Sông Đông êm đềm - Chương 203 phần 1
Chương 203
Ba ngày sau khi Grigori ở nhà ra
đi, Mitka Korsunov vác mặt về thôn Tatarsky. Nó đã không về một mình, cùng đi
với nó còn có hai thằng cùng làm việc trong đội thanh tiễu. Một thằng là dân
Kalmys, đã có tuổi, sinh ở một nơi nào đó trên sông Manyt, còn thằng kia là một
gã Cô-dắc nhỏ bé xấu xí người trấn Raxpovinskaia. Tên Kalmys bị Mitka gọi một
cách khinh bỉ là "Thằng Chiệc", nhưng con sâu rượu vô loài của trấn
Raxpovinskaia lại được nó xưng hô long trọng là "anh Xilanchi
Petrovich".
Xem ra trong thời gian tham gia
đội thanh tiễu, Mitka đã lập được khá nhiều công lao với Quân khu sông Đông.
Trong mùa đông, nó đã được đề bạt làm chánh quản và sau đó lại được phong chuẩn
uý.
Nó về thôn trong một bộ quân phục
mới rất diện. Có thể nghĩ rằng nó đã sống rất khá khẩm trong thời gian rút lui
ở bên kia sông Dones. Hai cái vai rất rộng của nó độn căng chiếc áo quân phục
mùa hè màu cứt ngựa, cái cổ đứng hằn sâu vào những ngấn da béo hồng. Cái quần đi
ngựa vải chéo xanh có nẹp may sát quá chỉ chực bục ra đằng sau mông… Với cái mã
ngoài uy phong lẫm lẫm như thế, có lẽ nếu không nổ ra cái cuộc cách mạng chết
tiệt nầy, chắc chắn Mitka đã là một tên lính ngự lâm của trung đoàn Atamansky,
sống ở chốn cung đình, bảo vệ ngọc thể của đức hoàng đế bệ hạ. Song tuy không
được như thế, Mitka cũng chẳng có gì đáng than phiền về cuộc sống của nó. Cả nó
cũng đã kiếm được cái hàm sĩ quan mà không cần phải đem tính mạng của mình ra
mạo hiểm, không cần phải thi thố cái anh hùng của mình một cách bạt mạng như
Grigori Melekhov. Trong một đội thanh tiễu mà muốn lập một công trạng thì việc
đó lại đòi hỏi con người phải có những đức tính khác hẳn…
Mà các đức tính ấy thì Mitka
Korsunov có thừa, nó không tin tưởng bọn Cô-dắc dưới quyền lắm nên thường tự
tay đem những người bị tình nghi là Bolsevich ra hành tội; để trừng trị những
tên đào ngũ nó cũng không ngại dùng roi ngựa hay que thông nòng đánh chúng thừa
sống thiếu chết; còn trong việc hỏi cung những người bị bắt thì toàn đội không
thể có tên nào bì được với nó. Chính tên trung tá Prianhisnhikov cũng phải nhún
vai nói: "Không đâu, các ngài ạ, muốn gì thì muốn, chứ không ai hơn được
cái thằng Korsukov nầy đâu! Một con cọp[305] chứ
không còn là con người nữa!" Mitka còn có một đặc điểm nữa làm cho nó hơn
hẳn những tên khác là khi đội thanh tiễu bắt một người nào mà chúng không thể
đem xử bắn nhưng cũng không muốn để sống sót thoát khỏi tay chúng thì chúng
tuyên án phạt roi rồi trao cho Mitka nhiệm vụ chấp hành bản án. Thế là nó chấp
hành, và với cái kiểu của nó, thì sau năm mươi roi, người bị hành tội bắt đầu
nôn ra máu không sao kìm được nữa, rồi sau một trăm roi thì có thể tin tưởng bó
chiếu đem đi, không cần phải khám nghiệm làm gì. Qua tay Mitka chưa từng có
người nào bị kết án còn sống sót. Chính nó đã nhiều lần cười và pha trò:
"Nếu lột tất cả những chiếc quần và váy của những tên Đỏ bị tao giết thì
có lẽ cũng đủ cho toàn thôn Tatarsky mặc đấy.[305] Nguyên
văn "con rồng". Người phương Tây coi rồng là con vật hung ác nhất.
