Anne tóc đỏ làng Avonlea - chương 05

5. Một Cô Giáo Đầy Bản Lĩnh

Sáng hôm đó, lần đầu tiên trong đời cô đi qua lối Bạch
Dương mà chẳng để ý gì đến vẻ đẹp của nó, và khi Anne đến trường học, tất cả đều
bình lặng yên ắng. Cô giáo cũ đã rèn luyện đám học trò phải ngồi ngoan ngoãn
vào chỗ khi cô bước vào lớp. Do vậy, khi vào trong phòng, Anne liền đối mặt với
hàng dãy những “khuôn mặt rạng rỡ buổi sáng” và những ánh mắt tò mò sáng rực.
Cô treo mũ lên và đứng đối mặt với các học sinh, thầm hy vọng mình không có vẻ
sợ hãi và ngốc nghếch như đang cảm nhận, và đám học sinh sẽ không nhìn thấy cô
đang run rẩy đến thế nào.

Cô đã thức đến gần mười hai giờ đêm hôm qua để sáng
tác một bài diễn văn đọc trước mặt học sinh nhân dịp khai giảng. Cô đã đọc đi đọc
lại cẩn thận, sửa đổi nhiều lần, rồi học thuộc lòng cả bài. Đó là một bài phát
biểu rất hay và có nhiều ý tưởng cao đẹp bên trong, nhấn mạnh vào việc giúp đỡ
lẫn nhau và thái độ học tập nghiêm túc. Vấn đề duy nhất là bây giờ cô chẳng còn
nhớ được một từ nào.

Sau một khoảng thời gian cô cảm thấy dài như cả năm
trời... thực tế chỉ khoảng mười giây... cô nói như hụt hơi, “Các trò hãy lấy
Thánh kinh ra,” rồi ngồi phịch xuống ghế trong tiếng sột soạt và tiếng mở ngăn
kéo lách cách liên hồi của học sinh. Trong khi đám học sinh đọc lớn các tiết
trong Kinh thánh, Anne cố sắp xếp những suy nghĩ hỗn loạn của mình vào trật tự
và nhìn một lượt khắp lớp, từ hàng những đứa nhỏ đến đám học sinh đã trưởng
thành.

Hầu hết đương nhiên đều quen thuộc với cô. Bạn cùng
lớp của cô đã tốt nghiệp hết năm ngoái nhưng số học sinh còn lại đều từng học
chung với cô, ngoại trừ lớp vỡ lòng và mười học sinh vừa mới đến Avonlea. Thực
tình Anne cảm thấy hứng thú với mười học sinh mới hơn là những người cô đã quá
quen thuộc về năng lực. Đương nhiên, đám học sinh mới rất có thể cũng bình thường
như số còn lại, nhưng mặt khác vẫn có thể có một thiên tài trong số chúng.

Đó là một ý tưởng thật hứng khởi.

Tên nhóc ngồi một mình ở một góc bàn là Anthony Pye.
Khuôn mặt đen sạm bé bỏng của nó lộ vẻ sưng sỉa, còn đôi mắt đen thì nhìn chằm
chằm vào Anne một cách thù địch. Anne ngay lập tức hạ quyết tâm rằng cô sẽ khiến
thằng nhóc ấy mến mình rồi thu phục hoàn toàn cả họ nhà Pye.

Ở góc khác, cậu bé lạ mặt đang ngồi chung với Arty
Sloane... một cậu bé vẻ ngoài vui tươi, mũi hếch, mặt tàn nhang và đôi mắt to
màu xanh nhạt với hàng mi trăng trắng viền quanh... có lẽ là cậu bé nhà
Donnell; và xét theo vẻ ngoài hao hao giống nhau thì cô em gái của cậu ta đang
ngồi ở dãy bên kia với Mary Bell. Anne tự hỏi mẹ cô bé là người thế nào mà để
cho con cái ăn mặc như vậy đi học. Cô bé mặc một chiếc váy lụa màu hồng nhạt với
hàng đống diềm ren bằng vải bông, giày da dê trắng lấm bẩn cùng bít tất lụa.
Mái tóc vàng cát của cô bé bị ép thành vô số những lọn tóc quăn kỳ cục chẳng tự
nhiên chút nào, ngự bên trên là một cái nơ hồng rực rỡ còn lớn hơn cả đầu cô
bé. Xem vẻ mặt thì cô nàng rất hài lòng với cách ăn mặc của mình.

