Đức Phật và Nàng - Hoa sen xanh (Tập 1) - Chương 22
Chương 22
Bạch Lan Vương
“Bậc học giả nghiên cứu
kho tri thức, tạo thành quả cho đời;
Kẻ tầm thường tận dụng
vốn hiểu biết, giúp bản thân lóe sáng.”
(Cách ngôn Sakya)
Năm 1261, tức năm Dậu, Âm Thiết theo lịch Tạng (Tân Dậu), tức
năm thứ hai niên hiệu Cảnh Định, nhà Nam Tống, tức năm thứ hai niên hiệu Trung
Thống, Hốt Tất Liệt, Mông Cổ.
Bát Tư Ba hai mươi bảy tuổi, Kháp Na hai mươi ba tuổi, Chân
Kim mười tám tuổi.
Phủ Quốc sư tọa lạc bên trái hoàng cung, để thuận tiện cho
Bát Tư Ba vào chầu khi có lời mời của Hốt Tất Liệt. Bát Tư Ba sắp xếp để cả
đoàn người đông đúc vào sống trong phủ của cậu. Chừng ấy chủ nhân và gia nhân
khiến phủ Quốc sư bỗng chật ních.
Không khó để nhận thấy Bát Tư Ba quý trọng bầu không khí
đoàn tụ này thế nào. Em trai yêu quý nhất của cậu đã ở bên cạnh cậu, còn cả những
người anh em cùng cha khác mẹ cách biệt suốt mười sáu năm cũng đã tề tựu về
đây. Không khí sum họp gia đình đầm ấm ấy khiến gương mặt an nhiên, trầm tĩnh bấy
lâu nay của Bát Tư Ba trở nên tươi tắn, rạng rỡ lạ thường.
Cậu hai Rinchen hay mắc cỡ, rất kiệm lời, nhưng đặc biệt say
mê đàm đạo Phật pháp, hễ có dịp là xin được thỉnh giáo Bát Tư Ba. Bát Tư Ba
khen ngợi cậu ấy là người thành tâm, luôn một lòng thờ Phật, muốn bồi dưỡng cậu
ấy trở thành rường cột của giáo phái Sakya trong tương lai nên thường đưa cậu ấy
đi cùng mỗi khi tới dự các buổi lễ Phật hoặc tham gia vào các hoạt động biện
kinh.
Cậu ba Yeshe là người giỏi ăn nói, hoạt bát và hài hước, thường
đem những câu chuyện thú vị lưu truyền ở đất Tạng kể cho các anh em cùng nghe.
Chỉ cần có mặt cậu ấy thì buổi sum họp gia đình không khi nào ngớt tiếng cười.
Kể từ khi cùng cha vào sống trong phủ Quốc sư, được chứng kiến
địa vị cao quý và quyền thế như mặt trời ban trưa của Bát Tư Ba, Dankhag lại
càng quyết tâm bỏ rơi Yeshe để theo đuổi Kháp Na ráo riết hơn. Có điều Kháp Na
trở nên cứng rắn và cương quyết hơn, tuyệt đối không để cô cả có dịp thể hiện
tình cảm, bởi vậy những lần gặp gỡ giữa hai người thường kết thúc chóng vánh bằng
những cái giẫm chân bành bạch và nỗi bực tức điên cuồng vì bất lực của Dankhag.
Nghe nói các em trai của Bát Tư Ba và viên quan thiên hộ hầu
của đất Tạng đã đến Yên Kinh, Hốt Tất Liệt rất mực phấn khởi, quyết định sẽ triệu
kiến họ vào ngày mùng Một đầu năm khi bá quan văn võ tề tựu trong cung để chúc
Tết nhà vua. Đêm Giao thừa năm đó, phủ Quốc sư tưng bừng, náo nhiệt chưa từng
có, anh em Bát Tư Ba tổ chức mừng năm mới theo phong tục của người Hán. Khi tiếng
chuông báo hiệu thời khắc năm mới vang lên, pháo hoa rực rỡ khắp trời, người ta
tặng nhau những lời chúc tốt lành, gia đình đoàn tụ, niềm vui ngập tràn. Khi
đó, cả bốn anh em họ đều không biết rằng, bầu không khí sum họp ngày Tết ấy là
lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng diễn ra trong đời họ.
