Cưới Ma - Chương 07

Chương
17: Khúc Thiêm Trúc trở về

Cao thủ Hà đi khỏi một lúc thì Chu Xung về, vừa vào
cửa anh đã hỏi ngay: “Cao thủ máy tính có đến không?”

Lục Lục từ thư phòng bước ra, vừa giúp Chu Xung treo
áo lên mắc vừa nói: “Có.”

“Có tìm ra vi-rút không?”

“Không.”

“Thế thì anh phải đập bỏ máy.”

“Cứ để xem sao đã. Vừa rồi anh ta đã cài đặt lại
window.”

“Em không sợ nó nữa à?”

Lục Lục hơi do dự, nói: “Nếu lại phát hiện ra điều bất
ổn… thì anh vứt nó đi!”

“Được. Máy của em, tùy em.”

“Trang web “Lưới tình” tìm anh có việc gì?”

“Họ muốn mở cuộc họp báo về bài hát của anh, địa điểm
tại Thượng Hải, họ mời anh đến dự.”

“Tức là anh phải đi. Bao giờ đi?”

“Ngày 17 tháng 12, thứ Năm.”

“Cũng tốt. Đây là cơ hội rất hay. Anh sẽ đi mấy
ngày?”

“Hôm sau quay về luôn.”

Lục Lục hơi buồn buồn: “Em lại ở nhà một mình…”

Chu Xung hôn vào má cô, nói: “Nếu em thấy sợ thì gọi
một cô bạn đến ở cùng.”

“Mấy hôm tới chúng ta nên ra phố, anh cần mua vài bộ
quần áo. Dự họp báo, nên ăn mặc cho đàng hoàng một chút.”

“Anh mua quần áo thì em đừng góp ý gì là được.”

“Được! Em chỉ đi cùng anh thôi. Anh nên mua cặp kính
râm nữa. Ngôi sao phải có phong cách của ngôi sao.”

Chu Xung: “Vớ vẩn!”

Ngày 16 tháng 12, trời râm mát.

Buổi sáng, Lục Lục nhận được cú điện thoại từ một số
máy lạ. Thì ra là của cô gái Hảo Thiên Trúc. Cách đây ít hôm cô gọi cho Thiên
Trúc về tình hình Khúc Thiêm Trúc, cô ta đã lưu lại số di động của Lục Lục.

Giọng Hảo Thiên Trúc có vẻ gấp gáp: “Tôi cho chị biết
một tin này.”

“Tin gì?”

“Khúc Thiêm Trúc đã trở về!”

“Trở về?” Lục Lục vừa mừng vừa thất vọng. “Từ bao giờ?”

“Cách đây hai hôm, ngày 14. Chị biết là ngày gì
không?”

“Là ngày gì?”

“Chị ấy và bạn trai kết hôn ngày 11, theo tập quán
dân gian, thì ngày 14 chị ấy sẽ trở lại nhà mẹ đẻ. Vậy là chị ấy đã trở lại thật.
Nhưng chỉ có một mình…”

“Còn Triệu Tĩnh thì sao?”

“Không biết.”

“Không biết à?”

“Về hôm trước thì sáng hôm sau đến quán trà làm việc.
Nói năng bình thường như mọi ngày, nhưng hễ ai hỏi rằng vừa rồi đi đâu thì
Thiêm Trúc bắt đầu trở nên kỳ quặc, toàn nói linh tinh. Công an đã đưa chị ta về
sở điều tra. Chị có quen bên công an phải không? Chị cứ hỏi họ xem sao.”

“Được! Cảm ơn nhé!”

“Chị hỏi Thiêm Trúc xem khi nào chị ấy trở lại làm
việc. Tôi rất nhớ chị ấy.”

“Được, tôi sẽ hỏi hộ.”

