Buồn nôn - Chương 17

Y đã thanh toán tình yêu của loài người nơi Thiên Chúa mà
không nhận ra; y gục gặc cái đầu và bằng một bộ tịch mô phỏng kỳ quặc, y giống
với anh chàng Guéhenno khốn khổ.

“Xin lỗi ông, tôi nói với y, nhưng nếu thế thì tôi không
chắc lắm rằng tôi là một người: tôi chưa hề thấy điều đó là quá khó khăn. Tôi
thấy dường như người ta chỉ cần để mặc cho ra sao thì ra.”

Chàng Tự Học mỉm cười một cách thẳng thắn, nhưng đôi mắt y
vẫn còn khó chịu:

“Thưa ông, ông quá khiêm tốn. Để kham chịu nổi thân phận con
người, ông cần rất nhiều can đảm, cũng như mọi người khác. Thưa ông, giây phút
sắp đến có thể là giây phút ông chết đi, ông biết điều đó và ông có thể mỉm
cười. Như vậy không đáng thán phục sao? Trong cái hành vi vô nghĩa nhất của
những hành động, y nói thêm bằng vẻ chua chát, có một thái độ anh hùng vĩ đại.”

“Thưa, quý ông dùng tráng miệng món gì ạ?”

Người hầu gái hỏi.

Chàng Tự Học xanh lướt đôi mi y hạ xuống nửa vời trên đôi
mắt như loài đá. Y dùng tay phác một cử chỉ nhẹ, như để mời tôi chọn lựa.

“Một miếng phó mát”, tôi trả lời một cách anh hùng.

“Còn ông?”

Y giật mình.

“Cái gì? À, vâng: tôi không dùng thêm gì cả, tôi đã ăn
xong”.

“Louise.”

Hai gã đàn ông to lớn trả tiền và đi ra. Có một người chân
đi khập khiễng. Ông chủ quán tiễn họ ra cửa: đấy là những khách hàng quan
trọng, họ đã uống một chai rượu ướp lạnh trong “xô”.

Tôi ngắm nhìn chàng Tự Học với một chút ân hận: y đã hí hửng
cả tuần khi nghĩ đến buổi ăn trưa này, thời gian mà y có thể san sẻ với người
khác tình yêu loài người. Y có rất ít cơ hội để nói. Và đấy: tôi đã làm hỏng
lạc thú, làm hỏng niềm vui của y. Thật ra, y cũng cô đơn như tôi; không ai lo
lắng cho y. Duy có điều y không màng đến sự cô đơn của mình, phải, đúng thế:
nhưng tôi không có bổn phận phải mở mắt cho y. Tôi thấy rất khó chịu: Tôi giận
dữ, thật thế, nhưng không phải giận y, giận Virgan hay những người khác, tất cả
những kẻ đã đầu độc bộ óc khốn nạn này. Nếu tôi có thể bắt họ đứng đấy trước
mặt tôi, tôi có rất nhiều điều để nói cùng họ: với chàng Tự Học, tôi sẽ không
nói gì, tôi chỉ có thiện cảm với y: đấy là một người thuộc loại ông Achille,
một người đứng về phe tôi nhưng đã phản bội vì ngu dốt, vì thiện chí!

Một tràng cười của chàng Tự Học kéo tôi ra khỏi cơn mơ mộng
ảm đạm:

“Xin ông tha lỗi cho, nhưng khi nghĩ đến chiều sâu của tình
yêu tôi dành cho loài người, đến sức mạnh của những đà thúc đẩy đưa tôi đến với
họ, và nhìn thấy hai chúng ta ở đây, đang lý luận, biện bác... điều đó làm tôi
muốn cười to lên.”

Tôi yên lặng, tôi mỉm cười miễn cưỡng. Người hầu gái đặt
trước tôi một chiếc đĩa với miếng phó mát Camembert mốc trắng. Tôi nhìn khắp
phòng và một nỗi ghê tởm dữ dội xâm chiếm lấy tôi. Tôi đang làm gì ở đây? Tôi làm
chi để phải tranh luận dài dòng về chủ nghĩa nhân bản? Tại sao những người nọ
lại ở đấy? Tại sao họ lại ăn? Quả thật là chính họ, họ không biết mình đang
hiện hữu.

