Nỗi buồn chiến tranh - Chương 05

 

Những bãi cỏ ven đường đã ngập nắng. Bóng Kiên ngả dài. Anh bước
đi, đẩu cúi xuống. Bầu trời mùa hạ cao xanh, buồn bã. Khi anh ngoảnh
lại, Lan còn đứng đó trông theo. Nhưng một lần nữa, anh ngoái nhìn, bóng
Lan đã khuất sau đồi. Mấy năm sau, một chiều nọ, cũng đang hè, trên
đường từ biên giới trở về Hà Nội, chiếc com măng ca chở Kiên và nhóm
phóng viên trong tòa soạn chạy chéo qua ngả Bắc Giang, miền bán sơn địa
nhấp nhô đồi gò, khe lũng và những vạt rừng thưa. Trong xe dần dần chỉ
còn Kiên thức cùng người lái. Gió lướt dài mát rượi. Hai bên đường từ
các khe ngòi um tùm hơi đất mềm mại lan ra, toàn bộ không gian đất trời
tĩnh lặng một khối lam chiều hoang vắng. Trong lòng Kiên chợt thấy nao
lên một nỗi buồn đơn giản, xót xa choáng ngợp. Phải, chính là ở đây.
"Vẫn còn một nơi, vẫn còn một người!! - Lời ước hẹn buồn bã và vô vọng
ngày nào vẳng lên gợi cho anh nhớ rằng cuộc đời mình thế là đã hết rồi,
đã hết cả chút dư âm cuối cùng. Bao nhiêu quãng đời yêu dấu với bao
người thân yêu nay đều đã biệt tăm tích mà anh chẳng hề lưu giữ được gì,
đã để phí hoài tất cả. Có thể nói rằng trong nhiều năm qua anh đã sống
mà chẳng hề ngoái nhìn lại. Không có dịp và cũng chẳng có nhu cầu, ngày
tháng công việc cứ xô trào lên che lấp hết. Giờ thì đã muộn mất rồi. Anh
nhắm mắt lại và một cảm giác nghén nghẹn lìm lịm lặng lẽ dìm tim anh
xuống. Tuy nhiên không phải là niềm tuyệt vọng. . .

Chiều hôm ấy,
thật kỳ lạ, kỷ niệm về Đồi Mơ, về mối tình đầu vô danh đêm ven đồi năm
nào trỗi dậy trên đường xa đã đồng thời làm tỉnh lại trong anh ý thức về
một thiên mệnh đầy thôi thúc. Thôi thúc một cách tha thiết và u buồn.
Đời anh rộng mở: hãy đi và hãy sống...

Đấy, cần phải viết về chiến
tranh trong niềm thôi thúc ấy, viết sao cho xao xuyến nổi lòng dạ, xúc
động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi buồn, sao
cho có thể truyền được vào cuộc sững đương thời luồng điện của những cảm
xúc chỉ có thể diễn đạt bằng quá khứ của quá khứ, Kiên nghĩ. Mặc dù cố
nhiên chiến tranh không hề là như vậy. Chiến tranh...

Nhưng vì sao
anh lại chọn đề tài chiến tranh và vì sao nhất thiết phải là đề tài ấy?
Trong chiến tranh, cuộc sống của anh, của bao người khác thật kinh
khủng, thậm chí khó có thể bảo đấy là cuộc sống nói gì đến sự tìm kiếm
những sắc thái nghệ thuật trong cuộc sống đó. Và chính anh chứ chẳng
phải ai khác cho đến tận ngày hôm nay vẫn không tài nào bước vào rạp
chiếu bóng để xem những bộ phim trong đó người ta nhè đầu nhau mà khạc
đạn. Không những thế văn chương về chiến tranh, tất nhiên là văn chương
của người khác, anh hết sức tránh đọc. Thú thật là anh cực kỳ khiếp hãi
những thiên truyện ấy. Thế nhưng bản thân anh thì lại thế, một mực sống
chết viết mãi không chán những súng nổ bom rơi, những mùa khô mùa mưa,
rồi quân địch, quân ta. Anh không thể viết khác, mai sau ví dụ có viết
khác đi thì cũng là bởi vì thâm tâm luôn muốn viết về chiến tranh sao
cho khác trước. Đôi khi cũng toan một hướng mới nào đó nhưng ngòi bút
lại chẳng tuân theo. Như là khi bắt đẩu cuốn tiểu thuyết đầu tay này
Kiên đã dự định một cốt chuyện hậu chiến và vì thế chương thứ nhất anh
viết về những người đi thu hài cốt tử sĩ, những người lính sắp giải ngũ
để trở về với đời thường. Song một cách không thể cưỡng lại, các trang
bản thảo dựng dậy hết cái chết này qua cái chết khác, dần dần đi sâu mãi
vào những cánh rừng nguyên thủy của chiến tranh, lặng lẽ nhóm lên mãi
cái lò lửa tàn khốc ấy của ký ức. Vậy mà thực ra anh có thể viết bao
nhiêu chuyện có lẽ chẳng dính dấp gì tới trận mạc, bởi vì cũng như mọi
người ngày nay anh nhìn cuộc đời đâu phải chỉ từ mặt cửa duy nhất nào
đó.

