Giáo sư và công thức toán - Chương 01 phần 1
Tôi và con trai mình gọi ông là giáo sư. Còn giáo sư gọi con
trai tôi là Căn. Vì đỉnh đầu thằng bé nom bèn bẹt như ký hiệu căn bậc
hai.
- Ồ, xem chừng trong này là cả một tâm trí sáng láng đây.
Giáo
sư vừa xoa đầu thằng bé vừa nói, không hề để ý tới việc tóc nó sẽ rối
tung lên. Thằng bé, vì sợ bạn bè trêu chọc nên lúc nào cũng đội mũ sùm
sụp, cảnh giác rụt cổ lại.
- Với ký hiệu này, ta có thể ban phát một danh phận rõ ràng cho cả những con số vô hạn lẫn những con số vô hình.
Thế rồi ông lấy đầu ngón trỏ vẽ cái ký hiệu ấy lên mép chiếc bàn làm việc đã phủ một lớp bụi dày.
Trong
vô số những điều mà tôi và con trai được giáo sư chỉ bảo, ý nghĩa của
căn bậc hai chiếm một vị trí quan trọng. Rất có thể giáo sư, một người
luôn tin rằng có thể biểu thị mọi sự vận động trên thế giới bằng những
con số, sẽ không hài lòng với cách nói “vô số” ấy của tôi. Thế nhưng tôi
còn biết diễn đạt thế nào khác được. Chúng tôi từng biết tới những con
số nguyên tố khổng lồ có cả trăm nghìn chữ số, tới con số lớn nhất –
được ghi trong sách Guinness – người ta dùng để chứng minh một thuật
toán, và cả những khái niệm toán học vô hạn, nhưng dẫu tôi có liệt kê
hết vốn kiến thức ấy ra, chúng cũng không làm sao sánh được với cái mật
độ thời gian mà chúng tôi trải qua cùng ông.
Tôi vẫn còn nhớ rất
rõ cái hôm cả ba chúng tôi cùng thử xem phép màu gì sẽ xuất hiện nếu đưa
con số vào trong căn bậc hai. Đó là một chiều mưa sau khi tháng Tư bắt
đầu chưa lâu. Bóng đèn sợi đốt tỏa sáng trong thư phòng lờ mờ tối, chiếc
cặp sách con trai tôi vứt ra nằm chỏng chơ trên thảm và phía ngoài cửa
sổ là những chùm hoa mơ đẫm nước.
Trong mọi hoàn cảnh, điều giáo
sư đòi hỏi ở chúng tôi không chỉ là đáp ứng. Ông vui sướng khi thấy
chúng tôi chật vật đưa ra những đáp án trật khấc hơn là khi thấy chúng
tôi chẳng trả lời được gì và câm tịt như hến. Thế rồi ông càng hoan hỉ
nếu từ đó lại nảy sinh thêm một vấn đề mới hóc búa hơn. Ông có một cảm
quan độc đáo về cái gọi là “những sai lầm đúng đắn”, và nhờ đó tạo cho
chúng tôi sự tự tin chính trong những lúc chúng tôi không thể đưa được
ra những lời giải đúng cho dù đã nghĩ nát óc.
- Bây giờ chúng ta thử cho âm 1 vào xem sao nhé.
Giáo sư nói.
- Một số mà khi nhân với chính nó sẽ bằng âm 1, đúng không nào?
Ở
trường, con trai tôi vừa mới học đến phần phân số. Thằng bé lập tức
chấp nhận sự tồn tại của một số nhỏ hơn 0 chỉ trong chưa đầy ba mươi
phút giải thích của giáo sư. Chúng tôi cố tưởng tượng ra ở trong đầu.
Căn bậc hai của 100 là 10, căn bậc hai của 16 là 4, căn bậc hai của 1 là
1, căn bậc của âm 1 là …
Giáo sư chẳng bao giờ giục giã. Ông thích nhất là được chăm chú ngắm nhìn khuôn mặt đăm chiêu suy nghĩ của hai mẹ con tôi.
- Chắc là không có số đó đâu ạ.
Tôi thận trọng cất lời.
- Sai rồi, nó ở đây này.
