Người giúp việc - Chương 28-P1
GÁC MÁY XONG, tôi đi ra đứng ngoài hiên nhà và trân mắt nhìn
cảnh vật mùa đông. Tôi mệt rã rời, đến mức còn không nhận thấy xe của bác sỹ
Neal đang đỗ trước nhà. Chắc ông ấy đã đến lúc tôi còn ở bưu điện. Tôi tì người
lên lan can và chờ ông ra khỏi phòng mẹ. Cuối hành lang, qua cánh cửa trước
rộng mở, tôi thấy cửa phòng mẹ đang đóng kín.
Một lát sau, bác sỹ Neal nhẹ nhàng đóng cửa lại sau lưng và
bước ra ngoài hiên. Ông đứng bên cạnh tôi.
“Ta vừa cho mẹ cháu ít thuốc để làm dịu cơn đau,” ông nói.
“Cơn... đau ạ? Sáng nay mẹ cháu có bị nôn không ạ?”
Bác sỹ Neal già xọm nhìn tôi đăm đăm qua đôi mắt xanh mờ
đục. Ông nhìn tôi rất lâu và trân trối, như đang cố gắng quyết định điều gì đó
liên quan đến tôi. “Mẹ cháu bị ung thư, Eugenia ạ. Ở thành dạ dày.”
Tôi lẩy bẩy lần tường để vịn. Tôi sốc lắm, nhưng chẳng phải
tôi đã biết điều đó từ trước rồi còn gì?
“Bà ấy không muốn cho cháu biết.” Ồng lắc đầu. “Nhưng vì bà
ấy không chịu nhập viện, nên cháu cần phải biết. Mấy tháng tới sẽ... rất khó
khăn.” Ông nhướng chân mày nhìn tôi. “Đối với bà ấy và cả với cháu nữa.”
“Mấy tháng? Chỉ... còn ngần ấy thôi ư?” Tôi đưa tay bịt chặt
miệng và nghe thấy chính mình rên rỉ.
“Có khi lâu hơn, hoặc nhanh hơn, con ạ.” Ông lắc đầu. “Nhưng
với tính tình mẹ cháu như thế,” ông đưa mắt liếc về phía ngôi nhà, “bà ấy nhất
định sẽ chiến đấu quyết liệt đến hơi thở cuối cùng
Tôi đứng đó trong nỗi bàng hoàng, không nói nên lời.
“Cần thì gọi ngay cho bác nhé, Eugenia. Ở văn phòng hay ở
nhà cũng được.”
Tôi bước vào nhà, trở lại phòng mẹ. Bố đang ngồi trên chiếc
ghế tràng kỷ nhỏ kê cạnh giường, đôi mắt nhìn mông lung. Mẹ ngồi dựng thẳng lưng.
Nhìn thấy tôi, mẹ đảo mắt.
“Chắc ông ấy nói cho con biết rồi nhỉ,” mẹ nói.
Nước mắt chảy dài xuống cằm tôi. Tôi cầm tay mẹ.
“Mẹ biết từ lúc nào?”
“Chừng hai tháng.”
“Ôi, mẹ.”
“Thôi nào, Eugenia. Tránh làm sao được hả con.”
“Nhưng liệu con có thể... con không thể ngồi đây nhìn mẹ...”
Tôi thậm chí không nói nên lời. Mọi từ ngữ đều quá khủng khiếp.
“Dĩ nhiên con không thể ngồi đây được rồi. Carlton sắp trở
thành luật sư còn con...” Mẹ dí ngón tay lúc lắc trước mặt tôi. “Đừng tưởng sau
khi mẹ đi rồi, con muốn quăng quật cái thân mình thế nào cũng xong. Chỉ cần vào
được đến bếp, mẹ sẽ gọi ngay đến tiệm Fanny Mae để lên lịch hẹn làm tóc cho con
tới hết năm 1975.”
Tôi ngồi phịch xuống tràng kỷ và bố vòng tay ôm tôi. Tôi gục
đầu vào vai bố khóc nức nở.
