Trại hoa vàng - Chương 01

Lúc tôi buông thùng tưới xuống và ngồi thở hổn hển trên bậc
đá sau hè, mặt trời vẫn chưa mọc. Phương đông chỉ mới hửng sáng với những đám
mây treo lơ lửng cuối chân trời xa vừa kịp nhuộm hồng. Nhỏ Thảo nhà bên cạnh,
cũng dậy sớm như tôi, đang đốt lá ở cuối vườn. Khói lên nghi ngút khiến màn
sương buổi sớm chưa kịp tan đã trở nên dày đặc.

Trên ngọn hải đường lập lòe hoa đỏ sát hàng rào nhà nhỏ
Thảo, lũ chim sẻ chí chách gọi nhau hệt một bọn trẻ lắm mồm.

Tôi hít một hơi đầy lồng ngực và đưa mắt ngắm khoảnh vườn
của mình với vẻ trìu mến. Bên cạnh những đóa đồng tiền rực rỡ như những ngọn
pháo bông, những bông cẩm chướng e ấp một nét đẹp thùy mị, dịu dàng là những
đoá hồng xinh tươi và quí phái. Những cụm hoa chen nhau chiếm gần trọn nửa
khoảnh vườn.

Vườn nhiều loại hoa nhưng gần như chỉ một màu vàng. Hoa hồng
vàng và hoa đồng tiền vàng nở rộ khắp nơi. Gần Tết, lại có thêm màu vàng của
lay-ơn, thược dược và cúc đại đóa, những loài hoa chỉ hợp với khí hậu cuối năm.
Chấm phá trên cái nền vàng mênh mông của khu vườn là những bông cẩm chướng hồng
và tía, các đóa đồng tiền màu mào gà và màu cà rốt lẫn những đoá hồng phấn,
trắng, đỏ và một vài đoá có màu khói hương. Tất cả hoà lẫn vào nhau tạo nên một
bức tranh quyến rũ đến mức mỗi lần tưới nước xong tôi cứ ngồi thừ ra ngắm
nghía, quên cả chuyện vào nhà.

Trước đây tôi chẳng biết gì về hoa. Chỉ năm ngoái, khi theo
một đứa bạn về nhà nó chơi, tôi mới bị chinh phục bởi thú vui thanh nhã này. Ba
nó là một nghệ nhân chơi hoa nổi tiếng không chỉ trong thị trấn. Ông từng giành
được khá nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tài ở các hội hoa xuân. Trên
tường nhà ông treo đầy bằng khen và lủng lẳng vô số huy chương. Nhưng chính
vườn hoa bao quanh nhà ông mới khiến tôi trố mắt sững sờ. Những chậu thược dược
trổ hoa, bốn chục bông, những chậu hồng ra đủ các màu hoa, những gốc bồ đề và
vạn tuế lượn lờ, uốn éo thành đủ thứ hình thù kỳ dị, tất cả khiến tôi có cảm
giác như vừa đặt chân vào thế giới huyền bí của các loại kỳ hoa dị thảo.

Kể từ ngày đó, tôi tập tành chơi hoa. Lúc đầu không có tiền,
tôi chỉ dám trồng dăm bụi đồng tiền, vài hàng thược dược. Dần dà tôi trồng thêm
những loại hoa khác. Để thỏa mãn ham thích ngày một tăng của mình, tôi bắt đầu
rình rập đánh cắp tiền của mẹ tôi.

Mẹ tôi mở quán giải khát ngay trước nhà. Tiền bạc thu vào
đều bỏ trong ngăn kéo đằng sau quầy, cuối ngày mẹ tôi mới lôi ra đếm lại sau
khi xếp từng tờ phẳng phiu, cẩn thận. Ngăn kéo không khóa, do đó tôi tha hồ giở
trò đạo tặc. Thường, tôi không đủ thời giờ lẫn can đảm để quan sát và chọn lựa.
Kéo ngăn kéo một cái "rột", tôi thò tay quơ vội một nắm giấy bạc rồi
giấu tay vào trong áo, tôi ba chân bốn cẳng lẩn ngay vào nhà cầu và sau khi
chốt cửa lại cẩn thận, tôi mới thong thả giở ra đếm.