Đặt di động xuống, Lục Lục bắt đầu suy nghĩ về vụ việc
này. Lúc trước chỉ là hai người sắp cưới thì mất tích, đó là phần mở đầu của
bài báo, thêm thông tin hôm nay thì coi như được viết được nửa bài, còn thiếu
phần kết luận… hoặc còn gọi là còn thiếu đáp án.

Liệu công an có khai thác được đáp án từ miệng Khúc
Thiêm Trúc không?

Lục Lục liền gọi điện cho người quen ở Sở công an để
thăm dò tình hình về Khúc Thiêm Trúc. Người này giới thiệu cô với điều tra viên
phụ trách vụ án này. Cô không ngờ sự việc lại phức tạp như vậy.

Công an gọi Khúc Thiêm Trúc đến, hỏi điều gì cô ta
cũng trả lời trôi chảy, nhưng hễ hỏi: cô vào Triệu Tĩnh đã đi đâu, thì Thiêm
Trúc mắt trợn tròn như ngủ mê gặp ma, rồi nói năng lung tung chắp vá, không sao
hiểu nổi.

Triệu Tĩnh mất tích, Thiêm Trúc thì cùng đi, cho nên
cô ta là nghi phạm đầu tiên. Cảnh sát chưa tìm ra manh mối, đương nhiên rất cần
lời khai của cô ta, và ít ra đây cũng là người trong cuộc. Nhưng dù hỏi kiểu gì
thì cũng không khai thác nổi bất cứ một thông tin nào, họ chẳng khác gì đang đối
thoại với một kẻ đang mê sảng có thần kinh không bình thường.

Công an bí quá đành đưa Thiêm Trúc đi giám định thần
kinh. Nhưng các bác sĩ không kết luận được, vì trường hợp này quá đặc biệt.
Khám các chỉ số theo thông lệ, thì Thiêm Trúc rất bình thường, rất đủ “năng lực
chịu trách nhiệm”, nhưng hễ hỏi “Triệu Tĩnh đi đâu?” thì tư duy của cô ta lập tức
rối loạn, thậm chí mất cả khả năng ngôn ngữ. Chuyển sang đề tài khác thì cô ta
lại trở về trạng thái bình thường. Các chuyên gia không thể đưa ra kết luận,
đây là việc chưa từng có trong lịch sử giám định thần kinh tư pháp.

Lục Lục cảm thấy khâm phục các vị chuyên gia ấy, vì
họ rất tôn trọng y đức nghề nghiệp, tuyệt đối không tùy tiện đưa ra một kết luận
nào đó cho xong chuyện; họ sẵn sàng thừa nhận rằng mình không thể đưa ra kết luận
giám định chính xác. Đó mới là tinh thần trách nhiệm cao nhất! Hệ thần kinh của
con người là một thế giới vô cùng bí hiểm, có nhiều trường hợp các chuyên gia
cũng không thể giải mã được.

Khúc Thiêm Trúc càng không thể nói về tung tích của
Triệu Tĩnh thì cô ta càng là đối tượng tình nghi số một.

Sau đó công an thẩm vấn lại, họ dùng máy kiểm tra
nói dối. Các nhân viên điều khiển máy gắn các bộ cảm ứng vào ngón tay, ngực, cổ
tay Khúc Thiêm Trúc, đo các thông số điện trở trên da, sự thay đổi của nhịp thở,
của huyết áp… Lúc đó Thiêm Trúc ở trạng thái rất tỉnh táo, cô ta biết mình đang
bị kiểm tra nói dối. Nhưng dường như cô ta lại không hiểu công an cần tìm hiểu
điều gì.

Trước khi tiến hành kiểm tra, một nữ cảnh sát tuổi
ngoài 40, giàu kinh nghiệm về lĩnh vực này đã trò chuyện “rất tự nhiên” với
Thiêm Trúc.

“Hôm nay cô Thiêm Trúc bao nhiêu tuổi?”

“Hôm nay ư?”

“Xin lỗi. Năm nay?”

“26.”

“Trông cô rất xinh.”

