Khuyến học - Phần 11
PHẦN MƯỜI MỘT
ĐẲNG CẤP ĐỊA VỊ ĐẺ RA CÁC CHÍ SĨ RỞM
QUAN ĐIỂM THƯỜNG THẤY Ở NHỮNG NGƯỜI ĐỨNG TRÊN
Trong
Phần tám, tôi đã đưa nhiều dẫn chứng về những tác hại nảy sinh trong
quan hệ vợ chồng, trong quan hệ cha con, mà nguyên nhân chính là do đẳng
cấp, địa vị của con người. Điều tôi lo ngại nhất là những tác hại khác
do nó gây ra cho xã hội. Tác hại đó thể hiện qua việc kẻ mạnh lấy quyền
lực áp đặt, đè nén kẻ yếu.
Tuy vậy, không phải lúc nào “người đứng
trên” cũng có ý định cai trị “kẻ ở dưới” bằng ác ý. Những “người đứng
trên” thường có chung một quan điểm. Đó là, coi dân chúng trong xã hội
vừa ngu muội vừa lương thiện. Chính vì vậy, cần phải lãnh đạo, phải giúp
đỡ, phải giáo dục, phải cứu vớt, phải làm cho dân chúng biết phục tùng
lệnh trên, và không được phép bày tỏ suy nghĩ. Họ coi nền chính trị của
một quốc gia, việc cai trị trong một làng, việc kinh doanh ở một cửa
tiệm, việc sinh hoạt trong nhà, trên dưới đều phải một lòng, sao cho mọi
quan hệ phải được như quan hệ giữa cha mẹ với con cái trong gia đình.
VÌ SAO CỨ MUỐN QUAN HỆ NGOÀI XÃ HỘI PHẢI NHƯ QUAN HỆ CHA CON TRONG GIA ĐÌNH?
Tôi lấy việc nuôi dạy một đứa con khoảng chín, mười tuổi làm ví dụ.
Khi
nuôi con, cha mẹ thường không để ý xem chúng cần cái gì và suy nghĩ ra
sao. Cho ăn, cho mặc thế nào hoàn toàn dựa theo cảm tính. Miễn là con
cái ngoan ngoãn biết vâng lời, không làm trái ý mình thì trời lạnh sẽ
cho mặc ấm, bụng đói sẽ cho ăn no. Thức ăn, manh áo, chỗ ở giống như của
Trời cho, cần lúc nào có lúc đó, con cái không phải lo nghĩ.
Đối
với người làm cha làm mẹ, con cái là thứ quý giá nhất. Nếu có chiều
chuộng, có yêu thương hay mắng mỏ, có cho roi cho vọt, cũng đều là hành
vi xuất phát từ tình thương chân thực.
Hình ảnh cha mẹ với con cái
là một như vậy mới đẹp làm sao! Đương nhiên, trong mối quan hệ này,
trên (cha mẹ) vẫn ở trên, và dưới (con cái) vẫn ở dưới. Hoàn toàn không
có bất cứ một sự lẫn lộn nào.
Những người chủ trương một xã hội
phân thành đẳng cấp, có trên có dưới, luôn ước ao quan hệ xã hội cũng
được như quan hệ cha con trong một nhà. Mong ước đó rất hay. Nhưng có
một vấn đề lớn phải suy nghĩ.
Thực ra, mối quan hệ cha con chỉ
hình thành trong điều kiện cha mẹ là những người lớn, chín chắn và con
cái là những đứa trẻ còn non dại. Mà phải là con đẻ mới được. Nhưng cho
dù là con mình đẻ ra, khi tới độ tuổi nhất định thì người cha, người mẹ
nào cũng cảm thấy chúng bắt đầu khó bảo. Và mối quan hệ cha con bất hòa
dần theo thời gian.
Với con cái nhà mình còn khó, huống chi là với
con cái nhà người. Bởi thế, quan hệ ở ngoài đời giữa những người lạ -
mà đều là trường thành - lại còn khó gấp bội. Vậy phải làm sao để có thể
hình thành được mối quan hệ giữa người với người trong xã hội giống như
quan hệ cha con trong gia đình? Biến lý tưởng tành hiện thực quả là
không dễ.
Hơn nữa, một đất nước, một làng, một chính phủ, một công
ty... tất cả những gì mà người ta gọi là “xã hội loài người” cũng đều
là xã hội của những người đã trưởng thành, xã hội của những người không
có quan hệ huyết thống với nhau. Trước một thật tế như vậy, mà lại mong
ước áp đặt quan hệ cha con trong một nhà vào quan hệ người với người
ngoài đời thì thậy là ảo tưởng.