Tôi muốn cất bước, bỏ đi, đến bất cứ nơi nào mà tôi sẽ 
đúng vị trí của tôi
, nơi mà tôi sẽ ăn khớp với ngoại thể... Song chỗ đứng
của tôi không ở nơi nào cả; tôi là dư thừa.

Chàng Tự Học đã dịu xuống. Y sợ tôi sẽ chống đối dữ hơn nữa.
Y muốn xí xóa tất cả những gì tôi vừa nói. Y nghiêng mình xuống tôi với một vẻ
thân tình.

“Thực ra, thưa ông, ông cũng yêu họ, ông yêu họ như tôi:
chúng ta chỉ cách ngăn nhau vì từ ngữ”.

Tôi chẳng thể nói gì nữa, tôi gục đầu. Khuôn mặt của chàng
Tự Học áp sát vào mặt tôi, y cười nhạt nhẽo, mặt vẫn áp sát vào mặt tôi, như
trong những cơn ác mộng. Tôi khó nhọc nhai một mẩu bánh mì mà tôi quyết định là
không nuốt vào. Những con người, phải yêu thương những con người. Những con
người thì đáng thán phục. Tôi muốn mửa quá - và đột nhiên nó đấy: cơn Buồn Nôn.

Một cơn khủng hoảng dị thường: nó lay chuyển tôi từ trên
xuống dưới. Tôi đã nhìn thấy nó đến từ một giờ nay, duy có điều tôi không muốn
tự thú thật với mình. Cái mùi vị của phó mát này trong miệng tôi... Chàng Tự
Học lầm bầm và giọng nói của y rù rì êm dịu bên tai. Nhưng tôi hoàn toàn chẳng
biết y đang nói về chuyện gì nữa. Tôi máy móc gật đầu tán thành. Bàn tay tôi
bấu chặt lấy cán dao dùng ăn tráng miệng. Tôi cảm nghiệm cái
con dao bằng gỗ đen này. Chính bàn tay tôi đang cầm nó. Bàn tay tôi. Nói riêng,
đáng lẽ tôi phải để yên con dao: nào có ích gì chuyện cứ luôn luôn chạm đến một
vật nào đó? Những sự vật được tạo ra không phải để cho người ta động chạm, sờ
mó đến chúng. Tốt hơn hết là nên trườn lướt đi giữa chúng, và tránh chạm mặt
với chúng càng nhiều càng hay. Một đôi khi người ta cầm lấy một vật trong bàn
tay và người ta bị buộc phải buông nó ra. Con dao rơi xuống trên chiếc đĩa.
Nghe tiếng động, ông tóc bạc giật nảy mình và nhìn tôi. Tôi cầm con dao lên,
tôi áp lưỡi dao vào mặt bàn và gấp lại.

Đấy, đấy chính là cơn Buồn Nôn: nỗi hiển nhiên mê muội đó?
Đục rỗng đầu tôi! Tôi đã viết nên điều đó! Giờ đây, tôi biết rõ: Tôi đang hiện
hữu - thế giới đang hiện hữu - và tôi biết rằng thế giới đang hiện hữu, chỉ có
thế. Nhưng đối với tôi, chẳng quan hệ gì. Điều kỳ lạ là tất cả những điều đó
lại cũng chẳng quan hệ với tôi: nó làm tôi sợ hãi. Chính từ cái ngày hôm đó,
tôi đã muốn vất tung hòn cuội xuống mặt nước. Tôi sắp ném hòn cuội đi, tôi đã
nhìn xuống hòn cuội và mọi sự đã bắt đầu từ đó: tôi đã cảm nghiệm rằng hòn
cuội đang hiện hữu. Và rồi sau vụ đó, còn có những cơn Buồn Nôn
khác nữa: thỉnh thoảng từng lúc một, sự vật lại khởi sự hiện hữu với anh trong
lòng bàn tay. Đã có cơn Buồn Nôn tại quán “Rendez-Vous des Cheminots” và rồi
một cơn Buồn Nôn khác nữa, trước đó, đêm mà tôi nhìn qua khung cửa sổ; và rồi
một cơn Buồn Nôn nữa tại công viên, một ngày chủ nhật, và rồi nhiều cơn khác
nữa. Song chưa bao giờ, cơn Buồn Nôn lại mãnh liệt như hôm nay.

