Lolita - Phần I - Chương 18 - 19

Chương 18

Khi mà cô dâu là một quả phụ và chú
rể cũng là một người góa vợ, khi mà cô dâu mới sống ở Thành Phố Nhỏ Bé Vĩ Đại
của chúng tôi chưa đầy hai năm và chú rể thì mới được khoảng một tháng; khi
Monsieur* (ông) muốn toàn bộ cái trò chết tiệt này xong
béng đi càng nhanh càng tốt, và Madame* (bà) nhượng bộ với một
nụ cười độ lượng; thì, thưa quí độc giả, đám cưới thường là một vụ việc “lặng
lẽ”. Cô dâu có thể được miễn đội một vành khăn tết bằng hoa cam để giữ chắc tấm
voan dài chấm đầu ngón tay, cũng không phải đặt một bông hoa phong lan trắng
vào quyển sách kinh của mình. Lẽ ra con gái nhỏ của cô dâu có thể điểm thêm cho
nghi lễ kết liên H. với H. một nét tươi thắm; nhưng tôi biết mình chưa dám quá
âu yếm với Lolita bị mắc bẫy và do vậy, đồng ý là không cần phải dứt cô bé khỏi
Trại Q. thân yêu của em làm gì.

Nàng Charlotte soi-disant* (gọi
là) cô đơn và say đắm của tôi trong đời thường vốn là người thực tế và thích
giao du. Hơn nữa, tôi phát hiện ra rằng mặc dù không kiểm soát được trái tim
hoặc những cơn la thét của mình, nàng vẫn là một phụ nữ có nguyên tắc. Ngay sau
khi ít nhiều trở thành người tình của tôi (mặc dù được kích thích, “chéri* (người
yêu dấu) rụt rè, nhiệt thành” của nàng - một chéri anh dũng! -
lúc đầu vẫn hơi bị lúng túng, nhưng sau, hắn đã bù lại cho nàng bằng
hàng lô từ âu yếm hoa mĩ kiểu châu Âu), Charlotte
đôn hậu đã hỏi tôi quan hệ với Chúa Trời ra sao. Lẽ ra tôi có thể trả lời rằng
về điểm này, đầu óc tôi rất cởi mở; thay vì vậy, tôi nói - tuân theo một khuôn
sáo sùng kính nhạt nhẽo - rằng tôi tin ở một tinh thần vũ trụ. Cụp
mắt nhìn xuống các móng tay, nàng lại hỏi trong gia đình tôi, liệu có chút
giống ngoại nào không. Tôi đáp trả bằng cách hỏi liệu nàng còn muốn lấy tôi hay
không nếu như ông ngoại của bố tôi từng là một gã Thổ Nhĩ Kì, là ví dụ thế.
Nàng nói điều đó chẳng quan trọng gì; nhưng nếu nàng phát hiện ra là tôi không
tin Đức Chúa Kitô của chúng ta, nàng sẽ tự tử. Nàng nói điều đó một cách long
trọng đến nỗi tôi sởn cả da gà. Chính từ bấy giờ tôi mới biết nàng là một phụ
nữ có nguyên tắc.

