút lòng thành của chúng ta.
Nói xong, Bảo Thoa vịn
vào Oanh Nhi đi đến trước linh cữu vừa rót rượu, vừa khóc sướt mướt. Rót rượu
xong, chị ta lạy mấy lạy, khóc lóc thảm thiết một hồi.
Thấy vậy, cũng có người
nói hai vợ chồng Bảo Ngọc đều là si ngốc, cũng có người nói hai vợ chồng họ
bụng dạ tử tế; cũng có người nói chị ta là người biết lễ. Giả Chính thì lấy làm
vừa lòng.
Lúc đó đã hàn định xong,
người coi nhà vẫn là PhượngThư, và Tích Xuân. Còn lại thì đều đi theo linh cữu.
Suốt đêm không ai dám ngủ.
Vừa đến canh năm, người
ngoài đã đến đầy đủ. Đến đầu giờ Thìn thì phát dẫn. Giả Chính làm con trưởng,
ăn mặc đồ tang và khóc lóc hết đạo làm con. Linh cữu ra khỏi cửa, liền có lễ tế
trên đường đi của các nhà. Dọc đường quang cảnh như thế nào không cần nói kỹ.
Độ nửa ngày, đến chùa Thiết Hạm, đặt linh cữu ở đấy. Đàn ông đều phải ngủ lại
trong miếu.
Ở nhà, bọn Lâm Chí Hiếu
dẹp đồ đi. Lắp cánh cửa lại tử tế quét dọn sân nhà sạch sẽ, cắt người tuần
phòng, tối đến cầm canh và thức đêm trông nom.
Ở phủ Vinh vẫn có cái lệ
bắt đầu đến canh hai thì đóng cửa thứ hai lại. Đàn ông không được vào, chỉ có
đàn là canh phòng mà thôi.
Cách một đêm, tinh thần
của Phượng Thư tuy đã dần dần tỉnh táo, nhưng vẫn chưa đi được. Chỉ có Bình Nhi
cùng Tích Xuân đi đến các nơi một lượt, dặn dò những người canh đêm, rồi ai về
phòng ấy.
Năm ngoái khi Giả Trân
sang coi hộ việc nhà. Con nuôi của Chu Thụy là Hà Tam, đánh nhau với Bào Nhị,
nên bị Giả Trân đánh cho một trận, đuổi ra ở ngoài. Từ đó hắn suốt ngày sống ở
sòng hạc. Gần đây nghe tin Giả mẫu chết, hắn chắc mừng là có ít nhiều việc có
thể nhận làm. Không ngờ thăm dò mấy ngày, chẳng vớ được món gì, hắn liền than
thở trở về sòng bạc, rầu rầu ngồi xuống. Bọn người kia liền hỏi:
- Anh Ba! Anh không
xuống mà gỡ vốn à?
Hà Tam nói:
- Cũng tường là gỡ vốn,
nhưng không có tiền.
- Anh đến chỗ nhà ông
Chu mấy hôm nay, chắc vớ được bao nhiêu tiền trong phủ ấy rồi, lại vờ làm bộ
túng bẩn với chúng tôi à?
- Các anh đừng nói nữa.
Vàng bạc của bọn họ không biết là mấy trăm vạn. Nhưng cứ cất giấu đi không chịu
tiêu. Sau nầy không phải cháy nhà thì cũng bị mất trộm, khi đó họ mới chịu.
- Anh lại nói láo chứ
nhà họ bị tịch thu rồi làm gì mà còn nhiều vàng bạc thế?
- Các anh còn chưa biết.
Số của bị tịch thu đó chỉ là những thứ vứt không hết đấy thôi. Giờ đây, cụ bà
chết, còn để lại rất nhiều vàng hạc, bọn họ không tiêu một đồng, còn để cả
trong nhà cụ bà, chờ đưa đám về rồi mới chia nhau.
Trong bọn họ có một
người nghe xong để ý, gieo qua loa mấy hột xúc xắc, rồi nói:
- Tôi thua mất mấy đồng
tiền cũng chẳng thèm gỡ vốn nữa, đi ngủ thôi.
Nói xong hắn liền chạy
ra, nắm lấy Hà Tam và nói:
- Anh Ba, tôi nói với
anh câu này.