Chẳng hạn về thời thơ ấu, thời thơ ấu vô cùng hạnh phúc và vô
cùng buồn đau trước chiến tranh còn rất nhiều kỷ niệm chưa phai nhòa,
anh nghĩ là mình hoàn toàn có thể viết với niềm tuyệt hứng "... Tôi sinh
ra và lớn lên... cha tôi mẹ tôi lúc sinh thời...'!, đại khái thế. Mà
tại sao không viết về cuộc đời của cha và cả về thế hệ của Người nữa,
một thế hệ vĩ đại và bi thảm, đầy những hoài bão và đầy những không
tưởng, mang nặng những phẩm chất và những tình cảm cao quý mà ngày nay
đã bị thế hệ của anh làm cho vĩnh viễn mai một. Cứ mỗi lần nghĩ lại tuổi
thơ, nhớ đến cha bao giờ Kiên cũng cảm thấy ân hận, dường như anh đã
yêu thương, tôn kính cha chưa đủ mức một người con, anh đã biết quá ít,
hầu như không biết gì cả những năm tháng cuộc đời cha. Anh đã chẳng nhớ
gì mấy nữa về tấn bi kịch gia đình, không biết vì sao cha mẹ lại chia
tay, không biết rằng cha mẹ đã đau khổ như thế nào. Về mẹ thì anh càng
ít hơn... Và lạ lùng là anh lại rất nhớ người chồng sau của mẹ, một nhà
thơ tiền chiến đã ẩn danh và đã về già Kiên đã một lần và chỉ một lần
duy nhất đến thăm ông ở ngôi nhà nhỏ gần Chém có cửa sổ nhìn ra đê sông
Hồng. Mùa đông ấy anh vừa mười bảy tuổi, cha thì mới qua đời, còn mẹ thì
mất từ mấy năm trước đấy hơn năm năm rồi. Trước ngày nhập ngũ, Kiên đến
để từ biệt dượng. ấn tượng thật khó quên. Ngôi nhà xám xịt, cũ kỹ.
Những ngọn gió lạnh lẽo vô định làm nghiêng ngả ngọn phi lao nhô lên sau
mái nhà nằm lọt giữa khu vườn thê lương trơ trụi chiều đông. Cảnh sinh
hoạt trong nhà nghèo nàn lộ liễu. Bàn thờ bụi bặm, tấm hình mẹ lồng
trong khung kính rạn nứt. Chiếc giường ọp ẹp. Bàn làm việc bừa bộn sách
vở, ly chén. Cuộc sống độc thân rời rã, đắp đổi qua ngày của dượng làm
anh mủi lòng. Nhưng bản thân dượng cố giữ một phong độ trái ngược với
tình cảnh. Tóc bạc trắng, lưng hơi còng, rõ ràng là đang rộc đi vì một
chứng bệnh nào đó, tay run run, mắt mờ, trang phục tàn cũ nhưng không
luộm thuộm và ông cư xử với anh một cách thân mật, hào hứng mà lịch
thiệp. ông pha trà ngon mời anh, dưa thuốc cho anh hút, nhìn anh với vẻ
buồn buồn, và nói với anh bằng giọng hết sức dịu dàng:

- Thế có
nghĩa là con sẽ ra đi đánh trận? Không phải là ta muốn cản con đâu, ta
đã già mà con thì còn trẻ, ngăn chí con làm sao nổi, chỉ muốn con thật
thấu hiểu lòng mình. Nghĩa vụ của một con người trước Trời Đất là sống
chứ không phải là hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn
chứ không phải là chối bỏ... Không phải là ta khuyên con trọng mạng sống
hơn cả nhưng mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con
người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy. Với lại, con ạ, mẹ con,
cha con và cả ta nữa chỉ có mình con ở lại trên đời nên ta mong con hãy
sống và hãy trở về. Cuộc đời còn rất dài với bao nhiêu hạnh phúc và lạc
thú phải hưởng của con kia có ai sống hộ cho con được bây giờ?

