Lều chõng - Chương 13

Chương 13

Đêm qua với Vân Hạc, Đốc Cung lại là một cuộc phục thù của hai con mắt.
Bởi vì sau bữa cặm cụi từ sáng đến tối mịt ngắm vuốt từ cái nét móc trở đi để
viết cho rồi một bài văn sách chừng bảy, tám tờ, hai chàng chỉ cho đôi mắt yên
nghỉ một đêm. Đến trưa hôm sau, khi mà Đoàn Bằng, Tiêm Hồng bước ra khỏi cửa để
cùng về quê báo tin cho dì ghẻ và ông anh cả biết sự may mắn của mình trong kỳ
đệ tam thì Vân Hạc liền bị Đốc Cung nhắc tới số bốn nén bạc của Trần Đức Chinh
và bắt phải lên hàng Lờ lập tức.

Ở lầu hồng không khác gì ở nhà trọ, danh giá của người học trò đã vào
tam trường lại tôn gấp mấy cái khi mới vào nhất trường. Vả lại đối với hai
chàng đào Phượng, đào Cúc vẫn là hoa xưa, ong cũ, cái cuộc gặp gỡ sau hai mươi
ngày cách biệt tự nhiên phải đằm thắm hơn lúc bắt đầu biết nhau.

Trong lúc bước chân ra đi, Vân Hạc đã hẹn Đốc Cung chỉ nghe một vài khổ
trống rồi về. Không ngờ trước vẻ yêu kiều nũng nịu của đôi hoa khôi, hai chàng
đều không đủ bóng vía để chống lại với sức cám dỗ. Thế rồi cuộc truy hoan kéo
dài đến bảy đêm ngày.

Ngông nhất là đêm hai ba tháng mười.

Vào khoảng chập tối một lúc trời tuy lạnh nhưng rất sáng sủa. vầng
trăng hạ huyền từ từ ở phía chân trời tiến lên và nhòm thẳng vào khe cửa sổ
phía đông. Nhân một câu cao hứng nói đùa của Vân Hạc, Đốc Cung liền bắt đào Phượng,
đào Cúc cùng mấy ả nữa và một anh kép mang cả đàn, trống, sênh, phách lên phía
bờ sông. Thêm vào đó lại có mấy người học trò cụ bảng Tiên Kiều bị kéo đi nữa.
Cả bọn đến thẳng bến đò. Sau khi thuê được hai chiếc thuyền lớn, mặc cả phải chở
suốt đêm, Vân Hạc, Đốc Cung liền bảo chân sào vào phố mua rượu và các đồ nhắm
đem câu xuống thuyền.

Rồi sai nhổ neo cho thuyền xuôi mãi xuống phía Đồn Thủy. Sông cạn, sóng
êm, đôi thuyền kèm nhau lờ đờ trôi dưới ánh trăng. Ngồi trên mạn thuyền ngó xuống
đáy nước có thể trông thấy mình đương lơ lửng trong một biển vàng. Đàn bắt đầu
dạo phách bắt đầu điểm. Tiếng hát bắt đầu thánh thót. Cuộc rượu dần dần đi từ
chỗ êm đềm đến chỗ nồng nàn. Giữa những tiếng cười nói huyên thiên. Đốc Cung tự
nhiên gật gù và ngâm:

"Mộc lan chi tiếp sa đường châu.

"Ngọc tiêu, kim quản tọa lưỡng đầu,

"Mỹ tửu tôn trung trí thiên hộc,

"Tái kỹ tùy ba nhiệm khứ lưu… "

Rồi chàng rung đùi:

- Cái cuộc đêm nay của chúng mình, thật đúng với bốn câu đó. Thế mới biết
Lý Bạch là tay chơi sành.

Và chàng nhìn vào Vân Hạc:

- Mày vẫn tự phụ giỏi nôm, hãy thử dịch mấy câu ấy ra điệu lục bát xem
sao.

Vân Hạc ngẫm nghĩ một lát rồi đọc:

"Trèo đường đưa chiếc thuyền nan,

"Quản vàng, tiêu ngọc thổi ran đôi đầu,

"Rượu ngon để sẵn nghìn bầu,

"Chở đào, theo sóng, mặc dầu ngược xuôi..."

Cả bọn đều tấm tắc khen hay, riêng có Đốc Cung chê rằng chữ
"đào" không "ổn". Nhưng không tìm được chữ gì khác thay
vào, chàng muốn đổi hai câu đó như vậy.

"Đào mấy ả, rượu nghìn bầu,

"Chở theo con sóng mặc dầu ngược xuôi".