Thiêm Trúc không nói sao, chỉ lặng lẽ, cảnh giác
nhìn người nữ cảnh sát và chờ đợi.

“Cô thích công việc pha trà không?”

“Có.”

“Cô làm ở đó bao lâu rồi?”

“Đến tháng 2 sang năm thì vừa tròn một năm.”

“Cô có nhiều bạn không?”

“Nhiều! Tính cách tôi không giống con gái cho nên có
nhiều cô gái rất thích tôi.”

“Có nhiều bạn nam không?”

“Cũng rất nhiều.”

“Anh ấy không ghen à?” Nữ cảnh sát này muốn lái câu
chuyện sang Triệu Tĩnh nhưng chị không nói ra tên anh ta.

“Ai cơ?” Thiêm Trúc cảnh giác.

“Bạn trai của cô!”

Hai chữ bạn trai chẳng khác gì một lời nguyền khiến
Thiêm Trúc đờ đẫn, rồi cô ta bắt đầu trở nên không bình thường nữa. Nhưng cô ta
hoàn toàn không có vẻ gì là giả vờ điên dại, sắc mặt vẫn nghiêm chỉnh: “Bạn
trai là cái gì? Là cái chậu sắt tráng men, đồ phản bội, tôi cực ghét không bao
giờ chấp nhận! Tôi chỉ muốn lấy bùn nhão trát lên mặt hắn, cho hắn biến thành
con lợn…”

Các bộ cảm biết truyền tín hiệu vào máy chủ để kiểm
tra khả năng nói dối. Nhân viên điều khiển máy xác nhận: cả khi Thiêm Trúc ở trạng
thái bình thường hoặc không bình thường, các chỉ số đều ổn định. Nói cách khác,
Thiêm Trúc không nói dối một câu nào.

Người cảnh sát viên nhìn kỹ màn hình máy tính. Rồi bất
thình lình tung ra một câu hỏi nhạy cảm: “Triệu Tĩnh đi đâu?”

Khi Thiêm Trúc nói đến chữ “con lợn” thì nét mặt vẫn
tươi cười; nhưng khi nghe câu hỏi ấy của cảnh sát thì nét cười có vẻ trẻ con biến
mất, rồi nói với ý tán đồng: “Về vóc dáng thì anh chàng họ Triệu là số một,
nhưng chẳng có sự vật nào là tuyệt đối cả. Ví dụ bản thân tôi hồi nhỏ rất
ngoan, nhưng lại rất thích cầm mũi dao rạch một đường trên đùi cô giáo…”

Máy tính cho biết các tham số sinh lý của Thiêm Trúc
vẫn rất bình thường. Hình như cô ta đang kể về những ngày thơ ấu, đang trở lại
với những ký ức rất đẹp. Nữ cảnh sát mỉm cười, ngắt lời: “Chúng ta nên nói về bố
mẹ cô!”

Thiêm Trúc nghĩ ngợi, rồi nói: “Mẹ tôi… rất đanh đá
nhưng cũng rất chịu thương chịu khó. Nếu chị về nhà tôi chơi, bà sẽ mời chị ăn
nhiều món ngon…”

Nếu nói Thiêm Trúc là bình thường, thì một lúc nào
đó lại không bình thường; nếu nói cô ta không bình thường, thì một lúc nào đó lại
thấy cô ta tuyệt đối bình thường.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra nói dối, cảnh
sát sàng lọc ra được một từ quan trọng: phản bội. Có phải Khúc Thiêm Trúc phát
hiện ra Triệu Tĩnh có hành vi phụ tình, sau đó cô giết anh ta không?

Nhưng đó chỉ là một từ, không thể coi là chứng cứ. Cảnh
sát thấy bí, không biết nên xử lý nghi phạm đặc biệt này ra sao. Cuối cùng họ
đành phải thả cô ta về nhà nhưng cấm đi khỏi thành phố, hễ cảnh sát triệu phải
có mặt ngay lập tức. Nghe nói sau khi Khúc Thiêm Trúc ra khỏi sở công an thì lập
tức rẽ vào một quán tạp hóa nhỏ mua cây kẹo dài ngậm luôn.