(N.D)
Vì không còn có gì ghìm hãm nữa
cho nên sau khi được đem đến đội thanh tiễu, cái bản chất tàn ác mà Mitka sẵn
có từ thời thơ ấu không những đã được áp dụng một cách xứng đáng mà còn phát
triển đến mức quái đản. Do tính chất của công việc, nó đã tiếp xúc với tất cả
những thứ rác rưởi trong giới sĩ quan trôi dạt tới đội thanh tiễu những tên
nghiện thuốc phiện trắng, những thằng hiếp dâm, cướp bóc cùng những đứa đốn mạt
có trí thức khác. Bọn kia đã đem hết tinh thần căm thù người cộng sản ra dạy nó
những gì, nó đều sẵn lòng tiếp thu hết thảy với cái tính chuyên cần vốn có ở
một thằng nông dân, và trò chẳng khó khăn gì đã vượt được thầy. Mỗi khi có tên
sĩ quan nào thiếu tinh thần, không chịu đựng được nữa trước máu và sự đau khổ
của người khác, Mitka chỉ nheo hai con mắt vàng hoe, đầy những tia li ti, làm
nốt công việc đến cùng.
Sau khi rời bỏ một đơn vị Cô-dắc
để lọt vào đội thanh tiễu của tên trung tá Prianisnhikov và sống một cuộc đời
lưu manh đểu cáng, cuối cùng Mitka đã biến thành một con người như thế.
Sau khi vào đến trong thôn, nó ra
oai ra thế và hầu như không thèm chào lại những người đàn bà mà nó gặp. Nó cho
ngựa đi bước một về nhà, xuống ngựa cạnh cái cổng cháy dở, ám khói đen thui,
trao dây cương cho tên Kalmys rồi khệnh khạng bước vào trong sân. Với tên
Xilanchi đi kèm, nó lầm lì đi một vòng quanh nền nhà, đưa đầu roi ngựa chạm vào
hòn thuỷ tinh bị chảy trong khi cháy nhà, lóng lánh như một viên ngọc lam, rồi
nói bằng một giọng khàn đặc vì cảm động:
- Bị chúng nó đốt mất… Ngôi nhà
trước kia đường hoàng biết bao! Đẹp nhất thôn đấy. Miska Kosevoi, một thằng
cùng thôn với tôi đã châm lửa. Chính nó đã giết ông tôi. Anh thấy đấy, anh Xilanchi
Petrovich, tôi đã về thăm ngôi nhà thân yêu để được thấy đám tro tàn như thế
nầy đây…
- Thế nhà Kosevoi ấy có đứa nào ở
nhà không? - Gã kia hỏi ngay.
- Có lẽ cũng có. Chúng ta sẽ qua
thăm chúng nó sau… Nhưng bây giờ chúng ta hãy tới nhà ông bà thông gia nhà tôi
cái đã.
Trên đường đi đến nhà Melekhov,
Mitka gặp ả con dâu nhà Bogaturev bèn hỏi:
- Mẹ tôi ở bên kia sông Đông đã
về chưa?
- Hình như còn chưa về thì phải,
bác Mitli Mironovich ạ.
- Thế ông thông gia Melekhov nhà
tôi có nhà không?
- Ông già ấy à?
- Phải.
- Ông già có nhà đấy. Nói chung
là họ đều ở nhà, chỉ trừ Grigori. Petro thì bị giết dạo mùa đông rồi, bác đã
nghe tin chưa?
Mitka khẽ gật đầu rồi thúc ngựa
chạy nước kiệu.
Nó cưỡi ngựa đi trên dãy phố vắng
tanh và trong hai con mắt ngao ngán, lạnh băng, vàng như mắt mèo của nó, không
còn lưu chút dấu vết gì của cái vẻ cảm động sôi nổi vừa nãy. Trong khi đi gần
tới sân nhà Melekhov, nó khẽ nói nhưng không riêng với một đứa nào trong hai
thằng cùng đi:
- Mình về nơi thôn xóm chôn nhau
cắt rốn được đón tiếp như thế nầy đây! Muốn được ăn một bữa phải tìm đến nhà họ
hàng… Nhưng được thôi, cứ chờ đấy mà xem!