Ôi, nàng rất chi là kiểu cách: hơi ợ
một tí giữa chừng câu chuyện đang thao thao, là nàng lại “xin lỗi”; nàng gọi
cái phong bì là “bao thư” và khi trò chuyện với các bạn nữ, mỗi lần nhắc đến
tôi, nàng đều dùng danh xưng “Ngài Humbert”. Tôi nghĩ nếu tôi bước vào cộng
đồng của nàng, kéo theo sau chút hào quang, nàng sẽ rất hài lòng. Hôm cưới
chúng tôi, tờ Nhật báo của Ramsdale đăng một bài ngắn phỏng
vấn tôi trong mục Giao tế, kèm theo một hình chụp Charlotte, một bên lông
mày nhướn lên và tên bị in sai (“Hazer”). Mặc dù mắc lỗi đó, việc công bố này
vẫn làm ấm trái tim gốm sứ của nàng - và khiến cái đuôi-rắn-chuông của tôi reng
lên hân hoan khủng khiếp. Nhờ tham gia các hoạt động của nhà thờ và quen biết
với những người vai vế trong số các bà mẹ học sinh cùng trường với Lo, chỉ
trong khoảng hai mươi tháng, Charlotte đã có thể trở thành một công dân nếu
chưa đến mức trội bật thì ít nhất cũng là chấp nhận được, nhưng trước nay chưa
bao giờ nàng được đưa vào cái rubrique* (chuyên mục) giật gân
này, và chính tôi, ngài Edgar Humbert Humbert (tôi thêm chữ Edgar vào cho
oách), “văn sĩ và nhà thám hiểm”, đã đem lại cho nàng vinh dự ấy. Em trai
McCoo, khi ghi những câu trả lời phỏng vấn của tôi, hỏi tôi đã viết những gì.
Tôi không nhớ mình đã trả lời thế nào, nhưng thấy đăng là “nhiều cuốn biên khảo
về Peacock, Rainbow [1] và một số nhà thơ khác”.
Người ta còn chú thích rằng Charlotte
và tôi đã biết nhau từ nhiều năm và tôi là bà con xa với chồng trước của nàng.
Tôi có nói bóng gió là hai chúng tôi đã có một cuộc tình nho nhỏ cách đây mười
ba năm, nhưng chi tiết này không được nhắc tới. Với Charlotte, tôi nói rằng
chuyên mục giao tế nên chứa những sai sót óng ánh.

[1] Thomas Love Peacock (1785-1866), thi sĩ và tiểu
thuyết gia Anh. Tên ông (Peacock nghĩa là con công) gợi đến ”Rainbow”
(cầu vồng, giống đuôi công) hay Arthur Rimbaud (1854-1890), thi hào
Pháp (Rimbaud phát âm gần giống “rainbow” trong tiếng Anh). Rimbaud lãng du tứ
xứ, năm 1888, từng bắn súng ở Abyssinia, người Anh gọi ông là “trader Rainbow”
(thương gia cầu vồng), theo như Nabokov chú giải trong cuốn Eugene Onegin
Commentary của ông.

Ta hãy tiếp tục câu chuyện kì lạ
này. Khi được số phận chọn đề bạt từ người thuê nhà lên cương vị người yêu,
phải chăng tôi chỉ cảm thấy chua chát và ghê tởm? Không. Ngài Humbert thú nhận
là có cảm thấy thinh thích vì thói kiêu căng được phỉnh nịnh, tí ti trìu mến và
thậm chí một thoáng gợn hối hận lướt nhẹ dọc lưỡi gươm âm mưu của mình. Chưa
bao giờ tôi nghĩ Haze phu nhân khá lố bịch, mặc dù cũng khá đẹp, với lòng tin
mù quáng vào sự minh triết của nhà thờ và câu lạc bộ đọc sách của mình, với lối
ăn nói kiểu cách, với thái độ lạnh lùng, khinh bỉ, khắc nghiệt đối với một bé
gái mười hai tuổi đáng yêu, lại biến thành một con người mất tự chủ đến thế, dễ
làm ta cảm động đến thế, khi tôi vừa đặt tay lên nàng, điều xảy ra trên ngưỡng
cửa phòng Lolita, nơi nàng run rẩy bước giật lùi, miệng lắp bắp “không, không,
xin đừng.”

