Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển - Chương VI - VII

Chương VI: Tiết Trời Mưa

Thứ tư, 30 tháng Ba

Hôm nay là ngày trời mưa đầu tiên trong cuộc lữ hành.
Đàn ngỗng mà còn ở trong vùng hồ Vômbsơ thì trời còn đẹp. Nhưng hôm chúng lên
đường bay về miền Bắc, trời bắt đầu mưa: trong nhiều tiếng đồng hồ chú bé phải
ở trên lưng con ngỗng đực, ướt sũng rét run.

Buổi sáng, khi ra đi, trời trong và lặng. Đàn ngỗng
bay rất cao, đều đều, không vội và rất trật tự. Akka bay đầu, những ngỗng khác
theo hai hàng hình chữ nhân. Chúng chẳng mất thì giờ để gào những lời quái ác
với các con vật dưới đất, nhưng vì không thể cứ hoàn toàn im lặng được, chúng
luôn mồm gọi theo nhịp cách: "Bạn ở đâu? Tôi đây! Bạn ở đâu? Tôi
đây!".

Chuyến đi thật đơn điệu. Khi những đám mây kéo đến,
Nilx nghĩ rằng đây thật là một trò giải trí. Những đợt mưa xuân đầu tiên vừa
đập xuống đất là tất cả những loài chim nhỏ liền cất tiếng kêu hoan hỉ trong
chìm cây và những ràng thưa. Không gian vang tiếng chiêm chiếp, và Nilx bỗng
chốc giật mình.

Lũ chim hót: "Mưa đây rồi, mưa cho ta mùa xuân;
mùa xuân cho ta hoa thắm và lá xanh; hoa thắm và lá xanh cho ta ấu trùng và sâu
bọ; ấu trùng và sâu bọ cho ta lương thực; lương thực ngon lành và phong phú là
cái tốt nhất trên đời".

Những con ngỗng trời cũng hớn hở vì mưa sắp thức tỉnh
cây cỏ, và đào ra nhiều lỗ trong lớp băng trên các mặt hồ. Chúng không thể cứ
lầm lì mãi, và bắt đầu tung xuống vùng này những câu đùa cợt. Khi bay lên trên
những cánh đồng khoai tây rộng lớn, vốn rất nhiều trong vùng Krichianxtad lúc
đó còn trơ trụi một màu đen, chúng kêu:

"Dậy đi nào, và tỏ ra có ích đi. Kẻ đánh thức các
bạn đã đến đây. Các bạn lười biếng đã khá lâu rồi".

Trông thấy những người vội vã trú mưa, chúng réo lên:
"Vội vã mà làm gì? Không thấy hay sao mưa ra bánh mì và bánh ngọt, bánh
ngọt và bánh mì".

Một đám mây lớn và dày bay nhanh lên phía bắc và theo
sát đàn ngỗng. Chúng như muốn tưởng tượng ra rằng chúng đang kéo cả đám mây t
mình. Khi thấy nhưng vườn tược rộng rãi, chúng kêu lên tự hào: "Chúng tôi
mang hoa bạch đầu ông đến, chúng tôi mang táo và nụ anh đào đến, chúng tôi mang
đậu đũa và đậu cô-ve đến, củ cải và bắp cải đến: ai muốn lấy thì lấy".

Đó là những lời đàn ngỗng rêu rao trong những đợt trút
nước đầu tiên, khi mọi người vui lòng thấy mưa; nhưng khi trời cứ mưa tiếp suốt
cả buổi chiều, thì đàn ngỗng sốt ruột, hét lên với những khi rừng khát nước
quanh hồ Ivôsơ: "Các bạn uống đã sắp đủ chưa? Sắp đủ chưa?"

Bầu trời mỗi lúc một tối, và mặt trời nấp kín quá,
chẳng ai có thể đoán ra nó ở đâu. Mưa rơi nặng hạt, đập mạn lên cánh, và len
vào giữa những chiếc lông nhờn bóng bên ngoài, thấm vào tận mình chúng. Mặt đất
bị phủ dưới một trận màn mưa mờ như sương. Hồ, núi và rừng lẫn lộn vào nhau
trong một mớ hồn độn dị hình; chẳng làm sao phân biệt những điểm mốc nữa. Đàn
ngỗng bay chậm lại, những tiếng reo vui im bặt. Nilx mỗi lúc thấy lạnh thêm.

