Ba Ngày Luân Lạc, chương 11

Chương 11

Giời chưa sáng rõ, Cu Nhớn tung chiếu dậy, rồi lay Đức:
- Dậy chứ, thổi cơm ăn, rồi còn đi chứ.
Đức ta có bao giờ quen dậy sớm như thế, thứ nhất là dậy trong một buổi sáng mùa đông, thứ hai là sau đi đã sống một đêm và một ngày như thế, cứ ú ớ mãi.
Cu Nhớn thấy thế, thương hại, quay đi. Nhưng nó vừa quay đi thì Đức đã cố thắng cơn rét, vùng dậy:
- Ấy, anh chờ tôi mấy!
Nhưng vì còn ngái ngủ, ra tới bờ hè, nó loạng choạng, vấp phải bực cửa, suýt ngã. Cu Nhớn díu nó đi xuống bếp, rồi đốt lửa to lên cho nó sưởi. Lúc ấy, nó mới tỉnh hẳn. Cu Nhớn tủm tỉm cười, hỏi nó:
- Thế anh không dậy sớm như thế này bao giờ à?
Nó lắc đầu:
- Không bao giờ cũng cứ bảy giờ hơn, tôi mới dậy. Mà cậu mợ tôi phải lay mãi, tôi mới dậy. Thế anh, bao giờ anh cũng dậy sớm như thế này ư?
- Bao giờ, tôi chả dậy như thế. Tôi thương bu tôi phải đi chợ mệt nhọc. Bao giờ tôi dậy, tôi cũng thổi cơm xong, rồi mới gọi bu tôi dậy ăn đi chợ.
- Thế sáng hôm qua?
- À, vì là còn cơm nguội. Với lại bu tôi định đi chợ sớm. Còn chúng tôi ăn sau.
Đức ta lại hỏi một câu vớ vẩn:
- Thế không phải ai gọi anh à?
- Ồ, lại còn phải gọi. Nhà này thì ai có thể gọi tôi, nếu không là bu tôi. Mà tôi thì muốn cho bu tôi ngủ thêm một chút để đi chợ cho khỏi mệt.
Nói song là nó cởi cạp quần, lấy một bao diêm ra:
- À, chỉ còn có hai que. Lại sắp phải mua diêm rồi. Một bao diêm, tôi dùng được một tháng cơ đấy. Chỉ có buổi sáng như thế này, sang gọi người ta bất tiện, chứ trưa thì tôi đi xin lửa.
- Anh tằn tiện quá nhỉ?
- Thì nhà nghèo phải tằn tiện thế. Bao diêm ít gì cũng một xu. Với lại không thế thì nó cũng phí của giời. Anh không nghe các cụ nói: “Phí của giờ, mười đời không có” hay sao?
Đức tủm tỉm cười:
- Anh không phí của giời, tại sao anh không có?
- À, tôi còn ít tuổi, kể gì. Rồi sau này tôi nhớn lên, tôi có có không. Ít gì, tôi cũng dành dụm tậu được bò chứ. Mà có bò thì ở làng tôi là giàu rồi. Anh mà phí của giời thì tuy bây giờ anh có, nhưng giời sẽ không cho anh có nữa chứ.
- Phải, anh nói phải, tôi hiểu rồi. Và không cứ giàu nghèo, cứ phí của giời, là không tốt rồi. Từ nay thì tôi cũng sẽ tằn tiện như anh. Nhà anh nghèo, mà bu anh tử tế với tôi quá.
Rồi ngập ngừng:
- Nhà anh thế mà hơn nhà tôi đấy.
***
Nồi cơm, Cu Nhớn chỉ thổi đánh nhoáng một cái là xong. Thấy giời còn tối, nó bảo Đức:
- Bây giờ, hãy còn sớm lắm. Để cho bu tôi và các em tôi ngủ một chút nữa. Bây giờ tôi đi tắm đây, anh có đi tắm với tôi không? Mà anh cũng nên đi tắm đi. Cả ngày hôm qua anh không tắm. Tôi sáng nào tôi dậy một cái thổi cơm là tôi tắm, vì người ta bảo tắm sớm khoẻ mạnh và thông minh.