Sự thay đổi ấy khiến nàng hấp dẫn
hơn. Nụ cười, trước đây giả tạo, từ bấy giờ trở đi trở nên rạng rỡ hào quang
của tôn sùng tột đỉnh - một ánh rạng rỡ ẩn chứa một cái gì êm dịu và ươn ướt,
trong đó tôi ngỡ ngàng nhận ra một nét giống hệt cái vẻ đờ đẫn, ngơ ngác đáng
yêu hiện rõ trên mặt Lo khi em hể hả ngắm một loại pha chế mới ở cửa hàng xôđa
hoặc im lặng chiêm ngưỡng những bộ quần áo đắt tiền của tôi, bao giờ cũng mới
toanh vừa ra khỏi tiệm thợ may. Tôi thường say mê quan sát Charlotte trao đổi
với một quí bà khác, than thở về những khổ não của bậc làm cha mẹ và biểu lộ
trên gương mặt cái vẻ nhăn nhó đặc trưng dân tộc thể hiện sự cam chịu của đàn
bà (mắt trợn ngược, miệng rệch sang một bên), cái vẻ mà tôi đã thấy
ở chính Lo dưới dạng trẻ thơ. Chúng tôi uống vài li trước khi đi nằm và
men rượu trợ giúp tôi mường tượng ra
cô con gái trong khi vuốt ve người mẹ. Chính cái bụng trắng này, năm 1934, đã
mang tiểu nữ thần của tôi lúc đó còn là một con cá nhỏ xíu co quắp. Cái mái tóc
được nhuộm rất cẩn thận, khô cằn đối với khứu giác và xúc giác của tôi, đôi
lúc, trên cái giường có tán che, dưới ánh đèn ngủ, bỗng mang chút sắc màu, nếu
không phải là chất mềm mượt, của những búp tóc loăn xoăn của Lolita. Trong khi
thủ dụng người vợ mới toanh, nguyên cỡ của mình, tôi không ngừng tự nhủ rằng
đây là mức gần nhất tôi có thể tiếp cận Lolita về phương diện sinh học; rằng ở
tuổi Lolita, Lotte từng là một nữ sinh đáng thèm khát như con gái mình bây giờ,
và như con gái Lolita sau này. Tôi bảo vợ tôi moi từ dưới một bộ sưu tập giày
(có vẻ như, sinh thời, ông Haze rất mê giày) ra một cuốn album ba mươi năm tuổi
để tôi có thể thấy Lotte hồi nhỏ nom như thế nào; và mặc dù ảnh chỉnh sáng dở
và áo váy chẳng đẹp gì, tôi vẫn có thể nhận ra một dị bản ban đầu nhờ nhạt của
dáng hình Loiita, đôi chân, gò má, cái mũi hếch, Lottelita, Lolitchen [2].

[2] Lotte là dạng gọi tắt trìu mến của Charlotte; H. H. nhận ra “Lolita” trong “Lotte” cũng như
trong “Lottelita” (Lot of [Lo]lita: rất nhiều
Lolita). Werther trong tiểu thuyết của Goethe cũng gọi Charlotte của mình là Lotte; Lotte cộng thêm
“chen” (tiếp tố Đức ngữ chỉ vật nhỏ) thành “Lottechen” chuyển dạng thành
“Lolitchen”, trong đó cũng có thể nhận ra Lolita.

Như vậy tôi ghé mắt dòm qua những
hàng rào năm tháng, vào tận những cửa sổ nhỏ. Và khi, bằng những ve vuốt nồng
nàn một cách thiểu não và dâm đãng một cách hồn nhiên, nàng vú cả đùi to chuẩn
bị cho tôi thực hiện bổn phận ban đêm của mình, tôi vẫn ráng một cách tuyệt
vọng để đánh hơi vớt vát lấy một chút hương tiểu nữ thần trong khi sục qua
những bụi rậm của khu rừng âm u đang tàn héo.

Tôi không thể tả với quí vị người vợ
tội nghiệp của tôi dịu dàng cảm động đến mức nào. Bữa điểm tâm, trong ánh sáng
ảm đạm của nhà bếp, với những đồ bằng crôm bóng loáng và tấm lịch treo của Hợp
Doanh Đồ Kim Loại, ở cái góc ngồi ăn dễ thương (rập khuôn theo tiệm Coffee
Shoppe, nơi vào thời sinh viên, Charlotte và Humbert thường đến gù nhau), nàng
ngồi trong chiếc áo dài đỏ chống khuỷu trên mặt bàn phủ plastic, tì cằm trên
nắm tay và đăm đăm nhìn tôi với vẻ âu yếm khôn chịu nổi trong khi tôi đả món
jămbông và trứng của mình. Cho dù gương mặt của Humbert có thể rúm ró vì đau
dây thần kinh, dưới mắt nàng, nó vẫn đua sắc đua sức sống động với ánh nắng và
bóng lá lung linh trên mặt tủ lạnh trắng tinh, vẻ bực tức trang nghiêm của tôi,
đối với nàng, là im lặng của tình yêu. Thu nhập ít ỏi của tôi bổ sung vào thu
nhập còn khiêm tốn hơn của nàng khiến nàng hân hoan như được một tài sản chói
lọi; không phải vì tổng số gộp lại, là đủ thỏa mãn hầu hết nhu cầu sinh hoạt ở
mức trung lưu, mà vì trong mắt nàng, ngay cả đồng tiền của tôi cũng lấp lánh
cái ma lực toát ra từ nam tính của tôi, và nàng nhìn cái tài khoản chung của
chúng tôi như một đại lộ phương Nam giữa trưa, một bên rợp bóng mát và bên kia
mượt mà trải nắng đến tận chân trời nhấp nhô những đỉnh núi hồng.

