Suy nghĩ và làm giàu - Chương 02 phần 1

Chương II

Giấc mơ trở thành hiện thực khi mong muốn
biến thành hành động. Hãy xin cuộc đời thật nhiều - và cuộc đời sẽ cho bạn rất
nhiều.

BƯỚC ĐẦU TIÊN VƯƠN TỚI
CỦA CẢI: MONG MUỐN

Hơn 50 năm trước, khi Edwin S.Barns từ toa
tàu hàng bước xuống ga East-Orange, bang New Jersey, trông anh giống một
kẻ lang thang, nhưng những ý nghĩ của anh thì xứng đáng một ông hoàng.

Trên đường từ ga tàu về văn phòng của
Thomas A.Edison, anh nghĩ ngợi; anh thấy mình đang đứng trước mặt Edison; anh
nghe mình hỏi Edison về khả năng thực hiện mong muốn cháy bỏng đang trở thành ý
nghĩ luôn ám ảnh của mình - thành bạn kinh doanh với nhà phát minh vĩ đại.

Không phải niềm hy vọng! Không phải sự
vươn tới! Mà là mong ước cháy bỏng đang lấn át mọi điều khác. Thực chất là ở
chỗ đó.

Vài năm sau Edwin S.Barns lại đứng trước
mặt Edison cũng trong văn phòng, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên.
Nhưng đứng với tư cách bạn kinh doanh.

Barns thành công, bởi vì đã lựa chọn một
mục tiêu cụ thể và tất cả - năng lượng, sức mạnh ý chí - đều dành cho nó.

KHÔNG CÓ ĐƯỜNG RÚT LUI

Giữa hai cuộc gặp là 5 năm. Đối với mọi
người, Barns là một chiếc nan hoa trong bánh xe sự nghiệp của Edison. Đối
với mọi người, chứ không phải đối với chính anh ta. Barns tự coi mình là bạn
kinh doanh của Edison ngay từ phút đầu tiên, ngày đầu tiên làm việc.
Barns đã trở thành người đó vì anh mong muốn điều này hơn mọi điều trên thế
giới. Anh lập kế hoạch đạt mục tiêu. Sau đó đốt cháy cầu. Và ấp ủ ước mơ của
mình cho đến khi nó trở thành ý nghĩ luôn ám ảnh cả đời, và cuối cùng trở thành
chính cuộc đời.

Đến East-Orange, anh không nói với mình:
Ta thử thuyết phục Edison cho ta một công việc nào đó. Anh nói: Ta sẽ
đặt Edison trước việc đã rồi là ta đến đây để cùng hợp tác kinh doanh
với ông.

Anh không nói: tôi hiểu là có thể tôi
không đạt được gì ở công ty của Edison và buộc phải đi tìm những khả
năng khác. Anh nói: Trên thế giới này ta chỉ muốn có một điều - làm việc cùng
với Edison. Tôi nhổ toẹt lên tất cả, tôi đặt cược cả tâm hồn, nhưng tôi
phải đạt điều mình muốn.

Anh không để đường thoái lui. Anh phải
chiến thắng hay là chết!

Đó là toàn bộ câu chuyện về sự thành công
của Barns.

VÀ ÔNG ĐỐT CHÁY TÀU

Nhiều năm trước đây, một nhà quân sự đã
phải lựa chọn: ông phải đưa ra một quyết định dẫn đến chiến thắng. Ông phải
chống lại đội quân kẻ thù đông gấp bội. Ông đưa lính của mình lên tàu và bơi ra
vùng đất thù địch. Đến nơi, ông hạ lệnh đốt hết các tàu. Trước trận đánh ông
nói với đội quân của mình: Các người có thấy khói tàu ta cháy không? Có nghĩa
là, nếu ta không chiến thắng thì không thể sống sót mà rời khỏi đây. Chúng ta
chỉ có một sự lựa chọn: chiến thắng hay là chết.

Và họ đã chiến thắng.

Kẻ mong muốn chiến thắng cần đốt hết cầu,
chặt đứt hết đường thoái lui. Chỉ như vậy mới có thể giữ được mong muốn chiến
thắng cháy bỏng, rất cần cho thành công.

