Sắc lá Momiji - Chương 16

Tôi định trước tiên sẽ đi đến Umeda. Đi được một quãng thì gặp
đường tàu và đúng lúc người ta đang hạ tấm barie xuống. Tôi dừng lại
trước tấm barie, đứng dưới ánh nắng đang tỏa xuống vào thời điểm chính
giữa mùa hè. Nhìn đoàn tàu đang tiến lại gần, tôi chợt nghĩ, ồ, đoàn tàu
đến rồi. Nó đang tiến lại gần, sắp sửa đi vụt qua trước mặt tôi với tốc
độ nhanh như tên bắn. Tôi không rõ tại sao tôi lại nghĩ như thế. Nhưng,
đồng thời với lúc tôi bắt đầu suy nghĩ như vậy, tôi chợt cảm thấy mạch
tim mình cũng bắt đầu đập nhanh và mạch, máu ở khắp người kêu rào rào và
chạy giật xuống cái đầu ngón chân. Đoàn tàu đã tiến đến sát chỗ tôi.
Tôi nhắm nghiền mắt lại và nghiến chặt răng. Khi đoàn tàu đi qua, tấm
barie được nâng lên và đoàn người túa ra, tôi nhận ra mình đang nắm chặt
cái giỏ xe của một người đi xe đạp đứng ngay sát bên cạnh. Trong lúc
không để ý, tôi đã vô tình nắm lấy cái giỏ xe đạp ấy. Trong khoảng thời
gian từ phút giây đoàn tàu đang tiến lại gần đập vào mắt tôi cho đến khi
nó đi xa dần, tôi thấy như có cái gì và cái gì đó đang giành giật nhau
rất khốc liệt trong tôi. Tôi gọi một chiếc taxi và đi đến Umeda. Điều
hòa trong taxi chạy rất tốt, thậm chí còn hơi lạnh nữa, vậy mà khắp
người tôi mồ hôi liên tục vã ra và đầm đìa như tắm. Trong suốt mười năm
trời qua kể từ khi xảy ra sự việc ấy, tôi chưa bao giờ rơi vào tâm trạng
tuyệt vọng hay nằm trong cảm giác đổ vỡ đến thế nào. Thế nhưng, khi
nhìn cơ thể run bần bật của Reiko lúc tên đòi nợ kia xuất hiện, chỉ cho
tôi xem tờ giấy ghi nợ mà tôi đã ký nhận, rồi thách thức bằng những lời
dọa dẫm chẳng mấy đáng sợ ấy, tôi lại có một cảm giác không thể gọi là
tuyệt vọng hay đổ vỡ, mà đó là cảm giác bị chìm xuống một cái lỗ đen
ngòm ở tít dưới đáy sâu hơn nữa. Thôi, mặc cho nó ra sao thì ra. Chết
cũng được. Sống để làm gì chứ? Đang tâm làm cái việc ném qua cửa sổ
khoản tiền quý giá khiến Reiko phải buồn lòng, vậy tôi còn mặt mũi nào
để làm lại cuộc đời nữa đây? Tôi đã nghĩ như vậy đấy em ạ.

Từ
Umeda, tôi lại lên chuyến xe điện Hanshin. Xuống tàu ở khu phố Kawahara,
tôi đi xen giữa dòng người đông đúc. Tôi nhìn thấy cửa hàng bách hóa mà
trước đây Yukako đã làm việc ở đó. Rồi tôi bước vào rạp chiếu phim. Bộ
phim được chiếu là một cuốn phim của nước ngoài sôi động với hai nhân
vật chính là một cô gái đẹp khỏa thân và một anh chàng điệp viên bất tử
khi thì quấn quýt vào với nhau, khi lại bị kẻ địch truy lùng. Lúc tôi ra
khỏi rạp chiếu phim là quãng chừng hơn bốn giờ, vẫn còn hai giờ đồng hồ
nữa mới tới giờ hẹn với Okuma. Nếu đi bộ từ đó thì khá xa, nhưng tôi
cũng không nghĩ ra cách nào khác để giết thời gian, nên cứ thế thong thả
đi bộ đến Viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia. Ánh mặt trời vẫn còn vô cùng
nóng bức dù những tia nắng chiếu rọi xuống mặt đường đã bắt đầu chuyển
sang màu đỏ tía. Tôi rẽ vào một quán cà phê bên đường. Dường như tôi đã
thiu thiu ngủ lúc nào không hay trong khi tựa lưng vào thành ghế và lim
dim nhắm mắt lại. Bất chợt mở mắt ra và nhìn đồng hồ, tôi mới nhận ra
mình đã ngủ rất say sưa không phải một chút xíu nào, mà tới gần hai giờ
đồng hồ. Tôi vội vã rời khỏi quán giải khát. Okuma đang đứng ở lối ra
vào rải sỏi của viện Bảo tàng Mỹ thuật. “Tớ đến từ lúc năm rưỡi. Đứng
đợi cậu một giờ đồng hồ rồi đấy”. Cậu ấy nói vậy. Chúng tôi ghé vào một
quán nhỏ gần đó mà thi thoảng Okuma vẫn thường hay đến nhậu. Cậu ta bảo,
hôm nay vừa lĩnh lương xong, nên tớ sẽ khao cậu, chắc cậu không mang
tiền phải không. Rồi cậu ấy gọi mấy vại bia to cùng một vài món cá nhắm.