“... của La Mã thời cổ, thưa ông?”

Chàng Tự Học đang hỏi tôi, chắc vậy. Tôi xoay đầu về y và
mỉm cười. Sao? Có gì thế? Tại sao y lại bíu chặt tay vào thành ghế? Hiện tại,
tôi đang làm y sợ hãi sao? Sự vụ phải kết thúc như thế. Vả lại, đối với tôi
điều đó không quan hệ.

Họ hoàn toàn lầm lẫn khi sợ hãi: tôi cảm biết rõ rằng tôi có
thể làm bất cứ chuyện gì. Chẳng hạn đâm ngập con dao cắt phó mát này vào mắt
chàng Tự Học. Sau đó, tất cả những người kia sẽ giẫm chân lên người tôi, sẽ
dùng giày đá bật răng tôi ra. Song đó không phải là điều làm tôi dừng lại: một
mùi vị của máu tươi trong miệng thay vì mùi vị phó mát tôi đang ăn, chuyện đó chẳng
khác nhau mấy. Duy có điều tôi phải làm một cử chỉ, khai sinh cho một biến cố
dư thừa: sẽ là dư thừa, cái tiếng kêu thét của chàng Tự Học thốt ra - và dòng
máu chảy dài trên gò má y - và sự giật mình của tất cả những người đang ngồi
kia. Có khá nhiều điều đang hiện hữu như thế.

Mọi người đều chăm chú nhìn tôi; hai người đại diện cho tuổi
trẻ đã cắt ngang cuộc đàm đạo êm ái của họ. Người đàn bà há hốc miệng kinh hãi.
Tuy thế, hẳn họ phải nhận thấy rằng tôi là một kẻ vô hại.

Tôi đứng dậy, mọi sự quay cuồng chung quanh tôi. Chàng Tự
Học đăm đăm nhìn tôi bằng đôi mắt mở lớn, đôi mắt mà tôi sẽ không đâm vỡ bằng
dao.

“Ông đi cơ à?” y trách móc.

“Tôi hơi mệt. Cám ơn ông đã có nhã ý mời tôi dùng bữa, hẹn
sẽ gặp nhau.”

Khi bước đi, tôi chợt nhận ra rằng tay trái tôi đang giữ con
dao ăn tráng miệng. Tôi vứt con dao kêu vang lên trên chiếc đĩa ăn. Tôi băng
qua căn phòng giữa sự im lặng. Mọi người không ăn nữa: họ đang chăm chú nhìn
tôi, họ bị cắt ngang bữa ăn ngon. Nếu tôi tiến bước về hướng người đàn bà trẻ
tuổi và la lên. “Ừm!”, chắc nàng ta sẽ hét rống lên. Chẳng đáng công chút nào.

Tuy vậy, trước khi bước ra, tôi quay lại và làm cho họ nhìn
thấy rõ khuôn mặt tôi, để họ có thể khắc ghi trong trí nhớ.

“Chào các ông các bà”.

Không ai đáp. Tôi bỏ đi. Bây giờ, má họ chắc sẽ lấy lại được
màu, họ sẽ bắt đầu nói huyên thuyên.

Tôi chẳng biết đi đâu, tôi đứng sững bên cạnh người đầu bếp
bằng giấy bìa. Chẳng cần xoay lại cũng biết họ đang nhìn tôi xuyên qua những
khung kính: họ nhìn chiếc lưng tôi với nỗi ngạc nhiên và ghê tởm: họ đã tưởng
rằng tôi cũng như họ, họ tưởng rằng tôi là một người và tôi đã đánh lừa họ. Bất
thình lình, tôi mất đi cái bề ngoài “người” và họ đã nhìn thấy một con cua chạy
giật lùi thoát ra khỏi căn phòng đầy chất “người” đó. Hiện tại, kẻ xâm nhập giả
dạng đã trốn chạy: cuộc họp tiếp tục. Điều làm tôi khó chịu là cảm thấy va chạm
nơi lưng mình tất cả những đôi mắt lúc nhúc và những tư tưởng sợ hãi kia. Tôi
băng qua đường. Lề đường bên kia chạy dài theo bãi biển và những căn phòng tắm.

