Khuyến học - Phần 01
PHẦN MỘT
TRỜI KHÔNG TẠO RA NGƯỜI ĐỨNG TRÊN NGƯỜI
MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG, NẾU CÓ KHÁC BIỆT LÀ DO HỌC VẤN
Người
ta thường nói: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không
tạo ra người đứng dưới người.” Kể từ khi tạo hóa làm ra con người thì
tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như
nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo.
Loài người -
chúa tể của muôn loài - bằng hoạt động trí óc và hoạt động chân tay mà
biến mọi thứ có trên thế gian thành vật có ích cho bản thân mình. Nhờ
thế mà thoả mãn được nhu cầu ăn, mặc, ở, sống tự do theo ý muốn và không
làm phiền, làm cản trở cuộc sống của đồng loại. Con người có thể sống
yên ổn, vui vẻ trên thế gian. Đó là ý Trời, là niềm hi vọng của Trời đối
với con người.
Vậy mà nhìn rộng ra khắp xã hội, cuộc sống con
người luôn có những khoảng cách một trời một vực. Đó là khoảng cách giữa
người thông minh và kẻ đần độn; giữa người giàu và người nghèo; giữa
tầng lớp quý tộc và tầng lớp hạ đẳng.
Như thế là tại làm sao? Nguyên nhân thực ra rất rõ ràng.
Cuốn sách dạy tu thân Thực ngữ giáo có
câu: “Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu
dốt.” Câu nói trên cũng có thể hiểu: Sự khác nhau giữa người thông minh
và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi.
Trên thế gian
có cả việc khó lẫn việc dễ. Người làm việc khó được coi là người quan
trọng. Người làm việc dễ thường có địa vị thấp, bị coi thường. Công việc
cần sự khổ nhọc về tinh thần được xem là việc khó, còn lao động chân
tay là việc dễ. Vì thế, học giả, quan chức chính phủ, giám đốc các công
ty lớn, chủ trang trại sử đụng nhiều nhân công... là những người có địa
vị cao, quan trọng. Và một khi đã là những người có địa vị, quan trọng
thì đương nhiên gia đình họ cũng giàu sang sung túc đến mức tầng lớp hạ
đẳng nằm mơ cũng không được. Tuy vậy, nếu suy nghĩ kỹ lưỡng gốc rễ của
vấn đề thì chỉ có một nguyên nhân. Đó chẳng qua là do có chịu khó học
hay không mà thôi, chứ có người nào được trời phú cho đâu. Ngạn ngữ có
câu: “Trời không ban cho con người phú quý. Chính con người tạo ra giàu
sang phú quý.” Có nghĩa là Trời nhìn vào kết quả hoạt động, lao động của
con người để ban thưởng.
Như tôi đã đề cập: Ở con người vốn dĩ
không có chênh lệch sang hèn, giàu nghèo. Vì thế, có thể nói rằng: người
chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung
túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp hèn, nghèo khổ.
HỌC NHỮNG MÔN THIẾT THỰC CHO CUỘC SỐNG
Học
vấn là gì? Đó không phải là học chỉ cốt để hiểu câu khó, chữ khó; càng
không phải là việc học chỉ để giải nghĩa văn cổ, đọc thơ, vịnh thơ. Học
như vậy không có ích gì cho cuộc sống cả.
Đọc các tác phẩm văn học
cũng là để động viên an ủi lòng người, như thế chảng phải là môn học có
ích cho cuộc sống đó sao? Nhưng tôi không nghĩ rằng văn học là môn học
quan trọng đến mức “phải thờ phụng nó” như các thầy dạy Hán văn, Cổ văn
thường nhấn mạnh. Trong cuộc sống, tôi hầu như không thấy thầy dạy Hán
văn nào có được tài sản đáng kể, cũng như các thương gia vừa giỏi thơ
phú vừa thành công trong kinh doanh lại càng hiếm.
Với lối học như
hiện nay, chỉ tăng thêm sự lo lắng trong các bậc phụ huynh, nhà nông...
những người hết lòng chăm lo việc học tập của con cái: “Chúng nó cứ học
theo kiểu này, chắc có ngày tán gia bại sản mất.” Điều đó đúng. Vì lối
học này không thực tế, không thể áp dụng kết quả học tập vào thực tiễn
cuộc sống.
Vậy thì giờ đây chúng ta phải học cái gì và học như thế nào?
Trước
hết phải học những môn học thực dụng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày.
