Thảo nguyên - Chương 5
V.
ĐOÀN XE ĐỖ LẠI cách thôn một quãng, bên một bờ sông.
Nắng vẫn thiêu đốt như hôm qua, không khí cũng im lìm và uể oải. Trên bờ
có mấy cây liễu, nhưng bóng cây không hắt xuống mặt đất mà lại ngả
xuống dòng nước một cách phí hoài, còn trong bóng râm ở phía dưới mấy
chiếc xe thì ngột ngạt mà chán lắm. Dòng nước sông, xanh biếc vì phản
chiếu màu trời, có sức hấp dẫn mãnh liệt.
Có một anh đánh xe trẻ
mà bây giờ Iegoruska mới để ý tới là Xtépka, một thanh niên người
Ucraina mới mười tám tuổi, mặc áo sơ mi vạt dài, không thắt lưng, quần
rộng ống không cho vào ủng nên khi đi nó cứ bay lất phất như hai lá cờ.
Anh ta nhanh nhẹn cởi áo quần, chạy theo bờ sông dốc đứng và nhảy tùm
xuống sông. Anh ta ngụp xuống nước ba lần, rồi ngoi lên nằm ngửa trên
mặt nước và nhắm mắt lại, vẻ khoái chí. Gương mặt anh ta vừa tươi cười
vừa nhăn nhó, như thể đang vừa buồn nhột, vừa đau lại vừa buồn cười.
Vào
một ngày nóng nực, khi người ta không biết chui vào đâu cho đỡ nóng và
đỡ ngạt, tiếng nước vỗ róc rách và tiếng thở phì phò của người đang tắm
nghe dễ chịu như một điệu nhạc du dương. Đưmốp và Kiriukha nhìn Xtépka,
nhanh nhẹn cởi áo quần; rồi cất tiếng cười hớn hở thưởng thức trước cái
thú sắp tới, và lần lượt lao xuống nước. Thế là con sông yên tĩnh, bình
lặng bỗng vang ầm tiếng thở phì phò, tiếng nước khua động và tiếng reo
hò của họ. Kiriukha ho sặc sụa, cười và la hét inh ỏi như thể đang bị ai
dìm nước, còn Đưmốp thì đuổi theo hắn và cố bắt lấy chân hắn.
- Hê hê hê! - Đưmốp quát. - Bắt lấy nó, giữ nó lại!
Kiriukha
cười, ra chiều thích thú lắm, nhưng vẻ mặt của hắn vẫn như hồi nãy ở
trên cạn: đờ đẫn, ngơ ngác, trông như thể có ai vừa lén tới sau lưng hắn
và nện chày vồ lên đầu hắn. Iegoruska cũng cởi áo quần, nhưng không tụt
xuống theo lối bờ sông, mà lại chạy lấy đà lao mình xuống nước từ một
chỗ cao một xagien rưỡi. Nó lao mình thành một đường vòng cung trên
không rồi đâm đầu xuống nước. Nó chìm xuống khá sâu nhưng vẫn không chạm
đáy; một sức mạnh mát mẻ và êm ái dễ chịu trùm lấy nó và nâng nó trở
lên mặt nước. Nó nhô lên, thở phì phì phun ra một đám bong bóng, rồi mở
mắt; nhưng vừa sát mắt nó, ánh mặt trời loang loáng phản chiếu trên mặt
nước. Ban đầu là những tia sáng chói lòa, rồi đến những chiếc cầu vồng
ngũ sắc và những vệt tối diễn qua tròng mắt nó; nó vội vã ngụp xuống mở
mắt ở dưới nước và trông thấy một cái gì xanh đùng đục, giống như bầu
trời vào một đêm trăng. Cái sức mạnh ban nãy lại không để nó lặn xuống
đến tận đáy cho mát một chút, cứ nâng nó lên, nó đành ngoi lên khỏi mặt
nước và thở một hơi dài đến nỗi không những trong lồng ngực mà ngay cả
trong bụng cũng thấy mát rợi. Rồi để tận hưởng tất cả những gì nước sông
có thế đem lại cho nó, Iegoruska tự cho phép mình làm đủ trò sang
trọng: nó nằm ngửa ra trên mặt nước và uể oải lắng nghe cái cảm giác đê
mê đang thấm vào người, nó đẩy cho nước bắn tung lên trời, rồi lộn vòng,
bơi sấp, bơi nghiêng, bơi ngửa, bơi đứng - cứ thế tha hồ mãi cho đến
khi mệt lử ra mới thôi. Bờ sông bên kia lau mọc rất dày, óng ả dưới ánh
nắng, và những bông lau xinh đẹp nghiêng mình, trên dòng nước trông như
những ngòi bút lông. Bỗng ở một nơi thấy khóm lau rung động, hoa rạp
xuống, kêu răng rắc - đó là Xtépka và Kiriukha đang đánh tôm.