Tàn tiệc, mọi người về phòng nghỉ ngơi, Yeshe lặng lẽ gõ cửa
phòng Bát Tư Ba.
- Đại ca, đệ muốn nhờ huynh một việc.
Bước vào và không thấy có ai khác, Yeshe liền đi thẳng vào đề:
- Đệ muốn cưới Dankhag.
Bát Tư Ba khẽ chau mày:
- Đệ muốn cưới Dankhag thì phải đến gặp cha cô ấy chứ, sao lại
tìm ta?
- Ngài Tsirenja muốn gả con gái cho người của giáo phái
Sakya nhưng còn e ngại thân phận của đệ. Huynh cũng biết đấy, mẹ đệ không phải
con nhà dòng dõi gì… -
Cậu ta ngừng lại, ánh mắt chờ đợi hướng về Bát Tư Ba. - Đại
ca, huynh hãy xin với Đại hãn ban hôn ước này cho đệ. Đại hãn chưa từng từ chối
huynh điều gì, chỉ cần huynh mở lời, hôn sự này chắc chắn sẽ thành. Ngài
Tsirenja đến Đại Đô vì muốn kết thân với người Mông Cổ nên ông ấy sẽ không
kháng chỉ.
Không chờ Bát Tư Ba trả lời, Yeshe tiến lên phía trước, kéo
tay áo cậu ấy, vẻ sốt ruột:
- Đại ca, đệ muốn giúp huynh, giúp giáo phái của chúng ta.
Thực lực của phái Sakya ở đất Tạng không mạnh, vùng Hậu Tạng xưa nay vốn đất
đai cằn cỗi, dân cư thưa thớt. Nếu không nhờ bác và huynh thì giáo phái của
chúng ta chẳng thể so sánh với các giáo phái lớn khác như Pagmodru và Kagyu.
Vùng Lhatse giàu có của ngài Tsirenja nằm sát Sakya, Dankhag là con gái duy nhất
của ông ấy, nếu đệ cưới Dankhag, ngày sau Lhatse và Sakya được hợp nhất, sẽ
giúp giáo phái của chúng ta thêm mạnh.
Yeshe hóng mắt chờ đợi câu trả lời. Bát Tư Ba khẽ gật đầu:
- Không còn sớm nữa, đệ về nghỉ ngơi đi. Ngày mai vào chầu,
ta sẽ lo liệu.
Yeshe hí hửng ra về, tôi nằm trên giường, mỉm cười nhìn Bát
Tư Ba:
- Nếu hôn sự này thành, người khác thì tôi không rõ, nhưng
chắc chắn Kháp Na sẽ hậu tạ cậu.
Bát Tư Ba vuốt ve chiếc đầu nhỏ xíu của tôi, cất giọng điềm
đạm:
- Khuya rồi, ngủ thôi.
Ngày mồng Một tháng Giêng năm 1261, Hốt Tất Liệt hoan hỉ tiếp
nhận lời chúc mừng năm mới của quần thần trên điện Đại Minh, Bát Tư Ba dâng lên
nhà vua thư chúc Tết như thông lệ hằng năm. Bá quan văn võ và hoàng thân quốc
thích tề tựu đông đủ tại đại điện, nghi lễ chúc Tết long trọng hơn khi Hốt Tất
Liệt còn là một vương gia gấp trăm lần. Hốt Tất Liệt đặc biệt coi trọng và hân
hoan đón nhận cảm giác của người nắm trong tay quyền lực cao nhất. Ngài vui mừng
tuyên bố phong cho cậu con quý tử Chân Kim làm Yên Vương.