Ví dụ: phải thuộc lòng bảng 47 chữ cái Kana. Học cách soạn thảo thư từ,
ghi chép trương mục kế toán. Sử dụng thành thạo bàn tính. Nhớ cách cân
đong, đo, đếm. Tiếp đến là phải học các môn như Địa lý để biết được
phong thổ Nhật Bản và các nước trên địa cầu. Vật lý là môn học giúp ta
phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua đó tìm
ra tác dụng của nó. Học Sử vì đây là môn học giúp ta hiểu biết cặn kẽ
mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó chúng ta có thể nghiên
cứu quá khứ, hiện tại của mọi quốc gia. Học Kinh tế là môn giải đáp cho
chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng
như nền tài chính của cả quốc gia. Học môn Đạo đức, môn này giúp ta hiểu
về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp,
cách sinh hoạt giữa người với người.
Để học các môn này, cần thiết
phải đọc tất cả các quyển sách của châu Âu đã được dịch ra tiếng Nhật.
Đối với các bạn trẻ có khả năng thì tôi khuyên nên đọc trực tiếp các
nguyên bản bằng tiếng Anh, Pháp, Đức. Khi học phải nắm được nội dung chủ
yếu của môn học, trên cơ sở đó phải hiểu được bản chất cơ bản của mọi
sự vật. Học như vậy mới có ích cho cuộc sống. Đó là Thực học mà
ai cũng phải học, là học vấn mà hết thảy mọi người đều phải tự trang
bị, không phân biệt đẳng cấp, khoảng cách giàu nghèo. Chính việc tự
trang bị kiến thức này, từng cá nhân trên cơ sở làm trọn trọng trách của
mình, sẽ điều hành quản lý tốt gia nghiệp được giao.
Cá nhân có độc lập thì gia đình mới độc lập. Và như thế quốc gia cũng độc lập.
TỰ DO KHÔNG PHẢI LÀ CHỈ BIẾT CÓ TÔI CHO RIÊNG TÔI
Biết
đúng vị trí, chỗ đứng của mình là rất quan trọng. Kể từ khi sinh ra,
con người không phải chịu sự can thiệp của bất cứ một ai. Nam cũng như
nữ đều có quyền tự do sinh ssống. Và đúng là con người có quyền tự do,
nhưng lúc nào cũng khăng khăng đòi phải được làm theo ý muốn của riêng
mình mà không biết rõ vị trí của mình thì sẽ trở nên chỉ biết có mình,
cho riêng mình. Như thế là tự mình làm hỏng mình.
Dựa trên đạo lý
mà Trời đã định, vị trí của mỗi người là ở chỗ: biết trọng tình người,
không làm phiền hay cản trở người khác, biết bảo vệ quyền tự do bản
thân.
Tự do bản thân không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, không
có nghĩa là làm phiền hoặc cản trở người khác. Ví dụ như có người nói:
“Tiền tôi, thích uống rượu tôi uống, thích mua “hoa” tôi mua. Đó là
quyền tự do của tôi, chứ động chạm gì tới ai.” Suy nghĩ như vậy là sai.
Ham mê tửu sắc làm ảnh hưởng tới người khác, lại lôi kéo bạn bè, làm hại
nền giáo dục xã hội. Cứ cho la tiền tôi tôi xài, nhưng không vì thế mà
có thể bỏ qua nhưng hành vi tội lỗi gây ra cho xã hội.
Tự do và độc lập không chỉ liên quan tới từng cá nhân mà còn là vấn đề của quốc gia nữa.
Nhật
Bản chúng ta là một quốc đảo nhỏ nằm ở phía Đông châu Á, cách xa đại
lục, lâu nay không giao thương với ngoại quốc, bế quan tỏa cảng, tự cung
tự cấp. Mãi tới thời Gia Vĩnh (1848-1854), khi hạm đội Mỹ kéo đến gây
áp lực, Nhật Bản mới bắt đầu mở của giao thương với nước ngoài. Thế mà
ngay cả khi đã mở cửa, trong nước vẫn chưa hết tranh cãi ồn ào xung
quanh việc tiếp tục mở cửa hay đóng cửa, thiếp tục lên án người ngoại
quốc là lũ man di mọi rợ... Những cuộc tranh cãi như vậy thật là vô bổ,
có khác nào “Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.
