Hồng lâu mộng - Chương 033
Chương 33: Hồi thứ ba
mươi ba
Coi anh như thù, giọng
lưỡi ton hót
Đẻ con bất hiếu, roi vọt
dập vùi
Vương phu nhân gọi mẹ
Kim Xuyến đến, cho mấy cái trâm vòng và bảo mời sư đến đọc kinh siêu độ cho nó.
Mẹ Kim Xuyến cúi đầu tạ ơn đi ra.
Khi Bảo Ngọc tiếp Vũ
Thôn xong trở về, nghe tin Kim Xuyến xấu hổ tự vẫn, lòng rất đau xót, vừa bước
vào cửa, lại bị Vương phu nhân quở trách một trận, không trả lời được câu nào.
Chợt thấy Bảo Thoa đi vào, Bảo Ngọc nhân dịp lẻn ra ngoài, thờ thẫn không biết
đi đâu, cứ tay chắp sau lưng, đầu cúi gầm, miệng than thở, lững thững đi ra
phòng khách. Vừa qua tấm bình phong, Bảo Ngọc đâm phải một người từ ngoài bước
vào. Người kia quát to “Đứng lại”, Bảo Ngọc giật nảy mình, ngẩng đầu lên nhìn,
té ra là Giả Chính. Bảo Ngọc lạnh hẳn người đi, đành chắp tay đứng bên cạnh.
Giả Chính nói:
- Mày làm sao mà cúi đầu
ủ rũ như vậy? Vừa rồi ông Vũ Thôn đến chơi, muốn gặp mày, gọi mãi mày mới chịu
đến. Khi đến thì ăn nói toàn là những chuyện vụn vặt, nhỏ nhặt,không có một
chút khoát đạt lưu loát nào. Tao xem mày vẻ mặt lúc nào cũng đầy rẫy những lo
phiền, tình dục. Bây giờ làm gì mày lại than dài thở ngắn? Như thế này vẫn chưa
được đủ, chưa được hả dạ hay sao?
Bảo Ngọc vốn tay lém
lỉnh. Nhưng vì lúc này thương nhớ Kim Xuyến quá, đang băn khoăn không thể chết
theo nó được nên cha quở mắng thế nào cũng mặc, cứ đứng đờ người ra.
Giả Chính đáng ra cũng
không bực. Nhưng thấy Bảo Ngọc sợ quá, ăn nói khác hẳn ngày thường, nên đã nổi
giận đôi phần. Giữa lúc ấy có người gác cửa vào trình:
- Có người bên phủ Trung
Thuận Thân Vương xin vào hầu cụ lớn.
Giả Chính nghe nói,
trong bụng nghi hoặc: “Xưa nay ta không hề chơi bời với phủ Trung Thuận, tại
sao hôm nay lại có người đến đây?” Vừa nghĩ vừa bảo mời vào ngồi trong khách.
Ông ta vội vào nhà trong thay áo, rồi ra tiếp, té ra là quan trưởng phủ ở phủ
Trung Thuận. Hai bên chào nhau xong, ngồi uống nước trà. Chưa kịp chuyện trò
gì, thì quan trưởng phủ đã nói ngay:
- Không phải hạ quan này
dám đường đột đến qúi phủ. Hôm nay tới đây là theo lệnh trên, xin phiền ngài vì
Vương gia chúng tôi mà giúp cho, không những Vương gia chúng tôi được nhờ ơn,
ngay cả bọn hạ quan chúng tôi cũng cảm tạ khôn xiết.
Gi Chính nghe nói,
nghĩ mãi không biết chuyện gì, vội đứng dậy cười hỏi:
- Ngài đã thừa lệnh đức
Vương đến đây, nếu có việc gì, cứ truyền rõ cho, chúng tôi xin tuân lệnh.
Quan trướng phủ cười
nhạt:
- Không phải làm gì cả,
chỉ xin ngài nói cho một câu là xong. Trong phủ chúng tôi có một con hát đóng
vai nữ tên là Kỳ quan, mấy hôm nay không thấy về, cho đi tìm cũng không thây nó
ở đâu. Chúng tôi phải cho người đi dò các nơi. Ở trong thành mười người thì tám
người nói: Gần đây nó chơi thân với cậu em ngậm ngọc ở đây. Vì tôn phủ không
phải như các nhà thường, nên không dám thiện tiện đến bắt. Bởi vậy hạ quan phải
vào trình đức Vương. Ngài nói: “Con hát khác mất trăm đứa cũng không cần, nhưng
tên Kỳ quan này là người cẩn thận, chắc chắn, biết lựa dịp ứng đáp, rất hợp ý
già này, không thể nào bỏ nó được”. Vì thế, chúng tôi đến nhờ ngài bảo cậu Hai
cho tên Kỳ quan về, để thỏa lòng Vương gia chúng tôi thiết tha mong đợi, và
chúng tôi cũng đỡ phải đi tìm vất vả.
