Ba Ngày Luân Lạc, chương 15, 16

Chương 15

Đi đến Nam Ngạn, trông thấy cầu, Đức reo lên:
- A, cái cầu thứ hai kia rồi! Hôm kia, tôi cứ ngong ngóng mãi mà chẳng thấy đâu. Thì ra vì mình đi chân. Thế là còn một cái cầu nữa là đến Hà Nội thôi. Rồi đến cầu sông Cái tức là Hà Nội rồi. Đến đấy thì tức khắc tôi lên xe về nhà.
- Thế tiền đâu mà giả?
Đức sung sướng, ôm lấy bạn:
- Anh chưa biết, tôi mà về tới nhà tôi thì bao nhiêu tiền cũng có. Cậu mợ tôi lại không mừng rú lên ấy à.
Rồi thì bỗng nó lại sầm mặt xuống. Ba ngày luân lạc đã đem đến cho nó nhiều ý nghĩa khác về cuộc đời.
- Mà bây giờ, có lẽ cậu mợ tôi đang khóc đây. Vì ba hôm nay, cậu mợ tôi không biết tôi đi đâu.
Cu Nhớn thấy bạn buồn, liền an ủi:
- Chắc là không khóc đâu. Đi vài ngày thì có gì mà phải khóc.
- À, anh khác, tôi khác. Anh đi đây, đi đó luôn. Mà tôi thì chưa rời khỏi nhà ra một bước. Đi đâu thì đã có cậu mợ tôi. Tôi chắc rằng bây giờ đang cho người đi tìm tôi đây này.
Nói xong, nó trông trước trông sau, tưởng chừng như những người đi tìm nó đang lảng vảng ở đâu đây.
Cu Nhớn thấy thế, cười:
- À, người nhà anh biết anh ở đâu đây mà tìm.
***
Cái buồn của Đức, chỉ khi trông thấy nước sông Cầu đỏ ngầu và chảy xiết là hết.
Cu Nhớn trỏ những thuyền đậu chi chít ở bờ:
- Đây gọi là bến nước mắm, vì những lái nước nắm từ Nghệ ra đỗ cả thuyền ở đây, nên gọi thế. Cả mạn Bắc Giang, ai muốn mua nước mắm cũng đến đây mua. Đấy, anh xem, người mua kẻ bán đông không. Bên kia là Thị Cầu, là phố, nhưng chúng mình đi Hà Nội thì cứ cầu mà đi thẳng, vào đấy vòng xa ra.
- Không, anh cho tôi vào đấy xem đã.
- Không có gì đâu, cũng phố xá như Bắc Ninh thôi. Thế thì sao bằng mình đi qua Bắc Ninh, rồi mình xem luôn thể. Lại là con đường mình đi, không mất thì giờ. Trước thầy tôi hay sang Bắc Ninh lắm. Tôi có đi theo hai lần, tôi biết rõ các phố cơ. Nhưng tôi nghe người ta nói Bắc Ninh vẫn chưa to, chưa đẹp bằng Hà Nội.
- Tôi không còn nhớ là chỗ nào nhưng tôi có đi xe ô-tô qua, tôi biết. Đâu bằng Hà Nội được, Hà Nội đẹp nhất và to nhất nước An nam mà lỵ.
- Phải rồi, ai cũng bảo thế cả. Lớn lên thế nào tôi cũng phải về xem Hà Nội mới được.
Đức nhìn bạn bằng con mắt cầu khẩn:
- Hay anh sang ngay ngày hôm nay với tôi? Sang nhà tôi, phải biết sướng lắm cơ! Cậu mợ tôi sẽ tử tế với anh như bu anh tử tế với tôi ấy. Cu Nhớn lắc đầu:
- Không được. Tôi còn phải đem tiền về nhà cơ mà. Với lại tôi chưa xin phép thầy bu tôi.
- Thế thì chốc nữa đến Yên Viên, anh xin phép thầy anh đi.
