Trại hoa vàng - Chương 06
Chương 6
Chiều đó, tôi khoe với nhỏ Châu:
- Tao thấy mặt "chị hai mày" rồi nghen mày!
- Chỉ đẹp không?
- Y như tiên!
- Xạo đi!
- Thật! Còn hơn tiên nữa!
Nhỏ Châu trề môi:
- Người ta mà đẹp hơn tiên?
- Chứ sao! Con nhỏ này không những đẹp mà còn hiền nữa! Hồi
trưa, tao tông nó một cái "rầm", chiếc xe nát bấy, còn người nó thì
máu me tùm lum, vậy mà nó không hề trách tao một câu. Nó còn cười với tao nữa!
Nhỏ Châu đúng là đồ nhát gan. Nó chẳng thèm để ý đến khía
cạnh trữ tình trong câu chuyện của tôi. Vừa nghe tới "máu", nó đã đưa
tay bụm mặt:
Eo ôi, ghê quá!
Tôi cười:
- Ghê gì mà ghê!
Nhỏ Châu vẫn không buông tay xuống:
- Rồi anh có đưa chỉ đi bệnh viện không?
- Cần gì đi bệnh viện! - Tôi nhún vai - Nhà nó thuốc men cả
khối! Còn nhiều hơn bệnh viện nữa!
- Anh lại dóc tổ rồi! - Nhỏ Châu lắc lắc mái tóc. Nó làm tôi
tự ái quá chừng.
- Tao thèm vào nói dóc! - Tôi hừ mũi - Mày biết tiệm thuốc
tây Hồng Phát ở kế nhà Phú ghẻ không?
- Biết! Mà sao?
- Nhà nó đó!
- Eo ôi! - Nhỏ Châu lại kêu lên.
- Gì mà "eo ôi"?
Nhỏ Châu thè lưỡi:
- Nhà chỉ giàu quá chừng!
- Thì giàu chứ sao! Nhà bán thuốc tây mà lại!
Nhỏ Châu rụt cổ
- Nhưng nhà mình thì nghèo!
Con nhỏ này, nó là con nít không hiểu sao lại lắm điều quá
chừng! Tự dưng nó "phang" một câu khiến tôi cụt hứng. Tôi đang hí
hửng khoe nó về mối "duyên kỳ ngộ" giữa tôi với Cẩm Phô và tính quảng
cáo tiếp về tính tình dịu dàng có một không hai của "chị hai" nó,
bỗng nhiên nó lôi chuyện "giàu nghèo" ra khiến tôi bất giác xụi lơ.
Thấy mặt tôi xịu xuống, nhỏ Châu có vẻ áy náy. Nó vớt vát:
- Mình nghèo vật chất nhưng mình giàu tình cảm!
Tôi biết nhỏ Châu cố gỡ gạc lại câu nói khi nãy để xoa dịu
nỗi buồn vừa nhú lên trong lòng tôi. Nhưng cái lối lập luận của nó khiến tôi
nổi đóa:
- Tình cảm cái khỉ mốc! Nghèo thì nói đại là nghèo cho rồi,
còn bày đặt "giàu tình cảm"!
Trước vẻ mặt hầm hầm của tôi, nhỏ Châu không dám nói tới nói
lui về chuyện "giàu nghèo" nữa. Rồi sợ tôi phát khùng lên cốc nó u
đầu, thừa lúc tôi đang bần thần nghĩ ngợi, nó len lén chuồn mất.
Nhỏ Châu bỏ đi, để tôi ngồi thẩn thờ một mình suốt buổi
chiều hôm đó.
Tiệm thuốc tây Hồng Phát cùng với tiệm vàng Kim Long và tiệm
vải Quang Hưng là ba đại phú gia tại thị trấn tôi ở. Nhà nào nhà nấy bốn, năm
tầng lầu cao ngất, ngó lên muốn gãy cổ. Người dân trong thị trấn mỗi khi nói
đến sự giàu có bao giờ cũng đem ví với ba nhà này.