- Tôm đây! Anh em trông này: con tôm! - Kiriukha hân hoan reo lên và đưa ra một con tôm thật.
Iegoruska
bơi về phía khóm lau, lặn xuống và bắt đầu sờ soạng quanh các gốc lau.
Lần mò trong lớp bùn loãng nhầy nhụa, nó chạm tay phải một cái gì sắc
nhọn và ghê ghê, có lẽ là một con tôm thật, nhưng vừa lúc ấy có ai nắm
lấy chân nó kéo lên trên. Ho sặc sụa vì hớp phải nước, Iegoruska mở mắt
nhìn và trông thấy cái mặt ướt át đang cười nhăn nhó của Đưmốp tinh
nghịch. Hắn thở phì phò rất mạnh, và cứ nhìn vào mắt hắn cũng có thể
thấy rõ là hắn còn muốn bày trò nghịch ngợm nữa. Hắn nắm chân Iegoruska
rõ chắc và đã giơ tay kia ra để nắm lấy cổ nó, nhưng Iegoruska sợ hãi
như thể gặp phải một vật gì kinh tởm và như có ý lo rằng tên vũ phu này
sẽ dìm nó chết mất, nó vùng vẫy cố gỡ ra và nói luôn một thôi:
- Đồ mất dạy! Tao đánh vỡ mõm ra bây giờ!
Cảm thấy nói như vậy chưa đủ diễn đạt nỗi căm ghét, nó lại nghĩ một lát và nói thêm:
- Đồ khốn nạn! Đồ chó đẻ!
Nhưng
Đưmốp lúc bấy giờ đã lại thản nhiên như không, hình như không còn để ý
gì đến Iegoruska nữa. Hắn bơi về phía Kiriukha kêu to lên:
- Ê-ê-ê này! Ta đánh cá đi! Anh em ơi, đánh cá nào!
- Chứ còn gì nữa? - Kiriukha tán đồng. - Ở đây chắc nhiều cá lắm...
- Xtépka, chạy vào làng mượn cái lưới đi!
- Họ chẳng cho mượn đâu.
- Cho đấy! Cậu nói khó một chút! Cậu cứ bảo là họ hãy vì Chúa mà cho chúng mình mượn, vì chúng mình cũng như kẻ hành hương.
- Đúng đấy!
Xtépka
lên bờ, nhanh nhẹn mặc quần áo vào và đầu không đội mũ, hai ống quần
rộng thùng thình tung lên phấp phới, hắn chạy vào làng.
Sau cuộc xung đột với Đưmốp, Iegoruska không còn thấy nước có gì là thú vị nữa. Nó lên bờ và bắt đầu mặc quần áo.