Mọi người cân đi, nhắc lại hồi lâu, ai nấy đều bảo câu của Đốc Cung tuy
không đúng nghĩa, nhưng còn thoát hơn của Vân Hạc. Rồi họ bàn nhau dùng bốn câu
ấy làm bốn cầu mưỡu và bắt Vân Hạc, Đốc Cung làm tiếp một bài hát nói tức cảnh
đêm ấy, Vân Hạc mở đầu:

"Thủy thiên nhất sắc,

"Giữa vừng không vằng vặc mảnh trăng treo.

"Đôi thuyền con đủng đỉnh đua chèo,

"Đội mặt sóng, tiếng đàn theo tiếng phách.

Đốc Cung tiếp theo:

"Giục hiệu Tô công ca Xích Bích,

"Cánh liên Bạch phó oán Tầm Dương.

"Thú yên hoa âu cũng nợ văn chương,

"Dưới bóng nguyệt, chén vàng chi để cạn?

Đến lượt Vân Hạc:

"Cơn đắc ý hãy chơi cho chán,

"Kiếp trần ai, ba vạn có là bao

"Nghìn xưa hiền thánh đâu nào?"

Hai chàng đọc cho đào Phượng, đào Cúc cùng nhẩm, và bảo hai ả cắt lượt
mà hát. Đêm càng khuya, cuộc rượu càng lơi lả. Tiếng hát khi chìm, khi bổng,
theo với dịp khoan nhặt của phách và đàn, càng giúp thêm cho hứng rượu.

Trên phố lúc ấy không còn hơi một tiếng động.

Mặt sông cực kỳ tịch mịch. Mấy đoàn thuyền bè, giống như những đàn vịt
ngủ hết, hết thảy im lặng rúc đầu vào bờ. Vân Hạc tình cờ ngồi trong mui thuyền
ngó ra, chàng tưởng như khắp cả vũ trụ, chỉ có bọn mình và vầng trăng khuya còn
thức. Một lát sau, đào Phượng đọc hết bài phú Xích bích, tiếp đến bài hát Tỳ
bà, Đốc Cung ra bộ thích ý và khen:

- Ngồi trên mặt nước mà hát hai bài hát ấy mới là hợp cảnh. Không hiểu
từ xưa đến giờ, đã ai thưởng thức cái thú ấy chưa?

Vân Hạc đón lời:

- Không phải bây giờ chúng mình hưởng cái thú ấy là lần đầu tiên. Ngày
xưa các cụ đã hưởng chán rồi. Và vì thủa xưa, cô đào không có nhà riêng, các cụ
muốn nghe hát mà không tiện đem về nhà mình, cho nên phần nhiều phải hát dưới
thuyền. Bởi vì ngồi ở thuyền dưới bóng trăng, thấy nó hợp với cảnh tượng trong
Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị và Xích bích phú của Tô Đông Pha, cho nên các cụ mới
diễn cả hai bài ấy ra điệu hát tả, để bắt ả đào ngâm đọc. Về sau những phường tục
tử, đua đòi các cụ, thi nhau đem những bài ấy mà hát ở nhà cô đào, ấy là vì họ
không hiểu cả hay của nó. Các anh thử nghĩ mà xem, ngồi trên mặt phản mà nghe
những câu:

"Say cũng luống, ngại khi chia rẽ,

Nước mông mênh dầm vẻ trăng trong,

Hay là:

"Thuyền mấy lá, đông tây lặng ngắt,

"Một bóng trăng trong vắt lòng sông,"

thì phỏng còn có nghĩa lý gì nữa?

Trời gần sáng. Trăng càng lên cao. ánh trăng tỏa xuống lòng sông sáng
như ban ngày. Hứng rượu mỗi lúc môi thêm hăng hái. Người nọ dốc mãi rượu vào
chén người kia. Dần dần, cả đám đều say dí dị, ai nấy gục đầu xuống cạnh chiếu
rượu mà ngáy.

Sáng mai Vân Hạc dậy trước, trông thấy mấy người ngổn ngang nằm quanh một
đám chén bát lổng chổng, mới biết đêm qua uống rượu nhiều quá. Ngó ra ngoài
sông, cảnh tượng đều lạ hết thảy. Ngơ ngác nhìn mãi đám khói sương mù mịt,
chàng mới nhận ra cái chỗ thuyền đậu là ở dưới bãi Bát Tràng.

Các chân sào và các ả đào, hãy còn ngủ lăn, ngủ lóc, chàng phải đánh thức
lái thuyền, giục hắn gọi mấy người kia chèo thuyền lên bến.