Hồi trưa, lúc ủi phải Cẩm Phô, sự gặp gỡ bất ngờ với
"người đẹp trong mộng" khiến hồn vía tôi bay tuốt lên mây. Lúc đó,
mặt đờ ra, tôi chẳng còn đầu óc đâu để thắc mắc việc Cẩm Phô là con nhà bình
dân hay con nhà quý tộc. Bây giờ, nghe nhỏ Châu nhắc khéo, tôi mới sực nhớ ra
"thân phận bé mọn" của mình.
Con gái hiệu thuốc Hồng Phát thuộc hạng "công
nương" cành vàng lá ngọc có lý đâu để ý đến thằng con nhà buôn đồ đồng nát
là tôi. Chử Đồng Tử ngày xưa sở dĩ vớ được công chúa Tiên Dung là nhờ nàng buồn
tình ra bờ sông quây màn đứng tắm. Công chúa Cẩm Phô ngày nay quanh năm tắm táp
trong bồn tráng men, dù tôi có lặn lội ra bờ sông vùi mình suốt đời trong cát
ướt cũng đừng hòng gặp hên như họ Chử. Tôi nhớ lại hồi trưa, lúc Cẩm Phô chào
về, nó không thèm mời tôi vô nhà uống lấy một miếng nước. Nó bỏ mặt tôi lủi
thủi ra về giữa trời nắng chang chang. Đích thị nó ỷ mình là công chúa, khinh
thường những kẻ thư sinh áo vải như tôi.
Và như vậy, chuyện nó "bênh vực" tôi từ trước đến
giờ chắc chẳng xuất phát từ động cơ sâu xa thầm kín nào. Đó chẳng qua chỉ là
lòng thương hại của người giàu đối với người nghèo. Chắc nó thấy tôi bốn mùa
quần thừa áo vá, mặt mày lại ngơ ngơ ngáo ngáo trong giống con cù lần núi nên
nó đem lòng tội nghiệp đó thôi! Tôi tông nó móp xe, nó không thèm bắt đền không
phải vì nó ưa thích gì cái bản mặt đần độn mà nó thừa biết ngữ tôi, có bắt đền,
cũng chẳng đào đâu ra bạc cắc để nộp cho nó. Vậy mà trước giờ tôi cứ tưởng bở.
Thấy nó bịt miệng con nhỏ miệng móm, tôi hí hửng tưởng mình là phò mã. Tôi vội
phong ngay cho nó chức "chị hai của nhỏ Châu". May mà nó không biết, nếu
biết, dù hiền đến đâu nó cũng sẽ chửi tôi tắt bếp! Nhớ lại những lời ba hoa
vung vít trước đây, thốt nhiên tôi bỗng rùng mình.
Càng nghĩ ngợi, tôi càng ủ ê. Cây mộng mơ vừa mọc trong hồn
tôi, mới vừa loe hoe ba chiếc lá còm, chưa kịp trổ hoa đã vội vàng tàn lụi.
Thật chả bù với những cành hoa đang lung linh khoe sắc trong vườn. Chúng nom
mới tươi tắn làm sao, thật chẳng giống tí ti nào với ông chủ của chúng lúc này
đang ngồi thừ người trong bóng chiều chập choạng, mặt mày ngẩn ngơ cứ như kẻ
mất hồn.
Trong lúc tôi đang mải mê gặm nhấm nỗi buồn của mình như con
mọt đang say sưa gặm từng thớ gỗ, bỗng có tiếng chân vang lên lạo xạo sau lưng.
Lại nhỏ Châu! Tôi nhủ bụng và bất giác cảm thấy khó chịu.
Nhỏ Châu là một đứa em gái cực kỳ dễ thương, dễ thương nhất là nó rất thương
tôi, nhưng lúc này tôi chẳng muốn thấy mặt nó một chút xíu nào. Tôi đã trót
khoe khoang với nó quá nhiều về tình cảm của Cẩm Phô đối với tôi, bây giờ tôi
rất ngượng khi phải trò chuyện với nó. Vậy mà nó chẳng biết điều, cứ mò ra định
làm khổ tôi! Ý nghĩa đó khiến tôi phát khùng. Và tôi gân cổ quát tướng:
- Đi đi! Đi chỗ khác chơi đi!
