Quỷ cái vận đồ Prada - Chương 14-P2

Và lại một lần nữa tôi không thể làm gì khác là cuống quýt
làm, mạch đập thình thịch: mặc áo dài, chải đầu sơ sơ, đồng thời liếc qua tờ
Emily in ảnh các khách đến tối nay để xếp cho khớp với tên. Lily quan sát toàn
bộ trò này với vẻ khoái trá, nhưng tôi biết chuyện gã nghiện làm cô áy náy, va
tôi cảm thấy cắn rứt khi phải để cô một mình. Alex đang gọi điện cho cậu em nhỏ,
cố thuyết phục rằng mẹ không phải là bà phù thủy độc ác khi bà cấm cậu ở tuổi
này đi xem phim buổi chín giờ tối.

Tôi hôn lên má anh từ biệt; Alex huýt sáo và nói, có thể anh
sẽ đi ăn tối với các bạn, và tôi nên gọi điện nếu định đến đó nhập bọn. Tôi ra
phòng khách trên đôi giày lênh khênh, Lily đợi đó với một tấm lụa đen hoành
tráng. Tôi đưa mắt dò hỏi.

“Khăn quàng cho buổi tối trọng đại của cậu,” cô véo von và xổ
tung nó ra như khăn trải giường. “Andy của tớ phải diện tưng bừng như bọn nhà
giàu lỗ mãng từ Carolina mà tối nay cậu phải phục vụ. Bà tớ tặng tớ trước đây mấy
năm đấy, nhân dịp đám cưới của Eric. Tớ vẫn băn khoăn không biết xếp nó vào hạng
sang trọng hay nhà quê nữa. Nhưng nó hợp với đồ đại lễ, và của Chanel nữa, thế
là đủ.”

Tôi ôm cô. “Hứa với tớ là nếu tớ bị Miranda sa thải vì ăn
nói thất thố thì cậu sẽ đốt cái áo dài này và cho tớ mặc lại đồ bò của Brown
nhé. Hứa đi!”

“Trông cậu rất đẹp, Andy. Tớ không ngờ có ngày được chứng kiến
cậu mặc đồ Oscar de la Renta đến dự tiệc của Miranda Priestly, nhưng trông cậu
xứng đáng lắm, giờ thì nhanh chân lên.”

Cô ấn vào tay tôi cái túi Judith Leiber rực rỡ ghê tởm với
quai xích lủng lẳng và mở cửa ra sảnh: “Vui vẻ nhé!”

Ô tô đợi trước nhà. Trong khi lái xe mở sẵn cửa thì John, hiện
thân của sự lỗ mãng cao cấp, huýt sáo sau lưng tôi.

“Cho bọn nó đo ván hết đi, cô em,” ông gọi với theo và cường
điệu vẫy tay. “Tối muộn lại gặp nhau nhé.” Tất nhiên ông ta không biết tôi đi
đâu, nhưng cũng là một an ủi khi ông nghĩ là tôi về trước bữa sáng. Có thể
không đến nỗi tệ đâu, tôi nghĩ bụng và thả người xuống chiếc ghế đệm rộng rãi của
chiếc Limousine. Nhưng lúc áo xòa lên gối và lưng tôi chạm phải lớp da lạnh
toát thì tôi lại giật mình. Nếu mọi việc tệ như mi vẫn nghĩ?

Đợi đến khi tài xế nhảy khỏi xe và chạy vòng quanh để mở cửa
thì tôi đã ra đến vỉa hè từ lâu.

Tôi đã tới bảo tàng Withney một lần, theo tua tham quan thắng
cảnh trong một ngày cùng với mẹ và Jill. Bản thân bảo tàng không gợi ra hồi tưởng
nào, nhưng nhìn thấy cửa ra vào như cây cầu thì tôi nhớ lại ngay. Ngày ấy còn
là đứa trẻ mười bốn tuổi, tôi đứng gần hai mươi phút trên lối đi này nhìn xuống
thềm dưới, nơi dân Upper East Side giàu có và dân ngoại tỉnh giàu có đứng lẫn lộn.
Tất cả có vẻ đang tranh luận đầy tin cậy và hồ hởi về triển lãm kiến trúc mang
tính cách mạng hay bộ ảnh đen trắng độc đáo của một nhà nhiếp ảnh đồng tính trẻ
tuổi. Họ trò chuyện với nhau một cách nhẹ nhàng và đi lại với vẻ tin cậy mà tôi,
đứa trẻ mới lớn, không cảm nhận được và chắc chắn không muốn cảm nhận.