Cứ cái cơ màu rét mướt như thế, Đức trông nước đã sợ rồi. Xưa nay thì nó có tắm nước lạnh bao giờ, thứ nhất là tắm sớm. Đến mùa nực, mợ nó còn bắt nó tắm nước ấm nữa là. Nhưng vì lòng muốn bắt chước bạn, nó thuận ngay.
Nhưng ở đời này, muốn là một lẽ khác, mà sức mình có thể làm được hay không lại là một lẽ khác.
Nó cứ cởi quần áo thì đã rét rồi, mà khi xuống tới nước thì nó run lên. Nhưng nó cắn răng chịu, không muốn cho bạn biết mình là một thằng hèn không chịu rét mướt.
Muốn cho khỏi rét, nó cũng bắt chước Cu Nhớn vùng vẫy để cho khỏi rét. Nhưng nó vùng vẫy đến đâu thì cái rét vẫn mạnh hơn nó là đứa mà da thịt chưa từng chịu quen cái thứ rét ghê gớm ấy bao giờ.
Lên đến bờ thì tay chân nó cóng cả. Gió sớm lại thổi những làn nhè nhẹ như quạt, thành thử nó bật lên đánh đàn mồm. Nhưng may, Cu Nhớn lại quay đi phía kia mặc quần áo nên không trông thấy nó run để cho nó kịp đủ thì giờ cắn hai hàm răng lại.
Về tới nhà, nó chạy vào bếp trước. Nó giơ hai tay hơ lên lửa, rồi nó cười bảo Cu Nhớn:
- Tôi muốn bắt chước cái gan anh, tắm sớm xem nó thế nào, chứ tôi thật chưa tắm nước lã, và tắm sớm bao giờ. Thật một suýt nữa thì chết rét.
Cu Nhớn nhe răng cười:
- Thế à? Thế mà tôi không biết đấy. Giời này đã rét gì. Đến tháng chạp thì phải biết, rét cóng cơ, thế mà sáng nào tôi cũng tắm ùm ùm. À mà anh bảo rét sao tôi không thấy anh run?
- Tôi thấy anh thế, tôi sợ xấu hổ, tôi cắn răng chịu, không dám run.
Cu Nhớn vỗ vào vai nó:
- Ồ, chỗ anh em, sao anh lại xấu hổ với tôi. Anh không quen thì có gì mà là xấu hổ. Thôi bây giờ, tôi đánh thức bu tôi dậy ăn cơm nhé. Chúng ta tí nữa còn phải đi chứ.
***
Xưa nay, không quen ăn cơm sáng bao giờ, Đức cố lắm mới nuốt trôi được có hai bát.
Mẹ Cu Nhớn thấy thế liền hỏi con:
- Mày có nắm cơm nhiều cho cậu ấy ăn không ấy?
- Có, đủ ăn. Với lại bây giờ, con ăn no rồi, đi đường con sẽ nhường cho anh ấy.
- Thôi, thế lên thay quần áo đi cho nó tươm tất, không đến đấy người ta lại cười thầy mày.
Khi Cu Nhớn xúng xính chiếc áo ba ga và chiếc quần trắng xuống thì các em nó trầm trồ:
- Chà, anh Cu Nhớn đẹp ghê!
Trái lại, thằng Đức thấy Cu Nhớn mặc thế thì chỉ xấu đi, chứ chẳng đẹp lên được tí nào. Nó thấy Cu Nhớn lúng túng trong áo chứ không được nhanh nhẹn gọn gàng như khi mặt những chiếc áo vá.
Bu nó lúc ấy mới quay sang hỏi thằng Đức:
- Thế cậu về tận Hà Nội có phải không?
- Vâng.
- Thế cậu đã đi bao giờ chưa?
- Tôi chỉ mới đi ô-tô thôi.
Bu Cu Nhớn thở dài:
- Giá tôi giàu thì tôi cũng đãi cậu xuất tàu để cho cậu về. Nhưng tôi không có. Đấy cậu xem, cháu cũng phải đi bộ đấy.
Đức vội vàng nói ngay:
- Thế này là bà cũng tử tế với con nhiều lắm rồi. Con cũng muốn đi bộ cho biết, với lại đi với anh ấy thì đi bộ càng thích. Anh ấy đi được thì con cũng đi được.
- Không, giá có tiền đi tàu thì cũng hơn.
Đức vội nói ngay, nhưng bu thằng Cu Nhớn thì không hiểu được nghĩa câu nói của nó:
- Không, con cho đi bộ tốt hơn.
