Lều chõng - Chương 02
Chương 2
Lại một lần nữa, ruột gan cô Thúy không kìm được sự hồi hộp. Và cái hồi
hộp lần này có lẽ còn mạnh hơn mấy lần trước nhiều lắm. Trí nhớ của cô còn in
rành rành. Cách đây vừa đúng một năm, bấy giờ cô mới có mười chín tuổi. Cái đêm
sắp sửa thắng quần thắng áo để đi làm người nội trợ cho cậu khóa Trần Đằng
Long, tim cô đã bị một phen rung động. Song lúc ấy cô chỉ tự thấy bẽn lẽn và cứ
nghĩ quanh nghĩ quẩn những cảnh tượng đầu tiên và những câu nói thứ nhất của
mình trong khi bắt đầu giáp mặt người bạn trăm năm. Thế mà thôi. Rồi đến hồi cuối
tháng một năm ngoái, khi được tin chồng cô đỗ cử nhân, bụng cô lại nôn nao lần
nữa. Nhưng cái địa vị của một cô cử vẫn không thay đổi hoàn cảnh của một cô
khóa, cho nên lúc này ở trong lòng cô chỉ có một sự sung sướng êm đềm, nó không
bắt cô kích thích nhiều quá. Lần này khác hẳn. Tuy quãng đường từ cô cử lên đến
cô nghè,cũng không lạ hơn quãng đường từ cô khóa lên đến cô cử, nhưng cái khó
nghĩ cho cô là cuộc vinh qui ngày mai.
Bởi vì từ thuở tấm bé đến giở, chưa từng thấy người con gái nào được
cái vinh hạnh như mình, và chưa được rõ cái quang cảnh ấy ra sao, cho nên óc cô
cứ phải loanh quanh suy tính: " Không biết chốc nữa mình sẽ phải ngồi thế
nào, phải đứng thế nào, và phải ăn nói thế nào cho đúng điệu bộ một bà tiến
sĩ?" Hỏi mãi, cô vẫn không tìm thấy câu trả lời. Trống canh ngoài điếm chợt
điểm ba tiếng muốn báo để cô biết cái giờ lên đường sắp đến nơi rồi. Khêu rõ ngọn
đèn trên quang, cô vội xổ đầu ra chải. Mái tóc mấy lần rẽ đi rẽ lại, mà khi ngó
vào trong gương, đường ngôi trên trán vẫn chưa được ngay. Cô đương băn khoăn,
muốn sửa thêm cho nó thật chỉnh, ngoài rạp vừa nổi hồi trống tan trò. Cố bà ở
ngoài bước vào, giục cô sang phòng bên kia cùng ăn cơm tạm.
Theo lời mẹ chồng, cô vội bỏ gương, bỏ lược đi ra. Sau khi điểm tâm bằng
một đĩa xôi và hai bát chè, cô lại sang phòng bên này. Bổ cau, têm trầu, giở
gói thuốc lá quấn vài chục điếu, rồi cô xếp cả vào cái tráp tròn sơn son, và
thêm vào đó ít cánh hoa hồng, hoa huệ.
Nhà dưới, làng xóm ăn uống đã xong. Ai nấy tấp nập đi lấy cán cờ, cán
quạt và tìm đòn võng. Trống ngực khi ấy lại càng đập mạnh, cô vội mở rương lấy
hết mấy bộ quần áo mới ra thay. Quần cũng như áo, các cái đều vừa như in, chỉ
tiếc đôi giầy vân hài khí chật, làm cho hai bàn chân cô đều thừa một ngón chân
út.
