Lều chõng - Chương 15
Chương 15
Nửa đêm hôm qua hãy còn gió bấc mưa phùn, hơi lạnh thấu xương, nằm
trong chăn tưởng như nằm trên vũng nước. Nhưng từ gà gáy thứ nhất trở đi, thình
lình quay ra gió nồm. Khí lạnh bị tống bớt về các rừng núi nẻo Tây Bắc, Hà Nội
dần dần hồi lại trong cảnh ấm áp. Sau khi vừng đông đỏ như vừng lửa đã thiêu
tan hết bức màn nặng nề u ám của sương mù, bầu trời mỗi lúc một thêm sáng sủa.
Tuy là tiết đầu tháng một, vẻ kiều mỹ không khác quang cảnh một buổi mai của
tháng đầu xuân.
Anh em Vân Hạc xong tiệc điểm tâm, ánh nắng đã lóng lánh nhuộm các ngọn
cây vàng úa. Bấy giờ ai nấy mới sắm sửa quần áo và các đồ đạc để vào trường.
Lần này cái vai đã được nhẹ nợ, vì nó không phải đeo chõng và lều.
Nhưng trách nhiệm cái cổ vẫn chưa bớt đi chút nào, ống quyển, bầu nước và tráp
hoặc yên vẫn còn thi nhau bíu chặt lấy cổ mà lủng lẳng đánh đu xuống ngực và bụng.
Kỳ này chỉ thi trong một vi giáp. Tuy số học trò được vào có hơn một
trăm, nhưng ngoài cửa vi cũng thấy bóng người đông nghịt. Bởi vì, ngoài các thí
sinh, còn có phụ huynh tôn tộc của các ông "ngấp nghé tân khoa" cũng
kéo tới đó để dự hưởng cái vinh dự trong cuộc đắc thắng của người nhà mình.
Tan một hồi trống khẩu dõng dạc điểm trong nhà Thập đạo, cửa trường mở
rộng, tàn lọng cờ quạt linh đình rước lá cờ khâm sai và ông chủ khảo từ trong
trường ra chiếc ghế tréo ngoài cửa. Cái loa và các lính tráng lại chiếu lệ làm
việc phận sự.
Bây giờ học trò không phải chen chọi vất vả như các kỳ trước. Người nào
đã được cái loa nhắc đến tên mình, người ấy có thể ung dung tiến đến cửa trường,
không bị ngàn cản chi hết. Nhưng mà bọn lính thể sát lại phải làm thêm một việc.
Sau khi khám xong đồ đạc của người nào, họ còn phải dẫn người ấy đi đến dãy lều
mà họ đã cắm từ tồi hôm trước, rồi bảo người ta vào lều mà ngồi.
Cuộc gọi tên lần này rất ngắn, mới độ nữa giờ đã xong. Công việc sắp đặt
trong vi cũng có trật tự hơn trước Cả vi chia làm chừng hơn mười dãy, các dãy
song song từ nhà Thập đạo ra đến bức phên ngoài cùng. Dãy nọ cách dãy kia độ
năm sáu thước. ở giữa hai dãy giáp nhau, đều có cái khe rất rộng để làm đường
đi. Mỗi dãy chỉ có đúng mười cái lều, cái nọ cách cái kia cũng độ năm thước trở
lại. Vì muốn giữ cho người ở lều này khỏi nhòm thấy người ở lều kia, các lều đều
cắm theo hình chữ "công", một cái nằm ngang, lại đến một cái nằm dọc.
Lều của Vân Hạc ở số 31, nằm ngay đầu dòng thứ tư, giáp với bức rào của
nhà Thập đạo. Trong lúc người lính thể sát dẫn chàng tới đó và chỉ cho biết một
mảnh giấy trắng có đề ba chữ tên chàng dán ở cửa lều, Vân Hạc có ý nhìn ở các
dãy, xem rằng lều của Đoàn Bằng đóng ở chỗ nào - vì Đoàn Bằng đã vào trước
chàng một lát. Nhưng mà không thấy bóng anh ở đâu, chàng bèn chui vào trong lều,
lục các đồ đạc lặt vặt bỏ ra mặt chõng, rồi giở bộ đồ đánh lửa, hì hục đập đá
vào sắt lấy lửa hút thuốc. Thình lình nhớ đến Đốc Cung, bụng chàng càng thấy bồi
hồi khó tả. Vì theo ý chàng, Đốc Cung cũng là bậc văn chương xuất sắc có thể đỗ
to. Chẳng ngờ vì hai chữ vô ý mà đến phải ra bảng "con" thật là đáng
tiếc.
