Thảo nguyên - Chương 3 phần 2
- Trong khi hãy còn thì giờ, ta thử đếm một chút đi cha Khrixtophor ạ, - Kudmitsốp nói.
Trong
thấy tiền, Moixây Moixêíts ngượng nghịu đứng dậy và ra điều mình là
người tế nhị không muốn biết những điều bí mật của kẻ khác, ông ta rón
rén ra khỏi phòng, hai tay đung đưa. Xolomon vẫn đứng nguyên chỗ cũ.
- Giấy một rúp thì mỗi xấp bao nhiêu? - cha Khrixtophor mở đầu.
-
Mỗi xấp năm mươi rúp... Giấy ba rúp thì mỗi xấp chín mươi rúp... Giấy
hai mươi nhăm và một trăm thì mỗi xấp một nghìn rúp. Cha đếm độ bảy
nghìn tám trăm rúp cho Varlamốp, còn tôi sẽ đếm cho Guxevíts. Nhưng cha
xem cẩn thận đừng đếm nhầm đấy...
Iegoruska chưa hề bao giờ trông
thấy nhiều tiền như thế ở trên bàn. Số tiền chắc nhiều lắm, vì cái xấp
có bảy nghìn tám trăm rúp mà cha Khrixtophor để riêng ra cho Varlamốp so
với cả đống có vẻ rất nhỏ. Giá phải lúc khác chắc một khối tiền như thế
phải khiến Iegoruska kinh ngạc và gợi cho nó suy tính xem thử ngần ấy
tiền có thể mua bao nhiêu bánh mì vòng, bao nhiêu cờ xương, bao nhiêu
bánh rắc hạt anh túc? Nhưng bây giờ thì nó nhìn đồng tiền một cách dửng
dưng và chỉ ngửi thấy cái mùi quả táo thối và mùi dầu hỏa rất khó chịu
từ đống tiền bốc lên. Nó đã mệt lả vì bị xóc xe và chỉ muốn ngủ. Đầu nó
cứ trĩu xuống, mắt nó cứ ríu lại, và ý nghĩ của nó rối tung như nắm chỉ.
Giá có thể, nó sẽ khoái trá gục đầu xuống bàn, nhắm mắt lại để khỏi
trông thấy ngọn đèn và những ngón tay đang cử động trên đống tiền, và sẽ
để cho những ý nghĩ uể oải, chập chờn của nó rối tung lên hơn nữa. Khi
nó cố cưỡng lại giấc ngủ đang lấn tới thì ngọn đèn, mấy cái chén và mấy
ngón tay kia đều tách ra thành hai, cái ấm lò thì nghiêng ngả, còn mùi
táo thối có vẻ như nồng nặc hơn và khó chịu hơn nữa.
- Chà, tiền
với bạc! - cha Khrixtophor mỉm cười thở dài. - Đến khổ vì mày! Bây giờ
thằng Mikhailo nhà tôi chắc đang nằm mơ thấy tôi đưa về cho nó một đống
tiền như thế này.
- Cái anh Mikhailo của cha là một người chẳng
hiểu biết được bao lăm, - Kudmitsốp nói khe khẽ, - anh ta xông vào một
việc chẳng hợp với mình, còn cha thì cha hiểu rõ và có thể suy xét được.
Tốt hơn là cha cứ giao chỗ lông cừu của cha cho tôi, như tôi đã bàn,
còn cha thì cứ quay trở về, tôi sẽ trả cha hơn giá vốn nửa rúp cũng
được, mà như thế chẳng qua cũng vì kính nể cha...
- Không, ông
Ivan Ivanứts ạ, - cha Khrixtophor thở dài. - Xin cám ơn ông đã có lòng
quan tâm... Dĩ nhiên, nếu tôi có thể làm theo ý riêng thì còn nói chuyện
làm gì, đằng này ông cũng biết là hàng chẳng phải của tôi...