Ngoài rạp, chiêng, trống xen nhau thôi thúc hết một hồi thứ nhất, cố
ông, cố bà đã cho gọi cô ra đứng chờ sẵn trên thềm. Bốn chiếc võng đào, đòn
cong, mui luyện cũng đã chực ở dưới sân. Đợi cho dứt hồi chiêng trống thứ hai,
thì ba chiếc võng cũng hạ thấp xuống, cô và cố ông, cố bà mỗi người bước lên một
võng. Chiêng trống điểm thêm một hồi và ba tiếng nữa, tức thì bốn đôi đèn lồng
dẫn đường cho bốn chiếc võng từ từ tiến ra ngoài cổng.
Cái võng bỏ không ra trước rồi đến võng cố ông, rồi đến võng cố bà, rồi
đến võng của cô nghè. Cuối cùng thì bọn trai làng khiêng vác cờ quạt tàn lọng.
Ra khỏi cổng nhà, chiêng trống lại im, lọng vẫn cụp cờ vẫn cuốn, cả đám
lần lần tiến trong bóng cây âm thầm. Nếu không có tiếng nói chuyện rầm rầm và mấy
ngọn đèn le lói, có khi nhiều người sẽ ngờ là toán kỳ binh kéo đi đánh úp chỗ
nào. Tới đầu địa phận, xa trông trước mặt, thấy có bóng người lố nhố trong đám
ánh lửa vàng vàng. Ai nấy đều biết ngay rằng: đó là những người hàng tổng cũng
đi dự vào cuộc rước ấy.
Mấy người đàn anh trong bọn dân phu hàng tổng cung kính vái chào hai cố
và bà nghè. Hai toán người này liền nhập vào làm một, rồi cùng thẳng đường trẩy
đi. Lần này là lần đầu tiên trai làng Văn khoa được làm những kẻ đồng hương với
quan nghè, cho nên mỗi người đều nhận thấy mình vinh dự hơn hết những người các
làng khác trong tổng. Họ tự coi họ là chủ, còn những người kia là những kẻ phục
dịch. Trời gần sáng. Trên đường đi đã rõ bóng người. Trong bọn dân làng Văn
Khoa, một ông vác cờ ngoảnh lại nhìn lũ hàng tổng, rồi mỉm cười và nói với người
bên cạnh:
- Thảo nào người ta vẫn bảo: "Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng".
Coi vậy!..., đỗ đến ông nghè cũng có sướng thật. Cả tổng đều phải đi rước!
Đến ông vác lọng nối lời:
- Ấy là bây giờ đã giảm hơn xưa nhiều lắm... Hôm qua, tôi thấy các cụ
nói rằng: ngày xưa, trong đời nhà Lê nhà liếc gì đó, mỗi khi có một ông nghè mới
đỗ, hàng tổng, hàng huyện, đều phải đem cờ đem quạt đến tận kẻ chợ mà đón.
Nhưng từ năm Gia Long nguyên niên mà đi, kẻ chợ dời vào Thuận Hóa, người Bắc tới
đó xa quá, các quan sợ làm phiền dân, cho nên chỉ bắt rước từ tỉnh nhà trở về
mà thôi.
Rồi ông vác tàn nói xen:
- Phải rồi. Tôi cũng nghe nói thuở xưa ông nghè oai lắm. Hễ mà đỗ lên một
cái thì là nội những ruộng đất trong tổng muốn cắm chỗ nào cũng được. Chẳng những
cắm đâu dân chịu đấy, mà lại còn được hàng huyện làm cổng, hàng tổng làm nhà
cho nữa, thế mới sướng chứ!
Và ông cầm cờ vắt lại:
- Có thế thật đấy. Tháng trước , khi được tin mừng ở kinh đô báo về, cô
nghè có cho gọi tôi vào dọn nhà cửa, sân vườn. Gần trưa, các cậu học trò về hết,
cố ông bảo tôi lên thềm nhà học hầu nước. Lúc ấy, tôi thấy cố nói với cụ trưởng
họ thế này: " Làng K.Q.Đ. ở cạnh đường xứ, chỗ gân sông đông, trước kia là
đất làng Vân. Về sau có ông họ Đinh - cố có nói tên nhưng tôi quên mất - có ông
họ Đinh ở K.Q.Đ. thi đỗ tiến sĩ, mới cắm khu đất ấy làm dinh. Rồi thì những kẻ
tôi tớ cũng theo đến mà ở. Dần dần thành ra một cái làng. Xem thế thì biết cái
chuyện "hàng huyện làm cổng, hàng tổng làm nhà" mà trong phương ngôn
đã nói là chuyện có thật . . .