Tới nơi, mặt trời đã lên cao, Vân Hạc toan về nhà trọ. Nhưng vì đào Phượng,
đào Cúc có ý chèo kéo, lại thêm có bọn Đốc Cung hết sức bầu vào, chàng lại xuống
thẳng Hàng Lờ. Thế rồi, cái hào hứng của tuổi thiếu niên lưu chàng và bọn Đốc
Cung ở đó. Để lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm. Nếu không sợ Đoàn Bằng, Tiêm
Hồng ở quê sắp ra có lẽ hôm qua, chàng và Đốc Cung cũng chưa về nhà trọ. May
quá hai chàng vừa tới nhà trọ một lát, thì hai người kia vừa ra.

Trong lúc nói chuyện, Đoàn Bằng, Tiêm Hồng ngó cái bộ mặt hốc hác, nhất
là ngó đổi con mắt đứt kẽ của hai chàng, cũng biết hai chàng thức đêm nhiều lắm
nhưng hai người vẫn đều giả vờ làm thinh.

Bấy giờ Đốc Cung cũng như Vân Hạc ai nấy đều thẩm trong mình mệt nhừ,
hai mắt buồn ngủ díp lại, song người thì nể bạn hơn tuổi, người thì sợ anh, cả
hai đều phải cố gượng làm tỉnh táo, nhanh nhảu, chờ đến tối mới dám đi nằm. Và
cả hai đều kéo một giấc từ chập tối cho đến bây giờ.

Trời sáng rõ.

Đoàn Bằng, Tiêm Hồng đã uống tàn một ấm chè tàu, hai chàng vẫn co quắp
ôm nhau trong tấm chăn bông, và thi nhau đưa ra những tiếng thở sè sẽ.

Tiêm Hồng ngứa mắt toan kéo tuột bức chăn gọi hai chàng dậy. Đoàn Bằng
xua tay ngăn lại:

- Hãy để cho họ ngủ lúc nữa. Chắc là những ngày vắng mình, chúng nó thức
đêm nhiều lắm. Nếu họ không được ngủ bù để khôi phục cho tinh thần bằng cũ thì
ngày mai vào trường sẽ có hại cho sự làm văn.

Rồi hai người lại giục thằng nhỏ thay chè, pha ấm nước khác, cùng uống
cho tiêu thì giờ.

Ánh sáng loe trên nóc nhà láng giềng, Vân Hạc thình lình thức giấc. Vì
bị ánh sáng lùa vào chói mắt, chàng biết trời đã trưa lắm, vội vàng lật chăn
đánh thức Đốc Cung.

Đoàn Bằng, Tiêm Hồng tuy vẫn tỏ ra bộ điệu vui vẻ nhưng Vân Hạc không
khỏi có ý ngượng thẹn.

Chàng len lén đứng dậy ra thềm và gọi thằng nhỏ lấy nước rửa mặt. Đốc
Cung nòi chữa bằng một câu khôi hài:

- Té ra hãy còn sớm nhỉ. Tôi tưởng đã trưa lắm.

Đoàn Bang cười nhạt:

- Phải. Còn sớm lắm. Mặt trời mới gần đến đỉnh đầu thôi mà. Hai ông hãy
đi ngủ thêm giấc nữa, dậy làm gì vội!

Đốc Cung cũng cười và ngâm:

"Xử thế nhược đại mộng,

Hồ vi lao kỳ sinh."

Rồi chàng thong thả, xỏ chân vào giầy, để đón lấy chậu nước nóng của thằng
nhỏ đã bưng đến thềm.

Hôm nay là ngày ra bảng kỳ đệ tam, nhà trọ làm cơm sớm hơn mọi ngày, có
ý để các ông khách thừa thãi thì giờ đi chơi chúng bạn.

Cố nhiên ở trong mâm cơm, cảm tình của ông chủ nhà càng nồng nàn hơn những
ngày ra bảng hai kỳ đệ nhất, đệ nhị. Ông ta đã cố mua chuộc lòng khách bằng những
món ăn rất cầu kỳ. Rượu rót rồi. Đoàn Bằng khai mào câu chuyện trước khi cất
chén:

- Chúng mình còn được chè chén lu bù, chứ mấy ông quan chấm trường, nhất
là những ông sơ khảo, phúc khảo bây giờ đương khổ vô hạn.

Đốc Cung nâng chén và hỏi:

- Sao vậy?