Tiếng chân phía sau liền im bặt. Lâu thật lâu. Tôi lại nổi
điên:
- Mày còn đứng đó, tao cốc mày sói trán bây giờ!
Nghe tôi dọa, nhỏ Châu không dám nấn ná nữa. Nó ngập ngừng
bước lui về phía cổng rào. Tự dưng thấy tội tội, tôi liền nghiêng đầu ghé mắt
trông theo. Trời đất, trước mắt tôi không phải nhỏ Châu, mà là nhỏ Thảo hàng
xóm. Nó đang cầm trên tay một trái ổi to tướng, chắc là nó định đem qua tặng
tôi. Tôi hốt hoảng kêu:
- Thảo! Thảo!
Nhỏ Thảo quay đầu lại, tay còn vịn cách cổng. Tôi lật đật
chạy tới và thấy cặp mắt nó đỏ hoe. Tôi kéo tay nó, giọng chuộc lỗi:
- Vô đây chơi với anh!
Nhỏ Thảo sụt sịt:
- Em không vô đâu! Anh đuổi em!
- Anh xin lỗi mà! - Tôi phân trần - Khi nãy anh đâu có biết
đó là em!
Nhỏ Thảo giương đôi mắt mọng nước:
- Chứ anh tưởng ai?
Tôi gãi tai:
- À, à anh tưởng đó là mấy đứa bạn quỷ quái của anh!
Nhỏ Thảo thật thà:
- Bạn anh mà anh dám đòi cốc sói trán?
Hết gãi tai, tôi lại gãi cổ:
- Ờ, ờ anh cốc tuốt! - Đang nói, ánh mắt chợt chạm phải trái
ổi trên tay nhỏ Thảo, tôi liền nuốt nước bọt, "đế" thêm - Bị anh cốc
hoài, đầu tụi nó trọc lóc giống như trái ổi kia kìa!
Nghe tôi nhắc khéo, nhỏ Thảo sực nhớ, liền chìa trái ổi ra:
- Tặng anh nè!
Tôi cầm lấy tặng vật không chút khách sáo:
- Để anh hái hoa tặng em nghen!
Nhỏ Thảo phụng phịu:
- Em hái ổi là để tặng anh chứ có phải để đổi lấy hoa đâu!
Lời trách móc của nhỏ Thảo khiến tôi cà lăm mất ba mươi
giây. Tới giây thứ ba mươi mốt, tôi nhe răng cười giả lả:
- Thì đây đâu phải là chuyện đổi chác! Tại anh biết em thích
hoa nên anh hái tặng em thôi!
Nói xong, không đợi cho nhỏ Thảo đồng ý hay không, tôi bước
dọc các luống hoa, hái cho nó một chùm to tướng, đủ cả đồng tiền, cẩm chướng và
các loại hoa hồng.
Nhỏ Thảo có vẻ bất ngờ trước món quà hậu hĩ này. Trước nay,
mỗi lần nhỏ Thảo xin hoa, tôi chỉ ngắt cho nó một cành và tất nhiên không phải
là cành đẹp nhất. Bữa nay tự nhiên thấy tôi rộng rãi khác thường nhỏ Thảo ôm
hoa mà mắt sáng rực:
- Anh cho em làm gì nhiều thế!
Tôi phẩy tay:
- Em cứ cầm về cắm chơi đi! Hoa phải cắm nhiều mới đẹp!