Ông tự trỏ vào ngực mình.
-
Đó là một con số cực kì ý nhị. Nó không xuất hiện ở những nơi dễ nhận
thấy, nhưng lại thực sự tồn tại trong trái tim của mỗi chúng ta và nâng
đỡ thế giới bằng đôi bàn tay nhỏ bé của mình.
Chúng tôi lặng
thinh, để mặc cho tâm tưởng mình cuốn theo đôi bàn tay đang dang rộng,
theo như lời giáo sư, của căn bậc hai âm 1 ở một chốn xa xôi vô định.
Chỉ có tiếng mưa rơi. Con trai tôi đưa tay lên đầu mình như thể để một
lần nữa xác nhận lại hình dạng của căn bậc hai.
Tuy vậy, giáo sư
không phải bao giờ cũng là người dạy bảo. Ông luôn tỏ ra khiêm nhường
trước những điều mình không biết và cũng ý nhị chẳng kém gì căn bậc hai
âm 1. Lúc gọi tôi, bao giờ giáo sư cũng mở đầu bằng: “Phiền cô một
chút…”
Ngay cả những khi chỉ định nhờ tôi chỉnh hộ cái núm lò
nướng sang nấc ba phút rưỡi, giáo sư cũng không quên thêm vào câu:
“Phiền cô một chút…”. Khi tôi vừa xoay cái núm tới sát nấc yêu cầu, giáo
sư sẽ nghển cổ ra và nhòm mãi vào trong lò cho đến lúc bánh mì chín
tới. Ông say sưa ngắm nhìn chiếc bánh trong lò, cứ như thể định chờ xem
cái mệnh đề mà tôi chứng minh sẽ tiến gần đến chân lý như thế nào, và cứ
như thể chân lý ấy sánh ngang với định lý Pythagoras vậy.
Lần đầu
tiên tôi được Nghiệp đoàn Akebono giới thiệu tới nhà giáo sư là vào
tháng Ba năm 1992. Trong số những người giúp việc đăng kí ở nghiệp đoàn
của cái thị trấn bé tẹo trông ra biển Seto ấy, tôi là người trẻ nhất,
nhưng đã có hơn mười năm kinh nghiệm. Trong cả quãng thời gian đó, tôi
luôn làm tốt mọi công việc với đủ loại chủ nhà và cũng rất tự hào về
tính chuyên nghiệp của mình. Ngay cả khi bị trao vào tay những vị khách
phiền phức nhất mà các bạn làm khác chỉ muốn tránh xa, tôi cũng không
bao giờ ta thán nửa lời với ông chủ tịch nghiệp đoàn.
Còn trường
hợp của giáo sư, chỉ cần xem qua thẻ quản lý khách hàng là tôi đoán ngay
ra sự đáng gờm của đối thủ. Vì mỗi lần gia chủ phàn nàn và đòi đổi
người giúp việc, mặt sau tấm thẻ sẽ được đóng một cái dấu hình ngôi sao
màu xanh, mà trong tấm thẻ của giáo sư thì có tới chín cái dấu như thế.
Đó là con số kỷ lục mà tôi từng biết.
Khi tới nhà giáo sư để phỏng
vấn, người ra tiếp tôi là một bà lão có vóc người thon thả, ăn vận quý
phái: tay trái chống một cây gậy màu đen, bận váy đầm dệt kim với mái
tóc nhuộm màu hạt dẻ búi cao.
- Tôi muốn cô chăm nom cho chú ấy.
Bà ta nói.
Ban đầu, tôi không biết giáo sư và bà lão có quan hệ như thế nào.
-
Chẳng ai làm được ở đây lâu khiến tôi và chú ấy rất phiền lòng. Ai mới
đến cũng phải bắt đầu lại từ đầu, rất ư là mất thời giờ.
Mãi rồi tôi mới vỡ lẽ chú ấy là em trai chồng bà.
-
Tôi không đòi cô phải làm việc gì ghê gớm cả. Từ thứ Hai đến thứ Sáu
hàng tuần, cô đến đây vào lúc mười một giờ sáng, cho chú ấy ăn trưa,
quét tước toàn bộ gian nhà, đi chợ, chuẩn bị cơm chiều và ra về vào lúc
bảy giờ tối. Chỉ có vậy thôi.