Tôi rời khỏi nhà Reiko với một chiếc áo vét mặc ra ngoài chiếc áo phông
có cổ. Nhưng, khi ngồi trên xe taxi tôi đã cởi chiếc áo vét đó ra và cứ
thế cầm nguyên trên tay. Cô chủ quán nói, để em treo nó lên mắc giùm,
tôi nhìn thấy một tập phong bì lấp ló túi áo trong. Thấy lạ, tôi nhòm
xem. Thì ra trong đó có mười tờ một vạn yên. Reiko đã lặng lẽ để vào đó
cho tôi. Tôi để tập phong bì đựng số tiền ấy vào túi quần đằng sau, cài
khuy để khỏi bị rơi ra ngoài. Có một ít chất cồn vào người, lần nào cũng
như lần nào, Okuma lại bắt đầu hàn huyên không dứt. Nào là lực sĩ sumo
gì gì đó thể nào cũng đoạt giải ba trong giải thi đấu sắp tới, nào là
cầu thủ ném bóng ở một trường cấp ba nọ đã có giấy gọi sang năm sẽ vào
một đội bóng nào đó, tiền hối lộ cho vụ này lên tới một trăm triệu yên.
Vừa kể dứt những chuyện đó, cậu ta lấy đầu đũa chấm vào vại bia, viết
lên trên bàn quầy bar những con số và ký hiệu hóa học mà tôi chẳng hiểu,
rồi tiếp tục thao thao bất tuyệt về học thuyết của các nhà y học các
nước xung quanh biện pháp điều trị bệnh ung thư, đúng chuyên môn của cậu
ta. “Ung thư ư, cái đó là bản thân chúng ta đấy”. Tôi hỏi, thế có nghĩa
là thế nào, rồi nghĩ. Căn bệnh đó không phải là do các yếu tố từ bên
ngoài xâm nhập vào, mà là căn bệnh sinh ra từ bên trong cơ thể chúng ta.
Tuy rằng nó là một yếu tố khác thường, nhưng nó không phải là cái nằm
bên ngoài bản thân chúng ta đâu. Một yếu tố nào đó nằm trong cơ thể
chúng ta được nhân lên thành tế bào phát ra độc tố ấy mà. Okuma nói bằng
một cái giọng dần líu ra líu ríu. “Để giết chết căn bệnh ung thư, chết
là con đường ngắn nhất”. Okuma vừa mân mê bộ râu rậm rì lâu ngày không
cạo, vừa nói theo cái kiểu khiến tôi chẳng biết đâu là thật, đâu là giả
ấy, rồi cậu ta đứng lên, bảo cô chủ quán thanh toán tiền. Sau đó, chúng
tôi còn kéo nhau vào ba quán bar nữa. Lúc vào đến quán thứ ba, Okuma đã ở
trong tình trạng chân nam đá chân chiêu, chẳng thể đi thẳng được nữa,
thế mà tôi lại chẳng thấy say tẹo nào. Nhìn đồng hồ, chín giờ rồi. Chắc
sắp sửa đến lúc gã đòi nợ có hình xăm ở lưng ấy đến nhà Reiko đây. Mà
không, có khi gã đã leo lên phòng rồi và đang liên tục uy hiếp Reiko
cũng nên. Nghĩ đến đó, ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Sau vài lần lưỡng
lự, tôi đi đến chỗ chiếc điện thoại công cộng màu đỏ ở góc quầy bar. Rồi
tôi quay số nhà Reiko. Lúc trước ở phòng của Reiko không có điện thoại,
tôi thường nhờ người quản lý khu nhà gọi giúp. Nhưng từ khi chúng tôi
bắt đầu cái kế hoạch kinh doanh kia, Reiko nói dứt khoát không thể thiếu
được điện thoại, nên khoảng một tuần trước đây, cô ấy đã đến Sở điện
thoại đăng ký lắp đặt điện thoại ngay tại phòng. Giọng Reiko vang lên.