Cả tụi chép miệng ra ý tiếc rẻ:
- Hoài của! Nếu như lệ ấy còn đến ngày nay, có lẽ chúng mình cũng được
đi theo quan nghè để lập thêm làng Văn khoa nữa.
Câu chuyện đương còn tiếp tục bên đường chợt có dãy quán bán quà. Theo
lời cố ông ở trên đưa xuống, hàng tổng đều được dừng lại tạm nghỉ. Bước chân ra
đi từ đầu canh ba đến giờ, bọn phu hàng tổng chừng đã thấy đói. Họ kéo ồ vào khắp
các quán, kẻ có tiền ăn quà ăn bánh, kẻ không tiền thì giở cơm nắm ra chấm với
muối vừng.
Lúc ấy mặt trời đã lên độ hai con sào, trên đường, ngoài khách đi chợ,
loáng thoáng có vài bọn đi xem. Bọn phu hàng tổng mỗi người vừa kịp uống một hớp
nước, hút một điếu thuốc thì đã được lệnh cử bộ. Chuyến này là lượt trở đi,
chưa cần phải giữ nghi vệ. Người đi vẫn quãng thưa quãng mau, cờ quạt tàn, lọng
vẫn nghiêng ngả, ngả nghiêng, cái chổng đầu lên, cái chúc đầu xuống. Vào khoảng
nửa buổi thì tới cửa tỉnh. Hàng phố lố nhố kéo nhau ra xem. Ngày trước những
ông nghè mới, sau khi ở kinh, lĩnh cờ biền về thẳng tỉnh nhà để vào lễ quan tổng
đốc đều phải ra luôn nhà trọ, rồi thì hàng tổng đến đó rước về.
Nhưng quan tổng đốc bây giờ là bậc hiếu học, thấy ông tân khoa Trần Đằng
Long trẻ tuổi, linh lợi, ngài càng yêu mến, nên mới phá cách mà lưu ông ấy ở lại
trong dinh và đã phi trát về huyện, sức các dân xã phải vào trong dinh đốc bộ
mà đón.
Theo lệnh ấy, võng, lọng, cờ quạt, cứ việc nghênh ngang tiến vào cửa
thành. Đến cổng dinh quan tổng đốc, cố ông, cố bà và cô nghè xuống võng đi bộ.
Giữa mấy tiếng trống báo rất hùng dũng của bọn lính canh trên chòi, một người đội
tuần lật đật ở trong chạy ra. Cố ông, cố bà và cô nghè sửa lại khăn áo cho thật
tề chỉnh để theo hắn đi vào trong dinh.
Làng tổng xúm lại từng tốp ngồi lê ngồi la ở các bãi cỏ ngoài dinh, kẻ
ăn trầu, người hút thuốc vặt. Cờ quạt võng lọng, dựa ở bên đường ngổn ngang. Nửa
giờ sau, giữa lúc dân phu đang vây quanh chĩnh nước chè tươi và chiếc điếu cày,
thình lình mấy ông bô lão đều quay vào phía cửa dinh, ai nấy cong lưng vái một
vái cực kỳ trịnh trọng.
