Nỗi buồn chiến tranh - Chương 13

 

Phương bật cười và bất chợt cô nghiêng mình ôm lấy cổ Kiên vít
đầu anh xuống áp vào ngực. Vuốt tóc anh, cô bé mười bảy tuổi thì thầm,
giọng mềm mại ấm áp:

- Chẳng còn đêm nào như đêm nay nữa đâu. Anh
muốn hiến đời mình cho sự nghiệp gì đó, còn em thì quyết định sẽ phung
phí đời mình, sẽ hủy diệt nó trong cuộc loạn ly này. Xem thử sau này em
và anh có gặp lại nhau ở một điểm không? Năm nay hai đứa cùng mười bảy
tuổi liệu sẽ gặp nhau, sống hoặc chết ở tuổi nào và còn yêu, còn nhớ
nhau không? Cô nâng mặt Kiên lên, hôn phớt đôi mắt, đôi môi rồi lại áp
mặt anh đã rực nóng vào ngực.

- Em yêu anh! Như yêu cha anh. Như
em là chị là mẹ của anh. Như em vẫn yêu anh từ xưa đến giờ. Từ nay, từ
tối nay, em là vợ anh. Em sẽ đi cùng với anh. Em sẽ đưa anh tới cửa
chiến tranh, xem nó ra sao. Cho tới khi buộc phải chia lìa không cưỡng
được thì thôi. Nhưng khi đó hẵng hay. Còn tối nay chúng mình bên nhau để
bắt đầu đi vào cuộc chiến tranh oai hùng của anh. Cho nên đừng cần cái
gì khác ngoài em, đừng sợ cái gì hết. Và nhất là đừng có sợ thay cho em.
Hãy nhớ là từ nay tới lúc đó, em là vợ của anh. Đừng sợ, Phương của anh
không điên, chưa điên.

Kiên run rẩy. Đêm hè mát rượi, mà trán và
lưng anh ướt mồ hôi. Tràn ngập nỗi sợ hãi và lòng thương mến, anh xiết
chặt eo Phương. Anh cảm thấy yếu đuối, mờ mịt. Tình yêu. Sự tôn thờ quy
phục. Anh không sợ. Nhưng anh không thể. Anh không dám.

Phương khẽ
nằm xuống kéo Kiên ngả xuống theo. Cỏ mát rượi, hơi sương, nhưng nền
đất vẫn còn đọng hơi ấm buổi chiều. Kiên gối đầu lên tay Phương, áp chặt
vào mình cô. Như một cậu bé. Đúng là Phương không điên mà cô như là một
người chị, một người mẹ trẻ, cô lùa tay vào tóc anh vuốt nhè nhẹ và thì
thầm kể chuyện về người cha của anh. Mái tóc hồi đó Phương để rất dài,
xỏa rộng phủ lên mình Kiên, ấm và thơm lạ lùng. Hé mắt nhìn qua làn tóc,
Kiên nhận thấy trăng hạ tuần đã lộ. Vừng trăng mỏng và cong hiện ra rất
nhanh ở rìa một khối mây đùn cao trên đỉnh hồ. Rồi lập tức bị che
khuất. Anh nhìn thấy ánh lửa đập dờn như lửa ma trơi trên sân thượng.
Cha và Phương. Những bức tranh màu lá úa và màu vàng như rơm. Những linh
hồn được phóng thích ra khỏi mặt vải. Giọng Phương đều đều, ngái ngủ
hệt như giọng một người mẹ kể chuyện cổ tích trong màn. Kiên không nhận
thấy là mình đã bật mở hết cúc áo của Phương cho tới khi hai bầu vú
trắng phau bật ra. Vành trăng lướt thoáng một dải sáng lên mặt hồ và bãi
cỏ. Phương nằm yên, không trở mình, có lẽ đã ngủ say. Kiên không nhận
thấy là miệng mình đã ngậm chặt lấy đầu vú của Phương còn thành thạo hơn
một chú bé con. Anh mút nhè nhẹ thoạt tiên là như thế, như thuở mới ra
đời người ta bú. Nhưng rồi kế đó là một nỗi khát khao kỳ quái thôi thúc,
anh dùng cả sức mạnh của hai bàn tay, cho đến lúc cảm nhận trong miệng
cái vị ươn ướt ngòn ngọt thoáng cả nỗi đau đớn mơ hồ như thể vị ngọt từ
giấc mơ của Phương thấm truyền sang...