Có một thứ âm hưởng hơi ngập ngừng
trong cái từ chú ấy lúc phát ra từ miệng bà lão. Mặc cho những cử chỉ
trịnh trọng của bà, bàn tay trái vẫn không thôi vân vê cây gậy một cách
bồn chồn. Thỉnh thoảng, bà lại ném cái nhìn đầy cảnh giác sang tôi,
nhưng cố không để ánh mắt tôi bắt gặp.
- Các điều khoản chi tiết
đã được ghi trong hợp đồng và gửi cho nghiệp đoàn. Tóm lại, chỉ cần cô
làm sao để chú ấy có được một cuộc sống bình thường như bao người khác
thế là tôi hài lòng.
- Hiện tại, ông ấy đang ở đâu ạ?
Tôi hỏi.
Bà
lão chỉ đầu cây gậy về phía ngôi nhà ngang cuối vườn. Một mái nhà ngói
màu hung hiện ra thấp thoáng giữa những kẽ lá um tùm phía bên kia hàng
thạch nam lá đỏ được cắt tỉa gọn gàng.
- Cô không được phép qua
lại giữa nhà ngang với nhà chính. Chỗ làm việc của cô là ở nhà chú ấy.
Nhà ngang có một lối đi riêng quay mặt ra con đường phía Bắc, tốt hơn là
cô nên vào theo lối đó. Mọi rắc rối do chú ấy gây ra phải được giải
quyết dưới nhà ngang. Cô hiểu rồi chú? Chỉ cần cô tuân thủ những điều
vừa nêu là được.
Bà lão gõ cây gậy đánh cộc một cái.
Mấy
việc này thì có thấm thía gì so với ti tỉ những yêu cầu vô lý của các
chủ nhà trước: nào là phải tết tóc hai bên và thay đổi màu ruy băng mỗi
ngày, nào là không được để nước pha trà nóng hơn hoặc nguội hơn bảy mươi
lăm độ, nào là khi nhìn thấy sao Hôm thì phải chắp tay cầu khấn, vân
vân và vân vân.
- Tôi có cần gặp ông ấy bây giờ không?
- Không cần thiết.
Lời từ chối quá đỗi gay gắt khiến tôi tưởng như mình vừa phạm phải một điều thất thố không thể cứu vãn nổi.
- Hôm nay có cho chú ấy gặp cô, thì ngày mai sẽ lại quên mất thôi. Vậy nên không cần thiết.
- Ý bà là…
-
Tôi phải nói thật, chú ấy có vấn đề về trí nhớ. Không phải chứng lú lẫn
của tuổi già. Vể đại thể, các tế bào não của chú ấy vẫn lành lặn và
hoạt động tốt, song một tổn thương rất nhỏ xảy ra cách đây mười bảy năm
đã cướp đi khả năng ghi nhớ của não bộ. Hộp sọ bị chấn thương trong một
vụ tai nạn giao thông. Khả năng lưu giữ ký ức đã dừng lại vào năm 1975.
Kể từ đó, mọi cố gắng lưu trữ thêm những ký ức mới đều thất bại. Chú ấy
có thể nhớ được cái định lý tự mình tìm ra các cách đây ba mươi năm chứ
không thể nhớ nổi thực đơn của bữa cơm chiều ngày hôm qua. Nói một cách
đơn giản, cái đầu ấy giống như một cuộn băng thu hình dài tám mươi phút.
Cái gì được ghi lại sau sẽ xoá đi những cái đã ghi trước đó. Trí nhớ
của chú ấy cũng chỉ duy trì được trong vòng tám mươi phút. Một giờ và
hai mươi phút, không hơn không kém.
Bà lão nói liền một mạch, không biểu lộ chút cảm xúc nào. Hẳn là vì bà đã giải thích điều đó quá nhiều lần rồi.
