Tuổi thơ dữ dội (Tập 2) - Phần V - Chương 01

Phần Thứ
Năm

Trong những giờ phút nghiêm trọng của lịch sử, nhân dân
và đất nước thường mượn lời nói của con trẻ để nói lên cái tráng khí của mình.

(Lời của người nghĩa quân già thời Trương Định)

1.

Người ở các địa phương trong tỉnh bị giặc bắt giải về Ty
An ninh ngày càng đông. Thôi thì đủ, thanh niên, trung niên, ông già, cả con
nít… Và theo hồ sơ, giấy tờ gửi kèm theo thì người nào cũng là loại "Việt
minh đầu sỏ", từng làm những việc nghiêng trời lệch đất. Nào là ám sát lý
trưởng giữa ban ngày, liệng lựu đạn vào bàn tiệc các quan Tây, nào là treo cờ đỏ
sao vàng, căng khẩu hiệu, rải truyền đơn…

Ty An ninh phải xây thêm hai buồng tạm giam rộng gấp đôi
buồng cũ, và cũng sát liền ngay đó, vẫn không đủ chỗ giam.

Tên Ty trưởng quyết định chuyển bớt khoảng ba chục tù
nhân loại cứng đầu, nguy hiểm nhất sang lao Thừa Phủ, nhà tù lớn nhất ở Huế, được
xây dựng từ hồi Pháp thuộc.

Chúng rất sợ những tù nhân sắp chuyển đi phản đối. Vì đã
vào lao Thừa Phủ là coi như chính thức ở tù, chưa biết ngày nào mới được thả
ra. Do đó chúng giữ rất kín việc chuyển tù, không cho biết ngày giờ chuyển và
chuyển đi đâu.

Một buổi chiều trời mưa tầm tã. Mưa cứ từng đợt từng đợt,
ào ào trút xuống, quất ràn rạt trên mái buồng giam. Mưa hắt vào cả bên trong,
làm những người gần cửa ra vào ướt lướt thướt. Khoảng quá trưa, trời hơi ngớt
mưa, nhưng bầu trời mây đen vẫn ùn ùn đùn lên từ phía biển, báo hiệu những trận
mưa sắp tới lớn hơn.

Tiếng khoá cửa lách cách. Cửa buồng giam mở toang. Hai
tên Bảo vệ quân cầm ngang súng trường "mát" cắm lê đứng chắn hai bên
cửa. Một thằng An ninh gầy choắt, má hóp, môi thâm sì, đầu tóc chải "Bi
dăng tin" ruồi đậu phải trượt chân, tay cầm một tập giấy đánh máy đứng
ngay giữa cửa. Nhìn cách đứng và bộ dạng tức cười của chúng giống bức ký hoạ vẽ
nhại cảnh Quan Công đứng giữa đọc sách, Châu Xương, Châu Bình cầm gươm bát xà
mâu, đứng hầu hai bên tả hữu.

Thằng An ninh đảo cặp mắt trắng dã nhìn khắp buồng giam một
lượt, nói giọng hách dịch:

- Ai nghe đọc đến tên thì dạ lên một tiếng nghe chưa?

- Không dạ mà ừ thì có được không ạ? - Tiêng một người
nào đó từ trong góc tối hỏi vọng ra.

Hắn lừ mắt liếc xéo vào góc có tiếng hỏi, rồi bắt đầu đọc.
Những người có tên gọi hồi hộp, bồn chồn, đưa mắt nhớn nhác nhìn nhau. Trong buồng
giam có hơn năm chục người mà chỉ có ba chục người được gọi. Chính điều này làm
cho họ bồn chồn, hồi hộp. Chúng gọi mình để làm gì? Chúng thả chăng? Hay đưa đi
bắn? Hay chuyển qua một nhà tù khác? Trong đáy mắt những người được gọi tên trước,
ánh lên những tia mừng rỡ, hy vọng… Nhưng đến lúc nghe gọi đến tên Trần Văn Lượm
và Nguyễn Văn Cận (anh thợ máy) thì những tia hy vọng trong mắt họ vụt tắt ngấm.
Đầu họ rũ xuống, bật lên tiếng thở dài não nuột. Đã đứng chung danh sách với
cái anh "Trưởng ban ám sát" và thằng con nít ranh hai lần vượt tù thì
chẳng còn hy vọng gì được tha!