"Thì ra văn hay chữ tốt, cũng chưa chắc đỗ. Có lẽ cái việc đỗ hỏng,
còn quan hệ ở sự may rủi nữa chăng".
Chàng đương vơ vẩn nghĩ quanh, trên chòi của quan ngự sử ngoại trường,
bỗng nổi một hồi trống cái rất hùng dũng. Biết là sắp có đầu bài, chàng quen
như lệ mọi kỳ, đã toan sắp sửa giấy mực chạy đến nhà bảng, thì ở trên chòi lại
có tiếng loa ậm ọe:
"Bớ toàn sĩ tử? Ai nấy ở yên trong lều, chờ hình đầu bài?" Tiếng
"bài" vừa dứt, quan đề điệu vừa ở trên nhà Thập đạo đi xuống với chừng
hơn mười người lính, mỗi người trong tay có một tập giấy. Bọn lính chia ngả đi
thẳng đến các dãy lều, quăng cho mỗi lều một mảnh giấy chữ.
Đó là giấy sao đầu bài. Vì kỳ này học trò đã thưa, đầu bài ra rồi, lại
phòng liền phải xúm lại sao thành nhiều bản, rồi quan chủ khảo giao quan đề điệu
đem đi phát cho mỗi người một bản, chứ không dán ở nhà bảng như các kỳ trước.
Lều của Vân Hạc ở ngay đầu dãy, nên chàng nhận được giấy sao trước các
lều khác.
Ở trong mảnh giấy, tất cả chỉ có ba bài, một bài Kinh nghĩa, một bài
phú và một bài văn sách. Trong ba bài đó, trừ bài kinh nghĩa phải viết cụ thể,
còn hai bài sau, đều nhẹ hơn các kỳ trước. Bài phú chỉ có ba "vận",
còn bài văn sách cũng độ năm sáu câu hỏi mà thôi.
Đây là thể lệ của phép thi mới. Theo như mấy khoa gần đây, thì kỳ phúc
hạch của trường thi hương, cũng có ý nghĩa sát hạch lại các kỳ trước. Vì vậy,
nó phải đủ các món văn của mấy kỳ kia để cho khảo quan có thể tựa vào các loại
văn đó mà xét khiếu văn và sức học của từng người. Với các người khác, thì những
đầu đề kỳ này, nói riêng từng bài, tuy có nhẹ thật song hợp cả lại thì lại rất
nặng, vì nó gồm đủ văn thể của ba kỳ.
Nhưng với Vân Hạc thì chẳng có gì là nặng. Là bởi trong khi tập văn ở
nhà, chàng vẫn nổi tiếng là người "học đều bất kỳ thơ phú, kinh nghĩa văn
sách, hay món gì khác, món nào chàng cứng hơn người, anh em đồng học ít khi
theo kịp.
Bởi vậy, trong khi ngó vào mấy cái đầu bài, thái độ của chàng tỏ ra cực
kỳ ung dung.
Khi đã viết xong mấy dòng ở trang đầu quyển để đi lấy dấu nhật trung,
chàng bắt đầu nghĩ nốt các vế của bài kinh nghĩa, rồi đến bài phú, rồi đến bài
văn sách. Vì sợ có chỗ lầm lỡ như của Đốc Cung, mà trong lúc vô tình, tự mình
không biết, cho nên mỗi khi nghĩ xong bài nào, chàng lại cẩn thận giáp hết bài ấy
ra một mảnh giấy, và còn soát đi, soát lại từng câu từng chữ, có khi đến từng
nét nữa. Khi nào không thấy có chỗ đáng ngờ và không còn chữ nào đáng chữa, bấy
giờ chàng mới viết vào trong quyển.
Viết xong hai bài kinh nghĩa và phú, mới chừng quá trưa, chàng tiếc thì
giờ còn nhiều, muốn hãy để bài văn sách lại đó, nung đúc cho thật kỹ càng.
Nhưng khi coi lại mấy lần, chàng thấy lời văn đã đanh thép, không còn cách nào
làm hơn, lúc ấy mới chịu cặm cụi viết nốt.
Kiểm lại trong quyển, không có chỗ nào xóa, sót, móc, chữa, theo đúng
trường quy, thế là không phải viết "cộng quyển nội" ở cuối quyển nữa,
bởi vì không có xóa, móc, chữa, thì "cộng" cái gì?
Lúc ấy không còn việc gì phải làm, chàng lại giở đá đánh lửa, rung đùi
ngồi hút thuốc vặt.