Trong năm mươi ngày chung sống của chúng
tôi, Charlotte
chồng chất các hoạt động bằng cả nhiều năm gộp lại. Tội nghiệp nàng dốc sức vào
một số việc mà nàng đã từ bỏ từ lâu hoặc trước nay chưa bao giờ thích thú mấy,
như thể (để kéo dài thêm những giọng điệu kiểu Proust [3]) do
cưới mẹ của cô bé tôi yêu, tôi đã cho phép vợ tôi lấy lại được dồi dào thanh
xuân qua ủy quyền. Với niềm hào hứng của một cô dâu trẻ bình thường, nàng bắt
đầu “chăm sóc nhà cửa”. Thuộc làu từng ngóc ngách – từ hồi tôi ngồi trên ghế
theo dõi trong tưởng tượng từng bước đi của Lolita trong nhà – từ lâu tôi đã
thiết lập một thứ quan hệ tình cảm với ngôi nhà, với chính cái xấu xí, bẩn thỉu
của nó, nên giờ đây tôi gần như có thể cảm thấy cái của nợ này co rúm lại không
muốn phải chịu đựng cuộc tắm gội bằng vôi vàng nhiều sắc độ từ vàng lam đến thổ
hoàng, mát-tít, vàng da bò... mà Charlotte định dành cho nó. Đội ơn Chúa, nàng
không bao giờ đi tới bước ấy, nhưng quả là nàng đã tiêu một năng lượng khổng lồ
vào việc cọ rửa những màn cửa sổ, đánh xi những thanh mỏng của mành cửa kiểu
Venise, mua thêm màn và mành cửa mới, mang trả lại cửa hàng để đổi lấy những
cái khác, vân vân và vân vân, trong một chuỗi tương phản liên tục hết nhoẻn
cười lại cau mày, hết nghi ngờ lại bĩu môi. Nàng chỉnh qua loa những lớp vải
crêton, vải sin bọc ghế. Nàng thay màu chiếc sofa - chiếc sofa thiêng liêng mà
tại đó, có lần một bong bóng của thiên đường đã từ từ vỡ trong tôi. Nàng sắp
xếp lại đồ đạc - và thích thú khi đọc thấy trong một cuốn sách chuyên luận về
nội thất, rằng “được phép tách rời một cặp tủ com-mốt phòng khách với những cây
đèn đồng bộ”. Cùng với nữ tác giả cuốn Nhà của bạn chính là bạn, nàng
rất ghét loại ghế nhỏ khẳng khiu và loại bàn cao lêu đêu. Nàng tin rằng một căn
phòng với hàng loạt lớp gỗ dày phủ tường và cửa kính chiếm nhiều diện tích là
một điển hình của loại phòng nam tính, trong khi đặc điểm của phòng nữ tính là
cửa sổ nom thanh hơn và gỗ phủ tường mỏng hơn. Những cuốn tiểu thuyết tôi thấy
nàng đọc hồi tôi mới đến đây, giờ được thay thế bằng những ca-ta-lô nhiều hình
minh họa và những sách hướng dẫn bài trí nội thất. Nàng đặt một hãng ở số 4640
Đại lộ Roosevelt, Philadelphia,
làm một “nệm lò xo bọc lụa đamát, mô đen 312” cho giường ngủ của chúng tôi -
mặc dù tôi thấy chiếc nệm cũ vẫn khá êm và đủ bền để chịu đựng bất kì trọng lực
nào.

