Màu sắc cầu vồng - Phần 4 - Chương 1-2-3

4

GIA ĐÌNH

Những thứ khác có thể làm ta thay đổi, nhưng điểm bắt đầu và kết thúc của chúng ta luôn là gia đình.

Anthony Brandt

 

Kicki

Suốt
cả thời niên thiếu, tôi thường mơ mình là con một – không có ai bên
cạnh để đánh nhau, để chia chác, để giật cái điều khiển từ xa khỏi tay
tôi khi đang xem chương trình hay nhất. Tôi sẽ có một căn phòng ngủ rộng
nhất trong nhà, có thể nói chuyện điện thoại lâu bao nhiêu cũng được mà
không phải bị hỏi cả ngàn lần, “Em đã nói chuyện xong chưa?” Nhưng tôi
không phải là con một; trên tôi còn có chị. Tôi thường gọi chị là
“Kicki,” thay vì tên thật của chị, Christie, bởi vì, khi còn nhỏ, tôi
khó mà có thể phát âm âm r và s cho rành rọt. Và mãi cho đến hôm nay,
chị vẫn là “Kicki.”

Tôi bắt đầu tập chơi bóng rổ khi lên tám. Ba
chính là huấn luyện viên của đội chúng tôi, và mẹ thì tính điểm. Chị tôi
bị bắt buộc phải đi theo kịp bóng, vì chị hãy còn nhỏ nên ba mẹ không
dám để ở nhà. Tôi còn nhớ, tôi vẫn hay nhìn mẹ trong lúc chơi xem mẹ có
hài lòng không, và thấy gương mặt của chị tôi. Rõ ràng là chị không cảm
thấy sợ hãi khi ngồi đó, chị cũng cùng hò reo với đám đông. Tóc chị được
cắt ngắn, ngắn gần bằng tôi, còn răng chị thì hô. Tôi thường trêu chị
và gọi chị là “hải ly”. Chị không có dáng vẻ thu hút, chị trông giống
một thằng anh của tôi hơn là một bà chị.

Sau những trận đấu, trên
đường lái xe về nhà, ba mẹ tôi và tôi bàn luận những động tác tôi đã
thực hiện trên sân đấu. Chị tôi ngồi cạnh tôi ở băng ghế sau cứ im lặng,
chẳng biết phải bàn luận ra sao với chúng tôi. Đêm đêm chị vẫn sang
phòng tôi và nói, “Chúc ngủ ngon, Brad. Trận đấu khá đấy.” Tôi chỉ cười
nhạt và cảm ơn chị. Tôi chẳng bao giờ để ý đến lời nhận xét của chị. Chị
thì làm sao mà hiểu được diễn tiến trận đấu thế nào; chị thì làm sao mà
hiểu được tôi chơi hay dở ra sao!

Mãi cho đến khi lên học trung
học, tôi mới biết chị tôi là một người thực sự đẹp đến chừng nào. Ai nấy
đều biết tiếng chị và đều đánh giá cao chị; phần tôi, tôi được thừa
hưởng cái danh tiếng của chị, “đứa em trai nhỏ của Christie.” Tôi rất
ngạc nhiên về chị: thông minh, dịu dàng và xinh đẹp. Đối với tôi, chị
vẫn còn là một cô gái nhỏ mười tuổi với bộ dạng của một đứa con trai
cùng hàm răng hô.

Lên trung học tôi vẫn chơi bóng rổ, và mặc dù
chị Christie không còn bị ép phải đi theo các trận đấu của tôi, chị vẫn
đến xem tôi chơi hàng tuần, từ trên khán đài chị cổ vũ cho tôi. Tôi còn
nhớ một trận đấu đặc biệt, là trận đấu cuối cùng của mùa thi đấu. Lúc đó
chị đang ngồi cạnh bạn trai của chị cùng một nhóm đông các bạn. Chị mặc
một chiếc áo trên đó có in dòng chữ to màu đỏ chói “CHỊ CỦA BRAD.” Bỗng
nhiên tôi bối rối. Không phải vì sự có mặt của chị, mà chính vì trước
nay tôi chưa bao giờ đánh giá cao sự cổ vũ của chị. Chị chưa bao giờ tỏ
ra ngượng ngùng là chị của tôi, ngay cả khi suốt bao năm tôi vẫn ngại
ngùng gọi chị là chị. Chị không quan tâm đến người khác nghĩ gì, và chị
cũng không bao giờ có ý nghĩ gì về người khác.