Tôi quả thật có lý. Hôm nay, mười lăm sau, sự khác biệt duy
nhất giữa hai thời điểm là giá tiền của bộ cánh tôi mặc trên người. Và độ cao của
gót giày, tất nhiên. Tôi suy tính nhanh, trước tiên là phăng đôi giày qua lối
đi, sau đó chính tôi, nhưng một con tính nhẩm cho biết ngay tôi chỉ có thể tàn
phá một xương bánh chè hay một ống đồng mà thôi, không đủ để thoái thác dự buổi
lễ tối nay. Không còn sự lựa chọn nào nữa, tôi lấy hơi thật sâu, nắm chặt tay để
kìm ý định hút điếu thuốc cuối cùng và rút thanh son môi Fudgsicle ra. Đã đến
giờ vào vai một quý bà.

Người gác cửa mở cửa cho tôi, mỉm cười và hơi cúi lưng, chắc
cho tôi là khách mời.

“Xin chào chị. Nhất định chị là Andrea. Mời chị ngồi đợi một
lát ở chỗ kia, Ilana sẽ đến ngay.” Xây lưng lại phía tôi, ông kín đáo nói vào
micro ở tay áo và gật đầu khẳng định khi có tiếng trả lời trong tai nghe.
“Vâng, đúng ạ, ở bên kia, thưa chị. Ilana đến ngay.”

Tôi ngó quanh trong tiền sảnh, không muốn bị chỉnh sửa lại
áo dài sau khi ngồi. Với lại, bao giờ cho có dịp vào bảo tàng Whitney – hay bất
cứ bảo tàng nào đó – sau giờ mở cửa và là người duy nhất? Quầy bán vé trống vắng,
phòng bán sách ở tầng trệt tối đèn, nhưng cảm giác gì đó trọng đại diễn ra ở tầng
trên thì rõ mồn một.

Sau gần mười lăm phút ngó quanh, luôn cẩn thận không đi quá
xa người gác cảnh giác như một ứng cử viên CIA, một người phụ nữ không có gì nổi
bật trong áo dài xanh dương đi qua tiền sảnh choáng lộn về phía tôi. Tôi ngạc
nhiên vì bề ngoài giản dị của người có vai trò quan trọng như vậy (tổ chức các
sự kiện lớn trong bảo tàng). Lập tức tôi thấy mình lố bịch, như một con bé nhà
quê diện ngất ngây đi dạ hội, nhưng thực ra tôi nào có khác gì? Ilana thì ngược
lại không nhất thiết phải thay bộ đồ văn phòng. Sau này tôi hỏi cô chuyện đó.

“Để làm gì?” Cô cười. “Mọi người đến đây có phải để xem tôi
đâu?” Mái tóc nâu của cô mới gội, nhưng không có gì đặc biệt, và đôi giày nâu
thấp gót thì cực lạc mốt. Nhưng cặp mắt xanh của cô sáng ngời và thân mật, và
tôi biết ngay là mình sẽ mến cô.

“Chị là Ilana ạ?” Linh tính cho tôi biết trong lúc này tôi
nên chủ động nói trước và làm chủ tình thế. “Tôi là Andrea, trợ lý của Miranda,
tôi đến đây để làm mọi việc khi cần.”

Nhìn cô dịu hẳn lo âu, tôi muốn hỏi ngay Miranda đã nói gì với
cô. Khả năng này thì vô tận, nhưng chắc chắn dính dáng đến bộ cánh của Ilana
như lấy trong Tạp chí người nội trợ ra. Tôi rùng mình khi nghĩ cô gái khả ái
này đã phải nghe những lời nào của Miranda và chỉ cầu nguyện để cô đừng khóc òa
lên. Thay vào đó, cô nhìn tôi với cặp mắt vô tội và thốt ra rõ tiếng: “Sếp của
chị là đồ chó chết.”

Tôi cần một lát để qua cơn sốc. “Đúng quá,” tôi nói, và hai
chúng tôi cùng bật cười.