Cây thông Noel Jameso trồng tuần trước đã khô nỏ khô nang và
buông những chiếc lá kim tả tơi mỗi lần có người bước vào phòng nghỉ. Còn sáu
ngày nữa mới tới Giáng sinh, nhưng chẳng ai buồn tưới nước cho nó. Mấy món quà
lèo tèo mẹ đã mua và gói ghém từ hồi tháng Bảy nằm chỏng chơ dưới gốc cây, một
gói cho bố, hiển nhiên là một chiếc cà vạt để đi lễ nhà thờ, một gói nho nhỏ
vuông vuông cho Carlton, một hộp nặng trĩu cho tôi, tôi ngờ đó dễ là một quyển
Kinh Thánh mới. Giờ đây khi mọi người đều đã biết về bệnh ung thư của mẹ, dường
như mẹ đã buông tay khỏi vài mối chỉ ít ỏi giúp giữ mẹ đứng thẳng. Những sợi
dây rối đã đứt, và ngay cả đầu mẹ nom cũng lỏng lẻo trên cổ. Cố gắng lắm mẹ
cũng chỉ gượng dậy để vào phòng vệ sinh hoặc ngồi ngoài hiên chừng vài phút
Buổi chiều, tôi mang thư đến cho mẹ, tạp chí Good
Housekeeping, báo của nhà thờ, bản cập nhật tin tức DAR.
“Mẹ thấy trong người thế nào?” Tôi vuốt tóc mẹ ra sau gáy và
mẹ nhắm mắt lại như muốn tận hưởng cảm giác ấy. Giờ mẹ là con, còn tôi là mẹ.
“Mẹ ổn.”
Pascagoula bước vào. Cô đặt khay nước dùng xuống bàn. Mẹ hầu
như không lắc nổi đầu khi cô đi ra, mắt mẹ nhìn mông lung ra ngưỡng cửa trống
tanh.
“Ôi, không,” mẹ nói, mặt nhăn nhó. “Mẹ không ăn đâu.”
“Mẹ à, mẹ không cần ăn ngay đâu. Để lát nữa cũng được.”
“Với Pascagoula, mọi thứ chẳng được như trước nữa, con nhỉ?”
Mẹ nói.
“Không,” tôi nói. “Không giống trước kia.” Đây là lần đầu
tiên mẹ nhắc đến Constantine sau cuộc nói chuyện kinh khủng của hai mẹ con.
“Người ta vẫn nói tình yêu đích thực, người giúp việc tốt
mà. Cả đời chỉ gặp có một lần thôi.”
Tôi gật đầu, thầm nghĩ mình nên ghi lại câu đó, rồi đưa nó
vào cuốn sách. Nhưng, tất nhiên, muộn quá rồi, nó đã được gửi đi. Tôi chẳng thể
làm gì khác, tất cả mọi người trong chúng tôi đều không thể làm gì khác, trừ
chờ đợi những gì sắp tới.
ĐÊM GIÁNG SINH BUỒN, mưa và nóng. Cứ nửa tiếng một, bố lại
ra khỏi phòng mẹ và nhìn ra cửa sổ trước nhà hỏi, “Nó về chưa?” dù chẳng có ai
để nghe bố nói. Tối nay anh Carlton sẽ lái xe từ trường luật LSU về, cả hai bố
con tôi đều mừng vì sắp được gặp anh ấy. Suốt ngày hôm nay, mẹ không ngừng nôn
mửa và thở khan. Mẹ hầu như không mở mắt ra nổi, nhưng cũng chẳng ngủ được.
“Charlotte, chị phải nhập viện thôi,” bác sỹ Neal vừa nói
lúc chiều. Tôi không thể nhớ nổi ông ấy đã nói câu này bao nhiêu lần trong suốt
tuần vừa qua. “Ít ra chị cũng phải để tôi cho y tá sang đây trông chị chứ.”
“Charles Neal,” mẹ nói, đầu thậm chí chẳng ngóc lên nổi,
“tôi không hề có ý định sống nốt những ngày cuối cùng trong bệnh viện, hay biến
chính nhà tôi thành một cái bệnh viện.
Bác sỹ Neal chỉ thở dài, rồi đưa cho bố thêm thuốc, một loại
mới, và dặn dò cách dùng.
“Nhưng nó có giúp được bà ấy không?” Tôi nghe tiếng bố thì
thào ngoài hành lang. “Nó có làm bà ấy khá lên không?”
Bác sỹ Neal đặt tay lên vai bố. “Không, Carlton.”
Sáu giờ tối hôm ấy, cuối cùng anh Carlton cũng dừng xe trước
cửa, rồi vào nhà.