[3] Marcel Proust (1871 -1922), đại văn hào Pháp,
tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ Tìm lại thời gian đã mất, đánh dấu
một mốc quan trọng trong sự phát triền văn xuôi nói chung và tiểu thuyết hiện
đại nói riêng.

Là người miền Trung Tây, giống như ông chồng quá cố
của mình, nàng đến sống ở thành phố Ramsdale e ấp, viên ngọc của một bang miền
Đông, chưa đủ lâu để quen biết tất cả những người tốt ở đây. Nàng quen sơ sơ
ông nha sĩ vui tính sống trong một thứ lâu đài gỗ ọp ẹp đằng sau bãi cỏ nhà
chúng tôi. Tại một bữa tiệc trà ở giáo xứ, nàng đã gặp mụ vợ “kênh kiệu” của
tay buôn đồ cũ, chủ nhân của ngôi nhà trắng gớm guốc xì-tin “thuộc địa” ở góc
phố. Thi thoảng, nàng “sang thăm” Miss Opposite già; nhưng các phu nhân quí tộc
hơn trong số những bà nàng thường lui tới, hoặc gặp mặt tại các buổi liên hoan
ngoài trời, hoặc cùng trò chuyện trên điện thoại - các mệnh phụ đài các như bà
Glave, bà Sheridan, bà McCrystal, bà Knight và một số bà khác xem ra hiếm khi
ghé chơi nàng Charlotte ít ai màng tới cửa tôi. Thật vậy, cặp duy nhất mà nàng
có quan hệ thực sự thân tình, không chút arrière-pensée* (ẩn
ý) hoặc tính toán lợi lộc gì, là vợ chồng Farlow, họ vừa đi công chuyện ở Chilê
về đúng lúc để dự đám cưới của chúng tôi, cùng với vợ chồng Chatfield, vợ chồng
McCoo và một số người khác (nhưng không có Phu nhân Junk [4] hoặc
Phu nhân Talbot thậm chí còn kênh kiệu hơn). John Farlow là một người đứng tuổi
trầm lặng, lực lưỡng một cách trầm lặng, thành công một cách trầm lặng trong
kinh doanh đồ thể thao, có một văn phòng ở Parkington cách đây khoảng
sáu mươi cây số; chính anh ta đã cung cấp đạn cho khẩu Colt và hướng dẫn tôi
cách sử dụng trong một cuộc dạo chơi trong rừng vào một ngày Chủ nhật; anh cũng
là một luật sư nghiệp dư - anh tủm tỉm cười nói vậy - và đã xử lí một số vụ
việc cho Charlotte. Jean, cô vợ trẻ (và là em họ) của anh, là một cô gái chân
dài, tay dài, đeo kính màu sặc sỡ, với hai con chó bốc, hai bầu vú nhọn và một
cái miệng rộng đỏ thắm. Cô vẽ tranh phong cảnh và chân dung, và tôi còn nhớ rất
rõ có lần, trong một buổi cocktail, tôi đã trầm trồ khen bức chân dung cô vẽ
cháu gái mình, bé Rosaline Honeck, một bé gái hồng hào đáng yêu trong đồng phục
nữ hướng đạo sinh, đầu đội bê rê dạ xanh, thắt lưng bằng băng vải dày màu xanh,
với những lọn tóc duyên dáng rủ ngang vai - thế là John bỏ tẩu thuốc khỏi miệng
và nói đáng tiếc là Dolly (Dolita của tôi) và Rosaline lại rất kình nhau ở
trường, nhưng anh hi vọng - và tất cả chúng tôi đều hi vọng - là chúng sẽ hiểu
nhau hơn sau khi mỗi đứa trở về từ trại hè của mình. Chúng tôi nói chuyện về
nhà trường. Trường học có những ưu điểm và nhược điểm của nó. “Dĩ nhiên, quá
nhiều thương nhân ở đây là người Ý,” John nói, “nhưng mặt khác, chúng ta vẫn
còn tránh được... “ “Tôi mong sao,” Jean cười, ngắt lời chồng, “Dolly và Rosaline
cùng qua kì nghỉ hè với nhau.” Đột nhiên, tôi hình dung Lo trở về từ trại - sạm
nắng, nóng hôi hổi, phê, ngây ngất - và suýt òa khóc vì đam mê và nôn nóng chờ
đợi.