Cô bé nhỏ xíu da tái với mái tóc nâu vàng gợn sóng
mượt mà xõa xuống vai, Anne nghĩ, nhất định là Annetta Bell, cha mẹ cô bé trước
đây sống trong khu học chính Newbridge, nhưng khi dời nhà xích lên năm mươi mét
về phía Bắc, họ đã lấn sang địa phận Avonlea. Ba cô bé xanh xao ngồi chen chúc
trong một ghế chắc chắn là con nhà Cotton; và nàng tiểu mỹ nhân với những lọn
tóc nâu dài và mắt màu hạt dẻ đang liếc mắt đưa tình qua cuốn Thánh kinh với
Jack Gills chính là Prillie Rogerson. Cha cô nàng vừa mới cưới vợ hai và đưa
Prillie về nhà từ nhà bà ngoại ở Grafton. Cô gái cao nhỏng vụng về ngồi ở ghế
chót vẻ lúng ta lúng túng thì Anne không biết là ai, nhưng sau đó phát hiện ra
cô tên Barbara Shaw và vừa chuyển đến sống với bà dì ở Avonlea. Rồi cô cũng sẽ
khám phá ra rằng mỗi lần Barbara đi giữa hai dãy bàn mà không vấp vào chân mình
hay chân người khác là đám học giả tí hon của Avonlea lập tức tường thuật sự kiện
bất thường này lên tường hành lang để kỷ niệm.

Nhưng khi mắt Anne bắt gặp đôi mắt của cậu bé ngồi
hàng đầu tiên đang nhìn thẳng vào cô, thì một cảm giác phấn khích kỳ lạ trào
dâng trong lòng cô, cứ như cô đã tìm được một thiên tài cho mình vậy. Cô biết cậu
bé này chính là Paul Irving và bà Rachel Lynde đã nói đúng được một lần khi
tiên tri rằng cậu bé hoàn toàn không giống những đứa trẻ khác ở Avonlea. Hơn thế
nữa, Anne nhận ra rằng cậu bé cũng khác hẳn những đứa trẻ bình thường ở bất cứ
nơi đâu, và rằng một tâm hồn hoàn toàn tương hợp với cô đang quan sát cô chăm
chú qua đôi mắt xanh thẫm của mình.

Cô biết Paul lên mười tuổi nhưng nhìn bề ngoài thì cậu
chỉ như mới tám tuổi thôi. Khuôn mặt nhỏ bé của cậu là khuôn mặt đẹp nhất cô từng
thấy ở một đứa trẻ... đường nét tinh tế và tao nhã được đóng khung bởi những lọn
tóc màu hạt dẻ như một vòng hào quang. Miệng cậu thật đáng yêu, căng mọng mà chẳng
cần phải trề ra, đôi môi đỏ thẫm, khóe môi uốn cong dịu dàng tinh tế mà lại vừa
khéo không bị trũng xuống thành lúm đồng tiền, vẻ mặt cậu nghiêm túc và đăm
chiêu, cứ như linh hồn của cậu già dặn hơn nhiều so với thể xác, nhưng khi Anne
mỉm cười dịu dàng với cậu, vẻ chín chắn đó lập tức biến đổi thành một nụ cười
đáp lại, nụ cười ấy tựa như kết tinh của toàn bộ tinh thân cậu, cứ như một ngọn
đèn nào đó đã được thắp sáng bên trong người, soi sáng cậu từ đầu đến chân. Điểm
đặc biệt nhất là nụ cười đó hoàn toàn tự nhiên, không cần phải cố gắng hay do bất
cứ động cơ nào, đó chỉ là sự tỏa sáng của một tính cách hiếm thấy, vừa tinh tế
vừa ngọt ngào ẩn giấu bên trong. Chỉ trao đổi một nụ cười, trước khi kịp nói với
nhau lời nào, Anne và Paul đã trở thành hai người bạn thân thiết vĩnh cửu.