Chân Kim quỳ xuống nhận sắc phong, qua Tết cậu sẽ tròn mười
tám tuổi. Chân Kim vận trang phục quyền quý, dáng người cao lớn, gương mặt giống
Hốt Tất Liệt hồi trẻ như đúc. Khabi kiều diễm và quý phái, ngồi bên cạnh Hốt Tất
Liệt, ngắm nhìn con trai đầy yêu thương và tự hào. Sau khi phong thưởng hết lượt
hoàng thân quốc thích, Hốt Tất Liệt xướng tên Kháp Na. Kháp Na vội vàng bước
ra, cung kính quỳ lạy.
Hốt Tất Liệt chăm chú quan sát cậu, rồi bật cười khen ngợi:
- Mấy năm không gặp, Kháp Na đã trưởng thành, khôi ngô, tuấn
tú hơn rất nhiều. Ta có ý định phong cậu làm vương gia ngoại tộc từ lâu nhưng
hôm nay mới thực hiện được. Còn về tên hiệu thì…
Trong lúc ngẫm ngợi, Hốt Tất Liệt bất chợt nhìn thấy đóa lan
trắng trên đại điện. Được sự chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo của người thợ làm vườn, giữa
mùa đông giá lạnh mà hoa lan trắng vẫn bừng nở rực rỡ, tỏa hương ngào ngạt.
Hốt Tất Liệt bước xuống, đến trước đóa lan, tán tụng:
- Một đóa lan trắng đẹp tuyệt, đài hoa trắng muốt, giữa mùa
đông giá buốt vẫn kiêu hãnh khoe sắc, hương thơm ngan ngát tỏa lan, rất giống cậu
đấy, Kháp Na.
Đại hãn ngắt bông hoa tươi thắm nhất, bước đến trước mặt
Kháp Na, cài lên ngực áo cậu, gật đầu hài lòng:
- Ta phong cho cậu làm Bạch Lan Vương.
Lời ngài vừa vang lên đã khiến cả đại điện xôn xao. Bởi vì
người Mông Cổ rất hiếm khi phong người ngoại tộc làm vương gia, huống hồ, trong
số các con trai của ngài, đến nay cũng chỉ có Chân Kim được phong làm Yên
Vương. Bạch Lan Vương tuy chỉ là tước phong, không có thực quyền, nhưng cũng là
một vinh hạnh vô cùng lớn lao và hiếm hoi. Kháp Na là con rể Khoát Đoan, nhưng
sau khi Khoát Đoan qua đời, đám cháu con của ông đều thất thế. Bởi vậy, việc
làm này của Hốt Tất Liệt rõ ràng là muốn đề cao Bát Tư Ba.
Kháp Na luống cuống quỳ lạy tạ ơn. Hốt Tất Liệt phấn chấn,
đích thân bước tới đỡ Kháp Na dậy:
- Kháp Na có con cái gì chưa?
Kháp Na hơi sững sỡ:
- Thưa Đại hãn, thần vẫn chưa.
- Ta còn nhớ, khanh đã cưới cháu gái ta làm vợ, nó là con
gái của Vương gia Khoát Đoan ở Lương Châu, tên gọi Mukaton, đúng không?
Kháp Na cúi đầu, che giấu nỗi khiếp hãi vụt đến trên gương mặt,
giữ giọng bình tĩnh, đáp:
- Vâng!
Hốt Tất Liệt quay lại hỏi Khabi:
- Mukhaton năm nay bao nhiêu tuổi? Hình như cũng không còn trẻ
nữa thì phải?
Khabi ý nhị lấy khăn tay che miệng, ghé vào tai Hốt Tất Liệt
thì thào:
- Thần thiếp nhớ là qua Tết, công chúa Mukhaton sẽ bước sang
tuổi ba mươi mốt.
- Ba mươi tuổi vẫn chưa sinh con ư? - Hốt Tất Liệt cau mày,
vẻ mặt đầy lo âu. - Quốc sư từng nói với ta về truyền thống của giáo phái
Sakya, rằng người kế nhiệm ngôi vị pháp vương của đời tiếp theo phải là con
trai của người em út. Mà người em út đó phải sinh được hai người con trai, một
người kế thừa pháp thống, một người nối dõi tông đường. Bạch Lan Vương mới hai
mươi ba tuổi, trong khi phu nhân của cậu ấy đã ba mươi mốt tuổi mà vẫn chưa
sinh con, nếu cứ như vậy, chuyện con cái phải làm sao đây?
