Nỗi buồn chiến tranh - Chương 22
Rách rưới, hở hang, lấm lem và đọng máu nhưng đồng thời cũng hết
sức mềm mại mịn màng, tròn trĩnh và trắng muốt. Phương nằm nghiêng chừa
chỗ cho anh nhưng dần dần như thể thấy lạnh, nàng co hai đầu gối lên.
Cái thế ngủ, thế nằm của trẻ con, đầu gối sát ngực. Chẳng những vì quá
buồn ngủ mà hẳn rằng lúc này, Phương hoàn toàn chẳng còn thiết gì nữa,
tuyệt đối buông thả, tuyệt đối không còn biết sợ là gì nữa, Kiên nghĩ.
Trù trừ một lúc, rồi anh luồn tay dưới gáy Phương nâng nhẹ người nàng
lên sẽ lột cái áo lụa cộc tay rách sã, lộn lần trái đang sạch lau mặt,
lau cổ, lau khắp mình mẩy Phương. Anh lột nốt cả chiếc quần lụa, chùi
vết máu trên đùi cho Phương. Thở dốc run rẩy, anh mặc quần áo của mình
vào cho Phương. Rồi anh mắc võng nằm. Cứ nghĩ rằng sẽ chẳng tài nào chợp
mắt được vậy mà rốt cuộc, Kiên ngủ lịm. Một giấc ngủ nặng nề, vùi dập,
li bì. Tỉnh dậy thì chiều rồi. Không thấy Phương nằm đấy. Chiếc áo ban
trưa mặc vào cho nàng giờ đắp trên ngực anh. Quần dài và xà cột thì kê
dưới gáy. Ngồi dậy Kiên ngạc nhiên ngửi thấy thoang thoảng mùi thuốc lá.
Và lạ lùng, mớ quần áo nát của Phương anh đã vo tròn để ở cuối phản,
vẫn thấy đãy Dưới nền đất, anh thấy mấy đầu mẩu thuốc lá. Mặc lại quần
áo ngoài, lấy khẩu súng lục trong xà cột đút vào túi Kiên lầm lì ra khỏi
lớp học. Trông bóng nắng, đã khoảng 4 giờ, Kiên đi quanh trường tìm kỹ,
nhưng không gọi. Ở mấy lớp học khác, anh thấy có nhiều võng chăng ngang
dọc. Phần đông đám bộ đội đang ngủ. Một số ngồi tụ lại đánh bài. Kiên
theo con đường lúc trưa trở ra bãi đất trống, nhìn lên con đường đá chỗ
căn hầm hai đứa trú khi sáng. Tịnh không thấy bóng Phương đâu cả. Giấc
ngủ quá dài làm đờ đầu óc, kiệt nhất khả năng xét đoán, phản ứng. Thậm
chí Kiên không cảm nhận hết nỗi lo lắng đang dồn thúc trong lòng, uể
oải, anh đi lùng vào ớn cây bao quanh khu trường. Hóa ra vườn khá rộng,
như một cánh rừng thưa. Đôi chỗ râm mát. Vắng lặng. Chẳng có gì ngoài
tiếng gió lào xào khua trên lá, tiếng chim hót ngập ngừng, tiếng chân
Kiên bước và hai chiếc xe tải trùm kín ngụy trang đậu lập lờ dưới vòm
mát của một cây si già nua. Khi qua hai chiếc xe ấy, không hiểu nguyên
do làm sao tự dưng tim đập thình thịch, Kiên lên tiếng gọi Phương. Chẳng
có cả tiếng vọng. Đi thêm một đoạn nữa thì phải dừng lại. Phía bên này
của khu vườn tiếp giáp với một cái đầm lớn. Chắc là sâu vì nước rất
trong. Bên kia đầm là đường nhựa lớn, có lẽ là Đường Một. Kiên thẫn thờ
đứng nhìn rất lâu mặt nước trong lăn tăn sóng. Không buồn vốc nước rửa
mặt anh quay trở về khu trường. Rồi mong manh một tia hy vọng, Kiên chạy
nhanh về lớp. Vô vọng. Chẳng có ai trong lớp. Bóng tối mập mờ. Muỗi như
trấu. Mấy cái ghế. Mớ quần áo nát bét và lấm máu. Chiếc võng. Thôi thì
cũng đành. Phương bỏ đi, âu cũng là giải pháp cho hoàn cảnh này, Kiên
nghĩ. Bây giờ mình chỉ việc vào trong thị, tới trình diện tỉnh đội. Nằm
vật xuống võng. Nhưng lại ngồi ngay dậy. Một ý nghĩ cầu may, anh bước ra
ngoài, đi sang lớp học cạnh đấy.