Thật
khó cho tôi để hình dung ra một trí nhớ dài tám mươi phút thì như thế
nào. Tất nhiên là tôi đã từng chăm sóc nhiều người bệnh, nhưng tôi chưa
biết cái kinh nghiệm ấy sẽ giúp gì được mình. Vào lúc đó, dù đã là quá
muộn, tôi chợi nhớ lại những ngôi sao màu xanh xếp thành hàng dài trên
tấm thẻ.
Nhìn từ trên này xuống, căn nhà ngang ắng lặng, không một
bóng người. Một cánh cổng có bản lề thiết kế theo lối cổ thông sang nhà
ngang được đặt ở chỗ cái hàng rào bằng thạch nam lá đỏ. Nếu nhìn kỹ sẽ
thấy cánh cửa được khoá bằng một ổ khoá chắc chắn. Một cái ổ khóa han
gỉ, bê bết phân chim và xem ra chẳng cái chìa nào có thể mở được nó nữa.
- Vậy thôi. Tôi muốn cô đến từ ngày kia, thứ Hai. Cô không phản đối chứ?
Bà
ta cắt đứt câu chuyện ở đó, như thể để tôi khỏi có thời gian tọc mạch
thêm những điều không nên biết. Và tôi đã trở thành người giúp việc ở
nhà giáo sư như thế.
So với ngôi nhà chính khang trang, nhà ngang
nom đơn sơ đến độ tồi tàn. Một căn nhà mái bằng chật chội, lạnh lẽo, gây
cho người ta cái cảm giác như nó phải đứng đó một cách bất đắc dĩ và
chẳng hề thú vị gì. Những lùm cây sum suê không tay người cắt tỉa mọc vô
tội vạ xung quanh nó, chỉ xung quanh nó, như để khỏa lấp đi cái cảm
giác kia. Hiên nhà cớm nắng, cái chuông gọi cửa không còn phát ra tiếng
kêu vì bị vỡ.
- Cô đi giày cỡ số mấy?
Khi tôi tự giới thiệu
là người giúp việc mới, câu đầu tiên giáo sư hỏi tôi không phải là tên
tuổi mà là cỡ giày. Không một lời chào, không một cái cúi đầu. Đối với
người giúp việc, phải trả lời tất cả các câu hỏi của chủ nhà là nguyên
tắc bất di bất dịch, vậy nên tôi đáp:
- Cỡ 24, thưa giáo sư.
- Ồ, một con số thật là hào hoa. Giao thừa của 4.
Giáo sư khoanh tay, khép mắt. Sự im lặng kéo dài một lúc.
- Giai thừa là gì ạ?
Tôi
hỏi. Không biết tại sao nữa, nhưng tôi muốn đưa đẩy thêm câu chuyện vì
cho rằng cỡ giày có một ý nghĩa sâu xa nào đó đối với vị chủ nhà này.
- Đem nhân tất cả các số tự nhiên từ 1 đến 4 với nhau thì sẽ ra 24.
Giáo sư trả lời trong khi vẫn nhắm mắt.
- Thế số điện thoại nhà cô là bao nhiêu?
- 5761455 ạ.
- 5761455? Còn gì tuyệt hơn nữa chứ. Nó bằng đúng số lượng số nguyên tố tồn tại tính cho đến một trăm triệu.
Giáo sư gật đầu, vẻ như vô cùng thán phục.
Cho
dù không hiểu được số điện thoại nhà mình tuyệt vời ở chỗ nào nhưng tôi
cảm nhận được sự ấm áp trong ngữ điệu của ông. ở đó, tôi cảm thấy sự
chừng mực và ngay thẳng, chứ không phải cái lối phô bày kiến thức. Sự ấm
áp ấy đã khiến tôi rơi vào một ảo giáo rằng hay là đã có một số bộ phận
đặc biệt nào đó ẩn chứa trong số điện thoại nhà tôi, và vì sở hữu nó
nên tôi cũng mang một số phận đặc biệt?
Ít lâu sau khi đến làm
việc ở nhà giáo sư, tôi nhận ra ông có một thói quen là bao giờ cũng
mượn đến những con số thay cho từ ngữ mỗi lần lúng túng không biết nói
gì. Đó là cách giao tiếp riêng của ông. Những con số giống như bàn tay
phải ông đưa ra cho người đối diện bắt, cũng đồng thời là tấm áo khoác
bảo vệ ông. Một tấm áo khoác dày và nặng tới nỗi chỉ chạm vào bên ngoài
thì sẽ chẳng thể thấy được các đường nét cơ thể ông, và lột nó ra là
việc bất khả kháng với mọi người. Nó là chỗ náu mình của ông.