Bát Tư Ba lén nhìn Kháp Na, ánh mắt đầy âu lo. Kháp Na chỉ
cúi đầu thinh lặng. Khabi tủm tỉm cười, thẽ thọt bên tai Hốt Tất Liệt:
- Thiếp nghe nói cô cháu họ của ngài giữ Kháp Na chặt lắm,
không cho cậu ấy đến gần bất cứ người phụ nữ nào ngoài cô ấy.
Hốt Tất Liệt tươi cười nhìn Kháp Na:
- Thế này vậy, ta sẽ ban cho cậu một mối duyên tốt đẹp khác.
Đại hãn gọi tên Tsirenja:
- Kể từ khi ta kế ngôi Đại hãn đến nay, ngươi là quý tộc Tạng
đầu tiên đến chúc mừng, khiến ta rất vui. Ta quyết định thăng chức cho ngươi từ
thiên hộ hầu lên vạn hộ hầu và sẽ chọn ngày tốt để sáp nhập vùng Tingri và
Ngamring vào khu vực quản lý của ngươi.
Tsirenja vui mừng khôn tả, vái lạy tạ ơn. Những vùng đất này
vốn là đất phong mà Mông Kha Hãn ban cho A Lý Bất Ca, Hốt Tất Liệt làm vậy là
muốn đoạt lại đất đai của A Lý Bất Ca về tay mình. Hốt Tất Liệt đưa mắt nhìn
sang Dankhag vẫn đang cúi đầu quỳ lạy, cười hỏi:
- Con gái ngươi năm nay bao nhiêu tuổi? Đã hứa gả cho ai
chưa?
Tsirenja vội thưa:
- Bẩm, con gái Dankhag của thần năm nay tròn mười sáu tuổi,
vẫn chưa đính ước với ai.
- Tốt lắm, vậy ta sẽ ban hôn ước cho hai gia đình các khanh.
Yeshe đứng trong hàng ngũ quần thần, lòng như lửa đốt, liên
tục đưa mắt ra hiệu cho Bát Tư Ba. Nhưng vì cậu ta đứng khuất xa nên tín hiệu hầu
như không đến được với người nhận. Yeshe sốt ruột, lẳng lặng dịch chuyển lên
phía trước, để có thể đến gần Bát Tư Ba. Nhưng vừa nhích lên một chút, đã nghe
thấy giọng nói sang sảng của Hốt Tất Liệt trên ngai cao vang lên:
- Ta tuyên bố ban hôn ước cho Kháp Na Đa Cát và Dankhag!
Náu mình trên xà ngang của đại điện, tôi giật mình thảng thốt,
vội vàng đưa mắt quan sát biểu cảm của từng người đang có mặt khi đó. Yeshe như
bị sét đánh trúng, quên sạch mọi lễ nghi, trơ mắt nhìn Hốt Tất Liệt. Kháp Na đờ
đẫn hồi lâu, mới miễn cưỡng quỳ xuống lĩnh chỉ, bên cạnh là tiếng dập đầu tạ ơn
vang dội của cha con Tsirenja. Bát Tư Ba vẫn điềm nhiên, bình thản như thường
ngày, cậu chắp tay vái lạy Hốt Tất Liệt.
Hốt Tất Liệt cười vang:
- Ta biết tình cảm huynh đệ của hai khanh rất mực khăng
khít. Những năm Kháp Na sống ở Lương Châu, quốc sư ngày đêm thương nhớ. Thế này
đi, Kháp Na không cần về Lương Châu nữa. Ta sẽ ban cho cậu phủ Bạch Lan Vương kế
bên phủ Quốc sư, như vậy, hai huynh đệ có thể gặp nhau hằng ngày, quốc sư cũng
được vững tâm hơn.
Rồi ngài quay sang Khabi, cười rung cả râu:
- Hoàng hậu xem nên tổ chức hôn lễ vào ngày nào?