Giờ đây tôi đã là
đứa con duy nhất trong nhà, vì chị tôi đã đi học đại học xa chỉ mấy
tháng sau khi tôi đấu trận đấu cuối cùng ấy. Cuối cùng thì tôi cũng có
được căn phòng to nhất với cái điều khiển từ xa chỉ có một mình tôi sử
dụng. Nhưng giờ đây, khi chị đã đi xa, tôi lại thèm có một để tranh
giành chiếc điện thoại, và căn phòng ngủ rộng nhất bây giờ chẳng có ý
nghĩa gì.

Một buổi cuối tuần nọ tôi đi thăm chị ở trường đại học,
và khi đang đứng ngoài ký túc xá chờ chị đi ra, một người bạn của chị đi
ngang qua tôi và hỏi, “Này, em có phải em của Christie không?” Tôi cười
rạng rỡ và nói một cách hãnh diện, “Vâng, đúng thế. Em chính là em của
chị Christie.”

BRAD DIXON

 

Người mẹ vô tâm

Sáu
tháng trước sinh nhật lần thứ mười ba của tôi, ba mẹ tôi đã cho hai anh
em tôi một “buổi nói chuyện.” Ba mẹ nói về tình yêu dành cho anh em
chúng tôi, nhưng ba mẹ lại không thương yêu nhau, và hai người cảm thấy
thích thú như thế nào nếu được sống xa nhau. Ba mẹ lại còn đưa ra một
kết luận: “Ba mẹ đều nghĩ nếu các con sống chung với ba thì tốt hơn.”
Chính mẹ tôi là người nói ra điều đó, khi chải tóc cho tôi bằng những
ngón tay có móng tay sơn đỏ. Cái khoảnh khắc ấy cứ làm cho lòng tôi đau
nhói mãi từ dạo ấy, như thể có một viên đá sắc nhọn lăn trong lòng.

Các
bà mẹ thường được ví là người đại diện cho mái ấm gia đình, là người
biết cách làm cho cuộc sống của bạn an bình mỗi khi nó bị xáo trộn. Một
bà mẹ phải luôn là người có mặt bên bạn cho dù bạn có thay đổi thế nào,
cho dù căn phòng của bạn có bề bộn ra sao, hay thậm chí cả khi hôn nhân
của bà trục trặc. Nhưng mẹ tôi coi bổn phận làm mẹ như một sự cố gắng mà
bà không hề muốn chọn, một cái gì đó mà bà có thể vứt bỏ như vứt một
chiếc áo ấm chỉ vì đã hết mặc vừa.

Bà đã nhanh chóng thích nghi
với cuộc sống mới của riêng mình, trong một căn hộ mới. Kết hôn năm hai
mươi mốt tuổi, đây là lần đầu tiên bà được sống một mình. Công việc
trang trí nội thất của bà phát đạt, và bà cảm thấy thích thú khi được
phục vụ cho người khác hơn là phải phục vụ cho hai đứa con nhỏ và một
ông chồng năm mươi tuổi.

Sau khi chuyển ra ngoài được một vài
tuần, mẹ gọi về nhà vào một đêm thứ Sáu. “Ngày mai mẹ con mình cùng đi
ăn trưa và mua sắm nhé?” mẹ hỏi. Tôi vô cùng thích thú đến nỗi không kịp
trả lời. Sáng thứ Bảy tôi thức dậy thật sớm, diện chiếc áo choàng mà
tôi ưa thích nhất và cố gắng làm xong bài tập về nhà để phòng khi mẹ lại
muốn đi chơi với tôi luôn cả Chủ nhật. Vừa lúc đó cô bạn thân Jennifer
của tôi gọi điện. “Ê, đi xem phim không? Mọi người ai cũng đi xem hết
rồi đấy.”

