Sông Đông êm đềm - Chương 234 phần 1
Chương 234
Trời đã sang xuân, mặt trời đã
cho thêm nhiều hơi ấm. Tuyết tan dần trên sườn phía nam các ngọn đồi, và đến
trưa mặt đất vàng hoe vì lớp cỏ năm ngoái đã phủ một làn hơi bốc lên như một
làn khói tím tím trong suốt. Trên các mặt đất dốc, các nấm kurgan,
dưới chân những tảng đá thiên nhiên mọc lên giữa những đám đất sét đã thấy
những búp cỏ mật đầu tiên xanh tươi, nhọn hoắt. Các khoảng đất trồng trọt đã lộ
trần. Những con quạ đã rời bỏ những con đường mùa đông không dùng tới nữa, bay
tới những sân đập thóc, những khoảng lúa mạch mùa đông lõm bõm tuyết. Trong các
khoảng đất trũng và các khe núi, tuyết lũng nhũng nước từ dưới lên trên mang
một màu xanh lam. Từ các nơi đó vẫn còn thoảng đưa đến một làn hơi lạnh gắt,
nhưng bên dưới lớp tuyết, trong các khe núi, những con suối mùa xuân mà mắt
người còn chưa nhìn thấy đã réo lên những tiếng thanh thanh như tiếng hát và
trong các cánh rừng thưa, thân các cây tiêu huyền đã hơi nhuộm một màu xanh lá
cây rất dịu mắt, hoàn toàn như khi trời đã sang xuân.
Đã sắp đến mùa cày bừa gieo hạt,
vì thế toán thổ phỉ của Fomin mỗi ngày một tan đi như tuyết. Ở mỗi chỗ nghỉ
đêm, sáng hôm sau lại thấy thiếu một hai tên và có lần gần như nửa trung đội
cùng bỏ đi một lúc: tám tên mang cả ngựa lẫn vũ khí về Vosenskaia đầu thú.
Đã đến lúc phải cày bừa và gieo
hạt rồi. Mảnh đất đang kêu gọi, đang lôi kéo về với công việc làm ăn, vì thế
sau khi thấy rằng đánh đấm không đem lại kết quả gì, nhiều tên trong toán Fomin
bí mật rời khỏi bầy thổ phỉ, đứa nào về nhà đức nấy. Chỉ còn lại những thằng
quá hung ác không thể nào quay về, những tên phạm tội quá lớn đối với Chính
quyền Xô viết nên không thể mong được hưởng chính sách khoan hồng.
Đến những ngày đầu tháng Tư,
Fomin chỉ còn nắm được không quá tám mươi tay gươm. Grigori vẫn còn ở lại với
toán thổ phỉ.
Chàng không đủ can đảm để trở về
nhà tuy chàng đã tin chắc rằng sự nghiệp của Fomin sẽ phá sản và sớm hay muộn
bầy thổ phỉ sẽ bị đánh tan. Chàng biết rằng ngay trong trận chạm trán đầu tiên
với một đơn vị chính quy của kỵ binh Hồng quân, chúng sẽ bị đánh vụn như cám.
Song chàng vẫn cứ ở lại làm tay sai cho Fomin với ước mơ thầm kín là bằng cách
nầy hay cách khác sẽ nấn ná chờ được đến mùa hạ và khi đó sẽ chiếm lấy đôi ngựa
tốt nhất trong bọn, chuồn về thôn Tatarsky vào ban đêm rồi từ đó cùng Acxinhia
chạy về miền Nam. Đồng cỏ sông Đông rộng mênh mông, có rất nhiều con đường
không có người đi. Sang hè, mọi con đường đều có thể đi được và đến đâu cũng sẽ
kiếm được chỗ nương thân… Chàng nghĩ rằng mình sẽ vứt bỏ đôi ngựa ở một chỗ nào
đó, sẽ cùng với Acxinhia đi bộ mò tới Kuban, tới vùng chân núi, lánh xa nơi
chôn nhau cắt rốn, và sẽ ẩn náu ở đấy để độ cho qua thời kỳ loạn lạc. Chàng
càng thấy như không còn có lối thoát nào khác.