Bu thằng Cu Nhớn lại tủm tỉm cười một cách đại lượng rồi quay sang con:
- Thế con đưa cậu ấy đến quá Yên Viên nhé. Còn từ đấy thì cậu ấy về Hà Nội một mình.
Lại quay sang Đức:
- Nhưng cậu có biết đường không đã chứ?
Đức chưa kịp trả lời thì Cu Nhớn đã nói ngay:
- Đường ở mồm ấy chứ ở đâu mà không biết. Với lại từ Yên Viên sang Hà Nội thì có một thôi đường thôi, chứ có bao nhiêu đâu. À mà đấy là quá Yên Viên cơ đấy. Thầy con bảo chỗ ấy gần huyện Gia Lâm, sang Hà Nội chỉ độ một loáng. Đứng trên cái đường đê ấy, trông thấy cái cầu Hà Nội rồi mà.
Đức nghe thấy thế vội vàng nói:
- Nếu thế thì con đi được.
***
Bu thằng Cu Nhớn trao gói quần áo và nắm cơm cho nó rồi cở hầu bao lấy ra năm xu:
- Đây cho anh em để đi uống nước. Và nếu có muốn ăn gì thì ăn.
Cu Nhớn từ chối ngay:
- Uống nước gì mà phải năm xu. Và có cơm nắm rồi còn phải ăn gì nữa. Mọi lần con đi, bu chỉ cho con có một xu là đủ thôi mà.
Rồi móc túi giơ đồng xu ra:
- Con có một xu của anh ấy cho con đây rồi, với lại anh ấy cũng còn một xu. Thôi, để năm xu ấy bu đong gạo.
Bu nó xoa đầu nó. Không nghe:
- Mọi lần, một mình khác, bây giờ có cậu ấy khác. Thôi con cứ cầm lấy, còn thừa thì mang về giả bu. À, nhớ cầm kỹ cái gói không nhỡ đứa nào nó giật mất đấy. Nhớ đi vào ven đường không xe cộ đấy.
- Ờ, thì con đi luôn con biết rồi, việc gì bu còn phải dặn.
- À, bảo thầy nhà bình yên cả, thầy có gửi tiền về thì con thắt vào thắt lưng tử tế nghe không?
Cu Nhớn ta bực:
- Thì con đi bao nhiêu lần, có mất mát lần nào đâu, mà bu cứ phải dặn mãi.
- Thế đi thì rồi mai về nhé, hay có mỏi chân thì đến ngày kia cũng được.
- Ồ, đi chơi như thế thì có gì mà mỏi. Mai con còn phải về để trông nhà cho bu đi chợ chứ.
Sự nó lúc nào cũng nghĩ đến nhà cửa khiến cho Đức phải nao nao và càng phải nghĩ đến sự mình ăn ở với cậu mợ và các em mình.
Lúc Cu Nhớn đi, nó xoa đầu các em nó một lượt:
- Ở nhà ngoan nhé. Rồi tao ra ngoài ấy tao bảo thầy mua quà cho nhé, và có cái gì hay hay thì tao sẽ lấy về cho nhé.
Các em nó đều mặt tiu nghỉu:
- Nhưng anh Cu Nhớn phải về ngay cơ.
Câu ấy làm cho Đức ta lại nghĩ đến sự khi nào nó đi đâu thì các em nó đều mừng. Mà nó ở nhà thì các em nó đều len lét.

Chương 12

Chúng nó dắt tay nhau ra đi một buổi sáng mùa đông giời đẹp như tô. Gió sớm thổi lướt trên những ngọn cây. Lá reo ào ào mà lòng chúng nó thì cũng thấy rộn rực vui sướng.
Sướng vì được cùng đi với nhau.
Sướng vì có một người bạn ở bên cạnh.
Sướng vì được tự do muốn làm gì thì làm, chẳng bị ai kiềm thúc.
Nhưng cái điều về sau này là về phần Cu Nhớn kia, chứ Đức ta thì từ xưa đến nay có bị kiềm thúc bao giờ, nó còn kiềm thúc người khác kia.
Đi qua cổng nhà nó một quãng, nó còn ngoái lại:
- Tôi đi thế mà chúng nó nhớ tôi đáo để đấy, anh nhé. Chúng nó ở gần tôi luôn rồi, xa tôi một tí là chúng nó nhao lên.