Giọng của tôi rõ là giọng của một chàng trai hào hiệp. Nhỏ
Thảo ôm bó hoa về mà lòng vẫn không hiểu tại sao một kẻ keo kiệt kinh niên như
tôi lại đột ngột trở nên hào phóng như thế. Nó có biết đâu bữa nay tôi đang rầu
thúi ruột. Tôi là con nhà buôn bán phế liệu, trót tơ tưởng đến tiểu thư con nhà
quyền quý, bị người ta khi nh rẻ, nên chui ra góc vườn nhà ngồi ngắm bóng chiều
rơi. Ba nhỏ Thảo làm nghề mộc, cũng một cảnh bần hàn như nhà tôi, nên trông
thấy nó lòng tôi bất giác nảy sinh một tình cảm gần gũi và tôi có tiếc chi một
chùm hoa tặng nó. Đó là chưa kể từ lúc trước đến giờ nhỏ Thảo luôn luôn
"thần phục" tôi. Tôi bảo gì nó làm nấy, không cãi lại nửa lời. Những
lúc ngứa ngấy tay chân hoặc bực bội trong lòng, tôi giở thói du côn cốc nó vài
cái cho đỡ buồn, nó cũng chỉ biết khóc và ôm đầu chạy về nhà chứ chẳng hề mách
lẻo với ai.
Nhỏ Thảo đúng là nhu mì thứ thiệt. Nó quý tôi và không hề coi thường tôi. Nó khác xa với
Cẩm Phô. Cẩm Phô không thèm mời tôi vô nhà. Nó sợ tôi làm bẩn nhà nó.
Phú ghẻ không biết mây đen đang giăng ngang đầu tôi. Sáng
hôm sau, vừa vô lớp nó đã huých cùi chỏ vào hông tôi:
- Cẩm Phô hỏi thăm mày kìa!
Tôi làm thinh. Phú ghẻ lại nói tiếp:
- Nó hỏi tao nhà mày ở đâu?
Tôi vẫn không nói không rằng.
Thái độ lầm lì của tôi khiến Phú ghẻ ngạc nhiên. Nó nhìn tôi
lom lom:
- Nó khen mày đẹp trai nhất thế giới!
Tôi nhăn mặt:
- Tao không giỡn à nghen!
Phú ghẻ trố mắt:
- Bữa nay mày làm sao vậy?
- Không làm sao hết! - Tôi nhún vai - Tao không quan tâm đến
Cẩm Phô, thế thôi!
- Nhưng nó quan tâm đến mày!
Tôi hừ mũi:
- Con nhỏ đó khinh người!
- Ai bảo mày vậy?
- Cần gì ai bảo! - Tôi nhếch mép - Nhà nó giàu, còn nhà tao
nghèo, đương nhiên là nó coi thường tao!
Phú ghẻ bắt đầu hiểu ra tâm sự của tôi. Nó hạ giọng:
- Không có đâu! Mày đừng nghi oan cho nó!
Tôi cay đắng:
- Hôm qua nó đâu có thèm mời tao vô nhà!
- Trời đất, làm sao nó mời mày vô nhà được! - Phú ghẻ kêu
lên - Tao ở sát rạt bên cạnh, nó còn không dám rủ qua chơi nữa là mày!
- Sao kỳ vậy? - Tới phiên tôi ngạc nhiên.
- Ông bà già nó còn "hắc ám" gấp mấy lần ông già
của mày! - Phú ghẻ thè lưỡi - Thằng nào xui xẻo bước vô nhà đó, đố mà ngồi được
lấy năm phút!
Tôi nuốt nước bọt:
- Bị đuổi hả?
- Đuổi thì không đuổi, nhưng ngồi lâu một chút là có chuyện
ngay!
Tôi nhếch mép:
- Ông già nó suỵt chó cắn?
- Tệ hơn vậy nữa! Khách đang ngồi nói chuyện, ông già nó đột
ngột bước ra, mặt mày lầm lì, tay cầm cái chổi lông.
- Nện vào đầu?
Phú ghẻ cười:
- Không. Ổng chỉ phủi bụi trên bàn thôi. Nhưng ổng nện rầm
rầm, bụi bay tứ tán. Khách hít bụi, ho sặc sụa, lập tức đứng dậy cáo từ.
- Và không bao giờ trở lại?
- Chứ gì nữa!