“Mình phải đi với mẹ mình. Đi mua sắm hay gì gì đó,” tôi
trả lời, cố gắng ra vẻ như sắp đi thật. Nhưng rồi tôi đợi cho đến hết
buổi chiều vẫn không thấy mẹ gọi lại. Suốt cả ngày hôm đó tôi cứ ở bên
chiếc máy điện thoại, giả vờ như đang đọc sách, chơi xếp bài hay thắt
bím tóc. Tôi cũng không dám ăn một tí gì vì sợ rằng khi mẹ tôi đến và
dẫn tôi đi ăn trưa, mẹ sẽ phải ăn một mình. Nhưng mãi đến sau tám giờ
tối mẹ tôi mới gọi lại. “Mẹ xin lỗi, con yêu, mẹ phải làm việc suốt cả
ngày và cũng không ở gần điện thoại,” mẹ nói rất nhanh. “Và bây giờ mẹ
mệt quá, mẹ cần phải chợp mắt một lúc. Con hiểu chứ?” Không mẹ à, con
không hiểu gì hết.

Tình huống này cứ diễn ra thêm không biết bao
nhiều lần vào những ngày cuối tuần. Những lần hiếm hoi mà tôi được gặp
mẹ, mẹ chỉ thuê cho tôi những cuốn phim dài bốn giờ, chẳng hạn như Tess,
và bà bỏ đi đâu mất để tôi xem một mình. Tôi chỉ được làm việc vặt nào
đó để giúp mẹ hoặc đến văn phòng của mẹ, mà không bao giờ thực sự ở bên
mẹ, đúng hơn, tôi giống một cái bong bóng bay theo sau lưng mẹ. Tôi ngồi
ở văn phòng của mẹ và ăn bánh Trung Quốc trong một cái hộp giấy trong
khi mẹ tôi làm việc hay nói chuyện điện thoại. Nhưng tôi không bao giờ
than phiền gì hay không chịu đến với mẹ nữa. Làm sao tôi lại không đến
chứ trong khi tôi chỉ cần ở mẹ có bấy nhiêu thôi?

Gần một năm sau
ngày mẹ đi khỏi nhà, những thứ quần áo mà mẹ không thích mặc nữa vẫn còn
để yên trong buồng riêng của mẹ. ảo ông quá bận nên chưa dẹp chúng
được, nhưng tôi nghĩ rằng, cũng như tôi, ba muốn để chúng ở đó với hy
vọng mẹ chưa bỏ đi mãi mãi. Tôi cứ ngồi trong phòng vệ sinh ấy, ngửi lấy
cái mùi nước hoa Ralph Lauren còn vương đâu đó của mẹ. Tôi thường quấn
mình trong chiếc áo len màu ngà của mẹ và lần các ngón tay theo bề mặt
của chiếc túi xách màu hồng có đính hạt, nhớ lại những lúc mẹ mang nó
khi mặc chiếc váy the. Trông mẹ như một nàng công chúa. Tôi lắc chiếc
túi nhẹ nhàng, cảm thấy tội nghiệp cho nó vì mẹ cũng bỏ nó lại luôn.

Sống
chung với người cha và người anh trong thế giới đàn ông chỉ thích mặc
quần soọc thật chẳng thoải mái chút nào. Lẽ ra tôi đã phải bước qua khỏi
cái thời con gái tinh nghịch thích mặc quần Levi’s sờn màu, áo cài nút
cổ của anh trai để bắt đầu trở thành một phụ nữ trẻ, thì đây tôi vẫn còn
la hét ủng hộ các vận động viên bóng rổ trên truyền hình. Mấy đứa bạn
gái của tôi thường xem mẹ chúng tô mắt và thẹn thùng bắt chước mẹ trang
điểm mỗi khi mẹ chúng không có nhà. Còn với tôi, kỹ thuật trang điểm duy
nhất mà tôi biết được là những vệt mồ hôi chảy ròng ròng dưới quầng mắt
các vận động viên bóng đá.

Lớn lên mà không có mẹ bên cạnh, tôi
phải tự xoay sở trong những lúc cơ thể thay đổi để không bị thua kém
chúng bạn. Tôi mặc cùng một loại quần áo mà bọn bạn tôi mặc, tự mua cho
mình chiếc áo ngực đầu tiên, và cũng bắt đầu cạo lông chân hệt như tụi
bạn. Tôi thấy mình lúc nào cũng theo sau bọn chúng một cách vụng về, tự ý
thức rằng mình là đứa không có mẹ. Khi đến kỳ kinh đầu tiên, tôi vội
vàng chạy vào phòng tắm, và bối rối vô cùng trước cái dấu hiệu đầu tiên
của việc trở thành thiếu nữ. Tôi thật là xấu hổ biết bao khi phải thông
báo cho ba tôi biết, “Con đã có kinh rồi, ba à.” Nhưng thực sự, tôi cảm
thấy thoải mái khi báo cho ba biết hơn là cho mẹ biết. Khi mẹ tôi gọi
điện vài tuần sau đó, bà nói, “Ba con đã nói cho mẹ biết, nhưng ba con
sẽ lo chuyện ấy.” Đây là một lời tuyên bố chứ không phải là một câu hỏi
han.