“Chị cần tôi làm gì? Miranda có đủ linh cảm để mười giây sau
là phát hiện tôi đang ở đây. Tôi phải ra vẻ đang làm gì đó.”

“Tôi chỉ cho chị xem bàn tiệc,” cô nói và vào thang máy, nhấn
nút lên lầu một. “Chị sẽ ngã ngửa ra mà xem.”

Chúng tôi ra khỏi thang máy, qua cửa nữa, đi vòng qua một bức
tượng mà tôi không nhận ra ngay hình ai, đến một phòng nhỏ phía cuối tầng. Một
dãy bàn với hai mươi tư chỗ ngồi kê chữ nhật chính giữa phòng. Robert Isabell
có giá của mình, tôi biết. Ông là người tổ chức tiệc có máu mặt ở New York, người
duy nhất chắc chắn đánh đúng thị hiếu và không bao giờ bỏ sót một chi tiết:
luôn đúng gu nhưng không theo trào lưu nào, sang trọng mà không xa xỉ nặng nề,
độc đáo nhưng không quá trớn. Miranda gửi gắm Robert làm mọi yến tiệc, nhưng
cho đến nay tôi mới biết công việc của ông qua sinh nhật mười tuổi của Cassidy
và Caroline. Ông đã biến phòng khách theo phong cách thuộc địa của Miranda
thành một phòng hiện đại (đủ thứ, từ quầy bar nước ngọt – uống bằng ly Martini,
tất nhiên – sofa da lộn êm ái, lều trang trí kiểu Ma rốc có lò sưởi để khiêu vũ
ngoài sân thượng), nhưng những gì tôi thấy ở đây mới là tuyệt đỉnh.

Tất cả trắng tinh. Trắng dịu, trắng ấm, trắng sáng, trắng
thô, trắng lóa. Một bụi mẫu đơn trắng sữa như mọc giữa bàn, đúng tầm để mọi người
còn nhìn thấy nhau lúc nói chuyện, đồ sứ Trung Hoa trắng ngà (có vân trắng
chìm) ngự trên khăn bàn trắng mới hồ cứng, ghế gỗ sồi sơn trắng có tựa cao và bọc
da lộn màu trắng mịn, tất cả trên một tấm thảm dày màu trắng riêng cho dịp này.
Nến nhà thờ màu trắng trong giá cắm bằng sứ trắng đơn giản chiếu sáng những bông
mẫu đơn từ phía dưới (nhưng kỳ lạ thay, không làm cháy cánh) và tỏa sáng một
cách nhã nhặn và kín đáo. Màu sắc duy nhất trong toàn bộ căn phòng đến từ những
tấm toan tinh xảo treo trên tường quanh phòng. Liếc nhanh qua, tôi hiểu là ông
em của Mờ-Cờ-Đờ muốn bữa tiệc của mình diễn ra giữa các bức họa sơn dầu của
Rothko, Steel, Kline, và tất nhiên, của Kooning. Màu trắng của bàn tiệc trong sự
tương phản có tính toán và chọn lọc với màu sắc tưng bừng của các tấm thảm ngoại
cỡ. Lúc quay đầu chiêm ngưỡng sự tương phản giữa trắng và màu ấy (“Robert quả
là một thiên tài!”) thì một màu đỏ rực xoáy vào mắt tôi. Trong góc phòng, dưới
bức Four Dark in Red của Rothko, Miranda đứng thẳng như tượng trong chiếc áo
dài đỏ Chanel đính cườm đặt riêng cho buổi này, cắt lại cho vừa và giặt là.
Trong giây phút này tôi hiểu ngay, vì sao bà khăng khăng đòi làm ở bảo tàng này
và mặc bộ này, hiểu là bà dùng những bức tranh để tôn chiếc áo lên – khó có lời
giải thích nào khác. Gì thì gì, đó là một kết quả hoàn hảo. Trông bà đẹp ngột
thở. Bản thân bà là một tác phẩm nghệ thuật sống, cằm vươn ra kiêu hãnh và cơ bắp
căng bóng, một bức phù điêu hậu cổ điển trong lụa và cườm của Chanel. Bà không
đẹp – mắt hơi nhỏ, tóc búi quá chặt và nét mặt quá đanh – nhưng bà gây một ấn
tượng mà tôi không gọi tên được; ngay cả khi cố tỏ ra bình thản và chăm chú ngắm
nghía căn phòng, tôi vẫn không rời mắt khỏi bà được.