Có nhiều người dạo chơi trên bãi, xoay về biển xanh cái
khuôn mặt xuân hồng, thi vị: đấy là do hậu quả tốt lành của mặt trời, họ đang ở
trong cuộc lễ. Có những người đàn bà tươi sáng, mang trên người bộ y phục mùa
xuân qua: họ lượn qua, dài và trắng như những chiếc găng tay bằng da dê ướp
lạnh: cũng có những cậu con trai lớn đi học trung học, hoặc trường Thương Mãi,
những ông già, bà già trang điểm loè loẹt. Họ không biết nhau, nhưng nhìn nhau
trong một vẻ đồng lõa, vì trời quá đẹp và họ là những con người. Những con người
ôm nhau hôn mà không biết nhau vào mỗi mùa xuân. Một linh mục bước đi chậm rãi,
mắt chăm chú đọc một cuốn giáo lý. Thỉnh thoảng ông lại ngẩng đầu lên và nhìn
mặt biển bằng một vẻ tán đồng: đại dương cũng là một cuốn giáo lý, đại dương
đang nói về chúa. Những sắc màu nhạt nhẹ, những làn hương dịu êm, những linh
hồn mùa xuân. “Trời đẹp, biển xanh thẳm, tôi yêu thời tiết se lạnh này hơn là
sự ẩm ướt”. Những nhà thờ! Nếu tôi nắm lấy áo một người trong bọn, nếu tôi bảo
họ “giúp tôi với”, thì họ sẽ nghĩ “cái con cua bần tiện này là ai đây?” và bỏ
chạy, để lại chiếc áo giữa hai bàn tay tôi.

Tôi xoay lưng lại với họ, tôi tựa cả hai tay vào lan can.
Biển thật thì lạnh lẽo và tối đen, đầy các loài thú dữ, biển đó
đang trườn bò dưới cái lớp vỏ mỏng thẳm xanh được tạo ra để đánh lừa con người.
Những thiên tinh đang bao quanh tôi đây đã bị vướng bẫy: họ chỉ nhìn thấy lớp
vỏ mỏng, chính lớp vỏ mỏng đó chứng thật hiện hữu của Thiên Chúa. Còn tôi, tôi
lại nhìn bên dưới! Những lớp sơn phủ ngoài tan rã, những lớp da nhỏ mơn mởn huy
hoàng, những lớp da nhỏ mơn mởn mượt như da đào của Thiên Chúa tốt lành đang vỡ
tung ra ở khắp mọi nơi dưới cái nhìn của tôi, chúng nứt nẻ và mở hé ra. Kia là
chuyến xe điện từ Saint Élémir, tôi xoay người lại và sự vật cũng xoay theo với
tôi, xanh xao và xanh thẳm như những con sò. Vô ích, thật vô ích khi nhảy lên
xe vì tôi chẳng muốn đi bất cứ nơi nào.