Triệu Tĩnh mất tích chỉ có Khúc Thiêm Trúc biết,
nhưng hình như cô ta bị cái gì đó chặn họng, hoặc là, bị ai đó rút mất trí nhớ…

Lục Lục quyết định tạm thời không đi phỏng vấn Khúc
Thiêm Trúc. Cô ta vừa bị công an phỏng vấn mấy lần, đang lúc nhạy cảm lại đến
phỏng vấn tiếp thì không thể khai thác được gì, chỉ khiến cô ta càng hoang mang
mà thôi. Cô ta đang ở trạng thái kỳ quái như thế, ngay công an còn không thẩm vấn
được điều gì, thì Lục Lục lại càng không thể tìm ra thông tin. Cô đoán chắc chắn
Khúc Thiêm Trúc đã bị một cú sốc ghê gớm nào đó, có lẽ ít hôm nữa sẽ dần bình
phục.

Lục Lục gọi điện cho Hảo Thiên Trúc, hỏi được số di
động của Khúc Thiêm Trúc. Cô muốn làm quen trước đã, rồi sẽ tiếp cận như một
người bạn, như thế sẽ có hiệu quả hơn. Hảo Thiên Trúc cũng cho biết người quản
lý quán trà cũng đã biết tin tức Khúc Thiêm Trúc được thả về, và cho rằng cô ta
bị bệnh tâm thần hiếm gặp, tiếp xúc bình thường không thể nhận ra. Người quản
lý quán trà đã gọi điện đến nhà Thiêm Trúc, nói rằng cô bỏ việc dài ngày nên bị
sa thải.

Lục Lục bèn gọi cho Khúc Thiêm Trúc, chuông reo rất
lâu mới thấy cô ta nghe máy. Một giọng nữ rất trầm.

“Ai đấy?”

“Là Khúc Thiêm Trúc phải không? Tôi là Lục Lục, bạn
của Hảo Thiên Trúc.”

“Cô là ai?”

Lục Lục chợt nhớ rằng Hảo Thiên Trúc từng nói tên Hảo
Thiên Trúc là tên cũ, tên mới đổi là Hảo Thiên Dực, ở khách sạn Tây Sơn đều gọi
cô ta bằng tên mới. Lục Lục bèn cải chính: “Tôi là bạn của Hảo Thiên Dực.”

“Chào cô.”

“Thiên Dực hay nhắc đến cô, tôi rất muốn làm quen với
cô. Tôi nói thế này có… đường đột quá không?”

“Không sao.”

“Tôi mới về thủ đô vài năm nay, rất ít bạn bè, bạn
cùng đi dạo phố cũng chẳng có. Hôm qua tôi đi hiệu mua hai cái mũ, một cái màu
đỏ, một cái màu đen, đều rất đẹp. Thiên Dực nói cô rất thích mũ, tôi muốn gửi
bưu điện tặng cô một cái.”

“Thế thì ngại quá. Tôi đã có rất nhiều mũ. Cảm ơn
nhé!”

“Mũ của con gái đâu phải để đội, mà là để ngắm
nghía. Tôi sẽ tặng cô chiếc màu đỏ, cô nhắn tin vào di động cho tôi biết địa chỉ
đi?”

“Được! Đúng là tôi rất thích mũ.”

Không ngờ hai bên nói chuyện rất ổn, từ chuyện mũ,
giày dép… câu chuyện dần trở nên thân thiết. Nhưng Lục Lục vẫn rất thận trọng để
giữ chừng mực, tuyệt đối không nhắc đến hai chữ bạn trai. Sắp ngừng điện thoại,
Khúc Thiêm Trúc có phần quyến luyến, nói: “Cô đừng quên, là chúng ta đã hẹn
nhau đi chơi phố đấy nhé.”