Một lát sau, trên chòi có trống thu quyển, chàng mới bỏ quyển vào ống,
thu xếp đồ đạc vào tráp. Đáng lẽ chàng lại bỏ cả lều chõng lần nữa, nhưng vì bộ
lều chõng này là của Đốc Cung, không phải của mình, nên chàng lại cố hì hục dỡ
lên, bó lại, và đeo lên vai, rồi sang bên nhà Thập đạo nộp quyển. Bấy giờ mặt trời
còn cao, hết thảy học trò còn đương làm văn chưa xong.
Ra khỏi cổng trường, vừa gặp thằng nhỏ nhà trọ đến đón, chàng trút hết
thảy đồ vật trên vai trên cổ cho nó về trước, rồi mình đủng đỉnh đi sau. Thình
lình ở phía trước mặt nghe có tiếng người ầm ầm.
Một bọn chừng hơn mười người hung hăng tiến lên đàng trước, hàng xứ xúm
lại đi theo rất đông.
Trước luồng gió nhẹ, hời rượu sặc sụa theo đám người đó tiếp tục bay
lên. Nhìn thấy mấy ông đi trước, ông nào, ông ấy, sắc mặt đỏ như màu mặt trời,
dáng đi lảo đảo như kẻ đương lên đồng trượng. Họ nghiêng bên nọ, họ ngả bên
kia, có người vừa đi vừa nôn thốc nôn tháo khắp cả đường cái. Rồi họ nhao nhao
chỉ tay lên phía cửa trường:
- Văn ông như thế mà bị đánh hỏng, thật là một lũ không mắt.
- Đã dốt không chấm nồi văn, thì về nhà mà ở với vợ. Sao lại dám đi chấm
trường?
Thì ra đó là những ông hỏng kỳ đệ tam. Không biết đổ lỗi cho ái, họ phải
đổ cho quan trường.
Cứ một giọng hùng hổ vô lý như vậy, họ ôm vai nhau, nắm tay nhau, chắn
ngang cả một đoạn đường, vừa đi, vừa thét. Nhưng đi vài bước họ lại lăn xuống dọc
đường, thi nhau vừa khóc vừa gào:
- Ối trời đất ơi! Nó đỗ mà tôi bị hỏng, thì tôi còn mặt mũi nào trở về
làng nữa. Ối cha mẹ ơi! Nào tôi có làm điều gì thất đức, sao tôi cứ phải hỏng
mãi thế này? Khốn nạn thân tôi, lẽo đẽo thi bao nhiêu khoa, bây giờ mới vào tam
trường một khoa, không ngờ lại hỏng. Thôi công đến sách cũng là đổ cả xuống
sông.
Gào chán, khóc chán, họ lại đành đạch giãy ở mặt đường giống như những
người ngộ gió. Trẻ con hàng xứ vỗ tay reo cười. Tiếng cười chua chát làm cho họ
đều đứng phắt trở dậy, đuổi sấn đám người chung quanh và quát:
- Chúng bay cười gì?
- Có phải cười chúng ông dốt thì bảo?
Tan cuộc ra oai với lũ trẻ, họ liền nhặt lấy mỗi người một hòn gạch vỡ,
hung hăng kéo lên nẻo cửa trường.
Vân Hạc biết là họ sắp sinh sự bậy bạ, chàng bèn cố len qua đám hàng xứ
để đi ngược xuống. Vừa lủi thủi cất bước, chàng vừa nghĩ thầm: "Không ngờ
trong đám văn nho lại có những người liều lĩnh đến thế, không biết họ là học
trò tỉnh nào?" Trên đường đã hết bóng nắng, chàng vừa lững thững đến phố
hàng Đào, trước mặt lại có một đám người nữa cũng đương chiếm cả một khu đường
đi.
Chắc đây cũng vẫn những vị anh hùng hỏng thi, chàng toan rẽ đi đường
khác, trong đám chợt có tiếng người nói lớn:
- Việc này là cái nhục chung của sĩ lâm Hà Nội.
- Nếu không làm cho ra chuyện thiên hạ sẽ coi sĩ khí Hà Nội là cái trò
gì?
Rồi lại có tiếng tiếp theo:
- Vậy ai đã đọc sách thánh hiền cũng phải biết có nghĩa khí, lẽ nào thấy
việc như vậy mà đứng im!
Và lại có người phụ họa:
- Phải đó? Nó chửi một người. tức là nó chửi tất cả sĩ lâm. Nó đánh một
người tức là nó đánh tất cả sĩ lâm. Chúng ta đều là người trong thanh khí, cần
phải bênh vực lấy nhau. Tôi xin anh em cứ đến mà đánh cho chết cả nhà nó đi,
bao nhiêu tội, tôi xin chịu cả.