Võng. Ba lô. Súng ngắn. Xà
cột... Có vẻ toàn là sĩ quan. Người đang nằm khểnh, người thì đánh bài.
Kiên ngập ngừng, ngần ngại, ấp úng hỏi thăm. Ngồi trên tấm ni lông trải
trên nền, giữa hội tú lơ khơ, một người mặt rỗ chằng, râu cằm tua tủa,
hạ bài xuống, ngẩng lên nhìn Kiên vẻ ngần ngừ nghĩ ngợi, ho húng hắng
rồi bảo:
- Người yêu à? Vậy à . . . Một ả rất được phải không? Nói
nghiêm chỉnh là rất kháu, hả? Cổ cao, trắng, mặt rất là... Hả? Dáng đi
đung đưa uốn lượn, rất bổ con mắt... đúng à?
- Báo cáo thủ trưởng, vâng. Nhưng...
- Nó tắm ngoài đầm ấy; tớ thấy. . .
- Dạ? - Kiên giật bắn mình - Ngoài đầm ạ?
-
Ừ, ngoài đầm. Mà sao mặt dại ra thế à, nó không chết đuối đâu. Tớ thấy
nó tắm xong đi lên rồi. Với lại lâu rồi, từ trưa cơ. Mà sao từ đó đến
giờ cậu vẫn chưa gặp lại à?
- Gặp thế đếch nào được! - Một người
từ trên võng ngồi dậy, trần trục, dáng như đô vật, giọng ồm ồm - Bởi vì
rằng nó đang đú ở chỗ bọn xế toàn 8 ấy, hiểu chưa!
- Thế ạ. Tuy nhiên...
- Tuy nhiên! Tuy nhiên là cái gì? Đúng là dân tiểu tư sản cả thộn. Vào lính rồi thì bỏ cái lối thẻo thượt ấy đi nhá?
- Vâng - Kiên lúng búng - Vâng, tuy nhiên...
-
Lại tuy nhiên! - Tay nọ đứng dậy, cao lớn lừng lững. Nhưng cậu là loại
lính gì lạ nhỉ. Giữa lúc thế này mà có thì giờ đau khổ với tình cơ đấy.
Cao xạ Hàm Rồng à? Hay là chân đảo ngũ thế?
- Kìa, sao lại dồn cậu
ấy thế, anh Phúc? - Người rỗ mặt vội nói - Còn cậu, người chiến binh,
can trường lên chứ hả! Có việc quái gì đâu. Con ấy có thể là đang ở chỗ
mấy thằng giặc lái thật, nhưng đã làm sao. Chúng nó giấu xe bên đầm đằng
sau kia kìa. Hai chiếc Gát 57 của công ty 8. Dưới gốc si ấy.
- Gốc si ạ. . . Kiên nhợt nhạt, nói lí nhí - Nhưng khi nãy em qua đấy có thấy ai đâu ạ?
-
Nếu chúng với con ấy đang trên thùng xe thì cậu thấy thế chó nào được? -
Tay đô vật cười gằn - Con ấy cũng hạng táo gan. RÕ ràng dân thành phố
thị xã, đúng không?
- Mà em còn gọi nữa. Nhưng không thấy thưa. Có khi không phải.
-
Không thấy thưa lên à? - Thằng cha vạm vỡ tên là Phúc dài giọng ra văng
một câu rõ tục, y nói ồm ồm - Tớ như cậu thì dí vào. Ngon mắt thì ngon
mắt thật, nhưng loạiđĩ thập thành ấy cho không tớ cũng. . .