Ông Panteley Prokofievich đang
chữa cái máy gặt dưới hiên nhà kho. Ông nhìn thấy mấy người cưỡi ngựa, nhận ra
Mitka Korsunov trong đám, bèn bước ra cổng:
- Xin mời các ngài vào chơi. -
Ông vừa mở cái cửa xép vừa niềm nở nói. - Chúng tôi rất sung sướng được đón
khách tới nhà! Mừng anh về chơi!
- Chào ông thông gia! Ông vẫn
khỏe chứ?
- Ơn chúa, tình hình cũng khá.
Nhưng sao, anh đã được phong hàm sĩ quan rồi cơ à?
- Thế ông nghĩ rằng chỉ có các
con ông mới được đeo lon trắng hay sao? - Mitka nói giọng tự mãn rồi chìa cho
ông già một bàn tay dài ngoằng, đầy gân xanh.
- Hai thằng nhà tôi cũng không
thích đeo lon lắm đâu. - Ông Panteley Prokofievich mỉm cười trả lời rồi chạy đi
trước để chỉ chỗ buộc ngựa.
Vốn mến khách, bà Ilinhitna dọn
bữa trưa cho khách ăn rồi sau đó mới bắt đầu nói chuyện. Mitka hỏi han cặn kẽ
về tất cả những điều dính dáng đến gia đình nó, nhưng cứ lầm lì, không để lộ
chút thái độ căm uất hay buồn phiền gì cả. Rồi như tiện câu chuyện, nó hỏi xem
gia đình Miska Kosevoi có ai còn ở lại trong thôn không.
Khi được biết rằng bà mẹ cùng mấy
đứa em nhỏ của Miska có nhà, nó khẽ nháy mắt với tên Xilanchi, nhưng không để
cho ai trông thấy.
Chẳng mấy chốc ba người khách đã
sửa soạn cáo từ ra đi. Trong khi ra tiễn khách, ông Panteley Prokofievich hỏi:
- Anh định ở lại chơi trong thôn
có lâu không?
- Khoảng hai ba ngày gì đó.
- Anh sẽ đi thăm bà nhà chứ?
- Cái đó còn tuỳ.
- Nhưng bây giờ anh đi có xa
không?
- À. Cũng chỉ qua thăm vài bà con
trong thôn thôi. Chúng tôi sẽ đi quay về ngay.
Mitka và hai thằng cùng đi còn
chưa kịp quay về nhà Melekhov thì khắp thôn đã truyền đi cái tin: "Thằng
Korsunov cùng bọn Kalmys đã đến đây chém chết cả nhà Kosevoi rồi!".
Còn chưa hay biết gì cả, ông
Panteley Prokofievich vừa ra lò rèn lấy cái hái về và đang sửa soạn chữa cái
máy gặt thì bà Ilinhitna gọi ông:
- Ông lại đây đã, ông Prokofit!
Nhưng quàng quàng lên nào!
Giọng nói của bà lão rõ ràng lộ
vẻ lo lắng. Ông Panteley Prokofievich vội vào ngay trong nhà.
Natalia khóc sướt mướt đứng bên
cạnh bếp lò, mặt mày nhợt nhạt, Bà Ilinhitna đưa mắt về phía mụ vợ của gã
Anikey, hỏi giọng âm thầm:
- Ông đã nghe thấy tin gì chưa,
ông già?
"Chao ôi, lại có chuyện gì
xảy ra với thằng Grigori rồi.. Cầu Chúa che chở, cầu Chúa rủ lòng thương!"
- ý nghĩ ấy làm ông Panteley Prokofievich cảm thấy trong lòng như nung như nấu.
Ông tái mặt, rồi vừa hoảng sợ vừa điên tiết vì chẳng thấy ai nói gì cả, bèn
quát lên:
- Có gì thì nói ngay đi chứ, cái
bọn đáng nguyền rủa nầy? Thế nào, có gì xảy ra thế? Có chuyện với thằng Grigori
à? - Rồi như bị tiếng kêu làm cho kiệt sức, ông ngồi phịch xuống chiếc ghế dài
và đưa tay xoa xoa cặp chân run bần bật.