Đằng sau các khung kính, những sự vật xanh nhợt đang đua
nhau diễn qua trước mặt tôi từng chặp thẳng đơ và giòn ải. Những con người,
những bức tường; qua những cửa sổ mở rộng, một căn nhà cho thấy cảnh bên trong
tối đen; và những khung cửa kính nhuộm thành màu xanh nhợt, màu xanh lơ tất cả
những gì màu đen, phủ màu xanh lơ lên tòa nhà to lớn bằng gạch vàng đang ngập
ngừng tiến lại, vừa tiến bước vừa run rẩy và đột ngột dừng lại, chạm mạnh vào
mặt ta. Một ông lên xe ngồi đối diện với tôi. Toà nhà vàng di chuyển, bằng một
bước nhảy, nó phớt chạm vào những khung cửa kính, nó quá gần đến độ người ta
chỉ còn thấy được một phần, rồi tối sầm lại. Những khung cửa kính rung chuyển.
Toà nhà dựng cao lên, choáng ngợp, cao quá mức đến độ không thể nhìn thấy, với
hằng trăm cửa sổ mở ra những khoảng trống đen ngòm; nó lướt dài theo toa xe, nó
rình dò toa xe, đêm tối đã đến, giữa những khung cửa kính đang run rẩy. Tòa nhà
lướt đi bất tận, vàng như màu bùn và những khung cửa kính xanh da trời. Và đột
nhiên, tòa nhà không còn nữa, nó đã lưu lại đằng sau, một làn ánh sáng chói
chang màu xám tràn ngập toa tàu và lan ra khắp nơi với một vẻ chính xác nghiêm
mật: đấy là bầu trời; xuyên những khung cửa kính, người ta hãy còn nhận ra
những chiều dày và những chiều dày chập chùng của bầu trời, vì lẽ con tàu đang
leo dốc Eliphar và người ta nhìn thấy rõ cả hai sườn dốc, về bên phải cho đến
tận biển, bên trái cho đến tận khu phi trường, cấm hút thuốc, ngay cả một tay
lãng tử.

Tôi tì tay lên chiếc băng nhỏ, nhưng
vội rụt lại: chiếc băng đang hiện hữu. Cái vật thể tôi đang ngồi và tì tay lên,
được gọi là một chiếc băng. Rõ ràng họ đã tạo nên nó để ta có thể ngồi lên, họ
đã lấy da thú, lò xo, vải bọc, họ đã bắt tay vào việc với ý tưởng làm nên một
chỗ ngồi và khi xong việc, chính đấy là cái họ đã tạo ra. Họ đã mang nó đến
dây, trong toa xe này, và bây giờ toa xe đang lăn đi, lắc lư chuyển động với
những khung cửa kính run rẩy, và mang trên hông mình cái vật thể màu đỏ. Tôi
thầm thì: đấy là một chiếc băng nhỏ, tựa hồ một câu thần chú trừ tà. Song lời
nói đọng lại trên môi tôi: lời nói không chịu đi đến đậu trên sự vật. Sự vật
vẫn nằm trong nguyên thể, với tấm vải nhung đỏ xù, với hàng ngàn chiếc chân tí
hon màu đỏ chổng ngược lên trời, thẳng đơ, những chiếc chân bé tí chết khô. Cái
bụng khổng lồ nọ chổng lên trời, đẫm máu, phồng to - phồng căng lên với tất cả
những chiếc chân chết khô, cái bụng đang bập bềnh trong toa xe này, trong bầu
trời xám này, đấy không phải là một chiếc băng nhỏ. Đấy cũng rất có thể là một
con lừa nằm chết, chẳng hạn, thân lừa căng phồng lên vì nước và đang bập bềnh
trôi dạt, bụng chổng lên trời trong một con sông lớn màu xám, một con sông đang
hồi ngập lụt; và tôi, tôi ngồi trên bụng một con lừa, đôi chân đẫm vào nước
trong. Những sự vật đã được giải thoát khỏi tên gọi, chúng hiện hữu đấy, quái
dị, kỳ cục, cứng đầu, vĩ đại và thật có vẻ ngu ngốc khi gọi chúng là những
chiếc băng nhỏ hay phát biểu bất cứ điều gì về chúng: tôi đang ở giữa những vật
thể, những cái bất khả định danh. Cô đơn, không ngôn ngữ, không phương tự vệ,
chúng vây phủ chung quanh tôi, bên dưới tôi, đằng sau tôi, bên trên tôi. Chúng
chẳng yêu sách điều chi, cũng chẳng bắt người ta thừa nhận mình: chúng hiện hữu
đó, thế thôi. Dưới tấm đệm của chiếc băng, tựa vào bức vách gỗ, có một đường
bóng tối, một đường nhỏ tối đen chạy dài theo chiếc băng với một vẻ bí ẩn và
tinh quái, gần như một nụ cười. Tôi biết rất rõ đấy không phải là một nụ cười,
nhưng tuy thế, nó vẫn đang hiện hữu, nó đang chạy dưới những khung cửa kính màu
trắng đục, dưới sự rộn ràng, xôn xao của những khung cửa kính, nó cứng đầu ương
ngạnh, dưới những hình ảnh màu xanh da trời đang tuần tự lướt qua đằng sau
những khung cửa kính và dừng lại và lại đi, nó vẫn 