Khabi mỉm cười e lệ, dịu dàng thưa:
- Theo thiếp, hôn lễ cử hành càng sớm càng tốt, nếu không,
Mukaton hay chuyện sẽ tới đây phá bĩnh đó.
Hốt Tất Liệt nổi hứng, nháy mắt với Khabi:
- Ha ha, phải lắm!
Rồi ngài hắng giọng, tuyên bố:
- Ăn Tết Nguyên tiêu xong, Mười sáu tháng Giêng là ngày lành
tháng tốt, ta sẽ cùng hoàng hậu và các hoàng tử đến dự đám cưới của hai khanh.
Quần thần quỳ lạy tung hô vạn tuế. Giữa đám đông chen chân
trên đại điện ấy, tôi thấy một người lén lút nhìn lên, ánh mắt chất chứa uất hận
chiếu thẳng vào Bát Tư Ba.
Phủ Bạch Lan Vương nằm đối diện phủ Quốc sư, đây vốn là phủ
đệ của tể tướng nước Kim năm xưa. Trải qua nhiều năm chiến tranh tàn phá, kiến
trúc vẫn còn nguyên. Mấy ngày qua, đội thợ được lệnh trùng tu cả ngày lẫn đêm để
kịp hoàn tất ba gian nhà phía trước Vương phủ, chuẩn bị cho lễ cưới. Đội thợ
bao gồm cả người Kim, người Hán và người Tạng, kiến trúc của phủ Bạch Lan Vương
mang đậm đặc trưng kiến trúc của người Tạng.
Điểm nổi bật nhất là màu sắc trên tường nhà, đó là sự kết hợp
đan xen của ba màu: đỏ, trắng và xanh. Màu đỏ tượng trưng cho Bồ Tát Văn Thù,
màu trắng tượng trưng cho Bồ Tát Quan Âm, màu xanh tượng trưng cho Bồ Tát Kim
Cương Thủ. Sự kết hợp của ba màu sắc là nét đặc sắc riêng có của giáo phái
Sakya. Ở đất Tạng, phái Sakya còn được gọi là “Hoa giáo” cũng bởi nguyên nhân
này. Sự phối hợp của những gam màu đậm, rực rỡ, bắt mắt khiến phủ Bạch Lan
Vương trở nên rất nổi bật ở Yên Kinh, từ xa cũng có thể dễ dàng nhận ra.
Khi tấm biển “Phủ Bạch Lan Vương” được treo lên, rất đông
người dân Yên Kinh đã nô nức kéo về đây chiêm ngưỡng, chỉ trong chốc lát, con
ngõ nhỏ phía trước cổng phủ đã chật như nêm, người ta chỉ trỏ, bình luận rồi
xuýt xoa ca ngợi, tán thưởng. Tấm biển do chính tay Đại hãn đề bút ngự ban, tìm
khắp thành Yên Kinh cũng chẳng mấy ai có được vinh dự này.
Thế nhưng chủ nhân của Vương phủ nổi tiếng ấy lại chẳng ỏ ê
gì đến công cuộc tu sửa nơi ở của mình, giao phó mọi thứ cho người hầu cận đáng
tin cậy nhất của Bát Tư Ba là Besangbo. Cậu ấy không chịu gặp bất cứ ai ngoài
Bát Tư Ba. Dankhag nhiều lần đến tìm đều phải ra về trong tức tối, ngay cả bố vợ
tương lai, cậu ấy cũng chẳng buồn tiếp đón. Cậu ấy giam mình trong phủ Quốc sư,
bầu bạn với rượu, uống say bí tỉ lại lăn ra ngủ, đám thợ may phải nhân lúc cậu ấy
ngủ say mới dám lại gần đo đạc để may trang phục cho chú rể.
- Kháp Na, chỉ còn mấy ngày nữa là đến hôn lễ, đệ định say
khướt thế này đến bao giờ hả?
Bát Tư Ba giằng lấy bình rượu trong lòng Kháp Na, tức giận
ném xuống đất. Tiếng vỡ “choang” của bình rượu khiến Kháp Na tỉnh táo đôi chút.