Mẹ tôi đã biến thành một người bà con xa mà lâu thật lâu tôi
mới gặp một lần, là người sẽ chỉ gửi cho tôi thiệp chúc mừng nếu như bà
nhớ ra, là người mà trước mặt bà tôi phải lễ phép một cách khó khăn và
không dám bĩu môi. Cái từ “mẹ” nghe thật xa lạ với tôi. Bà không bao giờ
hỏi han về chuyện học hành của tôi, về bạn bè tôi, hoặc dường như không
bao giờ để ý đến chuyện tôi phải một mình đánh vật với cuộc sống để
trưởng thành mà không có mẹ bên cạnh. Mỗi lần chào tạm biệt, tôi biết
rằng phải đến mấy tháng sau tôi mới gặp

Tại sao mẹ lại không muốn
mang tôi theo? Tôi tự hỏi như thế. Thầy cô và cha mẹ của tụi bạn tôi
luôn tỏ ra thương hại khi thấy ba tôi lúc nào cũng là người đi đón tôi
sau các bữa tiệc, là người lúc nào cũng đi một mình xem các buổi biểu
diễn hay đi họp phụ huynh, rồi sau đó xin đi nhờ xe họ. Không thích sự
thương hại đó, tôi thường tưởng tượng thêm vào những giây phút ít ỏi mà
mẹ dành cho tôi. Sau đó, thỉnh thoảng tôi kể những câu chuyện bịa về mẹ
cho đám bạn nghe vào lúc ăn trưa, để cho chúng khỏi nghĩ rằng tôi có một
bà mẹ vô tâm, khiến tôi chỉ có bà trong trí nhớ.

Mặc dù thời gian
đầu rất vất vả, cha tôi vẫn cố hết sức để bù đắp cho tôi sự trống vắng
mà mẹ đã để lại. Ba luôn dành ưu ái cho anh tôi và tôi, không màng gì
đến hạnh phúc cá nhân để lo cho chúng tôi. Mặc dù đã mất mát rất nhiều
sau cuộc li dị này, ba vẫn luôn nở nụ cười trên môi. Trên hết, ba là
người luôn chỉ bảo cho chúng tôi những điều hay lẽ phải, nên chúng tôi
không bao giờ dám làm cho ba phiền lòng. Ba không có ai phụ giúp để đưa
đón chúng tôi, để làm những việc hàng ngày và cùng đỡ đần trong những
tình huống không lường trước được. Ba là người đưa chúng tôi đến bác sĩ,
lắng nghe những tâm sự của chúng tôi và giúp chúng tôi làm bài tập về
nhà. Ba luôn chuẩn bị thức ăn đầy đủ khi có bạn của chúng tôi ở lại ngủ
qua đêm, và ba luôn kiếm những câu chuyện hài hước kể cho chúng tôi
nghe, những lúc ấy tiếng cười vui vang khắp căn nhà. Ba luôn tham gia
vào các buổi biểu diễn của trường tôi và xem chúng tôi chơi bóng mềm. Ba
cũng không bao giờ bỏ lỡ những buổi thi đấu thể dục hay những buổi
tường thuật trực tiếp. Hầu hết các ông bố khác không bao giờ bỏ việc để
theo con họ đến các hoạt động của trường, còn ba tôi thì lúc nào cũng có
mặt với chúng tôi. Hơn hết, ông lúc nào cũng nhận ra những điều mà tôi
cảm thấy không thoải mái và cố gắng làm cho tình hình trở nên tốt hơn.
Chẳng mấy chốc, những người mà trước đây hay thương hại chúng tôi đã
nhận ra rằng ba tôi càng lúc càng hài lòng về sự tiến bộ của tôi và họ
nhận xét rằng, cho dù cuộc sống của tôi có khác với mọi người nhưng cũng
không có gì phải phàn nàn. Dần dần, tôi trở nên thích nghi tốt hơn với
hoàn cảnh. Và mặc dù vẫn không thôi mong ước mẹ sẽ là một phần không thể
thiếu trong cuộc đời, tôi vẫn nhận ra rằng mẹ tôi sẽ không bao giờ làm
được điều đó; bà chỉ là một người đã góp phần tạo nên hình hài tôi mà
thôi.