“Được.”

Chương
18: Người mù

Buổi chiều, Lục Lục và Chu Xung cùng ra ngoài.

Ngày mai là ngày 17 tháng 12, Chu Xung đi họp báo ở
Thượng Hải. Lục Lục đưa anh đi mua sắm quần áo.

Cả hai rất ít khi ra phố, Lục Lục rất mong trời đẹp,
nhưng chiều nay bầu trời tối sầm đầy mây đen. Mọi ngày trẻ con chạy nhảy nô đùa
khắp sân, nhưng hôm nay trời lạnh, chúng bị cha mẹ giữ ở nhà.

Chung cư của họ được sơn màu ghi, đứng sừng sững dưới
bầu trời âm u, chúng như chìm lẫn vào màu trời. Trong số các cửa sổ cao, Lục Lục
nhìn thấy có một ô cửa dán chữ Song Hỷ đã bạc màu.

Chu Xung định gọi tắc-xi, nhưng Lục Lục nói nên đi
tàu điện ngầm, vì lúc này là giờ đi làm nên đường rất đông. Chu Xung đồng ý. Muốn
đi tàu thì phải xuống hầm để vào ga. Cả hai đi xuống và không ngờ lại gặp người
ấy.

Lối đi xuống ga không đông người. Một thanh niên thấp
bé đang chơi ghi-ta và hát; hai phụ nữ bày bán găng tay, bít tất và bán các loại
kẹp văn phòng phẩm; một người đàn ông ngồi ở gần lối lên, tuổi ngoài bốn mươi,
tóc hơi dài, bù xù, mặc áo gió màu xanh, đeo kính râm kiểu cũ, bên cạnh dựng
cây gậy trúc, đầu gậy treo một lá cờ trên viết mấy chữ gì đó.

Lục Lục hỏi Chu Xung: “Ông ta ngồi đó làm gì nhỉ?”

Chu Xung đang bước lại gần cậu bé chơi đàn, đặt một
tờ tiền vào cái hộp sắt đặt trước mặt cậu ta. Sau đó anh quay lại bên Lục Lục:
“Em nói ai?”

Lục Lục khẽ nói: “Người đàn ông đang ngồi kia kìa…”

Chu Xung ngoảnh sang, rồi nói: “Anh không nhìn thấy.”

Lục Lục: “Người đeo kính râm, anh chưa thấy à?”

Chu Xung: “Em ơi, mắt em sao thế? Đó là người phụ nữ.”

Lục Lục lại nhìn lại, rõ ràng là người đàn ông, bèn
nói: “Người mặc áo gió màu xanh, anh nhìn lại đi! Là phụ nữ sao được?”

Lục Lục ngỡ Chu Xung đùa cô, nhưng trông anh rất
nghiêm túc. “Chính xác là phụ nữ.”

Lục Lục hơi choáng. Vẫn là một người đó, cô nhìn là
nam, Chu Xung nhìn là nữ.

Cô nói: “Anh đừng đùa em nữa, em sợ đấy!”

“Sao lại nhát thế? Được! Ừ thì nam.”

“Ông ta là ăn mày à?”

“Thầy bói.”

“Sao anh biết?”

“Là người mù. Đeo kính râm, lại có cây gậy kia nữa.”

Đúng thế, khi cả hai bước lại trước mặt người đó,
thì ông ta nói: “Hai người có định nghe nói mấy câu không?” Giọng ông ta không
trầm không cao, hơi khó phân biệt giới tính, lại không nói tiếng phổ thông, nên
rất khó nghe. Chu Xung đi thẳng, đáp: “Không.”

 

Lục Lục thì dừng lại, nhìn lá cờ treo trên cây gậy
trúc, cây gậy ấy không viết mấy chữ thường gặp như là “Thiết khẩu trực đoán”
hay “Thông thiên hiểu địa[1]… mà là một câu rất dễ hiểu: chúng ta mới chỉ biết
một nửa thế giới.