- Thầy tôi không cho đâu. Thầy tôi biết nhà còn chưa hết việc, thì giờ đâu mà đi chơi!
Đức biết không thể được, lặng im, nhưng từ đấy thì nó thấy se se ruột thế nào ấy.
Lên tới cầu sông Cầu, Cu Nhớn trỏ lên mạn thượng lưu:
- Lũ nhà kia là sở máy làm giấy cho chúng ta viết đấy.
Đức không nhìn nhà máy giấy. Nó nhìn dòng sông xa tít xa tắp, lẩn vào chân giời:
- Con sông này từ đâu lại nhỉ?
- Ai biết được, nghe người ta nói từ bên Tàu.
- Thế nó chảy về đâu?
- Nó chảy ra bể.
Đức quay lại, nhìn dòng nước chảy băng băng:
- Thế thì cũng xa nhỉ?
- Hẳn là xa chứ. Chẳng xa mà người ta lại gọi là đầu sông ngọn nguồn.
Đức bâng khuâng nhìn những xoáy nước đang xoáy ở dưới cột cầu:
- Thế nước ta có nhiều sông không nhỉ?
- Ồ, nhiều lắm lắm chứ. Tính làm sao cho hết được. Thì từ Hà Nội lên Bắc Giang là bốn sông rồi này.
- Thế anh có biết hết sông của nước ta không?
- Tôi không biết, nhưng tôi thuộc nhiều câu hát, vì thế tôi mới biết nước ta có nhiều sông đấy chứ.
- Câu hát thế nào? Anh hát cho tôi nghe. Tôi thích nghe anh hát lắm.
- Ai lại hát ở đây.
Rồi Cu Nhớn chỉ se sẽ đọc:
Thứ nhất sông Nến chảy ra,
Thứ hai ngòi Mỡ, thứ ba ngòi Dầu.
Sông Ngòm chửa thấm vào đâu,
Còn anh sông Đáy trọc đầu mà ra.
Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Những người lử khử lừ khừ,
Chẳng ở Đại Từ thì ở Vũ Nhai.
Mặt vàng đổi lấy mặt xanh,
Hai tay hai gậy, lạy anh sông Bờ.
Sông Thao nước đục người đen,
Ai lên phố Én cũng quên đường về.
Dù ai buôn đâu bán đâu,
Làm sao cho khỏi cầu Châu thì làm.
Đi bộ thì khiếp Hải Vân,
Đi thuyền thì khiếp sông Thần, hang Rơi,
Khôn ngoan qua cửa sông La,
Dễ ai có cánh bay qua luỹ Thày.
Nhớ anh tôi cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang rầy nay đã cạn,
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm.
Đức nghe xong, thú quá:
- Chà, nước ta có nhiều sông lạ nhỉ? Thế thì nước ta to lắm nhỉ?
- Chả to lại gọi là nước.
- Thế thì ai làm ra những bài hát như thế nhỉ?
Cu Nhớn nghĩ mãi không ra. Đức liền nói:
- Chắc là cái người đã đi khắp tất cả ngần ấy chỗ đấy. Trời ơi! Nhớn lên, chắc là tôi phải đi khắp cả nước An Nam.
***
Một tiếng còi tàu thủy rúc ở phía sau làm cho hai đứa giật mình, quay lại. Rồi thì Cu Nhớn vội giục Đức:
- Chết chửa, ta phải đi chứ, la cà mãi ở đây à? Tối mất!
Qua Bắc Ninh thì Đức đã thấy đói, vì buổi sáng nó ăn ít. Và từ đấy thì nó đã mệt lắm. Nhưng thấy bạn cứ đi thoăn thoắt, nó cũng cố. Cố mãi, cố mãi cho tới Lim thì Cu Nhớn trỏ một hàng nước:
- Thôi, ta nghỉ đây ăn cơm.
Đức mừng rú:
- Tôi cũng vừa muốn xin anh như thế. Tôi đói và mỏi từ Bắc Ninh cơ.