Ngày hôm đó trôi qua như một giấc mơ. Sau này Anne
chẳng thể nào hình dung lại nó một cách rõ ràng nữa. Dường như có một kẻ nào
khác dạy học chứ không phải là cô. Cô lắng nghe học trò đọc bài, hướng dẫn cách
tính cộng, phát bài tập một cách máy móc. Đám học trò cư xử khá tốt; chỉ có hai
trường hợp phạm lỗi. Morley Andrews bị bắt gặp mang theo một cặp dế đá vào lớp
học. Anne phạt Morley đứng trên bục giảng một tiếng và... tịch thu hai con dế,
hình phạt khiến Morley nhà ta cảm thấy đau đớn hơn nhiều. Cô đặt chúng trong một
chiếc hộp và thả ra ở thung lũng Tím trên đường về nhà; nhưng từ đó về sau,
Morley mãi đinh ninh rằng cô đem chúng về nhà để chơi một mình.

Một bị cáo khác là Anthony Pye, nó đã đổ sạch nước từ
chai đá của mình vào gáy của Aurelia Clay. Anne giữ Anthony ở lại lớp vào giờ
ra chơi và giảng giải cho nó nghe những hành vi tiêu chuẩn của một quý ông, đồng
thời khẳng định với nó rằng chẳng quý ông nào lại đổ nước vào gáy của quý cô cả.
Cô muốn tất cả học trò nam đều trở thành một quý ông tao nhã, cô đã nói vậy.
Bài giảng ngắn ngủi của cô khá là thân tình và cảm động nhưng rủi thay Anthony
hoàn toàn chẳng tiếp thu được chút nào. Nó lắng nghe cô giảng giải trong im lặng
với vẻ mặt sưng sỉa vốn có và huýt sáo khinh miệt khi bước ra ngoài. Anne thở
dài và sau đó tự an ủi mình bằng cách tự nhủ: chiếm được tình cảm của một người
họ Pye cũng như là xây dựng thành Rome, không thể làm được trong một ngày. Trên
thực tế, người nhà Pye có tình cảm hay không cũng là một dấu hỏi lớn, nhưng
Anne hy vọng Anthony sẽ tốt đẹp hơn, nó có vẻ sẽ trở thành một cậu bé khá ngoan
nếu có ai đó vượt qua được vỏ ngoài sưng sỉa chai lì của nó.

Khi tan học và đám học trò đã ra về, Anne ngồi phịch
xuống ghế đầy mệt mỏi. Đầu cô nhức bưng bưng và cô cảm thấy chán nản ghê gớm.
Chẳng có lý do nào để phải chán nản cả, vì chẳng có gì tệ hại xảy ra, nhưng
Anne quá sức mệt mỏi và gần như tin rằng cô chẳng bao giờ yêu được nghề dạy học.
Và thử nghĩ xem, có gì khủng khiếp hơn việc phải làm gì đó mà bạn không thích mỗi
ngày suốt... ừm, giả dụ như suốt bốn mươi năm. Anne băn khoăn không biết mình
có nên òa lên khóc ngay lập tức hay nên đợi đến khi an toàn về đến căn phòng trắng
của mình ở nhà. Trước khi kịp đưa ra quyết định, cô chợt nghe tiếng giày cao
gót lộp cộp và tiếng quần áo lụa sột soạt ngoài hành lang, rồi thấy mình đang đối
diện với một quý bà có bề ngoài khiến cô nhớ lại lời châm chích gần đây của ông
Harrison về một người phụ nữ ăn diện quá đỏm dáng mà ông nhìn thấy trong một cửa
hàng ở Charlottetown. “Bà ta giống như nạn nhân của vụ đụng độ giữa một cuốn tạp
chí thời trang và một cơn ác mộng vậy.”