Dạo những năm gần đây, tôi lại gần gũi với mẹ hơn. Tôi chấp
nhận mẹ là như thế, không đến việc bà không phải là mẫu bà mẹ mà tôi
hằng mong đợi. Khi ngày càng lớn hơn, tôi đã biết nhìn nhận những gì mẹ
làm theo một quan điểm khác. Tôi nghĩ sở dĩ mình có thể làm được điều
này là vì ba tôi đã dạy chúng tôi phải luôn thấu hiểu và thông cảm cho
người khác. Tôi đã nhận ra rằng cũng chẳng ghê gớm gì nếu như gia đình
mình không phải là một hình ảnh hoàn hảo với một bà mẹ, một ông bố, hai
đứa con và một con chó. Ai dám bảo đó là kiểu mẫu của một gia đình nào?
Gia đình chúng tôi, tôi vẫn coi là duy nhất, nó chứa đựng trong đó một
tình yêu thương và lòng trung thành, cũng như bao gia đình khác mà thôi.

MICHELE BENDER

 

Cái tên trên cát

Tôi
ngồi trên mỏm đá lởm chởm, đong đưa hai chân xuống dòng nước chảy lặng
lờ, và đắm nhìn những gợn sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ như một con rùa
biển già. Một làn sương muối nhẹ thoảng trên mặt nước, và tôi có cảm
giác làn sương đang ve vuốt lấy gương mặt tôi. Tôi khẽ liếm môi và cảm
nhận cái vị mặn quen thuộc của nước biển. Trên đầu tôi những con hải âu
đang chao lượn, gọi nhau tìm kiếm những chỗ nước nông để săn mồi. Và
trong tay tôi là…

Tiếng kêu ken két của chiếc giường bệnh viện
đang được đẩy ở hành lang ngoài phòng bệnh của mẹ làm cho tôi trở về với
thực tại. Đại dương đã biến mất và những gì còn lại với tôi bây giờ chỉ
là căn phòng trống trơn, được bài trí đơn sơ với hoa, thiệp và những
con sò biển được đặt trên chiếc bàn cạnh giường của mẹ.

Mẹ tôi
được phát hiện mắc bệnh ung thư hồi năm ngoái, một năm dài đăng đẳng
chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, trải qua xạ trị, rồi hóa
trị và những phương pháp khác để tiêu diệt cái khối ung thư đang bào mòn
dần thân thể của mẹ. Nhưng cái khối u quái ác đó vẫn tiếp tục phình lên
và lan ra, tất cả phương cách điều trị chỉ làm cho cái thân thể gầy yếu
của mẹ càng yếu thêm. Căn bệnh đang ở giai đoạn cuối, mặc dù không ai
bảo, tôi vẫn biết rằng đây là những ngày cuối cùng của mẹ.

Tôi cố
gắng nghĩ khác đi, và những ý nghĩ này đã mang tôi đến với những giấc
mơ. Mọi thứ dường như quá rõ ràng và như thật, tiếng sóng biển, vị mặn
của muối, những con hải âu, và… cái gì trong tay tôi? Tôi liếc nhìn
xuống và nhận ra mình đang cầm chiếc vỏ ốc yêu thích nhất của mẹ. Tôi áp
con ốc sát vào tai, và âm thanh của biển gợi cho tôi nhớ lại những kỷ
niệm thật thân thương.

Năm nào mẹ tôi, ba tôi, và tôi cũng đi nghỉ
hè ở một căn nhà nhỏ gần biển. Là một đứa con gái nhỏ, tôi thường cùng
với ba mẹ dạo chơi khắp bãi biển đầy cát. Bước đi tay trong tay, ba mẹ
tôi thường tung bổng tôi lên không trung khi có một con sóng to ập vào.
Và ở đó, trong những con sóng dịu hiền, ba mẹ tôi đã dạy cho tôi những
động tác bơi đầu tiên. Tôi thường mặc bộ đồ bơi sọc trắng xanh hải quân,
đôi tay lực lưỡng của ba nâng tôi lên trong nước, đôi tay mềm mại của
mẹ hướng tôi bơi tới trước. Sau vài lần bị uống đầy nước biển mặn chát,
tôi đã có thể tự bơi lấy, trong khi ba mẹ đứng bên cạnh nhìn tôi bơi với
vẻ đầy tự hào và vui thích. Và chính trên những bãi cát ấy, chứ không
phải là trên mảnh giấy được lưu trữ và treo trên ngăn đông lạnh, tôi đã
viết tên mình một cách khó nhọc.