Nhưng dù biết là khó song ai cũng
đều muốn biến trí tưởng tượng thành hiện thực. Con người là vậy. Và đây
cũng chính là nguyên nhân dẫn tới đẳng cấp, địa vị trên dưới trong quan
hệ giữa người với người, cũng chính là nguyên nhân sinh ra nền chính trị
chuyên chế tàn bạo trong xã hội.
Vì thế, tôi mới viết ở đoạn trên
rằng: Nguyên nhân chính đẻ ra đẳng cấp, địa vị không xuất phát từ sự ác
ý mà xuất phát từ trí tưởng tượng của con người.
Tại các quốc gia
Á châu, người ta gọi quân chủ là “vua cha”, gọi dân chúng là “thần
dân”, “con đỏ”. Ngoài ra, người ta còn gọi công việc của chính phủ là
“mục dân” (chăn dắt, trông coi dân). Ở Trung Hoa, người ta còn đặt tên
cho các quan cai trị địa phương là “quan châu mục”.
Thực ra, chữ
“mục” ở đây, có nghĩa là chăn nuôi gia súc. Tức là đàn bò, bầy cừu được
người ta chăn dắt vỗ về ra sao thì dân chúng trong vùng cũng được chăn
dắt như vậy. Họ công nhiên tán dương “chiêu bài” này. Đối xử với người
dân như lũ ngựa con, bầy nai tơ. Cách làm vô cùng thất đức, ngạo mạn.
Tuy
vậy, như tôi đã trình bày ở đoạn trước, việc họ coi dân chúng như lũ
trẻ con dại, như bầy cừu, như đàn bò cũng không phải do có ác ý gì.
Chẳng qua họ cố gắn việc trị vì một đất nước theo kiểu cha mẹ chăm sóc,
nuôi nấng con cái.
Để làm được như vậy, trước hết họ tự tôn quân
chủ là “vua cha” vừa có đức vừa có tài. Tiếp đến, bên dưới lại có các
quan đại thần anh minh sáng suốt giúp sức. Họ ra sức truyền bá trong dân
chúng, rằng đấng quân chủ và các đại thần có tấm lòng trong như nước,
ngay thẳng như “mũi tên”, không tham lam hay vụ lợi. Đấng quân chủ yêu
dân với tình thương bao la, lo cho dân từng bát cơm, manh áo, từng chốn
nương thân. Dân đói thì cho gạo, gặp hoả hoạn thì cho tiền bạc...
Cứ
như thế, ơn đức của đấng quân chủ như luồng gió nam mát rượi thổi vào
dân chúng. Còn dân chúng tuân phục đáng quân chủ như cờ phướn cuộn bay
theo gió, nhũn như con chi chi, vô cảm như sỏi đá. Đấng quân chủ và thứ
dân hòa quyện vào nhau. Thế gian yên ổn thanh bình.
Nghe họ ca tụng mà cứ ngỡ là quang cảnh trên thiên đường đang hiện ra trước mắt!
Tuy
vậy, thử suy ngẫm hiện thực xã hội sẽ rõ. Quan hệ giữa chính phủ và
nhân dân vốn là mối quan hệ giữa những người xa lạ với nhau, không phải
là quan hệ máu mủ ruột thịt. Quan hệ giữa người lạ với người lạ, nhất
thiết phải ràng buộc nhau bằng khế ước, hợp đồng. Cả hai phía cùng phải
tôn trọng hợp đồng, điểm nào chưa được thì phải tranh luận dàn xếp rồi
thống nhất thực hiện. Luật pháp của một quốc gia cũng được hình thành
trên cơ sở đó.
Trên thế gian này, có quốc gia nào có được đấng
quân chủ nhân đức, có được các quan đại thần sáng suốt anh minh, có được
lũ thần dân nhu mì dễ bảo... không? Đó chỉ là giấc mộng ảo tưởng.
Có
trường học nào đảm bảo sẽ đào tạo ra toàn là các bậc thánh nhân, toàn
là người tài đức? Có cách giáo dục nào chắc chắn sẽ sản sinh ra thần dân
dễ sai bảo?
Ngay cả Trung Hoa, từ thời nhà Chu, các nhà cai trị
đã bao lần đau đầu khổ sở vì ước nguyện đó. Và đã có lần nào họ trị vì
dân chúng được đúng như ý nguyện không? Nếu được như thế thì đâu đến nỗi
giờ đây cả quốc gia rộng lớn này đang bị ngoại bang giày xéo?(24)
Vậy
mà họ vẫn cứ rao giảng ra rả lòng dạ quân chủ như biển Thái Bình v.v.
Mà họ có muốn ca ngợi thì cứ việc ca ngợi lấy một mình. Bị ngoại xâm
giày xéo mà vẫn sứ tiếp tục ca ngợi nền chính trị nhân từ của quân chủ.
Cứ cho đó là chuyện của người ta, nhưng mù quáng đến như vậy thì chỉ tổ cho thiên hạ chê cười.