[1] Nghĩa là: Đã phán là trúng, hiểu rõ lẽ trời đất.

Câu này đã níu chân Lục Lục.

Cô nói: “Bác ơi bác có thể giải thích hàng chữ viết
trên lá cờ này không?”

Chu Xung nói: “Em làm gì thế?”

Lục Lục nắm tay Chu Xung ra hiệu.

Người mù nói: “Chỉ là một câu nói thật. Sống là ban
ngày, chết là ban đêm. Chúng ta mới hiểu ban ngày thôi.”

Lục Lục: “Tức là… bác hiểu về ban đêm?”

Người mù: “Đương nhiên. Thế giới của tôi là ban đêm
mà?”

Lục Lục: “Bác thử miêu tả một chút, tôi rất muốn
nghe.”

Người mù: “Người chết tựa như ngọn đèn tắt, nhưng
không có nghĩa là không còn gì nữa, chỉ là bỗng nhiên biến thành bóng tối,
trong cái thế giới tối đen, thể xác ta không còn nhưng ý thức thì vẫn tồn tại…
tựa như… để tôi nghĩ thêm… tựa như trạng thái cô đang nằm mơ. Cô hiểu rồi chứ?”

Chu Xung đứng bên quan sát người mù, ông ta có vẻ rất
hài hước. Anh đưa tay lật mặt sau lá cờ, không thấy viết chữ gì.

Lục Lục: “Tôi muốn biết về tương lai – bác có đoán
được không?”

Người mù: “Cô muốn biết về gì?”

Lục Lục: “Ví dụ… bạn trai tôi có phản bội tôi
không.”

Chu Xung ngẩn ra nhìn người mù, rồi lại nhìn Lục Lục.
Anh không ngờ Lục Lục lại hỏi câu này.

Người mù lắc đầu, nói: “Điều này thì tôi chịu không
đoán được. Nhưng tôi có thể cho cô biết một điều khác, nếu cô muốn nghe.” Rồi
ông ta, bằng một giọng rất kỳ dị, nói ra một câu khiến người ta phải lạnh gáy.
“Cô và chồng cô, ai chết trước.”

Chu Xung lập tức kêu lên: “Này, thầy bói đừng ăn nói
linh tinh! Nếu không nể thầy là phụ nữ thì tôi phải đá cho thầy một phát đấy!”

Lục Lục kinh ngạc ở chỗ Chu Xung nói ông ta là phụ nữ,
mà ông ta không hề cải chính, vẫn nhắc lại với Lục Lục và cũng là để cho Chu
Xung nghe: “Nếu cô muốn nghe.”

Lục Lục đưa ra tờ tiền mười đồng đặt vào tay người
mù, nói: “Không muốn. Cảm ơn bác.” Rồi nói với Chu Xung: “Chúng ta đi thôi!”

Chu Xung gạt tay Lục Lục ra, rồi ngồi xổm trước mặt
người mù, chẳng lịch sự gì hết, anh đưa tay đụng vào cái kính râm của thầy bói:
“Hôm nay tôi đi mua kính râm, thầy bán cho tôi được không?”

Người mù không đáp, chỉ mân mê tờ mười đồng, cẩn thận
gấp lại rồi cất vào túi áo; ông ta lại rút ra một mảnh giấy giơ về phía Lục Lục,
nói: “Tôi biếu cô cái này.”

Lục Lục cầm mảnh giấy, thấy không có chữ gì hết.

Người mù nói: “Lời giải ở trong đó, cô nên giữ cẩn
thận.”

Lục Lục khẽ nói: “Cảm ơn…” rồi cô khoác tay Chu Xung
bước đi.

Đi qua một chỗ rẽ, Chu Xung hỏi: “Trên đó viết những
gì?”

Lục Lục đưa anh mảnh giấy, nói: “Không viết gì cả.”