Quan nghè đã đi với cố ông từ trong dinh ra. Cả bọn hàng tổng răm rắp đứng
lên, ai vào công việc của người ấy. Bốn chiếc đòn võng ghếch đầu ven tường cũng
như số nhiều cờ quạt, tàn, lọng đều được nhấc ra một cách vội vàng. Các võng đều
chế theo kiểu bát cống, mỗi cái phải tám người khiêng. Với chiếc nón dấu đội đầu
và bõ áo xanh nẹp đỏ, phủ tấm ban kiên màu đỏ, tất cả ba mươi hai người phu
cõng nhất tề đỡ tay vào các đầu đòn để hạ cho mấy chiếc võng thấp gần mặt đất.
Giống những ông nghè bằng giấy mà hàng nam đến rằm tháng tám, người ta vẫn thấy
ở cỗ trông trăng quan nghè đi ủng đen, mang xiêm xanh, bận áo thụng lam và đội
mũ cánh chuồn lóng lánh những bông hoa bạc. Sau khi vị tân khoa ấy đã bệ vệ bước
chân lên võng và ngồi chống tay vào chiếc gối xếp đặt ở đầu võng, cố ông, cố
bà, lần lượt trèo vào võng mình. .
Sau rốt đến lượt cô nghè. Với hai gò má đỏ bừng như muốn biểu lộ một
cái tâm trạng nửa mừng nửa thẹn, cô này nhìn trộm bộ điệu lên võng của chồng và
của cha chồng, mẹ chồng. Rồi sè sẽ xếch cao hai ống quần lĩnh và rón rén cất
cái gót của chiếc vân hài,cô ghé ngồi vào chỗ mép võng để co hai chân lên võng.
Mấy chục người nhất tề nâng các đòn võng lên vai và đứng im lặng chờ nghe hiệu
lệnh.
Đám rước lúc ấy bắt đầu sắp thành hàng ngũ. Đầu quân là lá cờ đỏ có
thêu bốn chữ "nhất giáp tiến sĩ" . Rồi đến bốn chiếc lọng vàng
nghiêng đầu vào nhau che cho mấy chữ "ân tứ vinh qui" đề giữa tấm biển
sơn son chung quanh có lớp riềm nhiễu đỏ. Rồi đến một chiếc trống đánh đu dưới
cây đòn gỗ bắc dọc trên vai hai người dân phu. Kề đó, ông thủ hiệu trống luôn
luôn tỏ vẻ oai vệ bằng bộ mũ tế, áo tế, cái dùi trống chênh chếch gục đầu vào
ngực và đôi hia đen xúng xính dưới hai ống quần màu "dúm". Tiếp đó, bốn
cậu bé con đứng ra bốn góc để chiếm lấy một khu đất vuông vắn như hình bàn cờ.
Cả bốn, ai cũng như nấy, áo đỏ, dải lưng xanh, xà cạp màu xanh, tay trái chống
vào cạnh sườn, tay phải vác lá cờ phất khuôn khổ vừa bằng vuông yếm. Rồi đến
ông cầm trống khẩu. Rồi đến võng của quan nghè. Đi kèm ở hai bên võng, hai người
rước đôi lọng xanh chóp bạc, hững hờ giương ở cạnh mui võng. Và thêm vào đó,
bên này một người vác chiếc quạt lông, bên kia, một ông lễ mễ cắp cái tráp sơn
đen và xách một chiếc điếu ống xe trúc.
Sau võng, phấp phới năm lá cờ vuông, đủ cả năm sắc xanh, đỏ, vàng, trắng
và tím. Đứng đúng như năm cái chấm ở mặt “ngũ” của con thò lò, năm ông vác cờ
đi giầy tàu, mặc áo nhiễu điều, đội mũ đuôi én, và đều khum tròn hai tay để giữ
lấy cây cán cờ cắm trên chiếc cối gỗ đeo ở trước bụng. Rồi đến ông cầm kiểng đồng.
Rồi đến võng của bà nghè.
Bằng tấm áo lụa màu hồng điều và vòng khăn nhiễu màu cánh chả vấn kiểu
vành dây, hai người con gái rón rén đi hầu cạnh võng để vác cây quạt lá vả và
bưng cái quả sơn son. Cũng như võng của quan nghè, võng của bà nghè cũng được hộ
vệ bằng đôi lọng xanh, chỉ kém có cái chóp bạc.