Moixây
Moixêíts rón rén đi vào. Vì tế nhị, ông ta cố gắng không nhìn vào đống
tiền, mon men đến cạnh Iegoruska và kéo vạt áo của cậu bé một cái.
- Ra đây, cậu, - ông ta nói khe khẽ, - ra đây mà xem con gấu! Khiếp lắm, dữ lắm! Chà!
Iegoruska
đã buồn ngủ lắm rồi. Nó uể oải đứng dậy lê gót theo Moixây Moixêíts để
đi xem gấu. Nó bước vào một căn phòng nhỏ: ở đây, chưa trông thấy gì nó
đã thấy khó thở vì một mùi gì chua và mốc, ở đây còn nồng nặc hơn ở
ngoài phòng lớn nhiều, và có lẽ chính từ chỗ này mà nó lan ra khắp nhà.
Một nửa căn buồng bị một cái giường lớn choán hết, trên giường phủ một
tấm chăn bông chần thô cáu bẩn, nửa kia thì dành cho một cái tủ ngăn và
mấy đống quần áo cũ đủ các loại, từ những chiếc váy hồ cứng cho chí
những cái quần và dải treo quần của trẻ con. Trên tủ ngăn có một ngọn
nến mỡ bò cháy leo lét.
Thay cho con gấu đã hứa, Iegoruska trông
thấy một bà Do Thái to béo, tóc xõa lòa xòa, mặc áo phơlanen màu đỏ có
chấm đen, bà ta đang vần cái thân hình một cách nặng nhọc trong cái
khoảng hở giữa cái giường và cái tủ ngăn, phát ra những tiếng thở kéo
dài, rên rỉ, như thể bà ta đang đau răng vậy. Trông thấy Iegoruska, bà
ta làm ra một vẻ mặt mếu máo như khóc, thở một tiếng rõ dài, và nó chưa
kịp định thần thì bà đã đưa vào sát mồm nó một mẩu bánh mì phết mật.
- Ăn đi cậu bé, ăn đi! - bà ta nói. - Cậu ở đây chẳng có mẹ, chẳng có ai cho cậu ăn cả. Cậu ăn đi.
Iegoruska
cầm lấy ăn, tuy sau những miếng đường phèn và những chiếc bánh rắc hạt
anh túc mà nó vẫn ăn hàng ngày ở nhà, nó chẳng thấy có gì ngon trong
chút mật có lẫn cả sáp ong và cánh ong đến một nửa. Nó ăn, còn Moixây
Moixêíts và bà Do Thái thì nhìn nó và thở dài.
- Cậu đi đâu thế cậu bé? - bà Do Thái hỏi.
- Đi học ạ, - Iegoruska nói.
- Mẹ cậu được bao nhiêu các cậu các cô?
- Chỉ có một mình cháu. Ngoài ra không còn ai nữa.
-
Ồ! - bà Do Thái thở dài rồi ngước mắt lên trần. - Tội nghiệp cho mẹ cậu
quá! Thế thì bà ấy tha hồ mà buồn, mà khóc! Một năm nữa chúng tôi cũng
đưa thằng Naum nhà tôi đi học! Ồ!
- Chà, Naum, Naum! - Moixây Moixêíts thở dài, và lớp da xanh xao trên mặt ông giật lên từng đợt. - Nó ốm thế kia thì...
Cái
chăn cáu bẩn động đậy, và từ dưới chăn ló ra một cái đầu trẻ con tóc
xoăn tít trên một cái cổ rất mảnh; hai con mắt đen láy sáng lên long
lanh, và tò mò nhìn chằm chằm vào Iegoruska. Moixây Moixêíts và bà Do
Thái, vẫn không thôi thở dài, đến đứng cạnh tủ ngăn và bắt đầu nói
chuyện gì bằng tiếng Do Thái. Moixây Moixêíts nói khe khẽ tiếng rất
trầm, và nói chung những câu Do Thái của ông ta nghe như một tràng
“gal-gal-gal-gal...” liên tục, còn bà vợ thì trả lời bằng một tiếng gà
tây nheo nhéo, phát ra một chuỗi gì như thể “tu-tu-tu-tu”. Trong khi hai
vợ chồng bàn bạc với nhau như vậy, từ dưới tấm chăn cáu bẩn thò ra một
cái đầu tóc quăn cổ ngẳng nữa, rồi một cái thứ ba, rồi lại một cái thứ
tư... Giá Iegoruska có được một trí tưởng tượng phong phú, nó có thể
tưởng đâu dưới tấm chăn có một con rắn trăm đầu.