_________
24. Tác giả muốn ám chỉ cuộc chiến tranh Nha phiến xảy ra tại Trung Hoa trong thời kỳ này.
“BIỂN THỦ, TƯ TÚI”, TRÁCH NHIỆM CỦA AI?
Khuynh
hướng dựa vào đẳng cấp, địa vị để ra lệnh mà không cần biết dân chúng
nghĩ gì không chỉ riêng một mình chính phủ. Hiện tượng này còn thấy cả ở
trong các cửa hiệu, trường tư thục, đền chùa. Nơi nào cũng có.
Tôi đưa ra một dẫn chứng.
Có
một cửa hiệu do một ông chủ tự bỏ tiền kinh doanh. Ông ta sắp đặt công
việc cho mọi người từ của hàng trưởng đến các nhân viên, người nào việc
nấy. Ngoài ông chủ ra, không một người nào được biết toàn bộ công việc
kinh doanh của cửa hiệu. Lương bổng cao thấp, công việc nặng nhẹ, nhất
nhất đều do ông chủ quy định. Bản thân ông ta luôn miệng quat tháo và
tin rằng tất cả nhân viên đều nhất mực trung thành, nghiêm túc. Tiếc
thay, trong số nhân viên có cả kẻ lợi dụng sự sơ hở của chủ, giấu nhẹm
doanh số, sửa đổi sổ sách, biển thủ tiền bán hàng. Chỉ đến khi kẻ đó tự
nhiên biến mất hoặc lâm bệnh chết, cho kiểm tra sổ sách, thấy số tiền bị
cuỗm quá lớn, ông chủ mới tá hỏa lên. Phó thác hoàn toàn cho người khác
chẳng dễ chút nào!
Tuy vậy, vấn đề không phải ở chỗ con người
không thể tin tưởng, không thể trông cậy được, mà là ở cách điều hành
của chính bản thân ông chủ. Ông ta tự cho rằng mình là tất cả, và nhân
viên phải răm rắp tuân theo. Nên nhớ rằng nhân viên có trung thành đến
mấy thì họ cũng chỉ là người dưng. Trong quan hệ với người dưng, phải
thỏa thuận rõ ràng chuyện tiền nong, kiểm tra định kỳ chứ không thể cư
xử theo kiểu con cháu trong nhà để rồi mang vạ vào thân.
TẠI SAO LŨ CHÍ SĨ RỞM LẠI CỨ HOÀNH HÀNH MÃI VẬY?
Trào
lưu quyền lợi phụ thuộc vào đẳng cấp địa vị, hành xử công việc theo lợi
ích riêng, đang lan rộng. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưu
mô, dối trá, lừa đảo đầy rẫy trong xã hội hiện nay. Tôi gọi những kẻ
hùa theo trào lưu này là “chí sĩ rởm”.
Ví dụ, các thuộc hạ của các lãnh chúa dưới thời phong kiến là một minh chứng tốt.
Bọn
này, kẻ nào người nấy đều tỏ ra trung thành. Ngoài mặt luôn tỏ vẻ biết
thân biết phận, lúc nào cũng khúm núm, cúi rạp mình. Trong ngày giỗ
chạp, lễ tết, thanh minh, không bao giờ thiếu mặt. Hễ mở miệng là đều có
cùng giọng điệu “trung thần báo quốc”, hoặc là “thân này sẵn sàng chết
vì chủ”. Người thường dễ bị lừa phỉnh bằng vẻ bề ngoài của chúng. Kỳ
thực, bọn chúng đều là một lũ chí sĩ rởm cả.
Được cất nhắc vào
chức vụ cao một chút, ngoài lương bổng, phụ cấp quy định ra, không hiểu
sao tiền cứ vào như nước. Hóa ra, kẻ trông coi việc xây cất thì luôn
thúc giục chủ thầu cống lễ. Kẻ trông coi ngân khố thì đòi thị dân phải
biếu xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như vậy diễn ra như cơm
bữa đến độ trở thành lệ. Ngay cả những Võ sĩ vốn được mệnh danh là trung
nghĩa luôn trong tư thế chết thay cho chủ thì cũng tìm cách nâng giá
trang phục để kiếm chênh lệch. Tất cả cái lũ này phải được gọi là “chí
sĩ rởm chính hiệu” mới phải.
Họa hoằn lắm mới có một ông quan
chính trực. Không một lời đồn nào về ông ta nhận hối lộ cả. Và thế là
người đời ra sức khen ngợi. Nhưng ông ấy cũng chỉ là người không ăn cắp
tiền của công quỹ mà thôi. Chẳng lẽ cứ phải khen người ta vì ở họ không
có lòng dạ tham lam hay sao? Chẳng qua, vì có quá nhiều các chí sĩ rởm,
nên ông ấy mới nổi đình nổi đám như vậy.