Rồi đến võng của cố ông. Rồi đến võng của cố bà. Rồi đến mấy ông bô lão
khúm núm trong những tấm áo thụng màu lam. Rồi đến các thứ kèn trống đàn sáo. Rồi
đến một dãy chừng bốn, năm chục lá cờ sắp theo hàng một, cái nọ cách cái kia độ
vài ba thước. Cuối cùng thì là hai người khiêng chiêng. Ông chủ hiệu chiêng phục
sức và điệu bộ không khác ông chủ hiệu trống, cũng áo tế, cũng mũ tế, cũng đôi
hia đen, và chiếc dùi dựa luôn luôn múa ở cửa tay áo thụng.
Với chiếc loa đồng vác vai, lý trưởng Văn Khoa và nhiều chức dịch hàng
tổng tung tăng chạy từ đầu nọ đến đầu kia, để làm cho hết phận sự những người dẹp
đám.
Sau ba hồi trống cái gióng nhau với những tiếng chiêng bu bu, tiếp đến
một hồi trống khẩu đi đôi với hôi kiểng đồng, đám rước lục tục theo con đường
cũ đi ra, đàn sáo kèn nhị nổi lên inh ỏi. Ra khỏi cổng thành độ vài chục bước,
ông chủ hiệu trống thình lình thúc ba tiếng trống díp nhau, để ra hiệu cho hết
mọi người đều phải dừng lại. Rồi thì một tay chống thẳng vào sườn, người giữ hiệu
lệnh của đám rước đó khoan thai lui xuống năm bước. Và dang hai chân theo hình
chứ "bát", ông ấy múa chiếc dùi trống tiến lên năm bước để nện luôn
vào mặt trống mấy tiếng tùng tùng. Dứt hồi tùng tùng thứ nhất, bốn cậu bé con cầm
bốn lá cờ phất đồng thời quay mình đánh thót và cùng chầu mặt vào nhau. Sau hôi
tùng tùng thứ hai, cả bấy nhiêu cậu nhất tề múa tít lá cờ trong tay để chạy cho
hết chiều ngang của mặt đường cái, người ở bên tả xông sang phía hữu, người ở
bên hữu xông sang phía tả. Luôn hồi tùng tùng thứ ba, các cậu lại đều quay tròn
ngọn cờ và răm rắp lui về chỗ cũ. Đến hồi tùng tùng thứ tư, cờ lại múa bốn cậu
lại cùng bước vào giữa đường. Rồi ai nấy đều cúi đầu xuống để phất lá cờ qua mặt
và hứ một tiếng thật dài.Thế rồi, mỗi một tiếng tùng là một cái phất cờ, và mỗi
cái phất cờ lại một tiếng "hứ". Vừa đú bốn lượt "tùng hứ",
ông thủ hiệu trống dõng dạc điểm thưa dùi trống để ra lệnh cho các cậu đó lùi lại
chỗ đứng lúc nãy và quay mặt nhìn lên tiên quân.
Chiêng trống lại thủng thẳng đánh từng tiếng một, đám rước lại lần lần
tiên lên. Đi hết con đường trong tỉnh, mặt trời vừa lên đến thẳng đỉnh đầu. Cả
một khu vực mông mênh của bầu trời đều bị nhuộm thành màu vàng chói. Người đi
trên đường luôn luôn ngửi thấy mùi khét. Cờ vuông, cờ chéo, hết thảy rũ rượi
như lũ ấp mồ. Dân phu hàng tổng ai nấy sắc mặt đỏ gay, mồ hôi thấm ra ngoài áo.