Lẳng
lặng Kiên cắt lời y bằng một tống vỡ mồm vào hàm, rồi lùi lại giật khẩu
K59 trong túi quần ra. Cả hội bài chết lặng. Kiên lên đạn và tự dưng trở
nên bình tĩnh, không run một chút nào, thẳng thừng chĩa họng súng vào
ngực Phúc.
- Anh là hạng vừa ngu vừa đểu, thủ trưởng ạ. Thật đấy!
Nói đoạn, Kiên hạ mũi súng xuống và quay đi, bước ra ngoài. Không ai
đuổi theo, không ai quát lên. Tưởng như chẳng có chuyện gì xảy ra, tuồng
như ngay sau đấy ván bài tiếp tục.
Kiên đi ra khỏi sân trường.
Đầu cúi gằm, chẳng nhìn đường, chẳng nhìn hướng. Đầu óc như chìm trong
bóng tối. Đến khi hai chiếc Gạt đậu im lìm dưới vòm cây si hiện lên ngay
trước mắt, Kiên mới sững sờ đứng lại. Anh không hề chủ định lần tới
đây. Bây giờ cũng không muốn đi tới đây. Chẳng muốn nhìn thấy một điều
gì. Chẳng cẩn gì ở đó hết. Song đôi chân lại cứ bước tới. Và mặc dù hoàn
toàn ý thức được rõ mồn một cái nhục nhã khốn khổ của hành động nhưng
không tự ngăn nổi, Kiên vẫn cứ lén lút nhìn vào ca bin, nhìn vào thùng
xe. Chẳng có ai ở chiếc thứ nhất. Ở buồng lái chiếc sau cũng chẳng thấy
ma nào. Khẩu súng đã lên đạn vẫn nắm trong tay, Kiên vén bạt nhìn vào
thùng xe. Một thứ mùi nằng nặng, nửa tiệc tùng, lẫn lộn hơi bia hơi rượu
hơi thức ăn thừa mứa, khói thuốc, mồ hôi, và tiếng ngáy khò khè thọt
khét, tiếng đài bán dẫn lè nhè hát. Tiếng ú ớ. Ba bốn tay quần đùi may ô
nằm sấp nằm ngửa chật hết cả thùng xe, gác chân lên nhau ngủ kềnh ngủ
càng.
Kiên nhảy xuống đất. Lảo đảo chạy đi. Ruột cồn lên. Ọe khan.
Không hiểu vì cái mùi tởm lợm của cuộc nhậu nhẹt đã tàn hay bởi sự ghê
tởm mà Kiên đâm buồn nôn. Anh chạy loạng choạng, vấp víu, cốt cho thật
xa chiếc xe. Trên đầu tiếng máy bay rền rền. Cao xạ tới tấp bắn. Chim
trong vườn tan tác bay. Kiên dừng lại ở bờ đầm, giữa một lùm cây rậm
rạp, cao lút đầu. Trên cao, trên bầu trời hồng rực chiều tà, đàn phản
lực Mỹ đang ào tới, đông vô kể, như một trận cuồng phong sắt thép đen
ngòm. phạm phải lưới đạn phòng không bắn chặn dữ dội, chúng gầm lên kinh
khủng, và không bổ nhào, bay bằng ở độ cao trên dưới ba ngàn thước,
trong hình một bàn tay khổng lồ xòe ra, chúng cùng một lúc nhất loạt ào
ào buông bom. Biết rằng núi bom ngợp trời kia sẽ chụp xuống cách khá xa
khu vực này, song khối lượng hủy diệt dã man không thể tưởng tượng được
vẫn buộc Kiên phải ngã rạp người. Anh trông thấy Phương đúng vào giây
lát đó, khi những vồng lửa hình sin nhấc bổng mạn trời trước mặt và khi
từng luồng sông nổ rùng rợn xô đổ cảnh chiều hôm.
Bên trái lùm
cây, cách chỗ Kiên không đầy chục bước, trên một mỏm đá đen bóng như sơn
mài, nổi nhô lên mặt nước sát ngay bờ, Phương của anh hoàn toàn khỏa
thân, đang tắm. Và mặc dù đang quỳ, vóc dáng trắng muốt của Phương vẫn
lồ lộ, bởi vì đằng trước thì thông thống mặt đầm trải rộng, còn sau lưng
chỉ là một bờ cỏ thâm thấp với vài lùm cây thưa thớt mọc làm vì. Phương
ngước nhìn máy bay, nhìn trận mưa bom những cột lửa và những cồn khói
sánh đặc, bốc dựng lên, song hầu như chẳng mảy may hoảng sợ. Chỉ nhìn.