Đoàn Bằng nhắp một hớp rượu rồi đáp:

- Kham khổ quá, chứ có sao đâu! Theo lệ, cứ mỗi khoa thi, riêng trường
Hà Nội, được có một ông chủ khảo, một ông phó chủ khảo, hai ông giám khảo, hai
ông phân khảo, mười ông phúc khảo và hai mươi ông sơ khảo. Lương các ông ấy
không được tính tháng, phải tính trọn một kỳ thi. Bắt đầu từ lúc tiến trường đến
khi thi xong các công việc, ông chủ khảo được năm chục quan, và mười phương gạo
trắng, ông phó chủ khảo được bốn nhăm quan, số gạo cũng được như ông chủ khảo
những ông giám khảo đều ba nhăm quan và tám phương gạo, các ông phúc khảo mỗi
ông được hai nhăm quan và năm phương gạo, những ông sơ khảo thì bần tiện nhất
chỉ được mỗi ông bốn phương gạo và hai chục quan...

Đốc Cung ngắt lời:

- Ừ, thì nhà nho ăn tiêu tằn tiện, trong hơn một tháng một mình dùng
hai chục quan cũng đủ lắm rồi.

Đoàn Bằng lắc đầu:

- Tiếng được hai chục quan tiền thật đó, nhưng khi ở trường có được
tiêu một đồng nào. Là vì trong lúc làm trường, người ta đã tính đủ số quan trường,
dựng cho mỗi một ông một gian nhà lá, trong nhà có bếp, có chuồng xí, có vại chứa
nước, có nồi nấu cơm, đủ các đồ lề của một gia đình, bốn bên đều có phên nứa
che kín, gian nọ không được thông với gian kia. Sau khi tiến trường, người ta tống
hết các ông sơ khảo, phúc khảo, giám khảo cho mỗi ông vào một gian, rồi khóa
trái cánh cửa ra ngoài, giao chìa khóa cho ông đề điệu, bao giờ thi xong, ông đề
điệu mới mở cửa cho các ỏng này cùng ra. Như thế dù có tiền cũng không mua bán
gì được.

Đoàn Bằng lại hỏi:

- Vậy thì những thức ăn uống hàng ngày lấy ở đâu ra?

Tiêm Hồng vội đón:

- Hình như do ông tổng đốc sở tại cung đốn, phải không?

Đoàn Bằng gật đầu:

- Phải! Bao nhiêu đồ ăn thức dùng của các quan trường, do ông tổng đốc
sở tại trích tiền công khố chi cấp tất cả. Sự cung đốn của mấy ông trên thế
nào, tôi không được rõ, chứ đến những ông sơ khảo, phúc khảo thì ôi thôi, cực kỳ
bần tiện. Mỗi ông một ngày chỉ được hai lạng thịt lợn, hay là hai con tôm he,
có thịt đừng tôm, có tôm đừng thịt; ba ngày mới được một lọ nước mắm và ít muối
trắng. Anh tính mỗi ngày hai bữa, một thầy, một trò, ăn uống chỉ có bấy nhiêu,
thì kham khổ biết chừng nào. Thầy tôi ngày xưa tuy là hương cống tại quán,
nhưng cũng có bị cử làm phúc khảo một lần. Khi đi, người rất béo tốt, lúc về mật
mũi xanh xao, chẳng khác gì người ngã nước. Thì trong hơn một tháng trời nhịn
đói, nhôm khát, gỗ cũng phải gầy, nữa là người.

Đốc Cung nhành mồm tắc lưỡi. Đoàn Bằng đương ngậm hớp rượu trong miệng,
vội cong bàn tay giơ lên, tỏ ý ngăn cản lời của Đốc Cung, rồi thêm:

- Thế cũng chưa thấm!

(Bị kiểm duyệt bỏ hồi Pháp thuộc. )

Đoàn Bằng quay lại vớ chiếc điếu đàn, đặt thuốc, châm lửa, hút một hơi
thuốc, câu chuyện nói dở tiếp theo khói thuốc đưa ra:

- Vì nhà của mấy ông sơ khảo, phúc khảo trừ khi hé ra một lúc cho phu đổ
nước vào vại, còn thì phải khóa kín suốt ngày, suất đêm. Cho nên trong bức phên
nứa chắn ở quanh nhà, người ta đã có để sẵn một cái lỗ thủng nho nhỏ. Mỗi một
buổi sáng, người lại phòng của quan đề điệu phân phát đồ ăn cho các quan trường
thì tuôn qua mấy lỗ thủng ấy, rồi gọi thằng bếp ra đó mà đón.