Khi nghe gọi đến tên mình, Lượm không dạ, không ừ, mà đáp
rất to như ngay ở Đội trong giờ điểm danh: "Có mặt!". Giọng nó vừa to
vừa dõng dạc, lại không quấy nghịch, làm thằng An ninh phải quạu mặt, gườm gườm
nhìn Lượm một lúc khá lâu, mới cúi xuống đọc tiếp. Lượm không chút sợ sệt, nó
còn gân mặt lên vẻ ngạo mạn, thách thức "Mi tức lắm à?". Ánh mắt Lượm
như muốn nói: "Tức thì hộc máu mà chết, chứ làm cóc khô chi được
ta?".

Lúc nào cũng vậy, hễ mỗi lẩn có mặt tụi An ninh, Bảo vệ
quân thì dù đang vừa mới bị đòn thừa sống thiếu chết, hoặc đang lo buồn đến muốn
khóc òa, nó cũng cố làm ra vẻ mặt tươi tỉnh, cười cợt, có khi còn chụm môi huýt
sáo. Lòng kiêu hãnh của người chiến sĩ cộng với tính tự ái của con nít, Lượm muốn
tỏ cho chúng biết: "Tau coi khinh các trận đòn xé thịt, coi khinh nhà
giam, súng ống, khóa xích… của bọn bay". Đó cũng là một cách nó trả thù những
trận đòn tướp thịt của tụi An ninh. Tụi An ninh, thằng cai ngục, mấy tên lính
gác tù vẫn thường bàn tán với nhau về Lượm "Đầu chưa sạch cứt trâu nhưng hắn
cứng đầu cứng cổ nhất buồng giam! Quân nớ các ông trên không cho đem bắn quách
đi, để lớn thêm vài tuổi nữa, hắn cắt cổ tụi mình có ngày!", "Cần chi
đợi lớn thêm vài tuổi? Chừ mà hắn có dao trong tay coi hắn có cắt họng cổ tụi
mình ngay không?".

Đặc biệt sau cái lần Lượm mở được khóa xích trốn ngay trước
mũi súng của thằng lính Tây gác ở Sở Mật thám Phòng nhì, thì cả Ty An ninh đều
phải sợ hãi, kiêng dè. Ngay cái buổi chiều quan ba Sô-lê phải gọi đến lực lượng
cảnh sát dã chiến dùng chó béc giê mới phát hiện ra được Lượm trốn trên ngọn
cây và cho xe Jeep chở trả nó về Ty An ninh, thằng Ty phó An ninh đã cho gọi
lên gặp ngay. Hắn có vẻ đắc chí tưởng đâu nhưng Lượm cùng phe với hắn, và đã
giúp hắn trả mối thù bị tên chủ mật thám Tây làm nhục. Hắn hỏi Lượm, không có vẻ
gì giận dữ.

- Răng? Công trình đến như rứa mà phải chịu để bị bắt lại
à?

Lượm đang cơn uất ức chưa nguôi vì cú thất bại quá cay đắng,
nên cũng quên luôn hắn là Ty phó An ninh kiêm Trưởng phòng lấy cung, trả lời rất
thành thật:

- Tại tui dại, tui quên mất tụi hắn có chó săn. Tui mà nhớ,
thì tui phải lập mẹo khác. Trước khi trèo lên cây tui trèo lên một cây khác xa
đó, cởi hết áo quần vứt lên để đánh lạc hướng chó… Tổ cha con chó săn…?

- Hỗn? - Mặt hắn vụt tím lại, quát to.