- Đại ca đó à! - Kháp Na mắt nhắm mắt mở, đồng tử vằn vện những
tia màu đỏ. - Huynh đừng lo, hôm đó đệ sẽ tề chỉnh, không để huynh mất mặt đâu.
Nhưng còn vài ngày nữa, huynh hãy để cho đệ được tự do, thoải mái. Đây vốn dĩ
là cuộc hôn nhân chính trị, ai bảo đệ là con trai út của giáo phái Sakya kia chứ?
Đệ không thể thoát khỏi định mệnh này, chỉ có thể thuận theo. Đệ uống rượu chẳng
qua vì muốn thời gian trôi nhanh hơn mà thôi.
Hơi rượu nồng nặc phả ra từ thân thể Kháp Na khiến Bát Tư Ba
chau mày. Cậu ấy nhẹ nhàng phủi những hạt bụi bám trên y phục của em trai, dịu
dàng động viên:
- Kháp Na, ta biết đệ chưa có nhiều tình cảm với Dankhag, đó
là vì hai người mới quen biết nhau, chưa nhận ra ưu điểm của nhau thôi. Cô ấy
là người Tạng, giống chúng ta, đệ chung sống với cô ấy sẽ thoải mái hơn với
Mukaton. Hơn nữa, cô ấy lại trẻ trung, khỏe mạnh…
- Lại là chuyện con cái phải không? - Gương mặt Kháp Na đột
nhiên trắng bệch đến đáng sợ, cậu ấy bật cười, ngắt lời anh trai. - Đệ có thích
cô ấy hay không không quan trọng, quan trọng là cô ấy sẽ sinh ra người kế thừa
pháp thống của giáo phái.
Bát Tư Ba thở dài buồn bã:
- Những năm qua đệ sống trong sự kìm kẹp của Công chúa, ta
biết đệ rất khổ sở. Ta luôn hy vọng bên cạnh đệ có một người phụ nữ hiền thục,
dịu dàng, nhân hậu. Nhưng nếu không phải hôn ước do Đại hãn ban cho, chỉ e Công
chúa Mukaton sẽ không chịu cho đệ nạp thêm thê thiếp khác. Nếu vậy, phái Sakya
sẽ chẳng còn hy vọng gì nữa.
Kháp Na lảo đảo đứng lên, kinh ngạc nhìn Bát Tư Ba:
- Người muốn cưới Dankhag là anh ba, không phải đệ, vì sao Đại
hãn lại đột nhiên ban hôn ước cho đệ? Có phải do huynh sắp đặt không?
Tôi thất kinh, quay sang Bát Tư Ba:
- Lâu Cát, vì sao cậu làm vậy? Tối hôm đó, khi Yeshe đến cầu
xin cậu, cậu đã nhận lời kia mà?
- Ta chưa từng hứa với đệ ấy điều gì, ta chỉ nói rằng sẽ lo
liệu.
Hàng lông mày xô lại, Bát Tư Ba quay sang nhìn người em trai
chưa hết bàng hoàng:
- Nhiều ngày trước, Đại hãn nói với ta rằng ngài muốn lôi
kéo Tsirenja, thăng chức cho ông ta làm vạn hộ hầu, cắt đất phong ở Tufan của A
Lý Bất Ca giao cho ông ta cai quản. Khi ấy, ta đã mở lời xin Đại hãn ban hôn ước
cho đệ.
Tôi sửng sốt:
- Thì ra trước khi Yeshe đến nhờ cậy, cậu đã sắp đặt xong
xuôi hôn sự này rồi?
Bát Tư Ba bước đến, đỡ lấy cơ thể ngả nghiêng, xiêu vẹo của
Kháp Na:
- Em ba là người có dã tâm lớn, từ lâu đã rất bất mãn với xuất
thân thấp kém của mình, chắc chắn ngày sau sẽ chẳng chịu an phận. Sau khi được
phong làm vạn hộ hầu, đất đai của Tsirenja sẽ tăng gấp mười lần. Nếu để đệ ấy
cai quản vùng đất lớn như thế, chỉ e sẽ sinh lòng phản trắc, khi ấy, phái Sakya
nguy mất.