Sự tiết lộ của Phú ghẻ khiến tôi thở phào. Như vậy, Cẩm Phô
không phải là đứa khinh người. Nó không dám mời tôi vô nhà chỉ vì nó sợ ba mẹ
nó. Song với ba tôi, ba mẹ nó còn "cao thủ" hơn một bậc. Ba tôi cấm
tôi đàn đúm với bạn bè vì sợ tôi bê trễ việc học hành. Nếu tôi lỡ vi phạm ba
tôi cũng chỉ trút cơn bực tức lên đầu tôi chứ không đả động gì đến lũ bạn quỷ
quái kia. Ba Cẩm Phô lại khác. Ông sẵn sàng hạ nhục bạn của con mình để không
ai dám "đeo đuổi" và "quấy rầy" Cẩm Phô. Bữa đó nếu tôi
liều mạng xông đại vô nhà nó, chắc chỉ ba mươi giây sau tôi đã phải bỏ của chạy
lấy người! Thật hú vía!
Phú ghẻ còn cho tôi biết nhiều chuyện động trời khác. Nhà
Cẩm Phô có tất cả ba chị em. Cẩm Phiêu, chị cả, đã lập gia đình, hiện nay ở với
ông chồng gần bến xe thị trấn. Thằng Luyện là út, lại là con trai, nên được gia
đình cho đi chơi thoải mái. Chỉ riêng Cẩm Phô là bị canh giữ nghiêm ngặt. Ban
ngày Cẩm Phô còn được tự do đi lại chứ ban đêm thì đố có ra khỏi nhà được lấy
một bước. Ngày nào cũng như ngày nào, hễ ăn cơm tối xong là ba mẹ Cẩm Phô xách
ghế ra ngồi trước cửa, mỗi người trấn một bên, "nội bất xuất ngoại bất
nhập". Tụi con trai trong thị trấn gọi đùa là "thần giữ cửa".
Nghe Phú ghẻ kể, thoạt đầu tôi không tin:
- Vậy ai dám vô mua thuốc?
- Khách mua thì được! Còn bạn bè thì cấm tiệt!
- Nhưng ba mẹ nó đi làm "bảo vệ" hết, ai đứng bán?
Phú ghẻ hừ mũi:
- Mày ngốc quá! Nhà nó có một bà dì nữa!
Rồi thấy tôi vẫn lộ vẻ ngờ vực, Phú ghẻ nhún vai:
- Nếu không tin, tối nay mày chạy ngang nhà nó là biết liền!
Trước nay, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé chơi nhà Phú ghẻ buổi
tối nhưng lúc đó tôi chưa "để ý" Cẩm Phô nên chẳng đoái hoài gì đến
tiệm thuốc tây Hồng Phát. Vì vậy tôi chẳng rõ những thông tin mà Phú ghẻ cung
cấp có chính xác hay không.
Nhưng nỗi nghi ngờ của tôi chỉ tồn tại có một buổi chiều.
Tối đó, cỡi chiếc Huy Chương Vàng lượn ngang nhà Cẩm Phô, tôi mới biết Phú ghẻ
không bịa chuyện. Quả nhiên trước tiệm Hồng Phát, hai bên cửa có hai "vị
thần" đang ngồi thù lù, câm nín. Tôi chỉ đủ can đảm đưa mắt liếc một cái
rồi cắm cúi phóng vù qua, trống ngực đập thình thịch.
Hôm sau vừa thấy mặt tôi, Phú ghẻ hỏi liền:
- Quan sát "trận địa" chưa?
- Rồi.
- Thấy sao?
Tôi xuôi xị:
- Đúng y như mày nói!
Phú ghẻ vỗ vai tôi:
- Thấy chưa! Tao xạo mày làm gì! Nhưng mày cứ yên chí, có
tao "chốt" ngay bên hông nhà nó, khi cần tao sẽ "hỗ trợ"
cho mày!
Tôi chơi thân với Phú ghẻ bao lâu nay nhưng chưa bao giờ tình
bạn lại khiến tôi cảm động như thế này. Tôi cầm tay nó nịnh nọt:
- Mày tốt ghê!
Phú ghẻ thản nhiên:
- Vậy mà tốt lại với tao đi!
- Nghĩa là sao? -
Tôi trố mắt.
- Phú ghẻ cười hì
hì:
- Chiều nay đưa
chiếc Huy Chương Vàng cho tao chạy một vòng!