[4] Vợ gã buôn đồ cũ, gọi nôm na là đồng nát.

Chương 19

Xin nói thêm đôi lời về Humbert phu
nhân trong khi tình hình còn tốt đẹp (chẳng bao lâu, sẽ xảy ra một tai nạn tệ
hại). Từ đầu, tôi đã thấy ở nàng một thiên hướng sở hữu, song tôi chưa bao giờ
nghĩ nàng lại ghen điên cuồng đến thế với bất cứ cái gì khác ngoài nàng trong
đời tôi. Nàng bộc lộ một sự tò mò vô độ hung hãn về quá khứ của tôi. Nàng muốn
tôi tái hiện tất cả những mối tình của tôi cốt buộc tôi phải nguyền rủa chúng,
chà đạp lên chúng, phủ định chúng hoàn toàn như một kẻ bội giáo, để bằng cách
đó, xóa sạch quá khứ của tôi. Nàng bắt tôi kể cho nghe về cuộc hôn nhân với
Valeria, cố nhiên tôi phải nói đó là một ả đần độn; nhưng tôi cũng phải bịa ra
hàng lô người tình, hoặc thêm giấm thêm ớt vô khối, để thỏa mãn sự thích thú
bệnh hoạn của Charlotte.
Để làm vui lòng nàng, tôi phải tặng nàng một vựng tập ảnh về đám này, tất cả
được phân biệt khéo léo, theo qui tắc của những áp-phích Mĩ giới thiệu hình ảnh
những học sinh nhỏ theo một tỉ lệ tinh vi về chủng tộc, với độc một chú bé -
chỉ một chú bé duy nhất nhưng cực kì kháu khỉnh - da màu sô-cô-la, mắt tròn,
hầu như ở chính giữa hàng đầu. Vậy đó, tôi phô diễn các mẻng của mình
với những nụ cười duyên, những uốn éo - em tóc vàng uể oải, em tóc nâu bốc lửa,
em tóc màu đồng đầy nhục dục - như trong một cuộc trình diễn ở thanh lâu. Tôi
càng trình bày các em phàm tục và bình dân bao nhiêu, Humbert phu nhân càng
khoái bấy nhiêu.

Cả đời, chưa bao giờ tôi thú tội
nhiều đến thế, cũng chưa bao giờ nhận nhiều lời thú tội đến thế. Sự thành thật
và mộc mạc của Charlotte khi kể cái mà nàng gọi là “đời tình ái” của mình, từ
những hôn hít sờ soạng đầu tiên đến những giáp đấu phu thê trên giường, xét về
mặt đạo đức thì tương phản rõ rệt với những bày đặt dẻo mỏ của tôi, nhưng về
mặt kĩ thuật thì hai loạt tâm tình này là cùng loại vì cả hai đều hàm chứa cùng
một chất liệu (cải lương sướt mướt, tâm phân học, tiểu thuyết ba xu), từ đó tôi
xây dựng nhân vật của mình, còn nàng thì rút ra phương thức biểu đạt. Tôi rất
khoái nghe Charlotte kể về một số thói quen đặc biệt của ông Harold Haze đôn
hậu trong quan hệ tình dục, song nàng cho thái độ cười cợt của tôi là khiếm
nhã; nhưng nếu thiếu chi tiết đó, tự truyện của nàng sẽ chẳng có gì lí thú,
cũng như việc mổ tử thi nàng sau này thôi. Tôi chưa từng thấy người đàn bà nào
phương phi khỏe mạnh hơn nàng, bất chấp việc nàng áp dụng chế độ ăn kiêng để
giảm cân.