- Ồ, thế sao anh không bảo tôi?
- À, thấy anh như thế, tôi cũng phải cố chứ. Sao anh bằng tuổi tôi, anh lại đi khoẻ như thế được? Mà tôi thì lại không? Trời, thật giá anh không nghỉ lại thì có lẽ tôi lăn ra đây, không tài nào đi được nữa! Nhiều lúc, tôi chỉ muốn ngồi thụp xuống đường mà khóc lên thôi.
Cu Nhớn lại xuýt xoa:
- Ồ, thế tại làm sao anh không bảo? Anh bì với tôi thế nào được! Tôi đi quen rồi, mà anh thì chưa đi bao giờ.
Rồi vừa lau mồ hôi cho Đức, nó vừa bảo:
- Thì ra các cụ nói đúng thật. Ở đời, cứ cố là được đấy thôi mà.
Đức tháo giày:
- Nhưng tôi chỉ có thể cố tới đây thôi. Lúc nãy, tôi nhiều lúc thật là thở không ra hơi. Mà anh thì cứ cung cúc đi. Anh chả nhìn lại, anh không biết.
Rồi vén quần, giơ chân đọ với chân Cu Nhớn:
- Chân tôi to hơn chân anh, mà sao tôi yếu hơn chân anh nhỉ?
- Yếu thì có lẽ anh không yếu hơn. Nhưng tại anh chưa quen. Quen đi là không mỏi mệt. Anh không đi đâu bao giờ mà như thế là giỏi lắm. Tôi nhớ ba năm trước đây, khi thầy tôi cho tôi đi xem hội “Cát Tô”, lúc về, thầy tôi phải cõng tôi cơ mà. Chúng mình đi bây giờ là mùa rét còn đỡ chứ mùa nực thì phải biết, còn mệt gấp ba.
Đức lắc đầu, lè lưỡi:
- Mùa nực thì có lẽ tôi chịu. Ái dà, giá tôi biết thế này thì không khi nào tôi dám đi. Mà từ đây về Hà Nội, giá không cùng đi với anh thì có lẽ tôi cũng không đi được. Tôi thấy rời cả chân ra. À, thế mà lúc sáng thì tôi thấy khoẻ, tưởng chừng có thể đi cả ngày được. Anh nói đúng. Đi mãi rồi thì nó mỏi đi.
- Không sao. Anh đói và khát thì nó thế. Ăn cơm xong, nghỉ một lúc, thì lại đi được ngay. Hôm nay có anh, tôi vui chân mới đi xa thế được, chứ đi một mình thì tôi cũng mỏi chân, cứ phải nghỉ luôn.

Chương 16

Đức cứ vớ lấy bát nước chè tươi, toan ực cả một hơi. Cu Nhớn vội cản:
- Ấy, đừng! Uống thế thì chỉ tổ khát thêm. Anh phải uống từ từ, thì nó sẽ hết khát ngay. Với lại đương khi mệt và đói, không nên uống nhiều quá, nó õng ruột ra.
Bà hàng nước nghe Cu Nhớn nói thế, tủm tỉm cười:
- Cậu áo ta này như thế mà khôn ra phết:
Đức ngừng uống:
- Chả thế, tôi lại gọi là anh tôi.
Cu Nhớn vội vàng cải chính ngay:
- Không phải đâu! Bạn đấy thôi.
Uống nước xong, Đức ra ngồi nghỉ mát ở đầu ghế. Thấy nó ráo mồ hôi mồ kê, Cu Nhớn mới đem cơm ra. Miếng cơm nắm hôm nay nó ăn thật là tuyệt trần. Lại càng tuyệt trần, bởi vì bây giờ nó đã quen với nhọc nhằn, quen với mùi tân khổ. Lại càng tuyệt trần, bởi vì bây giờ nó biết miếng cơm nó ăn đây là mồ hôi nước mắt của bao người.