Chu Xung dừng lại, lật đi lật lại xem. Mảnh giấy rất
dày, rất trắng, bóng láng, phản chiếu ánh đèn dưới tuyến đường tàu điện ngầm.
Nhìn đi nhìn lại, rồi Chu Xung bỗng nói: “Có đấy!”

Lục Lục ngạc nhiên: “Sao em không nhìn thấy nhỉ?”

“Sờ thử xem!”

Lục Lục cầm mảnh giấy, xem kỹ… quả nhiên trên đó có
một khoảng tròn tròn hơi lồi lên, nó như một hình vẽ thì phải.

Cô ngờ ngợ nhìn Chu Xung: “Thế này là sao?”

“Mật mã Da Vinci.”

“Anh nghiêm túc một chút đi!”

“Chắc chắn là họ đưa ra một thứ mà em không hiểu, nếu
không, một tờ giấy bán những mười đồng thì quá đắt.”

“Chắc là hình vẽ này phải chứa đựng thông tin gì
đó.”

“Em cho rằng có thể là thông tin gì?”

“Em sao biết được?”

“Thế thì ai biết?”

“Em cũng chịu.”

Chu Xung quay lại, Lục Lục đuổi theo, hỏi: “Anh đi
đâu thế?”

“Anh sẽ nói chuyện với bà ta.”

“Nói chuyện gì?”

“Hỏi xem, như thế là ý gì.”

Lục Lục nghĩ là Chu Xung quay lại đánh người thầy
bói, bèn cố kéo lại: “Chúng ta đi mua quần áo!” Nhưng không được, cô đành đi
theo anh.

Cả hai trở lại chỗ cũ thì không thấy người mù ấy đâu
nữa, chỉ còn lại hai người bán hàng tạp hóa đang nói chuyện với nhau và cậu thiếu
niên đang đàn hát.

Lục Lục nhìn quanh bốn phía, băn khoăn: “Có lẽ người
ấy không muốn nói chuyện với chúng ta.”

Chu Xung: “Những kẻ chuyên bày trò bịp bợm bao giờ
chả có tật giật mình.”

Lục Lục: “Em có cảm giác vừa nãy ông ta ngồi đây chỉ
là để chờ chúng ta.”

Chu Xung: “Em lại bắt đầu nghi ngờ tưởng tượng đủ thứ
rồi!”

Cả hai đi về phía tàu điện ngầm.

Chu Xung: “Em thật dễ tin! Thời nay chỉ có các ông
bà già mới nghe bọn họ tán nhăng tán cuội thôi!”

Lục Lục im lặng. Họ bước đến chỗ máy bán vé tự động.
Chu Xung nói: “Liệu anh có phản bội em không, chi bằng em cứ hỏi thẳng anh.”

Lục Lục vẫn im lặng. Họ mua vé rồi ra sân ga chờ tàu
đến. Chu Xung lại nói: “Hay là… anh mua cho em cái ống nhòm nhìn cực xa, để em
lên nóc nhà mà nhìn tương lai?” Chu Xung đã nhận ra tâm trạng Lục Lục không ổn,
anh bèn tìm đánh lảng sang chuyện khác.

Lục Lục nhìn vào đường ngầm hun hút tối om, cô vẫn
không nói gì.

Chu Xung không nén được nữa: “Kìa sao thế? Em bị bà
thầy bói yểm bùa rồi à?”

Rốt cuộc cô cũng mở miệng: “Em nghĩ một chuyện…”

“Chuyện gì?”

Lục Lục hơi do dự, rồi nói: “Trong máy tính nhà
chúng ta có một đôi mắt, còn người thầy bói vừa rồi thì khiếm thị…”

Chu Xung chưa kịp hiểu ý Lục Lục là gì, anh ngẫm
nghĩ, rồi hít vào một làn khí lạnh: “Thế đấy! Phụ nữ rất hay liên tưởng đủ thứ!
Em lại dọa anh rồi?”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3