Sáng hôm sau là buổi học
cuối cùng. Khối lớp mười nghỉ ôn thi. Còn Kiên nhận được giấy trưng binh
khẩn cấp, lên đường vào đầu tháng năm. Cái đêm xa xăm ấy còn sống mãi.
Chỉ cần giúp sức một chút cho trí tưởng tượng là có thể thấy ngay lại
trong lòng cheo leo một vừng trăng neo ở rìa mây và một mặt hồ đêm tối
như cái hố mênh mông đen ngòm.

Và nhiều đêm trong giấc ngủ, giữa
những cái chết, giữa những đoạn ký ức đầy tai họa và đau khổ, anh thường
mơ thấy và cảm thấy lại vị ngọt của giọt sữa trinh nữ đã cho anh sinh
lực để trở thành người mạnh nhất, nhiều hồng phúc nhất trong chiến tranh
- Trở thành kẻ sống sót.

Nhưng chính trong những năm chiến tranh,
những năm ở biệt trong Tây Nguyên, Kiên ít nghĩ ngợi, ít nhớ nhung tới
Phương như bây giờ. Cơ chế tự bảo vệ rất mạnh của tuổi trẻ đời lính giữ
cho người ta tránh được những giằng xé triền miên của hồi ức. Đã ngủ là
ngủ, đã nghĩ là nghĩ đến hiện tình, đến cái trước mắt, cái đang chờ ta
ngay sau khúc ngoặt ở cửa rừng, ở bên kia đèo, sau triền đồi... Khi hồi
ức nổi cộm lên và trở nên dai dẳng, không rũ bỏ được có nghĩa là ta đã
suy sụp, cảm thấy hết sức chịu đựng, cảm thấy tuyệt vọng vô phương,
thường là khi bị thương, hoặc rơi vào hoàn cảnh bệnh hoạn đói khổ triền
miên hoặc là một tình thế bi thảm tương tự nào đó.

Kiên nhớ rằng
trong suốt mười năm đời lính B3 chỉ có đôi ba lần nỗi nhớ Phương thật sự
hóa thành ám ảnh. Hình như lần đầu tiên là trên dọc đường hành quân qua
Lào, lần đầu bị thần trùng sốt rét vật. Rồi một lần khác năm 69 bị
thương, nằm ở Điều trị 8, vết thương bốc mùi thối hoắc, cảm giác chờ
chết, và sự chập chờn nửa thực nửa hư gương mặt của cô y tá bị câm có
những nét giống Phương. Sự nhớ nhung khi bùng lên thì thường là vô độ
song cũng nặng trĩu những cố gắng kìm nén và tự ức chế. Nó giống như một
cơn sốt. Như là hồi trung đội trinh sát "Nông trường 3" nằm khàn ở
thung lũng Gọi Hồn đánh bài tiến lên và thưởng thức hồng ma, khi phát
hiện ra cuộc tình bi thảm đầy sàm báng và tuyệt vọng của đồng đội với ba
cô gái bị bỏ quên giữa rừng sâu bên kia núi, Kiên đêm nào cũng mơ thấy
Phương. Vì nhớ Phương, nhớ đến tình yêu của mình mà Kiên đã không ngăn
cấm những mối hoang tình ấy, đồng thời tự cản mình lại để không nhập
cuộc. Hằng đêm, khi cánh trinh sát giấu anh rời khỏi lán, bí mật băng
rừng xuyên núi để đến với người tình, Kiên như thể dõi theo như thể tham
gia vào hạnh phúc bất hạnh của họ bằng những giấc mộng yêu đương mờ ảo
bóng hình Phương, thấm thía ân ái nhưng nhói buốt lên những tiên cảm đau
đớn báo trước tai họa. Khi bắt sống được những thám báo đã giết hại ba
cô gái của trại tăng gia, Kiên quyết định cho chúng nhận cái chết theo
kiểu chết tận mắt, chết tận tay, chết nhìn thấy đáy huyệt. Vậy mà tới
giây chót, móc tay vào vòng cò rồi, lên súng rồi, anh lại tha tử hình
chúng. Chẳng phải vì những lời van xin, chẳng vì nỗi hoang mang của đồng
đội, mà bởi tự nhiên lúc đó anh chợt nhớ tới Phương... "Anh sẽ giết
nhiều người chứ?" "Sẽ trở thành người hùng chứ?"... Hoàn toàn khó tin
hoàn toàn không đúng lúc, không ăn nhập gì với cảnh huống lúc ấy, thế mà
anh lại nghĩ đến nàng, nhớ lại lời nàng, và thế là thôi, anh đã để cho
lũ người đó được sống.