Nói xong, hắn liền vái
một cái.
Giả Chính nghe nói, vừa
sợ vừa giận, liền cho gọi Bảo Ngọc, Bảo Ngọc không biết là việc gì, vội chạy ra
ngay.
Giả Chính hỏi:
- Thằng đáng chết kia!
Mày ở nhà đã không chịu học hành thì thôi, lại còn dám càn bậy, làm những việc
trái phép à? Tên Kỳ quan là người hầu thân của đức vua Trung Thuận. Mày là hạng
người hèn hạ, dám quyến rũ nó, làm vạ lây đến ta!
Bảo Ngọc nghe nói giật
mình, vội thưa:
- Thực con không biết
việc này! Ngay hai chữ “kỳ quan” con cũng chẳng hiểu là cái gì, huống chi lại
buộc cho con tiếng quyến rũ nữa.
Nói xong rồi khóc.
Giả Chính chưa kịp nói
câu gì, quan trưởng phủ cười nhạt:
- Thôi, cậu đừng chối
quanh nữa, cậu giấu nó ở nhà, hay biết nó ở đâu, xin cứ nói ra, để chúng tôi đỡ
phải vất vả lại không cảm ơn cậu
Bảo Ngọc nói:
- Thực tôi không biết gì
cả. Hay là người ta đồn bậy, cũng chưa biết chừng.
Quan trưởng phủ cười
nhạt:
- Hiện có chứng cớ, sao
cậu cứ cãi quanh. Trước mặt cụ lớn, tôi nói ra, tất cậu bị quở phạt. Bảo rằng
không biết người ấy thì cái dây lưng đỏ của nó sao lại ở người cậu?
Bảo Ngọc nghe nói câu
ấy, hồn vía lên mây, mắt trợn lên, mồm đờ ra, trong bụng nghĩ: “Sao hắn lại
biết cả những việc rất kín của mình. Thế thì việc khác cũng không tài nào giấu
được. Chi bằng ta nói quanh cho hắn về, để khỏi tiết lộ những chuyện khác”.
Liền nói:
- Ngài đã biết đầu đuôi
việc Kỳ quan, nhưng có việc lớn là nó mua nhà, sao ngài lại không biết? Tôi
nghe nói hình như nó về Tử Đàn bảo, ở phía đông giao, cách thành độ hai mươi
dặm gì ấy. Nó có mua mấy mẫu ruộng và làm mấy gian nhà ở đấy. Có lẽ nó về đấy
cũng nên.
Quang trưởng phủ cười
nói:
- Thế thì nhất định nó
về đấy rồi, để tôi đi tìm xem. Nếu thấy thì thôi, bằng không, tôi lại đến phiền
cậu.
Nói xong hắn vội vàng
đi.
Giả Chính nghe xong, tức
quá, mắt trợn lên, mồm xệch ra, vừa tiễn viên quan trưởng phủ ra, vừa ngoái lại
quát Bảo Ngọc: “Không được đi đâu! Trở về tao sẽ bảo mày!” Đưa viên quan kia ra
rồi, Giả Chính quay về, thấy Giả Hoàn dẫn mấy tên hầu nhỏ rối rít chạy đến. Giả
Chính quát:
- Đánh chết những đứa
kia đi cho tao!
Giả Hoàn trông thấy cha,
sợ quá, run lên cầm cập, vội chạy lại, đứng cúi đầu. Giả Chính hỏi:
- Mày chạy đi đâu? Những
người theo hầu đâu cả, sao không ai trông nom nó, để nó chạy nhông như ngựa thế
này?
Rồi ông ta thét lên:
- Những đứa dẫn mày đi
học chạy đâu cả?
Giả Hoàn thấy cha giận
quá, nhân dịp nói:
- Con có chạy đâu, chỉ
vì khi đi qua bên giếng, thấy một a hoàn chết đuối, con xem người ấy đầu sao mà
to thế, người sao mà lớn thế!