Lão
Pantelây và Vaxia ngồi trên bờ sông dốc đứng, chân buông thõng xuống,
nhìn mấy người đang tắm. Emelian trần truồng đứng ở sát bờ, nước lên đến
đầu gối, một tay túm lấy bụi cỏ cho khỏi ngã, còn tay kia vuốt vuốt lên
mình. Với hai cái xương bả vai nhô rõ ra, với cái mụn cóc ở dưới con
mắt, người cúi lom khom và rõ ràng là có ý sợ nước, anh ta làm thành một
hình ảnh khá buồn cười. Vẻ mặt anh ta nghiêm trang, khắc khổ. Anh ta
nhìn dòng nước một cách cau có như thể sắp sửa chửi mắng nó về cái tội
đã làm cho anh ta cảm lạnh ở sông Đônét, mất cả giọng hát.
- Sao chú không tắm hả chú? - Iegoruska hỏi Vaxia.
- Chẳng sao cả... Không thích... - Vaxia đáp.
- Sao cằm chú sưng lên thế?
-
Nó bị đau... Trước tôi làm ở nhà máy diêm, cậu ạ... Ông bác sĩ có nói
rằng chính vì làm ở đấy mà tôi bị sưng hàm lên thế này. Không khí ở đấy
độc lắm. Ngoài tôi ra còn có ba cậu bị sưng hàm, một cậu hàm bị thối
loét cả ra.
Một lát sau Xtépka mang lưới về. Đưmốp và Kiriukha
ngâm nước quá lâu, người tím lại, giọng khản đặc, nhưng vẫn hào hứng
xông vào đánh cá. Lúc đầu hai người đi theo chỗ nước sâu, dọc đám sậy,
Đưmốp thì nước ngập ngang cổ, còn Kiriukha người thấp bé, thì nước lút
đầu; hắn cứ sặc sụa, phun ra từng đám bong bóng trong khi Đưmốp vấp chân
phải những cái rễ cây gai góc, chốc chốc lại ngã và vướng vào lưới. Cả
hai gã đều vùng vẫy nhặng xị lên, rốt cục cái cuộc đánh cá của họ chung
qui chỉ là một trò đùa nghịch.
- Sâu quá, - Kiriukha nói, giọng khản đặc. - Chẳng bắt được con nào đâu!
- Đừng có kéo, đồ quỷ! - Đưmốp quát, cố cầm cái lưới cho đúng chiều. - Phải cầm hai tay chứ!
-
Đánh ở đấy thì chẳng được con nào đâu! - lão Pantelây đứng trên bờ quát
mắng. - Chỉ tổ làm cho cá nó sợ, rõ ngốc. Đi sang bên trái ấy! Ở đấy
cạn hơn!
Có một lần trên chiếc lưới thấy một con cá khá to nhảy
hoảng lên; ai nấy đều ồ lên một tiếng. Đưmốp giáng quả đấm vào cái chỗ
con cá vừa lặn xuống, gương mặt lộ vẻ bực bội.
- Chà! - lão Pantelây giẫm chân thốt lên. - Để sổng con cá rồi! Thế là mất!
Rẽ
sang bên trái, Đưmốp và Kiriukha dần dần đi ra chỗ nông, và đến đây mới
bắt đầu một cuộc đánh bắt thực sự. Họ kéo lưới đi chừng ba trăm bước,
có thể thấy rõ họ im lặng nhích đi từng tí một, cố rê lưới thật sâu và
thật gần đám sậy, vừa kéo vừa đập nắm tay xuống nước và xua vào lau sột
soạt để cho cá sợ mà chạy vào lưới. Từ khóm sậy họ chuyển sang bờ bên
kia kéo lưới, rồi có vẻ thất vọng quay trở lại đám sậy, cứ mỗi bước lại
nhảy cao đầu gối lên. Họ vừa đi vừa nói với nhau những gì không nghe rõ.