Trong khi tôi chưa kịp mở miệng câu gì, nhận ra đó là tôi, Reiko đã nói
ngay, anh về đây với em đi. Gã đàn ông đó mò đến lúc tám giờ. Em đã trả
cho hắn số tiền chín trăm tám mươi sáu nghìn yên, rồi lấy về tờ giấy ghi
nợ mà anh đã ký rồi đấy. Thế là xong. Anh về đây mau đi. Cô ấy nói vậy
với giọng nghèn nghẹn. Tôi trả lời rằng bây giờ anh đang ở Kyoto. “Không
có anh thì kế hoạch kinh doanh kia làm sao mà tiếp tục được chứ”. Lần
này thì cô ấy vừa khóc thật sự vừa gào lên. Reiko nói rằng, sắp đến lúc
phải biên tập cho nội dung của cuốn tạp chí PR tiếp theo rồi, còn phải
di ngoại giao khắp nơi nữa chứ. “Nếu không có anh thì ngay từ đầu, em
đâu có hứng thú vào công chuyện kinh doanh này. Vì anh mà em đã vắt cái
bộ óc chẳng có tí tẹo thông minh nào của mình để phát minh ra cái kế
hoạch này đây. Em muốn lấy lại ngay lập tức toàn bộ một triệu yên bằng
công việc này. Nếu anh dứt khoát muốn chia tay, thì hãy làm việc để trả
cho em một triệu yên đó rồi hãy chia tay có được không? Nếu anh không
làm thế, thì anh là kẻ cắp đấy”. Tôi nói với Reiko rằng, cảm ơn em. Có
thể tôi sẽ dùng số tiền một trăm nghìn yên mà em đã cho vào phong bì để
quay về. Nghe tôi nói vậy, Reiko nói: “Anh dùng số tiền đó mà về nhà
ngay trong đêm nay đi”. Rồi đầu dây bên ấy im lặng hoàn toàn. Tôi cảm
nhận được rằng ở bên ấy, cô ấy đang nín thở chờ đợi sự phản hồi của tôi.
Tôi bảo quá buổi trưa ngày mai anh sẽ về, rồi dập máy. Bất chợt, một ý
nghĩ nghi ngờ ập đến trong đầu tôi. Biết đâu Reiko và gã đòi nợ kia đã
bàn bạc với nhau trước thì sao. Tôi nghĩ, biết đâu để kéo được tôi về,
Reiko đã dùng đến cái mưu kế áy. Nhưng khi ấy, cái ý nghĩ đó của tôi bị
chặn lại khi tôi nhìn thấy Okuma đang nằm sấp trên mặt một chiếc bàn ở
góc phòng và lẩm bẩm vài câu gì đó. Tôi đập vào vai cậu ta, nói to: “Này
cậu, tớ về đây”. “Thích về thì đi mà về chỗ nào đi”. Okuma hét lên vu
vơ trong khi lưỡi đã líu hết cả.

Tôi vẫy một chiếc taxi trên
đường, rồi bảo người lái xe chở đến nhà nghỉ Kinoyoma ở Arashiyama. Từ
ngày mai tôi lại làm tên đầu sai cho Reiko. Nghĩ thế, tôi thấy kinh
ngạc. Tôi nghĩ, mình chẳng có lòng dạ, hứng thú gì để bắt tay thực hiện
kế hoạch kinh doanh mà Reiko đã vạch ra, nhưng dứt khoát mình phải làm
phần việc tương đương với chín trăm tám mươi sáu nghìn yên mà Reiko đã
trả để lấy lại tờ giấy ghi nợ từ gã đòi nợ kia. Nhưng, tôi thấy, cô gái
có cái tên Reiko này cũng thật là bản lĩnh. Tôi nhớ lại khuôn mặt của
Reiko khi cô ấy vừa cười vừa bảo với tôi: “Em nuôi anh một năm trời là
chỉ để dùng vào lúc này thôi đấy”. Tôi thầm nghĩ, cô ả thì bảo rằng đó
là đùa, nhưng ôi dào, biết đâu đó lại là bụng dạ ruột gan thật của cô ả
cũng nên.