Tiêm Hồng nói xen:

- Kẻ nào hà lạm đến những món ấy thì tù mọt gông. Tôi nhớ thầy tôi có
nói lại rằng: "cái năm thầy tôi đi làm phúc khảo, có người lại phòng chia
tôm cho các quan trường, vì lúc cuối cùng còn thừa một con, hắn không biết là
phần ông nào, đem về ăn mất. Thế mà đến khi việc đó phát giáo, anh ta bị phạt đủ
ba chục trượng. Cực chưa".

Đến lượt Đoàn Bằng:

- Tội nghiệp hơn nữa, là cái tình cảnh của mấy ông ấy trong khoảng từ kỳ
đệ tam đến kỳ phúc hạnh. Những kỳ đệ nhất, kỳ đệ nhị, tuy rằng ăn uống kham khổ
nhưng còn không đến nỗi buồn. Là vì trong hài kỳ ấy học trò còn đông, các ông
sơ khảo phúc thảo còn phải chấm nhiều, cả ngày không lúc nào rỗi. Đến kỳ đệ tam
và kỳ phúc hạch, học trò vắng lắm, phần việc của mấy ông ấy chỉ làm độ một, hai
giờ là xong. Thế mà cứ phải nằm đó chờ đợi cho đến kỳ sau… Có ông buồn quá,
không biết làm cách nào cho qua thì giờ, đành phải đánh đáo với thằng đầy tớ.

Vân Hạc đương bưng chén rượu vội đặt xuống mâm.

- Nếu tôi mà bị đi làm quan. trường, thì quyết phải bắt… vợ tôi ăn mặc
giả làm đày tớ để cùng vào trường.

Đoàn Bằng nối lời:

- Ấy cái năm thầy đi phúc khảo, đã có một ông cũng làm như thế đó. ông ấy
thuê người cô đào ăn bận quần áo đàn ông, và bắt xách điếu cắp tráp theo vào. Vậy
mà việc cũng bại lộ. Không biết ông ta sau này bị tội gì. Có lẽ người ta buộc
cho cái tội khi quân cũng nên.

(Bị kiểm duyệt bỏ hồi Pháp thuộc. )

Ông chủ nhà trọ vừa đi qua đó:

- Thưa các quan, sao lại có người khai mạo tam đại? Tôi tưởng cha ông
nhà mình dù hèn cũng là cha ông nhà mình, ải lại đê tiện đến nỗi nhận vơ cha
ông người khác?

Đoàn Bằng vội mời ông đó ngồi xuống chiếc phản cạnh đấy uống nước.

- Cái việc khai mạo tam đại, cũng là việc bất đắc dĩ. Theo luật, những
người trước có làm quan với nhà Tây Sơn cũng như những người phạm tội ăn cướp
làm giặc, bản thân của họ tuy bị hành hình, hay đã già chết, nhưng vẫn chưa thật
hết tội. Anh em ruột và con cháu ba đời nhà họ đều bị cấm không được thi. Vì thế
nhưng người học giỏi muốn thi, chẳng may lại có cha ông thân thuộc vướng vào
khoản ấy, người ta mới phải khai mạo tam đại để nộp quyển đi thi. Bây giờ đã
ít, chứ mấy năm xưa nhiều người mắc tội ấy lắm…

Vân Hạc góp thêm:

- Thuở tôi còn nhỏ, nghe nói có một vụ án khai mạo tam đại hay lắm. Tôi
không nhớ cái ông đáng thương ấy tên họ là gì, chỉ biết ông ta người xứ Bắc có
ông nội ngày xưa làm quan trong triều Tây Sơn, nên cũng bị liệt vào sổ
"tam đại bất đắc ứng thí". Nhưng ở đời này, một người có tài có học,
có chí giúp dân, giúp nước, nếu không đi vào con đường khoa cử thì còn đường
nào mà đi? Vì vậy ông ta mới phải mượn tên ông chú làm tên ông nội đề vào quyển
thi để cố đi thi. Giả sử đi thì hỏng thì chẳng sao cả. Chết vì ông ta mới thi một
khoa đỗ luôn hương cống, những kẻ tiểu nhân trong làng sợ rằng ông ta làm nên,
sẽ ở trên mình, chúng bèn đệ đơn lên tỉnh giác việc ông ấy mạo khai tam đại.
Các quan ở Bắc lúc ấy tuy vẫn trọng ông ta là bậc túc học, nhưng mà việc đã hiển
nhiên, không dám bịt đi…

Tới đây Vân Hạc ngừng lại một lát, để dấp giọng bằng một hớp rượu. Rồi
chàng rẽ ràng nói tiếp:

- Sau khi đã bắt lý dịch khai báo, quan tổng đốc Bắc bèn đệ cả tập hồ
sơ vào kinh, lại có kèm theo tờ sớ tâu xin triều đình lấy lượng biển trời làm tội
nhè nhẹ cho một tên dân dại dột. Về sau thấy có chữ phê vào tập hồ sơ như vầy:

"Mạo tổ, bất hiếu giã, khi quân, bất trung giã, bất trung, bất hiếu
chi nhân, lưu tương yên dụng?..."