Nắng dọi vào lưng họ, ruồi nhặng bâu vào cắn họ, và mình mẩy họ đang
màu tím chuyển sang màu đỏ thắm. Xtépka cầm cái gàu đi theo sau lưng họ,
áo sơ mi vén lên tận nách, miệng cắn vạt áo cho khỏi tuột xuống. Cứ
được mẻ gì là họ giơ cao con cá vừa bắt được, lúc lắc cho nó ánh lên
dưới nắng, reo to:
- Xem con cá rô to không này! Đã bắt được năm con như thế rồi đấy!
Có
thể thấy rõ Đưmốp, Kiriukha và Xtépka cứ sau mỗi mẻ lưới lại bới bới
hồi lâu trong bùn, bỏ cái gì vào xô, vứt ra ngoài những vật gì đấy;
thỉnh thoảng họ lại lấy cái gì ở trong lưới ra chuyền tay nhau xem xem
ngắm ngắm có vẻ tò mò, rồi cũng vứt đi nốt...
- Cái gì đấy hả! - Ở trên bờ quát to lên hỏi họ.
Xtépka
trả lời một câu gì đấy, nhưng khó mà nghe hắn nói gì. Thế rồi hắn leo
lên bờ, bưng cái xô bằng cả hai tay, quên buông vạt áo xuống. Hắn chạy
tới chỗ đoàn xe.
- Đầy rồi, - hắn vừa nói vừa thở hổn hển. - Cho cái nữa đây!
Iegoruska
nhìn vào cái xô. Nó đã đầy ắp. Từ dưới nước ngoi lên cái mõm xấu xí của
một con cá măng còn non, xung quanh lúc nhúc những con tôm và những con
cá nhép. Iegoruska vục tay xuống tận đáy xô và khuấy nước lên; con cá
măng lẩn xuống dưới đám tôm tép. Thế chân cho nó trên miệng xô là một
con cá rô vược và một con cá hanh. Vaxia cũng nhòm vào xô. Mắt anh ta
long lên, và gương mặt anh ta lại có cái vẻ âu yếm dịu dàng như khi
trông thấy con cáo đang rỡn nô. Anh ta lấy trong xô ra một vật gì, bỏ
vào mồm nhai rau ráu.
- Anh em ơi, - Xtépka ngạc nhiên kêu lên, - Vaxia nó ăn cá bống sống! Eo ôi kinh quá!
- Không phải là cá bống mà là cá lèn, - Vaxia bình thản trả lời và cứ nhai tiếp.
Hắn
rút trong miệng ra một cái đuôi cá nhỏ, âu yếm ngắm nó rồi lại bỏ
vào mồm. Trong khi hắn nhai cá rau ráu, Iegoruska có cảm giác hắn không
phải là người nữa. Cái cằm sưng vù của Vaxia, đôi mắt đùng đục, cái nhìn
tinh tường lạ lùng của hắn, cái đuôi cá, và cái vẻ âu yếm của hắn trong
khi nhai con cá sống khiến cho hắn giống như một con vật.
Iegoruska
đứng bên Vaxia đã thấy chán. Vả lại cuộc đánh cá cũng đã kết thúc. Nó
đi dọc theo đoàn xe, bâng khuâng nghĩ ngợi, rồi chẳng biết làm gì cho đỡ
chán, nó rẽ về phía làng.
Một lát sau nó đã đứng trong nhà thờ,
và trán tì vào lưng một người nào đấy sực nức mùi gai dầu, nó lắng nghe
tiếng hát trên chỗ ban hát vẳng xuống. Buổi lễ đã gần kết thúc.
Iegoruska vốn không biết nghe hát lễ. Nó dửng dưng nghe một lát, ngáp
dài rồi bắt đầu đưa mắt ngắm gáy và lưng những người xem lễ. Có một cái
gáy màu hung đỏ, hãy còn ướt vì mới tắm xong. Nó nhận ra đó là gáy của
Emelian. Cái gáy húi thành vòng cung và húi hơi cao quá; hai bên thái
dương cũng húi quá cao, thành thử hai cái tai đỏ ối của Emelien cứ vểnh
ra như hai cái lá ngưu bàng và hình như cảm thấy mình mọc không đúng
chỗ. Nhìn cái gáy và hai cái tai ấy, không hiểu tại sao Iegoruska cứ
nghĩ rằng chắc hẳn Emelian rất khổ sở. Nó nhớ lại những động tác đánh
nhịp của Emelian, cái giọng khản đặc của anh ta, cái vẻ e dè của anh ta
khi tắm, và cảm thấy thương hại anh ta. Nó muốn nói một câu gì thật ôn
tồn thân ái với anh:
- Tôi đứng đây này! - nó kéo ống tay áo Emelian nói.