Tuy vậy, chú vẫn giữ nguyên lòng can đảm, chừng nào
còn cưỡi lưng ngỗng bay trên không. Chiều tối đàn ngỗng hạ xuống dưới bóng một
cây thông nhỏ cằn cỗi, giữa một bãi lầy rộng, ở đấy tất cả những gì cũng ẩm và
lạnh, ở đấy có vài bụi cỏ bị tuyết vùi, ở đấy vài bụi khác hiện lên trơ trụi từ
một vùng nước lạnh buốt do băng mới hơi tan; bấy giờ chú vẫn chưa nản lòng chút
nào. Chú vui vẻ, chạy nơi nọ nơi kia, tìm quả nham lê, và nham lê đầm lầy đã bị
cứng lại vì băng giá. Nhưng tối đến, bóng đêm ập xuống dày đặc đến nỗi mắt của
Nilx cũng không thể nhìn thấy qua được. Chốn hoang vu này trở nên thê thảm đáng
sợ lạ thường. Nilx chui vào dưới cánh con ngỗng đực, nhưng không tài nào ngủ
được vì ướt và lạnh. Chú nghe thấy bao nhiêu tiếng sột soạt, tiếng chạm khẽ,
tiếng chân lướt và tiếng kêu đe dọa; chú cảm thấy kinh hãi đến nỗi không biết
vào đâu. Chú phải đi đến nơi nào có lửa và ánh sáng mới khỏi chết khiếp vì sợ.

Chú nghĩ thầm: "Giá mình đánh liều tìm đến những
con người, chỉ riêng đêm nay thôi, đến chỉ để ngồi một lúc cạnh ngọn lửa, và ăn
lấy một mình! Mình có thể trở lại với đàn ngỗng trước lúc mặt trời mọc lắm
chứ".

Chú gỡ mình ra khỏi cánh ngỗng và tụt xuống đất. Chú
không đánh thức ngỗng đực, cũng không đánh thức ai cả, lặng lẽ tách ra khỏi bãi
lầy. Chú hoàn toàn không biết mình đang ở đâu, đang ở Xkônê, ở Xmelanđ hay ở
Blêkingê. Lúc ra khỏi bãi lầy, chú thoáng thấy một thị trấn lớn, chú đi đến
phía ấy. Chẳng bao lâu chú thấy một con đường và đi đến một phố dài có cây
trồng, nhà cửa san sát hau bên. Nhà gỗ và dựng rất thanh nhã; phần lớn đều có
đầu hồi và mi nhà chạm trổ, và những hàng hiên có kính mờ, tường quét sơn dầu
màu tươi, khung cửa lớn và cửa sổ, sơn xanh hay lục hay sơn đỏ nữa. Vừa đi vừa
ngắm nghĩa các ngôi nhà, từ ngoài phố Nilx nghe tiếng người nói cười trong
những ngôi nhà ấm cúng. Chú không nghe rõ từng lời, nhưng nghĩ rằng được nghe
tiếng là tốt rồi. "Không hiểu nếu gõ cửa và xin người ta cho vào nhà thì
người ta sẽ bảo sao?"

Đúng là chú có ý định làm thế, nhưng nối sợ hãi bóng
tối đã tiêu tan từ lúc chú trông thấy những cửa sổ sáng đèn. Bấy giờ chú lại
thấy nhút nhát như thường ngày khi ở gần bên cạnh loài người và chỉ đành lẩm
bẩm một mình: "Mình hãy đi chơi trong làng một lát nữa trước khi hỏi xin
vào nhà một người nào đó".

Một ngôi nhà có bao lơn; Nilx đi qua, cửa bao lơn mở
ra, một luồng ánh sáng vàng chiếu qua những bức màn mỏng và nhẹ. Một người đàn
bà trẻ đẹp bước ra và nghiêng mình bên lan can. "Trời mưa, chẳng bao lâu
nữa mùa xuân sẽ đến". người ấy nói. Trông thấy người ấy, Nilx cảm thấy
khắc khoải lạ thường, chú tưởng là mình sắp phát khóc. Lần đầu tiên, chú xót xa
vì đã tự tách mình ra khỏi loài người.

Rồi chú đi qua một cửa hàng. Trước cửa có một cái máy
gieo hạt sơn đỏ. Chú đứng lại xem, trèo lên ghế người lái và ngồi vào. Yên vị ở
đó rồi, chú lập bập môi và làm như đang lái xe. Chú nghi là được lái một chiếc
máy đẹp như thế này trên một cánh đồng lúa mình thì thích thật. Trong chốc lát
chú đã quên mất thân phận hiện tại của mình nhưng rồi chú nhớ lại ngay, thế là
chú bỗng nhảy xuống đất. Mỗi lúc chú lại một thấy lo sợ thêm: kẻ sống mãi giữa
các loài vật đã phải từ bỏ biết bao nhiêu thứ. Con người quả là giỏi và đáng
phục.