Rồi không nhìn nữa, không để ý nữa, đàng hoàng bình thản tiếp tục tắm
táp. Quỳ hai đầu gối, nàng vục nước bằng một chiếc mũ cối, dội ào lên
vai, rồi hơi ngửa cổ, ưỡn người ra, xối lên ngực. Kiên bậm môi để khỏi
buột miệng gọi, lầm lì theo dõi sự lõa lồ phô phang bất chấp đời của
Phương. Cực kỳ ung dung, Phương đứng thẳng. Tuyệt mỹ, ướt át đưa tay lên
sửa tóc, ngó một thoáng theo hướng những oanh tạc cơ đang bay khuất
dạng, rồi nhẹ nhàng như múa xoay lưng lại, uyển chuyển bước lên bờ.
Không buồn nhìn ngó xung quanh, nhặt tấm khăn bông màu lá cây nằm dưới
cỏ lên, Phương kỹ càng lau khô mình mẩy. Hai cánh tay đẹp đẽ, hai bờ vai
tròn lẳn, hai bầu vú nây rắn rung lên nhè nhẹ; cái eo mịn màng phẳng
phiu, hơi thót vào một chút đến nỗi đám lông đen dầy mịn giữa cặp đùi
tròn trĩnh trông như một miếng đệm nhung; đôi chân đẹp như tạc, dài và
chắc mềm mại với làn da như sữa đặc...
Từ trong lùm cây rậm rạp,
Kiên dán mắt nhìn chằm chặp vào từng nét rõ mồn một của cơ thể Phương,
từng cử động, từng biểu hiện của da thịt Phương. Một cái nhìn xấu xa đã
đành, lại kỳ quái, anh nóng rực bấn loạn và cuồng náo, nhưng đồng thời
cũng là cái nhìn bạc bẽo, khắc nghiệt, một sự quan sát rắn như đanh.
Nhìn Phương uốn éo cặp mông, vặn vẹo đôi vai để vận vào người hai mảnh
đồ lót nào đó rồi một bộ cánh khá diện nào đó phủ ngoài. Kiên cắn răng
lại. Thì ra những tai họa giáng xuống đời hai đứa, đối với Phương có vẻ
không hề là tai họa, Kiên nghĩ. Trái lại dường như nàng chỉ coi đó là
những yếu tố mới trong cuộc sống mà nàng sẵn sàng đón nhận và thích
nghi, thậm chí khá hài lòng. Và Kiên đã đi đến chỗ tin rằng, sự trong
trắng vẻ kiều diễm có tính chất bản năng cùng với thiên hướng hoàn mỹ
bẩm sinh của Phương giờ đây đã hoàn toàn mất đi nhưng mất đi không phải
do hoàn cảnh giằng xé mà do chính Phương đã tự mình rũ tuột hầu như
không chút nuối tiếc. Nàng nhập cuộc đời mới với thái độ điềm nhiên
khinh nhờn và thờ ơ lãnh đạm, giống hệt như cái cách vừa mới đây nàng
ung dung biểu diễn tấm thân trần truồng, phô phang nỗi khổ nhục ra giữa
trời nước quang quẻ. Một cách vô phương cứu vãn, từ một người bạn gái
tươi đẹp, bừng sáng vẻ thanh tân tự tâm hồn, luôn luôn tha thiết, luôn
luôn đằm thắm, Phương của anh - Kiên nghĩ - Trong phút chốc biến thành
một người đàn bà khác hẳn, xiết bao xa lạ đối với anh, một người đàn bà
từng trải, đã gạt bỏ mọi ảo tưởng và đã tan biến niềm hy vọng, lạnh nhạt
vô tình, dửng dưng với tất thảy, với bản thân nàng, với anh, với quá
khứ, với cảnh ngộ tang thương đau khổ của mọi người, của đất nước. Nặng
nề, Kiên đưa mắt nhìn vuốt theo mãi dáng đi thong dong uyển chuyển, đung
đưa toàn thân của Phương, cho tới lúc bóng nàng khuất hẳn. Nỗi thất