Rồi đó người ta kéo ùa lên nẻo hàng Ngang, tiếng hô sĩ lâm mỗi lúc mỗi
thêm dữ dội.
"Cái gì mà to chuyện vậy?" Vân Hạc đã toan đi theo, để xem họ
làm trò gì. Sau chàng lại nghĩ: nếu là một việc nghĩa khí, thì mình cũng phải dự
cuộc, không thể bó tay làm kẻ bàng quan. Nhưng nếu nó chỉ là chuyện tức giận vô
lý của bọn ngông cuồng, thì mình vào hùa làm chi cho dại, âu là ta hãy hỏi xem
đầu đuôi ra sao cái đã? Rồi chàng quành sang lối khác trở về nhà trọ. ông chủ,
thằng nhỏ đều đi vắng cả. Trong nhà chỉ có mấy đứa bé con nhỏ lúi húi chơi ở
trước sân và bộ lều chõng của chàng bỏ ở trên thềm.
Chàng vào trong nhà cởi khăn, cởi áo rồi tự bưng chậu ra bể múc nước rửa
mặt.
Một lát sau, thằng nhỏ lễ mễ quẩy hai bó lều khệnh khạng đi vào trong
sân, nét mặt hớn hở nhìn vào Vân Hạc như có chuyện gì muốn nói. Nhưng nó còn
chưa kịp nói, ngoài cổng đã có tiếng giầy lẹp kẹp, Đoàn Bằng, Tiêm Hồng cùng về
với một dáng bộ nghiêm trang, như mới bị có việc gì trái ý, Vân Hạc vội bỏ chậu
nước và đứng lên chào. Cả hai người đều đổi ra bộ vui vẻ:
- Chú đã về rồi đấy à?
- Chú ở trường ra từ bao giờ?
Vân Hạc lê phép:
- Em cũng vừa về đến nhà.
Ba người liền cùng bước lên nhà trên, Đoàn Bằng, Tiêm Hồng vừa thay
khăn áo vừa hỏi:
- Chú có gặp bọn say rượu ở ngoài cổng trường đấy chứ?
- Có ạ, em gặp bọn họ ở giữa đường.
- Ai ngờ sĩ lâm, lại có những hạng người vô hạnh như vậy? Ở nhà không
chịu học hành, đến lúc thi hỏng lại định gây sự với quan trường... Danh giáo
nào dong những hạng người ấy?
Vân Hạc cũng hỏi:
- Lại còn một bọn ở hàng Ngang nữa. Hai anh có gặp họ không?
Tiêm Hồng đáp:
- Không. Chúng tôi không thấy họ đâu. Nhưng mà thiếu gì! Trong kỳ đệ
tam, số hỏng có đến hơn hai trăm người. Những ông ấy bây giờ còn đương phát
điên phát cuồng. Hê họ tụ bạ ở đâu, thì sẽ nói bậy ở đấy.
Vân Hạc tỏ vẻ nghi ngờ:
- Có lẽ bọn ở hàng Ngang không phải vì chuyện thi hỏng. Em nghe thấy họ
luôn luôn nhắc đến sĩ khí, hình như có người bị ai làm nhục.
Đoàn Bằng có ý ngạc nhiên:
- Lạ nhỉ! Không rõ là việc gì thế?
Ông chủ nhà trọ ở đâu vừa về. Với một dáng điệu tất tả ông ấy vào thẳng
trong nhà vừa thở hì hò vừa nói:
- Các quan về sớm quá nhỉ? Đáng lẽ chiều nay tôi cũng lên đón các ngài,
sau vì có người rủ đi xem việc lôi thôi ở phố Hàng Giấy, nên lại không lên, các
ngài miễn cho!
Rồi ông ấy thêm:
- Đáo để! Các ông học trò hăng quá. Không khéo nhà bá hộ K. sẽ bì tan
tành.
Vân Hạc nghe nói, đồ là việc đó cũng có liên can đến bọn học trò hàng
Đào, chàng liền hỏi tắt:
- Câu chuyện đầu đuôi ra sao, cũng hãy kể cho chúng tôi nghe.