Những
cuộc trò chuyện về số má ở trước hiên nhà vào mỗi buổi sáng cứ lặp đi
lặp lại cho tới khi tôi không còn làm người giúp việc nữa. Đối với giáo
sư, một người mà trí nhớ sẽ bị xóa nhà sau tám mươi phút, tôi luôn là
người giúp việc mới tinh, lần đầu tiên xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Và vì
thế mà lần nào giáo sư cũng đối đãi với tôi khách sáo như lần đầu.
Có
một việc mà giáo sư không bao giờ bỏ sót mỗi bận hỏi về các con số, ấy
là trao cho chúng tôi một ý nghĩa nào đấy, dẫu là cỡ giày, số điện
thoại, hay mã bưu cục, số đăng ký xe đạp, số nét chữ của tên tôi. Trông
ông chẳng có cái vẻ gì là đang cố sức đi tìm chúng, vậy mà giai thừa với
số nguyên tố cứ tự nhiên tuôn ra từ miệng ông.
Ngay cả đã nhiều
lần được giáo sư giảng giải về nguyên lý của giai thừa và số nguyên tố,
tôi vẫn cảm thấy thích thú với những câu hỏi đáp trước hiên nhà cùng
ông, bằng một tâm trạng luôn luôn mới mẻ. Tôi sẽ xác nhận lại cái sự
thật rằng, ngoài mục đích liên lạc, số điện thoại nhà tôi còn có một ý
nghĩa khác, sau đó lắng tai nghe âm hưởng của ý nghĩa ấy vang lên một
cách rõ ràng, rồi mới yên tâm bắt tay vào công việc của một ngày.
Giáo
sư năm nay sáu mươi tư tuổi, vốn là một tiến sĩ giảng dạy về lý thuyết
số ở trường đại học. Nhìn vẻ bề ngoài, giáo sư tiều tụy hơn cái tuổi của
mình nhiều. Không chỉ già nua, ông còn gây cho người ta cái cảm giác
tuồng như các chất dinh dưỡng không thể đến được mọi ngóc ngách trong cơ
thể. Tấm lưng còng xuống khiến thân hình chỉ cao vỏn vẹn 1m60 của ông
nom càng nhỏ bé, ghét bờ lên giữa những nếp nhăn trên da cổ dưới cái
xương hàm gầy guộc, mái tóc bạc xơ xác đâm ra tứ phía vô tình che mất
nửa đôi tai phúc tướng. Giọng ông yếu ớt, mọi động tác đều chậm chạp, để
làm bất cứ việc gì, ông thường mất gấp đôi thời gian tôi dự tính.
Nhưng
nếu đừng để vẻ tiều tụy ấy lung lạc và quan sát thật kỹ, người ta sẽ
thấy đó là một gương mặt điển trai. Ít ra thì vẫn còn những nét gợi
người ta nghĩ rằng ông ấy hẳn từng là một anh chàng điển trai. Cái cằm
thon nhọn và những đường nét như tạc ấy vẫn còn rất quyến rũ.
Giống
như một thói quen không có ngoại lệ, ngày nào giáo sư cũng bận com lê
và thắt cà vạt, bất kể là lúc ở nhà, hay những lúc hiếm hoi ông đi ra
ngoài. Tất cả những gì có trong tủ quần áo của ông là ba bộ com lê, một
bộ mùa đông, một bộ mùa hè và một bộ dùng chung cho mùa xuân và mùa thu,
cùng với ba chiếc cà vạt, sáu tấm sơ mi và một chiếc áo khoác dạ (một
chiếc áo khoác thật sự chứ không phải làm bằng những con số). Ông chẳng
có lấy một manh áo len hay một chiếc quần vài sợi bông. Đó là một cái tủ
quần áo dễ xếp gọn mà người giúp việc nào cũng thích.