vọng đau đớn tràn ngập lòng anh. Kiên biết hai đứa sẽ không gặp được lại
nhau nữa từ nay, bởi anh đã nhất quyết bỏ rơi nàng. Có thể rồi từ đây
Phương sẽ tha thứ cho anh mọi chuyện, từ chuyện anh đã lôi nàng vào cuộc
phiêu lưu liều lĩnh, chuyện anh đã trở thành tàn bạo hung dữ, trở thành
kẻ sát nhân ngay trước mắt nàng, đến sự ruồng rẫy lạnh lùng này. Phương
sẽ tha thứ hết, bởi bản tính nàng như vậy, Kiên biết. Nhưng anh, anh sẽ
không đời nào tha thứ cho Phương. Kiên ngồi bất động. Mạn xa, phía bên
kia đầm bức thành khói vẫn lừng lững bốc cao và quánh lại. Chiều không
một phẩy gió, lặng lờ, mệt lả. Một ngày kinh khủng đã im tiếng nhưng âm
thầm cảm giác ngấm đau. Từ từ, Kiên nâng khẩu súng lên nhìn chăm chú cái
họng đen ngòm sầu thảm của nó. Anh đặt ngón tay lên vòng cò căng cứng.
Bởi vì duyên do nào mà dù thế nào đi chăng nữa cuộc sống vẫn cứ tốt hơn
là cái chết? Và tại sao, mặc dù chẳng mấy run tay khi giáng những đòn
trí mạng lên thân thể và lên cuộc đời của người khác, còn nếu phải tự
hướng vào mình một hành động bạo lực quyết liệt thì con người lại run
rẩy và nói chung là không dám, tuy rằng cũng thế cả thôi? - Họng súng
sát sống mũi, ngón tay rít trên vòng cò, Kiên nhắm mắt lại lòng phân vân
tự hỏi. Thốt nhiên, từ đâu đấy, dường như rất xa vang lên một tiếng kêu
dài, gọi tên anh.
- Kiên. . . Giọng buồn và du dương, vang vọng ảo não lan trên mặt nước: ''...Kiên...iên...".
Kiên
giật súng - giơ đẩy bắn viên đạn ở bầu nòng ra, để súng xuống cỏ.
Phương đã chạy tới mép đầm và đi sát qua chỗ anh. Xa dần. Kiên lấy chân
hẩy khẩu súng xuống nước. Một tiếng như tiếng cá quẫy. Xung quanh, cỏ
cây bừa bộn, bốc mùi hăng nồng và ẩm hơn. Sương mù hòa cùng bóng tối,
dâng lên. "Kiên ơi...'! Tiếng gọi còn vẳng tới nhiều lần làm anh phải
ngồi nán lại một lúc lâu nữa trong lùm cây.
Và rồi, anh lẳng lặng
bỏ đi chứ không rẽ qua khu trường học. Hoàng hôn đã lụi tàn, trời đổ
tối. Hơi ẩm mịt mù khiến cho mặt đầm như rộng hơn và khu vườn thì dằng
dịt, rậm rạp hơn. Kiên mò một lối tắt qua vườn, ra nhanh con đường đá
dẫn về thị xã. Hồi gần trưa, anh và Phương chạy từ ga về đây, trên con
đường này, bây giờ một mình anh cắm cúi sải bước, chạy trốn. Khi về tới
na thị xã, bất chợt Kiên lại nghe thấy, không biết vọng từ hướng nào
đến, thiết tha yếu ớt tiếng Phương gọi. Có lẽ vẫn tiếng gọi lúc ban
chiều nhưng tiếng gọi đó không tắt mà cứ bay lang thang mãi trong thinh
không đã tràn đầy những hình bóng của đêm khuya. Ngay tối hôm đó, Kiên
trình diện ở tỉnh đội. Hôm sau cùng một toán lính thu dung, anh hành
quân vào Nông Cống - nhập trạm giao liên. Từ đấy, bặt tin Phương, cho
đến ngày gặp lại nhau sau chiến tranh. Song cũng không hoàn toàn như
vậy. . .