Đi đêm lắm có ngày gặp ma, có lần tôi vừa thó một mớ tiền
chưa kịp giấu vào dưới vạt áo thì bị ba tôi bắt gặp. Kết quả là tôi bị một trận
đòn quắn đít, đau thấu trời xanh. Nếu lần đó mẹ tôi không khóc lóc năn nỉ khiến
ba tôi ngừng tay, chắc hai mông tôi dẹp lép như quả chuối ép.

Nhưng trong cái xui bao giờ cũng kèm theo cái hên. Sau trận
đòn đó, nghe tôi khai tôi đánh cắp tiền chỉ để mua hoa, mẹ tôi bỗng thương tình
nên từ đó về sau mẹ thường giấu ba giấm giúi tiền cho tôi. Có lẽ mẹ tôi nghĩ
thà để tôi bận bịu với thú trồng hoa còn hơn là để tôi suốt ngày đàn đúm với
bạn bè thọc biđa, kết băng kết đảng rủ nhau đánh lộn hoặc tiêu phí thì giờ vào
những trò lăng nhăng khác. Ba tôi trước sau vẫn chẳng ưa gì cái trò hoa cỏ vô
tích sự của tôi. Chỉ đến Tết năm rồi, khi tôi bán được mấy mươi chậu thược dược
và cả trăm nhành lay-ơn lấy tiền mua sách vở và sắm cho nhỏ Châu, em gái tôi,
một cái cặp xách thì ba tôi mới bớt thờ ơ với khoảnh vườn của tôi. Thỉnh
thoảng, vào những buổi chiều rảnh rỗi không phải nấu đồng nấu sắt - ba tôi làm
nghề mua bán phế liệu - ông bắc ghế ra ngồi ngoài vườn, gật gù thưởng thức
"công trình" của tôi. Nhưng đó là những lúc ba tôi vui vẻ, thư thái.
Còn những khi trong lòng bực bội hay có chuyện lo nghĩ, ông lại nhớ ra chuyện
học hành lẹt đẹt của tôi, thế là ông lại đâm cáu:

- Cái thằng đầu bò này, học hành không lo, suốt ngày cứ hoa
với lá! Có ngày tao đốt sạch hết cái đám cây cỏ của mày cho coi!

Đầu óc tôi vốn không được thông minh lắm, học hành năm nào
cũng dở dở ương ương, nên mỗi khi điên tiết tôi chuyện gì, ba tôi thường gọi
tôi là "thằng đầu bò". Tôi ức lắm, nhưng nghe riết rồi cũng thấy quen
tai.

Đang mơ màng nghĩ chuyện đâu đâu, tôi bỗng giật bắn mình bởi
một tiếng gọi sát bên tai:

- Ê! Tôi ngoảnh lại, thấy nhỏ Thảo đứng sát hàng rào dòm
sang. Một tay cầm chổi, một tay cầm trái ổi chìa ra phía trước, nó cười tươi:

- Cho anh nè!

Tôi vốn háu ăn, thấy ổi là chảy nước miếng, liền mở cửa rào
chạy sang.

- Ổi đâu vậy?

Tôi hỏi cho có chuyện chứ thực ra tôi biết tỏng nhỏ Thảo hái
ổi trong vườn. Cuối vườn nhà nó có năm, sáu cây ổi, cây nào cây nấy trĩu trái,
tối tối tôi vẫn hay chui rào qua hái trộm.

Cầm trái ổi to tổ bố trên tay, tôi xúc động quá chừng, bèn
nghĩ cách tạ ơn nó:

- Em đợi anh chút!

Nói xong, tôi chạy về nhà ngắt một nhánh hoa hồng rồi hí
hửng cầm sang:

- Tặng em đấy!

Nhỏ Thảo đón lấy món quà của tôi bằng cặp mắt long lanh. Nó
trầm trồ:

- Ôi, đẹp quá!

Tôi rộng rãi:

- Em cứ cắm chơi đi! Khi nào nó tàn, anh sẽ cho em nhánh hoa
khác!