Như thường tình, tiếng bà dứt tôi khỏi cơn mơ màng:
“Aan-dree-aa, chị biết mặt và tên khách đến tối nay chứ? Tôi cho là chị đã xem
kỹ chân dung của mọi người. Tôi mong chị tối nay không làm tôi xấu mặt khi chào
hỏi ai đó nhầm tên.” Bà nói, mắt nhìn vào hư vô, chỉ có tên gọi cho biết là câu
vừa rồi dành cho chính tôi.

“À, vâng, tôi đã xem rồi,” tôi trả lời, suýt nữa thì đứng
nghiêm chào, mắt vẫn đăm đăm nhìn bà như bị thôi miên. “Bây giờ tôi cẩn thận
xem lại lần nữa cho chắc.” Bà nhìn tôi như muốn nói Thế thì làm đi, con ngố
kia. Tôi cố gắng quay mặt đi và ra khỏi phòng. Ilana theo sau.

“Bà ấy vừa nói gì thế?” Cô thì thầm. “Chân dung? Bà ấy có
điên không?”

Hai chúng tôi cùng muốn lánh nạn, trốn vào một hành lang tối
và kiếm chỗ ngồi trên một chiếc ghế băng cứng. “À, chuyện ấy. Bình thường thì cả
tuần nay tôi phải kiếm ảnh khách và học thuộc tên để tối nay chào họ với tên tuổi
cụ thể,” tôi giải thích cho Ilana đang tròn mắt nhìn. “Nhưng tối nay bà ấy mới
nói là tôi phải có mặt nên lên ô tô tôi chỉ có mấy phút để xem qua mấy cái ảnh.
Nhưng sao cơ? Chị ngạc nhiên à? Khi Miranda mở tiệc thì đó là chuyện thường.”

“Tôi cứ nghĩ là hôm nay không có nhân vật nổi tiếng nào đến,”
cô nói.

“Chà, không phải bỗng dưng mà dễ nhận ra những tỉ phú có địa
ốc ở phía Nam tuyến Mason-Dixon. Như mọi khi thì muốn nhớ mặt khách, tôi chỉ việc
vào mạng xem Thời trang Phụ nữ Hằng ngày hay những chỗ tương tự. Tôi định nói
là ảnh của nữ hoàng Noor, của Michael Bloomberg hay Yohji Yamamoto nếu cần cũng
dễ kiếm. Nhưng Mr. hay Mrs. Packard ở vùng ngoại ô quý phái nào đó của
Charleston hay ở xó xỉnh quỷ quái nào đó thì tìm đâu ra. Cô trợ lý kia của
Miranda đã săn lùng tại các mục tin vỉa hè địa phương hay trang mạng của các
công ty, quả là một việc khó chịu, trong khi nhóm còn lại của văn phòng bận
trang điểm tôi cho buổi tối hôm nay.”

Ilana nhìn tôi không chớp mắt. Tôi biết, vì lý do nào đó mà
tôi nói như một rôbôt, nhưng không sao ngừng lại được. Vẻ mặt kinh hoàng của
Ilana chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.

“Chỉ còn vài người là tôi không nhận mặt được thôi. Nhưng
tôi sẽ làm phép tính loại trừ là xong,” tôi nói.

“Sợ thật, tôi không rõ chị làm thế nào. Tôi mất buổi tối thứ
Sáu là đủ bực mình rồi, không thể tưởng tượng lại có thể làm được việc của chị.
Làm sao chị để người ta xỉ vả và đối xử với mình như thế?”

Tôi giật mình, Ilana đã đánh trúng chỗ hiểm của tôi với câu
hỏi này. Cho đến nay chưa có ai vô cớ nói gì đó tiêu cực về công việc của tôi.
Tôi luôn luôn tin là trong số hàng triệu cô gái xin chết để được nhận việc này
thì chỉ có tôi là người duy nhất thấy tình cảnh của mình không tuyệt đối lý tưởng.
Ánh mắt kinh hoàng của Ilana còn kinh khủng hơn hàng trăm chuyện ngu xuẩn mà
tôi trông thấy hằng ngày ở văn phòng; lòng thương hại thuần khiết và thành thực
của cô là giọt nước làm tràn ly trong tôi. Những gì tôi cố đè nén trong chừng ấy
tháng quần quật làm việc cho một bà chủ vô nhân tính, dành cho thời điểm thích
hợp, nay trào lên. Tôi bật khóc.