Đức ngùi ngùi hỏi bạn:
- Thế anh có nhớ chúng nó không?
- Nhớ lắm chứ lại. Tôi đi vắng, ở nhà bu tôi hay gắt với chúng nó lắm. Vì thế cho nên mấy lần tôi ra đây, thầy tôi giữ tôi ở lại tôi không đành lòng, cứ hôm sau là tôi về ngay.
Rồi thì nó quay lại hỏi Đức ta một câu nó làm cho Đức ta tưởng chừng thẹn cháy mặt:
- Thế anh đi như thế này, các em anh ở nhà nó có nhớ anh không?
Đức ta đã chết cả lòng ruột cũng phải nói đưa đà:
- Có chứ! Có chứ!
Thế chắc anh cũng nhớ chúng nó lắm đấy nhỉ?
- Nhớ lắm chứ! Nhớ lắm chứ!
Rồi thì sợ Cu Nhớn cứ cái đà ấy mà hỏi mãi, nó liền vội đánh trống lảng sang chuyện khác:
- Đây ra Hà Nội xa lắm đấy nhỉ?
Cu Nhớn trầm trộ:
- Lại chả xa! Chả xa lại mất những ba hào tàu!
Đức sực nhớ ra:
- Ồ, thế sao bác tôi bảo đi mất có hai giờ?
Cu Nhớn cười ngặt nghẽo:
- Hai giờ là đi tàu, đi ô tô kia chứ! Người nhớn thì phải mất nửa ngày. Mà trẻ con như chúng mình thì phải hơn.
Đức ta đập vào ngực thình thình:
- Ờ, thế ra tôi ngu quá, ngu hơn con lợn. Tôi cứ tưởng đi bộ mất hai giờ cho nên tôi mới dám đi, chứ thế này thì vía. Thảo nào mà tôi đi mãi không thấy cái cầu thôi.
- Cầu sông Cầu ấy phải không? Từ Bắc Giang lên cầu sông Cầu gần được nửa đường rồi đấy. Từ đây đến sông Cầu thì phải chục cây số đấy. Chúng mình thì phải mất ba giờ.
Đức ta lè lưỡi:
- Ồ, thế tôi biết đâu! Tôi ngu thật! Ngu như con lợn, có phải không, anh nhỉ?
Cu Nhớ cười tủm:
- Có phải ngu đâu. Anh nhầm đấy thôi!
Đức vỗ vào đít nó:
- Nhầm là ngu chứ còn là gì nữa! Anh lại cứ cãi cho tôi.
Rồi lẩm bẩm, như tự nhủ với mình:
- Tôi nhầm nhiều cái kia, chứ không phải một việc này mà thôi. Nhưng từ giờ thì tôi sẽ như anh, tôi sẽ không nhầm nữa.
Cu Nhớn rún vai và giơ tay như người lớn:
- Ô, thầy tôi bảo người ta lầm cho đến già kia ấy. Ai mà chả phải lầm. Mà bu tôi bảo người ta cứ biết đến đâu hay đến đấy, chứ không khôn được với giời đâu. Bu tôi bảo cứ tử tế thì giời thương đấy thôi. Anh tuy thế mà anh cũng tử tế cho nên anh mới gặp bu tôi. Chứ không thì gặp ma ấy à, cướp ấy à, thì phải biết, không còn sống được cho đến ngày hôm nay.
Đức ta rùng mình, rồi lè lưỡi, rồi nó ngẫm nghĩ mãi về cái điều tử tế của nó. Nhưng nó ngẫm nghĩ mãi nó cũng vẫn thấy từ trước đến nay, nó chẳng tử tế một tí nào.
Nó không tử tế với mợ nó, cũng như nó không tử tế với các em nó, cũng như nó không tử tế với các bè bạn nó, cũng như nó không tử tế với các đầy tớ nó.
Rồi thì nó đâm nghi câu cách ngôn của bu thằng Cu Nhớn:
- Tôi ấy à? Tôi đã bảo với anh rằng tôi hư lắm, tôi chẳng tử tế một tí nào.
Cu Nhớn nói bằng một giọng tin tưởng:
- Ồ, thế thì cậu mợ anh tử tế, ông bà anh tử tế. Bác tôi vẫn bảo rằng cha mẹ hiền lành để phúc cho con.