Theo lời khuyên của Kaparin,
Fomin quyết định sẽ vượt sang bờ bên trái sông Đông trước khi băng tan. Ở vùng
sát địa giới khu Khopesky vốn có nhiều rừng, hắn hy vọng rằng trong trường hợp
cần thiết sẽ có thể vào đấy để trốn các cuộc truy bắt.
Bầy thổ phỉ vượt qua sông Đông
phía trên thôn Ryvnyi. Ở vài nơi, những chỗ nước chảy siết, băng đã bị cuốn đi.
Dưới ánh nắng chói chang của vừng mặt trời tháng Tư, nước lấp loáng như vẩy cá
bạc, song ở những chỗ con đường dùng về mùa đông ra đến đấy thì tắc, băng vẫn
nổi trên mặt nước hàng ác-sin, sông Đông vẫn còn giữ nguyên lớp băng của nó.
Bọn thổ phỉ lấy những đoạn hàng rào lót xuống ven bờ sông, chúng tập họp, phái
trinh sát sục sạo phía trước và tiến về hướng thị trấn ếlanskaia.
Một ngày sau, Grigori được gặp
một bà con cùng thôn là ông lão chột Trumakov. Ông lão tới thôn Griatnovsky để
thăm họ hàng và đã gặp bọn thổ phỉ ở một chỗ gần thôn ấy. Grigori kéo ông lão
sang bên cạnh đường và hỏi:
- Hai đứa cháu nhà tôi có còn
sống, còn khoẻ mạnh không cụ?
- Bác Grigori Pantelevich ạ, nhờ
có Chúa che chở, chúng nó đều còn sống, còn khoẻ mạnh.
- Tôi tha thiết nhờ cụ giúp cho
một việc nhé: cụ chuyển hộ cho hai đứa cháu và con em gái tôi là Epdôkia
Pantelevna lời thăm hỏi thân thiết nhất, cụ cũng giúp tôi hỏi thăm Prokho Zykov
và bảo hộ chị Acxinhia nhà Astakhov là cứ chờ tôi, không bao lâu nữa tôi sẽ về.
Nhưng ngoài mấy người ấy, cụ đừng nói với ai là có gặp tôi nhé, có được không
cụ?
- Tôi sẽ làm, bác Grigori thân
mến ạ, tôi sẽ làm như thế? Bác đừng có ngại tất cả những lời đó tôi sẽ chuyển
lại đầy đủ.
- Thế trong thôn có chuyện gì mới
không?
- Chẳng có gì đâu, tất cả vẫn đều
như cũ.
- Miska Kosevoi vẫn làm chủ tịch
à?
- Chính hắn đấy.
- Gia đình tôi có bị người ta hà
hiếp không?
- Tôi không nghe thấy có chuyện
gì cả, có lẽ không bị động đến đâu. Vả lại họ có lý do gì để gây chuyện? Những
người ở nhà đâu phải chịu trách nhiệm về bác…
- Thế trong thôn người ta nói về
tôi những gì?
Cự già hỉ mũi, lấy chiếc khăn
quàng cổ màu đỏ chùi râu chùi ria rất lâu rồi mới trả lời qua quít.
- Chỉ có Chúa hiểu được họ… Người
ta đua nhau đồn đủ mọi chuyện lung tung. Nhưng các bác cũng sắp giảng hoà với
Chính quyền Xô viết chứ?
Grigori còn có thể trả lời thế
nào được nữa? Chàng cố ghìm con ngựa chồm lên muốn đuổi theo toán thổ phỉ đã bỏ
đi xa phía trước, mỉm cười nói:
- Tôi cũng không biết, cụ ạ. Tạm
thời còn chưa thấy rõ gì cả.
- Sao còn chưa thấy rõ? Chúng ta
đã đánh nhau với quân Cherket, với quân Thổ nhĩ kỳ, cuối cùng đều đi đến giảng
hoà. Còn tất cả các bác lại đều là người nhà với nhau, thế mà vẫn chẳng làm thế
nào thương lương với nhau được… Như thế không tốt đâu, bác Grigori Pantelevich
ạ, tôi nói thật đấy, như thế không tốt đâu? Chúa vốn nhân từ, Người nhìn thấy
rõ hết mọi điều và sẽ không tha thứ cho các bác về tất cả các việc nầy đâu, bác
hãy nhớ lấy lời tôi nói!