Dunhiaska là người đầu tiên hiểu
rằng bố đang lo có những tin không may về Grigori, bèn vội nói:
- Không đâu, cha ạ, không phải là
tin về anh Griska đâu, Mitka đã giết những người trong nhà Kosevoi.
- Giết là thế nào? - Ông Panteley
Prokofievich cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn đi, song ông vẫn còn chưa hiểu ý
nghĩa của những lời Dunhiaska vừa nói bèn hỏi lại - Nhà Kosevoi ấy à? Mitka ấy
à?
Mụ vợ gã Anikey vừa chạy sang cho
biết tin bèn bắt đầu kể lắp bắp:
- Bác ạ, lúc ấy cháu đang đi tìm
con bé, nên phải chạy sang sân nhà Kosevoi. Bỗng cháu thấy thằng Mitka và cùng
với nó còn có hai tên lính nữa cưỡi ngựa tới sân và vào trong nhà. Cháu nghĩ
bụng: con bê sẽ không đi quá cái cối xay gió đâu. Hôm nay là phiên cháu đi chăn
bê mà…
- Nhưng tôi cần quái gì đến con
bê nhà chị! - Ông Panteley Prokofievich tức giận ngắt lời mụ.
- Thế là chúng nó vào trong nhà.
- Mụ kia lắp bắp kể tiếp, - còn cháu thì đứng lại đấy, bụng bảo dạ: "Chúng
nó mì tới đây thì chẳng phải vì một chuyện tốt lành gì đâu". Rồi trong ấy
bắt đầu có tiếng kêu la và nghe thấy cả tiếng đánh đập. Cháu sợ chết đi được,
muốn bỏ chạy, nhưng vừa rời khỏi chỗ hàng rào thì nghe thấy sau lưng có tiếng
chân rầm rập. Vừa ngoảnh lại đã thấy thằng Mitka nhà bác lồng một cái gấu váy
vào cổ bà lão mà lôi xềnh xệch trên mặt đất, cứ như lôi con chó ấy, lạy chúa
tha tội cho! Nó lôi và ấy tới nhà kho, nhưng bà lão khốn nạn chẳng kêu được một
tiếng nào có lẽ vì đã bất tỉnh nhân sự. Thằng Kalmys đi cùng với thằng Mitka
bèn nhảy lên cái xà ngang… Cháu thấy thằng Mitka ném một đầu cái gấu váy cho
thằng kia và quát lên: "Kéo lên và buộc một cái nút!"
Chao ôi, cháu sợ đến chẳng còn
hồn vía gì nữa! Chúng nó đã treo cổ bà lão đáng thương ấy ngay trước mắt cháu,
rồi sau đó chúng nó nhảy lên ngựa, phi dọc theo cái ngõ, có lẽ ra nhà hội đồng.
Vào trong nhà thì cháu sợ không dám vào… Nhưng cháu nhìn thấy từ trong phòng
ngoài, ngay bên dưới cánh cửa, có máu chảy ra những bậc thềm. Cầu Chúa tha cho
cháu khỏi phải trông thấy một chuyện khủng khiếp như thế nữa!
- Chúa đã đưa đến nhà ta những
ông khách tốt như thế đấy? - Bà Ilinhitna vừa nói vừa nhìn ông già, có vẻ chờ
đợi.
Với vẻ mặt hết sức xúc động, ông
Panteley Prokofievich nghe hết câu chuyện, rồi chẳng nói chẳng rằng, ông bước
ngay ra phòng ngoài.
Chẳng mấy chốc đã thấy Mitka cùng
hai thằng tay chân của nó tới gần cổng nhà. Ông Panteley Prokofievich khập
khiễng bước thoăn thoắt tới trước mặt chúng.
- Đứng lại! - Từ xa ông đã quát
lên, - Không được cho ngựa vào trong sân.
- Có gì thế, ông thông gia thân
mến? - Mitka ngạc nhiên hỏi.
- Quay ngựa trở lại! - Ông
Panteley Prokofievich bước tới sát Mitka rồi nhìn thẳng vào hai con mắt vàng
hoe và long lanh của nó, nói rất rắn rỏi - Anh thông gia, anh đừng có giận,
nhưng tôi không muốn anh đặt chân vào nhà tôi. Tốt nhất là anh đi đâu thì đi.