Tôi bật cười rũ. Thấy tôi cười, anh tài xế taxi hỏi:
“Anh có chuyện gì vui à?”. “Tôi bị nàng cho vào tròng rồi”. Tôi nói vậy.
“Hoàn toàn vào tròng rồi”. Ngay lập tức, anh tài xế trả lời: “Phụ nữ là
những con ma mà”, rồi chằm chằm nhìn tôi qua kính chiếu hậu.

Khi
đến nhà nghỉ Kionoya, tôi hỏi họ rằng, tôi muốn trọ ở phòng có tên “hoa
chuông” trên tầng hai, liệu phòng đó còn trống hay không. Tôi trình bày
là, trước đây, có một lần tôi trọ ở căn phòng đó và thấy rất dễ chịu,
nên lần này lại muốn trọ tại căn phòng ấy. “Anh trọ có một mình thôi
sao?”. Người đàn ông áng chừng là tổ trưởng ca trực nói với tôi, nét mặt
pha chút bối rối. Vốn dĩ căn phòng ấy dùng để cho các cặp nam nữ thuê.
Trước đây tôi có trọ cùng một cô gái, nhưng hôm nay, tôi chỉ có một mình
thôi. Nếu phiền thì tôi trả luôn phần tiền cho hai người cũng được mà.
Ông chủ quán trọ xuất hiện, nhìn vào mặt tôi, bảo: “Xin mời, mời anh lên
phòng đi”. Rồi ông ấy yêu cầu anh tổ trưởng ca trực dẫn tôi lên căn
phòng có tên “hoa chuông”. Tôi vẫn còn nhớ mặt ông ấy, nhưng hình như
ông chủ quán trọ thì đã quên hẳn mặt tôi rồi. Bước vào phòng, tôi vô
cùng kinh ngạc. Bởi, căn phòng ấy hầu như chẳng thay đổi gì mấy so với
mười năm trước đây. Cả bức tranh phong cảnh treo trong hốc tường, cả lư
hương màu ngọc bích đặt đằng trước nó, cả những đường nét trên bức tranh
của tấm bình phong bằng giấy vẫn nguyên si như hình ảnh của nó mười năm
trước đây. Tôi nhìn vào mặt người phụ nữ trung niên mang trà lên phòng
cho tôi, và lại tiếp tục kinh ngạc. Bởi vì đó chính là chị Kinuko, người
vẫn thường xuyên mang trà lên phòng này cho chúng tôi mười năm trước
đây mà. Hồi đó trông chị ấy quãng chừng hơn bốn mươi tuổi, vậy mà mười
năm đã trôi qua, trông chị ấy chẳng già hơn chút nào. Tôi thoáng chút
khó chịu. Tôi cố tình không để cho chị ấy nhìn thấy mặt mình. Vì mười
năm trước, mỗi lần chị ấy vào căn phòng này, lúc ít lúc nhiều, tôi đều
đưa cho chị ấy tiền boa, nên tôi nghĩ thể nào chị ấy cũng nhớ rõ tôi cho
mà xem. Chị ấy hỏi: “Anh có ăn tối không?”. Tôi nói, tôi đã ăn rồi. Nhờ
chị mang bia lên giùm. Tức thì, người phụ nữ trung niên ấy bảo: Bia có
sẵn trong tủ lạnh rồi, anh cứ lấy uống thoải mái. Khi thanh toán tiền
phòng, chúng tôi sẽ tính luôn thể. Mỗi điểm này là khác với mười năm
trước đây. Vào cái thời tôi và Yukako hay trọ ở căn phòng này, ở đây
không có tủ lạnh. Tôi đưa cho người phụ nữ trung niên ấy hai tờ một
nghìn yên, và bảo, nhờ chị tám giờ sáng mai mang đồ ăn sáng lên phòng hộ
tôi. Chị ta im lặng gật đầu, rồi rời khỏi phòng. Tôi đến chỗ phòng tắm
nằm ở lối gần cửa ra vào để chuẩn bị tắm. Tôi thay áo choàng tắm yukata,
đợi cho nước nóng chảy vào đầy bồn. Tiếng lá cây xào xạc hòa cùng tiếng
gió vang vọng vào căn phòng. Tôi cũng nghe thấy cả tiếng vòi nước chảy
róc rách vào bồn tắm nữa. Tôi thầm nghĩ, phải rồi, mười năm về trước,
mình cũng đứng bên khung cửa sổ này hướng mắt nhìn ra khu vườn kia, vừa
lắng nghe tiếng vòi nước chảy vào bồn, vừa ngóng đợi Yukako đến. Có
những lúc nàng đến đây với tâm trạng chán chường, có khi ánh mắt nàng
long lanh rạng rỡ, và có hôm nàng lại khẽ mở tấm bình phong bằng giấy
kia ra, rồi rón rén bước vào phòng với hai bàn tay đặt lên bờ má đang đỏ
hồng lên bởi nỗi xúc động. Có những hôm nàng say lướt khướt, và cũng có
những ngày người nàng không chút hơi men. Tôi hồi tưởng lại bóng dáng
nàng, và lại chìm dần trong ảo giác rằng, nàng lại sắp đến đây thật rồi.