Chừng đã khó chịu với sự nóng nực, mấy người đi đâu sè sẽ giục nhau bước rảo
cho chóng đến nhà. Nhưng ông thủ hiệu trống cố muốn kéo cho công việc của mình
thêm dài, chốc chốc lại tiến ngũ bộ, thoái ngũ bộ, dang cánh tay múa dùi, nháy
trống, để diễn một trận "tùng hứ", làm cho cá đám đều phải dừng lại.
Trời cứ nắng, chiêng trống cứ tùng tùng, bu bu... đàn sáo kèn nhị cứ thi nhau
xuống chìm lên bổng. Thiên hạ đi xem đông như nước chảy. Nón sơn chen với nón
lá, yếm áo lấp ló trong đám áo the. Người ta dắt nhau. Người ta co nhau. Người
ta du nhau, đẩy thau. Người ta lội bì bỏm dưới ruộng lúa chiêm và leo tót vót
trên các cành đa, cành gạo. Thân đường chật hẹp không đủ chỗ chứa. Đằng đầu
cũng như đằng cuối, chen chúc những người là người. Cờ quạt võng lọng đều phải
ùn lại như một toán quân bị hãm. Lý trưởng Văn khoa hùng dũng kề loa vào miệng
: “Bớ hai bên hàng xứ! Dẹp ra để quan lớn tr...ẩy!”
Tiếng "trẩy" như bị dính ở miệng loa. Nó đã xoắn lại như vành
trôn ốc và kéo dài ra như một sợi thừng. Đít loa"ngoáy" tròn độ năm
sáu vòng, vẫn chưa tuôn cho đi hết dư hướng của nó. Những người đứng gân đều phải
chối tai. Cả một góc trời như bị xé toạc. Hàng xứ vẫn đâu đứng đấy, hình như
không ai nhúc nhích. Ông lý của làng quan nghè lại phái trợn mắt phùng mang để
"bớ hàng xứ" lân nữa. Cũng vẫn thế. Đường đi cứ bị ngăn cản như thường.
Mấy ông tuần phu liền xắn tay áo chạy suốt hai bên dọc đường, và sẵn roi mây
trong tay, họ vụt túi bụi một lượt. Đám đông tức thì dồn dập như một lớp sóng.
Người nọ xô người kia,cố cướp lấy đường mà chạy. Bà già, trẻ con ngã sấp ngã ngửa
ở các bờ ruộng. Mặt trời chênh chếch về tây. Đường về đã hết chừng hai phần ba.
Vòm trời thỉnh thoảng điếm có bóng râm. Ánh nắng dần dần êm dịu. Tiếp đó, một
trận gió nồm tứ dưới đồng chiêm nhẹ nhàng đưa lên. Cả đám đều tỉnh người ra. Những
con rồng phượng trong các cờ quạt hết thảy lồng lộng múa nhảy như muốn theo tiếng
đàn sáo cùng bay tít lên mây xanh.
- Ô kìa ông nghè!
- Ô kìa bà nghè!
Tiếng reo giật giọng thình lình bật lên giữa hồi chiêng trống vang lừng.
Trăm nghìn con mắt đổ dồn vào đám lọng xanh đi trước. Mấy bức mành mành cánh
sáo đã quấn lên sát mui võng lúc nào.Thiên hạ được dịp xem mặt cả nhà quan
nghè. Ít kẻ nói đến cố ông, cố bà. Người ta chăm chú nhìn vào cô nghè nhiều nhất.
Trước sự chỉ trỏ của hàng xứ, cô nghè vẫn ra vẻ e lệ sượng sùng, tuy
trong bụng cô đã cảm thấy vinh dự cực điểm. Luôn luôn cô phải nhai trầu phúng
phính, vì sợ để cái mồm không dễ hóa ra người vô duyên. Và, luôn luôn cô phải cầm
gương lên soi, vì sợ cốt trầu chảy ra ngoài mép. Có lúc muốn tỏ ra bộ chín chắn,
cô giả vờ ngắm những cánh hồng con bướm trong chiếc quạt tàu. Rồi có lúc muốn.
làm ra người nhanh nhảu, cô lại đưa mắt nhìn ngược nhìn xuôi, nhìn từ con cò
bay trên lưng trời, nhìn đến con trâu ăn cỏ ở dưới bờ lúa. Hai gối ngồi xếp tè
he đã mỏi, nhiều lúc đã thấy chuột bó. Nhưng cô không dám duỗi ra, e rằng duỗi
dài hai chân, không phải bộ điệu của người sang trọng.