Nhưng tuyệt nhiên chẳng phải là lượng khoan
hồng nào cả. Sự thể vô lý đến nỗi Kiên không dám kể, không dám thú thực
với ai, về sau này với Phương anh lại càng không muốn nhắc tới chuyện
đó. Nhưng, lần anh bị thương nằm ở Điều trị 8, thì Phương đến với anh
không phải trong mơ, trong nhớ nhung suy tưởng mà thực sự là bằng xương
bằng thịt. Dĩ nhiên là rơi vào tình cảnh rất khốn đốn, nên mới có sự lú
lẫn đến cao độ như vậy. Ấy là vào đầu mùa mưa năm 69: tiểu đoàn 27 của
anh bị bao vây và bị tiêu diệt ở truông Gọi Hồn. Kiên bò gần một ngày
đêm trong rừng, lết trên bùn, người thủng lỗ chỗ, trần truồng. Những
đồng đội thoát khỏi cuộc tàn sát đã gặp anh ở góc rừng, họ khiêng anh
cùng rút về hướng mặt trời sẽ lặn. Anh tỉnh dậy ở Điều trị 8, tỉnh dậy
vì đau đớn, vì cảm giác tuyệt vọng thống khổ.

Điều trị 8 là một
đội quân y tiều tụy, tả tơi đã bị băm nát ra sau nhiều tháng trời không
ngừng rút lui, không ngừng bị vây hãm, bị dội bom, nã pháo; bác sĩ, y tá
thương binh lê lết khiêng cõng nhau về ẩn tạm trong một rừng lồ ô tăm
tối gần sát đất Miên. Thực ra cảnh tượng và tình cảm chung của đội điều
trị thế nào Kiên chẳng hay biết, bởi vì suốt gần hai tháng trời trước
khi được đưa lên chữa chạy ở Viện 211 anh bị nằm chôn trong một cái hầm
mái bằng tối mờ mờ, ướt át ri rỉ nước. Từ mạng sườn, từ bả vai, từ một
vết thương rất tởm giữa hai đùi mùi thịt thối nhức óc ở người Kiên xông
lên làm cho ngay cả muỗi cũng dạt bớt ra khỏi hầm. Kiên triền miên hôn
mê, chỉ thỉnh thoảng mới tỉnh ra được một chút như để biết chắc hơn là
mình sắp chết, như để lấy thêm chút sức lực mà tiếp tục mê man. Những
lúc tỉnh dậy mở được mắt ra như thế, bao giờ anh cũng mờ mờ thấy Phương
đang ở trong hầm với mình. Anh thều thào gọi tên nàng nhưng Phương không
đáp, chỉ mỉm cười và cúi sát xuống đặt môi lên trán anh nhờn nhụa mồ
hôi. Không hề nghĩ gì cả, không băn khoăn tự hỏi, Kiên cảm nhận sự hiển
diện của Phương như là một hạnh phúc tất nhiên và hầu như bình thản,
cùng với tiếng mưa rơi, tiếng rừng rền rĩ, tiếng đạn đại bác dội truyền
trong lòng đất. Gầy yếu võ vàng, da bọc xương, nàng vuốt ve anh với đôi
bàn tay đã trở nên thô thám. Và mặc dù trong hầm mờ tối và mặc dù uế khí
quánh đặc anh vẫn nom thấy ánh nâu trong mắt nàng. Phương? Anh thều
thào, vật vã, đầu ngoẹo sang một bên, răng nghiến lại, hơi thở như cào
trong phổi. Cô gái nhẹ nhàng thay băng, lau rửa vết thương, dùng panh
gắp hết những con giòi ở những khoanh thịt đã rữa trên người anh, quấn
anh vào một cái chăn rách bươm và buông màn xuống. Mặt Kiên rúm ró hơi
giãn ra, tuồng như anh cố mỉm cười với cô trước khi lại lịm đi...