Buổi sáng sau vụ hoả hoạn lớn
ở Chicago, một nhóm thương nhân đứng tại State-street giữa ngổn ngang bốc
khói của tài sản một thời. Họ thảo luận với nhau - nên khôi phục những thứ đã
bị lửa thiêu huỷ hay từ bỏ Chicago đi nơi khác, may mắn hơn. Và tất cả mọi
người quyết định ra đi. Trừ một người.

Marshall Field, thương nhân quyết định ở
lại Chicago, đã nói: Các ngài, trên mảnh đất này tôi sẽ xây dựng một cửa
hiệu lớn nhất thế giới, bất chấp nó có thể cháy bao nhiêu lần cũng vậy.

Sự kiện này diễn ra gần một trăm năm trước
đây. Cửa hiệu xây xong. Đến nay nó vẫn đứng đó, giống như đài kỷ niệm cho trạng
thái tâm hồn được gọi là mong ước chiến thắng.

Tất nhiên, đối với Marshall Field, bỏ đi
là đơn giản hơn cả. Nhưng ông khác với những thương nhân kia - đó là điều mà
những người thành công bao giờ cũng khác với những người cam chịu thất bại.

Từ khi con người bắt đầu hiểu được ý nghĩa
của tiền bạc, người ta không muốn tiền mất đi. Nhưng muốn cũng chưa có nghĩa là
có. Chỉ có lòng mong ước tài sản một cách đam mê, chuyển thành sự ám ảnh, chỉ
có vạch ra những con đường cụ thể và phương tiện đạt tới, chỉ có kiên trì thực
hiện kế hoạch và không chấp nhận thất bại - vào một ngày đẹp trời những điều đó
sẽ biến bạn thành người giàu có.

SÁU LỜI KHUYÊN ĐỂ BIẾN Ý
NGHĨ THÀNH TIỀN BẠC

Bạn muốn có tiền? Sáu lời khuyên sau đây
sẽ giúp bạn điều khiển ước muốn của mình.

Hãy xác định chính xác lượng tiền mà bạn
muốn có. Chỉ nói: tôi muốn có nhiều tiền là không đủ. Hãy thật chính xác. (Một
chương dưới đây sẽ làm rõ, tại sao đứng trên quan điểm tâm lý rất cần có một
con số cụ thể).

Hãy trung thực trả lời mình: bạn sẵn sàng
trả giá như thế nào cho tài sản mà bạn mong ước? (Cái gì cũng có giá của nó, có
phải vậy không?)

Hãy định ra thời điểm bạn sẽ có số tiền
đó.

Hãy lập kế hoạch cụ thể để thực hiện ước
muốn của bạn và bắt đầu hành động ngay lập tức, bất kể là bạn đã sẵn sàng thực
hiện nó hay chưa.

Hãy viết ra tất cả: số lượng tiền, thời
hạn phải có, sẵn sàng hy sinh gì để đổi lấy nó, kế hoạch kiếm tiền.

Hàng ngày - buổi sáng và buổi tối trước
khi đi ngủ - hãy đọc to những ghi chép của mình. Khi đọc, hãy hình dung, cảm
thấy và tin rằng số tiền đó đã là của bạn.

Cần phải làm theo cả sáu lời khuyên, đặc
biệt là lời khuyên cuối cùng. Đừng phàn nàn rằng không làm sao hình dung được
là số tiền đó đã nằm trong túi của mình. Mong muốn được có, nếu đã kịp thấm vào
bạn, sẽ là người trợ thủ đắc lực của bạn. Mục tiêu của bạn - muốn có tiền, muốn
thật ngoan trường, và sức mạnh tự kỷ sẽ biến điều mong muốn thành điều có thật.