A-a-a-… - Mitka kéo dài giọng ra
vẻ đã vỡ lẽ, mặt nó tái đi. - Thế là ông đuổi tôi phải không?
- Tôi không muốn anh làm bẩn nhà
tôi? - Ông già kiên quyết nhắc lại - Và từ nay anh chớ có đặt chân vào nhà tôi
nữa. Nhà chúng tôi, nhà Melekhov nầy, không có họ hàng gì với những tên đao
phủ, dứt khoát là như thế?
- Rõ rồi, nhưng ông thông gia
thân mến ạ, ông thương người quá đấy.
- Còn anh thì đúng là anh không
hiểu lòng thương người là gì cả, vì anh đã bắt đầu đi giết đàn bà con nít? Chao
ôi, anh Mitka, anh làm một cái nghề thật là bất lương… Ông cụ nhà anh nay đã mồ
yên mả đẹp nhìn thấy anh cũng không lấy làm sung sướng lắm đâu.
- Còn lão, lão già ngu xuẩn, có
lẽ lão muốn tôi nựng nịu nuông chiều chúng nó phải không? Chúng nó giết bố tôi,
chúng nó giết ông tôi, thế mà tôi lại ôm hôn chúng nó như trong ngày lễ phục
sinh hay sao? Thôi cút mẹ lão đi! - Mitka hung hãn kéo cương, con ngựa đi ra
khỏi cửa xép.
- Anh đừng có chửi bới. Anh chỉ
đáng tuổi con tôi thôi. Và chúng tôi không có gì chia sẻ với anh đâu, anh hãy
đi đi và cầu Chúa che chở cho anh.
- Lão đừng có đẩy tôi đến chỗ làm
điều ác, đừng có đẩy tôi đến chỗ đó? Tôi còn thương con Natalia, nếu không đối
với một thằng tốt bụng tốt dạ như lão, tôi thì… Tôi biết nhà lão lắm? Tôi đã
nhìn thấy rõ tim gan nhà lão như thế nào rồi? Nhà lão đã không rút lui sang bên
kia sông Dones phải không? Nhà lão đã đi theo bọn Đỏ phải không? Đấy, đấy? Tất
cả già trẻ gái trai nhà lão cái lũ chó đẻ nầy, phải treo cổ hết chúng mày lên
như nhà thằng Kosevoi mới phải! Thôi đi đi anh em! Nầy liệu hồn đấy, cái con
chó dái thọt cẳng, lão đừng có chạm trán với thằng nầy lần nữa? Lão không thoát
khỏi tay thằng nầy đâu? Thằng nầy không quên sự đón tiếp của lão đâu! Cái kiểu
họ hàng như thế nầy thằng nầy cũng chẳng thiết!
Hai tay run bần bật, ông Panteley
Prokofievich đóng cửa xép, cài then rồi khập khiễng trở vào trong nhà.
- Tao đã tống cổ thằng anh mày đi
rồi. - Ông nói nhưng không nhìn Natalia.
Natalia chẳng nói chẳng rằng tuy
trong thâm tâm nàng rất đồng tình với cách đối xử của bố chồng. Bà Ilinhitna
làm dấu phép rất nhanh và sung sướng nói:
- Thật là ơn Chúa: cái quân quỷ
dữ ấy chúng nó xéo rồi? Natalia ạ mày cũng đừng giận mẹ nói quá nặng lời, nhưng
cái thằng Mitka nhà mày đúng là một quân thù quân hằn đối với chúng ta! Nó đã
kiếm được một công việc như thế mà làm, nó không làm như những thằng Cô-dắc
khác, không đi lính trong những đơn vị đàng hoàng mà, mày có thấy không? Nó đi
theo một đội đao phủ! Đi làm một thằng đao phủ, treo cổ những bà già, cầm gươm
chém những đứa trẻ vô tội, chẳng nhẽ một người Cô-dắc lại làm những điều như
thế hay sao? Chẳng nhẽ mẹ con nhà ấy phải chịu trách nhiệm về thằng Mitka hay
sao? Nếu thế thì bọn Đỏ có thể vì thằng Griska mà chém cả tao, cả mày lẫn thằng
Misatka và con Poliakov. Nhưng họ có chém đâu, họ cũng biết thương đấy chứ?