Những kỷ niệm vui vẻ nhất của gia
đình tôi không được quay thành một cuốn phim, nhưng lại được cát, gió
và nước của đại dương lưu giữ. Mùa hè năm ngoái là lần cuối cùng cả gia
đình tôi được đi chơi biển cùng nhau. Mùa hè năm nay đã sắp qua đi và
những gì chúng tôi có là những bệnh viện, những lần chữa trị không thành
công, những hy vọng hão huyền, cuối cùng chỉ còn tuyệt vọng, buồn đau
và nước mắt.

Tôi nhìn mẹ nằm trên giường bệnh, giấc ngủ nhẹ nhàng
vừa đến sau khi bác sĩ cho mẹ một liều thuốc giảm đau. Tôi muốn kêu lên
với Thượng đế, “Tại sao, tại sao lại là mẹ con? Làm sao con có thể sống
nếu thiếu những lời chỉ bảo của mẹ? Xin Thượng đế đừng mang mẹ đi khỏi
ba và con!” Nước mắt và sự đau buồn của tôi bắt đầu tan dần, khi những
giọt truyền tĩnh mạch của mẹ như thôi miên tôi vào trong giấc ngủ khó
nhọc.

“Cát bụi rồi cũng sẽ trở về với bụi,” giọng nói của vị mục
sư cứ đều đều như thế, trong khi ba tôi và tôi thả những nắm tro của mẹ
xuống biển. Một số tro tan biến vào trong nước biển, một số lại bay lên,
hòa lẫn vào trong gió và được gió cuốn bay đi. Đó là ước nguyện sau
cùng của mẹ tôi – trở về với nơi mà mẹ yêu thích nhất, nơi mà những kỷ
niệm đẹp đã giúp cho mẹ sống được những tháng ngày qua.

Khi đám
tang kết thúc và mọi người ra về sau khi nói những lời an ủi với ba tôi
và tôi, chỉ còn mình tôi ở lại để nói những lời tạ từ với mẹ. Tôi đã
mang theo chiếc vỏ ốc đã giúp mẹ sống lại những kỷ niệm đẹp khi còn ở
trong bệnh viện nhưng tôi không còn có thể nghe thấy tiếng rì rào của
biển nữa. Tôi áp sát con ốc vào tai nhưng âm thanh của đại dương dường
như im bặt. Tôi lật chiếc vỏ ốc lên và nhìn vào trong, bỗng rất đỗi kinh
ngạc khi thấy có một mảnh giấy được nhét vào trong đó. Tôi kéo mảnh
giấy ra và đọc được những dòng chữ:

Gửi đến đứa con yêu quý nhất của mẹ, mẹ luôn yêu con và luôn ở bên con.

Cái tên trên cát không bao giờ còn nữa,

Sóng biển ùa vào quá cao và nhanh.

Và đã cuốn phăng đi những nét chữ,

Nhưng những kỷ niệm gia đình ta vẫn còn đó

Khi mà chúng ta cùng dạo trên bãi cát,

Dấu chân chúng ta không còn nữa rồi.

Nhưng, bất cứ nơi nào mà chúng ta đang

c [Bị mất một đoạn - Lời của editor]

Những kỷ niệm xưa sẽ không còn xa xôi.

Mẹ biết rằng không còn bên con nữa,

Nhưng tình yêu kia mẹ vẫn dành cho con.

Những kỷ niệm xưa sẽ mãi không phai mờ,

Và ở đó, chúng ta còn bên nhau mãi mãi.

Hãy giữ nó chặt trong trái tim con,

Và tin rằng bên con, mẹ không bao giờ đi mất.

Tôi
đi dọc trên bãi biển, cúi người xuống và viết tên mẹ trên cát. Tôi cứ
đi cứ đi như thế, chỉ quay lại nhìn một lần cuối, và sóng biển bắt đầu
cuốn trôi những nét chữ của tôi.

ELIZABETH STUMBO

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3