Ngạc
nhiên và không đồng tình nhưng Kiên cảm thấy tin cậy những lời lẽ của
dượng. Anh tự thấy gần gũi với suy nghĩ của ông mặc dù không hoàn toàn
hiểu. Anh cảm nhận ở ông một trí tuệ sâu sắc, đa dạng với một tâm hồn
lãng mạn và nhiệt thành theo lối tình cảm chủ nghĩa thời xưa, mơ mộng
ngọt ngào, giàu nhạy cảm nhưng dường như rất ngây thơ, thiếu thiết thực
và vô bổ, thậm chí lầm lạc. Và bất chợt anh hiểu được rằng vì sao mẹ đã
từ bỏ cha con anh để đến với người đàn ông tâm tình yếu đuối này. Suốt
chiều anh ngồi bên ông trong căn phòng mà trước đây mẹ đã từng sống và
đã qua đời. Và buổi chiều mùa đông ấy đã trở thành hầu như kỷ niệm duy
nhất của anh về người mẹ mặc dù trong kỷ niệm đó không hề thoáng lên
hình bóng của bà. Còn dượng, sau khi đọc cho anh nghe mấy câu thơ về
tình yêu ông đã sáng tác từ thời trai trẻ, liền lấy đàn ghi ta treo trên
tường xuống rồi bắt đầu hát bằng giọng trầm một bài hát của Văn Cao mà
ông bảo ngày xưa mẹ anh hằng ưa thích. Bài hát chầm chậm, buồn buồn gợi
nhớ những người thân yêu đã khuất, tiên cảm những ngày mai bất hạnh song
lại như khuyên nhủ đừng nên vô vọng, đừng mãi mãi sầu thương, đừng
nhiều lời than tiếc vì như thế chẳng ích gì mà hãy sống, hãy sống... Vào
bộ đội, khi còn sống ở Nhã Nam, Kiên đã viết thư cho dượng, nhưng không
nhận được hồi âm. Mười năm sau sống trở về anh đi tìm nhưng chỉ được
biết rằng dượng đã mất từ lâu. Còn ngôi nhà nọ thì không ai nhớ đã bị
san đi từ bao giờ. Một con người như thế đấy và một câu chuyện như thế
và còn bao nhiêu chuyện khác, bao nhiêu người khác nữa trong đời anh.
Những người thân quen và những người xa lạ, đã chết hoặc còn sống, những
chuyện cầm chắc là có thật lẫn những chuyện chẳng rõ thực hư. Có lần,
một người đàn ông lạ mặt và không chịu xưng tên đã đến tìm Kiên ở tòa
soạn đề nghị được thông qua anh hiến cho văn học nước nhà mối tình của
hai vợ chồng ông ta, "Chỉ cần đồng chí hư cấu một cái tên cho tôi và một
cái tên cho bà nó nhà tôi, còn xin là cứ giữ nguyên tất cả. Vâng, xúc
động và bi thảm lắm ạ", ông ta bảo thế. Nhạt nhẽo, vớ vẩn và mất thì
giờ, có lẽ thế thật, song bản thân lòng tự tin của ông ta, nhất là cái
ước muốn có món quà phi thường để tặng bà vợ đau yếu nhân kỷ mềm ba mươi
năm lễ thành hôn chẳng phải một chuyện tuyệt vời hay sao? Nói chung bất
kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể cảm nhận được một điều gì đấy để
viết một cái gì đấy về bất kỳ ai đấy chẳng phải là như thế đó sao? Bởi
vì, từ cuộc sững phức tạp ẩn đằng sau vẻ bình thường dung dị, định hình
cho được một nét dù là cực nhỏ nhưng thực sự đáng ghi lại, đấy quả là
một trời những khả năng sáng tạo mở về muôn hướng.