Những
người hát giọng nam cao hay giọng trầm trong dàn hợp xướng, nhất là
những người đã từng chỉ huy hợp xướng dù cả đời chỉ được một lần, thường
có thói quen nhìn trẻ con một cách nghiêm khắc và thiếu thân thiện. Sau
khi bỏ nghề hát họ cũng vẫn giữ cái thói quen này. Ngoảnh về phía
Iegoruska, Emelian gườm gườm nhìn cậu bé nói:
- Trong nhà thờ không được quấy!
Một
lát sau, Iegoruska mon men nhích gần đến chỗ đặt các tượng thánh. Ở đây
nó được trông thấy những con người rất lạ mắt. Đứng ở hàng đầu, trên
tấm thảm ở bên phải có hai ông bà quý phái. Sau lưng họ có hai chiếc ghế
tựa để sẵn cho họ ngồi. Người đàn ông mặc một bộ quần áo đũi mới là,
đứng im phăng phắc như một quân nhân đang bồng chào, cái cằm cạo xanh
biếc vểnh cao lên. Trong cái cổ cồn dựng đứng, trong cái cằm xanh biếc,
trong cái đầu hơi hói và trong chiếc can ông ta cầm, người ta cảm thấy
có rất nhiều khí thế uy nghi. Vì quá uy nghi như vậy cho nên cái cổ ông
ta rướn thẳng, cái cằm ông ta vểnh lên một cách mãnh liệt đến nỗi người
ta có cảm giác như đầu ông ta chỉ chực hễ có dịp là sẽ rứt ra khỏi người
và bay vút lên. Còn người đàn bà quý phái thì béo tốt và đã có tuổi,
vai khoác chiếc khăn san bằng lụa trắng, đầu nghiêng sang một bên, trông
như thể vừa mới giúp ai việc gì và đang muốn nói: “Ồ, có gì đâu mà phải
cảm ơn cho phiền. Tôi không thích thế đâu...” Xung quanh tấm thảm, đám
người Ucraina đứng chen nhau thành một bức thành dày đặc.
Iegoruska
mon men lại gần chỗ đặt các tranh tượng và bắt đầu hôn các tượng thánh
địa phương. Trước mỗi bức tượng nó đều thong thả cúi lạy sát đất, nhân
thể liếc nhìn những người đứng ở phía sau, rồi mới đứng dậy hôn. Cho
trán chạm xuống sàn nhà thờ mát lạnh, nó thấy thích lắm. Khi từ sau bàn
thờ ông khán tay cầm cái kẹp dài bước ra để tắt nến, Iegoruska nhanh
nhẹn đứng phắt dậy và chạy đến cạnh ông hỏi:
- Đã phát bánh thánh chưa thế bác?
- Chưa, chưa... - ông khán làu bàu. - Mày còn ở đây làm gì...