Giả hình nghe vậy, giật
mình, nghĩ bụng “Vô cớ mà ai lại đâm đầu xuống giếng thế? Nhà ta từ đời ông đời
cha đều cư xử rộng rãi, nhân từ với kẻ dưới, có bao giờ xảy ra việc thế này? Có
lẽ gần đây vì ta lười nhác, không trông nom việc nhà, để bọn người nhà lộng
quyền giở lối cay nghiệt, đến nỗi xảy ra tai vạ, liều mình tự vẫn. Nếu người
ngoài biết thì tiếng tăm ông cha mình còn ra làm sao nữa”. Rồi ông ta quát:
“Gọi Giả Liễn và Lại Đại đến đây!”
Bọn hầu bé vâng lời định
đi, thì Giả Hoàn vội đến nắm lấy áo Giả Chính rồi qùi xuống nói:
- Xin cha hãy bớt giận.
Việc này trừ những người ở trong nhà mẹ con ra, thì không ai biết một tí gì.
Con nghe đẻ con nói...
Nói đến đấy, nó liền
trông ra xung quanh. Giả Chính biết ý, lừ mắt nhìn đám hầu bé. Đám hầu đều vội
lui ra bên ngoài.
Giả Hoàn nói khẽ:
- Đẻ con nói: “Hôm nọ
anh Bảo ở nhà mẹ con, kéo chị a hoàn là Kim Xuyến định cưỡng gian nhưng không
được, rồi đánh chị ấy một trận, chị ấy tức quá đâm đầu xuống giếng chết!”
Chưa nghe dứt lời, Giả
Chính giận quá, mặt xám lại, quát to: “Lôi thằng Bảo Ngọc đến đây!” Ông ta vừa
nói vừa chạy vào thư phòng, quát lên:
- Hôm nay ai còn đến
ngăn, thì ta sẽ mang hết cả mũ áo, cân đai và gia tài giao cho người ấy với
thằng Bảo Ngọc. Ta đành chịu là người có tội, cạo trọc mớ tóc phiền não này đi,
tìm đến nơi thanh vắng để khỏi nhục đến tiền nhân, vì đã đẻ đứa con ngỗ nghịch
này!
Những môn khách và người
hầu thấy Giả Chính như thế, biết ngay là vì ông ta giận Bảo Ngọc, nên ai nấy
đều trợn mắt lè lưỡi, chạy đi ra ngoài cả. Giả Chính thở hồng hộc, ngồi ưỡn
người trên cái ghế tựa, nước mắt giàn giụa, quát lên mấy tiếng: “Lôi thằng Bảo
ra đây! Mang thừng gậy ra đây! Đóng hết cả các cửa lại! Hễ đứa nào mà báo tin
cho nhà trong biết, thì ta đánh chết ngay lập tức!”
Bọn người hầu thấy vậy,
đành phải vâng lời đứng yên. Có mấy người chạy đi bắt Bảo Ngọc.
Bảo Ngọc thấy Giả Chính
truyền phải đứng yên không được chạy, lại thêm Giả Hoàn nói chêm vào mấy câu,
biết ngay là có chuyện dữ. Bảo Ngọc đi loanh quanh ở ngoài hiên, muốn nhờ người
vào báo tin cho nhà trong, nhưng không gặp ai cả. Ngay Bồi Dính cũng không biết
đi biệt đâu mất. Đương lúc ngóng chờ, thì có một bà già đến, Bảo Ngọc mừng như
bắt được của báu, liền chạy lại kéo bà già nói:
- Bà chạy ngay về nói:
ông sắp đánh tôi đấy! Việc rất cần, bà về báo ngay cho tôi một tiếng!
Một đằng thì Bảo Ngọc
vội quá, nói không được rõ ràng; một đằng thì bà già lại điếc đặc, không nghe
rõ là nói gì, nên câu: “Nói ngay một tiếng” bà ta lại nghe ra “Nhảy ngay xuống
giếng”, liền cười nói:
- Nó nhảy xuống giếng
thì thây kệ nó, chứ việc gì đến cậu mà phải sợ?
Bảo Ngọc thấy bà ấy
điếc, liền cáu lên:
- Bà ra gọi một đứa hầu
nhỏ của tôi đến đây mau lên!
Bà già nói:
- Việc gì mà chẳng yên?
Đã thu xếp xong cả rồi. Bà Hai lại cho nó quần áo, cho nó tiền bạc, còn gì mà
chẳng yên?