Điều này thì thằng Đức tin ngay. Cậu mợ nó thì tử tế với tất cả mọi người, mà nhất là tử tế với nó, nếu không thì nó hư hỏng như thế, cậu mợ nó dung thế nào được. Chà! Cứ nghĩ thế mà nó thấy thương cậu mợ nó rộn lên.
***
Ra tới đường thiên lý, Cu Nhớn trỏ bảo nó:
- Đây này, đường này lên Bắc Giang, đi qua Nghi Thiết, rồi tới cầu sông Thương. Đường này thì về thẳng Hà Nội này. Đi qua Sen Hồ, Đáp Cầu, Bắc Ninh, Lim, Phủ Từ, Yên Viên, rồi Gia Lâm, rồi Hà Nội. Đến cầu sông Cái rồi đến đấy.
Đức ta thấy nó đọc những tên tỉnh vanh vách, phục lắm:
- Ồ, sao anh đi qua mà anh nhớ được thế?
- Khó gì! Nghe mãi thì nhớ, mãi thì biết. Đây này, chúng ta đi một chốc thì đến Sen Hồ. Sen Hồ chẳng có cái gì đẹp cả, chứ Đáp Cầu thì vô số, có trại lính. Bắc Ninh thì có cái thành người ta bảo trước ta đánh nhau với Tàu ở đấy, có cái cột cờ xây đá ong vút trời kia.
Đức rủ ngay:
- Thế đi qua đấy anh đưa tôi vào xem nhé.
Cu Nhớn lắc đầu:
- Không. Chúng mình vào xem thì bao giờ đến nơi. Với lại bu tôi sai tôi đi công việc thế này, bu tôi không muốn tôi la cà ở đường. Bu tôi vẫn bảo phép làm con cha mẹ sai đi đâu thì phải đi đến nơi, về đến chốn.
Rồi nhìn Đức bằng một cái nhìn hóm hỉnh:
- Chúng mình tuy đi như thế này, chứ thầy bu chúng mình ở nhà nóng ruột lắm đấy chứ!
Câu ấy vụt làm cho Đức nhớ đến sự cậu mợ mong ngóng mình, càng mong ngóng vì không biết mình đi đâu. À, lúc ấy nó ước gì có đôi giày bảy dặm, bước mấy bước đến Hà Nội bảo cho cậu mợ biết, rồi lại quay lại đây, đi chầm chậm thôi, với thằng Cu Nhớn. Đến bây giờ nó mới thấy nóng ruột. Nó rảo cẳng bảo thằng Cu Nhớn:
- Ta đi mau lên một tí chứ?
Cu Nhớn giơ tay cản, rồi nói như một ông cụ:
- Phép đi đường trường, cứ phải từ từ mà đi. Nếu anh vội vàng hấp tấp như thế, thì chỉ từ đây đến Sen Hồ là anh bết gối, mà không bao giờ đến nơi. Cứ phải từ từ không vội được. Đằng nào cũng phải đến nơi.
Đức sực nhớ đến sự mình chạy ngày hôm trước, hiểu ngay:
- Ừ, anh nói phải.
Rồi đi chậm lại:
- Sao anh cũng bằng tuổi tôi mà anh biết nhiều thế nhỉ?
- Thì tại ai nói gì là tôi để ý tôi nghe, còn anh thì nói ai nói gì, anh không nghe cả.
***
Đi qua một bụi cây, nhìn thấy hai cây xoan con mọc chĩa ra, Cu Nhớn dừng lại:
- À, chúng mình phải mỗi đứa làm cái gậy.
Đức ta phản đối ngay:
- Ồ, chúng mình đi khoẻ thế này, việc gì phải gậy. Già thì mới phải chống gậy chứ.
- Ồ anh chưa biết! Bây giờ thì còn khoẻ thế! Chứ từ Bắc Ninh ra ấy à? Lại không chống lên gậy ấy à? Thầy tôi đi đâu xa bao giờ cũng mang một cái gậy. Với lại có gậy thì còn cái này nữa. Với những thằng bé chăn trâu thấy chúng mình cầm… binh khí như thế này, không dám trêu nữa. Lần trước, tôi đi một mình, gặp một đứa nó chửi, tôi phải im vì không muốn gây sự.
Nghe đến điều ấy, Đức ta biểu đồng tình ngay:
- Ừ, phải đấy. Tôi với anh, mỗi đứa một cái gậy. Đứa nào trêu, chúng mình diệt cho nó ốm xác.