Cái bụng dưới nhịn đái lâu quá nó đã phát tức anh ách. Mấy lần cô toan
bảo phu hạ võng để mình đi đái nhưng rồi cô đều phải thôi. Bởi vì cô không biết
rằng bà nghè theo chồng vinh quy có thể xuống võng đi đái được không. Và cô lại
còn sợ rằng trong đám người xem đông nghịt thế này, thì đi vào đâu. Không lẽ việc
ấy cũng bắt hàng tổng dẹp chỗ...
Bóng xế chiều. Nắng nhạt dần. Trên đường đã thấy hơi mát. Người đi xem
lại càng đông thêm. Đoàn võng lọng của hai vợ chồng ông nghè vừa qua một quãng
ngã tư, thì ở cạnh đường bỗng có tiếng kêu tru tréo:
- Chị làm sao thế? Chị Ngọc! Chị làm sao thế. Chị Ngọc! Ối trời ơi! Ối
các ông, các bà ơi! Cứu chị tôi với! Chị tôi làm sao thế này!
Tiếng kêu cấp bách phát ra một cách thình lình, làm cho chiêng trông
đàn sáo tự nhiên im bặt, cả người đi rước lẫn người đi xem tự nhiên đứng lại. Một
người con gái trạc hai mươi tuổi đương nằm sóng sượt trên bãi cỏ của con đường
ngang, đâu tóc rũ rượi, hai mắt nhắm nghiền, bọt mép đùn ra trắng xóa. Và một
người nữa, cũng con gái, tuổi chừng mười lăm, mười sáu trở về, đương ôm lấy đầu
người này vừa lay vừa kêu. Rồi ở cạnh đó, đôi thúng lô và đôi tay nải lổng chổng
lăn xuống vệ đường.
Những người ở gần cuống quít xúm lại cấp cứu, kẻ rằng nâng cô ấy dậy,
người bảo cứ để cô ấy nằm yên. Mấy bà lão già vâm véo giục nhau đái ra lòng bàn
tay lấy nước xoa vào mặt và đổ vào miệng cô gái phải cảm. Cô gái phải cảm vẫn bất
tính nhân sự Tiếng gọi chị và tiếng kêu cứu của người em gán mỗi lúc một thêm
luống cuống, hình như đâu lưỡi đã bị líu lại. Lúc ấy cô nghè và cố ông, cố bà
tuy có dừng võng nhìn ra, nhưng ai nấy đều giữ bộ mặt thản nhiên.
Riêng có quan nghè xem chừng cũng thấy cảm động, ngài gọi lý trưởng Văn
Khoa đến cạnh mà hỏi:
- Có phải cô Ngọc vẫn bán giấy bút ở Chợ Kim Bảng không?
Lý trưởng lễ phép:
- Bẩm phải.
Quan nghè chỉ tay ra nẻo cây đa cạnh đường mà bảo:
- Thầy chạy đến bảo mấy mụ đàn bà làm phúc cùng vực cô ấy vào chỗ mát
kia! Ai lại để cho người ta nằm phơi dưới nắng như vậy? Tội nghiệp! Trống lại
thúc. Chiêng lại khua. Dàn sáo lại đua nhau réo rắt. Đám rước lần lần tiến về
đường làng Văn Khoa. Con đường đã được cả làng trau chuốt từ sáng hôm qua và đã
nằm chờ quan nghè một đêm và một ngày trời.