Một
thời gian sau Kiên tỉnh lại nhiều hơn và lâu hơn trong gian nhà lán
sáng sủa, khô ráo của Viện 211. Chỉ có điều không thấy Phương đến với
anh nữa. Khi anh hồi phục, được chuyển về lán thu dung để chờ xuất viện,
Kiên hỏi dò tin tức Phương ở đám thương binh đã có nằm ở Điều trị 8,
nhưng không ai biết ở đó có nữ y tá nào tên Phương, người Hà Nội.

-
Cậu lẫn đấy, - Một chiến thương cụt cả hai chân bảo Kiên - Tớ với cậu
cùng ở đó một thời gian với nhau nhưng tớ không bị mê man như cậu nên tớ
biết. Ngoài bác sĩ chủ nhiệm và ba y tá nam, ở đội chỉ có một y tá nữ
thôi. Cậu lẫn với cô ta đấy. Nhưng cô bé không cải chính được, cô bị câm
mà. Hình như quê ở Đà Nẵng. Bị dập thương nên câm. Phải rồi một cô gái
mảnh dẻ, xinh xắn hiền thảo. Phải rồi: mắt nâu? cậu mê lú mà vẫn nhìn
ra, giỏi thật. Nhưng cơ mà... cô bé chắc hy sinh rồi. Thế cậu không biết
à? Đợt thương binh nặng gồm cả tớ với cậu vừa được tải thương chuyển đi
được chừng một hai giờ đồng hồ thì khu vực ấy bị B52 chần. Nghe nói bị
xóa sổ hoàn toàn. Bởi vì sau khi đổ bom chúng nó tổ chức càn luôn.

- Tên cô y tá ấy anh có biết không?

-
Hình như là Liên. Liên hay Liễu gì đấy. Có khi nào gọi tên đâu. Chỉ
đồng chí ơi mấy lại em ơi thôi. Tội nghiệp? Một cô gái xinh như thế mà
lại bị câm.

Chuyện đấy Kiên cũng không kể với Phương. Nói chung cả
hai đều tránh hàn huyên về mười năm chiến tranh của nhau. Tuy nhiên
nhiều khi trông thấy Phương tự dưng anh lại thấy trước mắt hiện ra những
kỷ niệm thời chiến của bản thân anh. Những nỗi đau. Các trận đánh.
Những hành động tử tế hay tồi tệ của mình trong thời tuổi trẻ quân ngũ.
Những sự kiện, những hình ảnh chẳng liên quan gì tới Phương thế mà nhờ
nàng mà anh liên tưởng đến. Và thậm chí nếu có đôi lúc bất chợt anh biết
là mình vừa nhìn thấy, nghe thấy một dư âm hay là một vang bóng rất rõ
ràng của quá khứ mà lại không thể nào hiểu nổi, không tài nào nhớ ra thì
điều đó nhất định là giọng nói, tiếng cười của Phương, là tiếng hát,
gương mặt, khóe nhìn của nàng, là cái cách nàng đưa tay lên sửa tóc, là
cái điệu nàng quay đầu khi nhìn lại, là dáng đi mềm mại đung đưa toàn
thân của nàng.