- Gal-gal-gal-gal... - Moixây Moixêíts nói.
- Tu-tu-tu-tu... - bà Do Thái đáp.
Cuộc
đàm luận kết thúc bằng một tiếng thở dài thườn thượt của bà Do Thái,
đồng thời bà ta chúi đầu vào cái tủ ngăn, giở một gói vải xanh xanh và
lấy ra một chiếc bánh nướng rất to hình quả tim làm bằng lúa mì đen.
- Cầm lấy cậu, - bà vừa nói vừa đưa bánh cho Iegoruska. - Bây giờ cậu chẳng có mẹ, chẳng có ai mua bánh kẹo cho mà ăn.
Iegoruska
đút chiếc bánh vào túi và lùi ra phía cửa, vì nó không còn thở nổi cái
không khí mốc meo và chua loét trong buồng các chủ nhân nữa. Trở về gian
phòng lớn, nó ngồi bó gối trên chiếc đivăng cho thật thoải mái và không
còn kìm hãm dòng suy tư của mình nữa.
Ông Kudmitsốp vừa đếm tiền
xong và đang bỏ tiền vào túi. Ông ta tỏ ra không lấy gì làm coi trọng
đống tiền cho lắm, cứ vứt bừa vào cái túi bẩn một cách cẩu thả, vẻ thờ
ơ, như thể đó không phải là tiền, mà là giấy lộn.
Cha Khrixtophor nói chuyện với Xolomon.
- Thế nào, chú Xolomon? - cha vừa hỏi vừa ngáp và làm dấu thánh lên miệng. - Công việc ra sao rồi?
- Cha muốn hỏi việc gì kia ạ? - Xolomon hỏi rồi nhìn cha một cách quỷ quyệt như thể cha vừa ám chỉ một tội ác nào của hắn.
- Nói chung ấy... Chú mày hiện đang làm gì?
-
Tôi đang làm gì ấy à? - Xolomon hỏi lại rồi nhún vai. - Cũng như mọi
người thôi... Cha cũng thấy đấy: tôi là thằng hầu. Tôi làm thằng hầu cho
anh tôi, anh tôi làm thằng hầu cho khách qua đường, khách qua đường làm
thằng hầu cho Varlamốp, và nếu tôi có được mười triệu thì Varlamốp sẽ
làm thằng hầu cho tôi.
- Tại sao ông ta lại sẽ làm thằng hầu cho chú mày?
-
Tại sao ấy à? Tại vì không có một ông chủ hay một nhà triệu phú nào mà
lại không sẵn lòng liếm tay một thằng Do Thái bẩn thỉu để kiếm lấy một
kôpếch lãi. Tôi bây giờ là một thằng Do Thái bẩn thỉu và nghèo đói, mọi
người đều coi tôi như con chó, nhưng nếu tôi có tiền thì Varlamốp cũng
sẽ bò lăn bò kềnh ra trước mặt tôi đúng như anh Moixây tôi trước mặt các
ông.