Vân Hạc đương toan nói thêm, thằng nhỏ hớt hơ hớt hải ở ngoài cổng vào,
chạy thẳng lên thềm:

- Thưa các ông, con thấy cửa trường đã treo bảng rồi đấy ạ!

Đoàn Bằng rẽ ràng:

- Mày có thấy tên chúng tao hay không?

Thằng nhỏ vừa thở vừa đáp:

- Thưa các ông, con không biết chữ.

Ông chủ nhà trọ ra bộ vui vẻ:

- Mời các ngài hãy cứ yên tâm xơi rượu, để tôi ra coi xem sao. Chắc bốn
ngài đều được vào cả. Tôi dám cam đoan như vậy.

Rồi thì ông ta cung cúc đi thẳng ra cổng.

Bốn người vẫn cứ khoan thai uống rượu, nói chuyện, chờ đợi tin tức.

Chừng nửa giờ sau, ông ấy tất tả chạy về với những tiếng thở hồng hộc.

- Thế nào, chúng tôi có ai được vào hay không?

Vân Hạc vừa cầm chén rượu vừa hỏi một cách sốt săng.

Ông chủ nhà trọ tươi cười:

- Có ạ. Tôi đoán phỏng thế mà không sai mấy nỗi. Ba ông hơn tuổi vào cả,
chỉ có ông Cung...

Vân Hạc ra bộ sửng sốt:

- Ông Cung làm sao? Có tên ở bảng con chứ?

Ông chủ nhà trọ ra ý ngập ngừng không nói. Vân Hạc cố gặng lần nữa, ông
ta mới chịu nữa úp nửa mở:

- Vâng, tôi thấy ở trong bảng con có viết chữ Bùi Đốc Cung. Nhưng không
biết có phải ông Cung nhà ta hay là ông Cung nào. Vì tôi vội quá, không kịp coi
đến dòng tên làng tên tỉnh.

Vân Hạc cho là không phải tên của Đốc Cung nhưng chàng vẫn cố trêu cợt:

- Chẳng thằng Cung này còn thằng Cung nào? Suốt mấy kỳ trước, tôi thấy
trên bảng có các vi, chỉ có một Bùi Đốc Cung mà thôi.

Rồi chàng nhìn mặt Đốc Cung:

- Biết thân chưa con? Đời nào đỗ đến những thằng ngông nghênh, bướng bỉnh?
Được vào mấy kỳ đã là may rồi? Chuyến này tao xem. Mày là cụt đầu!

Đốc Cung cũng đáp bằng giọng bông đùa:

- Mày hãy thử sờ lên gáy xem nào. Tao tưởng mày còn ngông nghênh bằng
hai tao kia. Nếu như tao bị cụt đầu. thì cái đầu mày quyết là không còn.

Đoàn Bằng cau đôi lông mày tỏ ý không thích. Tiêm Hồng nói:

- Những tiếng mày tao để dành cho bọn vũ phu lỗ mãng họ dùng. Chúng
mình là kẻ đọc sách, biết lễ, ăn nói phải cho trang nhã một chút. Gọi nhau bằng
anh cũng đã suồng sã lắm rồi.

Vân Hạc, Đốc Cung đều im lặng, rồi nói lảng ra chuyện khác. Đoàn Bằng
chừng cũng băn khoăn về lời ông chủ mới nói vừa rồi. Thầy bảo Đốc Cung đọc lại
cả bài văn sách của chàng kỳ trước, xem có chỗ nào sơ xuất hay không? Đốc Cung
liền đặt chén rượu đứng dậy, mở tráp lấy bản giáp bài đó, trao cho Đoàn Bằng.

Bốn người vừa uống rượu vừa chuyển tay nhau xem đi xem lại những tờ giấy
giáp. Ai nấy đều tấm tắc khen hay và đều không thấy chỗ nào đáng ngờ. Cả bọn
tin rằng ông chủ nhà trọ trông sai, chứ chẳng khi nào Đốc Cung lại bị nêu ra bảng
con. Riêng có Đốc Cung vẻ mặt vẫn không được vui, vì chàng còn hồ nghi trong bụng,
Tiêm Hồng an ủi:

- Bác đừng lo, văn bác quyết phải bốn "ưu". Vả lại, cả quyền
không có chữ nào đáng tội, việc gì phải ra bảng con mà sợ?