Năm nay đã tứ tuần rồi, thế đấy, vậy mà ngọn lửa
của tình yêu, của niềm đam mê không mực thước từ những ngày xa xưa vẫn
rờn rợn cháy trong lòng anh. Mộng ảo vẫn không ngừng đơm hoa tỏa hương
hy vọng và tỏa hương lú lẫn, tung bay những hạt phấn hoang đường. Phương
thì đã quyết tuyệt tình. Sau lần gặp gỡ sau cùng với Kiên vào buổi tối
đầu mùa đông vừa rồi, nàng bỏ ra đi, không kịp tắt hết đèn trong phòng.

Mấy
hôm ấy, tự nhiên Phương quyết định chấm dứt những ngày vui triền miên
kéo dài suốt mùa thu. Bầu không khí âm ỉ hội hè như thể bị gió lạnh đầu
mùa cuốn vơ đi hết. Căn phòng của nàng mới đó còn tràn hoan lạc giờ im
lìm trống vắng. Khách khứa bao lâu dập dìu, lặng biến đi cả như bị phù
phép. Kiên không ngạc nhiên. Hầu như năm nào chả thế, đang tung trời
chơi và phá, nàng lại thình lình như thể định đi tu. Nói chung không có
gì đáng để vui, để hả lòng, trái lại những khi nàng lâm vào tình cảnh
như thế, anh cảm thấy tâm trạng mình nặng nề hơn cả khi tối tối phải
chịu đựng những gã bạn tình của nàng làm ầm ĩ bên đủ thứ chuyện bên
phòng nàng. Lạy Chúa, cuộc đời thị dân xám xịt, chán ngắt sao mà cạn đến
thế niềm vui. Lạc thú nhớp nhơ, tả tơi, như giẻ rách và nghèo nàn không
khác gì bát cơm manh áo. Và cái cảnh buổi tối mùa đông mưa, cảnh những
người đàn ông rầu rĩ đứng trước cánh cửa nàng đóng chặt, cài chốt bên
trong, gõ mãi, gõ mãi thi gan rồi lủi thủi lui, sa sầm buồn bã, còn nàng
thì một mình một bóng tự giam giữa bốn bức tường, tuyệt vọng, chán
chường, ê chề sầu thảm, làm anh thắt cả ruột. Rồi anh sực nhớ hôm nay là
sinh nhật của nàng. Và cũng nhớ là đã lâu anh không sang thăm nàng,
không gặp gỡ, không trò chuyện gì, gần như là ơ hờ, lãnh đạm, mặc nàng
với những thú vui mà anh biết là nàng chán ngấy.

Kiên đi ra phố và
trở về với một bó hoa hồng trên tay. Dự định là sẽ rủ nàng đi ăn tiệm,
anh mừng vì thấy phố mình bị cúp điện. Như thế Phương càng không muốn ru
rú trong nhà. Anh gõ cửa theo mật hiệu dành riêng cho anh để nàng biết
mà mở. Song cũng phải chờ kha khá mới nghe chìa khóa xoay trong ổ. Cửa
mở hé ra. Mùi thuốc lá mùi nước hoa, và mùi cô nhắc. Anh bước vào. Tù mù
trên bàn một ngọn đèn dầu. Hóa ra là Phương đang có khách. Một ông
không còn trẻ. "Chào bác" - Kiên chào, bắt tay ông ta. Một bàn tay rất
thanh như là được chau chuốt, da mỏng và khô, ấm ran, ngón dài, rất
mảnh, hết sức tao nhã như là bàn tay của ai khác chứ không phải là của
ông này, một người vô danh, dáng dấp tầm thường, khuôn mặt héo, đầy vết
nhăn, cặp mắt nhỏ nheo nheo đùng đục, môi nhẽo, tóc hoa râm, râu cằm
nham nhở, vẻ nhu nhược và ủ dột. Có vẻ hơi mếch lòng, ông ta ừ hữ trong
họng, khẽ nghiêng đầu và như vội vàng rụt tay về.