Thử nghĩ xem,
chẳng phải là người Nhật chúng ta cũng như người dân các nước phương
Tây cùng ở trên một quả đất, hưởng chung ánh mặt trời, ánh trăng, thở
cùng một không khí, hưởng cùng một đại dương, và đều là con người cả đó
sao. Chúng ta thừa sản vật thì chia bớt cho người ta; người ta thừa sản
vật thì chia lại cho mình, cùng học hỏi lẫn nhau, không ai tự cao tự
đại, không làm nhau hổ thẹn. Dân Nhật ta cũng như dân họ đều cùng mong
phát triển, cùng mong hạnh phúc đó sao?
Chúng ta phải tận tâm làm
hết sức mình trong quan hệ quốc tế sao cho đúng ý trời, hợp lòng người.
Nếu đúng đạo lý thì cần chuộc lỗi với người Phi châu cũng phải làm. Còn
để bảo vệ lập trường chính nghĩa thì dù là pháo hạm Anh hay Mĩ, chúng ta
cũng không sợ. Khi quốc gia chịu nỗi nhục mất nước thì mọi người dân
Nhật, không trừ một ai, đều sẵn sàng xả thân để bảo vệ thanh danh của Tổ
quốc. Như vậy, đất nước mới tự do, quốc gia mới độc lập.
Thế
nhưng trên thế gian này, vẫn có quốc gia tự phong cho mình là trung tâm
của vũ trụ. Họ nghĩ là ngoài đất nước họ ra không có quốc gia nào tồn
tại cả. Hễ cứ nhìn thấy người ngoại quốc thì miệt thị như loài thú
hoang, gọi họ là man di mọi rợ. Kết cục là quốc gia đó tự chuốc lấy sự
căm ghét của các nước khác. Đó là một kiểu “chỉ biết cái tôi” ở tầm quốc
gia, đó là cách ngoại dao không biết mình biết người, không nắm rõ ý
nghĩa của từ Tự do.
HỌC ĐỂ DÁM NÓI LÊN CHÍNH KIẾN VÀ THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ BỔN PHẬN VỚI ĐẤT NƯỚC
Kể từ khi thiết lập chế độ quân chủ(1),
nền chính trị Nhật Bản đã có những thay đổ mạnh mẽ. Về mặt đối ngoại,
chính phủ đã bang giao với ngoại quốc trên cơ sở công pháp quốc tế. Về
đố nội, chính phủ đã mang lại tinh thần “tự do, độc lập” cho dân chúng.
Người dân chúng ta đã được phép mang đầy đủ họ và tên; được phép cưỡi
ngựa... Đó là sự thay đổi to lớn kể từ thuở lập quốc, tạo cơ sở bình
đẳng về địa vị giữa các thành phần Võ sĩ (samurai), Nông, Công, Thương
trong xã hội(2).
1.
Tức là việc Nhật Hoàng Minh Trị lên cầm quyền, chấm dứt 265 năm cai trị
của chính quyền phong kiến Mạc phủ ở Nhật Bản. Chính phủ Minh Trị đã mở
ra một chương mới trong lịch sử Nhật Bản với công cuộc Minh Trị Duy
tân, hiện đại hóa Nhật Bản.
2. Cho tới thời đó của Nhật
Bản, chỉ có các Võ sĩ (samurai) mới có quyền mang đầy đủ họ và tên. Còn
mọi thành phần khác trong xã hội chỉ được đặt tên nhưng không được phép
mang họ. Nhờ sự thay đổi này, người dân Nhật mới biết được dòng họ, gia
phả của mình. Cũng như vậy, ngoài tầng lớp Võ sĩ ra, không một ai được
phép cưỡi ngựa - là phương tiện di chuyển duy nhất thời ấy.
Chế độ đẳng cấp - địa vị của một người được quy định trước cả khi người đó ra đời - đã hoàn toàn bị xóa bỏ(3).
3.
Tiếng Nhật gọi là mibun seido, chính sách do chế độ phong kiến Mạc phủ
Tokugawa đề ra. Chính sách này phân chia xã hội thành 4 loại: Võ sĩ
(samurai), Nông, Công, Thương hay còn gọi là Tứ giới và cấm không cho Tứ
giới được thay đổi nghề nghiệp. Cha là võ sĩ thì con cũng suốt đời là
võ sĩ, cha làm ruộng hay làm thợ thì con cháu cứ vĩnh viễn phải theo
nghề đấy... Lại cấm không cho người dân dược thay đổi chỗ ở, tự do di
cư, ai ở nông thôn cứ phải ở nông thôn, ai ở thành thị cứ phải ở thành
thị. Luật lệ của Mạc phủ cực kỳ nghiêm ngặt, người dân nào vì bất kì lý
đo gì mà tự động di cư, bắt được thì căng nọc khảo tra, dẫu có được dẫn
giải về nguyên cư thì cũng đã khặc khừ gần chết vì roi vọt. Và chính
sách này nhằm chủ yếu vào tầng lớp nông dân, buộc họ cứ phải ở nông thôn
cày ruộng để cung cấp thóc lúa cho Mạc phủ, nội có được bao nhiêu thóc
lúa gặt về thì cũng phải chờ Võ sĩ đến lấy thuế đã, phần còn lại mới
được phép xay ăn và làm vốn cho vụ tới. Nếu như không đủ số thóc thuế
quy định thì phải bán vợ đợ con đi để đong kỳ đủ thóc thuế. Nông dân
thời Mạc phủ chết đói liên miên bởi chế độ đẳng cấp này. (Nhật Bản tư
tưởng sử, tập 2, trang 131, Nguyễn Văn Tần dịch.)