Tôi nhớ lại câu chuyện mà bà của Reiko đã kể, rằng, một ngày nào đó,
chúng ta có thể gặp lại họ trên cõi đời này. Và tôi cảm giác như câu
chuyện ấy sắp thành hiện thực. Thế nhưng, giả sử tôi có tin vào luận
thuyết của bà của Reiko, thì có nghĩa là Yukako sẽ không thể đầu thai
lại làm người được nữa đâu. Dầu vậy, tôi vẫn có cảm giác hình như Yukako
sắp sửa bước vào căn phòng này. Nước đã đầy rồi, tôi bước vào bồn tắm.
“Xin lỗi ạ”. Tôi nghe thấy giọng người phụ nữ trung niên ban nãy. Một
lúc sau, người phụ nữ ấy nói: “Tôi để hương diệt muỗi ở đây nhé”, rồi đi
ra khỏi phòng. Tôi gội sạch cái đầu, kỳ cọ kỹ càng khắp người. Tôi bôi
xà phòng lên cả từng kẽ ngón chân, tắm một lúc rất lâu. Ra khỏi bồn tắm,
vừa lau người, tôi vừa soi nửa thân trên của mình qua gương. Vết sẹo ở
cổ và ngực giờ đây chỉ thấy như một lằn đỏ, nhưng khi ghé sát gương,
nhìn kỹ, tôi hiểu rằng vết chỉ khâu không hề mất đi mà vẫn còn đó nguyên
vẹn như thế. Tôi như thấy lại mồn một cảm giác lúc máu me chảy ròng
ròng, choe choét khắp từ cổ xuống ngực khi bị Yukako đâm con dao đó, còn
mình thì chẳng hiểu cái gì với cái gì, vùng dậy khỏi chăn. Tôi mặc
chiếc áo choàng yukata, lại ra ngồi xuống chỗ chiếc sofa đặt cạnh khung
cửa sổ tiếp giáp với khu vườn, bật nắp lon bia, rồi rót ra cốc. Một tấm
chăn êm xốp trải giữa nhà và một chiếc chăn mỏng dùng để đắp mùa hè đặt ở
phía trên. Có lẽ khi nãy, người phụ nữ trung niên đã trải hộ tôi chăng?