- Xin cảm ơn
anh, anh Kiên? - Phương nhận bó hoa, nghiêng mình và đáp từ - Thế mà em
lại quên mất ngày của mình. Chỉ có anh, bao giờ cũng tốt với em. À xin
giới thiệu: Anh Phú - Họa sĩ. Và: Anh Kiên.

Kiên đứng. Im lặng.
Phương đã ngồi xuống, lút sâu trong ghế bành, hơi khuất ra khỏi vòng
sáng dập dờn yếu ớt của ngọn đèn. Cây đàn ghi ta của nàng để trên mặt
bàn.

- À, anh Kiên này. Tiếc là em không theo chương trình của mọi
lần sinh nhật trước được. Thực tình thì em cũng chẳng nghĩ tới cái ngày
hôm nay nữa. Thứ lỗi cho em nhé! Anh Kiên?

- Sao lại thế Em - ông khách cất tiếng, giọng ngực rất trầm : Nếu đã thành lệ, nếu đã hẹn hò rồi thì chẳng

- Không, không mà anh. Anh đừng bận tâm, anh Phú !

Kiên
nhìn nhưng không gặp được mắt Phương. Anh gật đầu một cái chào cả hai
rồi quay ra, khép cửa lại sau lưng. Về phòng, lụi cụi anh thắp đèn lên.

-
Thế nào? - Anh thầm hỏi, băng qua với chính mình, và nhìn chồng bản
thảo. Chữ nghĩa nhảy nhót. Cổ anh nghèn nghẹn. Buồn thật, lại cái cảm
giác ủy mị quen thuộc ấy Sự bất lực nhức nhối. Nỗi buồn tiều tụy mà thấu
xương. Tuy vậy biết làm thế nào. Có ai lảng tránh được chính mình. Đứng
bên bàn, anh tướt mắt nhìn ra đêm mưa ở cửa sổ. Những hạt mưa như ngậm
chì, rơi xiêu xiêu tả tơi lấm chấm lấm chấm đậu xuống, chảy trượt đi run
rẩy vẽ mãi, vẽ mãi những bức vẽ trong suốt lên mặt kính lạnh ngắt. Lật
đật, Kiên róc rượu tràn ly, hấp tấp uống cạn. Anh ngồi xuống ghế, gạt
chồng bản thảo sang bên và đưa hai bàn tay ôm đầu.

Chợt sau lưng, cửa buồng kẹt mở. Phương. Nàng bước vào rất nhẹ. Tới bên anh.

- Kiên? - Nàng thì thào, đứng sát vào anh và nhè nhẹ vuốt tóc anh.

- Tội nghiệp anh - Phương nói, cúi xuống hôn một cái hôn mát rượi lên trán anh.

- Đừng buồn? - Kiên ngửng lên và nói ngớ ngẩn một câu vớ vẩn nhất đời - Chúng mình không nên buồn nên vui.

-
Anh, em phải sang gặp anh. Anh không biết được tất cả mọi điều đâu.
Những điều mà một người đàn bà như em phải trải qua. Em đang phải trả
giá cho những việc em đã làm. Em đã hư hỏng. Đôi khi em thấy mình như
con vật.

- Nhưng. . .

- Nhưng em không kìm lại được. Em
không cầm lòng lại được trước một cái gì hết. Em tự kết liễu đời mình,
có phải không? Kết liễu trong lạc thú và trong sự độc ác đối với anh.

-
Có dịp thì ai cũng độc ác được hết. Nhưng anh nghĩ là chúng mình không
bao giờ như thế với nhau. Còn cuộc đời đời anh cũng thế, hết rồi. Nhưng
cuộc sống thì vẫn còn, vẫn phải sống. Cũng như em. Và Phương ạ! - Anh
sôi nổi kêu lên, cầm lấy tay nàng:

- Tại sao chúng mình không gạt bỏ hết đi để sống. Sống bên nhau. Chỉ sống bên nhau, chỉ thế thôi!

- Thôi. Anh đừng nói như thế. Làm sao anh chịu nổi cơ chứ?

- Chịu nổi. Anh khác nhiều rồi, em cũng biết đấy.