Ông chủ nhà trọ quay ra phía sân để gọi thằng nhỏ châm lửa thắp đèn và
giục người nhà làm cơm mau mau. Rồi ngồi vào chiếc phản cạnh, ông ta ra giọng đắc
ý:
- Có gì đâu? Chỉ tại một câu nói chua. Số là nhà bá hộ K… , các ngài chắc
cũng đã biết, vốn là một nhà đại phú. Bởi khi buôn bán cũng có đồng chịu đồng
trả, hoặc có giật bọc vay mượn của ông ta, cho nên ở phố hàng Giấy cũng nhiều
người nể. Ông ấy có người con gái, hình như tên là cô Kim, năm nay độ hai mươi
tuổi, người cũng khá đẹp, còn đương kén chồng, cả ngày vẫn ngồi ngoài cửa bán
hàng. Con cái nhà giàu ở đất kẻ chợ, phần nhiều quen thói khỏng khảnh, huống
chi cô nay đẻ ra đã sẵn có tính chua ngoa, thì còn coi ai ra gì? Thôi thì kẻ ăn
người ở trong nhà, cho đến những khách ra vào mua bán, hễ ai mà nói thất ý nửa
nhời, ấy là cô ta ngoa ngoắt nguyền rủa, có khi chửi trùm chửi lợp người ta nữa
chứ. Vì vậy cả phố ai cũng phải sợ. Tình cờ đến trưa hôm nay...
Tới đó ông ta ngừng lại để sai người nhà pha nước.
Vân Hạc cũng như nóng nghe, liền gặng:
- Đến trưa hôm nay làm sao?
Ông chủ nhà trọ hút tàn điếu thuốc rồi đáp:
- Đến trưa hôm nay, có ông học trò vào hàng hỏi mua giấy bút - Cứ nhiều
người nói lại là ông đó hãy còn trẻ tuổi - chưa rõ quê quán ở đâu, cũng là số
người hỏng kỳ đệ tam và còn ở đây chờ bảng tù tài - Trong khi mặc cả, ông này
có nói bông đùa sao đó. Cái đó kể ra cũng là sự thường. Vì "hoa thơm ai chẳng
muốn vin". có phải thế không, thưa các ngài?
Anh em Vân Hạc chỉ cười không đáp, ông ta lại tiếp:
- Nhưng mà cô Kim là hạng chỏng lỏn có tiếng, đâu lại nghĩ nhũn như vậy?
Khi thấy ông kia có ý trêu cợt cô này liền nổi tam bành, rủa luôn một thôi một
thốc. Ông kia trước còn cố nhịn, sau thấy cô Kim làm già, ông ta phát cáu cũng
phải mắng lại một cách rất phũ. Thế rồi hai bên thành ra xô xát. Người nhà cô
này nhao nhao chạy ra, níu lấy ông đó, xé tan mất cái khăn lượt và cái áo the.
Ông này vừa thẹn vừa tức, nhưng vì chỉ có một mình, không thể sao được. Lập tức
ông ta chạy luôn về nhà trọ, thuật lại đầu đuôi với bạn cùng trọ và xin anh em
rửa nhục cho mình. Trong nhà trọ tất cả mấy bọn, cũng có đến hơn mười người,
nghe ông này nói ai nấy đều tỏ ra vẻ bất bình. Cả bọn liền kéo nhau đến trước cửa
nhà bá hộ K. bắt đền khăn áo cho bạn. Giả sừ bá hộ K. xin lỗi một câu, có lẽ
người ta cũng thôi. Song nào có thế! ông ấy lại giở lý sự và nói những câu cực
kỳ vô lễ. Thế mới ngu chứ!
Thằng nhỏ vừa bưng siêu nước đến cạnh, ông chủ nhà trọ đứng dậy lấy bộ
khay chén đặt sang giữa ghế.
Vân Hạc đón lấy ấm chén, vừa chuyên nước vừa để ý nghe. Tiêm Hồng hỏi:
- Ông bá hộ K. nói những thế nào?
- Trước hết ông ta vu vạ cho ông học trò kia đã vào cửa hàng ăn cắp. Rồi
thì ông ta lên giọng kẻ cả, bảo học trò thi hỏng toàn là những quân mất dạy.
Sau hết, ông ta còn hỏi "chúng bay học trò thằng nào" và nói
"ông thách thằng thầy chúng mày đến đây cũng không làm gì ông tốt..."
Tiêm Hồng tỏ ý tức giận:
- Như thế thì càn rỡ thật. Đánh cho chết đi cũng đáng!
Vân Hạc bưng chén nước đưa ông chủ trọ và nói:
- Ông hãy xơi nước cái đã.
Ông chủ nhà trọ đón lấy chén nước đặt xuống đầu ghế.