Không, cầu Chúa che chở cho, tao không đồng tình với bọn nầy được.
- Mẹ ạ, con không bênh anh con
đâu… - Natalia đưa khăn tay lên chùi nước mắt và chỉ nói như thế.
Ngay hôm ấy Mitka rời khỏi thôn.
Nghe nói hình như nó lại về với đội thanh tiễu của nó ở một nơi nào đó gần thị
trấn Karginskaia và cùng toàn đội đi lập lại trật tự trong những làng Ukraina
của khu Donesky, vì các làng nầy đã phạm cái tội tham gia trấn áp cuộc phiến
loạn ở vùng Đông thượng.
Sau khi Mitka đi rồi, trong thôn
còn bàn ra tán vào hàng tuần về chuyện đó, phần lớn dân chúng đều lên án cái
hành động tự quyền xét xử và tàn sát gia đình Kosevoi. Người ta đã lấy tiền
công quỹ chôn cất ba mẹ con người bị giết và muốn bán căn nhà nhỏ của Kosevoi
nhưng chẳng có ai mua. Theo lệnh tên ataman thôn, các cửa chớp của căn nhà đều có
ván đóng chéo chữ thập. Trong một thời gian rất dài, con trẻ không dám đến chơi
đùa ở nơi khủng khiếp ấy nữa, và mỗi khi qua căn nhà bị giết hết người ở, các
ông già bà lão đều làm dấu phép cầu cho linh hồn những người bị giết được yên
nghỉ.
Sau đó là thời vụ cắt cỏ ngoài
đồng và những chuyện vừa xảy ra cũng bị quên đi.
***
Vẫn như xưa, thôn xóm kéo dài
cuộc sống trong lao động và với những tin mặt trận. Các hộ nào còn giữ được bò
ngựa kéo xe đều rên rỉ, chửi rủa mỗi khi phải sửa soạn xe để đi phu vận tải.
Gần như ngày nào người ta cũng phải bỏ công việc làm ăn để đánh bò ngựa lên
trấn. Trong khi tháo ngựa ra khỏi máy cắt cỏ, bọn già lão luôn miệng dùng những
lời chẳng hay ho gì để nói về cuộc chiến tranh kéo dài nầy. Nhưng đạn pháo, đạn
súng trường, súng máy, dây thép gai, lương thực thì không thể không chở ra mặt
trận. Và người ta đã chở đi. Như cố ý trêu người, những ngày đó đều rất đẹp
trời, làm người ta chỉ muốn đi cắt cỏ, đi đánh đống những lớp cỏ vừa đúng độ
nên cắt nhiều chất bổ mộc cách lạ lùng.
Ông Panteley Prokofievich sửa
soạn đi cắt cỏ và rất bực mình với Daria. Ả đã đánh một đôi bò mộng đi chở đạn,
đáng là phải từ chỗ chuyển xe trở về rồi, nhưng đã được một tuần mà chẳng thấy
tăm hơi ả đâu cả. Không có đôi bò mộng già đáng tin cậy ấy thì ra đồng cỏ cũng
chẳng làm được trò trống gì.
Thật ra, đáng lẽ không cắt Daria
đi mới phải… Khi trao cặp bò cho ả, ông Panteley Prokofievich đã phải cố nén
lòng vì ông đã biết ả thích láng cháng tằng tịu và lười chăm nom gia súc như
thế nào. Đunhiasa thì không thể nào cho đi được vì đi đường xa cùng với những
gã Cô-dắc lạ mặt đâu phải là việc con gái con đứa làm.
Natalia thì có con nhỏ: chẳng nhẽ
đích thân ông già phải chở những viên đạn khốn kiếp ấy đi hay sao? Mà Daria lại
sẵn sàng tự nguyện xin đi. Ngay xưa kia ả cũng vẫn vui lòng đi tất cả các nơi,
dù là đến nhà máy xay để xay bột xay kê hay đi làm một việc gì khác cần thiết
cho công việc trong nhà, nhưng tất cả chỉ vì ả cảm thấy rằng ra khỏi nhà thì
mình được tự do hơn rất nhiều. Mỗi chuyến đi đều giúp ả giải khuây đều làm cho
ả vui. Thoát khỏi cặp mắt theo dõi của mẹ chồng, ả có thể tán hươu tán vượn
thoả thích với bọn đàn bà, và như ả thường nói, có thể "tình tang qua
quýt" khi có gã Cô-dắc nhanh nhẩu hoạt bát lọt vào mắt ả. Còn ở nhà thì
ngay sau khi Petro qua đời, bà Ilinhitna vốn tính nghiêm khắc cũng không để cho
ả được tự do. Cứ như là sau khi đã lừa dối chồng trong khi chồng còn sống,
Daria bắt buộc phải giữ trọn niềm chung thuỷ với người đã khuất.