NGUYÊN TẮC GIÁ TRỊ MỘT
TRĂM TRIỆU ĐÔLA

Những người chưa quen luyện tập trí tuệ
của mình chắc sẽ nghĩ rằng những lời khuyên này vô nghĩa. Có lẽ họ cũng nên
biết rằng những lời khuyên này chứa đựng thông tin tác giả thu nhận được từ
Andrew Carneghi. Ngài Carneghi, ban đầu làm công nhân nhà máy luyện kim, bất
chấp sự khởi đầu lận đận, đã biết cách vận dụng những nguyên tắc này để tạo ra
cho mình tài sản đáng giá một trăm triệu đôla.

Cũng có thể cần nói thêm rằng những nguyên
tắc này được ông Thomas A.Edison rất hoan nghênh khi nhận thấy thực chất vấn đề
không chỉ liên quan đến tiền bạc, - vận dụng chúng có thể đạt tới bất kỳ mục
đích nào.

Nguyên tắc kêu gọi ta không phải lao động
khổ sai, mà là tự hy sinh thân mình. Không đòi hỏi ta phải trở nên lố bịch hay
cả tin. Để thực hiện không cần có học vấn cao. Cần bắt nhận thức của mình làm
việc và hiểu rằng muốn tích luỹ tiền không được phó thác mọi thứ cho tình cờ
hoặc rủi ro. Hãy nhớ rằng: những người giàu nổi tiếng của thế kỷ đã hy vọng,
mong muốn, ước ao, lập kế hoạch rất nhiều trước khi tiền đổ vào túi họ.

Và thêm một điều nữa: bạn không bao giờ
giàu được nếu không sục sôi khát vọng tiền, nếu không tin vào của cải như chính
bản thân mình.

NGÀY HÔM QUA LÀ ƯỚC MƠ
VĨ ĐẠI - NGÀY MAI LÀ TÀI SẢN KHỔNG LỒ

Chúng ta, những người đuổi theo của cải,
sống trong một thế giới luôn thay đổi. Thế giới ấy luôn đòi hỏi những tư tưởng
mới, cách tiếp cận mới, thủ lĩnh mới, phát minh sáng chế, hệ thống đào tạo và
tiếp thị, sách vở và kịch bản mới cho phim ảnh và truyền hình. Và trong cuộc
thi đua nhu cầu về cái mới và tốt, ai có mục đích cụ thể và mong muốn thành
công cháy bỏng, người đó sẽ chiến thắng.

Chúng ta, những người mong muốn làm ra của
cải, cần phải nhớ: thủ lĩnh chân chính của thế giới này là những người biết
cách sử dụng và bắt cả sức mạnh vô hình của những khả năng còn chưa hiện ra
phải làm việc, và biến những sức mạnh đó (xung động và ý nghĩ) thành nhà chọc
trời, thành phố, công xưởng, máy bay, ôtô và hàng loạt những tiện nghi khác tô
điểm thêm cho cuộc sống.

Không điều gì được ảnh hưởng đến ước mơ
của bạn. Bạn phải thấm nhuần tinh thần của những người mở đường vĩ đại trong
quá khứ, những người đã tạo ra sức sống giúp phát triển và thể hiện các tài
năng, những người mà nền văn minh Mỹ phải biết ơn.

Nếu như điều bạn muốn là tốt, và cái chính
là bạn tin tưởng vào nó, - đừng hoài nghi gì nữa, hãy hành động! Và không quan
trọng là họ sẽ nói gì khi bỗng nhiên bạn gặp không may, bởi vì họ không biết
rằng mỗi một sự không may đều mang trong mình hạt giống của thành công vĩ đại.

Thomas Edison mơ ước về chiếc bóng điện.
Ông lập tức bắt tay vào thí nghiệm và không rời bỏ ý tưởng của mình bất chấp
mười nghìn lần thử hỏng, cho đến khi ước mơ bắt đầu mang dáng dấp hiện thực. Người
mơ ước thực tế không bao giờ bỏ dở!

Uelan mơ ước có một mạng lưới các cửa hiệu
thuốc lá, và ngày nay, các cửa hàng thuộc công ty anh ta ở Mỹ có trên từng góc
phố.

Anh em Wright mơ ước về một thiết bị biết
bay. Ngày nay, ai cũng phải xác nhận rằng ước mơ của họ hoàn toàn lành mạnh.