- Nếu đệ cưới Dankhag thì huynh chẳng còn phải bận tâm gì nữa.
Thanh thế và thực lực của giáo phái sẽ ngày càng mạnh hơn. Ngoài ra, huynh có
thể mượn danh nghĩa của Đại hãn buộc Mukaton phải chấp nhận việc đệ nạp thêm
thê thiếp, như vậy, giáo phái sẽ không phải lo việc không có người kế nghiệp nữa.
Ha ha, đại ca thật khéo tính toán!
Kháp Na gạt tay Bát Tư Ba ra khỏi người mình, tiếng cười chất
chứa nỗi chua cay, giận dỗi:
- Thế nên huynh chẳng thèm hỏi xem đệ có bằng lòng hay
không, đã vội sắp xếp tất cả!
- Kháp Na, ta làm thế là vì đệ!
Bát Tư Ba vốn định bước đến khuyên giải nhưng cậu ấy sững lại
khi nhận ra nỗi bi thương chất chứa trong đôi mắt em trai. Cậu ấy buồn bã, cắn
chặt răng, quay đầu bước đi:
- Nhưng nếu đệ không muốn, ta không ép đệ. Bây giờ ta sẽ đi
cầu xin Đại hãn hủy bỏ hôn ước này.
Kháp Na chặn Bát Tư Ba lại, cậu nhìn anh trai chằm chằm, nỗi
bi ai như mây đen vần vũ trong mắt. Cậu hé môi cười, nụ cười đẹp đến thê lương:
- Đại ca, không cần đâu. Đệ cưới ai cũng thế cả thôi, chỉ cần
việc đó có ích cho huynh là được.
Bát Tư Ba lắc đầu chua xót:
- Kháp Na, ta không muốn thấy đệ như vậy.
Rồi chừng như chợt nghĩ ra điều gì, cậu ấy nắm chặt tay Kháp
Na, sốt sắng hỏi:
- Kháp Na, người mà đệ thương là ai? Hãy cho ta biết, dù cô ấy
là ai, dù cô ấy có thân phận ra sao, dù cô ấy thuộc tộc người nào, ta xin thề với
Phật Tổ, nhất định sẽ hỏi cưới cô ấy cho đệ bằng mọi giá!
Kháp Na đờ đẫn rút tay mình ra khỏi bàn tay của anh trai:
- Đệ không có ai cả.
Không muốn cho Bát Tư Ba cơ hội tiếp tục gặng hỏi, Kháp Na tỏ
ra bực bội, xoay lưng về phía anh trai:
- Đệ mệt rồi, đệ muốn nghỉ ngơi.
Bát Tư Ba còn muốn nói điều gì đó, nhưng cuối cùng cậu ấy chỉ
thở dài nhìn theo Kháp Na, không nói thêm gì nữa. Cậu ấy lẳng lặng bước đến trước
mặt tôi, cúi xuống, xoa đầu tôi, dặn dò:
- Lam Kha, hãy giúp ta trông chừng Kháp Na, đừng để đệ ấy uống
nhiều quá, sẽ tổn hại đến sức khỏe, đệ ấy vốn rất yếu.
Tối hôm đó, sau khi Bát Tư Ba đi khỏi, Kháp Na không uống thêm
nữa, cậu ấy nằm trên giường rất lâu, mắt mở to nhìn trân trân lên trần nhà. Cậu
ấy đâu thể thấy gì trong đêm tối, vậy mà cái dáng vẻ ấy dường như đã thấu suốt
mọi sự và chán chường mọi sự.
Tôi hếch hếch chiếc mũi nhọn của mình vào cánh tay cậu ấy:
- Kháp Na à, cậu bảo muốn đi ngủ vì mệt rồi kia mà!
Cậu ấy quay mặt về phía tôi, ôm tôi vào lòng:
- Tiểu Lam ơi, ngày mai là Tết Nguyên tiêu, thành Yên Kinh sẽ
tổ chức hội hoa đăng đó, em đi ngắm hoa đăng với ta nhé!