Đốc Cung gượng đáp:

- Chẳng qua đến hỏng là cùng, tôi có sợ gì.

Cuộc rượu kề cà chừng nửa giờ nữa, ai nấy đều thấy trong mình hơi say.
Đoàn Bằng thôi trước, Tiêm Hồng, Vân Hạc, Đốc Cung lần lượt thôi sau. Tiệc rượu
tan, mặt trời vừa lên đến khỏi nóc nhà láng giềng. ông chủ nhà trọ hớn hở bưng
của mứt bí ở nhà dưới lên và đặt vào cạnh khay nước, rồi đon đả vừa cười vừa
nói:

- Xin rước các quan xơi nước, chắc là bốn ngài đỗ cả. Nhà cháu thật là
có phúc. Xưa nay những nhà chứa trọ chưa ai được may như thế bao giờ.

Đoàn Bằng đáp lại bằng cách khiêm tốn:

- Ông đừng nói thế, không tiện. Hãy còn kỳ phúc hạch nữa kia mà.

Ông chủ nhà trọ nói thêm:

- Đã đành rằng thế. Nhưng tôi thiết tưởng các ngài đã vào phúc hạch tức
là mười phần chắc đỗ cả mười, còn ngại gì nữa.

Đoàn Bằng lắc đầu:

- Những khoa trước kia có thể như thế. Là vì ngày xưa đến kỳ phúc hạch,
học trò chỉ phải viết một bài thơ để so tự dạng, xem rằng quyển các kỳ trước của
mình có thật tay mình làm ra hay không. Bấy giờ số người dự kỳ phúc hạch, quan
trường chỉ lấy gần ngang với số giải ngạch mà thôi. Vì như giải ngạch của trường
Hà Nội được lấy hai nhăm cử nhân, thì kỳ phúc hạch, người ta chỉ lấy dư chừng
vài ba người, nghĩa là tất cả độ ba chục người trở lại. Thêm ra năm người như vậy,
là để dự phòng những lúc nhà vua thiên thủ. Chắc ông đã biết, giải ngạch tuy có
hai nhăm cử nhân, nhưng cũng có khoa, nhà vua lại cho lấy thêm hai ba người nữa.
Như vậy, nếu kỳ phúc hạch chỉ lấy đúng số giải ngạch thì khi được lệnh thiên thủ
cử nhân, lấy ai sung vào số đó? Vì thế, ngày trước đã vào phúc hạch, ai cũng chắc
đỗ, không cử nhân thì tú tài. Các cụ nói rằng: Có ông được vào phúc hạch sướng
quá, đến nỗi trông đến đầu đề bài thơ của quan chủ khảo ra cho, không thể nghĩ
được chữ nào, quan trường lại phải gà cho mà viết. Vậy mà cũng đỗ, chỉ có người
nào phạm húy, mới bị đánh hỏng mà thôi.

Ông chủ nhà trọ lại hỏi:

- Bây giờ cũng thế chứ gì?

Đoàn Bằng hút tàn mồi thuốc, rồi đáp:

- Không. Từ khoa trước đây, phép thi đổi lại, phúc hạch cũng là một kỳ,
học trò cũng phải làm bài như các kỳ trước. Theo phép mới này, thì trong ba kỳ,
ai có "bình ngoại" đều được dự kỳ phúc hạch, bất kỳ giải ngạch bao
nhiêu. Thí dụ giải ngạch của trường Hà Nội năm nay chỉ có hai bốn cử nhân,
nhưng đến kỳ đệ tam, học trò có năm trăm người đều có "bình ngoại",
thì bấy nhiêu người được vào phúc hạch tất cả.

Ông chủ nhà trọ ra bộ ngơ ngẩn không hiểu:

- Thưa, thế nào gọi là "bình ngoại"?

Tiêm Hồng cắt nghĩa:

- Bình ngoại tức là chữ "bình" của quan chánh chủ khảo, hay
quan phó chủ khảo, hoặc là các ông phân khảo. Theo phép nhà Nguyễn, các quan chấm
trường vẫn chia ra làm hai bộ: các ông sơ khảo, phúc khảo và giảm khảo gọi là nội
trường, các công phân khảo và chánh, phó chủ khảo thì là ngoải trường - Chữ
"nội" và chữ "ngoại" đó chỉ là nói theo chỗ ở của các ông ấy.
Bởi vì, trong khi đóng ở trong trường, các ông sơ khảo, phúc khảo, giám khảo đều
ở lớp trong, mấy ông phân khảo và chánh, phó chủ khảo thì ở lớp ngoài. Có thế
thôi - Tất cả quyển của học trò, đều phải đủ bốn dấu chấm.