- Các ông học trò lúc ấy tức lắm, đã toan xông vào đánh cho ông bá hộ
K. một trận. Nhưng mà ông ta chạy thụt vào trong nhà và gọi một lũ gia nhân vác
gậy đổ ra. Những đứa gia nhân sức khỏe như voi, chúng đẩy bọn này ra mãi ngoài
đường, có ông ngã sấp ngã ngửa, lóp ngóp mãi mới đứng lên được.
Chén nước đầu phản đã nguội, ông chủ nhà trọ nói tiếp:
- Thế rồi ông bá hộ K. sai lũ gia nhân đứng canh trước cửa và dặn hễ thấy
đứa nào đến gần, cứ việc đánh cho mất mạng. Những ông học trò lúc này càng
hăng, nhưng vì ít người không thể đối địch, các ông ấy bèn cắt một nửa ở đó để
canh ông K, còn một nửa nữa, thì chạy tuốt về các phố nói cho bạn bè biết rõ
tình đầu. Chỉ nửa giờ sau, học trò các nơi kéo đến tấp nập. Người nào người ấy,
sắc mặt hằm hằm như ông Long thần. Ông bá hộ K. biết là thế nguy, liền sai người
nhà đóng chặt cửa lại. Cả nhà trốn hết lên gác. Ngoài này học trò mỗi lúc mỗi
đông, đứng chặt cả hai dãy phố. Lúc ấy tôi tưởng người ta sẽ cùng chửi bới nhà
kia tàn tệ, cho hả cơn giận trong lòng. Té ra không, các ông ấy chỉ gọi ông bá
hộ K. mở cửa để anh em hỏi câu chuyện lúc nãy đầu đuôi thế nào. Nhưng mà ông bá
hộ K. nhất định không thưa. Tức quá mấy ông trong bọn giục nhau đi mượn rìu búa
phá cửa mà vào. Giữa khi đó thấy có một đội lính tuần chừng hơn mười người, sầm
sập tiến lại. Té ra trong lúc đóng cửa, ông bá hộ K. đã sai người nhà vượt qua
tường hậu chạy vào trong thành cấp báo. Có lẽ đối với một đám học trò, lại toàn
là hạng tam trường, các quan cũng có lòng nể. Vì vậy, quan tổng đốc chỉ phái một
bọn lính tuần ra đó đề phòng những sự hành hung, chứ không đàn áp. Nhưng khi bị
lính ngăn cản, khí tức của các học trò lại càng như lửa thêm dầu, người ta bàn
nhau phải kéo đổ nhà ông bá hộ K. để rửa cái nhục cho sĩ lâm rồi sẽ cùng đến cửa
quan chịu tội. Nhời bàn ấy đã được nhiều người khen phải. Và rồi học trò tới đó
mỗi lúc mỗi đông, khi tôi về đến đầu Hàng Đường, còn thấy một bọn độ vài chục
người đổ lên nẻo phố Hàng Gạo, chắc cũng đi dự cuộc đó...
Tiềm Hồng ra bộ hả dạ:
- Đáng kiếp! Những đứa trọc phú phần nhiều vẫn hay láo hỗn vô lý. Có thế,
chúng nó mới chừa.
Vân Hạc ra vẻ khảng khái:
- Nếu quả như vậy, thì việc này có thể là một nghĩa cử. Em muốn chạy
lên. xem sao. "Kiến nghĩa bất vi vô dũng giã"...
Đoàn Bằng vội vàng gạt đi:
- Chú nghĩ như vậy là lầm. Khi nào "danh chính ngôn thuận" mới
gọi được là nghĩa cử. Đằng này, cứ theo như lời ông chủ nói đó, thì kỳ thủy nó
chỉ là chuyện ve gái. Ở đời ve gái mà đến bị rủa, bị xé là sự đương nhiên,
không nên bênh vực làm chi. Vì thân gái quý ở hai chữ đoan trinh, nếu bị trêu
ghẹo, người ta có quyền kháng cự, không ai được trách chỗ đó. Thế mà trong lúc
cái ông ve gái bị nhục về nhà cầu cứu, những người cùng trọ không lấy lẽ phải
mà khuyên anh em, lại còn kéo nhau đến nhà người ta để hòng gây chuyện. Đó là tự
các ông ấy đã bất chính rồi.
Vân Hạc nói xen:
- Đã đành như thế, nhưng mà lão bá hộ K. cũng hỗn láo quá!
- Phải rồi. Lão đó cũng hỗn láo quá thật đấy! Song vì những ông học trò
có chỗ vô lý, thì hắn mới hỗn láo chứ. Sao không trách mình lại cứ trách người
là cái nghĩa gì? Vả chăng, lão đó nói càn mấy câu, anh em trừng trị như thế,
cũng đã xứng đáng lắm rồi. Không nên làm cho to việc ra nữa. Các chú thử nghĩ
mà xem, bênh một người bạn chim gái mà đến hàng trăm học trò kéo đi phá nhà người
ta, có thể gọi là "danh chính ngôn thuận" được không? Làm vậy thiên hạ
hậu thế sẽ bảo chúng mình là hạng người gì?