“Chào em, Skeeter.” Anh ôm chặt tôi vào lòng. Đầu bù tóc rối
sau cuốc xe dài, anh ấy trông thật đẹp trai trong chiếc áo len vặn thùng đồng
phục trường. Hơi gió còn vương trên người anh ấy mát rượi. Cảm giác có thêm một
người nữa ở đây thật dễ chịu. “Lạy Chúa, sao trong nhà nóng thế?”
“Mẹ lạnh,” tôi khẽ nói, “lúc nào mẹ cũng thấy lạnh.” Tôi
cùng anh vào sâu trong nhà. Thấy anh ấy, mẹ ngồi nhỏm dậy, dang đôi cánh tay
gầy guộc ra. “Ôi Carlton, con về rồi đấy ư,” mẹ nói.
Carlton đứng sững lại. Rồi anh ấy cúi xuống ôm mẹ, thật nhẹ
nhàng. Anh liếc mắt nhìn tôi và tôi thấy vẻ bàng hoàng hiển hiện trên khuôn mặt
anh. Tôi chặm miệng lại để khỏi bật khóc, vì không thể dừng được. Nét mặt của
Carlton đã cho tôi biết nhiều hơn mức tôi muốn biết.
Khi Stuart ghé qua vào đúng ngày Giáng sinh, tôi không đẩy
anh ra khi anh cố hôn tôi. Nhưng tôi nói với anh, “Em chỉ để anh làm thế vì mẹ
em sắp chết thôi.”
“EUGENIA,” tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi. Giờ là đêm giao thừa
và tôi đang đứng trong bếp pha trà. Giáng sinh đã qua, Jameso đã bỏ cái cây đi
từ sáng sớm. Lá thông vẫn rải rác khắp nhà, nhưng tôi đã gỡ xong hết đồ trang
trí và cất lại vào kho. Đó là một công việc mệt mỏi và bực bội, phải cố gắng
gói ghém từng món lắt nhắt theo đúng cách mẹ muốn, để chuẩn bị sẵn sàng cho năm
sau. Tôi không cho phép bản thân thắc mắc về sự vô ích của nó.
Tôi vẫn chưa nhận được tin tức gì từ bà Stein, thậm chí còn
chẳng biết cuốn sách có đến kịp hạn không. Tối hôm qua, tôi mất hết kiên nhẫn
và gọi cho Aibileen để nói tôi chưa nghe được tin tức gì, chỉ vì muốn có cảm
giác khuây khỏa khi được nói về nó với một ai đó. “Tôi toàn nghĩ ra thêm những
chi tiết mới để đưa vào sách thôi,” Aibileen nói. “Tôi phải tự nhắc mình là ta
đã gửi nó đi mất
“Tôi cũng vậy,” tôi nói. “Khi nào biết tin tôi sẽ báo cho vú
ngay.”
Tôi vào trong nhà. Mẹ đang ngồi tựa lên mấy chiếc gối. Tác
dụng của trọng lực khi ngồi thẳng giúp kéo cơn buồn nôn xuống, chứng tôi vừa
mới biết điều đó. Chiếc chậu sứ trắng đật bên cạnh mẹ.
“Mẹ,” tôi nói. “Mẹ có cần con lấy gì cho mẹ không?”
“Eugenia, đừng mặc cái quần thụng đấy đi ăn tiệc năm mới bên
nhà Holbrook.” Khi mẹ chớp mắt, mắt mẹ nhắm lại lâu hơn. Mẹ đã kiệt quệ lắm
rồi, một cái khung xương trong bộ váy trắng với những dải ruy băng cầu kỳ đến
vô lý cùng những đường ren hồ bột cứng đanh. Cổ mẹ bơi giữa đường cổ áo như một
con thiên nga bốn mươi cân. Mẹ chỉ ăn được qua ống hút. Mẹ mất hoàn toàn khứu
giác. Nhưng mẹ có thể nhìn ra, từ một phòng khác hẳn, rằng áo xống của tôi có
vấn đề chỗ nào.
“Bữa tiệc bị hủy rồi mẹ ạ.” Có lẽ mẹ sực nhớ đến bữa tiệc ở
nhà Hilly năm ngoái. Theo như Stuart nói với tôi, tất cả các bữa tiệc đều bị
hủy do cái chết của Tổng thống. Mà đằng nào tôi cũng sẽ không được mời. Tối
nay, Stuart sẽ ghé qua để xem Dick Clark trên tivi.