Vì sao lũ chí sĩ rởm lại
nhiều đến thế? Nếu tra kỹ ngọn nguồn, thì đó là kết quả của ảo tưởng mù
quáng luôn coi dân chúng là ngu muội, hiền lành và dễ trị.
Kết cục
là tác hại đó đưa tới cách đối xử độc đoán, đẻ ra sự áp chế đối với
người dưới. Có thể nói không có gì vô trách nhiệm hơn là cách hành xử
dựa vào đẳng cấp, địa vị, tự cho mình là cha là mẹ của dân.
KHÔNG THỂ TRÔNG CẬY VÀO THIỂU SỐ “NGHĨA SĨ”
Tuy
vậy, có người sẽ nói: “Sao lại cứ toàn đưa ra các ví dụ chẳng hay ho gì
về lũ người dối trá như thế. Người Nhật Bản có phải ai cũng xấu cả đâu.
Nước ta vốn là một đất nước trọng nghĩa. Từ bao đời nay, chẳng phải là
có rất nhiều ví dụ của các nghĩa sĩ hy sinh thân mình vì chúa dó sao”.
Tôi
xin thưa: “Quả thật, không phải là không có các nghĩa sĩ chính trực.
Nhưng số đó thật ít ỏi. Tôi tính thử thế này. Dưới thời Genroku - thời
kỳ mà tinh thần trọng nghĩa nở rộ nhất trong lịch sử nước ta - có 47
nghĩa sĩ tỉnh Akou. Tỉnh Akou có bảy mươi ngàn dân. Cứ bảy mươi ngàn dân
có 47 nghĩa sĩ, thì bảy triệu dân có 4,700 nghĩa sĩ. Nhưng thời thế đổi
thay, tình người cũng vơi dần theo thời đại, tấm lòng trọng nghĩa đang
bước vào thời kỳ thoái trào, như mọi người đều nhận thấy. Cứ coi như
giảm 30 phần trăm so với thời Genroku, và như vậy bảy triệu người chỉ
còn 3,290 nghĩa sĩ. Dân số nước ta hiện nay là 30 triệu. Vậy thì số
nghĩa sĩ vào khoảng 14,000 người. Với số lượng như thế này, không hiểu
là có đủ người bảo vệ đất nước Nhật Bản không? Đến đứa trẻ lên ba cũng
nhẩm tính được.
ĐỊA VỊ ĐẲNG CẤP VÀ CHỨC VỤ LÀ HAI VIỆC HOÀN TOÀN KHÁC NHAU
Nếu theo luận cứ như trên, thì đẳng cấp địa vị không có ý nghĩa gì.
Tuy
vậy, để cẩn thận hơn, tôi muốn nói thêm một ý thế này, nói tới đẳng cấp
địa vị là nói về chức danh trống rỗng bề ngoài. Mà đã là chức danh
trống rỗng thì bất kể trên hay dưới, nó là thứ hoàn toàn vô dụng. Nhưng
mặt khác, chức danh cũng còn bao gồm chức năng thực tế. Chức năng thực
tế là điều quan trọng nhất. Nếu làm tròn chức năng thực tế thì dù có
đẳng cấp địa vị cũng còn có thể chấp thuận được.
Tức là chính phủ
là người coi giữ ngân khố của một nước. Chức năng của chính phủ là cai
trị nhân dân. Nhân dân là người đầu tư của một nước. Chức năng của nhân
dân là chi trả mọi khoản quốc phí. Chức năng của chính trị gia là quyết
định chính trị, luật pháp. Chức năng của quân nhân là chiến đấu theo
mệnh lệnh của quốc gia. Cũng như vậy, các học giả, thị dân đều có chức
năng được quy định.
Tuy vậy cũng có người nhanh nhảu đoảng, cho
rằng làm gì có địa vị đẳng cấp, đứng trên lập trường cho rằng dân chúng
chỉ chuyên vi phạm luật lệ. Có quan chức chỉ thích chọc tay vào sản
nghiệp của tư nhân, họ gây ra những chuyện động trời. Huống chi quân đội
lại tùy tiện can thiệp vào chính trị, gây ra chiến tranh, chính điều
này làm đất nước rơi vào cảnh nội loạn. Đó không phải là phát huy ý
nghĩa của tự chủ, tự do mà chỉ có thể gọi là bạo động vô chính phủ, vô
luật pháp.
Nói tóm lại, về chữ “chức danh” và “chức năng” trông
thì có vẻ giống nhau, nhưng nghĩa thì hoàn toàn khác nhau, nếu cần thiết
phải phân biệt cho rõ rệt.
Các bạn không được phép lầm lẫn ý nghĩa mang tính bản chất mà từng chữ thể hiện.
Tháng 7 năm Minh Trị thứ bảy (tức năm 1874)