Chẳng hạn, Kiên
nghĩ, tại sao lại không viết tiểu thuyết về cái cộng đồng kỳ thú những
người hàng xóm ở tầng trên, tầng dưới và ở chung tầng với anh trong ngôi
nhà này? Có thể nói rằng, thật là một bản hòa tấu của những khuôn mặt
và những cuộc đời. Những chuyện - tuyệt nực cười cũng có mà cũng có
những nỗi buồn đau xé lòng diễn ra hàng ngày, hàng ngày chung đụng, chen
chúc sống quần tụ trong ngôi nhà nhiều hộ này. Nhất là vào những buổi
tối mùa hè mất điện nóng như hầm phải ra sân ngồi hóng gió tới khuya,
hoặc những khi cùng bà con chầu chực trước cái vòi máy nước độc nhất cho
cả ba tầng tứ mùa khốn khổ khốn nạn tóc tách từng giọt, còn thiếu
chuyện gì nữa về đời sống trong nhà ngoài phường mà Kiên chưa được nghe.
Người ta kể chuyện rằng bà giáo Thủy ở tầng một góa chồng từ ngoài dôi
mươi, ở vậy nuôi con suốt bấy nhiêu năm giời, nay sắp sửa về hưu và cũng
sắp sửa có cháu ngoại rồi, bỗng dưng phải lòng ông Tư bán sách ở đầu
phố, cả hai ông bà đều cố giấu nhưng giấu nổi ai bởi giữa họ rõ ràng là
tình yêu chứ có phải là tình gì mà che giấu nổi, hẳn hoi là sẽ chuốc lấy
khổ. Hay như chuyện nhà Cường ở tầng ba, bữa nọ anh chồng rượu vào lên
cơn hùng hổ toan dạy vợ, không ngờ trông gà hóa cuốc nhè ngay đầu bà mẹ
đẻ ra mình mà hạ đo ván. Mới đây nhất là chuyện ông Tánh tầng hai, đại
úy quân nhu về vườn, do quá nghèo khổ, gia đình lại lục đục băm bổ đay
nghiến nhau từng bát cơm, sinh quẫn ông toan tự tử một lần bằng thừng,
một lần bằng thuốc trừ sâu nhưng đều bị người ta phát giác cứu sống. ấy
vậy mà tình cảnh của ông đại úy vẫn còn khá so với nông nỗi bà cụ Sen mù
lòa góa bụa, mẹ của hai liệt sĩ bị vợ chồng anh cháu họ lập mưu cướp
mất nhà và đẩy cụ vào nằm chết trong sở điên Trâu Quỳ. Mà anh cháu họ
của cụ không chỉ giàu có, anh còn thông minh tài cán, tính tình xởi lởi,
tốt nghiệp đại học kinh tài, hay đi nước ngoài, biết hai ngoại ngữ. Mỗi
khi đi làm về anh thường ăn thật no, nghỉ ngơi thoải mái hơn người rồi
sau đó trên mình bận pizama anh ngồi trước cửa sổ Ơï lên liên hồi và
ngáp to để vơi sầu. Chị vợ anh làm gì đó ở tòa án, một con người trang
trọng, đuồn đuỗn, môi luôn mím chặt, chưa hề ban cho ai một lời chào hỏi
gọi là. Trong khi đó thì Bảo, con của ông bà Bình bác sĩ ở tầng ba, vốn
là một "trừ" có thâm niên cao ở Hỏa Lò, mới vừa được ân xá hồi đầu năm,
lại nhanh chóng được bà con trong căn nhà cảm thông, thương mến. Phạm
tội giết người lãnh án tử hình, hạ xuống chung thân, ngồi đã ngót hai
chục năm rồi nhưng nom Bảo không có vẻ gì là một phần tử như vậy, trái
lại con đường zê-rô dằng dặc suốt thời trai trẻ tạo ra cho Bảo một dáng
dấp chay tịnh như thể vẻ chay tịnh của một đời chân tu. Chỉ một thời
gian ngắn sau khi ra tù, con người nguy hiểm này đã làm cho bà con dân
phố phải ngạc nhiên trước tâm tính dịu hiền, tấm lòng chân thực trong
sáng, ngây thơ và khắc khổ thể hiện ở từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói
của anh. Chỉ có điều nom Bảo quá buồn. Đôi mắt buồn. Nụ cười hiền hậu
cũng buồn khôn xiết, buồn đến nỗi mỗi khi bắt gặp nụ cười ấy ai nấy
không khỏi thấy lòng mình se lại. Nghĩa là, chỉ riêng một khúc cực ngắn
chảy qua một ngôi nhà này mà dòng sông cuộc sống đá thác ghềnh đã ngoắt
ngạo và đã là muôn vẻ như vậy rồi. Bao nhiêu chuyện đời. Bao nhiêu cuộc
đời. Lũ trẻ sinh sôi ra như nấm sau trận mưa, lớn lên và trưởng thành,
người lớn thì già đi, từng năm hao dần từng tuổi. Cuộc đời của các thế
bệ tựa hồ những đợt sóng. Cuối mùa hạ vừa rồi, "cố" Dụ - người thợ cạo
vĩ đại của Hà thành đã qua đời, thọ chín mươi bảy tuổi. CỐ là cụ già
cuối cùng của thời trước chiến tranh, khi Kiên còn bé, đã sống được tới
ngày nay. Cả Ngọc hoàng lẫn Diêm vương nhất định không cho ta rốn nốt ba
năm cho tròn một thế kỷ của riêng ta - Giọng đã mất âm sắc, hơi thở
phều phào mà cố vẫn gượng nói riêng khi Kiên vào thăm - Những chuyện đời
hay nhất ta còn chưa kể. . . nhưng anh cháu nhà văn hãy gắng dựng lên
vì ta một vở "người thợ cạo thành Hà Nội" nhé... Từ dưới đó ta sẽ lần
lên xem công diễn...