Mẹ đặt bàn tay xương xẩu, nhỏ xíu lên tay tôi, gầy guộc tới
mức từng đốt xương nhô hẳn lên da. Hồi mới lên mười một tuổi tôi đã mặc vừa váy
của mẹ.
Mẹ nhìn tôi từ đầu đến chân. “Mẹ nghĩ con nên đưa quần thụng
vào danh sách ngay đi.”
“Nhưng mặc cái này thoải mái lắm, lại ấm và...”
Mẹ lắc đầu, nhắm mắt lại. “Mẹ rất tiếc, Skeeter.”
Vậy là không bàn cãi gì nữa. “Vâng,” tôi thở dài.
Mẹ luồn tay dưới tấm trải giường rút ra một cuốn sổ, gài
trong chiếc túi kín mẹ đã may vào từng miếng ga, đó là nơi mẹ trữ thuốc chống
nôn, khăn giấy. Những danh sách cấm đoán nhỏ xíu. Dù mẹ đã yếu rệu, song tôi
vẫn không khỏi sửng sốt bởi những nét bút chắc chắn của mẹ khi mẹ viết vào danh
sách “Không Được Mặc”: “Quần màu xám may theo kiểu cách dành cho đàn ông, dáng
lụng thụng.” Mẹ mỉm cười hài lòng.
Nghe có vẻ rùng rợn, nhưng khi mẹ nhận ra rằng sau khi mất,
mẹ sẽ không thể chỉ bảo tôi nên mặc cái gì được nữa, thế là mẹ nghĩ ra hệ thống
răn dạy sau khi chết tài tình kia. Mẹ cho không bao giờ tự ý đi mua những thứ
quần áo mới, không thích hợp. Có lẽ mẹ nghĩ đúng.
“Mẹ vẫn chưa bị nôn lần nào à?” Tôi hỏi, vì bây giờ đã là
bốn giờ và mẹ đã húp hai bát nước dùng và vẫn chưa buồn nôn một lần nào suốt cả
ngày hôm nay. Bình thường cứ đến tầm này mẹ đã phải oẹ ra ít nhất ba lần.
“Chưa một lần nào cả,” mẹ nói nhưng sau đó mẹ nhắm mắt lại
và chỉ trong chớp mắt, mẹ đã chìm vào giấc ngủ.
NGÀY ĐẦU TIÊN CỦA NĂM MỚI, tôi xuống nhà nấu món đậu mắt đen
để ăn lấy may. Pascagoula đã bỏ đậu ra ngâm từ tối qua, đồng thời hướng dẫn tôi
cách cho đậu vào nồi và bật lửa, rồi bỏ chân giò vào ninh cùng. Bất quá đó chỉ
là một quy trình hai bước, nhưng xem ra ai cũng lo lắng ra mặt khi thấy tôi
động vào bếp núc. Tôi vẫn nhớ hồi xưa Constantine luôn đến vào ngày mồng Một
tháng Một và nấu món đậu may mắn cho cả nhà tôi, mặc dù hôm đó là ngày nghỉ của
bác. Bác nấu cả một nồi to nhưng sau đó chỉ xúc ra một hạt đậu vào mỗi đĩa rồi
mang ra cho từng người trong nhà và theo dõi đến khi chúng tôi ăn hết mới thôi.
Lắm lúc bác ấy mê tín lắm. Xong xuôi bác rửa sạch bát đĩa và về nhà. Nhưng
Pascagoula không đề nghị đến trong ngày nghỉ, vì nghĩ rằng cô còn có gia đình
riêng nên tôi cũng không dám mở lời.
Cả nhà đều buồn vì Carlton phải đi luôn từ sáng nay. Có anh
trai ở bên cạnh để nói chuyện thật dễ chịu. Những lời cuối cùng anh ấy dành cho
tôi, trước khi ôm tôi và lên đường về trường, là “Đừng đốt trụi cả ngôi nhà.”
Rồi anh ấy đế thêm, “Mai anh sẽ gọi xem tình hình mẹ thế nào nhé.”
Sau khi tắt bếp, tôi bước ra ngoài hiên. Bố đang tì lên lan
can, mân mê nhúm hạt bông trong tay. Bố đăm đăm nhìn những cánh đồng trống trải
sẽ không được gieo trồng gì cho tới sau một tháng nữa.