Cơm nắm, nắm đã mịn, lại săn, lại là chất gạo đỏ, ăn cứ ngọt lịm, lại chấm vào muối vừng mà bu thằng Cu Nhớn đã bảo rang nhạt, chà nó mới đậm miệng làm sao!
Bây giờ, Đức mới hiểu rằng sự ngon miệng phải mua bằng sự vất vả, bằng sự cật lực tay chân. Trước kia, nó ăn chẳng bao giờ thấy ngon cả, bởi chẳng bao giờ nó cất nhắc tay chân.
***
Bà cụ hàng thấy nó ăn ngon lành quá, liền hỏi:
- Chà! Cậu đi từ đâu về mà coi bộ đói thế?
Nó thích chí:
- Tôi đi từ Bắc Giang về đấy.
Bà cụ lè lưỡi:
- Chà! Nhỏ thế mà đi được à?
Nó cười:
- Tôi còn đi ra Hà Nội nữa cơ.
Bà cụ trầm trồ:
- Thế thì cậu giỏi quá! Trông người cậu thế, tôi tưởng cậu không đi được.
Nó nhìn Cu Nhớn một cách ý nghĩa:
- Trước kia thì tôi không đi được. Bây giờ tôi mới học đi đấy.
Bà cụ không hiểu cái nghĩa ngầm trong câu nói của nó:
- Phải rồi! Đi một ngày đàng thì học một sàng khôn, có phải không?
- Vâng, cháu vừa học được mấy sàng khôn chứ chẳng phải một sàng đâu.
Bà cụ gật gật đầu:
- Thế thì cậu có chí lắm. Bé mà đã biết đi để học.
Đức nghiêm ngay sắc mặt, và đặt tay lên đùi Cu Nhớn:
- Đây, ông thầy học của cháu đây.
Cu Nhớn thẹn quá, hất tay nó ra:
- Chỉ nói nhảm thôi nào!
Đức vẫn nghiêm trang:
- Thì không có anh, làm sao tôi biết được? Rồi anh xem, tôi nhớ anh cho đến suốt đời kia.
Cu Nhớn lại càng thẹn:
- Anh là chúa hay nói đùa. Lúc nãy đi bở mồ hôi tai ra, lại không thấy nói đùa.
***
Một bác hàng giò đi đón khách ở ga về, đặt rổ hàng cạnh chúng nó. Chà, cứ mùi chả, Đức đã thấy ngây ngất rồi. Đến khi trông thấy những miếng chả vàng ánh, nhưng khoanh giò mịn trắng, Đức ta thầm ước: Giá mình có một hào trong túi, hay chỉ năm xu thôi… Chà! Cơm nắm mà ăn với những khoanh giò kia thì còn ngon đến thế nào nữa.
Cu Nhớn nhìn con mắt nó, nhìn là hiểu ngay:
- À! Ta mua giò ăn đi, anh ạ.
Đức ta đã thèm chết đi, vẫn còn can đảm từ chối:
- Không, tôi không ăn. Cơm nắm ăn với muối vừng, ngon hơn nhiều chứ!
Từ chối mặc, Cu Nhớn cũng lần ở trong lưng ra hai xu, ném cho bác hàng giò:
- Cho tôi mua hai xu chả trâu.
Đức chối bai bải:
- Không, tôi đã bảo tôi không ăn mà, tôi không thích ăn mà.
Bác hàng giò nhạo ngay:
- Gớm, trông cậu người sang trọng thế, sao cậu hà tiện thế? Thì cậu ấy đã có lòng tốt đãi cậu mà.
Đức nói như một ông cụ:
- Tôi mới biết hà tiện đấy. Trước đây ba ngày, tôi còn vứt xu và hào đi kia.
Thấy bác hàng giò không tin, nó liền dắn tiếng:
- Tôi nói thật đấy.
Dù nó từ chối, thì miếng chả cũng đã cắt rồi, và Cu Nhớn cũng đã đem đặt lên cái mo cau cơm nắm rồi.