Cha Khrixtophor và ông Kudmitsốp đưa mắt nhìn nhau. Cả hai
đều không hiểu Xolomon nói gì. Kudmitsốp nghiêm nghị và lạnh lùng nhìn
hắn rồi hỏi:
- Sao chú mày lại dám đặt mình ngang hàng với Varlamốp hả đồ ngốc
-
Tôi chưa ngốc đến nỗi tự đặt mình ngang hàng với Varlamốp, - Xolomon
vừa đáp vừa nhìn qua những người tiếp chuyện một lượt, vẻ ngạo nghễ. -
Varlamốp tuy là người Nga, nhưng tâm hồn thì lại là một gã Do Thái bẩn
thỉu; suốt đời ông ta chỉ toàn là tiền với lãi, còn tôi thì tôi ném tiền
vào lò sưởi. Tôi chẳng cần tiền, chẳng cần đất, chẳng cần cừu, tôi cũng
chẳng cần người ta sợ tôi và bỏ mũ chào tôi khi tôi đi xe qua. Thế tức
là tôi thông minh hơn cái ông Varlamốp của các ông và giống con người
hơn!
Một lát sau, Iegoruska nửa mê nửa tỉnh nghe thấy Xolomon nói
gì về người Do Thái mà giọng khản đi và rít lại vì một mối căm thù đang
làm cho hắn nghẹt thở. Hắn nói hấp tấp giọng đơn đớt, lúc đầu còn nói
đúng tiếng Nga, nhưng rồi lại chuyển sang giọng những người kể chuyện
sinh hoạt Do Thái, bắt đầu nói như dạo nọ ở chợ phiên, cố ý dùng một
giọng lơ lớ Do Thái xuyên tạc.
- Khoan đã, - cha Khrixtophor ngắt
lời hắn. - Nếu chú mày không ưa cái tín ngưỡng của chú mày thì cứ theo
đạo khác, chứ chế nhạo như thế là có tội đấy; kẻ nào báng bổ tín ngưỡng
của mình thì kẻ ấy là đồ mạt hạng.
- Cha không hiểu gì hết! - Xolomon ngắt lời cha một cách thô lỗ. - Tôi nói một đằng, cha hiểu ra một nẻo.
-
Đấy, có thể thấy rõ ngay chú mày là một thằng ngốc, - cha Khrixtophor
thở dài. - Cha biết gì khuyên nấy, thế mà chú mày lại giận. Cha nói với
chú như một người già cả, cha nói từ tốn, thế mà chú mày lại quang quác
quang quác lên như con gà tây! Đồ gàn, thật đấy...
Moixây Moixêíts
bước vào. Ông lo sợ nhìn Xolomon và nhìn mấy vị khách, rồi da mặt ông
ta lại co giật. Iegoruska lắc mạnh mái đầu và đưa mắt nhìn quanh; trong
một thoáng, nó trông thấy Xolomon đúng vào lúc cái mặt của hắn quay ba
phần tư về phía mình và bóng cái mũi dài ngoằng của hắn vắt chéo ngang
má trái hắn; nụ cười khinh bỉ pha lẫn với cái bóng này, đôi mắt ngạo
nghễ long lên sáng quắc, vẻ mặt giễu cợt và tất cả cái dáng chim bị vặt
lông của hắn, trông như nhân đôi và chập chờn trước mặt Iegoruska, khiến
cho hắn bây giờ không giống một thằng hề nữa, mà giống như một cái gì
đôi khi nằm mơ mới thấy, có lẽ giống một con yêu quái.
- Chú
Xolomon nhà ông như bị ma ám ấy, ông Mơixây Moixêíts ạ, Chúa phù hộ cho
hắn! - cha Khrixtophor mỉm cười nói. - Lẽ ra ông nên thu xếp cho hắn làm
ăn ở đây hay cưới vợ cho hắn đi chứ... Trông chẳng ra người...
Kudmitsốp cau mày giận dữ. Moixây Moixêíts lại lo lắng nhìn thằng em và nhìn khách có ý dò hỏi.
- Xolomon, ra ngoài kia! - ông ta nói, giọng nghiêm khắc. - Ra đi!
Đoạn ông nói thêm mấy câu gì bằng tiếng Do Thái nữa. Xolomon cười sằng sặc và bỏ ra ngoài.
- Có chuyện gì thế ạ? - Moixây Moixêíts lo sợ hỏi cha Khrixtophor.