Chú đi qua trước nhà bưu điện và nghĩ đến những báo chí
hàng ngày đem tin tức từ khắp bốn phương trên thế giới đến. Chú thấy cửa hàng
ông dược sĩ, nhà ông thầy thuốc, và nghĩ rằng con người có đủ uy lực chống lại
bệnh hoạn và cái chết.

Chú đến nhà thờ, và tự nhủ con người đã xây dựng nó
lên để đến đây mà nghe nói đến một thế giới khác, đến Chúa, đến sự tái sinh và
đến đời sống vĩnh hằng.

Càng đi, chú càng yêu mến con người, chú sợ không bao
giờ có thể lấy lại được hình dạng ban đầu của chú nữa. Làm thế nào để trở lại
thành người? Chú trèo lên một bậc thềm, ngồi dưới trời mưa như trút, và suy
nghĩ. Chú ngồi đó một giờ, hai giờ, mải miết suy nghĩ, đến nỗi những nếp nhăn
hằn lên trên trán.

Bỗng Nilx một con cú to đến đậu trên một cái cây trong
phố. Một con cú mèo ẩn dưới một ống máng liền cựa quậy, và kêu lên: "Kivitt,
Kivitt! - Bác lại về đấy à, bác cú! Ở nước ngoài thoải mái chứ?"

- Cảm ơn, bác cú mèo, thoải mái lắm. Ở nhà có việc gì
xảy ra trong lúc tôi đi vắng không?

- Ở Blêkingê này thì không có việc gì bác cú ạ, nhưng
ở Xkônê có xảy ra một việc một chú bé bị biến thành gia thần, thu nhỏ lại bằng
con cóc; sau đó chú ta đi Lapplanđ với một con ngỗng nhà.

- Thật là một tin lạ, một tin lạ; nó có bao giờ trở
thành người nữa không, bác cú mèo? Nó có bao giờ trở thành người nữa không?

- Đó là một điều bí mật, bác cú ạ, tuy vậy bác cũng sẽ
được biết thôi. Gia thần đã tuyên bố nếu chú bé trông nom đàn ngỗng đực và đưa
nó về nhà bình yên vô sự thì...

- Thì sao, cú mèo? Thì sao, sao?

- Bác hãy bay lên với tôi lên gác chuông, bác cú ạ,
rồi tôi sẽ nói với bác hết. Tôi sợ ở trong phố thế này có kẻ nghe thấy câu
chuyện của chúng ta.

Hai con chim liền bay đi. Nilx tung chiếc mũ lên
không. "nếu mình trông nom ngỗng đực và đưa nó về nhà bình yên vô sự thì
mình sẽ trở lại thành người. Huara! Huara! Mình sẽ trở lại thành người!"

Thật là lạ người ở trong các nhà kia không nghe thấy
tiếng, dù chú reo to lắm. Chú liền ba chân bốn cẳng chạy về với đàn ngỗng trời
trong đầm lầy ẩm ướt.

Chương VII: Cái Thang
Gác Ba

Bậc

Thứ năm, 31 tháng Ba

Đàn ngỗng trời đã dự trù ngày hôm sau lại bay lên phía
Bắc qua tổng Allbo trong tỉnh Xmôlanđ. Chúng phái Uykxi và Kakxi đi dò đường
nhưng hai con này trở về báo rằng nước sông ngòi đều đóng băng và mặt đất thù
khắp nơi đều phủ tuyết.

Các con ngỗng nói: "Như thế chúng ta có thể ở lại
đây thôi. Ta không thể bay qua những vùng chẳng có nước, lại cũng chẳng có đồng
cỏ".

Akka cãi lại: "Chúng ta mà ở lại đây thì chắc là
phải trọn một tuần trăng. Tốt hơn là đi sang phía Đông, qua tỉnh Blêkinyê rồi
thử băng qua tỉnh Xmôlanđ theo tổng Mơrê, ở đó mùa xuân đến sớm vì gần eo
biển".