Lá thư đó, Kiên nhận được ở bên bờ sông Đắc Bờ Là khi anh
cùng trung đội trinh sát dang tận hưởng những ngày đầu tiên tương đối
yên của thời Hiệp định. Không phải thư từ miền Bắc mà từ sư 2 của mặt
trận khu 5.
"Mình là Kỳ, còn gọi là Kỳ "tổ ong", hiện nay là trợ lý trinh sát của ông Chân - Lá thư được mở đầu như thế - Hồi
sư hai uýnh thị xã Công Tum, cánh trinh sát trung đoàn các ông có sang
phối thuộc giúp chúng mình. Chuyện vừa trong năm nên ông hẳn nhớ, nhưng
bản thân mình thì ông chẳng nhớ được đâu. Cũng là dĩ nhiên thôi. Mình
thì thoáng gặp là nhận ra ông ngay, và mình cũng biết nếu nhắc lại thì
ông cũng hiểu ra tức khắc mình là ai. Nhưng mấy lần gặp ông trong chiến
dịch mình đều im, phần vì quá độ ác liệt, thất điên bát đảo như thế,
phần thấy ngần ngại. Chuyện qua đã lâu, sự đã rồi, kể lại không chừng
làm ông khổ tâm ảnh hưởng tới chiến đấu. Nhưng quan sát thấy ông đã từng
trải lắm, là hạng trinh sát lão làng rồi, tinh thần cứng cựa đủ đề
kháng với mọi sự, với lại giờ đây đã hòa bình có thể ôn chút chuyện cũ
được rồi chăng. Về đến đồng bằng mình quyết định biên thư lên cho ông
ngay. Thế này nhé, Kiên ạ, ông còn nhớ chứ cái trường cấp hai hư nát bỏ
phế gần thị xã Thanh Hóa...".
" Sau khi xảy ra xô xát - Thư viết tiếp - Cả
lũ chúng mình sững sờ. Hồi ấy, tuy đã là cán bộ nhưng bọn mình còn sữa
cả, đã biết ăn nói xử sự cho phải nhẽ đâu. Hối hận muốn chạy theo nói
lại và khuyên giải nhưng ông lại có súng, làm thế nào, chả nhẽ bắn
nhau?"
"Lát sau, hình như cũng không lâu lắm, chính cô
gái sang bên bọn mình hỏi xem có thấy ông đâu không. Lại giải thích
không ra đâu vào đâu với cô bé, bọn mình đã làm cô ấy cuống lên. Có dễ
đến nửa đêm hôm ấy cô bé vẫn tìm kiếm và gọi tên ông đến khản hơi. Mãi
rồi mình mới dỗ được cô ấy trở về lán, bởi vì rõ ràng là ông đã bỏ đi
rồi. Ông hành động như thế đúng hay sai thật khó định, nhưng lỗi của bọn
mình thì quả là nặng nề. Bởi vì trái với lời chúng mình khích bác ông,
cô gái của ông, ông Kiên ạ, chẳng những đẹp người mà tính nết lại rất dễ
thương và rất yêu ông... Bọn mình còn ở lại ngôi trường ấy thêm một
ngày, và cô gái cũng thế, cô chất lại đấy chờ ông. Bọn mình đề nghị được
giúp đỡ, được đưa cô ra Rừng Thông và hứa sẽ tìm giúp cô một xe quân sự
ra Hà Nội với những đồng hành đáng tin cậy nhất. Nhưng cô bé từ chối.
Cô bảo sẽ tiếp tục đi sâu vào trong. Mình hỏi rồi sau đó, cô bé đáp rằng
cũng còn tùy, mặc dù dĩ nhiên cô rất buồn. Bọn mình không nấn ná được,
tối hôm sau phải lên đường. CÔ gái thì vẫn ở lại ngôi trường hoang ấy.
Đấy, chuyện như thế. Chuyện ấy cứ canh cánh trong lòng mình. Vì vậy giữa
lửa đạn, bảy năm trời sau mình vẫn nhận ra ông. Và cũng do vậy mà mình
biên thư này gửi ông. Nếu trước thư này ông đã gặp cô ấy rồi thì thật
tốt, còn nếu như chưa gặp thì mong lá thư này có một tác dụng nào đó.