- Hắn quên hết cả phép tắc, - Kudmitsôp đáp. - Ăn nói thô lỗ, chẳng coi ai ra gì.
-
Biết ngay mà! - Moixây Moixêíts hoảng hốt lên, vỗ tay đánh đét một cái.
- Ôi lạy Chúa, lạy Chúa! - ông ta thều thào. - Thôi xin các vị làm phúc
bỏ qua cho nó, đừng giận. Người gì mà lạ quá, lạ quá! Trời ơi, trời ơi!
Nó là em ruột tôi thật, nhưng chỉ rặt làm khổ tôi, chứ chẳng được cái
gì. Vì rằng, thưa cha với lại ông Kudmitsốp...
Moixây Moixêíts ngoáy ngoáy ngón tay bên thái dương và nói tiếp:
-
Nó dở người đấy... nó hỏng rồi. Tôi chẳng còn biết làm thế nào nữa! Nó
chẳng quý ai, chẳng nể ai, chẳng sợ ai hết... Thưa cha mấy lại... ai nó
cũng chế nhạo, ăn nói toàn những chuyện tầm bậy, ai nó cũng châm chọc.
Cha mấy lại ông đây không biết chứ có lần ông Varlamốp đến đây, không
biết nó nói gì mà ông ấy lấy roi ngựa quất cả nó lẫn tôi... Nhưng tôi có
tội tình gì? Có phải tại tôi đâu? Trời lấy mất trí khôn của nó, thế thì
đó là ý trời, chứ có phải lỗi tại tôi đâu?
Dễ đến mười phút sau Moixây Moixêíts vẫn còn nói thều thào và thở dài thườn thượt:
-
Ban đêm nó không ngủ, cứ nằm mà suy với nghĩ mãi, nhưng nó nghĩ những
gì thì có trời biết. Đang đêm đến gần nó là nó nổi giận và cười khẩy.
Tôi nó cũng không ưa... Mà nó chẳng mong muốn cái gì hết! Ông cụ tôi khi
chết đi có để lại cho hai anh em mỗi đứa sáu nghìn rúp. Tôi mua cái
quán, lấy vợ đến bây giờ đã có con, còn nó thì vứt tiền vào lò sưởi đốt
hết. Tiếc đứt ruột đi, tiếc quá chừng! Đốt đi làm gì? Không cần thì cho
anh, chứ sao lại đốt
Bỗng cánh cửa mở đánh két một tiếng và sàn
nhà rung lên dưới những bước chân người. Một luồng gió nhẹ phả vào người
Iegoruska, và nó có cảm giác như có một con chim lớn màu đen huyền vừa
bay qua và vỗ cánh ngay sát mặt nó. Nó mở mắt ra... Ông cậu nó, tay cầm
cái túi sẵn sàng lên đường, đang đứng cạnh chiếc đivăng. Cha
Khrixtophor, tay cầm chiếc mũ lễ rộng vành, đang cúi chào ai và mỉm
cười, không phải dịu dàng và hiền hậu như mọi khi, mà lại là một nụ cười
cung kính và gượng gạo, rất không ăn ý với vẻ mặt của cha. Còn Moixây
Moixêíts thì người như gãy làm ba khúc, đang nghiêng ngả đung đưa và cố
dùng đủ mọi cách để khỏi rời hẳn ra từng mảnh. Chỉ riêng Xolomon vẫn
đứng yên ở góc nhà như không có chuyện gì xảy ra cả, tay khoanh trước
ngực, môi vẫn mỉm cười khinh bỉ như trước.
- Thưa bà, xin bà thứ
lỗi cho, nhà chúng tôi không được sạch! - Moixây Moixêíts rên rỉ với nụ
cười cực lạc trên môi; lúc bấy giờ ông ta không còn để ý gì đến
Kudmitsốp và cha Khrixtophor nữa, chỉ lo đung đưa cả người để khỏi rời
ra từng mảnh. - Chúng tôi là kẻ hèn mọn, thưa bà!