Bảo Ngọc đương lúc cấp
bách không biết làm thế nào, thì bọn người hầu của Giả Chính vào giục đi ra
ngay. Giả Chính trông thấy Bảo Ngọc, mắt đỏ ngầu lên, không kịp hỏi đến những
tội, như đi ra ngoài thì đùa bỡn bọn chèo hát, trao tặng của riêng, ở trong nhà
thì bỏ học hành, cưỡng gian đầy tớ gái của mẹ, chỉ thét: “Khóa miệng nó lại,
đánh cho chết đi!”
Bọn người hầu không dám
trái lệnh, đành phải dằn Bảo Ngọc xuống cái ghế dài, cầm gậy to, đánh độ mười
cái. Bảo Ngọc biết rằng mình có van cũng chẳng tha nào, đành khóc rống lên. Giả
Chính cho là đánh khẽ quá, đá thằng cầm gậy, rồi giật lấy gậy, đánh thật mạnh
mấy cái.
Bảo Ngọc xưa nay chưa
từng chịu đau đớn như thế bao giờ, lúc đầu còn biết đau, khóc ầm lên; đến sau
hơi thở dần dần yếu đi, kêu không ra tiếng. Những môn khách thấy thế, sợ xảy ra
chuyện không hay, liền chạy cả đến khuyên ngăn. Nhưng Giả Chính khi nào chịu
nghe? Ông ta nói:
- Các người hỏi xem
những việc nó làm có đáng tha hay không? Tội ở các người ngày thường cứ hay
nuông nó để nó hư hỏng thế này, lại còn đến khuyên ngăn à. Mai đây nó phạm tội
giết cha giết vua, thì các người còn can vào lối nào?
Mọi người thấy câu nói
dữ ấy, biết là Giả Chính bực lắm rồi, liền nhao lên đi tìm người vào báo nhà
trong.
Vương phu nhân nghe nói,
không kịp đến trình Giả mẫu, liền mặc áo, bất chấp có người hay không, vịn vào
một a hoàn xăm xăm chạy thẳng vào thư phòng. Bọn môn khách và người hầu đều
tránh không kịp.
Giả Chính đương muốn
đánh nữa, thấy Vương phu nhân đến, cơn giận lại càng như lửa cháy đổ dầu thêm.
Cái gậy cứ lia lịa vụt xuống càng nhanh càng mạnh. Hai đứa đè Bảo Ngọc vội
buông tay ra. Bảo Ngọc đã nằm sóng sượt, không cựa quậy được nữa.
Giả Chính còn muốn đánh
nữa, nhưng bị Vương phu nhân giữ gậy lại. Giả Chính nói:
- Thôi! Thôi! Hôm nay
lại làm cho ta tứcchết mới thôi đây!
Vương phu nhân khóc nói:
Thằng Bảo đáng đánh
thực, nhưng ông cũng nên giữ lấy sức khỏe. Trời nóng nực, cụ lại đương khó ở;
đánh chết thằng Bảo Ngọc là việc nhỏ, nếu cụ lo nghĩ sinh ốm, thì chẳng hóa ra
việc to hay sao?
Giả Chính cười nhạt:
- Thôi đừng nói những
câu ấy nữa. Đẻ ra cái giống ác nghiệt này, thì tôi cũng mang tội bất hiếu rồi!
Ngày thường hễ tôi quở phạt nó lần nào, là y như có người đến bênh nó. Chi bằng
nhân ngày hôm nay kết liễu cái đời thằng chó chết này đi để khỏi tai vạ về sau.
Nói xong ông ta định lấy
thừng thắt cổ Bảo Ngọc cho chết đi.
Vương phu nhân liền ôm
lấy Bảo Ngọc khóc:
- Đã đành ông lo dạy
con, nhưng cũng nên nghĩ đến tình vợ chồng một chút. Nay tôi đã năm mươi tuổi
đầu, chỉ có một mụn tội nợ này thôi, nếu đánh nó để răn dạy, thì tôi không dám
can ngăn. Nhưng ông định đánh chết nó, thì chẳng hóa ra ông cố tình đoạn tuyệt
đời tôi hay sao? Ông định thắt cổ cho nó chết, thì hãy thắt cổ tôi trước, mẹ
con tôi không dám oán trách nửa lời, để khi chết xuống âm ty, mẹ con tôi sẽ
nương tựa nhau.
Nói xong, bà ta ôm lấy
Bảo Ngọc khóc ầm lên.