Từ nay trở
đi địa vị xã hội của cá nhân sẽ được quyết định tùy theo tài năng, phẩm
cách và vai trò của mỗi người. Quan chức chính quyền được bổ nhiệm theo
tài năng và nhân cách, và là người thực thi luật pháp cho chúng ta.
Chúng ta kính trọng họ theo lẽ đó, chứ không phải chúng ta kính trọng
chức vụ và thành phần xuất thân của họ. Chúng ta không tuân theo con
người họ. Chúng ta chỉ tuân thủ Luật pháp (Quốc pháp) mà họ đang thừa
nhận.
Dưới thời chính quyền phong kiến Mạc phủ, người dân chúng ta luôn phải khiếp sợ, né tránh, cúi rạp mình trước các Tướng quân(4).
Ngay cả lũ ngựa của các Tướng quân cũng làm chúng ta hoảng sợ không dám
đi chung đường với chúng; bầy chim cắt dùng nhử mồi khi các Tướng quân
đi săn bắn, cũng làm chúng ta kiếp đảm, phải cúi lạy phải phủ phục cho
đến khi lũ chim bay khuất mới dám ngẩn đầu đứng lên đi tiếp. Người ta đã
buộc chúng ta phải quen, phải sợ những thứ được coi là “luật lệ”, “tập
quán” hà khắc ấy. Giờ đây nghĩ lại ai ai cũng cảm thấy kinh tởm.
4. Tiếng Nhật là sogun, chỉ người có chức vị và thực quyền cao nhất trong chính quyền Mạc phủ.
Nhưng
thứ “luật lệ”, “tập quán” đặt ra một cách vô cớ đó, không phải là luật
pháp hay quốc pháp để chúng ta phải tuân thủ. Chúng là những thứ đã cướp
đoạt mọi quyền tự do của chúng ta. Chúng là những thứ được đặt ra để
gieo rắt nỗi sợ hãi trong chúng ta trước uy quyền của chế độ phong kiến
Mạc phủ và nhằm để che đậy bản chất lộng hành, không minh bạch của chính
chế độ đó.
Giờ đây, toàn bộ cái chế độ và luật lệ ngu xuẩn ấy đã
bị xóa sổ. Vì thế, không lẽ gì chúng ta cứ phải sợ bóng sợ vía các cấp
chính quyền đó mãi.
Nếu có gì bất mãn với chính quyền hiện tại,
chúng ta phải kháng nghị, tranh luận một cách đường đường chính chính.
Tại sao chúng ta chỉ dám nói xấu, kêu ca sau lưng họ mà không dám chỉ
mặt vạch tên.
Những kháng nghị hợp lòng dân, đúng đạo Trời, dù có
phải đổ cả tính mạng chúng ta cũng phải tranh đấu. Đây là bổn phận mà
mỗi người dân chúng ta phải thực hiện đối với đất nước.
HỌC ĐỂ HIỂU “TRÁCH NHIỆM” CỦA BẢN THÂN
Như
tôi đã nói ở trên kia, “độc lập và tự do” dựa trên đạo lý của Trời đã
trở thành nguyên tắc trong từng người cũng như của cả quốc gia chúng ta.
Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc này thì dù có phải biến cả
thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng không sợ, huống hồ chúng ta lại
phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?
Giờ đây, chúng ta
đã xác lập được tinh thần cơ bản: mọi người dân đều bình đẳng, vì thế
chúng ta hãy yên tâm phát huy mọi khả năng sức lực và trí tuệ của mình.