Buổi
lễ đã xong. Iegoruska thong thả ra khỏi nhà thờ và đi lang thang lên
quảng trường. Từ bé nó đã được trông thấy không ít những làng mạc, quảng
trường và nông dân cho nên những cảnh giờ đây bày ra trước mắt nó,
không hề làm cho nó thấy thú vị chút nào. Chẳng biết làm gì cho qua thì
giờ, nó ghé vào một cửa hiệu trên cửa có treo một tấm biển rộng màu đỏ
tươi. Cái cửa hiệu chia ra làm hai gian rộng và tối; một gian bán vải và
hàng tạp hóa, còn gian kia thì bày những cái thùng tròn đựng hắc ín,
trên trần treo những cái vòng cổ ngựa; từ gian này bốc lên mùi da và mùi
hắc ín dễ chịu. Sàn cửa hiệu vừa được té nước; người té nước chắc phải
là một tay tài tử khá ngông nghênh, vì nước được té thành những hoa văn
ngoằn ngoèo và những dấu hiệu bí ẩn trông như bùa chú. Sau cái quầy hàng
có một ông chủ hiệu béo tốt tỳ bụng vào quầy, khuôn mặt rộng, râu quai
nón tỉa thành vòng cung, hình như là người Nga. Ông ta đang uống trà có
nhấp đường, cứ uống một ngụm lại thở ra một hơi rõ dài. Mặt ông ta tỏ vẻ
bình thản hoàn toàn, nhưng trong mỗi tiếng thở dài đều có thể nghe rõ
cái ý: “Liệu hồn rồi sẽ biết tay ta!”
- Cho tôi một kôpếch hạt hướng dương! - Iegoruska nói với ông chủ.
Ông
chủ nhướng đôi lông mày lên, rồi quay đi ra phía ngoài và trút vào túi
Iegoruska một kôpếch hạt hướng dương đong bằng cái bình đựng sáp bôi môi
cũ. Iegoruska chưa muốn đi. Nó ngắm nghía hồi lâu những chiếc thùng
đựng bánh nướng, ngẫm nghĩ một lát rồi chỉ mấy chiếc bánh nướng được làm
ở thị trấn Viadma nhỏ, để lâu năm đã mốc cả ra:
- Bánh này bán bao nhiêu?
- Một kôpếch một đôi.
Iegoruska thò tay vào túi lấy ra cái bánh nướng của mụ Do Thái cho tối hôm qua, hỏi:
- Thế loại bánh như thế này thì ông bán bao nhiêu?
Ông chủ hiệu cầm lấy chiếc bánh, ngắm đủ bốn phía rồi giương cao một bên lông mày trái lên.
- Bánh này, - ông chủ hỏi lại.
Sau đó ông chủ nhướng cao bên lông mày phải lên, suy nghĩ và đáp lại:
- Ba kôpếch một đôi...
Hai bên im lặng một lát.
- Cậu là con nhà ai? - ông chủ hiệu vừa hỏi vừa rót trà trong cái bình bằng đồng đỏ ra chén để uống tiếp.
- Tôi là cháu ông Ivan Ivanứts.
-
Ivan Ivanứts cũng có dăm bảy loại khác nhau, - ông chủ hiệu thở dài,
ông ta nhìn ra cửa qua đầu Iegoruska, im lặng một lát rồi hỏi - Cậu có
uống trà không?
- Có lẽ có... - Iegoruska ưng thuận một cách hơi miễn cưỡng, tuy đang thèm chén trà buổi s
Ông
chủ hiệu rót cho nó một cốc và đưa thêm cho nó một miếng đường đã gặm
dở. Iegoruska ngồi lên chiếc ghế xếp và bắt đầu uống. Nó còn muốn hỏi
xem một lạng hạnh nhân ngào đường bán bao nhiêu, nhưng nó mới ướm hỏi
thì có khách đến mua hàng, ông chủ hiệu đặt chén trà sang một bên ra
tiếp. Ông ta đưa người khách vào gian có mùi hắc ín và bàn bạc với khách
một hồi lâu, không biết chuyện gì. Ông khách này chắc là người rất ương
ngạnh và tự thị, cứ lắc đầu quầy quậy tỏ ý bất đồng và chỉ chực quay
gót bỏ đi. Ông chủ khuyên nhủ người khách và bắt đầu đổ kiều mạch vào
bao to.