- Đồng ý!
Cậu ấy giam mình trong phủ Quốc sư đã nhiều ngày nay, chẳng
chịu đi đâu, bây giờ lại muốn ra ngoài đi dạo, tất nhiên là tôi đồng ý vô điều
kiện.
- Tiểu Lam ơi, ý ta là… - Cậu ấy ngập ngừng, chừng như khó
nói. - Em hãy hóa phép thành người đi chơi cùng ta.
Ánh mắt cậu ấy long lanh trong đêm.
- Đây là nguyện vọng duy nhất của ta trước lễ cưới.
Tôi mê man đắm chìm trong đôi mắt như hồ nước sâu hun hút ấy,
chỉ biết khe khẽ đáp lại:
- Được.
Kháp Na nở nụ cười rạng rỡ, lúm đồng tiền hút hồn đã lâu tôi
không được chiêm ngưỡng. Trong bóng đêm mịt mùng, những giọt nước mắt trong veo
như pha lê của Kháp Na khiến tim tôi đột nhiên nhói đau.
*
- Sau khi vương triều Tufan bị diệt vong, các giáo phái Phật
giáo ở Tây Tạng đua nhau mọc lên như nấm sau mưa, đến nay hầu hết đã trải qua bốn
trăm năm lịch sử.
Ấm nước trên bếp lò lục bục sôi, hơi nước bốc lên nghi ngút,
tôi ra khỏi giường, rót cho mình và chàng trai trẻ hai chén trà nóng.
- Tâm nguyện lớn nhất của đại sư Ban Trí Đạt là thống nhất đất
Tạng, nhưng cho đến cuối đời, tâm nguyện đó vẫn chưa được thực hiện nên ngài đã
trao lại cho Bát Tư Ba.
Chàng trai trẻ áp hai tay vào cốc trà nóng, trầm ngâm giây
lát:
- Tôi còn nhớ, sách sử ghi lại rằng, Tây Tạng trở thành một
tỉnh và gia nhập vào bản đồ Trung Quốc vào triều Nguyên. Hẳn là nhờ công lao của
Bát Tư Ba.
Tôi gật đầu:
- Khi còn là một vương gia, Hốt Tất Liệt đã không đồng tình
với Mông Kha Hãn về việc cắt Tây Tạng thành những mảnh nhỏ chia cho các anh em
của mình làm đất phong. Trong số những người từng là lãnh chúa Tây Tạng hồi đó,
Mông Kha và Khoát Đoan đã qua đời, Húc Liệt Ngột cầm quân tiến đánh các quốc
gia ở vùng Tây Á chưa trở về, còn A Lý Bất Ca từ lâu là đối thủ đáng gờm nhất của
Hốt Tất Liệt. Bát Tư Ba đã nhân dịp này đề nghị với Hốt Tất Liệt quy đất Tạng
thành một đơn vị hành chính thống nhất để quản lý.
Hốt Tất Liệt là người có tầm nhìn sâu rộng nên đề nghị của
Bát Tư Ba rất hợp ý ngài. Vừa lên ngôi Đại hãn, Hốt Tất Liệt đã lập tức thu hồi
đất phong ở Tây Tạng của Mông Kha, Khoát Đoan và A Lý Bất Ca, chỉ giữ lại đất
phong của Húc Liệt Ngột thuộc phái Pagmodru. Quan hệ giữa Húc Liệt Ngột và anh
em Hốt Tất Liệt xưa nay rất tốt, vì muốn lôi kéo Húc Liệt Ngột về phía mình, Hốt
Tất Liệt đã quyết định không thu hồi đất phong của ông ta ở Tây Tạng.
Tôi nhấp một ngụm trà nóng:
- Mấy năm sau đó, được sự bảo trợ và ủng hộ của Hốt Tất Liệt,
Bát Tư Ba đã tham dự ngày càng sâu vào đời sống chính trị của Tây Tạng, giúp
cho vùng đất này thoát khỏi cục diện chia năm xẻ bảy, quyền cai trị dần được tập
trung và thống nhất.