Có khi giáo
sư chẳng biết đến những thứ trang phục nào khác ngoài com lê trên cõi
đời này cũng nên. Và chắc hẳn là ông không quan tâm tới việc người khác
ăn mặc ra sao, cũng như chẳng muốn lãng phí thời gian vào việc chăm sóc
cho cái vẻ bề ngoài của mình. Sáng dậy, ông mở cửa tủ quần áo, chọn mặc
một bộ com lê không đựng trong chiếc túi ni lông dùng để đồ mới giặt.
Đối với ông chỉ thế thôi là đủ. Ba bộ com lê ấy với gam màu tối cùng cái
cảm giác sờn cũ do mặc lâu ngày, thật hợp với hình ảnh con người ông,
thậm chí như đã biến thành một phần da thịt ông.
Tuy nhiên, nếu
nói về quần áo của ông, điều khiến tôi khó xử nhất là vô số những mẩu
giấy nhớ được đính khắp nơi bằng kẹp ghim trên bộ com lê. Chúng xuất
hiện ở bất cứ chỗ nào mà giáo sư có thể nghĩ ra: cổ áo, măng sét, túi,
gấu áo, cạp quần, lỗ khuy… chỉ vì những cái ghim mà lần vải của mấy bộ
com lê trở nên dúm dó, xộc xệch. Trong số những mẩu giấy đầy chữ ấy,
nhiều mảnh được xé bằng tay, nhiều mảnh đã ố vàng và sắp rách. Tôi phải
đưa chúng lại sát mắt mới đọc được những gì ghi trên đó. Tôi đoán rằng,
để bù trù cho cái trí nhớ tám mươi phút, ông đã viết lên giấy tất cả
những thứ không được phép quên, và để khỏi quên mất là đã cất chúng ở
đâu, ông đính chúng lên khắp người mình. Nhưng, chấp nhận cái bộ dạng ấy
của giáo sư như thế nào quả thực là một bài toán khó. Khó hơn hẳn với
việc trả lời cỡ giày.
- Mà thôi, cô vào nhà đi cái đã. Tôi còn phải bận việc nên không tiếp chuyện cô được đâu, cô cứ làm những gì cần làm.
Nói
rồi giáo sư mời tôi vào, và cứ thế đi luôn sang thư phòng. Mỗi lần giáo
sư chuyển động, những mảnh giấy lại cọ vào nhau phát ra tiếng kêu sột
soạt.
Bà lão ở ngôi nhà chính là một người góa phụ, và người chồng
quá cố của bà với giáo sư hình như là anh em ruột. Cha mẹ giáo sư mất
sớm. Người anh trai hơn ông một con giáp đã phải vật lộn để mở rộng
xưởng dệt của cha mẹ mới hòng có tiền chu cấp cho ông tiếp tục theo đuổi
môn toán ở trường đại học Cambridge nước Anh. Nhưng đúng vào lúc mà sau
bao khốn khó ông mới có thể tự lập, tức là được nhận vào làm việc tại
viện nghiên cứu toán học của một trường đại học với tấm bằng tiến sĩ
(một tiến sĩ đích thực) trong tay thì anh trai ông qua đời vì viêm gan
cấp tính. Không có con, bà chị dâu bèn dẹp bỏ xưởng dệt, xây một toà
chung cư trên nền đất cũ và sống bằng tiền cho thuê nhà. Thế rồi một tai
nạn giao thông năm ông bốn mươi bảy tuổi đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc
sống bình yên của tất cả mọi người. Chiếc ô tô chạy ngược chiều do lái
xe ngủ gật đã đâm thẳng vào xe ông gây ra một tổn thương không thể phục
hồi ở não bộ. Hậu quả là ông mất việc. Kể từ bấy đến nay, khi ông đã
bước sang tuổi sáu mươi tư, ông chẳng có nguồn thu nhập nào khác ngoài
số tiền thưởng nhỏ nhoi nhận được từ việc giải các bài toán trên tạp chí
toán học. Ông không lập gia đình, chỉ sống dựa vào nguồn trợ cấp của bà
chị dâu góa bụa. Những chuyện này tôi cóp nhặt được từ chín người giúp
việc bị sa thải trước đó.