Chà, như thế nầy thì còn nghĩa lý
gì nữa: cùng là người Nga, người chính giáo mà lại đánh lộn lẫn nhau, không làm
sao ghìm lại được nữa. Hừ, cứ tưởng chỉ choảng nhau qua quít một chút, thế mà
các bác đã đánh lộn sang đến năm thứ tư rồi. Cái đầu óc già nua của tôi nó cứ
nghĩ như thế nầy nầy: đã đến lúc nên chấm dứt rồi đấy?
Grigori chia tay với ông già rồi
đánh ngựa phi nhanh đuổi theo trung đội của chàng. Cụ Trumakov tỳ lên cái gậy,
lấy tay áo chùi con mắt chột chảy nước nhầy nhụa. Và còn dứng lại giờ lâu. Cụ
đưa con mắt còn lại rất tinh, rất trẻ nhìn theo Grigori, tấm tắc khen dáng cưỡi
ngựa hùng dũng của chàng và khẽ lẩm bẩm: "Một tay Cô-dắc cừ đến thế! Mọi
mặt đều tốt hết, tư cách thái độ cũng như tất cả các mặt khác, chỉ phải cái
không tìm được đúng con đường mà đi… Nó đã lầm đường lạc lối mất rồi. Về mọi
mặt thì đáng là nó phải đi đánh nhau với bọn Cher-két, thế mà nó
lại nghĩ ra làm cái trò như thế nầy? Nhưng nó cần đến thứ chính quyền nầy làm
cái ôn dịch gì? Những thằng thanh niên Cô-dắc ấy, không hiểu chúng nó nghĩ ngợi
như thế nào? Đối với thằng Griska thì chẳng có gì đáng hỏi, toàn bộ cái tông
cái giống nhà nó bao giờ cũng lung tung như thế… Cả cái lão Panteley vừa chết
đi cũng leng beng rắc rối như thế, ngay đến ông cụ Prokofi, mình vẫn còn nhớ…
đều là những của trái chua, chứ đâu phải là những con người… Song những thằng
Cô-dắc suy nghĩ như thế nào, xin Chúa cứ đập vào đầu tôi, tôi chẳng còn hiểu ra
sao cả.
Đến hồi nầy, mỗi khi chiếm được
thôn nào, Fomin không còn triệu tập dân chúng đến họp nữa. Hắn đã thấy rõ là
tuyên truyền vận động không còn có thể đem lại kết quả gì. Bây giờ thì chỉ cần
giữ lại những thằng lâu la cũ chứ không cần tuyển thêm những thằng mới. Hắn trở
nên cau có âm thầm và ngày càng lầm lì ít nói. Hắn bắt đầu tìm đến rượu để có
được khuây khoả. Tại bất kỳ chỗ nghỉ đêm nào cũng diễn ra những cuộc rượu be
bét. Nhìn thấy thằng ataman như thế, bọn lâu la cũng lao đầu
vào rượu chè. Kỷ luật trở nên lỏng lẻo. Các trường hợp cướp bóc xảy ra ngày
càng nhiều. Khi thấy bọn thổ phỉ sắp kéo đến, những người làm việc cho Chính
quyền Xô viết đều bỏ trốn. Bọn nầy đến nhà họ lấy đi tất cả những thứ gì có thể
mang theo trên yên ngựa. Những cái túi mắc vào yên ngựa của nhiều tên phồng to
không thể tưởng tượng được. Một lần Grigori đã thấy một thằng trong trung đội của
chàng có một chiếc máy khâu quay tay. Nó mắc dây cương vào mũi yên và kẹp cái
máy khâu dưới nách tay trái. Chỉ sau khi dùng đến ngọn roi, Grigori mới bắt
được thằng Cô-dắc kia vứt bỏ chiến lợi phẩm của nó. Tối hôm ấy giữa Fomin và
Grigori đã có một cuộc nói chuyện gay gắt. Trong phòng chỉ có hai người. Mặt
phị ra vì rượu, Fomin ngồi bên cạnh cái bàn.
Grigori bước những bước rất dài,
đi đi lại lại trong phòng.
- Thôi ngồi xuống, đừng lượn đi
lượn lại trước mặt mình mãi như thế. - Fomin nói giọng bực bội.
Grigori không để ý những lời hắn
nói, cứ đi ngang đi dọc rất lâu trong căn phòng chật chội của ngôi nhà Cô-dắc.