Giả Chính thở dài, vào
ghế ngồi, nước mắt nhỏ xuống như mưa. Vương phu nhân thấy Bảo Ngọc mặt nhợt
hẳn, hơi đã yếu đi. Cái quần đùi xanh mặc trong người đẫm cả máu, khi cởi thắt
lưng ra, thấy từ mông xuống đùi, chỗ thâm chỗ tím, chỗ thì nổi cục, chỗ thì
toạc thịt ra, chẳng còn tý nào nguyên vẹn cả. Bà ta bất giác òa khóc to và kêu
lên:
- Đứa con xấu số này.
Nhân câu “Đứa con xấu
số” bà ta lại nhớ ngay đến Giả Châu, liền gọi ngay tên Giả Châu lên khóc và
nói:
- Nếu con còn sống, thì
dù chết một trăm đứa con khác ta cũng không cần!
Thấy Vương phu nhân đi
ra, Lý Hoàn, Phượng Thư và chị em Nghênh Xuân, Thám Xuân đều chạy đến; nghe
thấy Vương phu nhân khóc và gọi tên Giả Châu, người khác không sao, chứ Lý Hoàn
thì nhịn làm sao được, chị ta cũng sụt sùi thổn thức khóc theo. Giả Chính thấy
thế, lại nước mắt ròng ròng chảy xuống. đương lúc nhốn nhao, thì a hoàn vào
trình: “Cụ đã đến”. Nói chưa dứt lời, đã nghe ở ngoài cửa sổ có tiếng nói run
run:
- Đánh chết ta trước đã,
rồi hãy đánh chết nó, thế là yên chuyện!Giả Chính thấy mẹ sang, vừa hoảng sợ
vừa thương xót, vội chạy ra đón. Giả mẫu vịn vào một a hoàn đi đến, đầu lắc lư,
hơi thở hổn hển. Giả Chính đến gần, cúi đầu cười nói:
- Trời đương nóng nực
thế này, mẹ có việc gì, cứ gọi con đến truyền bảo, cần gì phải thân hành đến
đây?
Giả mẫu nghe nói, liền
đứng lại thở một lúc rồi quát ầm lên:
- Thế ra anh cũng thèm
nới chuyện với tôi à! Tôi có câu chuyện muốn nói, nhưng đời tôi không đẻ được
người con nào khác, còn bảo tôi nói với ai bây giờ?
Giả Chính nghe câu nới
khác hẳn ngày thường, liền rưng rưng nước mắt quì xuống:
- Con sở dĩ phải dạy dỗ
nó, là vì muốn làm rạng vẻ ông cha; giờ mẹ nói thế thì con chịu sao nổi?
Giả mẫu nghe nói nhổ
toẹt một cái nói:
- Ta mới nói có một câu,
anh đã không chịu được, thế thì anh vác gậy đánh vùi đánh dập thằng Bảo như thế
kia, liệu nó có chịu được không? Anh nói rằng anh dạy dỗ con cái để làm rạng vẻ
ông cha thế thì ngày trước cha anh đã dạy anh như thế nào?
Nói xong, tự nhiên nước
mắt ròng ròng, Giả Chính gượng cười nói:
- Xin mẹ đừng thương cảm
làm gì, chỉ vì lúc nãy con nóng tính quá. Từ giờ trở đi con không dám đánh nó
nữa.
Giả mẫu cười nhạt:
- Anh không cần giận lây
với tôi. Nó là con anh, muốn đánh thế nào anh cứ đánh. Chắc rằng mẹ con bà cháu
chúng tôi ở đây chỉ làm phiền anh thôi, chi bằng xa anh ra là hết chuyện.
Nói xong liền sai người:
“Sắp sẵn kiệu, ta cùng bà mày và thằng Bảo đi về Nam Kinh ngay”... Người nhà
đành phải vâng lời.
Giả mẫu bảo Vương phu
nhân:
- Chị không nên khóc
lắm. Bây giờ thằng Bảo nó còn bé, thì chị thương nó. Sau nó lớn lên, ra làm ông
nọ ông kia, chưa chắc nó đã nhớ đến công lao chị đứt ruột đẻ ra nó đâu. Bây giờ
chị không thương nó, sau sẽ bớt được sự bực tức cũng chưa biết chừng.
Giả Chính nghe vậy, vội
cúi đầu nói:
- Mẹ nói câu ấy thì con
không còn có chỗ nào mà đứng ở trên đời này nữa.