Iegoruska dụi
mắt. Quả nhiên có một bà đang đứng giữa phòng. Đó là một thiếu phụ còn
trẻ măng, rất đẹp, người đầy đặn, mình mặc áo dài đen, đầu đội mũ rơm.
Trước khi Iegoruska có đủ thì giờ nhìn kỹ nét mặt của bà, không hiểu sao
nó cứ hồi tưởng lại cây dương thanh tú mà chiều hôm nay nó vừa trông
thấy đứng cô độc trên ngọn đồi.
- Hôm nay Varlamôp đã đi qua đây chưa? - một giọng phụ nữ hỏi.
- Thưa bà chưa ạ! - Moixây Moixêíts đáp.
- Nếu ngày mai ông có gặp thì bảo ông ấy ghé qua tôi một chút nhé.
Bỗng
nhiên, hoàn toàn bất ngờ, cách mắt nó chỉ độ nửa gang tay, Iegoruska
trông thấy một đôi lông mày đen dịu như nhung, hai con mắt to màu nâu
nhạt và đôi má đàn bà mịn màng có lúm đồng tiền, và từ hai cái lúm này,
như những tia nắng tỏa rát từ vầng thái dương, một nụ cười tươi tắn tỏa
ra khắp gương mặt. Không khí thoang thoảng một mùi hương huyền diệu.
-
Chú bé xinh quá! - bà nói. - Con ai thế này? Kadimirơ Mikhailôvíts xem
này, kháu quá đi mất! Trời ơi, nó ngủ! Chú bé mũm mĩm trông yêu quá!...
Bà
mệnh phụ hôn thật mạnh lên hai má của Iegoruska. Nó mỉm cười, và tưởng
mình đang ngủ, nó nhắm mắt lại. Bản lề cánh cửa ra vào lại két lên, và
có tiếng ai bước vội vã: một người nào đó vừa đi vào, rồi lại ra ngay.
- Iegoruska, Iegoruska! - có tiếng thì thào rất to của hai người cùng gọi một lúc. - Dậy mà đi lên xe!
Có
một người nào đấy, có lẽ là Đenixka, dựng Iegoruska dậy và cầm tay nó
dắt đi; dọc đường nó mở hé mắt ra và một lần nữa lại trông thấy người
thiếu phụ kiều diễm mặc áo đen vừa hôn nó. Bà ấy đang đứng ở giữa phòng
nhìn theo nó, mỉm cười và thân ái gật đầu chào nó. Ra gần đến cửa, nó
trông thấy một người đàn ông tóc đen vạm vỡ đẹp trai, đội mũ nồi, chân
đi ủng. Chắc đó là người tùy tòng của bà mệnh phụ.
- Prrr!... - trong sân có ai giục ngựa.
Bên
thềm Iegoruska trông thấy một chiếc xe song mã sang trọng màu đen mới
tinh, và một cặp ngựa ô. Ngồi trên ghế xà ích là một người hành bộc mặc
áo dấu, tay cầm một cây roi ngựa dài. Ra tiễn mấy người lên đường chỉ có
một mình Xolomon. Mặt hắn căng thẳng vì buồn cười; hắn trông như thể
rất nóng lòng chờ cho khách đi khỏi để cười họ cho thật thỏa thuê.
- Bá tước phu nhân Đranítxkaia đấy, - cha Khrixtophor vừa thì thầm vừa leo lên xe.
- Vâng, bá tước phu nhân Đranítxkaia đấy, - ông Kudmitsốp cũng thì thầm nhắc lại.
Sự
xuất hiện của bá tước phu nhân chắc phải gây nên một ấn tượng rất mạnh,
vì ngay đến Đenixka cũng nói thì thầm và chỉ dám bắt đầu quất roi và
quất ngựa khi chiếc xe đã đi được một phần tư vécxta, và xa xa, ở chỗ
cái quán trọ, chỉ còn trông thấy một đốm lửa lờ mờ.