“Bố ơi, bố vào ăn trưa đi?” Tôi hỏi. “Món đậu sẵn sàng rồi
đấy.”
Bố quay lại, nụ cười của bố thật yếu ớt, thiếu lẽ sống.
“Thứ thuốc họ cho mẹ...” Bố săm soi nắm hạt trong tay. “Bố
nghĩ nó đang phát huy tác dụng đấy. Mẹ bảo thấy trong người khá lên nhiều.”
Tôi lắc đầu không tin. Ngay cả bố cũng không thực sự tin nổi
chuyện này.
“Đã qua hai ngày mà mẹ chỉ bị nôn có
“Ôi, bố. Không... chỉ là... bố, mẹ vẫn còn bệnh.”
Nhưng trong mắt bố chỉ còn lại một khoảng không trống rỗng,
tôi tự hỏi không biết bố có nghe thấy tôi nói gì không.
“Skeeter, bố biết con còn nhiều chỗ vui hơn để đi.” Mắt bố
ầng ậng nước. “Nhưng chẳng có ngày nào qua mà bố không cảm ơn trời vì đã có con
ở nhà với mẹ.”
Tôi gật đầu, trong lòng day dứt vì bố nghĩ đó thực sự là lựa
chọn của tôi. Tôi ôm bố, nói, “Con cũng mừng được ở đây, bố ạ.”
KHI CÂU LẠC BỘ MỞ CỬA LẠI vào tuần đầu tiên của tháng Một,
tôi mặc váy và xách vợt đi. Tôi bước qua quầy bán đồ ăn nhẹ, phớt lờ Patsy
Joiner, cô bạn chơi tennis đã bỏ rơi tôi, cùng ba cô gái khác, tất cả đều đang
ngồi hút thuốc lá bên chiếc bàn sắt đen. Họ cúi xuống và xì xào với nhau khi
tôi lướt qua. Tôi sẽ bỏ cuộc họp Hội tối nay, và mãi mãi. Tôi đã đầu hàng và
gửi một lá thư kèm đơn từ chức từ ba hôm trước.
Tôi vụt bóng vào mặt ván, cố hết sức để không nghĩ đến bất
cứ chuyện gì. Gần đây tôi thường bắt gặp chính mình đang cầu nguyện, trong khi
tôi chưa bao giờ là một kẻ sùng đạo. Tôi thấy mình lẩm nhẩm những câu dài liên
tu bất tận với Chúa, cầu cho mẹ nguôi ngoai cơn bệnh, van nài Chúa đem đến
những tin tức tốt lành về cuốn sách, thậm chí đôi khi tôi còn xin ít điềm báo
để giúp tôi biết phải làm gì với Stuart. Tôi thường nhận ra mình đang cầu
nguyện khi chính tôi cũng không biết mình đang làm việc đó.
Khi tôi rời câu lạc bộ về tới nhà, bác sỹ Neal đỗ xe lại sau
xe tôi. Tôi đưa ông vào phòng của mẹ, nơi bố đang chờ sẵn, và họ đóng cánh cửa
lại sau lưng. Tôi đứng thơ thẩn ngoài hành lang như một đứa bé con. Tôi hiểu
tại sao bố lại níu lấy tia hy vọng này. Đã bốn ngày nay mẹ không nôn ra đờm
xanh. Ngày nào mẹ cũng ăn hết phần cháo yến mạch của mình, thậm chí còn xin
thêm.
Khi bác sỹ Neal bước ra, bố ngồi lại trên chiếc ghế kê cạnh
giường còn tôi theo bác sỹ Neal ra ngoài hiên.
“Mẹ cháu bảo bác chưa ạ?” Tôi hỏi. “Chuyện mẹ cháu thấy
trong người khá hơn ấy?”
Ông gật, nhưng rồi lại lắc đầu. “Đưa mẹ cháu đi chụp X -
quang cũng chẳng ích gì. Thứ đó quá nặng đối với mẹ cháu.”
“Nhưng...u thế nào? Có phải tình hình của mẹ cháu đang cải
thiện không?”