Tuy biết rằng hai con bò mộng sẽ
không được chăm nom với cặp mắt của một người làm chủ, nhưng ông Panteley
Prokofievich chẳng còn cách nào khác, đành phải sửa soạn cho con dâu cả lên
đường. Cho đi thì vẫn cho đi, nhưng suốt một tuần ông cứ lo canh cánh, trong
lòng không lúc nào được yên. "Đi đứt mất cặp bò của mình rồi!" -
Nhiều lần ông đã tỉnh giấc giữa đêm, thở dài thườn thượt, bụng bảo dạ.
Đến sáng hôm thứ mười một, Daria
mới trở về nhà. Ông Panteley Prokofievich vừa ở ngoài đồng về. Ông thắng chung
bò để cắt cỏ cùng với mụ vợ của gã Anikey. Ông để mụ và Dunhiaska ở lại đồng cỏ
để về thôn lấy nước và thức ăn. Hai ông bà già và Natalia đang ăn sáng thì bên
ngoài cửa sổ có tiếng xe lóc cóc nghe rất quen. Natalia chạy thoắt ra cửa sổ
nhìn thấy Daria quấn khăn che mặt đến tận mắt đang đánh hai con bò mệt mỏi và gầy
rộc.
- Nó đấy phải không? - Ông già bị
nghẹn vì một miếng chưa nhai kỹ nhưng vẫn hỏi.
- Daria đấy?
- Thật không ngờ còn được trông
thấy hai con bò! Chà, thật là ơn Chúa? Cái con đĩ thoã đáng nguyền rủa? Mãi bây
giờ mới lê xác về đến nhà… - Ông già ợ lên vì no, vừa làm dấu ghép vừa làu bàu.
Tháo bò xong, Daria bước vào bếp,
đặt ở ngưỡng cửa một mảnh vải thô gấp tư rồi chào hỏi mọi người trong nhà.
- Mày làm sao thế, con yêu của
cha! Sao mày chẳng đi thêm một tuần nữa! - Ông Panteley Prokofievich không trả
lời câu Daria chào hỏi, gườm gườm nhìn ả và nói giọng bực bội.
- Cha cứ thử đi lấy mà xem? - Ả
vừa tháo chiếc khăn đầy bụi khỏi đầu vừa nói lại.
- Sao mày đi lâu thế con? - Bà
Ilinhitna hỏi xen vào cho không khí của buổi gặp gỡ đỡ căng thẳng.
- Họ không cho về, vì thế mới đi
lâu.
Ông Panteley lắc đầu tỏ vẻ không
tin rồi hỏi:
- Con vợ thằng Khristonhia đến
chỗ chuyển xe thì được về, còn mầy thì không à?
- Nhưng tôi thì họ không cho về!
- Daria hung hãn long hai con mắt nói thêm - Nếu cha không tin thì cứ ra mà hỏi
lão đội trưởng đi theo đoàn xe vận tải ấy.
- Tao chẳng cần gì phải đi dò hỏi
về mày, nhưng lần sau mày sẽ ở nhà. Mày thì sẽ chỉ được cho đi thăm Diêm vương
thôi.
- Cha lại doạ tôi à! Ái chà chà,
cha lại doạ tôi! Nhưng tôi, tôi cũng sẽ không đi đâu? Bảo tôi đi, tôi cũng sẽ
không đi cho mà xem!
- Hai con bò có khỏe không? -
Giọng ông già hỏi đã ôn tồn hơn.
- Khỏe. Bò của cha chẳng gặp phải
chuyện gì đâu… - Daria trả lời giọng miễn cưỡng, mặt u ám hơn cả trời đêm.