Phía trên, khói của cây hương muỗi cuộn tròn xoắn ốc và bay lên. Tôi
hít một hơi thuốc lá, rồi lấy đầu ngón tay sờ vào vết sẹo trên cổ. Vào
cái đêm của mười năm trước ấy, tại căn phòng của nhà nghỉ Kionoya này,
đã bắt đầu một cái gì đó. Đó là cái gì? Tôi nghe như mình đã biết một
chút về nó. Đó không phải là thứ đại loại như việc tôi và em sẽ ly hôn,
hay sự tụt dốc của cái thằng tôi. Một cái gì đó còn to tát hơn thế nữa
kia đã bắt đầu từ khi ấy đấy em ạ. Cái mà tôi đã nhìn thấy trong giây
phút hấp hối của mình là gì em nhỉ? Tôi đã viết trong một lá thư gửi cho
em rằng, đó là sinh mệnh của tôi. Thế thì, sinh mệnh là cái gì vậy? Tại
sao những hình ảnh trong quá khứ của tôi cho đến khi ấy lại hiện lên
sống động trong tâm trí tôi như thể những thước phim đang quay ngược trở
lại? Tại sao lại có hiện tượng ấy? Tôi nghiêng tai lắng nghe. Cũng
giống như mười năm trước đây, tôi nghiêng tai lắn nghe và chờ đợi tiếng
bước chân của Yukako khi nàng đang bước nơi hành lang bên ngoài để vào
trong căn phòng này. Cứ thế, phải tới mấy giờ đồng hồ liền, tôi hút
thuốc lá và uống bia trong làn gió mát hiu hiu. Nhìn vào chiếc đồng hồ
đeo tay, đã hơn ba giờ sáng rồi. Tôi tắt đèn trong phòng. Phòng tối om,
nên tôi lại đứng dậy bật ngọn đèn huỳnh quang nhỏ gắn ở hốc tường. Chiếc
điện thoại màu xanh dùng để gọi nhân viên lễ tân nằm ở phía đầu hốc
tường kia. Yukako đã ngã xuống đó rồi tắt thở, nhờ thế mà tôi đã được
cứu sống. Hình ảnh nào trong quá khứ đã hiện lên trong Yukako vào thời
khắc nàng đang hấp hối? Và bản thân Yukako đã biến thành một sinh mệnh
như thế nào để theo dõi bản thân mình đang dần đi vào cõi chết? Tôi
không cho rằng trải nghiệm lạ lùng đó là một hiện tượng ngẫu nhiên chỉ
xảy ra với tôi. Tôi có cảm giác rằng, chắc chắn Yukako cũng đã lơ lửng ở
trong trạng thái giống như tôi vậy. Có chăng đã là con người, vào giây
phút hấp hối, ai rồi cũng sẽ thấy lại những hành động mình đã gây nên,
cũng phải tiếp nhận những đớn đau và an lành sinh ra từ đó, và chỉ những
thứ ấy sẽ trở thành sinh mệnh, mà sinh mệnh thì không bao giờ mất đi,
nó sẽ tan hòa đi trong không gian bao la của vũ trụ, trong thinh không
của thời gian chẳng có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc. Mắt tôi đăm đăm
nhìn vào hốc tường, nơi chỉ có duy nhất ngọn đèn tỏa ánh sáng xanh lờ mờ
trong bóng tối. Trước mắt tôi là hình ảnh Yukako trong bộ áo choàng ngủ
yukata đổ ụp xuống rồi chết. Vừa nhìn hình ảnh ấy, tôi vừa chìm đắm
trong bấy nhiêu ý nghĩ hư hư thực thực. Ai có thể khẳng định được rằng
đó là ảo giác nào? Và, ai có thể minh chứng cho chúng ta thấy rằng đó
chính là sự thật đây? Song, nếu chúng ta chết đi, chúng ta sẽ biết ngay
thôi. Quả thực, trong đời người, chắc chắn có rất nhiều điều, nhiều việc
chỉ khi chết đi, chúng ta mới được biết về chúng.

Tôi đón buổi
sáng của ngày mới mà không hề chợp mắt một chút nào. Từ sáu giờ, tiếng
ve đã kêu râm ran, những tán lá đung đưa trong màu xanh dịu nhẹ, xuyên
qua ánh sáng mùa hè. Tám giờ, người phụ nữ trung niên ấy mang bữa điểm
tâm lên phòng cho tôi. Rồi chị ấy nhìn vào đống chăn trải dưới nền nhà
và hỏi với vẻ ngạc nhiên. “Tối qua anh không ngủ à?”. Tôi trả lời rằng,
đêm qua gió mát quá, tôi thấy trong người dễ chịu, nên ngủ quên luôn
trên ghế sofa. Người phụ nữ cất chăn vào tủ, rồi bắt đầu xếp đồ điểm tâm
lên trên bàn. Rửa mặt xong, tôi ngồi vào bàn. Người phụ nữ ấy xới cơm
cho tôi, rồi im lặng hồi lâu. Một lúc sau, chị ấy nói, hằng năm, cứ đến
ngày đó, tôi vẫn luôn để một lọ hoa ở chỗ hốc tường kia. Tôi nghĩ, thế
là chị ấy đã nhận ra mình rồi. “Chị Kinuko trông vẫn chẳng thay đổi gì
mấy nhỉ”. Thấy tôi nói vậy, chị ấy vừa cười vừa đáp lại: “Cậu Arima
trông cũng vẫn như thế nhỉ”. “Đâu có, tôi thay đổi nhiều đấy chứ”. Hôm
qua, khi mang trà vào phòng là tôi nhận ra cậu ngay. Chị ấy nói mà không
đáp lại lời của tôi. Rồi chị ấy nói tiếp: Đã bao năm làm cái nghề này
rồi, nên tôi có thể đoán biết được ngay khách đến trọ là những người
thuộc cấp độ nào. Ngay cả với các cặp tình nhân, dù họ có tỏ ra ta đây
là vợ chồng thật không đi chăng nữa, cũng chẳng qua được mắt tôi đâu.