Rồi thầy kết luận:
- Thôi! Chú có đi mà can anh em, thì hãy nên đi, nếu đi để vào đảng với
các ông ấy thì tôi không bằng lòng chút nào.
Ông chủ nhà trọ tán thêm: Phải đấy! Các quan mới ở trường về, chắc còn
mỏi mệt, không nên đi vội. Xin mời các ngài ở nhà xơi cơm, để tôi lại lên Hàng
Giấy coi thử công việc thế nào, rồi tôi nói để các ngài nghe, nên đi hay không,
lúc đó sẽ quyết định.
Mọi người đều cho là phải. Ông ta lại lật đật ra đi, sau khi đã xuống
nhà dưới dặn bảo người nhà sắp sửa cơm nước.
Chừng nửa canh một, anh em Vân Hạc ăn cơm đã xong ai nấy nóng lòng chờ
đợi.
Trăng non đã lặn, ngoài sân trời tối mù mù, bấy giờ ông ta mới đốt đuốc
về. Nhanh nhảu đến chỗ bọn này đương ngồi, ông ấy vừa cười vừa nói:
- Đại phúc cho nhà ông bá hộ K. Chuyện đã dẹp yên. Các ông học trò đã
đâu về đấy cả rồi.
Đoàn Bằng bảo ông ấy ngồi hẳn vào ghế rồi hỏi:
- Yên là thế nào? Anh em học trò bị giải tán hay có người nào đứng ra
thu xếp?
- Có chứ. Quan đốc học phải đến khuôn xếp. Ngài thật khéo quá, cương
có, nhu có, vì thế, các ông học trò mới phải vâng nhời.
Vừa nói, ông ấy vừa ghé vào trước Đoàn Bằng và tiếp:
- Tôi xin nói lại từ đầu để các ngài nghe. Lúc tôi lên đến Hàng Giấy đã
thấy mấy cây đuốc lớn đương cháy đùng đùng, trong phố sáng như ban ngày. Hỏi đuốc
lấy ở đâu ra, người ta nói rằng: đó là các ông học trò góp tiền mua nứa bó lại
thành bó. Bấy giờ các ông học trò vẫn còn bàn tán hăng hái như trước, có điều
ai nấy vẫn hai tay không. Tôi đương cố nghe xem các ông ấy bàn ra thế nào, thì ở
đầu phố, có một người anh cầm chiếc đèn lồng soi cho hai người lính khác khiêng
một cái võng rẽ đám học trò đi đến trước cửa nhà bá hộ K.
Trên võng bước xuống một ông cụ già đầu đã bạc trắng.
Bóng lửa lấp loáng, nhôm mãi mới biết là quan đốc học. Điều này là lúc
sau này người ta mới kể với tôi - thì ra trong lúc các ông học trò hò nhau kéo
đổ nhà há hộ K. một người lính tuần ở đó liền chạy về thành báo tin với quan tổng
đốc. Lập tức quan tổng đốc cho người vào dinh bàn cách khu xử. Không biết hai
ngài bàn định thế nào, mà quan tổng đốc phái quan đốc học thân hành đến đó. Các
ông học trò lúc ấy mới đáng kính phục làm sao. Ai nấy đều đương cơn thịnh nộ,
thế mà thấy quan đốc học, cả đám đều chắp tay vái chào, rồi cùng nín im phăng
phắc như đám ba quân chờ nghe hiệu lệnh của ông đại tướng…
Tiêm Hồng nói xen:
- Cái đó là lẽ tất nhiên. Vì quan đốc học là người đứng đầu việc học
trong một tỉnh, học trò tuy không học ngài, nhưng cũng phải coi như thầy. Vả
chăng, cụ đốc học Hà Nội lài là một bậc danh vọng, ai mà không phải kính trọng?
Vân Hạc hỏi gặng:
- Thế rồi cụ đốc làm gì?
- Ngài bảo các ông học trò đứng xếp hàng ở hai dãy phố để ngài giảng giải.
Trước hết, ngài khen các ông đó đều có khí khái, biết bệnh thể diện của sĩ lâm.