Bắt đầu do ông sơ khảo chấm trước, thứ hai đến ông phúc khảo, thứ ba đến
ông giám khảo. Thế là hết lượt nội trường, bấy giờ mới giao ra trả ngoại trường.
Lúc này lại chia ra làm hai hạng: quyển nào mà trong ba dấu của nội trường, được
có một dấu trở ra, phê cho chữ “ưu” hoặc chữ "bình" hay chữ "thứ
mác", "thứ cộc" thì được đến tay các ông chánh, phó chủ khảo chấm
lại; còn những quyển nào nội trường phê đủ ba "liệt", thì phải để ông
phân khảo chấm lần cuối cùng. Trong một khoa thi, lấy ai, bỏ ai, đều là quyền của
các quan ngoại trường. Bởi vậy, người ta mới trọng dấu chấm của mấy ông này hơn
những dấu chấm của các ông nội trường.

Và cũng vì thế, người ta mới đặt lệ rằng: người nào đã lọt ba kỳ đệ nhất,
đệ nhị và đệ tam, ít nhất phải có một kỳ được có dấu của ngoại trường phê cho
chữ "bình" trở lên thì mới được vào phúc hạch. Nếu trong các kỳ,
không được ngoại trường phê "bình" bao giờ, thì dù các dấu nội trường
đều phê "ưu" cả, cũng không được dự đến kỳ thứ tư.

Vân Hạc xen vào:

- Mới năm trước đây, bên Bắc có một ông tú, chỉ vì thiếu cái "bình
ngoại" mà đến phải chết, thế có khổ cho người ta không?

Ngừng lại một lát, để nhìn ông chủ nhà trọ, rồi chàng nói tiếp:

- Ông đó là bậc danh sĩ, vừa thông minh, vừa tài hoa, ngoài hai mươi tuổi,
đã đỗ tú tài.Tại ông ta học ở Hà Nội, cho nên học trò Hà Nội nhiều người biết mặt
và ai cũng phục là tài thám bảng. Khoa ấy, ông ta vào thi, suốt cả ba kỳ đều có
làm giúp cho một người bạn cùng tỉnh, vì người bạn đó sức học hãy còn kém lắm.
Nhưng đến kỳ phúc hạch người bạn được vào, ông ta bị hỏng. Rồi khi ra bảng, người
bạn lại đỗ cử nhân đội bảng, ông ta cũng đỗ tú tài lần nữa, và đỗ thứ bảy:
nghĩa là đè được nhiều người đã vào phúc hạch mà phải đánh xuống. Việc trường
xong rồi, có người lại phòng lấy được tất cả các quyển trong ba kỳ của ông ta
đem về cho ông ấy coi. Thì ra kỳ nào quyển của ông ta cũng đủ ba dấu nội trường
phê "bình" song đến ngoại trường, thì đều phê "thứ" tất cả.
Bởi thế. ông ta mới không được vào phúc hạch. Nhưng mà đến lúc sắp thứ tự của
các người đỗ, người ta lại lấy những quyển được có nhiều dấu "ưu",
"bình" là hơn. Người khác phần nhiều chỉ được một hai dấu
"bình" ông ta cộng cả ba kỳ được chín dấu "bình" cả thảy.
Vì vậy, ông ta tuy là đỗ lại tú tài, nhưng vẫn được đỗ rất cao. Sau khi được thấy
các quyển của mình, ông ta uất quá, sinh ra cảm khái, chơi bời suốt đêm, suốt
ngày, hết chè rượu lại đến tổ tôm.

Khoa đó thi vào tháng bảy, xong thì ước chừng vào giữa tháng tám, ông
ta lu bù cho đến gần tết, người cứ mỗi ngày mỗi rạc dần dần. Sang đến tháng
giêng thì thổ ra huyết rồi chết. Anh em nghe tin, ai cũng thương tiếc.

Đoàn Bằng cũng ngó ông chủ nhà trọ rồi kết:

- Đó ông coi đó, được vào phúc hạch đã chắc gì đâu.

Câu chuyện vừa dứt, ánh nắng vừa ra nửa thềm.

Lớp gạch thềm, hiện ra một dải thẳng như chỉ đặt và vàng như tấm lụa mộc.

Trời đã gần trưa, cả bọn Vân Hạc sắm sửa khăn áo để lên cửa trường xem
bảng. ông chủ nhà trọ tung tăng đi mua đồ rượu bữa chiều.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3