- Kiều mạch mà thế này à? - ông khách nói tiếng Ucraina,
giọng buồn rười rượi. - Không phải kiều mạch, mà là kiều mạch cặn, gà nó
cũng thèm vào... Thôi, đành đến hiệu Bonđalenkô vậy!
Khi
Iegoruska trở ra sông, trên bờ đã có một bếp lửa bốc khói nghi ngút. Ấy
là mấy người đi áp tải đoàn xe đang nấu bữa trưa. Xtépka đang đứng giữa
đám khói cầm cái muôi mẻ khuấy khuấy trong cái nồi. Cách đấy một quãng
Kiriukha và Vaxia, mắt đỏ hoe vì cay khói, đang ngồi làm cá. Trước mặt
hai người là một cái lưới dính đầy những rong và bùn, bên trên lấp lánh
một mớ cá, có cả những con tôm đang bò.
Emelian mới ở nhà thờ về
ngồi cạnh lão Pantelây, khua tay đánh nhịp khẽ cất cái giọng khản đặc
hát “Chúng con ca ngợi Chúa...” Đưmốp đi vẩn vơ bên mấy con ngựa.
Làm cá xong, Kiriukha và Vaxia hốt cá và tôm sống cho vào cái xô, tráng qua tráng lại rồi đổ cả xô vào nồi nước đang sôi.
- Cho mỡ vào nhé? - Xtépka vừa hỏi vừa lấy cái muôi vớt bọt ra.
- Cho mỡ làm gì? Nước cá cũng đã béo chán, - Kiriukha đáp.
Trước
khi bắc xuống, Xtépka bỏ vào nồi ba nắm kê và một thìa muối; để kết
thúc, hắn nếm thử, chép chép cái miệng, liếm cái thìa, đằng hắng một
tiếng tỏ ý tự mãn - như thế có nghĩa là cháo đã nấu xong.
Mọi người, trừ lão Pantelây ra, đều ngồi quây quanh cái nồi và bắt đầu múc lấy múc để
- Này, đưa cho cậu bé cái thìa chứ! - lão Pantelây nói, giọng nghiêm khắc. - Chắc cậu ấy cũng muốn ăn đấy.
- Món của chúng tôi là cái món nhà quê ấy mà... - Kiriukha thở dài.
- Nhà quê thì nhà quê, ăn cũng khỏe người đấy, miễn là muốn ăn.
Họ
đưa cho Iegoruska cái thìa. Nó bắt đầu ăn, nhưng không ngồi xuống, mà
đứng ngay cạnh cái nồi, vừa ăn vừa nhìn xuống nồi như nhìn xuống hồ.
Cháo bốc lên một mùi tanh khá đậm, lác đác trong kê có những cái vẩy cá;
tôm mà múc bằng thìa thì nó cứ trượt đi, thành thử cử tọa cứ thọc hẳn
tay vào nồi mà lấy; về việc này Vaxia đặc biệt tự tiện, hắn không chút
ngần ngại, nhúng cả bàn tay vào cháo đã đành, nhưng lại còn nhúng cả ống
tay áo vào nữa. Tuy vậy Iegoruska cũng thấy cháo rất ngon. Nó nhớ đến
món súp tôm mà ở nhà mẹ nó vẫn thường nấu vào những ngày ăn chay. Lão
Pantelây ngồi riêng ra một bên nhai bánh mì.
- Ông ơi, sao không ăn cháo? - Emelian hỏi.
- Lão không ăn được tôm... không thích, - ông cụ nói đoạn quay mặt đi, ra vẻ ghê tởm.