“Eugenia, bác đã từng chứng kiến những trường hợp như thế
rồi. Đôi khi người bệnh có một luồng sinh lực rất mạnh mẽ. Đó là một món quà
của chúa, bác nghĩ vậy. Nhờ thế họ có thể sống tiếp để hoàn thành những công
việc còn dang dở. Nhưng chỉ có vậy thôi, cháu ạ. Đừng kỳ vọng những thứ to tát
hơn.”
“Nhưng bác không thấy thần sắc của mẹ cháu sao? Trông bà
tươi tắn hơn nhiều, bà còn giữ được thức ăn trong bụng cơ mà...”
Ông lắc đầu. “Cố gắng để mẹ cháu được thoải mái nhé.”
ĐẾN NGÀY THỨ SÁU ĐẦU TIÊN của năm 1964, tôi không thể chờ
đợi thêm nữa. Tôi kéo điện thoại vào kho chứa thức ăn. Mẹ đã ngủ, sau khi ăn
hết bát cháo yến mạch thứ hai. Cửa phòng mẹ hé mở để tôi có thể nghe thấy tiếng
mẹ, phòng khi mẹ gọi.
“Văn phòng của Elaine Stein.”
“Chào chị, tôi là Eugenia Phelan, đang gọi điện đường dài
tới đây. Cho phép tôi gặp chị ấy được không ạ?”
“Tôi rất tiếc, thưa cô Phelan, nhưng bà Stein không nhận bất
cứ cuộc gọi nào liên quan đến vấn đề tuyển chọn bản thảo.”
“Ồ. Nhưng... xin chị có thể cho tôi biết chị ấy đã nhận được
nó chưa ạ? Tôi gửi đi ngay trước hạn chót và...”
“Xin cô chờ một chút.”
Đầu dây bên kia im bặt, và chừng một phút sau cô ta quay
lại.
“Tôi có thể xác nhận là chúng tôi đã nhận được bưu phẩm của
cô vào một ngày nào đó trong đợt nghỉ lễ. Sẽ có người ở văn phòng thông báo cho
cô sau khi bà Stein đưa ra quyết định. Cảm ơn cô đã gọi.”
Tôi nghe thấy điện thoại bên kia dập đánh cạch.
VÀI TỐI SAU, sau một buổi chiều chỉ cắm đầu vào trả lời thư
của cô Myrna, Stuart và tôi ngồi trong phòng nghỉ. Tôi mừng vì được gặp anh và
rũ bỏ bầu không khí câm lặng chết chóc của ngôi nhà, dù chỉ trong chốc lát.
Chúng tôi ngồi lặng lẽ xem tivi. Quảng cáo thuốc lá Tareyton, với cô gái hút
thuốc có đôi mắt đen nhánh, cứ ra rả Chúng tôi, dân hút thuốc lá Tareyton, thà
chiến đấu còn hơn phải đổi loại thuốc.
Đến nay Stuart và tôi đã gặp nhau mỗi tuần một lần. Chúng
tôi đi xem phim một lần sau Giáng sinh và đi ăn tối một lần trong thị trấn,
nhưng thường thì anh đến thẳng nhà tôi vì tôi không muốn rời mẹ. Anh khá ngập
ngừng khi ở bên tôi, gần như e dè kính trọng. Đôi mắt anh ánh lên vẻ nhẫn nại
giúp đẩy lùi nỗi hoảng sợ tôi vẫn giữ đối với anh trước đây. Chúng tôi không
nói về thứ gì ghê gớm. Anh kể cho tôi những mẩu chuyện về mùa hè, khi còn đang
học đại học, anh đã tham gia tìm vỉa dầu ở Vịnh Mexico. Nước tắm là nước mặn.
Biển khơi xanh ngắt như pha lê, nhìn rõ đến tận đáy. Những người khác phải làm
công việc nhọc nhằn này để nuôi sống gia đình trong khi Stuart, một thằng nhóc
giàu có với bố mẹ giàu có, còn phải về học tiếp đại học. Anh nói, đó là lần đầu
tiên anh phải làm việc; vất vả thật sự.
“Anh cũng mừng vì hồi đấy khoan trúng vỉa dầu. Chứ bây giờ
thì anh chịu, không đi làm việc đó được,” anh nói, như thể chuyện đã xảy ra
cách đây hàng thế kỷ chứ không phải là mới năm năm trước. Dường như anh già hơn
mức tôi còn nhớ.
“Sao bây giờ anh lại không làm được?” Tôi hỏi, vì tôi đang
tìm kiếm một tương lai cho riêng mình. Tôi thích được nghe về viễn cảnh của
những người khác.