Ilana càng bị sốc mạnh hơn. “Ôi, tội nghiệp quá, tôi xin lỗi!
Tôi không muốn thế. Chị là một thiên thần, nếu chị chịu được mụ phù thủy ấy, chị
hiểu tôi không? Chị đi ra đây với tôi,” cô kéo tay tôi ra một phòng làm việc ở
cuối một hành lang khác tối đèn. “Chị ngồi đây một phút, và không cần biết lũ
ngu xuẩn ấy mặt mũi ra sao.”

Tôi sụt sịt, thấy chính mình ngu xuẩn.

“Chị không việc gì phải tự trách mình. Tôi cảm thấy chị giữ
việc này quá lâu trong lòng rồi đấy. Thỉnh thoảng khóc cho nhẹ người là tốt.”

Trong lúc tôi cố gắng cọ mascara trên má, chị lục lọi trong
ngăn bàn mình. “Đây rồi,” cô reo lên đắc thắng. “Cho chị, trước khi tôi vứt đi;
nhưng nếu chị định kể cho ai thì tôi giết chết chị.” “Trông này, hay lắm,” cô mỉm
cười đưa tôi một phong bì nâu dán nhãn “Mật”.

Tôi bóc nhãn và lôi một kẹp bìa ra. Trong đó có một tấm ảnh
– copy màu thì đúng hơn – của Miranda, ngồi duỗi trên ghế đệm của một nhà hàng
thượng hạng. Tôi nhận ra ngay tấm ảnh này: một phóng viên nhiếp ảnh xã hội nổi
tiếng đã chụp nó mới đây tại một bữa liên hoan sinh nhật của Dona Karan ở
Pastis. Ảnh đã xuất hiện trên tạp chí New York, sẽ có các tờ khác đăng lại.
Trong ảnh Miranda mặc một chiếc áo khoác dài da rắn nâu trắng, một đồ đặc hiệu
của bà, nó luôn gợi tôi nhớ đến con rắn.

Không chỉ mình tôi, vì trên tấm ảnh – đã tút sửa thêm – ai
đó có tay nghề và năng khiếu đã ghép một đuôi rắn quẫy lộn vào thay cho cẳng
chân. Kết quả trên cả thuyết phục: con rắn Miranda, cằm nổi bật tựa lên tay, duỗi
dài trên ghế da, để một khúc đuôi rắn vắt qua bên cạnh. Hoàn hảo.

“Quá siêu, đúng không?” Ilana hỏi và vươn người trên vai
tôi. “Một buổi chiều, Linda rầm rập vào phòng tôi sau khi mất một giờ đồng hồ
đàm phán điện thoại với Miranda là tổ chức tiệc ở phòng nào. Mặc dù Miranda biết
trước là bà muốn phòng Kooning, nhưng bà bắt Linda miêu tả từng li trên từng tầng.
Linda điên tiết chỉ muốn bóp cổ bà ra, vì vậy tôi làm bức tranh nhỏ này cho cô ấy.
Chị biết cô ấy làm gì không? Thu nhỏ lại trên máy fotocopy để đút vừa vào ví!
Tôi nghĩ nó là chút khích lệ cho chị. Kể cả khi chỉ để nhắc nhở là không phải một
mình chị chịu trận. Chị hứng nhiều nhất, tất nhiên, nhưng không phải một mình.”

Tôi đút bức hình vào phong bì và trả lại cho Ilana. “Chị tốt
quá,” tôi nói và đặt tay lên vai cô. “Tôi rất, rất cảm kích. Nếu tôi hứa sẽ
không bao giờ kể cho ai thì chị có cho tôi xin một tấm được không? Tôi nghĩ là
nó không vừa vào xắc Leiber này, nhưng rất muốn chị gửi cho tôi một tấm về nhà,
được không ạ?”