Nhỏ Thảo rất thích hoa hồng. Hồi tôi mới chơi hoa, nó thường
chạy sang tò mò ngắm nghía. Thỉnh thoảng nó còn phụ tôi bón phân, tỉa lá. Trước
đây, tôi không bao giờ thèm chơi với nó. Nó nhỏ hơn tôi hai tuổi, tôi coi nó là
đồ nhóc tì chưa biết mặc quần. Hơn nữa, ba tôi không muốn tôi chơi thân với ai,
cả bạn trai lẫn bạn gái. Ông cứ sợ tôi chơi với bạn sẽ đâm ra hư đốn, bỏ bê học
tập. Mỗi lần thấy tôi đi học về trễ, ông không cần biết vì lý do gì, cứ trợn
mắt hăm he: "Mày cặp kè đi chơi lông bông với mấy thằng ôn đó, có ngày tao
lột quần đuổi mày ra khỏi nhà". Ba tôi đã nói là làm. Năm ngoái, ông đã xé
quần tôi rách teng beng một lần, về cái tội tôi mải đánh biđa với lũ bạn bỏ cả
cơm trưa.

Nhưng nhỏ Thảo thuộc diện ngoại lệ. Nó cùng tuổi với nhỏ
Châu em gái tôi nên ba tôi không liệt nó vào hạng bạn bè mà tôi có thể đàn đúm
rồi đi đến chỗ hư hỏng cuộc đời. Vả lại, nó ở sát nách nhà tôi. Đối với hàng
xóm láng giềng, chích sách "cấm vận" của ba tôi có phần nới lỏng hơn.
Vì vậy, nhỏ Thảo tha hồ chạy qua chạy lại và tha hồ bị tôi sai vặt.

Hồi mới quen, nhỏ Thảo cứ tò tò đi theo tôi xin hoa hồng.
Nhưng tôi cứ một mực từ chối. Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, nếu tặng, tôi
sẽ tặng cho con nhỏ nào đó học cùng lớp chứ chẳng có lý gì lại tặng cho con
nhãi hỉ mũi chưa sạch này. Tôi sai nó đã đời và chỉ trả công cho nó bằng những
bông đồng tiền. Nó nhận hoa mà mặt cứ xịu xuống.

Mãi về sau này, tôi mới phá lệ tặng cho nó mấy bông hồng
héo. Nhỏ Thảo tính tình hiền lành. Nhìn những đóa hồng sắp ngủm trên tay tôi,
nó rơm rớm nước mắt nhưng không dám từ chối. Chỉ đến hôm nay, tưới nước một hồi
đói bụng, thấy trái ổi to đùng trước mặt tôi cầm lòng không đậu, mới hào phóng
tặng cho nó một đóa hồng tươi nguyên.

Tôi ngồi bệt xuống bậc đá định giơ trái ổi lên cạp thì bỗng
nghe tiếng "suỵt" khẽ nơi cửa rào. Tôi ngó ra thấy mái tóc bù xù của
thằng Cường đang lấp ló. Nó ngoắt tôi, khẽ giọng:

- Chuẩn!

Tôi ném trái ổi vô thùng tưới, chạy ra:

- Mày đi đâu sớm vậy?

- Tao đi bỏ bánh mì. Xong rồi, ghé mày chơi!

Tôi mở cửa rào:

- Vô đi!

Nó lấm lét ngó quanh:

- "Ông già hắc ám" của mày có nhà không?

"Ông già hắc ám" là biệt danh tụi bạn gán cho ba
tôi. Lúc đầu nghe tụi nó gọi như vậy, tôi chửi tụi nó te tua. Nhưng chẳng đứa
nào chịu sửa. Riết rồi tôi đâm chán, mặc tụi nó muốn gọi gì thì gọi. Vả lại, ba
tôi cũng có vẻ thích hợp với biệt danh đó lắm lắm.

Nhìn cặp mắt láo liên của Cường, tôi phì cười:

- Tao không biết! Hình như ba tao còn ở trỏng!

- Vậy thì tao đứng đây!

Vừa nói, Cường vừa siết chặt ghi đông xe. Làm như nó sợ
buông tay ra, tôi sẽ đẩy nó vào buồng ba tôi hay sao đấy!

Không riêng Cường, đứa bạn nào ghé nhà tôi cũng thậm thà
thậm thụt như vậy. Nhà tôi nằm ngay khúc ngoặt của một con đường nhỏ, kế một
con hẻm. Mặt tiền trông ra đường, là quán nước của mẹ tôi. Khu vườn phía sau
chạy dọc theo con hẻm. Bên kia hẻm là nhà nhỏ Thảo. Cửa vườn mở phía sau, chẳng
liên quan gì đến cửa trước. Thỉnh thoảng bạn bè ghé thăm tôi, đạp vù một cái,
chui tọt vào hẻm, quanh ra sau vườn, ba mẹ tôi ít khi trông thấy.