Mỗi
người đều có mỗi bổn phận, do đó phải tự vun đắp tài năng, rèn luyện
nhân cách sao cho xứng đáng với bổn phận đó. Để làm được điều này, ai ai
cũng phải học chữ, học ngôn ngữ. Có chữ, biết ngôn ngữ sẽ lý giải được
mọi đạo lý của sự vật.
Nói đến đây chắc các bạn sẽ hiểu giúp tôi rằng: Học vấn là vấn đề cấp bách biết nhường nào.
Hiện
nay, tầng lớp thường dân cũng đã sánh vai ngang hàng với tầng lớp Võ sĩ
(samurai), cho nên con đường được lựa chọn vào các chức vụ trong chính
quyền cũng mở ra cho chúng ta nếu chúng ta có tài.
Chúng ta phải tự giác trước bổn phận của bản thân, không chạy theo những hành động rồ dại, phải cẩn trọng.
Tôi
chắc rằng không ai đáng thương hại hơn là những người vô tri thức,
những người không hiểu lẽ phải, và cũng không ai khó giao tiếp hơn những
người ấy. Vì không có tri thức, không có năng lực tự thức tỉnh nên họ
căm ghét oán giận những người giàu có chính đáng, đôi khi họ tập hợp
thành bầu đoàn đi đánh cướp.
Bản thân họ được pháp luật bảo vệ, nhưng hễ cứ cảm thấy bất lợi cho mình thì họ lại thản nhiên vi phạm, ngang nhiên phá luật.
Lại
không có ít người, có được chút ít tài sản, tiền bạc thì chỉ lo tích
trữ, cất giấu, không bao giờ suy nghĩ đầu tư cho con cháu học hành. Vì
thế con cháu họ chỉ biết ăn chơi, lêu lổng, dốt nát và cứ thế tiêu pha
tàn phá tài sản của ông cha mình.
Đối với nhũng người như vậy,
không thể mang đạo lý ra để giảng giải mà chỉ có cách là dùng uy lực đe
doạ chứ không có cách nào khác. Ám chỉ điều này, người phương Tây có câu
tục ngữ: “Dân ngu tự chuốc lấy chính sách bạo tàn.” Người dân tử tế
nghiêm túc thì chính phủ cũng buộc phải tử tế nghiêm túc.
Nước
Nhật chúng ta có dân, trên dân có chính phủ. Phẩm cách của dân rơi vào
vòng ngu tối, vô học thì luật pháp của chính phủ cũng trở nên hà khắc.
Nhưng nếu quốc dân có chí học hành, tiếp thu văn minh thì không có cách
nào khác, chính phủ cũng sẽ quảng đại, nhân đạo.
Luật nước hà khắc hay quảng đại hoàn toàn tuỳ thuộc vào thái độ, phẩm cách của quốc dân.
Có người dân nào lại mong muốn một chế độ chính trị tàn bạo?
Có người dân nào lại mong muốn cho đất nước kém phát triển?
Có người dân nào lại mong cho nước mình bị ngoại bang khinh miệt?
Không và không thể có. Đó chính là tình con người trong mỗi chúng ta.
Nếu
như ai ai cũng một lòng một dạ báo đáp cho Tổ quốc, nơi mình sinh thành
thì chúng ta không bao giờ phải lo nghĩ hay bất an đến tương lai, đến
tiền đồ của Nhật Bản. Mục đích của chúng ta chỉ có một: giữ gìn hòa bình
cho đất nước.
Do vậy, điều quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác là
mỗi người chúng ta ai ai cũng phải học hành, mở mang kiến thức, mài giũa
tài năng, nhân cách sao cho xứng đáng với bổn phận của mình.
Ngược
lại, chính phủ phải có trách nhiệm soạn thảo và thông báo đến mọi người
dân những chính sách dễ hiểu. Mục tiêu duy nhất cho chính phủ là phải
mang lại cuộc sống ấm no yên ổn cho dân.
Những lời về học vấn mà tôi khuyên nhủ các bạn cũng chỉ nhằm tới điều này.
Nhân dịp khai trương Keio Nghĩa thục tại
quê tôi, huyện Nakatsu tỉnh Oita, tôi chấp bút viết chương này đưa cho
bạn bè, đồng hương xem. Nhiều bạn hữu, sau khi đọc xong, nói với tôi
rằng: Bài này không chỉ cho bạn bè, đồng hương mà nên gởi tới bạn đọc
gần xa nữa, như vậy sẽ có hiệu quả hơn, nên tôi đã cho in thành nhiều
bản để các bạn cùng đọc.
Tháng 2 năm Minh Trị thứ năm (tức năm 1871)