Nàng hiếm khi nhắc đến Lolita của
tôi - thực tế, nàng ít kể về em hơn là về thằng bé sơ sinh tóc vàng, nhạt nhòa,
bức ảnh của nó loại trừ mọi ảnh khác, chiếm ngôi độc tôn như là vật trang trí
duy nhất trong phòng ngủ hoang vu của chúng tôi. Trong một mơ mộng vô vị, nàng
tiên đoán là linh hồn đứa con chết yểu sẽ trở lại trần gian trong thể xác của
đứa bé mà nàng sẽ sinh trong lần tái giá này. Và mặc dù tôi không hề cảm thấy
có gì đặc biệt thôi thúc tôi phải cung cấp cho dòng dõi Humbert một bản sao của
sản phẩm Harold (với một cảm giác loạn luân rạo rực, tôi đã đi đến chỗ coi
Lolita như con của mình),tôi vẫn nảy ra ý nghĩ rằng một đợt ở cữ
kéo dài với một ca mổ dạ con để lấy thai, kéo theo những biến chứng khác, sẽ
mang lại cho tôi cơ hội được ở một mình với Lolita trong mấy tuần cũng nên - và
nhồi nhét thuốc ngủ cho tiểu nữ thần lả đi.

Ôi, rành là nàng ghét con gái mình
thậm tệ! Điều mà tôi thấy đặc biệt độc địa là việc nàng rất sốt sắng cất công
trả lời những bản câu hỏi trong một cuốn sách ngu xuẩn (A Guide to Your
Child’s Development
(Sách hướng dẫn chăm lo cho sự phát triển của con
cái)) xuất bản tại Chicago,
mà nàng có. Cái trò hề này diễn đi diễn lại năm này sang năm khác, và các bà mẹ
phải lập một thứ bảng liệt kê vào mỗi dịp sinh nhật con mình. Ngày 1 tháng
Giêng năm 1947, sinh nhật lần thứ mười hai của Lo, Charlotte Haze, née* (nhũ
danh) Becker, đã gạch dưới những tính ngữ sau đây, mười trên tổng số bốn mươi,
trong mục “nhân cách của con bạn”: hung hãn, quậy phá, hay chê bai, không đáng
tin cậy, hay nôn nóng, hay cáu bẳn, tọc mạch, trễ nải, tiêu cực (gạch dưới hai
lần) và bướng bỉnh. Nàng bỏ qua ba mươi tính từ còn lại trong đó có: vui vẻ,
sẵn sàng giúp đỡ, đầy nghị lực, vân vân. Thật đáng giận. Với một sự thô bạo xa
lạ với bản chất dịu dàng của hiền thê giàu lòng yêu thương của tôi, nàng tấn
công, đập tơi bời những đồ vặt vãnh của Lo vương vãi ở nhiều chỗ khác nhau
trong nhà để rồi nằm sững đó như những chú thỏ con bị thôi miên. Phu nhân đôn
hậu đâu có ngờ rằng một buổi sáng kia, khi một cơn đau bụng (do tôi thử tìm
cách cải tiến nước xốt của nàng) khiến tôi không thể tháp tùng nàng đến nhà
thờ, tôi đã phản bội nàng với một chiếc tất ngắn của Lolita. Ấy là chưa kể thái
độ của nàng đối với những bức thư cục cưng ngon lành của tôi gửi về!

MUMMY VÀ HUMMY [1] THÂN
YÊU,

Hi vọng hai người mạnh khỏe. Rất cảm
ơn về hộp kẹo. Con (xóa đi rồi lại viết lại) con đánh mất chiếc áo săng đay cổ
chui trong rừng. Mấy ngày nay, ở đây rét. Con chơi vẻ.

Thân yêu

DOLLY

[1] Mummy là từ âu yếm để gọi mẹ. Hummy là tên gọi thân
mật của Humbert. Chúng tôi để nguyên để giữ giá trị đồng âm đồng vận pha chút
châm biếm.

“Con bé đần độn đã bỏ sót một chữ
trước chữ vẻ [2]Humbert phu nhân nhận xét. “Cái
săng đay ấy là toàn len đấy. Và em muốn mình đừng gửi kẹo cho nó mà
không hỏi ý kiến em.”

[2] Câu cuối thư của Lolita nguyên văn là “I’m
having a time” đáng lẽ phải viết: “I’m having
a good(hoặc wonderful) time” thành ngữ có nghĩa: tôi đang vui
vẻ, tôi đang vui chơi thỏa thích.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3