Vì thế, hôm sau, chú bé rong ruổi tỉnh Blêkinyê ánh
sáng ban ngày làm cho chú vui vẻ như thường lệ và lại không tài nào hiểu được
cái gì là cái ám ảnh chú tối hôm qua. Giờ thì không còn vấn đề bỏ cuộc lữ hành
và đời sống hoang dã nữa!

Một lớp sương mù dày đặc do mưa bụi đem đến, phủ kín
tỉnh Blêkinyê và chú chẳng trông thấy gì ở dưới ấy cả. "Mình chẳng biết
cái vùng bay qua này là tốt hay xấu nữa", chú nghĩ vậy và cố nhớ lại những
gì đã được học ở trường về tỉnh này. Nhưng đồng thời chú cũng biết là vô ích vì
có bao giờ chú đã chịu làm các bài tập đâu.

Và bỗng nhiên chú như thấy lại nhà trường, trẻ em ngồi
ở bàn của họ đưa tay lên, thầy giáo ngồi ở bàn của thầy có vẻ phật lòng và
chính chú đang đứng trước tấm bản đồ, được mời trả lời một câu hỏi về tỉnh
Blêkinyê nhưng không thể nói được lấy một tiếng. Mỗi giây trôi qua là gương mặt
thầy lại càng ảm đạm vì cái môn địa lý này nhiều hơn mọi môn khác. Giờ thì thầy
đứng dậy đến lấy lại cái que để chỉ bản đồ từ tay chú và cho chú về chỗ. Thế là
chú nghĩ: "Thế này thì phiền đấy!"

Nhưng thầy đi đến cạnh cửa sổ và đứng đấy một lúc nhìn
ra ngoài trời, mồm khe khẽ huýt sáo. Rồi thầy trở lại bàn giấy và bảo là sắp
nói chuyện với học sinh về tỉnh Blêkinyê. Và những gì thầy kể hôm ấy thật vui
quá, khiến chú đã lắng nghe. Cố hết sức tìm trong ký ức bấy giờ chú đã nhớ lại
được từng chữ.

Thầy giáo nói: "Tỉnh Xmôlanđ là một ngôi nhà cao
có những cây thông mọc trên nóc, và phía trước rải ra một cái thang gác rộng
gồm ba bậc, thang gác ấy có tên là Blêkinyê.

Kích thước của chiếc thang gác đó thật là hoàn hảo,
rải rộng tám mươi kilomet theo mặt trước của ngôi nhà Xmôlanđ và ai mà muốn
xuống thang gác ấy để gặp biển Baltika thì phải đi hết bốn mươi kilomet.

Nó cổ lắm, chiếc thang gác này. Năm tháng đã trôi qua
lâu từ khi các bậc đá màu ghi của nó được đẽo và xếp thành dải phẳng bóng và
đều đặn".

Cứ như tuổi tác của nó thì người ta có thể hiểu rằng,
cái thang gác này chẳng còn mới mẻ gì. Tôi không biết là người thời này có quan
tâm đến những việc đó không nhưng cứ như tầm vóc của nó thì chẳng có cái chổi
nào là có thể giữ cho nó sạch sẽ được. Rêu và địa y mọc trên các phiến đá của
nó, cỏ khô và lá rụng ùn lại đấy trong mùa thu và sang mùa xuân thì nó bị phủ
đầy những đá đổ xuống và cuội cát lăn xuống và tất cả các thứ ấy ở tại chỗ để
phân hủy ra sau cùng thì một khối mùn lớn các loại chất chứa lại đến mức là
không những cỏ cây bụi và cả những cây đại thụ đến bám rễ đấy nữa.

Đồng thời ba bậc càng ngày càng khác hẳn nhau. Bậc
trên gần tỉnh Xmôlanđ, phần lớn phủ một lớp đất xấu và sỏi nhỏ và chỉ có một
loại anh đào, cây bạch dương và cây thông là mọc lên được vì chịu nổi cái rét
nơi cao và vốn sống thanh đạm. Chỉ nhìn diện tích eo hẹp của các cánh đồng đã
lấn được vào đất rừng, kích thước bé nhỏ, nhà cửa và khoảng cách giữa các nhà
thờ là đủ biết nỗi khô hạn và nghèo nàn của các vùng này.

Bậc giữa được ưu đãi hơn vì không phải chịu những cái
rét khắc nghiệt của chốn núi cao; nhìn thấy cây cối cao to hơn, thuộc các loài
quý hơn người ta cũng hiểu ngay như vậy. Ở đấy mọc lên những cây phong, cây sồi
và cây bồ đề, cây bạch dương lá rũ, và cây phỉ, nhưng chẳng có một cây tùng
bách nào. Và người ta lại càng hiểu rõ hơn khi thấy những ngôi nhà to, đẹp đã
xây dựng ở đây, các nhà thờ ở các bậc trung gian này cũng nhiều và chung quanh
đấy là những làng xã rộng lớn.