cứng đầu ương ngạnh, như thể một hoài niệm mơ hồ về một nụ
cười, như thể một chữ bị quên đi mà ta chỉ còn nhớ lại vần đầu tiên và điều hay
nhất ta có thể làm là quay mặt đi và nghĩ đến chuyện khác, nghĩ đến cái con
người đang ngủ gà ngủ gật trên chiếc băng, đối diện với tôi, đấy. Chiếc đầu đất
nung của y với đôi mắt xanh lơ. Toàn thể bên phải người y đã xuội xuống, cánh
tay thẳng đơ dán chặt vào thân, phía bên phải mà tôi chỉ thoáng thấy một cách
khó khăn, hiếm hoi, như thể đã bị tê liệt. Nhưng trên toàn thể phần bên trái,
có một màu hiện hữu bé nhỏ thừa thãi đang nảy nở sinh sôi thêm, như một chứng
bệnh hạ cam: cánh tay bắt đầu run rẩy, rồi đưa lên và bàn tay thẳng đờ, nằm ở
đầu mút. Đoạn bàn tay cũng bắt đầu run lên và khi đi đến ngang tầm chiếc sọ,
một ngón tay duỗi thẳng ra, móng tay bắt đầu gãi lớp da đầu. Một vẻ nhăn nhó
đầy khoái cảm đã đến lưu định nơi phía bên phải của chiếc miệng, còn phía bên
trái thì nằm chết cứng. Những khung cửa kính rung chuyển, cánh tay run rẩy,
móng tay gãi gãi, chiếc miệng mỉm cười dưới đôi mắt đăm đăm và ngưôi đàn ông nọ
đang chịu đựng mà không ý thức đến cái mẩu hiện hữu bé nhỏ đang căng phồng phần
bên phải của ông, cái mẩu hiện hữu đã mượn cánh tay và gò má bên mặt của ông để
tự thể hiện. Người soát vé cản đường tôi lại.

“Xin ông chờ xe dừng đã.”

Song tôi đẩy y lui và nhảy ra khỏi xe. Tôi không thể chịu
đựng được nữa. Tôi không thể chịu đựng nổi sự kiện các vật thể lại quá gần gũi
đến như thế. Tôi đẩy một chiếc cửa lưới, tôi bước vào, những hiện hữu nhẹ nhàng
nhảy vọt lên và đậu trên những đỉnh cao. Hiện tại, tôi đã định tĩnh, tôi biết
tôi đang ở đâu: tôi đang ở trong công viên. Tôi thả rơi người trên chiếc băng
giữa những thân cây trà màu đen, giữa những bàn tay đen đúa và sần sùi đang
vươn về phía mây trời. Dưới chân tôi, một chiếc cây đang cào vào lòng đất bằng
chiếc móng đen. Tôi rất muốn tự để mình buông trôi, tự quên lãng, ngủ qua một
giấc. Nhưng tôi không thể, tôi nghẹn thở: hiện hữu đang thâm nhập vào tôi ở
khắp nơi, do đường con mắt, do lỗ mũi, do nơi miệng...

Và đột nhiên, trong một thoáng, bức màn bị xé rách toang,
tôi đã hiểu, tôi đã thấy.

Sáu giờ chiều.

Tôi không thể nói rằng tôi cảm thấy được nhẹ nhõm hay hài
lòng; trái lại, điều đó đè nặng trên tôi. Duy có điều mục đích của tôi đã đạt
được: hiện tại tôi biết rõ những gì trước đây tôi đã muốn biết; tất cả những gì
trước đây đã xảy đến cho tôi kể từ hồi tháng Giêng, tôi đã đều hiểu rõ. Cơn
Buồn Nôn không rời khỏi tôi và tôi không tin rằng nó lại rời khỏi sớm như thế;
song tôi không phải chịu đựng nó nữa, nó không còn là một cơn bệnh hoặc một
chứng bất thường thoáng qua. Cơn Buồn Nôn chính là tôi.