Cô chấp thuận với một nụ cười. Tôi viết địa chỉ để lại, và
tôi sau khi vội sửa lại son phấn, hai người quay về tiền sảnh bảo tàng (cô đi,
tôi tập tễnh). Đã sắp bảy giờ. Khách đến bất cứ lúc nào, Miranda và Mờ-Cờ-Đờ
nói chuyện với em trai kiêm thượng khách chú rể; trông dáng ông thì biết hồi đi
học ở miền Nam ông đã chơi bóng đá, bóng chày, bóng ném và bóng bầu dục trước cặp
mắt trầm trồ của các cô bé tóc vàng. Cô bé tóc vàng hai mươi sáu tuổi sắp lên
xe hoa đứng bên cạnh, trầm trồ nhìn ông trìu mến, tay cầm thứ gì đó để phất và
khúc khích tán thưởng những chuyện tiếu lâm ông kể.

Miranda ngoắc tay Mờ-Cờ-Đờ và toe toét cười nụ cười giả dối
thượng hạng. Không cần nghe họ nói chuyện gì tôi cũng rõ, Miranda cùng lắm là
trả lời nhát gừng lúc cần thiết. Những quy tắc giao tiếp xã hội không phải điểm
mạnh của bà, và bà không chịu nổi chuyện xã giao – nhưng tôi biết, tối nay bà
không ngần ngại tung hết tất cả các chiêu. Tôi nhận ra những người gọi là bạn của
bà được chia làm hai loại: số người mà xếp vào loại cao hơn và nhất quyết muốn
gây ấn tượng thì ít ỏi và toàn là những nhân vật quan trọng như Irv Ravitz,
Oscar de la Renta, Hillary Clinton cùng toàn bộ các minh tinh màn bạc. Số còn lại
đứng “dưới trướng” bà, là những người liên tục được che chở và xoa đầu để đừng
quên thân phận của mình, về nguyên tắc bao gồm mọi phần tử còn lại: toàn bộ cộng
tác viên Runway, người trong gia đình, bố mẹ các bạn của hai đứa con gái (nếu họ
không tình cờ có mặt trong loại một), hầu hết các nhà tạo mốt và chủ bút các tạp
chí khác cũng như tất cả - không có ngoại lệ - nhân viên dịch vụ trong nước
ngoài nước. Buổi tối hôm nay hứa hẹn sẽ rất thú vị, chỉ riêng vì khách mời thật
ra thuộc loại hai, nhưng nhờ quan hệ với Mr. Tomlinson và em ông mà phải được đối
xử như loại một. Tôi vui sướng tận hưởng những dịp hi hữu được chứng kiến
Miranda dùng nét duyên dáng giả cầy của mình để gây ấn tượng cho mọi người.

Tôi cảm thấy sự hiện diện của những vị khách đầu tiên, ngay
cả khi họ chưa đến. Không khí trong phòng căng như dây đàn. Với trang in ảnh
màu trong đầu, tôi vội bước đến cặp đầu tiên và xin phép đỡ hộ bà chiếc khăn
lông thú đem cất tạm. “Mr. và Mrs. Wilkinson, chúng tôi rất vui mừng được ông
bà hạ cố đến thăm tối nay. Cho phép tôi nhận đồ này. Ilana sẽ đưa ông bà tới sảnh
trên đã bày sẵn cocktail.” Hy vọng là trong lúc độc thoại tôi không tọc mạch
ngó một cách quá lộ liễu, nhưng trò hề này không phải hôm nào cũng thấy. Tôi đã
thấy ở các bữa tiệc khác của Miranda đàn bà mặc như ca ve, đàn ông mặc như đàn
bà và người mẫu mặc như cởi truồng, nhưng chưa bao giờ thấy người ta ăn mặc như
ở đây. Dĩ nhiên, tôi biết hôm nay không phải buổi họp mặt của giới sảnh thời
trang New York , song những gì phất phới tiến vào không gợi tôi nhớ đến các
nhân vật trong bộ phim nhiều tập Dallas, mà giống đoàn người diện đồ đẹp đi dạo
chơi Chủ nhật trong phim Deliverance.