Tiếng chó săn Lượm nói một cách vô tình nhưng hắn cho là
nói cạnh hắn. Hắn dang thẳng cảnh tay tát Lượm mạnh đến nỗi Lượm ngã nhào từ
trên ghế xuống đất, nằm chết giấc một lúc. Chuyện đó xảy ra cách đây mới năm
hôm.

- Lê Văn Tư, bí danh Tư-dát? - Tên An ninh đọc đến tên cuối
cùng của bản danh sách, không ai ừ hoặc dạ. Hắn lại xướng to lên một lần nữa.

Lượm chợt hiểu ra. Nó huých cùi chỏ vào sườn thằng Thúi
lúc này đang vươn cái cổ ngẵng như cổ gà con mà ngó tên An ninh không chớp mắt.

- Ông nớ gọi tên mi đến hai lần rồi răng mi không ử,
không ừ chi hết cả. Mi vô phép thiệt? - Lượm nói giả vờ giọng trách mắng.

- Nhưng tui có phải tên Tư mô? - Thằng Thúi cãi lại miệng
há ra, ngơ ngáe.

Nó vội vàng lập cập đứng lên, dợm bước tới một bước, vòng
tay khúm núm thưa với tên An ninh:

- Dạ thưa chú, con không phải tên Tư. Dạ con tên là Thúi,
bán kẹo gừng ở chợ Bao Vinh…

Lượm cũng đứng dậy, bước tới nói chen vô như cãi nhau với
thằng Thúi:

- Rứa răng hôm mi bị bắt, mi khai với các ông nớ mi tên
là Tư-dát, Việt Minh đầu sỏ, mang rá kẹo gừng về đánh đồn Hộ Thành, làm đồn sập
cái rầm, còn rá kẹo gừng thì chảy nước hết? Mi còn nhận là trưởng ban ám sát
Vê-cu-đê nữa tê mà?

Thằng Thúi cãi lại, nước mắt rớm rớm:

- Tại họ đánh tui đau quá, tui phải khai bậy khai bạ rứa,
chứ tui là thằng Thúi bán kẹo gừng thiệt mà… hu hu… Nó òa khóc to.

Những người trong buồng giam đang lo buồn nẫu ruột nhưng
nghe hai đứa cãi vã nhau đều phải phì cười.

Tên An ninh gằn giọng ra lệnh:

- Tất cả những người có tên gọi ra ngay sân tập họp. Có đồ
lề của nả chi đáng giá thì mang theo.

Ba chục người tay xách nách mang, lôi thôi lếch thếch nối
nhau bước ra khỏi cửa buồng giam. Họ đứng thành một hàng dài, dọc cái sân rải
đá dăm lổn nhổn, nước đọng từng vũng lớn nhỏ. Thằng Thúi và Lượm nhỏ nhất, đứng
ngay ở hàng đẩu. Nhìn thấy thằng Thúi đeo kè kè trước bụng cái rổ và cái mẹt
bán kẹo gừng - đồ lề của nả đáng giá nhất của nó - thằng An ninh ngứa mắt giựt
phắt cái rá ra khỏi cổ nó, và cầm liệng bay qua bên kia mái nhà. Bị giựt quá bất
ngờ, thằng Thúi không kịp giữ lại. Nó nhợm chân định chạy theo nhặt. Thằng Bảo
vệ quân chộp cổ áo nó kéo giằng lại và giáng luôn một tát tai, chửi:

- Con mạ mi muốn trốn à - Hắn ngó dọc hàng người, giọng
hăm he - Nói trước cho mà biết đứa mô bước ra khỏi hàng là ăn đạn ngay!

Chúng áp giải đoàn tù men theo hè những đường phố ướt át.
Gió rung cây xào xạc. Nước mưa đọng trên các tán lá rơi lộp bộp xuống đầu xuống
cổ đoàn tù. Khi rẽ đến đường phố thứ ba thì tất cả đều đoán được họ đang bị giải
đến nhà lao Thừa Phủ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3