Đức nghĩ đến cái năm đồng xu mà Cu Nhớn bảo rằng để đong gạo, lòng thấy bồi hồi. Rồi trước khi cầm đến chả:
- Anh cũng phải ăn với tôi một nửa cơ.
Miếng chả trâu đen thui thủi, à, trước kia thì nó vứt đi, và nếu nó muốn ăn, thì mợ nó đã la ầm trời:
- Không được, không được! Thứ này ăn có sán.
Nhưng bây giờ, con người ta bao giờ lại chả là giống ăn thịt, bao giờ thịt ăn với cơm lại chẳng ngon hơn. Huống hồ đây lại là lấy ở cái số tiền gạo của gia đình bạn, huống hồ đây lại là cái tang chứng hảo tâm của một người bạn rất nghèo. A ha! Từ đây cho tới chết, chắc Đức ta không thể ăn một thứ gì ngon bằng cái miếng chả trâu đen thui thủi ấy nữa.
Cu Nhớn thấy nó ăn ngon quá, lòng cũng phơi phới:
- Hay ăn nữa, tôi mua?
Đức ta hoảng hốt:
- Không, không, tôi lạy anh, anh thương tôi với.
Cả bà cụ, cả bác hàng giò cũng phải bật phì cười:
- Thì không muốn ăn thì thôi, cái gì mà phải lạy như thế!
Cu Nhớn hiểu cái cớ tại làm sao bạn không muốn ăn, và xét thấy bạn thực không muốn ăn, không ép nữa.
***
Đức ăn cơm xong, vươn vai lên giời, thở một cái thở dài sung sướng. Bữa cơm hôm ấy, thật là bữa cơm ngon nhất của đời nó. Nó nhìn Cu Nhớn bằng một con mắt hân hoan:
- Chà! Đi với anh thú quá!
Cu Nhớn đỡ bát nước ở tay cụ hàng, đưa cho nó:
- Anh ăn mấy cái kẹo bột nhé:
Đức biết không thể từ chối được, vội vàng móc đồng xu trong túi mình:
- Nhưng anh phải để tôi giả tiền cơ.
Cu Nhớn cầm đồng xu, nhét giả vào túi cho nó, rồi sẽ rỉ vào tai nó:
- Thế từ Yên Viên về đến đầu cầu, lấy gì mà uống nước?
Đức nghe bạn nói có lý, không biết làm sao, vả mình đã trót nói rằng muốn ăn rồi.
Quả tình những cái kẹo này, nó ăn không thấy ngon mấy bởi vì nó cảm thấy nó lợi dụng cái tình bạn của Cu Nhớn.
Bà cụ hàng thấy hai đứa tranh nhau giả tiền, lại trầm trồ:
- Chà! Tôi chưa thấy hai cậu bé nào chơi với nhau thân thiết như hai cậu đấy! Hai cậu chắc quen nhau lâu lắm nhỉ?
Đức giả nhời ngay:
- Chúng tôi vừa mới quen nhau ngày hôm qua.
- Ồ, thế thì lạ nhỉ! Nhưng mới quen nhau mà đã vồ vập như thế thì rồi chóng phai.
Đức đứng phắt dậy, giơ hai tay lên giời:
- Không bao giờ phai cả. Chúng tôi sẽ chơi với nhau suốt đời.
***
Cơm no, lại gió hiu hiu, nó thấy hai mắt nó díp lại, không tài nào mở ra được nữa. Trong giấc ngủ, nó nằm mê thấy nó cùng với thằng Cu Nhớn cùng lớn lên, cùng vui vẻ với nhau cho tới chết.
Cu Nhớn thấy bạn mệt và buồn ngủ quá, chỉ giơ tay đỡ lấy đầu bạn, rồi để yên, chứ không đánh thức dậy để đi.
Cảnh thân thiết của chúng nó khiến cho cụ hàng phải bật ra:
- Giời ơi! Giá anh em ruột ở với nhau mà được như thế nhỉ! Cậu quen cậu ấy ở đâu thế?