Anh nhíu mày nhìn tôi. “Vì anh không thể xa em được.”
Tôi giấu kín nó trong lòng, e ngại không dám thú nhận rằng
cảm giác được nghe những lời ấy thật ngọt ngào.
Phần quảng cáo kết thúc và chúng tôi xem bản tin. Có một
cuộc giao tranh ở Việt Nam. Có vẻ như gã phát thanh viên cho rằng nó sẽ được
giải quyết tương đối nhẹ nhàng.
“Em nghe này,” Stuart cất lời sau một khoảng im lặng giữa
hai chúng tôi. “Trước đây anh đã không muốn lôi chuyện này ra nhưng… anh biết
mọi người trong thị trấn đang xì xào những gì. Về em. Và anh không quan tâm.
Anh chỉ muốn em biết thế.”
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là cuốn sách. Anh ấy đã nghe được
điều gì đó. Toàn thân tôi căng ra. “Anh nghe nói những gì?”
“Em biết rồi mà. Về vụ em chơi xỏ Hilly ấy.”
Tôi thở phào đôi chút. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với ai về
vụ này, trừ chính Hilly. Tôi không biết Hilly đã bao giờ gọi cho anh như cô
từng đe dọa
“Anh có thể thấy rõ mọi người nhìn nhận chuyện này thế nào,
họ nghĩ em giống một phần tử rồ dại mang tư tưởng tự do, rồi có dính líu đến
mấy trò lùm xùm kia.”
Tôi săm soi đôi bàn tay mình, vẫn cảnh giác trước những gì
anh ấy có thể nghe được, và cũng ít nhiều giận dữ. “Làm sao anh biết là em có
dính líu đến cái gì?” Tôi hỏi.
“Vì anh biết em, Skeeter,” anh dịu dàng nói. “Em quá thông
minh để bị lôi kéo vào những chuyện như vậy. Anh cũng bảo họ thế.”
Tôi gật đầu, cố mỉm cười. Bất chấp những gì anh tưởng rằng
anh “biết” về tôi, tôi không thể không cảm kích khi vẫn còn một người đủ quan
tâm lo lắng để đứng lên bảo vệ tôi.
“Chúng ta không cần nói đến chuyện này thêm một lần nào
nữa,” anh nói. “Anh chỉ muốn em biết thế. Vậy thôi.”
TỐI THỨ BẢY, tôi chúc mẹ ngủ ngon. Tôi khoác chiếc áo choàng
dài để mẹ không nhìn thấy tôi đang mặc gì. Tôi tắt đèn đi để mẹ không thể bình
luận về mái tóc của tôi. Tình hình sức khỏe của mẹ chuyển biến rất ít. Dường
như mẹ không yếu đi thêm - những đợt nôn trớ đã chững lại - nhưng da mẹ thì
xanh trong xanh lọc. Tóc mẹ cũng lác đác rụng. Tôi cầm tay, vuốt nhẹ lên má mẹ.
“Bố, nếu cần con việc gì, bố cứ gọi đến nhà hàng nhé?”
“Bố sẽ gọi, Skeeter. Con đi vui vẻ nhé.”
Tôi ngồi vào xe của Stuart và anh đưa tôi đến Nhà hàng
Robert E. Lee ăn tối. Gian phòng lòe loẹt chói mắt với những váy đầm, hoa hồng
đỏ, dao nĩa bạc chạm nhau lanh canh. Bầu không khí tràn ngập niềm phấn khích,
cảm giác rằng cuộc sống hầu như đã trở lại bình thường kể từ ngày Tổng thống
Kennedy mất; 1964 là một năm tươi mới. Những ánh nhìn lia về phía chúng tôi
nhiều không đếm xuể.
“Trông em... khác quá,” Stuart nói. Tôi dám chắc anh đã kìm
nén lời bình luận đó trong lòng suốt buổi tối hôm nay, và dường như anh ngỡ
ngàng hơn là ấn tượng. “Cái váy này, nó... ngắn quá.”
Tôi gật đầu và gài tóc ra phía sau. Như anh đã từng làm.
Sáng nay, tôi nói với mẹ tôi sắp đi mua sắm. Nhưng trông mẹ
nhọc lắm, tôi lập tức đổi ý. “Thôi con không đi