Mới lúc nãy đây, tôi ngồi trong một công viên. Rễ một cây
bám sâu vào đất, ngay dưới chiếc băng tôi đang ngồi. Tôi không còn nhớ đấy là
một chiếc rễ cây nữa. Những chữ đã tan biến mất, và cùng với chúng là ý nghĩa
các vật thể, các cách thức sử dụng, những tiêu điểm yếu ớt do con người vạch ra
trên bề mặt của chúng. Tôi đã ngồi đó, người hơi khom, đầu cúi thấp, cô đơn đối
diện với cái khối đen đủi, sần sùi, hoàn toàn thô lậu và gây cho tôi một nỗi sợ
hãi kia. Và rồi, trí óc tôi bừng ngộ. 

Điều liễu ngộ đó cắt đứt hơi thở tôi. Những ngày trước đấy,
chẳng bao giờ tôi cảm nghiệm được từ ngữ “hiện hữu” mang ý nghĩa gì. Tôi cũng
đã như trăm ngàn kẻ khác, như những người đang dạo chơi trên bờ biển trong bộ y
phục mùa xuân. Tôi cũng đã bảo như họ “biển  xanh; điểm
trắng ở trên cao kia là một con hải âu”, nhưng tôi không cảm thức được rằng nó
đang hiện hữu, rằng con chim hải âu là một con “hải-âu-đang-hiện-hữu”; thường
thường, hiện hữu ẩn mặt đi. Hiện hữu đấy, chung quanh chúng ta, ngay trong
chúng ta, nó là chúng ta, người ta không thể thốt ra hai tiếng mà không nhắc
đến nó, thế nhưng rốt cuộc, người ta lại không chạm được đến hiện hữu. Khi
tưởng rằng tôi suy tưởng đến hiện hữu, thì phải tin rằng tôi đã chẳng suy tưởng
gì cả, đầu óc tôi rỗng không, hay đúng hơn chỉ có một chữ trong đầu tôi, chữ
“hiện thể”. Hoặc là lúc bấy giờ tôi đã suy tưởng... nói thế nào bây giờ đây?
Tôi đã suy tưởng sự tuỳ thuộc vào, tôi tự nhủ rằng biển thuộc
về loại những vật màu xanh và màu xanh là thành phần những phẩm tính của biển.
Ngay cả khi nhìn chăm vào các sự vật, tôi cũng chẳng để tâm nghĩ rằng chúng
đang hiện hữu: sự vật xuất hiện với tôi như một bối cảnh. Tôi cầm nắm chúng
trong hai bàn tay, tôi sử dụng chúng như những dụng cụ, tôi tiên liệu được
những sức đối kháng của chúng. Song tất cả các thứ đó chỉ diễn ra trên bề mặt.
Nếu người ta hỏi tôi hiện hữu là gì, hẳn tôi đã tình thật trả lời rằng hiện hữu
chẳng là gì cả, nó chỉ là một hình thể rỗng không, từ bên ngoài đến thêm vào
những sự vật nhưng chẳng làm thay đổi bản tính của chúng, và rồi thì, đấy: đột
nhiên, nó đó, nó rõ ràng như ban ngày: được vén màn che. Nó đã mất đi cái cốt
cách vô hại của một phạm trù trừu tượng: nó chính là chất liệu nhồi nặn nên các
sự vật, chiếc rễ cây này đã được nhồi nặn nên. Trong hiện hữu. Hay nói đúng
hơn, chiếc rễ cây, những khung lưới của công viên, chiếc băng, bồn cỏ lưa thưa
của thảm cỏ, tất cả những thứ đó đã tan biến; tính chất khác biệt của những sự
vật, tính chất cá thể của chúng chỉ là một ngoại ảnh, một lớp sơn phủ ngoài.
Lớp sơn này đã chảy tan ra, chỉ còn lại những khối dị hình và mềm nhũn, vô trật
tự - trần truồng, một vẻ trần truồng kinh khiếp và thô tục.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3