Nói chung, tôi suy ra được ngay ai với ai quan hệ như thế nào, mà hầu
như chẳng chệch tí nào đâu nhá. Hồi đó tôi đã có cảm giác là cô gái đã
chết tại căn phòng này là gái quán bar của một nhà hàng cao cấp chuyên
mua vui cho khách, còn chàng tình nhân cũng là cán bộ cốt cán của một
công ty có tiếng nào đó. Thậm chí tôi còn thấy được là chàng trai không
phải người độc thân, mà là người đã có gia đình rồi nữa cơ. Sau mười năm
kể từ khi đó, người phụ nữ trung niên có tên Kinuko ấy giờ chắc hẳn đã
hơn năm mươi tuổi rồi. Chị ấy ngồi chếch phía cạnh tôi trong lúc tôi ăn
bữa sáng, vừa nói chuyện bằng giọng từ tốn, vừa rót trà và xới cơm cho
tôi. Hôm đó lại đúng ngày nghỉ của tôi. Đến trưa hôm sau, khi tôi đến
đây làm thì mới biết về vụ việc của cậu và cô gái kia. Vẫn có vài đồng
chí cảnh sát đến đây hỏi han. Ông chủ thì thấy bực mình bởi sự việc
không hay ho gì ấy lại xảy ra ở quán trọ của mình, thế này thì quán trọ
cũng đến ế ẩm mất thôi. Nghe chuyện của hai người, tôi không hẳn ngạc
nhiên, mà thấy buồn nhiều hơn. “Như một cánh hoa đang nở vậy. Cô ấy đẹp
thật đấy”. Chị ấy thốt lên như vậy. Vài tháng sau, có người bảo với tôi
là chàng trai đó không bị chết. Chẳng hiểu sao tôi lại không quên được
câu chuyện của hai người, mặc dù cô cậu chỉ là khách của cái quán trọ
này. Nhất là tôi không sao có thể quên được vẻ đẹp của cô gái đã chết
ấy, một vẻ đẹp mà ngay cả tôi là phụ nữ cũng phải nao lòng. Vì thế, hằng
năm, cứ đến ngày đó là tôi lại lẳng lặng mua hoa, rồi giấu ông chủ mang
lên cắm ở hốc tường của phòng này. Chị ấy nói, “Người phụ nữ ấy, mỗi
lúc lại có một khuôn mặt khác nhau”, rồi ngưng câu chuyện ở đó.

Ăn
sáng xong, tôi nhờ chị ấy gọi giúp một chiếc taxi. Rõ ràng tôi đã nói
với họ là sẽ trả tiền phòng cho hai suất, thế mà trong hóa đơn thanh
toán họ chỉ ghi số tiền của một suất. Tôi đến Katsura, chỗ ga tàu điện
cao tốc Hankyu, rồi lên tàu đi Umeda để về căn hộ của Reiko.

Từ
mai, tôi sẽ lại bắt tay vào biên tập cuốn tạp chí PR số tiếp theo. Xong
công đoạn ấy, tôi sẽ lái xe đưa Reiko đi làm công tác ngoại giao. Phải
rồi, Reiko đã nghỉ việc ở siêu thị, nơi cô ấy đã làm việc trong suốt
mười năm liền. Cứ ngỡ là cô ấy vẫn ngoan ngoãn phục tùng tôi, nào ngờ
lại thúc vào mông tôi mà sai bảo túi bụi thế này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3