Trong
khi ăn, mọi người đều chuyện trò rôm rả. Qua những câu chuyện này
Iegoruska hiểu ra rằng tất cả những con người nó mới quen đó, tuy có
khác nhau về tuổi tác và tính tình, song vẫn có một điểm giống nhau: bọn
họ đều là những người có một dĩ vãng rất tốt đẹp và một hiện tại rất
đáng buồn; về dĩ vãng bấy nhiêu người không trừ một ai, đều nói một cách
hân hoan, còn đối với hiện tại thì họ đều có một thái độ gần như khinh
bỉ. Người Nga vốn thích hồi tưởng, chứ không thích sống; Iegoruska chưa
biết được điều đó, cho nên cháo chưa ăn hết nó đã vững tin rằng ngồi
xung quanh nồi cháo toàn là những con người bị số phận hắt hủi và lăng
nhục. Lão Pantelây kể lại rằng hồi xưa, khi chưa có đường xe lửa, lão áp
tải những đoàn xe chở hàng đi Maxkơva và đi Nigiơni Nốpgôrốt(15) kiếm
được lắm tiền đến nỗi chẳng biết cất vào đâu cho hết nữa. Mà hồi ấy dân
lái buôn mới hào phóng làm sao, cá mới ngon làm sao, cái gì cũng rẻ quá
mức! Bây giờ thì đường sá ngắn đi, phường lái buôn đâm ra keo kiệt hơn,
dân cư nghèo hơn, bánh mì đắt hơn, cái gì cũng bấp bênh và eo hẹp quá
thể. Emelian nói rằng trước kia anh ta làm người trông ban nhạc ở tỉnh
Luganxkơ, có một giọng hát rất hay và đọc bản nhạc rất thạo, còn bây giờ
thì anh đã biến thành nhà quê và chỉ sống nhờ vào ông anh; ông ta giao
ngựa cho Emelian đi chở hàng và lấy một nửa tiền thuê. Vaxia xưa kia làm
ở nhà máy diêm; Kiriukha thì làm xà ích cho một nhà khá giả, và nổi
tiếng khắp vùng là người đánh xe tam mã giỏi nhất. Đưmốp, con nhà phú
hộ, xưa kia sống rất phong lưu, chỉ lo chơi bời và không hề biết buồn
khổ là gì, nhưng vừa mới được hai mươi tuổi thì ông bố khắc nghiệt, muốn
cho hắn biết việc làm ăn và sợ hắn ở nhà được nuông chiều quá đâm hư,
bèn bắt hắn đi đánh xe thuê cho nhà người ta như một anh độc thân làm
thuê. Chỉ riêng Xtépka làm thinh, nhưng trên gương mặt chưa bén tí râu
của anh ta cũng có thể thấy rõ rằng trước kia anh ta sướng hơn bây giờ
nhiều.
Nhớ đến ông bố, Đưmốp ngừng ăn và cau mặt lại. Hắn gườm gườm nhìn qua các bạn một lượt. Cái nhìn của hắn dừng lại ở Iegoruska.
- Thằng vô đạo kia, bỏ mũ ra! - hắn gắt. - Sao lại có thể để mũ trên đầu mà ăn hả? Thế mà là con nhà tử tế đấy.
Iegoruska
bỏ mũ ra, không nói một lời, nhưng nó không còn thấy cháo có mùi vị gì
nữa và không nghe thấy tiếng lão Pantelây và Vaxia bênh nó. Nó nghẹn
ngào vì căm giận tên Đưmốp quái ác kia, và quyết định sẽ tìm cách gì làm
hại hắn cho thật bõ.
Sau bữa ăn mọi người tản ra xe và lăn vào chỗ rợp.
- Ông ơi, đã sắp đi chưa? - Iegoruska hỏi lão Pantelây.
- Khi nào trời cho thì ta đi... Bây giờ chưa đi được, nóng lắm... Ôi, xin vâng ý Chúa... Nằm ngủ đi một chút, cậu bé ạ!
Chẳng
bao lâu từ dưới mấy cái xe đã có tiếng ngáy vang lên. Iegoruska toan
quay vào làng, nhưng nghĩ sao lại thôi, nó ngáp dài rồi nằm xuống cạnh
ông lão.
___________
15. Hiện nay là thành phố Gorki.