Cu Nhớn giơ tay:
- Thôi, thôi, tôi can bác. Chúng mình đi cốt đến nơi, hơi đâu gây sự với chúng nó. Cầm gậy thế này để cho chúng nó sợ mà thôi.
Miệng tuy nói khôn thế, nhưng tính trẻ thì vẫn là tính trẻ. Sau khi bẻ hai chiếc gậy cầm ở tay rồi thì chúng nó tưởng mình là ông tướng ở chiến trường. Đức ta dửng mỡ, chọc Cu Nhớn trước, Cu Nhớn gạt, rồi Cu Nhớn quai Đức ta ở ngoài Hà Nội chỉ quen đấm đá xì xằng, thành ra không đỡ được, bị Cu Nhớn quai cho một cái vào cánh tay nên thân. Nó hét lên một tiếng, rồi buông gậy. Cu Nhớn cũng buông gậy, chạy lại:
- Có đau không? Tôi lại tưởng rằng anh đỡ được!
Đức ta đau, đau lắm. Từ tước đến giờ đã chưa ai giáng nó một gậy đau đến thế bao giờ. Nhưng sợ bạn buồn, nó cố nến:
- Không, không đau mấy.
Rồi nó cố cười:
- Hôm qua, tôi nghe thấy tiếng tù và kêu, tôi tưởng ma, tôi chạy, vấp vào cây duối, đau hơn nhiều. Thế nà đã thấm vào đâu.
Cu Nhớn xoa xoa cho nó:
- Ừ! Cũng đau chớ. Tôi quai thì phải biết! Cả xóm tôi, không thằng nào địch được. Trêu tôi thì tôi đánh phải biết!
Rồi nó cười ngặt nghẹo:
- Chúng mình đánh ai ốm xác chả thấy đâu, thấy chúng mình choảng phải nhau cái đã. Thôi, chả chơi dại. Đi, anh.
Vừa lúc ấy, thì một chiếc ô-tô vùn vụt đi qua. Đức ngó trâng:
- Trời ơi! Ô-tô nó đi nhanh thế kia thì mới hai giờ, chứ chúng mình đi chậm rì rì thế này, thì có đến hai mươi giờ. Thế mà hôm kia nghe bác tôi, tôi lại ngỡ là đi chân đất mất hai giờ, thế mới chết chứ.
Rồi Đức phá lên cười:
- Tôi về Hà Nội mà tôi bảo chúng nó rằng tôi đi bộ từ Bắc Giang về thì không đứa nào tin. Mà cậu mợ tôi nghe tôi nói thì phải phục tôi lè lưỡi.
Thốt nhiên, nó thấy sung sướng về chỗ đã làm cho cậu mợ nó phải phục nó. Nó phưỡng ngực lên, hít không khí. Rồi nó sung sướng bảo Cu Nhớn:
- Chà! Hôm trước tôi đi thì thấy mệt ghê! Hôm nay đi với anh thì chả thấy mỏi tí nào.
- Hôm trước, anh đi một mình. Hôm nay, anh đi hai người. Đi đường trường mà hai người thì chưa cười đã tới. Với lại bây giờ chúng mình mới đi. Thử đến Lim thôi, chứ đừng nói phủ Từ Sơn, lại không rã gối ấy à! Thế nào mà chúng mình chả ngồi nghỉ từ đấy đến đấy bao nhiêu chỗ. Bây giờ chúng mình còn khoẻ, chứ đi mãi thì nó mỏi dần đi chứ lại.
- Thế mọi lần anh đi từ đây ra Yên Viên, anh nghỉ mấy chỗ?
- Tôi đi lần trước giời nắng kia, cho nên tôi nghỉ luôn, nghỉ đến sáu bảy chỗ. Nhưng bây giờ giời rét, thì chỉ đến tỉnh lớn, mình nghỉ thôi.
- Thế từ đây đi Hà Nội với từ đây đi Yên Viên, xa hơn nhau bao nhiêu?
- Anh không đi bao giờ, nói thì anh không hiểu được. À, từ Yên Viên lên Hà Nội thì cũng bằng từ đây lên Phủ Lạng ấy. Nói thì anh hiểu chứ?
- Ồ, nếu chỉ thế thì tôi đi được, không sao.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3