Chiến tranh qua rồi, hy vọng gặp lại người xưa chuyện cũ nhiều lên. Hãy
tìm cô ấy, Kiên ạ, nếu còn sống. Ở đời có những chuyện khi cần biết thì
ta không biết không hiểu, khi biết được, hiểu được thì đã chẳng còn để
làm gì nữa. Tuy thế biết được thì vẫn hơn là không...".
Lá
thư của người đồng đội ấy làm ấm lòng Kiên, đã an ủi và động viên anh
rất nhiều bằng niềm hy vọng kỳ lạ vào sự không thể nào mất được của cuộc
sống đã qua. Tất cả những gì đã mất đi đều vẫn còn lại đó. Càng từng
trải chiến tranh, càng chứng kiến nhiều hơn sức mạnh hủy diệt? Sức mạnh
biến tất cả thành tro bụi của nó, Kiên càng tin rằng chiến tranh không
tiêu diệt được cái gì hết. Tất cả vẫn còn lại đó, vẫn y nguyên. Cái xấu
xa đã đành, nhưng cái tốt đẹp cũng vẫn còn. Bản thân anh đã không thay
đổi cho dù rõ ràng đã trở nên hoàn toàn khác. Anh tin rằng Phương của
anh cũng vậy. Và nói chung, tất cả mọi người, tất cả những ai bị chiến
tranh làm cho biến đổi, họ vẫn mãi mãi là như họ trong quá khứ.
Bất
chấp chiến tranh kinh khủng, bất chấp bạo tàn và ô nhục, bất chấp sự
rơm rác của những định kiến và những giáo điều gò khuôn cuộc sống của
con người. Phương của anh vĩnh viễn trẻ trung, vĩnh viễn ở ngoài thời
gian, vĩnh viên bên ngoài mọi thời buổi. Vĩnh viễn nàng tuyệt đẹp, đẹp
không chung một nét với bất kỳ kiểu người đẹp nào mà đời từng được biết.
Nàng như là thảo nguyên vừa qua mùa mưa lướt vào mùa gió, cuồn cuộn
sóng cỏ xô bờ, rợp trời hoa cúc tơ hồng bay. Nàng xinh đẹp, mê dại và
bất kham, hấp dẫn đến lịm người bởi sắc đẹp kì ảo và khôn lường, đẹp một
cách đau lòng, đẹp như thể một sắc đẹp bị chấn thương, như thể một sắc
đẹp lâm nguy, mấp mé bên bờ vực. Rất nhiều năm về sau này, trong một đêm
chìm đắm vào những thất vọng khô cằn, Kiên mơ thấy đời mình hóa thân
thành một dòng sông trôi chảy trước mặt để đưa anh về vùng chết, thì
đúng giây phút cuối cùng sắp buông rơi mình, Kiên lại chợt nghe thấy
tiếng gọi của Phương từ buổi hoàng hôn cay đắng năm xưa cất lên kêu gọi
và lay thức anh. Tiếng gọi cuối cùng ấy của mối tình đầu cũng đồng thời
là vang âm đã nhập tâm về một cuộc đời hạnh phúc, một tương lai tươi
sáng mặc dù đã bị bỏ lỡ, đã bị buông rơi nhưng không hề mất đi, mãi mãi
còn đó, chờ đợi anh trên đường quá khứ. Trải ra vô tận trước mắt anh bốn
mươi năm đã qua của cuộc đời. Kỷ niệm, vô vàn kỷ niệm vẫy gọi và thôi
thúc anh tiến bước trên đường. Dĩ vãng không điểm tận cùng và dĩ vãng là
vĩnh viễn thủy chung, với tình bạn, tình anh em, tình đồng chí, và nói
chung, bất diệt những tình người.
Mãi mãi anh bị cuốn hút về những
đốm lửa trong không gian trải đến cuối chân trời quá khứ, những đốm lửa
chiến tranh đầu tiên trong đời, vệt sáng của cuộc phiêu lưu đầu tiên và
cũng là tia sáng của tình yêu rọi lên từ đáy xa sâu thẳm thời thơ ấu...
|