Nhưng tụi bạn chỉ đứng thập thò ngoài cửa rào ngoắt tôi ra.
Chẳng đứa nào chịu đặt chân vào bên trong. Nói chung, bộ mặt lầm lì của ba tôi
khiến tụi nó khiếp vía.

Cường khều tôi:

- Lát nữa mày rảnh không?

- Chi vậy?

- Đi tắm sông với tụi tao!

- Mấy đứa bên Huỳnh Thúc Kháng.

Huỳnh Thúc Kháng là trường mới của Cường. Năm ngoái tôi với
nó cùng học chung lớp chín trường Trần Quốc Toản. Thi tốt nghiệp phổ thông cơ
sở xong, tôi thi vào trường Trần Cao Vân, còn nó thi vào trường Huỳnh Thúc
Kháng. Trong các kỳ thi tuyển vào lớp mười, điểm chuẩn của trường Trần Cao Vân
là 10,5 còn điểm chuẩn của trường Huỳnh Thúc Kháng là 8. Do đó, học sinh trong
thị trấn mặc nhiên xem trường Trần Cao Vân có giá hơn trường Huỳnh Thúc Kháng.
Tụi học sinh Trần Cao Vân ra đường gặp tụi Huỳnh Thúc Kháng mặt cứ hếch lên
trời. Vì vậy mà hai bên không ưa nhau, thỉnh thoảng lại xảy ra những trận đập
lộn nảy lửa khiến cảnh sát phải xách dùi cui rượt chạy tóe khói.

Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh hai trường đều xem
nhau như kẻ tử thù. Có những cặp chơi thân với nhau từ hồi cấp hai, lên cấp ba
dù tách trường vẫn quan hệ mật thiết với nhau. Như tôi với thằng Cường chẳng
hạn. Nhưng dù thân với nó cách mấy, tôi vẫn lắc đầu trước lời rủ rê hấp dẫn của
nó:

- Tao không đi được!

Cường khịt mũi:

- Sao vậy? Lấy chiếc Huy Chương Vàng chở tao lượn một vòng
cho tụi Huỳnh Thúc Kháng lé mắt chứ?

Nghe Cường nhắc tới chiếc Huy Chương Vàng, tôi toét miệng
cười. Nhưng rồi mặt tôi lại xịu ngay xuống:

- Bữa nay ba tao không cho tao ra khỏi nhà! Ngày mai tựu
trường rồi, tao phải ở nhà chuẩn bị tập vở!

Cường nheo mắt:

- Lát nữa mày xuống nhà nội mày ăn sáng rồi len lén chuồn
đi, ba mày làm sao biết được!

Cái thói "xuống nhà nội ăn sáng" của tôi, mấy đứa
bạn thân đứa nào cũng biết. Tiền mẹ tôi cho tôi ăn sáng, thường thường tôi giếm
kỹ, để giành mua hoa hoặc đi chơi với bạn bè. Sáng sáng, tôi kiếm cớ xuống chơi
nhà nội, quẩn quanh chờ "ăn chực". Nội tôi rất thương tôi. Hễ thấy
tôi ló mặt vào, nội tôi bao giờ cũng hỏi: "Cháu ăn gì chửa". Chỉ chờ
có vậy, tôi hí hửng lắc đầu và sau đó thế nào tôi cũng có một tô cháo lòng hoặc
một tô bún giò. Tụi bạn thường đem chuyện đó ra chọc tôi. Mỗi lần rủ tôi về nhà
ăn giỗ, tụi nó thường ỡm ờ:

- Chiều mai nhớ ghé nhà tao "ăn sáng" nghen!

Nhưng sáng nay, Cường không có vẻ gì muốn trêu tôi. Nó chỉ
muốn tôi lấy chiếc Huy Chương Vàng cáu cạnh của tôi chở nó xuống bờ sông.

Tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy:

- Không được đâu! Ba tao mà biết được, ổng sẽ treo tao lên
xà nhà!

Thấy tôi đem ba tôi ra hù, Cường không dám nài nỉ nữa. Nó
dòm dáo dác một hồi rồi nhún vai huýt sáo bỏ đi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3