Cuối cùng chàng nói:
- Mình chán cái trò nầy lắm rồi,
Fomin ạ! Cậu hãy chấm dứt những chuyện cướp bóc rượu chè đi mới được!
- Hôm nay cậu vừa nằm mơ thấy
những cơn ác mộng đấy phải không?
- Thế mà còn pha trò được… Dân
chúng đã bắt đầu nói những lời không hay về chúng ta rồi đấy?
- Nhưng cậu cũng thấy đấy, mình
chẳng còn làm thế nào với anh em được nữa. - Fomin nói miễn cưỡng.
- Nhưng cậu có động chân động tay
làm gì đâu?
- Hừ, cậu đừng có ra lệnh cho
mình? Còn cái dân chúng của cậu, nó cũng không đáng được nghe một lời tốt đẹp
nào đâu. Cái bọn chết tiệt ấy, chúng mình đang chịu cực khổ vì chúng nó, thế mà
chúng nó… Mình chỉ còn nghĩ tới mình, và thế là đủ rồi.
- Nhưng ngay cả chuyện nghĩ đến
cậu, cậu nghĩ cũng kém lắm đấy. Rượu bí tỉ rồi thì còn lúc nào mà nghĩ nữa. Cậu
uống liên miên đến nay đã là ngày thứ tư rồi, và tất cả những thằng khác cũng
đều uống. Ngay ở các vọng gác đêm nào chúng nó cũng nốc rượu. Cậu muốn cái gì
hử? Cậu muốn chúng ta bị tóm cổ giữa lúc đang say sưa và bị chọc tiết ngay
trong thôn có phải không?
- Thế cậu tưởng chúng mình sẽ
thoát được cái chuyện ấy hay sao? - Fomin cười nhạt. - Đến một lúc nào đó thể
nào rồi cũng phải chết thôi. Chơi dao thì có ngày đứt tay… Cậu hiểu không? Nếu
thế thì ngày mai chúng ta sẽ tự dẫn xác đến Vosenskaia, giơ hai tay lên và bảo:
các anh bắt chúng tôi đi, chúng tôi đầu hàng đây - Không, chúng ta vẫn còn rong
chơi một hồi đã…
Grigori đến đứng trước cái bàn,
hai chân dạng rộng.
- Nếu cậu không lấy lại trật tự,
nếu cậu không chấm dứt các chuyện cướp bóc rượu chè thì mình sẽ tách rời khỏi
cậu và sẽ mang nửa số anh em đi theo mình. - Chàng khẽ nói.
- Cứ thử làm thế mà xem. - Fomin
kéo dài giọng, nói đầy vẻ hăm doạ.
- Không cần phải thử cũng sẽ xong
xuôi.
- Mày… mày đừng có doạ tao! -
Fomin chộp tay lên cái bao của khẩu Nagan.
- Đừng sờ vào cái bao súng, kẻo
chỉ cách có cái bàn tao với tới đầu mày chóng hơn đấy? - Grigori tái mặt đi,
chàng rút thanh gươm ra đến nửa, nói rất nhanh.
Fomin đặt hai tay lên bàn mỉm
cười.
- Nhưng cậu gây chuyện với mình
để làm gì? Không có cậu đầu mình cũng đã sắp nứt ra rồi, thế mà cậu còn đến đây
nói những chuyện ngu xuẩn. Thôi tra gươm vào vỏ đi! Chỉ đùa với cậu một chút cũng
không được hay sao? Cậu thử nói đi nào. - Anh chàng lại nghiêm khắc chặt chẽ
đến như thế. Y như một cô gái mười sáu ấy…
- Mình đã nói với cậu là mình
muốn gì rồi, và cậu hãy nhớ cho kỹ những điều đó. Chúng ta ở đây không phải ai
cũng có cái tinh thần như cậu đâu.
- Mình cũng biết.
- Cậu phải biết và hãy nhớ lấy!