Rồi ngài hỏi ai là người đã bị con bá hộ K. lăng mạ và xé khăn áo. Một ông học
trò liền chạy ra nhận. Ngài bảo ông đó đứng ra một bên, và ngài hỏi đến những
người đã đến nhà bá hộ K. bắt đền quần áo cho bạn và bị ông ta nói hỗn. Chừng
hơn mười người ra trước mặt ngài thưa là chúng con. Ngài lại bảo những ông này
đứng sang một bên. Bấy giờ ngài mới chỉ vào cái ông học trò bị xé khăn áo và cất
giọng nghiêm nghị mà răng: "Anh đã nói trêu con gái bá hộ K. phải
không?" Ông này chối không, nhưng ngài không tin và noi:
"Ta biết cả rồi, anh không thể cãi. Công nhiên vào nhà lương gia
ve vãn con gái người ta, như anh tức là tội nhân của danh giáo".
Luôn đó, ngài quay sang phía những ông đã bị ông bá hộ K. nói hỗn và quở
như vầy:
"Thấy bạn làm xằng, đáng lẽ can đi mới phải. Các anh không can, lại
còn kéo bè kéo đảng, định lấy danh nghĩa nho lâm bênh vực một kẻ ve gái, chẳng
những gây thêm nết xấu cho bạn, mà còn làm cho danh giáo phải điếm nhục nữa,
nghe không." Tất cả mấy ông học trò đều im thin thít. Khi ấy ngài mới sai
lính đập cửa gọi hai cha con bá hộ K. ra đứng ở trước mặt ngài. Hai người hình
như vẫn chưa hết cơn sợ hãi, vẻ mặt không còn sắc máu và đều chắp tay, cúi đầu,
không dám trông lên. Trước hết quan đốc học mắng người con gái thế này:
"Mày là phận gái, gặp kẻ trêu ghẹo, cố nhiên cũng nên mắng lại,
nhưng phải mắng cho có lẽ. Ai cho mày chửi rủa người ta, rồi lại sai lũ đầy tớ
xé cả khăn áo người ta? Mày có biết "lăng mạ người khác", phải tội
như thế nào không?".
Rồi ngài mắng ông bá hộ K. như vầy:
"Mày thách thằng thầy các anh học trò cũng không làm gì được mày
phải không? Tao là một người ở bậc thầy vậy tao muốn hỏi mày thách những
gì?" Ông bá hộ K. chắp tay lạy lấy lạy để coi rất buồn cười. Quan đốc học
lại chỉ vào mặt ông bá hộ K. và nói giận dữ như vầy:
"Thế là mày đã không biết răn con, lại còn bênh con mà vô lễ với tất
cả người trong nho lâm. Người ta muốn phá nhà mày, không phải là quá?".
Ông bá hộ K. cúi gục tận đất, kêu xin tha tội.
Đến đây, ông chủ nhà trọ tạm nghỉ để hút một hơi thuốc lào. Đoàn Bằng
chờ cho khỏi thuốc ra hết, lại hỏi:
- Thế rồi sao nữa?
Ông chủ nhà trọ giương hai con mắt lờ đờ của kẻ say thuốc và đáp:
- Thế rồi quan đốc học bắt ông bá hộ K. phải xin lỗi cả đám học trò,
ngườỉ con gái phải xin lỗi cái ông bị xé, hai cha con phải đền ông này một cái
khăn lượt một cái áo the. Và ngài còn bắt ông bá hộ K. và ông học trò bị xé,
ngày mai phải xuống Văn Miếu lễ tạ và chịu mỗi người một chục roi đòn. Những
ông học trò đi bắt đền áo cho bạn cũng phải lễ tạ Văn Miếu. Trước khi ra về,
ngài đã sai người lễ sinh đi hầu phải hỏi tên họ của các học trò bị phạt, biên
vào mảnh giấy, để họ khỏi trốn.
Và ngài còn nói giờ ngọ ngày mai, ngài sẽ xuống nhà Văn Miếu thi hành
các lệnh phạt kia, các ông học trò nếu có thì giờ, cũng nên tới đó chứng kiến
cuộc trừng phạt đó.
Ông chủ nhà trọ kết luận:
- Tôi tức cười nhất là lúc cha con ông bá hộ K. cúi lạy các ông học trò
và nói mấy câu xin lỗi. Cái bộ điệu của họ lúc ấy thật là khúm núm khốn nạn, chẳng
bù với lúc quạc mồm nói càn.
Anh em Vân Hạc đều khen:
- Cụ đốc khu xử như vậy, thật hợp tình hợp lý, anh em học trò kính phục
là phải. Ngày mai chúng mình nếu có thong thả, cũng nên xuống nhà Văn Miếu mà
xem cho hay.