Marconi mơ ước truyền tín hiệu trong không
khí nhờ những lực vô hình. Radio và truyền hình ngày nay đã chứng tỏ anh không
mơ tưởng viển vông. Một điều rất thú vị là bạn bè của anh đã đưa anh vào bệnh
viện tâm thần để khảo sát khi anh tuyên bố đã phát minh ra định luật cho phép
truyền tin trong không khí mà không cần dây dẫn hoặc các thiết bị vật lý khác.
Ngày nay người ta nhìn nhận rộng rãi hơn đối với những người mơ mộng, có đúng
không?

MONG MUỐN ĐẺ RA ƯỚC MƠ

Như vậy, đối với những người hay mơ ước, mong muốn là xuất phát điểm. Ước mơ không sinh ra từ thờ ơ, lười biếng và thiếu tự tin.

Hãy nhớ rằng những người về đích trước tiên cũng bắt đầu từ những bất thành. Bước ngoặt trong cuộc đời họ thường trùng với một thời điểm kịch biến mà từ đó họ trở thành những con người khác hẳn.

John Banhian đã viết ra Hành hương - một trong những cuốn sách hay nhất bằng tiếng Anh, - sau khi ông ngồi tù vì lý do tôn giáo.

O.Henry phát hiện ra tài năng của mình vào một thời điểm chẳng lấy gì làm vui vẻ trong cuộc đời, khi ông ngồi tù thành phố Colambes, bang Ohio. cái tôi thứ hai của ông sống dậy do hoàn cảnh. Nên cũng dễ hiểu là ông thích viết về cuộc đời những tên tội phạm bất hạnh và những người bị xã hội ruồng bỏ.

Charles Dickens bắt đầu bằng việc dán nhãn lên nắp các hộp xi đánh giày. Bi kịch mối tình đầu đã làm cho tâm hồn ông trở nên sâu sắc, biến ông thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất. Bi kịch đó đã cho thế giới David Coperfield và hàng loạt tác phẩm làm tất cả những người đã đọc sách của ông trở nên giàu hơn, tốt hơn.

Helen Kepler câm, điếc, mù ngay sau khi ra đời. Bất chấp những bất hạnh khổng lồ này, chị đã vĩnh viễn khắc tên mình vào lịch sử nhân loại. Suốt đời chị đã chứng minh: không ai thất bại nếu họ không tự chịu thua.

Robert Berns xuất phát là một gã trai quê thiếu học. Chán chường vì nghèo đói, lẽ ra anh đã trở thành kẻ nát rượu. Nhưng thế giới đã trở nên tốt hơn vì trong anh sống một tâm hồn biến ý nghĩ thành thơ ca, biến mảnh đất trước đây chỉ có ngải cứu thành nơi mọc lên hoa hồng.

Bethoven bị điếc, Milton bị mù, nhưng tên tuổi của họ chỉ mất đi cùng vũ trụ bởi vì họ không những biết ước mơ, mà còn biết biến đổi, tổ chức ước mơ của mình.

Có khoảng cách giữa mong muốn và sự sẵn sàng tiếp nhận điều mình mong muốn. Nếu bạn chưa tin thì tức là bạn chưa sẵn sàng. Và cuối cùng, phải nhớ: để vươn lên trên, muốn giàu sang và thịnh vượng, thì sức lực đòi hỏi cũng không nhiều hơn so với việc chấp nhận túng thiếu và đói nghèo. Một thi sỹ vĩ đại đã nêu lên chân lý chung này ở các dòng sau:

Tôi mặc cả từng đồng -

Và nhận được từng đồng.

Thử hỏi xin một triệu -

Cầm, và đừng ngạc nhiên!

Cuộc đời này vẫn sống,

Nhưng chỉ cho phần mình.

Và chúng ta tất cả

Làm việc cho cuộc đời.

Cậu đáng giá năm xu?

Đừng kêu ca oán thán.

Lườm chi người giàu có,

Hãy học cách ước mơ.

Làm thuê hay triệu phú -

Đời đối xử công bình

Muốn được đời tưởng thưởng

Hãy đòi hỏi chính mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3