Ngay ngày mai cậu phải ra lệnh cho chúng nó quẳng tất cả những cái gì trong các
túi yên ngựa ra. Chúng ta là một đơn vị kỵ binh chứ không phải là một đoàn ngựa
thồ. Phải chấm dứt các chuyện ấy đi, phải cắt đứt hẳn đi! Thế nầy mà cũng tự
xưng là những chiến sĩ vì nhân dân. Chở các của cướp được trên lưng ngựa, đem
tới các thôn để bán rong, thật cứ như những thằng buôn hàng xén xưa kia ấy…
Thẹn không còn biết giấu mặt đi đâu nữa! Còn mình thì gây chuyện với các cậu
làm cái quái gì? - Grigori nhổ toẹt một bãi nước bọt rồi quay ra cửa sổ, mặt
tái đi vì phẫn nộ và tức tối.
Fomin phá lên cười và nói.
- Chúng mình còn chưa bị kỵ binh
dồn theo sát nút lần nào… Khi bị những thằng cưỡi ngựa đuổi theo, con sói nào
ăn no sẽ phải vừa chạy vừa mửa ra cho kỳ hết. Những thằng quen vơ vét ăn bẩn
của mình cũng thế thôi, chỉ cần bị truy kích một trận ra trò là có gì cũng sẽ
quẳng hết đi cho mà xem. Không sao đâu, cậu Melekhov ạ, cậu đừng bực mình nữa,
mình sẽ làm tất cả các việc ấy! Mình vốn là như thế đấy, vừa qua cũng hơi mất
tinh thần một chút. Có phần thả lỏng dây cương, nhưng rồi mình sẽ lại giữ chặt
thôi! Còn chuyện chia rẽ chúng mình không nên làm, hãy cùng nhau chịu đựng cơn
gian nan nầy.
Câu chuyện giữa hai người đã bị
quấy rối không thể nói nốt: chủ nhà bưng lên một cái bát to đựng súp bắp cải
khói bốc nghi ngút, rồi một toán Cô-dắc do Trumakov cầm đầu ập vào.
Nhưng dù sao câu chuyện cũng đã
đem lại kết quả. Sáng hôm sau Fomin ra lệnh vứt bỏ tất cả các thứ trong các túi
yên ngựa rồi hắn đích thân kiểm tra việc chấp hành mệnh lệnh. Một thằng bất trị
trong các trò cướp bóc không chịu để cho khám xét các túi yên ngựa của nó và
không muốn vứt bỏ các thứ cướp được. Fomin đã bắn nó chết ngay trong hàng bằng
khẩu Nagan.
- Quẳng ngay cái của nợ nầy đi! -
Hắn đưa chân đá cái xác chết và nói thản nhiên. Rồi hắn nhìn thẳng vào hàng
quân, cất cao giọng:
- Lũ chó đẻ chúng mày, từ nay
không được làm cái trò lục lọi hòm xiểng nào! Tao đưa chúng mày đi chống lại
Chính quyền Xô viết không phải là để có những chuyện như thế nầy. Đối với những
thằng địch bị giết thì chúng mày có thể lột tất cả mọi thứ, kể cả đồ lót bẩn
nếu không gớm tay, song không được động đến gia đình chúng nó! Chúng ta không
đánh nhau với đàn bà. Đứa nào chống lại qui tắc đó thì sẽ bị trừng trị như thế
kia.
Những tiếng rì rầm khe khẽ truyền
lan trong các hàng một lát rồi lắng đi…
Trật tự tựa như đã lấy được. Toán
thổ phỉ rong ruổi chừng ba ngày trên vùng bên trái sông Đông. Chúng tiêu diệt
được vài nhóm tự vệ nhỏ của địa phương trong những trận đụng độ nhỏ.
Tại trấn Sumilinskaia, Kaparin đề nghị di chuyển tới địa hạt tỉnh Voronezskaia. Hắn viện cớ rằng sang đến bên ấy, bọn chúng chắc chắn sẽ có được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng, vì mới đây họ đã nổi lên bạo động chống Chính quyền Xô viết. Nhưng khi tuyên bố điều đó với bọn Cô-dắc thì chúng đều đồng thanh nói dứt khoát: "Chúng ta sẽ không ra khỏi khu nhà!" Bọn thổ phỉ họp hội nghị và quyết định đã bị huỷ bỏ. Trong bốn ngày liền, cả toán liên tục lao đầu chạy về phía đông, không chịu nghênh chiến một toán kỵ binh đã bắt đầu đuổi theo sát gót Fomin từ thị trấn Kazanskaia.