Rồi cũng như bậc giữa đẹp hơn bậc trên; bậc dưới cũng
lại càng đẹp hơn nữa. Mặt đất phủ lớp mùn phì nhiêu, nó lại tắm mình trong biển
nên không cảm thấy cái lạnh của tỉnh Xmôlanđ. Ở dưới này vui thích mọc lên
những cây hồ đào, cây dẻ gai và cây lật, thân vươn cao hơn các mái nhà thờ.
Những cánh đồng rộng rãi đều ở đấy cả, nhưng người ta không chỉ sống nhờ nghề
nông và nghề rừng, mà còn đánh cá và đi biển nữa. Bởi vậy, mà ta thấy ở đấy
những nhà ở sang nhất, những nhà thờ đẹp nhất, và làng xã bao quanh nhà thờ đều
đã trở thành những thị trấn và những thành phố.

Nhưng chưa hết những điều đã được kể về ba bậc thang
gác ấy. Vì còn phải nói rằng khi mà mưa trên mái của ngôi nhà lớn Xmôlanđ và
tuyết tan ở đấy thì nước phải chảy đi đâu đấy chứ. Tất nhiên một phần chảy
xuống cái thang gác lớn. Lúc đầu chắc là nước chảy suốt cả bề ngang của thang,
nhưng rồi nó đào ra những mương hẹp rồi lần hồi nó chỉ chảy theo những khe được
vạch ra rất rõ. Và nước vẫn chỉ là nước, dù người ta làm gì thì làm. Nước không
biết nghỉ ngơi. Ở đây nó đào và giũa, và bào; ở kia nó bồi vào. Nó đã khoét
rộng các rãnh ra thành thung lũng, đã phủ mùn lên các gò đống ấy, đông đúc đến
nỗi dấu kín gần hết các dòng nước chảy ở dưới đáy thung lũng. Nhưng khi các khe
suối ven các bậc thang thì phải lao đầu xuống và nhờ thế nước có thể chảy xiết
đến mức đủ mạnh để làm quay những bánh xe các nhà xay và cỗ máy, và các nhà xay
cỗ máy cứ ngày càng tăng thêm lên nhiều dọc tất cả các khe suối.

Tuy nhiên cũng chưa nói hết được về cái xứ ba bậc
thang này. Phải biết rằng trong ngôi nhà Xmôlanđ ngày xưa có một ông khổng lồ
ở. Đã quá già, ông khổng lồ ấy nguyền rủa tuổi tác của mình đã bắt buộc mình cứ
phải theo cái thang gác để đi đánh cá hồi ở dưới biển. Ông ta thích rằng cá cứ
phải ngược lên đến tận chỗ ông ta thì hơn.

Vậy là ông ta leo lên mái ngôi nhà lớn của mình và cứ
thế ném những tảng đá lớn xuống biển Baltika. Ông ta ném khỏe đến nỗi đá bay
qua suốt cả tỉnh Blêkinyê và rơi xuống biển. Thế là khiếp sợ vì đá rơi cá hồi
phải rời biển ngược lên các sông suối tỉnh Blêkinyê mà đào tẩu, chúng nhảy lên
rất cao để vượt qua các thác, và chỉ dừng lại khi đã vào sâu nội địa tỉnh
Xmôlanđ, đúng nới ông khổng lồ già ở.

Những rạn đá ngầm và hải đảo rải rác dọc bờ biển tỉnh
Blêkinyê chứng tỏ rằng đó là chuyện có thật. Rạn và đảo chẳng là gì khác những
khối đá lớn mà ông khổng lồ đã ném xuống biển.

Một bằng chứng nữa của sự thật ấy là ngày nay cá hồi
vẫn còn ngược các dòng sông của tỉnh Blêkinyê qua các khe suối và các vùng nước
yên tĩnh, vạch đường lên tận tỉnh Xmôlanđ.

Đúng, ông khổng lồ ấy xứng đáng được dân tỉnh Blêkinyê
nhiệt thành cám ơn vì việc đánh cá hồi và nghề đẽo đá trên các đảo là hai ngành
hoạt động ngày nay còn nuôi sống rất nhiều người trong bọn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3