-
Ôi Kiên! Lý ra thì mình đã có cuộc đời hạnh phúc bên nhau. Nhưng nông
nỗi vì đâu mà thế này, em cũng chẳng biết nữa. Em không thể sống với anh
như thế được. Chúng mình nên xa nhau, anh hiểu cho em. - Không thể làm
gì được nữa hay sao?

- Không. Chỉ có cách xa nhau. Mãi mãi là cách duy nhất. Mà anh đừng nhìn em như thế.

Kiên nhìn xuống. .

- Em gặp anh ấy tình cờ thôi, một tuần trước. Dĩ nhiên không phải chỉ vì thế mà em quyết định. Bởi cũng chưa thể quyết định gì.

- Thế vì gì? - Giọng Kiên như sẵng lên.

- Vì đấy là cách mà em có thể xa anh. Vì không thể thế này được.

-
Chúng mình đâu có gần nhau. Em ở phòng em với công việc và sinh hoạt
của em. Anh có là gì đâu. Đấy không phải là lý do để em chạy theo một
ông bố già! Nếu cần đi thì anh sẽ đi. Chứ em đừng điên như thế. Tất
nhiên trừ phi em yêu ông ta.

- Già ư? Anh nghĩ xem em bao nhiêu tuổi, mười bảy như hồi đó chăng?

- Bao giờ em đi? - Kiên nói như muốn gạt lời Phương định nói.

- Tối nay. Lát nữa? Và em muốn nói: chúng mình sẽ không gặp lại nhau nữa đâu?

- Thật là đơn giản, dễ chịu. Như gập một cuốn sách lại. Một cuốn sách tồi. Phải không?

- Ôi xin đừng nói thế. Xin đừng thế! Ôi em khổ sở quá Kiên ơi!

Họ cùng đứng dậy. Kiên bất ngờ ôm lấy Phương. Người nàng run lên. Họ hôn nhau hồi lâu. Phương đẩy anh ra. Họ lại hôn nhau.

- Thôi. Đừng! - Phương rên lên.

Nàng bước đến cửa. Kiên lặng lẽ theo sau. Chợt Phương xoay người lại, áp lưng vào cửa, nhìn thẳng vào Kiên nói:

-
Kiên ơi! Rồi đây em sẽ sống ra sao, xử sự thế nào cũng không tự biết
được. Nhưng chắc rằng sẽ khó lòng gặp lại nhau nữa, anh ạ... Hãy tha thứ
cho em.

- Em yêu phải không?

- Kiên ơi! Em... em không yêu ai ngoài anh cả... còn anh, anh còn yêu, còn yêu nổi em không?

-
Còn! - Kiên đáp. Còn và mãi mãi còn. Đời anh chỉ có hai tình yêu thôi.
Một là mối tình của anh và Phương hồi trước chiến tranh. Và sau chiến
tranh là mối tình khác, cũng giữa anh với nàng. Nửa đêm Phương ra đi
cùng ông ta. Kiên vẫn đang đứng bên cửa sổ. Anh nghe rõ tiếng chân hai
người. Tiếng khóa cửa lạch xạch. Tiếng dịch chuyển va-li. Rồi Phương tới
trước cửa phòng anh. Hình như đút một cái gì qua khe cửa. Sau cùng anh
nghe thấy giọng nói nho nhỏ của Phương vang lên vẻn vẹn:

- Ta đi đi, anh?


họ đi. Đôi giày cao gót của Phương gõ khe khẽ. Chân người đàn ông hơi
kéo lết, đế giày mài trên hành lang. Cầu thang nghiến răng ken két.
Trong chiếc phong bì nằm dưới khe cửa, có lá thư với những dòng ngắn, vô
cảm như một bức điện: "Kiên ơi. Em đi. Vĩnh biệt. Và điều đó tốt cho
anh. Tốt cho em. Chỉ xin anh một điều là hãy quên. Còn không xin gì nữa
cả. Chút thành công."

Kiên bước ra ngoài hành lang. Anh xốc cổ áo lên bước xuống cầu thang và đi ra phố. Còn và mãi mãi còn. Anh nghĩ.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3