Người mới tới này ăn diện lộng lẫy trong bộ váy lụa
mùa hè màu xanh nhạt, đầy đăng ten, xếp nếp, tay phồng ở bất cứ chỗ nào có thể
kết vào. Đầu bà ta trùm một chiếc mũ vải the trắng khổng lồ có điểm thêm ba sợi
lông đà điểu dài sọc và thõng thượt. Một tấm mạng voan hồng, rải đầy những chấm
đen lớn tướng, như một đường viền ren rủ từ vành mũ xuống vai rồi bay phất phới
tựa hai lá cờ đuổi theo phía sau bà ta. Bà ta đeo đủ loại trang sức mà một phụ
nữ nhỏ con có thể đeo nổi, mùi dầu thơm nồng nặc vây quanh người.

“Tôi là bà Donnell... Bà H. B. Donnell”, cái hình
hài ấy tuyên bố, “và tôi đến đây gặp cô về một việc mà Clarice Almira nói với
tôi khi nó về nhà ăn cơm hôm nay. Việc đó khiến tôi hết sức bực tức.”

“Tôi xin lỗi,” Anne chao đảo, căng óc cố gắng nhớ lại
xem có vụ rắc rối nào diễn ra hồi sáng nay có liên quan tới đám trẻ nhà Donnell
không.

“Clarice Almira nói với tôi rằng cô phát âm tên
chúng tôi là Donnell. Này, cô Shirley, cách phát âm đúng của tên của chúng tôi
là Donnell... nhấn giọng vào âm tiết cuối cùng. Tôi hy vọng cô sẽ nhớ kỹ điều
này từ nay về sau.”

“Tôi sẽ cố gắng,” Anne lắp bắp, cố nén nỗi khát khao
mãnh liệt được phá lên cười nghiêng ngả. “Theo trải nghiệm bản thân, tôi cũng
biết đánh vần sai tên của ai đó thì chẳng hay ho gì, và chắc là nếu phát âm sai
thì còn tệ hại hơn.”

“Còn phải nói. Và Clarice Almira cũng thông báo với
tôi rằng cô gọi con trai của tôi là Jacob.”

“Cháu nói với tôi tên của cháu là Jacob,”Anne chống
chế.

“Tôi cũng nghi ngờ là thế,” bà H.B Donnell lên tiếng
với giọng điệu ngụ ý rằng đám trẻ con chẳng biết thế nào là uống nước nhớ nguồn
ở thời đại nhiễu nhương này. “Thằng bé đó có gu thật tầm thường, cô Shirley ạ.
Khi sinh nó ra tôi muốn đặt tên nó là St. Clair... nghe thật là quý phái, phải
không? Nhưng cha nó cứ nằng nặc đặt tên nó là Jacob theo tên của ông bác. Tôi
nhượng bộ, vì bác Jacob là một người đàn ông độc thân giàu có. Và cô có biết gì
không, cô Shirley? Khi thằng bé ngây thơ của chúng tôi mới lên năm tuổi, ông
bác Jacob ấy lại đi lấy vợ và giờ đã có ba đứa con trai. Cô có thấy ai vong ân
bội nghĩa đến thế không? Ngay khi nhận được thiệp mời đám cưới... không ngờ ông
ta còn dám ngạo mạn gửi thiệp cho chúng tôi, cô Shirley ạ... tôi đã tuyên bố,
‘Tôi cóc cần Jacob nào nữa, cảm ơn nhiều.' Từ ngày hôm đó tôi gọi con trai của
tôi là St. Clair, và tôi nhất quyết mọi người cũng phải gọi nó là St. Clair.
Cha nó cứ bướng bỉnh tiếp tục gọi nó là Jacob, và thằng bé chẳng hiểu sao lại
ưa thích cái tên thô tục ấy. Nhưng nó là St. Clair và chỉ là St. Clair mà thôi.
Cô sẽ vui lòng nhớ kỹ điều này, phải không cô Shirley? cảm ơn cô. Tôi đã nói với
Clarice Almira rằng tôi chắc đây chỉ là sự hiểu lầm và chỉ cần nói một tiếng là
xong. Donnell... nhấn giọng vào âm tiết cuối cùng... và St. Clair... không bao
giờ gọi là Jacob. Cô sẽ nhớ chứ? Cảm ơn cô.”