Cố hành nghề tóc tai từ thuở người đàn ông Hà
Nội còn trĩu sau ót cái búi tóc cổ lỗ của tổ tiên, và cố tự hào nói:
dưới bàn tay của ta một vạn ba lượt mái đầu và bộ mặt đã được mỹ hóa, từ
xù xì, thô lậu thành đẹp đẽ, thơm tho như tảng đá được điêu khắc thành
con người. Trước chiến tranh, con cháu và cả các chắt của cố đều quây
quần chật ních xung quanh cố, và dù không ai theo nghề tông đơ dao kéo
song tất cả đều nhiễm bệnh thợ cạo, đều giống cố ở nét xởi lởi hay
chuyện, hay tán dóc pha trò, hay lam hay làm, lập thành một đại gia hiền
lành, vui vẻ và hơi buồn cười. Trong hồi ức tuổi thơ của Kiên có lẽ
không thể thiếu âm điệu giòn tan của chiếc kéo diệu kỳ trong tay cố,
không thể thiếu các giai thoại cố kể và giai điệu ngang phè của La
Mác-xây-e cố hát bằng tiếng Tây bồi. Đối với Kiên vang vọng lâu bền nhất
của cuộc sống đã qua là tiếng rì rầm của cuộc đời thường chứ tuyệt
nhiên không phải là tiếng rền động của các biến cố thời chiến, mặc dù
cái đời thường xa xưa ấy đã bị bão tố lật trời của chiến tranh quét
sạch. Như là gia đình cố Dụ xưa đông vui thế mà sau chiến tranh cố như
là người đàn ông duy nhất. Như là gia đình ông Huynh có ba con tử trận,
như là Sinh, thương binh cột sống, bán thân bất toại... Nhưng tất cả
những gì bị chiến tranh nghiền nát thì dư âm lại bền lâu, bền lâu hơn
tất cả các tàn tích của chiến tranh và chinh biến.

Bao bạn bè đồng
lứa với Kiên trong chung cư đã ra đi mà không trở về song ngôi nhà vẫn
đây, hình bóng của họ vẫn đấy. Đời sống của những người hy sinh còn
vương hình bóng trên gương mặt của các thế hệ sau. Kiên nhớ tới Hạnh,
người phụ nữ độc thân từng sống trong căn phòng nhỏ sát chân cầu thang
mà bây giờ thuộc gia đình ông Sự. Chẳng hiểu vì sao giờ đây ở nhà này ít
người còn nhớ tới Hạnh, càng không mấy ai nhớ nổi rằng Hạnh đã rời khỏi
nhà này từ năm nào và đi đâu? Vì sao mà đi?