Em trai của Mr. Tomlinson, thật ra là một hình ảnh đầy ấn tượng
với mái tóc bạch kim, mắc lỗi trầm trọng là mặc áo đuôi tôm trắng (giữa trời
tháng Năm!), nhét khăn ca rô vào túi ngực và chống ba toong. Cô vợ chưa cưới của
ông khoác một cơn ác mộng làm bằng vải dệt màu xanh ngọc xếp li lùng bùng, nó đẩy
bộ ngực vĩ đại của cô ra ngoài cổ khoét rộng đến nỗi cô có nguy cơ bị đôi gò
silicon ép cho nghẹt thở. Bông tai bằng kim cương to như chén xúp treo lủng lẳng
ở tai, nhưng không ăn thua gì so với hạt xoàn lấp lánh bên tay trái. Tóc cô tẩy
trắng bằng hóa chất, như hàm răng, chân cô dận đôi giày có gót nhỏ và cao chóng
mặt, trông cô lênh khênh đi lại như một cầu thủ bóng chày sắp về hưu non.

“Các bạn yêu mến, tôi rất vui khi các bạn đến dự bữa tiệc nhỏ
của chúng tôi. Ai mà không thích tiệc, đúng không ạ?” Miranda véo von giọng
mũi. Quý bà Tomlinson tương lai trông như sắp lăn ra ngất khi đứng sát Miranda
Priestly. Nỗi phấn khích của cô làm tất cả khó xử, và thế là cả đoàn người đáng
thương lục tục theo Miranda ra thang máy. Phần còn lại của buổi tối diễn ra
đúng như lúc bắt đầu. Tôi nặn óc ra tên của mọi người có mặt và lạng tránh được
mọi cái bẫy nguy hiểm. Đám diễu hành của áo đuôi tôm trắng, lượt là, tóc vấn
cao, trang sức hoành tráng và phụ nữ vừa qua ngưỡng dậy thì cứ mỗi giờ lại giảm
giá trị đối với tôi, chỉ có Miranda là vẫn hút hồn tôi. Một quý bà chính cống,
đối tượng ghen tị và ganh đua của mọi phụ nữ có mặt ở bảo tàng tối hôm đó, luôn
thèm khát vị thế và sự bặt thiệp của bà tuy biết rằng hai thứ đó không mua được
bằng tiền.

Tôi mỉm cười thật lòng khi bà cho tôi về lúc giữa bữa ăn,
như thường lệ không có một lời cám ơn hay chúc ngủ ngon (“Aan-dree-aa, tối nay
chúng tôi không cần chị nữa. Chị có thể về nhà.”) Tôi nhìn quanh tìm Ilana,
nhưng cô đã biến mất. Mười phút sau khi tôi gọi thì xe đến, thật ra tôi đã suy
tính có nên đi tàu điện ngầm hay không, nhưng chiếc áo Oscar và đôi chân tôi phản
đối kịch liệt. Mệt mỏi nhưng hài lòng, tôi ngã người xuống ghế sau.

Trên đường tới thang máy, tôi qua trước mặt John; ông rút dưới
bàn ra một phong bì nâu đưa tôi. “Vừa đến cách đây mấy phút. Có đề Thư khẩn.”
Tôi cám ơn ông và ngồi xuống góc sảnh, ngạc nhiên vì nhận được thư lúc mười giờ
tối thứ Sáu. Tôi xé phong bì, rút một tờ thiếp ra:

Andrea thân mến,

Rất vui được gặp chị tối nay! Tuần sau mình cùng đi ăn sushi
hay thứ gì khác nhé? Trên đường về nhà tôi đem thư này qua luôn, vì tôi nghĩ là
chị cần một chút giải trí, sau một buổi tối như chúng mình vừa có hôm nay. Vui
vẻ nhé!

Ôm hôn chị,

Ilana

Trong bì thư là ảnh con rắn Miranda mà Ilana đã phóng to lên
cỡ A4. Tôi ngắm kỹ bức hình mấy phút liền trong khi xoa bóp đôi chân được giải
phóng khỏi đôi Manolo, nhìn vào đôi mắt Miranda. Chúng mang vẻ dọa nạt và hèn hạ
và như con người xấu xa mà tôi thấy mặt mỗi ngày. Nhưng tối nay chúng cũng biểu
lộ sự buồn bã và cô đơn. Dán nó lên cửa tủ lạnh làm trò đùa với Alex và Lily
cũng không làm chân tôi bớt đau hoặc trả lại tối thứ Sáu bị mất. Tôi xé tờ
tranh rồi đi cà nhắc lên tàu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3