Khi bà H. B Donnell đã chịu dời gót ngọc, Anne khóa
cửa trường rồi đi về nhà. Dưới chân đồi, cô nhìn thấy Paul Irving đang đứng ở lối
Bạch Dương. Cậu bé đưa cho cô một bó hoa lan dại xinh xắn, loại hoa mà trẻ em
Avonlea hay gọi là “hoa huệ gạo”.

“Cô ơi, em tìm thấy chúng trong phần đất của ông
Wright,” cậu bẽn lẽn, “Và em quay lại để tặng cô vì em nghĩ cô là kiểu phụ nữ sẽ
ưa thích chúng, và bởi vì...” cậu ngước đôi mắt to xinh đẹp của mình... “Em
thích cô, cô giáo ạ.”

“Ôi bé con,” Anne nhận lấy bó hoa thơm ngát. Và lời
của Paul chẳng khác gì một câu thần chú, bao nhiêu thất vọng và mệt mỏi biến mất
khỏi tâm trí cô; hy vọng trào dâng trong tim cô như suối nguồn nhảy múa. Cô
nhanh nhẹn đi qua lối Bạch Dương, mùi hương ngọt ngào của bó hoa lan như lời
chúc phúc dành riêng cho cô.

“À, tình hình thế nào?” bà Marilla tò mò muốn biết.

“Hãy hỏi lại câu đó vào một tháng sau, khi ấy có lẽ
cháu có thể trả lời được cho bác. Bây giờ thì cháu không thể... Chính bản thân
cháu còn không biết nữa là... Mọi chuyện còn mới mẻ quá. Suy nghĩ của cháu cứ nặng
nề và hỗn độn như vừa bị đảo lộn cả lên. Thành tựu duy nhất mà cháu tin chắc
mình làm được hôm nay là cháu đã dạy cho Cliffie Wright biết rằng A là A. Trước
đây nó chưa bao giờ biết chữ này. Có phải đó là bước khởi đầu để dẫn dắt một
con người đi theo con đường học thuật có thể dẫn đến một tập thơ kiểu như Thiên
đường đánh mất, hay một Shakespeare mới chăng?”

Bà Lynde sau đó có ghé qua với nhiều lời động viên.
Người phụ nữ tốt bụng này đã đứng trước cống chặn đường hỏi thăm đám học trò
xem bọn chúng có thích cô giáo mới hay không.

“Và đứa nào cũng nói rằng rất thích cháu, Anne ạ, trừ
Anthony Pye ra. Tôi phải thừa nhận là nó chẳng ưa cháu chút nào. Nó nói cháu vô
dụng, chẳng khác gì đám nữ giáo viên non choẹt khác. Đấy là hiệu ứng nhà Pye đấy.
Nhưng đừng lo.”

“Cháu không lo đâu,” Anne lặng lẽ đáp, “Và cháu sẽ làm
cho Anthony Pye thực lòng mến cháu. Kiên nhẫn và lòng tốt chắc chắn sẽ thành
công.”

“À, với một tên nhà Pye thì không nói trước gì được
đâu,” bà Rachel tỏ vẻ thận trọng. “Bọn họ cũng giống như những giấc mơ ấy, thường
rất khó đoán. Còn cái mụ Donnell ấy, mụ ta đừng hòng bắt tôi gọi là Donnell,
tôi đảm bảo với cháu đấy. Cái tên đó vốn là Donnell và sẽ luôn luôn như vậy. Mụ
ta điên rồi, thế đấy. Mụ ta có một con chó lùn mũi tẹt đặt tên là Queenie, và
nó ăn trong một cái đĩa sứ chung bàn với cả gia đình. Nếu tôi mà là mụ thì tôi
sẽ sợ bị trời phạt lắm. Thomas nói ông Donnell là một người đàn ông chăm chỉ hiểu
biết, nhưng không được sáng suốt lắm khi chọn vợ, thế đấy.”

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3