Hạnh hơn tuổi Kiên,
hơn chừng nào chẳng biết. Chỉ biết khi anh còn oắt con thì đám đàn ông
trong phố đã nhiều tay bê bết cuộc đời vì Hạnh. Người ta ẩu đả nhau vì
cô. Bọn trai bên số chẵn đánh nhau chí chết với bên số lẻ để có thể tiếp
cận cửa phòng Hạnh. Mỗi lần thấy cô đi qua với dáng mềm mại trẻ trung
đung đưa toàn thân, õng ẹo uể oải thì các bậc nam nhi trong phố đều nhất
loạt đứng sững, dán mắt nhìn theo, người thì với vẻ si ngốc, người thì
cặp mắt rực lóe lên như sắp văng ra những tàn lửa thèm khát. Các bà các
chị thì vừa ghét vừa sợ. "Đồ đĩ ?" Họ chửi sau lưng Hạnh - ĐỒ giăng hà?
Con ma chài! Song cả sự thù ghét lẫn cả lòng say mê của mọi người đối
với Hạnh, Kiên thấy đều phi lý. Cậu thấy Hạnh là một người hàng xóm như
những người khác, "Chào chị ạ!', gặp Hạnh, Kiên lễ phép chào. "Chào chú
em, ngoan quá?", Hạnh đáp, chỉ thiếu điều xoa đẩu cậu. Ngày tết chị mừng
tuổi Kiên như lì xì bất cứ đứa bé nào trong chung cư. Những đồng năm
hào loạt soạt mới tinh với lời chúc học giỏi. "Chúc cậu em học hành tấn
tới... Năm nay ra dáng lắm rồi. Nhưng coi chừng chỉ giỏi giang cơ bắp
thôi là thành đồ ngốc đấy nhé, cậu em?".

Nhưng rồi cũng đến lúc
Hạnh phải đổi cách xưng hô, khi ấy Kiên đang học lớp mười, mười bảy
tuổi. Thời gian đó chiến tranh đã ngấp nghé. Thăng Long vẫn phi chiến
địa song đã có sơ tán, có đào hầm, nghe còi báo động và phải mặc áo sẫm
màu. Hôm ấy, buổi trưa, vừa đi học về, đang ngồi ăn cơm, Kiên thấy Hạnh
hé cửa ló đẩu vào nói:

- Này chú em, chiều nay xuống giúp chị một
cái tăng xê nhé. Chị muốn có sẵn một cái trong giường để đêm có còi khỏi
phải chạy ra đường. Có được không?

- Vâng, rồi em sẽ xuống.

Đấy
là lần đầu tiên Kiên vào buồng của người đàn bà trẻ tuổi độc thân ấy.
Phòng nhỏ, bài trí giản dị nhưng đẹp và gợi cảm. Kiên muốn khuyên chị
không nên phá mất vẻ hài hòa trong phòng nhưng cậu tặc lưỡi ở góc buồng
phía chân giường đơn của Hạnh, cậu nạy lên chừng chục viên gạch hoa rồi
dùng xà beng chọc thủng móng nhà. Sau đó dùng cuốc chim và xẻng. Từng tý
đá, tý gạch một, moi dần lên. Hạnh dọn một bữa cơm tối rất ngon có cả
bia chai để thết Kiên. Cơm xong, chẳng nói năng gì, cảm thấy lúng túng
lạ, Kiên hì hục đào tiếp ngay. Mất điện phải thắp đèn dầu. Kiên đào, còn
Hạnh thì xách các xô đất đá ra đổ ở góc vườn sau. Hai chị em làm, im
lặng, lầm lùi.

- Có lẽ được rồi chị ạ, - Kiên nói, thở dốc - Lút ngực em thì có lẽ chị quá cằm rồi. Có khi là sâu quá cũng nên.

- Ừ, thôi thôi. Nhưng để chị xuống thử xem đã. Có khi còn phải nhờ em xẻ hộ cho mấy bậc để lên xuống cho nhanh.

Bình
thường nhìn Hạnh không thấp hơn Kiên nhưng khi cùng đứng dưới hố cá
nhân trong căn phòng mập mờ sáng tối để thử độ sâu thì chị chỉ cao đến
cằm cậu bé, vóc người mảnh mai của chị như lọt thỏm vào thân hình chẳng
ngờ lại cao lớn, vạm vỡ và đàn ông đến thế của cậu. Cảm nhận được điều
đó, vừa chạm chân xuống đáy hố, Hạnh như bất giác rùng mình và hớt hải
toan co mình vọt trở lên miệng hố. Nhưng hố quá sâu, và hơn nữa do lòng
hố quá hẹp nên cái rùng mình của Hạnh như luồng điện truyền vụt sang
Kiên. Toàn thân đột ngột sững sờ như thể điện giật, cứng lại trong một
nỗi tê dại mà trong đời cậu cho đến khi đó chưa từng cảm thấy bao giờ,
Kiên thở hực lên. Lần đầu tiên cậu cảm thấy không phải bằng mắt mà bằng
cả thính giác sự sát kề bên mình một tấm thân phụ nữ, mùi da thịt ngây
ngây của đôi vai, của cặp vú mát rượi mồ hôi dưới lần áo mỏng.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3