Cu Nhớn nhìn bạn, rồi sẽ lắc đầu. Bà hàng hiểu ý Cu Nhớn muốn để cho Đức ngủ, nên lặng im, không hỏi nữa.
Đức ta khểnh một giấc dài, rồi thì bỗng dưng nó chồm dậy, gọi thét lên:
- Anh Cu Nhớn ơi! Anh Cu Nhớn ơi!
Cu Nhớn vội vàng ôm chặt lấy nó:
Đức từ từ mở mắt, rồi trông thấy Cu Nhớn đang ôm nó, nó vội ôm choàng lấy, rồi sung sướng:
- Ối giời ơi! Thế mà tôi cứ tưởng…
Cu Nhớn hiểu ngay:
- Anh nằm mê phải không:
Đức vuốt mắt, vuốt mặt:
- Phải rồi. Tôi nằm mê thấy tôi với anh đang cưỡi ngựa thì có một ông ba mươi chồm đến, vồ lấy anh.
Bà cụ nghe xong, cười khà khà:
- Mộng mị kể gì, cậu mệt nhọc thì cậu nằm mê thế thôi.
Cu Nhớn thì có những cảm tưởng và những cảm giác khác bà cụ:
- Lúc ấy, chắc anh lo sợ và thương tôi lắm, có phải không?
Đức đặt tay vào bụng mình:
- Giời ơi! Lúc ấy tôi thấy hóp cả ruột lại.
***
Thế là chúng nó uống mất hai xu nước, ăn mất hai xu chả. Thế là Cu Nhớn còn có hai xu và nó một xu.
Lúc ấy, nó mới bồi hồi nghĩ đến những đồng tiền mà nó phí phạm từ trước đến nay. Lúc ấy, nó mới bồi hồi nghĩ đến cách tiêu tiền của Cu Nhớn và bu Cu Nhớn.
Nó đặt tay lên đùi Cu Nhớn:
- Thôi, thế là anh tiêu mất cả cái số tiền dành để mua gạo rồi. Vì tôi mà anh tiêu như thế này. Trước kia, anh bảo anh chỉ tiêu mất có một xu thôi mà.
Cu Nhớn muốn cho nó yên tâm, nói ba hoa:
- Không sao! Không sao! Tôi ra thầy tôi thì khối tiền. Anh đừng lo! Anh đừng lo!
Phải, lo thì nó cũng không lo, với với một gia đình cần mẫn như thế, cái đói không thể đến được. Nó nghĩ lung lắm. Nó nghĩ về cách tiêu tiền của nó từ trước đến nay. Nó quyết định rằng từ nay, những đồng tiền mà cậu mợ nó cho để ăn quà, từ nay nó không tiêu nữa. Nó quyết bỏ ống để rồi sau sẽ gửi cho Cu Nhớn.
Sau khi thấy nó tỉnh ngủ rồi, Cu Nhớn lại mời nó:
- Ta uống bát nước, rồi ta đi đi.
Đời nào nó còn dám uống nữa. Nó chối lia:
- Không, vừa mới uống no cả bụng, uống làm gì nữa.
Cu Nhớn nhìn nó:
- Vừa mới ăn muối vừng, đi đường khát ngay.
- Không, không, tôi không uống được nữa.
Bà cụ biết chúng nó ít tiền lại nói:
- Không, các cậu cứ uống, tha hồ uống, tôi không lấy tiền nữa đâu.
Cu Nhớn vội vỗ vào bụng, nói ngay:
- Không, chúng tôi có tiền đây, không muốn uống đấy thôi.
Cái cử chỉ của Cu Nhớn làm cho Đức thấy ngay cái khẳng khái của Cu Nhớn trong cảnh nghèo. Nó thấy lo. Không biết rằng rồi đây, làm thế nào cho Cu Nhớn nhận những số tiền mà nó sẽ gửi?

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3