- Rõ ràng anh làm cho ta
không còn có chỗ nào đứng, mà lại còn đổ lỗi cho ta? Chỉ có cách là chúng ta đi
hẳn, thì anh sẽ được rảnh rang, chảai dám ngăn cấm anh đánh nó nữa!
Giả mẫu bảo người hầu:
“Sắm sửa ngay hành lý và xe kiệu để ta đi”. Giả Chính liền quỳ rạp xuống, cúi
đầu lạy.
Giả mẫu đến xem Bảo
Ngọc, thấy lần này Bảo Ngọc bị đòn đau quá, không như những lần trước. Vừa
thương cháu, vừa giận con, Giả mẫu khóc mãi không thôi. Vương phu nhân cùng
Phượng Thư khuyên giải hồi lâu, mới nguôi dần, không khóc nữa.
Bọn a hoàn, vú bõ chạy
đến chực kéo Bảo Ngọc dậy. Phượng Thư mắng:
- Bọn mày khéo hồ đồ!
Sao không mở mắt ra mà nhìn. Người như thế, dìu đi sao được. Hãy về mang cái
ghế mây dài đến đây!
Mọi người nghe nói, vội
chạy đi mang cái ghế dài đến, đặt Bảo Ngọc nằm xuống, theo Giả mẫu và Vương phu
nhân đưa về nhà Giả mẫu.
Giả Chính thấy Giả mẫu
chưa nguôi cơn giận, không dám tự tiện bỏ về, cũng đi theo luôn. Thấy Bảo Ngọc
bị đánh đau quá. Vương phu nhân cứ kêu con luôn miệng và nói: “Nếu mày chết đi
cho anh Châu mày sống, thì bố mày không đến nỗi tức giận thế này, và cũng không
uổng tấm lòng tao suốt nửa đời người. Bây giờ mày có mệnh hệ nào, bỏ tao ở lại
một mình, thì tao biết trông cậy vào đâu. Thằng ngu đần này!”
Bà ta cứ kêu rồi lại
khóc, khóc rồi lại kêu. Giả Chính nghe vậy, lòng càng chán ngán, hối hận rằng
lẽ ra mình không nên đánh quá tay như thế. Trước hết đến khuyên Giả mẫu. Giả
mẫu rưng rưng nước mắt nói:
- Con hư thì phải dạy,
nhưng anh không nên đánh nó đến thế! Anh không đi đi, còn đứng ở đây làm gì?
Hay là anh chưa vừa lòng, còn muốn cho nó chết hẳn thì mới hả lòng hả dạ hay
sao?
Giả Chính nghe nói, vâng
lời đi ra.
Tiết phu nhân, Bảo Thoa,
Hương Lăng, Tập Nhân và Tương Vân cũng đều chạy lại. Tập Nhân trong lòng đau
xót, nhưng không tiện nói ra, thấy mọi người quây lấy Bảo Ngọc, người thì đổ
nước, người thì quạt hầu, còn mình chẳng biết chen tay vào đâu, liền ra ngoài,
sai đưa hầu nhỏ đi tìm Bồi Dính đến hỏi:
- Đang yên đang lành,
chẳng có chuyện gì, tại sao lại bị đánh đau như thế, mà mày không về báo tin
ngay?
- Tôi cũng không ở đấy.
Khi đánh đến nửa chừng, tôi mới biết tin, vội đến hỏi nguyên do, thì ra vì việc
con hát Kỳ quan và việc chị Kim Xuyến.
- Tại sao ông lại biết
những việc ấy?
- Việc con hát Kỳ quan
có thể là cậu Tiết ngày thường hay ghen tuông, không làm nào hả giận được, nên
đã xúi giục người nào đến ton hót ông. Còn việc chị Kim Xuyến thì cậu Ba nói
ra. Tôi nghe người hầu ông nói thế.
Tập Nhân nghe hai việc
này gần khớp như nhau, trong lòng đã tin đến tám chín phần, liền quay trở về,
thấy mọi người đang xúm lại chữa cho Bảo Ngọc. Công việc xong xuôi, Giả mẫu sai
người khiêng Bảo Ngọc cẩn thận về nhà. Ai nấy vâng lời, ba chân bốn cẳng,
khiêng Bảo Ngọc về viện Di Hồng, đặt nằm yên ở trên giường. Rối rít một lúc
lâu, rồi kéo nhau vế. Bấy giờ Tập Nhân mới đến hầu và căn vặn hỏi han cặn kẽ
câu chuyện.